Hôm nay,  

Từ Bình Giả Tới Hoa Thịnh Đốn

21/05/200500:00:00(Xem: 171985)
Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 752-1331-98-vb6200505

Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện làm việc cho National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Trước hết, xin mời đọc tự truyện.
*

Tôi ra đi vào một buổi chiều cuối tháng 5 – năm 1983, dưới cơn mưa đầu mùa hòa lẫn với tiếng sấm ầm ì nghe như tiếng pháo kích của những ngày binh lửa xa xưa.
Sau bao nhiêu lần vượt biên thất bại, tôi trở về Bình Giả với hai bàn tay trắng, sống qua ngày với nghề dạy tiếng Anh “chui” cho con em những gia đình có diện đi đoàn tụ, hoặc đang nuôi mộng vượt biên như chính tôi.
Cũng nhờ việc dạy “chui” nên tôi đã gặp dịp may để ra đi. Tôi không muốn kể dông dài về chuyến vượt biên làm gì, nhưng chỉ muốn nhân dịp nầy nói lên lời tri ân chân thành của tôi đến 4 gia đình ở làng 3 đã chung nhau làm ghe và cho tôi một chỗ để ra đi.
Trước hết tôi phải kể tới gia đình anh chị Thái (đang ở Úc), gia đình anh chị San (đang ở California), gia đình anh chị Cẩn (xin dành một phút cầu nguyện cho linh hồn anh được hưởng vinh phúc trên thiên đàng và ơn an bình cho chị và các cháu hiện đang sinh sống ở Texas), và chị Dung cũng là người chị họ của tôi, nhưng nay không còn nữa. Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria trả công bội hậu cho những người đã làm phúc cho con, những người còn đang sống cũng như đã lìa trần.
Trong cơn mưa chiều, tôi gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ hơn 2 tiếng đồng hồ từ Bình Giả ra Láng Cát cho kịp chuyến đi tối hôm đó. Giá như gia đình tôi có chiếc xe Honda, tôi có thể nhờ em tôi chở đi vì buổi chiều không còn xe đò nữa, nhưng biết làm sao hơn được vì gia đình tôi nghèo quá! Em trai tôi lúc bấy giờ chỉ là một thầy giáo dạy cấp I tại vùng kinh tế mới Xuân Sơn, lương không đủ sống nhưng phải cố giữ lấy nghề để tránh tình trạng đi “Nghĩa Vụ Quân Sự”.
Gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn vì lo cho anh em chúng tôi ăn học. Cha mẹ tôi sau khi di cư vào Bình Giả một thời gian, sau khi mất đi một người anh và một người chị của tôi từ lúc mới sinh qua những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất mới Bình Giả, nên đã theo người ta đi dinh điền lên Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long.
Sau khi sinh tôi, cha mẹ tôi ra đi khỏi Bình Giả vì sợ rằng tôi cũng sẽ không thọ được như anh chị tôi tại vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long. Trở về Bình Giả với hai bàn tay trắng, cha mẹ tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.
Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, phải ở lại lớp một năm nên tôi học trễ hơn bạn bè cùng tuổi 2 lớp. Lúc bấy giờ tôi thích lắm vì trong lớp mình lớn hơn các bạn nên lúc nào cũng được làm trưởng lớp. Tôi vui, nhưng cha tôi lo buồn lắm vì nghĩ tới lúc tôi phải đi lính sớm vì quá tuổi để được hoãn dịch và tiếp tục học lên cao. Cũng trong ý hướng đó, cha tôi đã theo những người quen biết lúc bấy giờ là cứ đứa anh lấy khai sinh đứa em để đi học. Điều đó cũng bình thường nếu em kế mình là con trai, chỉ khổ cho những người có đứa em kế là gái! Lúc bấy giờ tôi vẫn được gọi là “cu An”, nhưng tự nhiên thấy giấy tờ từ năm tôi học lớp nhất (về sau là lớp 5) đề tên là Tuyết để nộp đơn thi vào Tiểu Chủng Viện Phước Lâm (thuộc địa phận Xuân-Lộc). Điều đáng buồn là tên Tuyết theo nghĩa phải trắng trẻo, nhưng vì ngày ngày tôi vẫn phải đi chăn bò sau giờ học, giang nắng cả buổi nên da đen như thiểu số. Nhưng đó cũng là điều hay, vì tên là Tuyết nhưng da lại đen nên cả trường mấy trăm chú chủng sinh lớp lớn, lớp nhỏ ai ai cũng biết tôi vì cái tên lạ lùng ấy. Thôi, không nói dông dài nữa, để tôi kể tiếp chuyện tôi rời Bình Giả.
Hôm ra đi, tôi cũng có thể nhờ một vài người bạn thân quen chở đi, nhất là trong thời gian sau này, để trốn tránh cái nạn “Nghĩa Vụ Quân Sự”, tôi nhận làm kế toán trưởng cho tập đoàn Nông Cơ Bình Giả nên quen biết các chủ máy cày khá thân. Nhưng rồi tôi quyết định đạp xe đạp ra đi vì không muốn cả đám vượt biên bị lộ vì mình.
Rồi chúng tôi tới trại tỵ nạn Galang – Indonesia bằng yên sau 4 ngày vượt biển trên chiếc thuyền bằng tre nhỏ bé. Nhờ vốn liếng sinh ngữ Anh và Pháp từ những ngày trong chủng viện, tôi lên làm thông dịch viên cho Cao Uỷ Tỵ Nạn và tiếp tục dạy học kiếm thêm ít tiền còm phụ vào cơm Cao Uỷ nên cuộc sống ở trại tương đối thoải mái, mặc dầu tôi không có thân nhân ở nước ngoài. Đáng lẽ tôi có thể đi Úc hoặc Canada thật nhanh và dễ dàng, nhưng vì một vài lý do riêng tư, tôi chỉ muốn đi Mỹ, mặc dầu chẳng có diện gì để đi Mỹ cả! Nói theo ngôn ngữ của dân tỵ nạn lúc bấy giờ gọi là diện “hốt rác”.
Việc đầu tiên tôi làm khi tới trại tỵ nạn là lấy lại tên An để không phải làm trò cười cho bạn bè nữa, vì da tôi càng ngày càng đen sau những buổi lang thang trên bãi biển Galang. Lúc làm giấy tờ trong trại tỵ nạn, tôi cứ “thành thật khai báo” là đã từng ở trong chủng viện, nhưng vì muốn đi vượt biên nên xin ra đời, cha mẹ làm nghề nông ở Bình Giả, cá nhân tôi làm kế toán trưởng cho tập đoàn Máy Cày Bình Giả... Chính nhờ cái gốc Bình Giả mà tôi được nhận đi Mỹ sau khi từ chối đi Úc, mặc dầu tôi đã được phái đoàn Úc nhận!
Nhờ làm việc trên văn phòng Cao Uỷ nên tôi học lỏm được một điều là muốn được Mỹ phỏng vấn theo diện “chùa”, trước hết phải xin Pháp, Canada, và Úc từ chối (nói theo tiếng phe ta lúc bấy giờ là “bị xù”). Với Pháp và Canada thì tương đối dễ bị từ chối vì tôi chỉ nói không chịu được khí lạnh Canada vì có bệnh kinh niên (không cần nói là bệnh gì), còn Pháp thì chỉ nói không thích đế quốc là họ từ chối ngay.
Điều nan giải với tôi lúc bấy giờ là phái đoàn Úc. Nguyên việc xuất thân từ tỉnh Phước Tuy là đã đủ tiêu chuẩn để được Úc nhận rồi, vì trong cuộc chiến, Úc đã “đỡ đầu” cho tỉnh Phước Tuy, thêm vào đó tôi đang làm việc cho văn phòng Cao Uỷ nên sinh ngữ không thành vấn đề. Tôi tìm cách từ chối, nhưng mấy nhân viên phái đoàn Úc cứ ghi vào hồ sơ là đủ tiêu chuẩn đi Úc. Lúc bấy giờ anh Thái (chủ ghe cho tôi đi) cứ bảo tôi là ông thầy đi Úc cho vui, nhưng tôi cứ ỡm ờ qua bữa, tìm cách trốn phái đoàn Úc và chờ đi Mỹ.
Lúc bấy giờ tôi đã quen biết khá nhiều nhân viên Cao Uỷ và phái đoàn các nước trong trại tỵ nạn Galang, nên họ nhờ mỗi tuần lên dạy tiếng Việt 3 tối cho nhân viên Cao Uỷ và các phái đoàn. Chính nhờ cái việc chỉ được trả lương mỗi tối một bữa cơm này đã tạo dịp may cho tôi đi Mỹ.
Lúc bấy giờ trong phái đoàn Mỹ có ông “Ba Gà Đá”, là người Mỹ lấy vợ Việt Nam, và biết nói tiếng Việt rất sành sõi đủ giọng Bắc Trung Nam. Trong một lần ghé qua xem cách tôi dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc, ông ta hỏi tôi một câu bằng tiếng Việt:
- Quê mày ở đâu bên Việt Nam"
Ông ta hỏi tôi câu này vì thỉnh thoảng nghe tôi nói giọng Trung với bà con ta, bình thường lại nói tiếng Bắc, lúc vui cũng pha trò một vài câu giọng Nam.
Vì đã nghe nói về thành tích của ông “gà đá” này nên tôi cũng hơi run run, chỉ nhỏ nhẹ trả lời:
- Tôi ở nhiều nơi khác nhau, nhưng tôi chọn Bình Giả làm quê hương vì tôi được sinh ra ở đó, và cũng ra đi từ đó.
Tôi nói thế vì từ lúc sơ sinh, cha mẹ tôi đã dẫn dinh điền ở Phước Long, mới về Bình Giả được vài năm tôi lại đi chủng viện, mãi tới năm 1979 mới thực sự trở về Bình Giả...
Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe ông ta nói lại:
- Có phải Bình Giả trong bài hát “Kỷ Vật Cho Em” của Phạm Duy không"
- Đúng thế.
- Dạy xong mày qua phòng tao nói chuyện. OK"
- OK.
Nói thế rồi ông ta về phòng. Anh chàng Mỹ lấy vợ Việt này có biệt danh là “gà đá” vì ông ta loại đi rất nhiều hồ sơ đi Mỹ, cho dẫu là người có diện cựu quân nhân, và trên bắp tay có xâm hình con gà đá (gà chọi). Biết là gặp phải thứ dữ của phái đoàn Mỹ nên sau giờ dạy tiếng Việt, tôi thầm thì đọc một kinh Kính Mừng trước khi bước qua phòng của “Ba Gà Đá”.
Tôi chưa kịp đưa tay gõ cửa, ông ta đã bước ra:
- Đi một vòng Galang, vừa đi vừa nói chuyện. Cho mày gói thuốc Malboro đây.
- Cám ơn ông Ba.
- Cứ gọi tao là Bill được rồi.


Chúng tôi vừa bước ra khỏi “Staff House”, Bill lên tiếng:
- Tao có người bạn chết ở Bình Giả. Không bao giờ tao quên cái làng đó, kể từ đầu năm 1965, lúc tao theo trực thăng tới lấy xác người bạn không còn nhìn ra hình người nữa. Tao để ý thấy mày nói chuyện với mấy người Việt-Nam nghe giống giọng nói ở đó nên hỏi thăm, không ngờ mày lại là người ở đó.
- Lúc đó tôi còn bé tý, và cũng không ở Bình Giả nên không biết gì nhiều về trận đó.
- Tao biết chứ, mày có bao nhiêu tuổi, cho dẫu ở đó cũng chẳng nhớ gì, có điều tự nhiên hồi chiều nghe giọng nói của mày trên Văn Phòng Cao Ủy, tao muốn gặp mày, hỏi thằng Joe nó bảo tối nay mày lên dạy tiếng Việt ở “Staff House” nên tao đến gặp mày nói chuyện.
- Cám ơn.
- Tao cũng biết nhiều người Việt Nam ghét tao, nhưng tao “đá” tụi nó vì nó khai đầu đuôi bất nhất, lại không có giấy tờ chứng minh, làm sao kiểm chứng được.
- Tôi hiểu.
- Riêng mày, có cần giúp đỡ gì không"
- Nói thật nhé. Tôi muốn đi Mỹ, nhưng chẳng có diện gì cả! Tôi đã bị Pháp và Canada đá, nhưng tụi Úc nó không chịu đá nên phái đoàn Mỹ không mở hồ sơ theo diện nhân đạo.
- Mai tao mở cho, vì mày “đến từ Bình Giả”. Tao giúp mày để nhớ người bạn đã chết trong trận Bình Giả, và đã được dân chúng ở đấy gánh xác về.
- Thật nhé"
- Tao có lừa người Bình Giả bao giờ chưa"
Chúng tôi còn nói nhiều chuyện khác, nhưng đầu óc tôi chẳng còn nhớ gì nữa cả, chỉ mong cho đêm chóng tàn để “trời lại sáng”.
Và quả thật, Bill đã giữ lời hứa. Chiều hôm sau tôi được phái đoàn Mỹ gọi lên phỏng vấn, điền đơn đi Mỹ theo diện nhân đạo. Với tôi, đó là phép lạ. Tôi còn được Mỹ nhận trước một vài người tới đảo cùng ngày, lại có giấy tờ lính tráng...
Lúc qua bàn “hướng nghiệp” để quyết định sẽ về đâu bên Mỹ trước khi lên “tuyên thệ” ở bàn “Ba Gà Đá”, tôi mừng quá nên trả lời đi đâu cũng được, vì tôi chẳng có thân nhân bà con ở Mỹ, chỉ một vài người quen sơ nên không dám làm phiền. Đây chính là cái sai lầm đầu tiên trong đời tỵ nạn của tôi.
Thế là tôi được Mỹ nhận dưới diện mồ côi. Tôi vui mừng không bút mực nào tả được, cùng bạn bè tiệc tùng lai rai cho tới ngày đi học khóa “Cultural Orientation” chuẩn bị lên đường đi Mỹ. Nhưng than ôi, nơi tôi đến lại là một vùng quê hẻo lánh, một nông trại nhỏ bé cách thành phố Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania hơn một tiếng đồng hồ lái xe.
Tôi nhớ mãi những ngày đầu gian khổ đó, và nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của gia đình đang lây lất qua ngày ở thôn Bình để làm động lực thúc đẩy mình vươn lên.
Tôi được đón về nhà người bảo trợ vào khoảng 11 giờ khuya ngày 2 tháng 8 năm 1984, và được mời dùng bữa cơm tối nấu bằng gạo trộn lẫn với bơ, đậu xanh, và nhiều thứ khác nữa, trông như một tô cám heo con nên tôi rớt nước mắt ngồi nhâm nhi thật chậm, trong khi ông bà bảo trợ và đứa con trai 19 tuổi ngồi nhìn, vì cả nhà đã dùng cơm tối trước khi ra phi trường đón tôi.
Nhâm nhi được vài miếng, tôi làm bạo hỏi xin một miếng bánh mì vì không tài nào nuốt nổi cơm nấu theo kiểu Mỹ. Ông bà bảo trợ nghe thế mừng lắm, vì họ sợ tôi không ăn được bánh mì nên đã nấu riêng nồi cơm đặc biệt đó đón tôi, vì họ được hướng dẫn là người Việt chúng ta chỉ ăn cơm hằng ngày.
Sau bữa tối, cả nhà đi ngủ sau khi chỉ cho tôi một phòng nhỏ có chăn gối đầy đủ. Tôi trằn trọc mãi vì lạ nhà, lạ giờ, và buồn tủi cho số phận. Tôi nuôi mộng sang Mỹ nếu không đi tu nữa cũng phải học cho đến đầu đến đũa, nay lại lọt vào một nông trại xa xôi hẻo lánh thế này, chẳng biết than thở cùng ai!
Mãi tới gần sáng tôi mới chợp mắt được mấy phút thì đứa con trai người bảo trợ gọi dậy ăn sáng và ra đồng. Nó nhờ tôi sửa cái máy cày bị hư cả tháng trước đang nằm giữa ruộng bắp. Tôi chẳng biết một tý gì về máy móc nên dở khóc dở cười. Tôi giải thích sao nó cũng chẳng chịu nghe, cứ luôn miệng bảo tôi “give it a try”. Mấy ngày sau tôi mới khám phá ra là người ta bảo trợ tôi vì nghĩ tôi làm nghề nông rất giỏi, lại trông coi máy cày ở Bình Giả. Đúng là tờ giấy khai lý lịch đã hại tôi rồi.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê, nhưng từ bé tới lớn, tôi chỉ biết chăn bò rồi đi học thôi. Tôi nhớ mãi những lời nhắc nhủ của cha tôi mỗi lúc anh em chúng tôi chán học: “Các con cố gắng mà học, đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.” Chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà tôi đã tìm mọi cách để rời nông trại, tự đi tìm cho mình một tương lai.
Cũng may là người bảo trợ ngoài việc cho tôi nơi ăn chốn ở, mỗi ngày cũng trả cho tôi 20 dollars, nên sau mấy tháng tôi đã để dành được một ít tiền để ra đi.
Trong thời gian ở nông trại, tôi liên lạc thư từ về Việt Nam cũng như với bạn bè quên biết để tìm chỗ ra đi. Thật may cho tôi: Trong thời gian còn là chủng sinh, nhờ cha bố là linh mục Trần Đình Trọng, chánh xứ Vinh Trung, tôi quen biết cha Trần Duy Nhất lúc đó ngài ở Vũng Tàu, nay nghe tin ngài đang trông coi một cộng đoàn Việt Nam ở Falls Church, tiểu bang Virginia. Tôi cũng có người bạn quen bên trại tỵ nạn định cư ở vùng này, nên tìm cách liên lạc và quyết định sẽ dọn về đó. Người bạn tôi không có đạo và cũng mới qua nên không biết có cha Nhất ở đó hay không, nhưng bảo tôi cứ xuống, cùng lắm kiếm việc gì làm sống qua ngày cũng được.
Thực tình mà nói, nếu chỉ muốn sống qua ngày thì tôi cứ ở ngay tại nông trại còn tốt hơn. Cũng có một vài người quen rủ tôi dọn về vùng New Orleans, Houston hoặc San Jose, nhưng vì cứ mang trong đầu ấn tượng là phải sống gần vùng thủ đô mới dễ vào đại học (lúc bấy giờ tôi đâu có biết bên Mỹ này chỗ nào cũng có trường đại học), nên tôi đã quyết định mua vé xe bus dọn về vùng Virginia, bên bờ sông Potomac sát cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Xuống tới Springfield, Virginia tôi mới biết tin cha Nhất đã mất trước đó mấy tháng, tôi làm liều gọi điện thoại lên nhà thờ cho cha Trần Đình Nhi, cũng là em họ của cha Nhất, lúc bấy giờ đang là chánh xứ giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và đã được ngài hướng dẫn, giúp đỡ thật nhiều trong những ngày chập chững hội nhập vào cuộc sống mới tại Mỹ.
Năm sau (1985), lúc cha bố của tôi là linh mục Trần Đình Trọng được Chúa gọi về, tôi đã xem cha Nhi như là người cha tinh thần cho tới bây giờ. Cha Trần Đình Nhi đã hướng dẫn và giúp đỡ tôi kiếm chỗ ở (share phòng), xin tiền trợ cấp, xin tiền đi học đại học... Và cũng tại vùng này, tôi được gặp lại một người Bình Giả đầu tiên ở Mỹ, đó là anh Đinh Văn Khang người Nghi Lộc, giáo xứ Vinh Châu. Một người mà lúc nào tôi cũng kính trọng như là anh ruột của mình, vì tôi không có người anh ruột nào cả. Điều ngẫu nhiên nữa là anh Khang cũng có người em ruột tên An, ngày trước cũng học ở tiểu chủng viện Phước Lâm, trên tôi một lớp (hình như anh Đinh Văn An bây giờ đang ở Atlanta, Georgia).
Có một chuyện xảy ra trong năm học đầu tiên ở tiểu chủng viện Phước Lâm, không biết anh An còn nhớ hay không, riêng tôi chẳng bao giờ quên cả. Số là một buổi chiều đang lúc ăn cơm ở chủng viện, có người gọi anh An ra gặp khách vì có người lính nào đó đến thăm. Nhưng lại không phải khách của anh Đinh Văn An, mà là chú của tôi đang đi huấn luyện quân sự ở Long Hải, nghe tin tôi học ở tiểu chủng viện Phước Lâm nên ghé thăm. Chú tôi chỉ biết tôi tên là An chứ có bao giờ biết đến cái tên Tuyết trong giấy tờ. Nghe nói An ở Bình Giả thì người ta gọi anh Đinh Văn An. Chuyện xảy ra từ cuối năm 1969 mà tôi vẫn nhớ như mới ngày nào. Ôi thời gian trôi nhanh quá!
Khi có điều kiện tôi sẽ viết lại cuộc sống sinh viên nghèo tại Mỹ, và những diễn tiến kế tiếp trong cuộc đời tỵ nạn của tôi, từ một cậu bé chăn bò ở Bình Giả trở thành nhân viên của National Geographic tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.
*

Con viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của con đối với cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục con nên người. Bây giờ cha không còn nữa, nhưng con vẫn ghi sâu trong tâm khảm những lời dạy dỗ của cha từ khi con còn thơ bé. Những lúc gian nan vất vả, con vẫn nghĩ nhiều về tấm lòng hy sinh tận tuỵ của cha mẹ để tạo điều kiện cho anh em chúng con được ăn học cho bằng người ta, để cố gắng vươn lên, không thất vọng, nản chí. Con xin được ghi nhớ công ơn tất cả mọi người: Các cha, các thầy cô và anh em bà con đã giúp con cách này hay cách khác cho con có đủ “hành trang vào đời”.

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến