Hôm nay,  

Mẹ Tôi

07/05/200500:00:00(Xem: 297991)
Người viết: VÀNH KHUYÊN
Bài số 743-1322-89-vb7070505

Đây là bài viết đặc biệt dành cho Ngày Của Mẹ. Người viết sinh năm 1965, là thứ nữ một gia đình HO. thường chống Bố, cãi Mẹ. Nhờ viết rất thẳng, rất thật mà xúc động. Tác giả tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm; hiện là nhân viên xã hội tại Salem Oregon.

Mẹ ơi,
Một sáng nào đó, khi thức dậy, nếu biết không còn mẹ để gọi, tôi sẽ nguyện đi hết những nơi tôi có thể tìm lại được mẹ của tôi đời này.
Đã có lúc giận mẹ, tôi la lớn trong phone "Con ghét má lắm, má làm khổ má, làm khổ luôn tụi con ne.ø" La lối xong, tôi thương mẹ tôi hơn. Bà cứng cáp bảo tôi "Sư cha mày chứ, tao mà không chịu đựng chúng mày làm gì đặt chân được tới Mỹ". Đúng vậy không mẹ"
Mẹ tôi là con gái huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, nơi xuất xứ của loại bánh cuốn nổi tiếng. Hầu như con gái trong làng này ai cũng biết tráng bánh cuốn, cứ lớn lên là tráng, ngồi tráng vài lần là tráng được mỏng và ngon như là có tài bẩm sinh vậy, chẳng cần dạy nhiều. Tôi về thăm Thanh Trì cuối Đông 2000, lần đầu tiên về quê Mẹ, nghe kể nhiều hơn về mẹ từ họ hàng thân thuộc và hàng xóm.
Mẹ tôi là hoa khôi của Xã Tân Thành, thuộc huyện Thanh Trì, thời chống Pháp. Khi mới mười saú tuổi, tóc vấn đuôi gà co âĐợi (tên mọi người gọi mẹ tôi lúc đó) được cả làng biết đến nhờ sắc đẹp, taì giỏi và năng động trong công việc. Mẹ tôi đi sinh hoạt theo phong trào thiếu nhi rồi bắt đầu đi theo các anh chị lớn hơn ra Hà nội hoạt động rải truyền đơn. Tôi chọc mẹ: Má gan quá ha! Nếu bị Pháp bắt, má làm sao" Mẹ tôi kể: “Ờ hồi đó đi một lần dấu súng dưới rổ bánh cuốn xém bị bắt. Ông bà Ngoại thì để kệ tao làm gì thì làm nhưng tao nghĩ không nỡ phụ lòng cha mẹ nên bỏ sinh hoạt ra Hà nội bán bánh mì trước trại lính. Thế mới gặp bố mày chứ !". Ngày còn ở Sàigòn, nhà tôi có cái chạn ngay bếp, dưới một cái hộp, tôi lục được tấm ảnh đã sờn cũ, một cô gái tóc vấn đuôi gà rất đẹp và thanh thoát, tôi ngờ ngợ, mẹ đó sao, tôi về hỏi, má tôi lúc đó buôn bán ở chợ mới về chắc mệt mỏi, bà rầy tôi: “Cất hình đi con kia, rách mất của tao bây giờ". Tôi không bỏ cuộc: “Má hả má, má đẹp quá! " Má tôi rầy tiếp: “Mày có đi tắm rửa không thì bảo tao lại quật cho một chập đó". Tôi lủi thủi đi ra khỏi bếp, lòng rất tự hào, "Má mình đẹp quá! ".
Má tôi có 8 người con, tôi là con gái áp út.
Ai nói con thứ không được thương thây kệ. Tôi bao giờ cũng có cái linh cảm má tôi thương tôi nhất nhà. Sau 75, ba tôi đi học tập, má tôi phải tảo tần ở chợ nguyên ngày, thay vì nửa buổi như trước kia để đủ nuôi 7 anh em còn lại (người anh cả của tôi đi du học Tây Đức trước 75).
Ở nhà, nhà nghèo, tôi đâu có tiền mua sách đọc, mượn hàng xóm thì có hôm chúng vui, cho mượn vài cuốn, hôm dở hơi, tôi cãi lộn với chúng, chả ma nào cho mượn, tôi buồn ra sân nghịch cát, bị anh tôi đuổi vào đánh cho một trận. Tôi tức mình, khóc rỉ rả chờ tới lúc má tôi về để làm bằng chứng bị đánh. Má tôi về mang theo chè đưa tôi ngay tại cổng, bảo “Nín đi, lần sau nghe lời anh". Tôi còn sức đâu mà khóc, khóc đã hơn hai ba tiếng đồng hồ rồi, đem chè ra trước mặt ông anh ngồi ăn cho đỡ tức, lòng nhủ thầm “Thế mẹ thương tôi nhất mà, anh có chè đâu! ".
Ba tôi hồi còn trẻ có đám cưới chạy tang với một cô gái cùng làng. Bà ấy tên Đỗ Thị Lới, hai người có một đưá con trai nhưng hai người trẻ quá, chẳng biết nuôi nấng, đưá con lại èo uột, bé mất, hai người chia tay, giữa thời chiến tranh, hôn thú chưa kịp xé. Sau đó ba tôi đem ông Nội xuống huyện Thanh Trì hỏi mẹ tôi. Lúc ấy là 1954, hai miền đất nước chia cắt, ba tôi cùng gia đình chạy vào Nam. Thế là cô Đợi trở thành bà Đỗ Thị Lợi như tên ba tôi đã sửa trong giấy hôn thú, vợ chánh thức của ba tôi.
Ông bà Ngoại tôi không hề biết cô con gái Dương Thị Đợi của mình đã không còn trên giấy tờ. Mẹ tôi một thân một mình vào Nam với gia đình chồng, hy sinh thân thế, tên tuổi, đi theo tiếng gọi của tình yêu, của trách nhiệm làm mẹ đứa con trong bụng, mẹ tôi đâu có ngờ, bao đắng cay, nước mắt, tủi nhục đang trải dài trên con đường trước mặt ... mẹ ơi.
Bà nội tôi dạo đó còn trẻ lắm, bà trẻ hơn ông nội tôi những gần 20 tuổi. Ông Nội tôi không chạy kịp theo gia đình đã bị Việt Minh bắt lại và bị dân trong làng đấu tố rồi bị bắn chết. Tại miền Nam, ba tôi là anh lớn, thế là thay ông Nội nuôi dạy 5 người em. Người chú kế ba tôi thì đã vào quân đội, còn một chú và ba cô còn lại thì chỉ dưới 15 tuổi lúc đó. Mẹ tôi, dù mới 20, sống với bà Mẹ chồng khó tính như bà nội tôi và đàn em chồng còn nhỏ, chưa hiểu biết, lúc nào cũng xem mẹ tôi như người ở trong nhà, làm hết mọi việc, không hiểu sao mẹ tôi lại chịu đựng được.
Cho đến năm 1963, mẹ tôi đã có 6 người con dù qua nhiều lần sinh nở hơn số con còn giữ được. Bố tôi lúc đó cũng có những thăng tiến đáng kể trong binh nghiệp.
Nhìn những hình ảnh còn lưu lại, mẹ tôi lúc đó nhìn không vui cho lắm nhưng ra chiều đầy đủ, cô Đợi ngày nào, nay là bà đại úy, mặc áo dài, đeo kính đen, đeo ví đầm, đứng bên đàn con bụ bẫm, xinh xắn và chiếc xe hơi của gia đình. Lúc đó tôi chưa ra đời, nhìn hình tôi vẫn ước ao và cầu mong mẹ tôi có hạnh phúc.
Khi có tý chức quyền, người đàn ông trong gia đình không chỉ muốn chứng tỏ quyền lực của mình trong xã hội mà ngay cả trong gia đình bé nhỏ của mình, bố tôi cũng trở nên độc tài, độc đoán và dễ nóng giận hơn mỗi khi có điều không vừa ý. Khi tôi sinh ra, lớn lên và có hiểu biết đôi chút, dù là qua cặp mắt trẻ thơ, nhưng tôi hoàn toàn không hiểu vì sao, tôi hay bắt gặp cảnh bố tôi hay quấn tóc mẹ tôi và đánh, đánh tàn nhẫn như thể mẹ tôi có tội lớn lắm vậy. Cả bà Nội, cả cô chú đứng quanh dửng dưng, các anh chị tôi nhìn sợ hãi, tôi nước mắt ngấn đầy khoé, chờ bố đi chạy lại ôm mẹ. Có hôm mẹ tôi đẩy ra, hét lớn: “Đi hết đi!“ Tôi sợ hãi, lòng chẳng giận mẹ tí nào, chạy lại ôm bà chị lớn kéo đi như sợ lại phải nghe mẹ hét.
Bố tôi thì chiều tôi lắm, ai cũng bảo tôi giống bố nhất nhà, ông hay bế tôi vào lòng, tôi chờ những lúc như vậy thủ thỉ “Bố ơi, sao Bố hay đánh má vậy, Bố không thương Má sao"". Bây giờ tôi mới hiểu và nhận ra ánh mắt lúc đó của Bố tôi là ánh mắt của sự thẹn thùng, ông gạt đi “Mày còn nhỏ, hỏi vớ vẩn thế con!".
Từ đó dù biết Bố tôi thương, tôi cũng chẵng thấy gần, những trận đòn đánh má tôi từ ông vẫn tiếp diễn. Sau này tôi mới biết, bố tôi đi chơi đêm, có người thấy về mách mẹ tôi, mẹ tôi đến tận nơi nói với các cô ấy Bố tôi có vợ 8 con đừng dại dính vào, Bố tôi cho đó là mất mặt về đánh mẹ tôi cho đỡ tức. Trời đất còn công minh hay không" Mẹ ơi, con đã hỏi mẹ làm sao chịu đựng nổi" Mẹ tôi ôn tồn “Một nách 8 đưá, không chịu đựng ra đường chỉ còn biết đứng đường thôi con ạ " Mẹ tôi nhìn xa xăm, mắt bà ngấn nước, tôi biết Mẹ tủi thân, nhưng bà hiểu bà đã đi qua được những thử thách lớn lao của cuộc đời, mẹ tôi có ngờ đâu những thử thách lớn hơn vẫn đang chờ bà ở cuối đường .... mẹ ơi.
Mẹ tôi nghĩ tôi là Út vì sau khi sanh tôi bà rất cố gắng tìm cách tự lập khỏi lệ thuộc chồng về tài chánh nên sau đó, khi có thêm đứa em Út, bà dấu ba tôi đi đặt vòng tránh sanh. Bà chán cái cảnh không tiền bị bà nội và các cô chú tôi nói nặng nhẹ, má tôi loay hoay mượn vốn quanh các bà vợ bạn lính của bố tôi rồi mở một sạp tạp hóa.
Từ đó má tôi có tiền lắm, má tôi có tiếng nói trong nhà hơn. Tôi vẫn tin trong đời, cho tới lúc này, hễ mà đỏ bạc là đen tình. Những trận cãi lộn giữa ba má tôi diễn ra quyết liệt hơn, tôi thấy má tôi không còn thời gian khóc nhiều như trước kia, nhưng ở má tôi có một điều gì đó thật khác. Ba tôi cưới vợ bé. Bà nội tôi không biết nghe lời ba tôi hăm dọa thế nào mà lại xuống nhà cái bà đó nói bố tôi chưa vợ. Đời nực cười, vậy mà má tôi vẫn sống được, vẫn tôn trọng bà nội tôi, vẫn là vợ hiền, chị dâu tốt trong nhà cho đến năm 75.
Khi ba tôi từ biệt các con để đi học tập cải tạo tôi cũng không biết từ đâu có 4 đưá nhỏ khác cũng lại nhà tôi đứng gần tôi và cô em út của tôi thút thít khóc như chúng tôi vậy. Đó là những đứa con riêng của ba tôi với bà vợ nhỏ, ba gái một trai. Nhìn chúng, tôi không ghét tự đáy lòng mình, nhưng tôi ghét cho má của tôi. Chẳng anh em gì ráo! Không, giờ thì tôi biết rồi. Tôi ghét mẹ của chúng nhiều hơn. Chúng vô tội, chúng đâu có chọn được gia đình để sinh ra.
Ba tôi ra đi từ đó, bà vợ nhỏ ba tôi mang con lên gửi má tôi nuôi, má tôi cũng chịu (sao kỳ vậy"). Một thời gian, cô bé ấy đòi về với mẹ. Tôi lúc đó là chị của hai đứa, người em ruột và người em cùng cha khác mẹ. Tôi chẳng đánh em tôi, nhưng tôi hay đánh cô bé ấy lắm khi dạy cô học. Tôi làm như cứ chực chờ cô bé ấy nói sai số từ bảng cửu chương để bạt tai mà không chút xót thương. Mỗi lần vậy thỏa mãn làm sao. Ít nhất cho nó hiểu, má tao khổ lắm, cho mày chết. Khi hiểu biết hơn, tôi thấy mình dã man vô cùng.
Sau này, tôi có gặp lại cô bé ấy tại Mỹ. Bây giờ cô đã là thiếu nữ, tôi hối hận nói với cô “Xin lỗi em nha, chị nghĩ chị trả thù cho má chị qua em nhưng đau khổ của má chị không phải từ em, mà từ bố ". Cô ấy chỉ nhìn tôi không nói. Đúng là tôi không có quyền đó, ngay cả mẹ tôi, liệu bố tôi có cho phép mẹ tôi có cái quyền ghét chúng hay không" Hay là còn tệ hơn như vậy nữa.
Sau 8 năm tù, bố tôi từ trại tập trung về, cả nhà rất mừng. Bố tôi như từ cõi chết, về lại với đời thường, tưởng chừng đời sống đó vẫn còn là của mình. Nhưng không, 8 năm, các con đã trưởng thành trong cơ cấu của một chế độ khác, tư tưởng và tính cách đều khác. Một cơn ác mộng đang chờ đợi cả nhà, ai cũng phải lột xác trở lại, tìm hiểu nhau lại từ đầu nếu còn muốn sống như một gia đình trọn vẹn.


Má tôi, trong một tư thế mới, với bao nhiêu thay đổi qua 8 năm xa cách, liệu có còn dìu dắt chúng tôi vượt qua thử thách tiếp theo không"
Vui vẻ và hòa thuận được một vài bữa, mỗi ngày lúc đó, mẹ tôi vẫn đi bán ở chợ, chỉ mình bà nội tôi ở nhà thủ thỉ với ba tôi, kể hết chuyện đứa này đến đứa kia cãi bà ra sao như chờ ba tôi lên phương án hành quyết từng đưá. Trong số đó tôi có bản cáo trạng nổi bật nhất, không phải vì tôi hay cãi bà, mà tôi hay nói sự thật. Tôi hiền thì hiền lắm, nhưng đụng phải những điều đúng sai, tôi thật cương quyết bảo vệ cái đúng.
Một tối ba tôi gọi hết các con và mẹ tôi lại trước mặt bà nội mà mắng rằng: “Dù tao đi học tập nhưng cái nhà này còn là nhờ tiếng tăm và danh nghĩa của tao, chớ có đưá nào sống khác. Nếu không phải là tao dựng nên cái nhà này, mẹ con mày đã đứng đường lâu rồi." Tôi nói lại liền: “Bố nói gì kỳ vậy, ít nhiều gì tụi con cũng đàng hoàng từ bản chất, có công lao bố thật nhưng đâu hẳn không có bố ở nhà là phải đi theo con đường đó".
Lúc đó tôi mới tốt nghiệp phổ thông, con gái mới lớn, nhiều tự ái và nông nổi, tôi làm gì có đủ khôn ngoan để hiểu bố tôi chỉ nói vậy như lấy lại quyền chủ gia đình, lời nói bố tôi châm chích thật nhưng chứng tỏ bố tôi đang yếu thế, đang là người không có gì trong tay, muốn lấy lại hết quyền lực của mình trước đây
Sau câu nói đó của tôi, bố tôi như chứng kiến sự thật về tôi mà bà nội tôi đã méc, ông lôi tôi đánh một trận, cho tôi rắn mặt. Mẹ tôi chẳng nói lời nào, còn tôi thì căm bố tôi lắm. Má tôi lúc đó ở chợ buôn bán khó khăn, lại thêm những căng thẳng ở nhà, má tôi về mang những tiếng chửi thề rất khó nghe. Có gì phải hỏi lại má tôi một tiếng, má tôi văng tục ngay “Đĩ chó, đĩ ngựa". Người em gái Út của tôi và tôi lúc trước rất gần mẹ, nay cả hai đứa chẳng đứa nào dám đến gần nếu mẹ tôi không gọi.
Bà vợ hai bố tôi biết bố tôi về, đưa hết các đứa con lên. Đây không còn là chuyện riêng của ba tôi nữa mà là của cả má tôi. Ba tôi bỏ bà vợ hai vì biết khi ông đi học tập bà ấy có con riêng với người khác. Mấy cô con gái của bà, ở với má tôi cũng kêu má tôi bằng má, khi giận má tôi cũng chửi chúng đĩ ngựa, đĩ chó, nhưng ba tôi không cho. Ba tôi nói má tôi không có được chửi vậy, chúng nó không phải là con má tôi. Tôi tức tối vô cùng vì sự chèn ép của ba tôi với má tôi lần này. Tôi nói với ba tôi là tụi tôi má tôi còn chửi thì có coi chúng như con má tôi mới chửi như vậy, tại sao lại bắt má tôi đóng kịch. Ông mắng át tôi nhiều lắm. Tôi nói thêm “Nếu là con, sau này con có chồng, thằng chồng con bắt con nuôi con riêng của nó mà còn bắt con dịu ngọt với những đưá đó, bố có chịu nổi không"".
Nhà còn 5 anh em (hai người anh khác đã tìm đường vượt biên) chả ma nào nói, má tôi không nói, tôi bị ba tôi ghi tên vô sổ bìa đen mấy lần, nay chuyện rõ to. Ba tôi không nói gì hết. Từ đó bữa cơm nào có tôi, ông không ngồi vào bàn, nói má tôi dọn lên nhà trên cho ông. Tôi thấy vậy, mỗi bữa cơm sau không xuống nữa, khi nào thật đói mới lục cơm nguội. Tôi buồn lắm.
Má tôi một chiều lên chỗ tôi nằm, nói với tôi “Trâm à, bố mày nói không chịu nổi mày, mày rắn mặt quá và đuổi mày đi, mày qua tạm nhà chú mà ở, khi nào bố lành rồi về." Tôi nghe má tôi nói mà rớt nước mắt, tôi không ngờ bà nhu nhược đến vậy, bố tôi nói sao bà đều nghe, còn khuyên tôi nghe lời ổng. Tôi là con gái, giờ ra khỏi nhà mà không phải là lấy chồng, tôi thấy nhục lắm, tôi thấy xa lạ với má tôi vô cùng, tôi hiểu bà chỉ có bố tôi, tôi nghe mà như từ trời rời xuống, không trả lời bà tiếng nào, tôi dọn đồ ra đi....
Chiều nào mẹ tôi cũng đạp xe qua chú tôi để thăm tôi, bà nấu những món tôi thích đem qua. Mới đầu tôi không ăn, không buồn ăn, cũng không thèm ăn. Tôi kiếm cớ ở lại trường Đại Học nguyên ngày để tránh má tôi. Bà vẫn bỏ đồ ăn lại đó và dặn Thím nói với tôi má tôi đang xin cho tôi về. Tôi như là đá ở nhà người lạ, dù là nhà chú tôi. Tôi đi lang thang ngoài đường sau giờ học. Kiếm quán cóc ngồi uống nước và làm bài cho ngày mai. Tôi bơ vơ như trẻ mồ côi, lòng giận mẹ, giận bố hay giận chính bản thân mình không biết kính trên nhường dưới. Tôi vẫn thầm mong nếu mẹ tôi có tiếng nói một chút và đứng đúng cương vị của bà, tôi đã không phải lang thang như thế này.
Nửa tháng sau, má tôi hăm hở gọi tôi về, tôi nói “Con không về", nhưng lòng tôi rất muốn trở về cái chỗ tôi vẫn nằm mỗi chiều để đọc sách cho bài giảng của Thầy ngày mai. Dù là một khoảng trống nhỏ nhoi, nhưng nó là của tôi, thay vì nơi chú tôi, cả một gian phòng rộng, tôi mặc sức bày biện, tôi vẫn thấy tù túng vô cùng.
Tôi vô hồn dọn đồ đạc đi về, tôi chạy vội lên lầu, cầu mong chẳng bao giờ gặp lại bố tôi nữa.
Tôi trở thành con câm từ đấy. Má tôi có hỏi thì trả lời, không thì làm hết việc nhà rồi lao vào học. Lúc đó Ba tôi đang nộp giấy xuất cảnh cho cả gia đình, tôi thầm ước lúc đó có ai thương, tôi sẽ quyết định ở lại. Nhưng không, đó là cơn giận. Ở đây, lương sinh viên, tôi vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ hàng tháng cho sách vở, việc làm kiếm không ra. Ở đây lấy ai, có mà chết đói, hay lại xin xỏ anh chị em. Tôi đợi chờ ngày ra đi để mong tự lập hơn và làm lại cuộc đời mới, không còn phụ thuộc vào cha mẹ.
Như đọc được ý nghĩ đầu của tôi, mẹ tôi canh tôi kỹ lắm, anh nào lại kiếm tôi, mẹ tôi đều hỏi rõ quan hệ ra sao và nói rõ ý gia đình muốn tôi đi, chứ không có ở lại. Tôi đeo mo vào lớp vì đâu phải kiếm tôi là các anh đó muốn hỏi tôi làm vợ đâu. Tôi nhịn lắm rồi, thương đại một người cho xong, ra khỏi nhà, khỏi sợ ai hết. Ngày ra đi vài ba ánh mắt luyến tiếc chẳng làm tôi bận lòng.
Sang tới nước Mỹ, tôi đến nhà anh tôi ở thay vì vẫn ở chung với bố mẹ. Xã hội ở đây, tôi không sợ dị nghị, tôi chẳng thấy những lời ra vào còn ảnh hưởng tới mình như trước. Tôi đi học đi làm tự nuôi thân, má tôi không phải lo cho tôi nữa, nhưng mỗi lần gặp má tôi trong hành lang các lớp ESL tôi cố tình đi ngang nhìn được mẹ, tôi thấy mẹ tôi ốm đi và xanh xao lắm.
Tôi gọi cho mẹ và biết nhiều chuyện đang làm mẹ tôi buồn. Tôi lắng nghe, nhưng chẳng bao lâu, tôi cũng quá tải. Chuyện sinh sống, những chuyện buồn không đáng buồn của mẹ mà tôi vẫn phải nghe, khuyên hoài mẹ tôi vẫn buồn. Bà buồn bố tôi nhưng không đám nói, bà nói với tôi, tôi bày kế nói lại, bà lại nói bố tôi tôi nói vậy và lại mắng tôi là đã không có lòng với bố. Bà có hiểu đâu tôi chỉ không muốn bà khổ.
Tôi bỏ thành phố đang sống đi nơi khác học cho rảnh thân, cho mẹ tôi tự nặng thêm với những nỗi buồn, mẹ tôi phải tự dứt bỏ, không ai giúp mẹ tôi được ngoài bà. Bà phải mạnh lên, mạnh như thế nào, lúc đó tôi vẫn chưa hình dung ra được.
Tôi không liên lạc với cha mẹ hơn 4 năm trời. Hôm đám cưới một người em họ, tôi đã hỏi kỹ cậu ấy, “Có bố mẹ chị đi không"" Cậu ấy bảo không. Thế mà cậu ấy sắp cho tôi ngồi cùng bàn với Bố Mẹ tôi. Ba tôi, lần đầu tiên sau 6 năm định cư tại Mỹ, gắp thức ăn cho tôi dù ông không nói với tôi một tiếng nào. Tôi chỉ hỏi mẹ “Mẹ khoẻ không"", rồi sau buổi trưa ấy tôi lên máy bay về lại thành phố đang sống cách xa chỗ Bố Mẹ tôi sống một tiếng lái xe.
Tôi bắt đầu về lại gia đình từ ngày ấy.
Hiện tại Bố tôi vẫn còn giận tôi, qua bao nhiêu chuyện nữa, ông đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi vẫn hiểu Bố tôi thương tôi lắm, nhưng ông không chịu nổi cái tội khác tôi lại phạm vào “chồng tôi người Trung" cái dân mà ông cho là keo kiệt và hà hiếp vợ.
Tôi đến Bố tôi ba lần đều bị ông vác gậy đuổi đi, chồng tôi để mặc tôi làm gì thì làm, nhưng về đừng khóc vì điều đó làm chồng tôi ray rứt lắm.
Cũng như lần trước, khi xa cha mẹ những 6 năm, tôi tập cho mình cái ý nghĩ tôi không cần cha mẹ để tự mình làm hết mọi việc, cũng như lần này, tôi chấp nhận số phận tôi không có ở gần cha mẹ được lâu hơn để tự an ủi mình.
Những lúc chồng tôi tệ với tôi vì ghen vô cớ, tôi kể cho mẹ tôi nghe khi mẹ tôi lén Bố tôi gọi cho tôi tại sở, những tiếng chửi của mẹ tôi với con rể cũng làm tôi vơi bớt sự uất ức trong lòng. Tôi chọc má tôi “Má sao hồi đó má hỏng gan như bây giờ " ... Má tôi thành thật “Gan gì mảy, bây giờ có gì tao nói mà Bố mày không cho đúng"" Tôi tiếp “Nhưng má đã đợi đến những 40 năm mới làm được điều đó, má có thấy là quá trễ hay không" " Má tôi không trả lời tôi.
Tôi đang cấn thai, mẹ tôi kho cá dấu bố tôi đưa tôi mỗi tuần vì tài nghệ nấu nướng của tôi chẳng có bao nhiêu, chồng tôi được hưởng lây. Tôi vẫn hiểu má tôi thương tôi lắm, thương những ai khác nữa tôi không cần biết đến đâu. Khi má tôi vào quốc tịch, tôi mừng lắm, tôi xúi ngay, “Má ơi má đổi lại tên cũ của má đi" vì tôi cho rằng đó là cơ hội duy nhất cô hoa khôi của huyện Thanh Trì Dương Thị Đợi lấy lại được tên tuổi của mình để sống tiếp trong đời. Má tôi lại sợ ..." Mỹ bắt tao sao mảy!" Tôi cười lớn “Má ơi hơn 50 năm rồi ai mà truy má làm gì ..."
*
"Sư cha mày chứ, tao mà không chịu đựng, chúng mày làm gì đặt chân được tới Mỹ."
Má ơi, con thương má lắm. Má nói đúng.
Sự kiên nhẫn chịu đựng là hạt má gieo từ bao năm, vun bón bằng khổ đau, để nở được những cuộc đời tươi đẹp của chúng con hôm nay. Dù đời còn nước mắt, nhưng con hạnh phúc vì mỗi giọt lệ hay nụ cười con có, con vẫn còn má để chia xẻ.
Má sống hoài với con nha má... Má yêu thương của con.

Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
22/02/202100:37:03
Khách
rất đồng cảm với bạn. Đàn ông từng bạo hành vợ thì không bao giờ được sự kính trọng từ những đứa con (trừ những đứa vô cảm), và những ký ức kinh khủng đó sẽ ám ảnh đứa bé suốt cả một đời. Cha tôi từng cư xử kiểu gia trưởng với Mẹ tôi nên tôi không bao giờ cảm thấy thương ông thực sự dù ông là một người cha tốt và rất đạo đức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,997,962
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến