Hôm nay,  

Vỏ Ốc Bình Yên

27/04/200500:00:00(Xem: 120804)

Người viết: ĐT ĐÀO
Bài số 736-1315-83-vb3-042605

Tác giả là thứ nữ trong một gia đình cựu sĩ quan VNCH, sinh tại miền Bắc, năm 1954, di cư vào Nam, năm 1975 dắt díu ba đưa em di tản từ Nha Trang vào Saigon, rồi một mình sang Mỹ khi mới 24 tuổi. Lần đầu tham dự viết về nước Mỹ vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm miền Nam sụp đổ, bà kể lại chuyện của chính gia đình bà.
*

Tôi sanh ra tại một thành phố miền Bắc xa xôi cạnh biên giới Trung Hoa trong chuyến chinh chiến giong ruổi của bố tôi.
Năm 54, tôi trở thành dân di cư như những con người yêu tự do khác và lớn lên tại miền Nam thân yêu đầy kỷ niệm.
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, chị em tôi được đưa đi học bằng xe Jeep nhà binh vì bố tôi là sĩ quan trong sư Đoàn 5 dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Gia đình tôi ở nhiều nơi bố đóng quân, nhưng nhớ nhất vẫn là những tháng ngày niên thiếu ở Sông Mao đầy kỷ niệm của tuổi học trò.
Tôi rời trường Đa Minh lúc dang dở lớp Đệ Ngũ để lên Nha Trang ở với mẹ. Suốt thời gian hai năm ở chung với mẹ, tôi được ăn đòn nhiều hơn ăn học bởi vì tôi phản đối lối sống của mẹ.
Năm mười sáu tuổi, sau một trận đòn thâm tím, tôi bỏ Nha Trang đi Cam Ranh ở với nhỏ Ngọc Mỹ, và nhờ xin vào làm thư ký ở hãng Pacific Architects với tờ khai sinh giả mười tám tuổi. Nhờ đó mà mỗi tháng tôi có thể nhờ gởi tiền về cho bố tôi nuôi các em còn ở tại Sông Mao.
Ba năm sau, bố và các em dọn đi Tam Hiệp, ba đứa em lên Nha Trang ở với tôi khi tôi được vào làm trong phòng Thông Tin của hãng ở Nha Trang và lúc đó, tôi ghi danh trở lại trường Nữ Trung Học vào lớp tối.
Lúc này, mẹ tôi ở riêng với đời sống của bà.
Trong tuổi hoa niên, tôi cũng đã có những tình cảm riêng tư nhưng không bao giờ thố lộ. Vì hoàn cảnh gia đình không giống ai, tôi đã tự giam mình vào cái vỏ ốc tự ti mặc cảm, vả lại, trong thời gian đó, với gánh nặng gia đình trên vai, ngày đi làm, tối đi học nên tôi tìm được bình yên và thản nhiên với nhiều tấm chân tình.
Lúc tôi sửa soạn thi Tú Tài thì biến cố 75 xảy ra. Trong tháng 3, 1975, từ các tỉnh miền Trung, từng đoàn người lũ lượt đổ xô về Nha Trang tạo nên cảnh hỗn loạn. Thêm vào đó, các anh lính bất mãn của Sư Đoàn 23 trong một thành phố bỏ ngỏ nên càng hỗn loạn hơn. Chúng tôi rời Nha Trang vào những ngày binh lửa đó, dùng bất cứ lối vận chuyển nào, từ đi bộ cho đến quá giang xe, leo lên sau xe nhà binh, bám vào thành xe nhà, v.v…cuối cùng chúng tôi vào thành phố Sài Gòn sau một tuần lễ cam go, khổ nhọc, mỗi người mang một bọc quần áo trên tay.
Những người dân thành phố thấy chúng tôi tất tả, rách rưới, nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy câu hỏi như thể người Sai Gòn chẳng biết gì xảy ra ở miền Trung.
Tôi dắt díu ba đứa em đi được tới Sài Gòn vào cuối tháng 3, 1975 cũng nhờ sự giúp đỡ của một người mà tôi vẫn không quên món nợ ân tình ấy.
Chị em chúng tôi ở Bà Quẹo với gia đình chị Bồng được một tuần lễ thì tôi đưa các em về Tam Hiệp với bố. Tôi lên Saì Gòn liên lạc với văn phòng trung ương của hãng và được lãnh tiền luơng tháng 3 và lương nghỉ việc, xấp tiền to ấy tôi mang về cho bố. Sau này các em tôi kể lại rằng bố tôi cất số tiền ấy kỹ đến nỗi khi đổi tiền nó trở thành một đống giấy vụn.
Tôi cũng xin được cho gia đình lên danh sách đi Mỹ. Cầm danh sách trong tay, tôi về Tam Hiệp nói chuyện với bố, ông ngập ngừng bảo sẽ ngưng bắn và sẽ hoà bình, không nên đi nữa. Tôi đã bỏ ý định tản cư vì gia đình không ai muốn đi.
Sáng sớm ngày 28 tháng 4, từ Sài Gòn, xếp nhắn tin về bảo cả đoàn đang chờ gia đình tôi.Tôi vội lên Sài Gòn để trả lời cho ông xếp huỷ tên trong danh sách, lúc đó, ông ấy đang di chuyển gia đình vợ tới Tân Sơn Nhất và bảo tôi đi cùng, tới TSN sẽ nói chuyện sau.
Tôi trèo lên xe nhà binh vào phi trường với gia đình ông xếp vào trưa ngày 28 tháng 4 rồi không trở ra được nữa. Tôi bay đi đảo Guam trong đêm tối 29 tháng 4. Qua khung cửa kính nhỏ, tôi nhìn thành phố qua những lằn đạn đỏ rực xé trời, những tiếng nổ và những đám khói đen trong thành phố bên dưới.
Tôi đến Guam với tâm trạng như tỉnh như mơ với chiếc áo dài rách tà, đi chân đất vì lúc giành giựt lên máy bay hỗn loạn, giày dép văng đi từ lúc nào không biết. Tôi chưa bao giờ ra phố một mình, ngoại trừ khi đi làm, đi đâu lúc nào cũng có một đứa em tháp tòng, kể cả những lần có bạn trai đến rủ đi xem hát. Tôi ra đi khỏi nước mà trong túi chỉ có hai chục ngàn tiền Việt Nam để ăn quà vặt và một tâm trạng tang thương đầy sợ hãi.
Tôi cô đơn trong đám người lưu lạc nên khóc đòi về, xếp bảo khi tình hình lắng dịu, ông cũng về vì cha mẹ vợ còn chưa đi được. Rồi chúng tôi được đưa tới một hangar máy bay, ngủ trên giường bố nhà binh, đắp mền nhà binh, mặc quần áo Hồng Thập Tự.
Qua được một đêm thì máy phóng thanh tuyên bố Sài Gòn thất thủ, cả hangar đầy tiếng khóc vì nhiều người có thân nhân còn kẹt lại. Và từ đó, tôi bơ vơ năm hai mươi bốn tuổi, không gia đình và bỏ lại sau lưng một tấm chân tình…
Chúng tôi được di chuyển đến trai tỵ nạn Pendleton vào giữa tháng 5, 1975. Tại nơi đây, tôi đã ghi danh với tàu Việt Nam Thương Tín để trở về. Và cũng tại nơi đây, tôi gặp một người lính cùng cảnh ngộ, anh bỏ lại cha mẹ và bảy đứa em để thoát thân trong giờ phút cuối cùng. Anh đã thuyết phục tôi ở lại với những ân cần săn đón. Hai con người lưu lạc gục vào vai nhau khóc nhớ thương gia đình, níu vào nhau mà sống và đã kết hợp trong một buổi lễ cưới tập thể với một cặp nhẫn trơn quá khổ mượn từ ai đó trong buổi lễ.
Từ đó, tôi ra khỏi cái vỏ ốc bình yên.
Chúng tôi hai đứa tỵ nạn đến tiểu bang Utah trong trời tuyết lạnh giá. Năm đầu, tôi vừa đi học y tá và anh ngữ, vừa đi làm tại hãng sản xuất dụng cụ y khoa. Năm sau, chúng tôi có đứa con trai đầu lòng, tôi thôi học, chỉ đi làm và nuôi con nhỏ. Hạnh phúc gia đình như trong tầm tay.
Ngày con tôi ra đời là ngày sóng gío bắt đầu từ một cú điện thoại như từ một quá khứ không mong đợi. Tấm chân tình ngày xưa đã vượt đại dương, nhờ hội Hồng Thập Tự tìm tôi khắp bốn phương trời để mong ngày xum họp. Thực tế phũ phàng đã làm con người cứng cỏi này trở nên hận thù với con tim tan vỡ và rồi bặt tin luôn từ đó. Chuyện đó không làm tôi bận tâm vì tôi chưa bao giờ đáp lại chân tình ấy và cũng chưa bao giờ hứa hẹn trăm năm.


Nhưng cũng từ đó, gia đình nhỏ của tôi không còn êm ấm, tôi âm thầm chịu lời đắng cay, cười trong nước mắt để giữ ấm êm cho mình, cho con, cho lời nguyện trong ngày cưới thô sơ ở trại tỵ nạn. Ba năm sau, chúng tôi có thêm hai cô con gái ra đời và tôi cũng tìm được việc làm tôi thích nhất ở sở Xã Hội, giúp đỡ những người tỵ nạn mới định cư tại thành phố. Cũng trong lúc này, chúng tôi liên lạc được với gia đình ở Việt Nam và bắt đầu làm hồ sơ bảo lãnh hai gia đình.
Từ ngày đến Mỹ, anh vừa đi làm vừa đi học đến khi liên lạc được tin nhà thì anh thôi học, đi làm hai job để gởi tiền nuôi cha mẹ và bảy đứa em. Tôi cũng chắt bóp tiền lương của tôi để gởi về nhà cho bố nuôi các em. Cả hai chúng tôi bương chải lo toan hai gánh nặng oằn vai. Cuộc sống bận rộn làm chúng tôi ít có thời giờ cho nhau. Tính ra, hai vợ chồng chúng tôi đã phải lo cho tất cả gần hai chục người vừa dâu lẫn rể trong thời gian hơn chín năm trời.
Năm 1984, chúng tôi có thêm một công chúa và năm 1986, chúng tôi dọn nhà đến San Jose, California khi được tin gia đình sắp đoàn tụ vì sợ thời tiết khắc nghiệt ở Utah sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cha mẹ già.
Đến năm 1989, cha mẹ chồng tôi và các em được đoàn tụ. Nhà tôi thêm chín người để lo nên không chu toàn. Người mẹ chồng và hai cô em chồng khó tánh đã làm tôi khóc hết nước mắt trong thời gian ở chung. Chồng tôi vì gia đình nên chẳng dám can thiệp. Rồi họ cũng ra ở riêng sau khi ổn định.
Bố và bốn đứa em của tôi cũng được đoàn tụ vào tháng 6, 1990. Niền vui chưa hửơng thì tiếng ong tiếng ve bên nhà chồng khiến bố tôi tự ái dọn nhà ra riêng sau ba tháng khi xin được cho các em vào làm ở nhà hàng Khanh, tình cảm gia đình rạn nứt từ đó.
Thời gian sau, anh trở nên vắng nhà thường xuyên hơn, gắt gỏng hơn, so đo hơn. Thêm vào đó là những lời “góp ý” của những cô em chồng độc miệng. Tôi cố gắng nhẫn nhịn nhưng càng ngày càng mệt mỏi vì những cáo buộc vô lý. Nào là ở với anh nhưng lòng vẫn nhớ người xưa, mỗi khi tôi khóc tủi thân thì anh cho là khóc thương người cũ…
Tháng 5, 1991, anh bỏ ra đi theo bạn bè độc thân ăn chơi, nhảy nhót thâu đêm. Tôi hiểu rằng sau bao nhiêu năm anh bỏ quên chính mình để lo cho gia đình, nay gia đình anh đã đoàn tụ, gánh nặng ngày xưa đã hết, anh chợt thấy tuổi xuân qua mau nên sống buông thả. Tôi cũng hiểu rằng lòng tin yêu nhau đã bị ảnh hưởng bởi cú đện thoại bất ngờ ngày xưa nên đã cố gắng nhẫn nhịn để tránh cho các con tôi có những tự ti mặc cảm gia đình đổ vỡ mà tôi đã chịu đựng trong những ngày niên thiếu.
Nhưng tôi không thay được quá khứ, tôi không thay đổi được những gì đã xảy ra trước khi gặp anh trong cuộc đổi đời 75. Những đêm chong đèn cùng nhau giải những bài toán khó, giúp anh viết những bài luận Anh Văn để anh có đủ tín chỉ lấy bằng cấp chuyên môn, những đêm chúng tôi nhìn các con say giấc nồng trong im lặng cũng không làm tan đựơc những nghi toan trong lòng anh.
Tôi không hiểu trong quá khứ, tình yêu có thể hiện trong gia đình chúng tôi hay không, hay chỉ là những con người lưu lạc bám víu đời nhau trong thời loạn lạc để không chết đuối vì cô đơn giữa giòng đờI tỵ nạn, nhưng một điều chắc chắn là tình nghĩa vợ chồng ấy, tôi vẫn trân trọng mặc dù quãng đời làm vợ trăm đắng ngàn cay.
Vào đầu năm 96, khi anh tìm được một em ở Việt Nam chịu nâng khăn sửa ví thì anh nộp đơn ly dị . Anh viện lẽ con ma quá khứ đã ám ảnh anh trong mười mấy năm trời nên anh sống không hạnh phúc.
Thế là mười mấy năm gầy dựng gia đình tan thành mây khói. Ngày gặp nhau hai đứa chỉ có hai bộ đồ lãnh từ Hội Hồng Thập Tự, nên tôi tự nhủ cứ coi như là tỵ nạn lại từ đầu, mà tôi còn bốn đứa con thân yêu nữa. Tôi chấp nhận số phận mình như một chiếc lá trôi trên giòng sông định mạng. Hoàn cảnh đưa chúng tôi đến với nhau và hoàn cảnh cũng là nguyên do đổ vỡ.
Rồi tôi lại thu mình trong vỏ ốc bình yên để nuôi những đứa con thơ..
Thôi thì duyên ai nấy lãnh, nợ ai nấy trả, nợ đời cuả tôi đã trả xong nên mẹ con chúng tôi dựa nhau mà sống. Chỉ tội cho con trai tôi lớn lên trong một căn nhà đầy đàn bà, tôi và ba cô em gái, nên nó phải lo việc nhà lúc lên mười sáu tuổi. Mỗi lần tôi cầm cây buá lên để đóng đinh thì nó lại giằng lấy và bảo là chuyện đàn ông mà sao mẹ làm.
Năm con trai tôi lên hai mươi tuổi, tôi lên chức làm bà nội một cách bất ngờ. Thương con, thương cháu chưa ra đời, tôi đành chấp nhận nên cảnh nhà thêm nhân mạng.
Rồi khi cô con gái lớn lên đại học, hai mẹ con dắt díu nhau đi thăm từng ngôi trường trước khi nạp đơn và cũng mấy me con dọn nhà, đưa nhau lên trường, bịn rịn rơi nước mắt khi để con ở lại trường học. Suốt một năm trời, tôi phải cấp dưỡng cho con đi học vì không xin được học bổng nên mỗi ngày tôi phải làm thêm giờ để có tiền gởi cho con. Đến năm sau, thêm một cô con gái nưã lên đại học, tôi đi làm thêm cả nửa ngày thứ bảy để đủ tiền gởi cho hai con ăn học.
Bố tôi trở về Việt Nam sau mười năm bơ sữa nơi đất khách mà ông lúc nào cũng gọi là cõi tạm dung. Ông về làm Việt Kiều được hai năm thì đi đoàn tụ với tổ tiên, đó là ngày buồn nhất đời của tôi.
Những ngày vui lớn của tôi là ngày con ra trường, áo mũ xêng xang. Tôi vui quá mà nước mắt chảy ròng ròng. Mẹ con ôm nhau cười rộn rã. Những ngày các con lên xe hoa là những ngày vui buồn lẫn lộn, những kỷ niệm qúy hóa không quên.
Bây giờ các con đã yên phận, tôi bình yên trong vỏ ốc thân yêu nhìn các con cháu mà thầm cám ơn cái hạnh phúc cuối đời này.
Sau cái chết trẻ của chị tôi, tôi thấy thương chị vô cùng. Tôi thấy mình cũng đã suốt đời tận tụy vì gia đình, vì con cái nên tôi thương thân mình lận đận. Tương lai trước mắt, tôi nhìn thấy con đường du lịch thênh thang trong tháng ngày còn lại.
Tôi mỉm cười nhớ lại đêm hôm nào còn ở Nha Trang, có người bảo tôi rằng tam tòng tứ đức sẽ bị đào thải trong tương lai, tôi to tròn đôi mắt không tin khiến người ấy cười tôi qúa cổ hủ. Nay theo giòng đời trôi giạt, tôi thấy quả mình cổ hủ thật vì tôi chợt nhớ một món nợ ân tình cần phải trả.
Kỳ tới: Viết Về Chị Tôi

ĐT ĐÀO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến