Hôm nay,  

Âm Hưởng Tháng Tư

11/04/200500:00:00(Xem: 253114)
Người viết:
NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
Bài số 722-1301-70-vb7-040905

Tác giả Nguyễn Trần Diệu Hương, giải viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên, đang là một trong 10 tác giả được đọc nhiều nhất trên Vietbao Online. Sau đây là bài viết mới nhất của cô nhân dịp kỷ niệm 30 năm tháng Tư 1975-2005.
*

H. ơi
Đầu tháng 4 rồi đó, hoa anh đào năm nay nở sớm, từ cuối tháng 3. Anh đi dọc bờ sông Pontomac ở DC mà nhớ bờ sông Đồng Nai của tụi mình hồi đó vô cùng. Anh dùng chữ "hồi đó"vì sông Đồng Nai bây giờ khác với sông Đồng Nai thời nhỏ dại của mình. Anh nhớ cuôí tháng 4 năm 75 "làn sóng đỏ" tràn vào miền Nam, vật đổi sao dời. Đầu tháng 5 anh đi ra bờ sông để "rửa tai" như một nhân vật trong chuyện cổ của Tàu ngày xưa. Chắc H còn nhớ tại sao anh phải "rửa tai" phải không" Những người về từ rừng rú, từ phiá bên kia vĩ tuyến 17, vào miền Nam bưng, đội, khiêng, vác, quơ cào, vơ vét tất cả mọi của cải ở miền Nam đem về miền Bắc "thiên đường mù" của xã hội chủ nghĩa ( như cách nhận xét của nhà văn Dương Thu Hương).
Anh tiếc nhất là tủ sách của anh bị mất sạch. Chừng như chưa đủ, những người mà trình độ nhiều khi không hiểu nổi tựa của quyển sách, còn "lên lớp" anh bằng một ngôn ngữ nghe lạ tai, không phải là thứ ngôn ngữ quen thuộc mình thường nghe từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Anh phải ra sông "rửa tai", và ở đó anh thấy H. và L. ngồi ở khúc vắng nhất của bờ sông, gần cư xá nhà mình, nước mắt chảy xuống hòa với nước sông cũng mặn, dù không mặn bằng nước biển.
Nước sông Pontomac thì vẫn ngọt ngào như đời sống bình yên giàu có ở quê hương thứ hai của tụi mình H. hả" Bởi vì ở đây tự do và dân chủ được thể hiện ở mức độ cao nhất trên quả đất, đâu có chuyện tự nhiên đuổi người ta ra khỏi nhà, rồi chiếm hết tài sản của ngươì ta, nên đâu có em bé nào ngồi khóc ở bờ sông như H. và L. hồi nhỏ.
Anh gởi lời thăm L., hình như dạo này L. có số "thiên di", đi business trip liên tục từ Âu sang Á. Anh lại làm mất email của L. rồi, H. có được gởi qua cho anh xin nghe. Với anh, lúc nào hai cô láng giềng (ở bên phải và ở bên trái căn nhà thiếu thời hồn nhiên hạnh phúc của anh) cũng nhỏ xíu, tội nghiệp như lần ngồi nhỏ nước mắt xuống bờ sông Đồng Nai dạo nào.
. . .
H. thương mến,
Lâu ghê, chị quay như con vụ theo dòng đời sống, không có thì giờ viết email cho H., mặc dù chị vẫn theo dõi những buồn vui của H. Vui buồn nào thì chị không biết, duy có nỗi buồn tháng tư thì tụi mình, và có lẽ rất nhiều người, nhiều người khác đều giống nhau, nỗi buồn lịch sử của cả một dân tộc.
Từ gần ba mươi năm nay, cứ đến ngày 30 tháng 4, anh chị đều mặc áo đen, mặc dù chị vốn ghét màu đen. (Đời đã có quá nhiều chuyện không vui rồi. Tại sao phải góp thêm màu đen vào đời sống") Năm nay tròn 30 năm miền Nam sụp đổ, có lẽ anh chị sẽ mặc áo đen 3 ngày để tưởng nhớ đến tất cả những người đã bỏ mình trong ngục tù cải tạo, và những người đã tự sát trong biến cố tháng tư rất buồn của miền Nam. Nếu có một người nào đó đã qua tuổi "thấp thập cổ lai hy" mà vẫn nói những lời thiếu chín chắn, động lên anh linh của những anh hùng Nguyễn Khoa Nam, Lê Anh Hưng, Hồ Ngọc Cẩn.....thì mình nên mặc áo đen 3 ngày để tưởng nhớ đến những hậu duệ tuyệt vời của các vị danh tướng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, đã tự sát chết theo thành khi thành thất thủ, như là bù trừ chi nghi vậy, H. có đồng ý không"
Con bé lớn nhất của anh chị năm nay vừa lên mười một tuổi, anh chị phải hướng dẫn cho nó từ từ, để lớn lên nó sẽ theo học nghành "Political Science". Từ năm cháu lên bảy, chị đã bắt đầu cho nó coi những cuộc "debates" lịch sử của các ứng cử viên Tổng Thống, đã tập cho nó coi "State of Union Address" hàng năm, quan sát qua tivi trò chơi dân chủ ở một đất nước tự do. Chị cũng đã cho nó đi học Piano và chơi Tenis từ hồi bắt đầu đi học, không phải để hy vọng thành một nhạc sĩ hay một vận động viên sau này, mà để khi cháu lớn lên dễ được nhận vào những trường Đại Học nổi tiếng (những prestgious Universities của Mỹ), để dễ có "connection", dễ lọt vào "mắt xanh", mắt nâu hay mắt xám....của những Giáo Sư uy tín có ảnh hưởng đến những nhàlãnh đạo của nước Mỹ. Chị không dám có mơ ước, con bé được một phần nhỏ như bà Condoleeza Rice rất cương nghị và tài ba, nhưng chị muốn lớn lên, con bé đi được vào vòng ngoài của quỹ đạo quyền lực ở Washington DC, lúc đó "ngày về" của nhiều người Việt Nam lưu vong sẽ có khả năng thành hiện thực. Thử để thế hệ con em mình đi một đường khác, như cộng đồng người Do Thái, mặc dù không vào được những vị trí tột đỉnh uy quyền hay những vai trò "decision maker", nhưng đã ảnh hưởng đến những quyết định lớn, những chính sách quan trọng rất nhiều.
Anh chị đã vàsẽ làm hết sức mình, nhưng "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" phải không H" Thế hệ anh chị làm không được thì ráng đầu tư vào con bé, để nó hoàn thành được ước mơ của mình. Khi nào rảnh H. nhớ cầu nguyện cho ước vọng chung của những người Việt Nam lưu vong tỵ nạn chính trị H. nghe, cho "ngày về" của rất nhiều, và để bố chị cùng rất nhiều người chiến hữu của ông được mỉm cười nơi chín suối.
. . .
H. thân mến
Anh vừa về Việt Nam lần đầu theo một tourists trip. Gần ba mươi năm sau nhìn lại quê hương, anh thấy mình thật sự là Từ Thức trong truyền thuyết ngày xưa. Anh thấy mình lạc lõng trên chính quê hương mình, còn hơn cả cảm giác bơ vơ, lạc loài đầu tiên anh đến định cư ở St Louis cổ kính của miền Tây nước Mỹ hơn hai mươi năm trước.
H có biết là từ nhiều năm nay, anh thấy thú vị với những cái "joke" của người Mỹ còn hơn là những chuyện tiếu lâm của đồng bào mình ở quê hương xa xăm đầy tội nghiệp, anh chắc là H. cũng vậy, bằng cớ là H. vẫn kể cho anh nghe nhiều chuyện cười H. đọc được từ Reader Digests, và cảhai anh em đã cười tít mắt, cười đến nỗi không thấy Tổ Quốc đâu hết. Tổ Quốc nào H. hả"
Anh còn nhớ hồi ở trại tỵ nạn Pulau Bidong ở Mã Lai, H. đã rất mê một bài thơ từ tạp chíVăn ấn hành ở Mỹ, anh chỉ nhớ mỗi câu cuối "Em hỏi sao bây giờ mình có hai Tổ Quốc"" Khái niệm Tổ Quốc, vơí anh thật mù mờ kể từ khi mình dơ tay tuyên thệ thành công dân Hoa Kỳ.Tuy nhiên cứ mỗi độ tháng Tư, Tổ Quốc hình chữ S vẫn đậm nét hơn, hằn sâu trong ký ức với những kỷ niệm rất buồn của ba mươi năm trước.
Anh ngưng ở đây, vì nếu viết nữa, anh sẽ buồn ghê lắm, đôi khi còn chảy cả nước mắt, mà nước mắt của đàn ông, con trai thì hiếm vô cùng, nên phải xử dụng cho đúng chỗ và đúng lúc.
. . .
H. thương yêu,
Cứ mỗi độ đầu xuân ở Mỹ, trời trong xanh, đẹp hơn, nhưng dì vẫn buồn khi nhớ những kỷ niệm của một tháng 4 đầy ảm đạm của đất nước mình. Hồi đó, tuần lễ cuối cùng của tháng Tư đầy lửa đạn, chú để dì và hai em đi trước, chú phải ở lại với đơn vị đến giờ phút cuối.


Dạo đó, dì còn quá trẻ, trạc tuổi H. bây giờ, hai em thì còn nhỏ, một em 5 tuổi, một em 3 tuổi. Suốt đường từ nhà ra phi trường em Thạch cứ khóc đòi về: Thạch không đi chơi, Thạch muốn về với ông ngoại, mẹ cho Thạch về. Một người lính Mỹ trên máy bay cho em một gói chocolate M&M, em lại hét lên: Không, Thạch không muốn kẹo, Thạch chỉ muốn đi về với ông bà ngoại. Ruột dì nát như tương, tương lai trước mắt mờ ảo như trong sương mù, dì vừa bồng em nhỏ, vừa dắt em lớn, chưa bao giờ thấy thân phận của con người, nhất là người dân của một nước nhược tiểu, bọt bèo như thế.
Rồi sau đó, mọi việc xảy ra như một cơn mơ đầy bàng hoàng, dì và hai em đến Guam, và gặp lại chú ở Camp Pendleton của California chỉ còn tiểu gia đình nhỏ, mất đại gia đình, mất hết tài sản, mất cả quê hương. Kể từ ngày đó, 30 tháng 4 là ngày dì nhớ nhất trên đời, dĩ nhiên với nỗi buồn vô hạn.
. . .
Cô H. thân
Dạo đó, ngày miền Nam sụp đổ, anh đang học năm thứ hai ở UC Berley, vừa mới bắt đầu mùa Spring thì trên hệ thống tin tức CNN của Mỹ, bản đồ của miền Nam Việt Nam bị mũi tên màu đỏ lấn dần, lấn dần rồi nuốt chửng.
Dạo đó, trong trường chỉ có hơn mười sinh viên Việt Nam ở cả hai chương trình undergraduate và graduate. Cả bọn đều sững sờ như người thất tình gần cả tháng, vẫn lên lớp đều đều, nhưng đầu óc như đông đặc lại, không vô được một chữ nào. Anh Nam, người lớn nhất trong nhóm đang học năm cuối, sẽ ra trường vào tháng 6 thì tháng 4 mất nước và mất luôn đường về, tiêu tan cái ước vọng về dạy trường Kỹ Thuật Phú Thọ truyền lại cho các thế hệ đàn em những điều anh đã học được từ chương trình Tiến Sĩ ở Mỹ để nước mình có nhiều nhà máy, nhiều công xưởng hơn. Có khi nào cô H. tưởng tượng ra cái cảm giác hụt hẫng, đau buồn của một sinh viên du học không còn có nhà, không còn có Tổ Quốc để quay về" Đó có lẽ là một trong những cảm giác khó tả, tan nát cả tim óc và tâm hồn.
Những người bạn Mỹ nội trú cùng phòng, rất thông cảm với nỗi đau rất lớn của sinh viên Việt Nam, đã đem nhiều thức ăn vào cho cả nhóm, nhưng tụi anh không nuốt được miếng nào. Cả nhóm gom góp tiền, cứ 3 anh chị lớn nhất, đến 3 trại tỵ nạn dựng lên ở 3 căn cứ quân sự trải dài trên chiều ngang nước Mỹ tiếp đón những người Việt Nam đầu tiên lưu vong, ngay sau ngày miền Nam sụp đổ, để tìm thử có gia đình mình di tản qua không. Chỉ có mỗi anh Chương là may mắn gặp lại được cả gia đình từ trại Fort Chaffe ở tiểu bang Arkansas, số còn lại bắt đầu ngậm ngùi sống đời "vô gia đình, vô Tổ Quốc" giống như truyện "Sans Famille" của Pháp và nội dung của bài hát "Nostalgia"
Gần đây, khi coi phim "Terminal" có anh chàng người Đông Âu vừa đặt chân đến phi trường thì nước mình bị mất, lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", anh vẫn chạnh lòng nhớ lại tình cảnh tương tự của mình tháng 4 năm 75 mà không hề cười nổi mặc dù đó là một phim hài hước, và anh thì mê tít lối diễn xuất tuyệt vời rất tự nhiên của Tom Hanks. Đời sống và phim ảnh rất ngẫu nhiên, đôi khi có những điều giống nhau rất đau lòng, H. có thấy điều đó không"
. . .
H. thân thương
Tụi mày ở California với nhau, có nhớ gởi quà cho Hoàng Anh không" Năm nay cho nó một cái gift certificate từ Macy's đi, để nó đi shopping, quên đi nổi buồn không bao giờ có được birthday party chỉ vì nósinh vào đúng ngày 30 tháng 4. Nghe nói hồi mới ra đời, nó khóc cả tiếng đồng hồ, mới chịu nín. Khóc cho ngày 30 tháng 4 mà chỉ khóc một tiếng thì hơi .......ít phải không" Lại đùa cho đỡ buồn, vì sắp tròn ba mươi năm, có là gỗ đá mới không có cảm giác với ngày này.
. . .
Gần đây, nghe nói chính quyền Việt Nam hiện nay nay đang than phiền về chuyện "chảy máu chất xám". Bây giờ mới bắt đầu than phiền thì quả là muộn màng! Chất xám đã chảy rakhỏi nước rất nhiều từ cuộc di tản vĩ đại của tháng 4 năm 75, chất xám bị thui chột trong các "trại cải tạo", rồi tiếp tục rò rỉ theo những chiếc ghe vượt biên nhỏ nhoi, đầy tội nghiệp. Chưa dừng ở đó, chất xám Việt Nam tiếp tục thất thoát cho tới bây giờ, khi những sinh viên Việt Nam đi du học. Thế hệ sinh ra và lớn lên trong vòng tay "xã Hội chủ nghĩa", ra ngoại quốc học, được ánh sáng văn minh và tự do soi rọi, rồi tự nguyện "quên mất đường về", tìm đủ mọi cách để được ở lại.
Càng nghĩ càng đau lòng, nên chi đôi khi vô tâm như Hoàng Anh cũng là một điều hạnh phúc phải không"
. . .
Các cháu thân quý.
Chú mừng vì các cháu hiểu được nhiều điều, mà lúc bằng tuổi các cháu, thế hệ cha anh các cháu nhiều khi còn mù mờ, cho nên không ít người bỏ cả cuộc đời để cống hiến cho lý tưởng của tuổi hai mươi, đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc, đến lúc bạc đầu mới biết mình lầm thì không còn sức lực, và thời gian để làm lại từ đầu. Cứ nhìn các cháu cặm cụi tra cứu trong thư viện, sách vở, internet để tìm hiểu nguyên nhân miền Nam sụp đổ, mới thấy không phải ai cũng bỏ mặc cảnh "nước chảy bèo trôi". Cảm ơn sách vở, cảm ơn tự do, cảm ơn các nhân chứng sống đã viết, kể trong các tác phẩm phản ánh một phần lịch sử cận đại Việt Nam từ "Mùa hè đỏ lửa" của Phan Nhật Nam đến "Đại học máu"của Hà Thúc Sinh, "Quê hương - Bạn hưũ- Tù đầy" của Trần Dạ Từ, hay "Đáy địa ngục" của cố nhà văn, cố họa sĩ Tạ Ty.
Bằng kiến thức của các cháu, bằng nhận xét từ nhiều phía cả Mỹ lẫn Việt, cả miền Bắc lẫn miền Nam, bằng tấm lòng của người Việt Nam, chú tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng hơn của đất mình có dân chủ, có tự do và có cơm ăn áo mặc đầy đủ cho hơn tám mươi triệu đồng bào trong nước.
Như tất cả người Mỹ khác, các cháu phải đi làm mỗi ngày, phải quay cuồng với nợ áo cơm, với công tác thiện nguyện, và đời sống rất riêng của mỗi cháu. Nhưng trước khi là một người Mỹ, các cháu đều đã là một người Việt Nam, mà là ngưởi Việt Nam thì phải có đạo đức, phải có câu "uống nước nhớ nguồn". Các cháu sẽ không làm thế hệ cha anh thất vọng phải không" Xin được nhắc các cháu một câu hát nổi tiếng đã được chính tác giả Guy Hovis hát trong lễ tuyên thệ nhiệm kỳ hai của tổng thống Bush "we pay the price of sacrifice, the price you can not ignore". Chú và ba các cháu đã trả một giá rất đắt, một thời trai trẻ chiến đấu bảo vệ tự do, một thơì trung niên bị đày ải trong núi rừng âm u đầy chướng khí của các trại tập trung cải tạo để thế hệ các cháu được nước Mỹ nhận ngay từ trại tỵ nạn, hay lên máy bay ra đi, dù muộn màng, nhưng vẫn đến được bến bờ tự do an toàn. Cái gì cũng phải trả giá, không có cái gì "free", không có cái gì từ trên trời rơi xuống. Đến tháng tư hàng năm, các cháu càng phải nhớ điều đó hơn bao giờ hết, các cháu nhé! Rồi sẽ có một ngày, chất xám Việt Nam thôi chảy ra ngoại quốc, rồi sẽ có một ngày không một ai muốn sống đời lưu lạc, ngày đó gần hay xa còn tùy ở thế hệ các cháu.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Nhạc sĩ Cung Tiến