Hôm nay,  

Viết Về Chị Tôi

27/04/200500:00:00(Xem: 109461)
Người viết: ĐT ĐÀO
Bài số 737-1316-84-vb4-042705

“Viết về chị tôi, Đinh thị Hoa., người vợ của một sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà.” Đó là lời ghi của tác giả ĐT Đào. Bà là thứ nữ trong một gia đình cựu sĩ quan VNCH, sinh tại miền Bắc, năm 1954, di cư vào Nam, năm 1975 dắt díu ba đưa em di tản từ Nha Trang vào Saigon, rồi một mình sang Mỹ khi mới 24 tuổi. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
*

Sao mấy bữa nay trong lòng tôi cứ áy náy không yên.
Không hiểu sao tôi cảm thấy dường như có một chuyện gì sắp xảy ra.
Không phải là tại tôi đang bưởc vào thời kỳ cuả một ngườI đàn bà gần năm mươi mà có những cảm giác khó tả ấy.
Một buổi trưa thứ bảy cũng như những buổi trưa khác, tôi đang ở sở làm và sửa soạn về nhà thì nhận được điện thoại của đứa em gái.
Nghe tiếng khóc nghẹn ngào của nó là tôi đã biết sẽ có tin không lành.
Nuốt nước mắt, nó nói trong tiếng nấc:
“Chị ơi! Chị Phòng mất rối! Chị ấy mới đi lúc mười một giờ trưa ở đây là khoảng nửa đêm bên ấy. Em mới nhận dược diện thoại của cháu Ti…”..
Rồi nó òa lên:
“Chị ơi! Chị ấy mới có năm mươi bẩy tuổi thôi mà……”.
Tôi như hụt hẫng trong không gian, một cảm giác đau nhói trong tim, nước mắt tuôn ra không kềm được, tôi bặm môi ngăn tiếng khóc:
“Thôi được rồi, để tao về rồi nói chuyện, đừng khóc nữa”
Trên đường về nhà, tôi lái xe mà không ngớt nghĩ đến cuộc đời của chị, cuộc đời vợ người lính Việt Nam Cộng Hòa.
*
Chị tôi là chị cả của năm chị em tôi, người chị cà hiền lành của những đứa em sớm mồ côi mẹ.
Trong tuổi mới lớn của tôi, chị là người đẹp nhất, sang nhất và oai nhất trường. Tôi thường lén vân vê những cái áo dài lụa của chị treo trong tủ hay chui xuống nằm dài dưới gầm giường chị để sờ những đôi giày “ét ca panh” cao gót, thầm phục lăn vì chị mang giày như thế mà vẫn đứng trên bục giảng bài với một dáng điệu quý phaí.
Chị làm cô giáo ở trường quận lúc năm mười tám tuổi. Hình ảnh một cô giáo tóc dài, mặc áo dài, đội nón lá đi trước có lũ học trò lẽo đẽo theo sau không dám đi qua mặt cô vẫn còn như in trong lòng tôi. Trong đám trẻ đó có tôi, vênh váo với các bạn vì có chị là cô giáo, oai lắm chứ. Có lúc tôi còn bắt nạt được vài đứa phải ôm cặp cho tôi nữa.
Hình ảnh ấy cũng lọt vào con mắt của một người trong cư xá sĩ quan.
Trong đoạn đường chông gai theo đuổi chị tôi, anh đã bao phen phải vượt qua chướng ngại vật là tôi. Anh được đặt nhiều tên lắm, như Đạo Sĩ Dừa vì là dân Kiến Hòa, Thầy Chuà vì anh ăn chay trường, Sếu Vườn vì anh cao lêu nghêu, Trung Uý muôn năm vì anh vừa lên chức, lại tụt xuống một bậc với cái đầu cạo láng bóng vì bất tuân thượng lệnh, khi bò lên chức cũ chưa được bao lâu thì lại lãnh củ, lột chức, chứng nào tật ấy.
Có lần anh lãnh năm củ vì không muốn lỗi hẹn với chị tôi.
Sau một tuần vắng bóng, gặp anh lại với cái đầu thầy chùa, anh xoa xoa cái đầu trọc lóc vì phạm luật cấm xuất trại không giấy phép. Sau đó, anh không đeo lon nữa vì bị lột hoài và cũng vì thế mà bị Quân Cảnh phạt đến chán nên chỉ bị hít đất tại chỗ. Anh bị tôi bắt “địa” nhiều lần vì tôi luôn luôn phải tháp tùng theo chị mỗi lần hai người hẹn hò với nhau.
Mỗi lần có hẹn, chị thì thầm bảo tôi xin bố mẹ đi mua sách vở với chị. Trong năm chị em, chị chọn tôi vì tôi hay nói chuyện huyên thuyên, hỏi chuyện vớ vẩn với anh mỗi khi chị lúng túng chưa tìm dược câu trả lời cho những câu hỏi khi gặp anh. “Con lắm mồm” cũng được việc đấy chứ… Còn nữa, anh hay mua quà vặt cho tôi ăn để anh có thời giờ tâm tình cùng chị. Có lần anh đưa cả hai chị em đi xem xi-nê, chị bảo tôi ngồi giữa hai người vì chị ngại gặp người quen, nhưng anh chị cứ nói chuyện với nhau qua đầu tôi làm tôi chẳng nghe được chuyện phim nên tôi nhảy phóc lên hàng ghế trên ngồi. Anh khoái tỉ đổi ngay chỗ ngồi bên cạnh chị, thì thầm thoải mái.
Năm hai mươi mốt tuổi chị lấy chồng đi theo anh khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật. Lá thư cuối chị kể chuyện anh bị đi “đày” mãi tận Cà Mau vì tính ương nghạnh cuả anh. Nơi đóng quân cuối cùng cuả anh trước ngày rã đám là một nơi khỉ ho cò gáy ở miền Cà Mau mà tôi đã quên tên.
Tôi không gặp lại chị từ sau ngày cưới của chị và kể cả ngày bỏ nước ra đi, chị em cũng không gặp được nhau.
Trong mười một năm đầu lưu lạc, tôi thường xuyên nhận thư chị. Chị không bao giờ tả cảnh thiếu thốn hoặc những khó khăn cuả gia đình. Chị cũng cho biết là đã về ở với bố và các em vì anh đang ở trại cải tạo sau ngày đổi đời ấy. Trong lá thư nào cuả chị cũng có những lời khuyên nhủ tôi cố gắng học cho ra trường, cố gắng nuôi con và kể những kỷ niệm cũ, những chuỗi ngày hai chị em đi chơi ở công viên, đi xem xi-nê với anh v.v… Chị luôn viết “ở nhà vẫn thường, chỉ lo cho em một mình ở nơi xứ lạ quê người thôi em ơi..”.
*
Tự dưng cảnh vật trước mắt tôi nhạt nhòa, tôi vội laí xe vào lề đường để lau nước mắt chẳng biết đã tuôn lúc nào. Định thần một lúc, tôi mới tiếp tục lái xe về nhà.
Năm 1991, khi bố và các em tôi sang đoàn tụ, tôi mới được biết nhiều về chị. Tôi có đề nghị chị làm giấy tờ xuất cảnh nhưng chị từ chối vì phải lo hương khói mộ chồng.


Em tôi kể rằng sau ngày mất nước, anh chị trở về quê ở Kiến Hoà. Chị trở về nhà sau khi mất tin anh. Anh ra trình diện như lời tuyên truyền và đi luôn cho đến ba năm sau chị mới gặp lại anh ở một trại caỉ tạo miền Bắc sau những ngày tháng xuôi ngược tìm tin tức. Mỗi lần nhận tin nơi anh đang bị giam giữ, chị vội vã đội nón, hành trang mang theo là mấy lon guigo muối vừng, món ăn thường nhật của anh. Nhiều lần chị về với thất vọng và nước mắt vì anh đã bị chuyển đi nơi khác. Không nhụt chí, cuối cùng chị cũng gặp được anh nơi miền đất gió lạnh cắt da đó.
Em tôi kể rằng lần thứ hai chị đi thăm anh, sau gần một tuần đi đường chỉ để nhận tin anh đã chết mà không cho biết xác anh chôn nơi nào. Lúc chị bước vào nhà sau lần đi thăm đó, em tôi đã hoảng hốt với thân hình tiều tuỵ cuả chị. Gần một năm sau, dường như chị mới ổn định tâm hồn với những im lặng chịu đựng.
Một buổi sáng vào năm 1983, em tôi đang quét sân, có người ăn xin rách rưới đứng trước nhà xin gạo.
Em bảo:
“Ông ơi, nhà tôi cũng không có gạo ăn chứ làm gì có để cho ông”.
Ông ăn xin nghẹn ngào hỏi:
“Em không nhận ra anh sao"”
Em nhìn kỹ ông ăn mày, hoảng hốt kêu lên:
“Anh đừng nhát em giữa ban ngày như thế anh ơi, em sẽ cúng cơm cho anh” rồi nó chạy vội vào nhà trong sợ hãi, gọi chị ra thì anh đã vào sân.
Chị nhìn anh, mừng khóc không ra lời. Cuộc đoàn tụ cua anh chị đã xảy ra trong cảnh huống đau lòng đó. Chị đã trách anh để chị khóc hết nước mắt vì tin anh đã chết. Anh buồn rầu nói rằng khi nhìn chị gầy ốm tiều tuỵ mà phải vượt hàng trăm cây số đi thăm, anh quá đau lòng nên không muốn chị lặn lội đường xa nguy hiểm nên nhờ công an ra báo. Nhìn chị khóc nức nở trong phòng đợi, anh như chết trong lòng. Anh bảo lúc chị lảo đảo ra về, anh đã nhìn theo qua liếp lá. Anh đã nghĩ không có ngày về nên loan tin dữ trước hay sau thì cũng thế.
Anh trở về sau những năm cải tạo gian khổ, căn bệnh phổi cũ đã hoành hành không thuốc chữa trong thời gian cải tạo cộng với những lao lực lao tâm nên một năm sau anh qua đời, để lại chị với đứa con chỉ còn hai tháng nữa là chào đời.
Không ai có thể tả được nỗi đau thương cuả chị.
Chị ru con thơ với những lời ru não nùng.
Đôi vai xương xẩu của chị lại oằn xuống vì con, vì gia đình.
Để nuôi con thơ, bố già và em dại, chị đã buôn bán ngược xuôi một thời gian.
Sau đó, chị đi làm trên phường vì “nhà nước cần kiến thức cuả chị”.
Với đồng lương ít ỏi, chị đã mở lớp dạy học đêm nhưng các em vẫn phài lao đầu ra đường kiếm sống.
Sau này, nhờ liên lạc được, tôi đã gởi tiền về phụ nên nhà mới dễ thở.
Hai năm sau ngày bố và các em rời nước đi đoàn tụ, chị bằng lòng bước thêm bước nữa với người bạn đồng sở theo đuổi chị suốt tám năm trời. Trong thư, chị thưa với bố là vì cảnh nhà đơn chiếc sau khi tất cả ra đi, chị buồn nhiều lắm và được anh bạn an ủi luôn nên chị siêu lòng. Người chồng sau này của chị thật rộng lượng, thường chăm lo hương khói bàn thờ chồng thay chị.
Khoảng thời gian sau này, chị sống trong hạnh phúc. Đưá con gái duy nhất cuả chị học rất gioỉ, chị hãnh diện vô cùng.
Tôi về gặp anh chị và cháu trong năm 2001 vì bố tôi đã trở về nhà sống sau mười năm xa quê hương. Nhìn lại nhau với những sợi tóc bạc trên đầu, chị ngậm ngùi kể về những chuyến đi tìm chồng cải tạo. Chị đem hình ra cho xem, những tấm hình đầy kỷ niệm của những ngày tháng cũ làm cho hai chị em khóc cười rưng rưng nước mắt.
Năm 2003 hai chị em lại gặp nhau trong nước mắt vì bố qua đời ở tuổi 95. Trong nỗi đau khổ tột cùng đó, chị tôi một mình lo hết chuyện ma chay. Lúc đó, chị ngậm ngùi bảo:
“Chúng mình từ nay mồ côi cha lẫn mẹ rồi.”
Đó cũng là lần cuối cùng hai chị em gặp nhau.
*
Cuối cùng tôi cũng về được đến nhà em tôi. Hai chị em ôm nhau khóc chị ở bên này bờ đại dương. Điện thoại về chỉ nghe tiếng khóc thảm thiết của con chị mà không ai nói được gì.
Qua tiếng khóc, cháu chỉ nưc nở được một câu:
“ Dì ơi, bây giờ cháu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi, dì ơi…”
Tin cho biết rằng chị đã ra đi trong đêm sau cơn đột quỵ.
Chị chết trên tay người chồng bất lực trước tử thần.
Bây giờ, theo thư anh kể, anh vẫn đau khổ tự trách mình để vợ chết trên tay mà không làm gì được và vẫn hỏi trời tại sao không để anh chết thay cho chị.
Hạnh phúc thay cho chị đã được hai người đàn ông trong đời yêu thương rất mực.

Trong ngày nắng cháy
Muà hạ năm nay
Tháng sáu hăm bảy
Trới đất cuồng quay

Nhận được tin nhà
Lòng thật xót xa
Chị tôi đã mất
Trong đêm hôm qua

Giọt lệ nào tuôn
Giọt nào nuốt xuống
Chi ơi ! Chị ơi!!
Đáng lẽ…đã muộn.

Đáng lẽ hồi đó
Hai chị em mình
Thường luôn thăm hỏi
Sức khoẻ thường tình

Đáng lẽ chị nên
Cho em biết trứợc
Thì ngày hôm nay
Em không vô phước

Đời chị bôn ba
Kiếp gái thời loạn
Sau cuộc đổi đời
Đắng cay hoạn nạn

Xuôi ngược Bắc Nam
Mong ngóng tin chồng
Vượt bao khổ ải
Thăm nuôi hết lòng

Ngày anh trở về
Kỷ vật cho chị
Đứa con đầu lòng
Bao niềm hoan hỷ

Niềm vui chưa vẹn
Anh đã ra đi
Con chưa ra đời
Khóc sầu sinh ly


Một mình tần tảo
Nuôi con mồ côi
Nước mắt rơi xuống
Cho đời con tươi

Con chưa nên người
Sao chị vội đi
Bỏ con bỏ hết
Đoạn trường biệt ly

Xa nhau muôn dặm
Không nhìn thấy nhau
Bây giờ chị mất
Tưởng như chiêm bao

Từ nay trở đi
Không gặp nhau nữa
Mỗi năm em về
Thay là đám giỗ…

Chị ơi! Chị ơi!

ĐT ĐÀO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến