Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện làm việc cho National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Trước hết, xin mời đọc tự truyện.
*
Tôi ra đi vào một buổi chiều cuối tháng 5 – năm 1983, dưới cơn mưa đầu mùa hòa lẫn với tiếng sấm ầm ì nghe như tiếng pháo kích của những ngày binh lửa xa xưa.
Sau bao nhiêu lần vượt biên thất bại, tôi trở về Bình Giả với hai bàn tay trắng, sống qua ngày với nghề dạy tiếng Anh “chui” cho con em những gia đình có diện đi đoàn tụ, hoặc đang nuôi mộng vượt biên như chính tôi.
Cũng nhờ việc dạy “chui” nên tôi đã gặp dịp may để ra đi. Tôi không muốn kể dông dài về chuyến vượt biên làm gì, nhưng chỉ muốn nhân dịp nầy nói lên lời tri ân chân thành của tôi đến 4 gia đình ở làng 3 đã chung nhau làm ghe và cho tôi một chỗ để ra đi.
Trước hết tôi phải kể tới gia đình anh chị Thái (đang ở Úc), gia đình anh chị San (đang ở California), gia đình anh chị Cẩn (xin dành một phút cầu nguyện cho linh hồn anh được hưởng vinh phúc trên thiên đàng và ơn an bình cho chị và các cháu hiện đang sinh sống ở Texas), và chị Dung cũng là người chị họ của tôi, nhưng nay không còn nữa. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria trả công bội hậu cho những người đã làm phúc cho con, những người còn đang sống cũng như đã lìa trần.
Trong cơn mưa chiều, tôi gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ hơn 2 tiếng đồng hồ từ Bình Giả ra Láng Cát cho kịp chuyến đi tối hôm đó. Giá như gia đình tôi có chiếc xe Honda, tôi có thể nhờ em tôi chở đi vì buổi chiều không còn xe đò nữa, nhưng biết làm sao hơn được vì gia đình tôi nghèo quá! Em trai tôi lúc bấy giờ chỉ là một thầy giáo dạy cấp I tại vùng kinh tế mới Xuân Sơn, lương không đủ sống nhưng phải cố giữ lấy nghề để tránh tình trạng đi “Nghĩa Vụ Quân Sự”.
Gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn vì lo cho anh em chúng tôi ăn học. Cha mẹ tôi sau khi di cư vào Bình Giả một thời gian, sau khi mất đi một người anh và một người chị của tôi từ lúc mới sinh qua những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất mới Bình Giả, nên đã theo người ta đi dinh điền lên Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long.
Sau khi sinh tôi, cha mẹ tôi ra đi khỏi Bình Giả vì sợ rằng tôi cũng sẽ không thọ được như anh chị tôi tại vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Trở về Bình Giả với hai bàn tay trắng, cha mẹ tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.
Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, phải ở lại lớp một năm nên tôi học trễ hơn bạn bè cùng tuổi 2 lớp. Lúc bấy giờ tôi thích lắm vì trong lớp mình lớn hơn các bạn nên lúc nào cũng được làm trưởng lớp. Tôi vui, nhưng cha tôi lo buồn lắm vì nghĩ tới lúc tôi phải đi lính sớm vì quá tuổi để được hoãn dịch và tiếp tục học lên cao. Cũng trong ý hướng đó, cha tôi đã theo những người quen biết lúc bấy giờ là cứ đứa anh lấy khai sinh đứa em để đi học. Điều đó cũng bình thường nếu em kế mình là con trai, chỉ khổ cho những người có đứa em kế là gái! Lúc bấy giờ tôi vẫn được gọi là “cu An”, nhưng tự nhiên thấy giấy tờ từ năm tôi học lớp nhất (về sau là lớp 5) đề tên là Tuyết để nộp đơn thi vào Tiểu Chủng Viện Phước Lâm (thuộc địa phận Xuân-Lộc). Điều đáng buồn là tên Tuyết theo nghĩa phải trắng trẻo, nhưng vì ngày ngày tôi vẫn phải đi chăn bò sau giờ học, giang nắng cả buổi nên da đen như thiểu số. Nhưng đó cũng là điều hay, vì tên là Tuyết nhưng da lại đen nên cả trường mấy trăm chú chủng sinh lớp lớn, lớp nhỏ ai ai cũng biết tôi vì cái tên lạ lùng ấy. Thôi, không nói dông dài nữa, để tôi kể tiếp chuyện tôi rời Bình Giả.
Hôm ra đi, tôi cũng có thể nhờ một vài người bạn thân quen chở đi, nhất là trong thời gian sau này, để trốn tránh cái nạn “Nghĩa Vụ Quân Sự”, tôi nhận làm kế toán trưởng cho tập đoàn Nông Cơ Bình Giả nên quen biết các chủ máy cày khá thân. Nhưng rồi tôi quyết định đạp xe đạp ra đi vì không muốn cả đám vượt biên bị lộ vì mình.
Rồi chúng tôi tới trại tỵ nạn Galang – Indonesia bằng yên sau 4 ngày vượt biển trên chiếc thuyền bằng tre nhỏ bé. Nhờ vốn liếng sinh ngữ Anh và Pháp từ những ngày trong chủng viện, tôi lên làm thông dịch viên cho Cao Uỷ Tỵ Nạn và tiếp tục dạy học kiếm thêm ít tiền còm phụ vào cơm Cao Uỷ nên cuộc sống ở trại tương đối thoải mái, mặc dầu tôi không có thân nhân ở nước ngoài. Đáng lẽ tôi có thể đi Úc hoặc Canada thật nhanh và dễ dàng, nhưng vì một vài lý do riêng tư, tôi chỉ muốn đi Mỹ, mặc dầu chẳng có diện gì để đi Mỹ cả! Nói theo ngôn ngữ của dân tỵ nạn lúc bấy giờ gọi là diện “hốt rác”.
Việc đầu tiên tôi làm khi tới trại tỵ nạn là lấy lại tên An để không phải làm trò cười cho bạn bè nữa, vì da tôi càng ngày càng đen sau những buổi lang thang trên bãi biển Galang. Lúc làm giấy tờ trong trại tỵ nạn, tôi cứ “thành thật khai báo” là đã từng ở trong chủng viện, nhưng vì muốn đi vượt biên nên xin ra đời, cha mẹ làm nghề nông ở Bình Giả, cá nhân tôi làm kế toán trưởng cho tập đoàn Máy Cày Bình Giả... Chính nhờ cái gốc Bình Giả mà tôi được nhận đi Mỹ sau khi từ chối đi Úc, mặc dầu tôi đã được phái đoàn Úc nhận!
Nhờ làm việc trên văn phòng Cao Uỷ nên tôi học lỏm được một điều là muốn được Mỹ phỏng vấn theo diện “chùa”, trước hết phải xin Pháp, Canada, và Úc từ chối (nói theo tiếng phe ta lúc bấy giờ là “bị xù”). Với Pháp và Canada thì tương đối dễ bị từ chối vì tôi chỉ nói không chịu được khí lạnh Canada vì có bệnh kinh niên (không cần nói là bệnh gì), còn Pháp thì chỉ nói không thích đế quốc là họ từ chối ngay.
Điều nan giải với tôi lúc bấy giờ là phái đoàn Úc. Nguyên việc xuất thân từ tỉnh Phước Tuy là đã đủ tiêu chuẩn để được Úc nhận rồi, vì trong cuộc chiến, Úc đã “đỡ đầu” cho tỉnh Phước Tuy, thêm vào đó tôi đang làm việc cho văn phòng Cao Uỷ nên sinh ngữ không thành vấn đề. Tôi tìm cách từ chối, nhưng mấy nhân viên phái đoàn Úc cứ ghi vào hồ sơ là đủ tiêu chuẩn đi Úc. Lúc bấy giờ anh Thái (chủ ghe cho tôi đi) cứ bảo tôi là ông thầy đi Úc cho vui, nhưng tôi cứ ỡm ờ qua bữa, tìm cách trốn phái đoàn Úc và chờ đi Mỹ.
Lúc bấy giờ tôi đã quen biết khá nhiều nhân viên Cao Uỷ và phái đoàn các nước trong trại tỵ nạn Galang, nên họ nhờ mỗi tuần lên dạy tiếng Việt 3 tối cho nhân viên Cao Uỷ và các phái đoàn. Chính nhờ cái việc chỉ được trả lương mỗi tối một bữa cơm này đã tạo dịp may cho tôi đi Mỹ.
Lúc bấy giờ trong phái đoàn Mỹ có ông “Ba Gà Đá”, là người Mỹ lấy vợ Việt Nam, và biết nói tiếng Việt rất sành sõi đủ giọng Bắc Trung Nam. Trong một lần ghé qua xem cách tôi dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc, ông ta hỏi tôi một câu bằng tiếng Việt:
- Quê mày ở đâu bên Việt Nam"
Ông ta hỏi tôi câu này vì thỉnh thoảng nghe tôi nói giọng Trung với bà con ta, bình thường lại nói tiếng Bắc, lúc vui cũng pha trò một vài câu giọng Nam.
Vì đã nghe nói về thành tích của ông “gà đá” này nên tôi cũng hơi run run, chỉ nhỏ nhẹ trả lời:
- Tôi ở nhiều nơi khác nhau, nhưng tôi chọn Bình Giả làm quê hương vì tôi được sinh ra ở đó, và cũng ra đi từ đó.
Tôi nói thế vì từ lúc sơ sinh, cha mẹ tôi đã dẫn dinh điền ở Phước Long, mới về Bình Giả được vài năm tôi lại đi chủng viện, mãi tới năm 1979 mới thực sự trở về Bình Giả...
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe ông ta nói lại:
- Có phải Bình Giả trong bài hát “Kỷ Vật Cho Em” của Phạm Duy không"
- Đúng thế.
- Dạy xong mày qua phòng tao nói chuyện. OK"
- OK.
Nói thế rồi ông ta về phòng. Anh chàng Mỹ lấy vợ Việt này có biệt danh là “gà đá” vì ông ta loại đi rất nhiều hồ sơ đi Mỹ, cho dẫu là người có diện cựu quân nhân, và trên bắp tay có xâm hình con gà đá (gà chọi). Biết là gặp phải thứ dữ của phái đoàn Mỹ nên sau giờ dạy tiếng Việt, tôi thầm thì đọc một kinh Kính Mừng trước khi bước qua phòng của “Ba Gà Đá”.
Tôi chưa kịp đưa tay gõ cửa, ông ta đã bước ra:
- Đi một vòng Galang, vừa đi vừa nói chuyện. Cho mày gói thuốc Malboro đây.
- Cám ơn ông Ba.
- Cứ gọi tao là Bill được rồi.
Con viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của con đối với cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục con nên người. Bây giờ cha không còn nữa, nhưng con vẫn ghi sâu trong tâm khảm những lời dạy dỗ của cha từ khi con còn thơ bé. Những lúc gian nan vất vả, con vẫn nghĩ nhiều về tấm lòng hy sinh tận tuỵ của cha mẹ để tạo điều kiện cho anh em chúng con được ăn học cho bằng người ta, để cố gắng vươn lên, không thất vọng, nản chí. Con xin được ghi nhớ công ơn tất cả mọi người: Các cha, các thầy cô và anh em bà con đã giúp con cách này hay cách khác cho con có đủ “hành trang vào đời”.
Nguyễn Duy-An