Hôm nay,  

Một Cảnh Đời Odp

30/03/200500:00:00(Xem: 100383)
Người viết: NGỌC DUY
Bài số 713-1292-61-vb8-032705

Tác giả tên thật là Lại Ngọc Thành, sinh năm 1961, định cư tại Hoa Kỳ từ 1984, hiện là cư dân Houston, TX, công việc: Computer Engineer. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ ông cho biết đã sẵng sàng 10 bài. Sau đây là bài thứ hai trong loạt bài của ông.
*

Tui có một ông anh mới từ Việt Nam sang diện ODP do ông anh vợ của ổng bảo lãnh. Vì là diện anh em đã có gia đình bảo lãnh cho nhau nên ổng phải chờ đợi hơi lâu, có 16 năm hà (từ năm 79 - 95). Hôm gặp ổng ở phi trường, ngó thấy ổng già chác tóc tai đã lốm đốm bạc, da dẻ nhăn nheo cười lên một cái thấy hiện lên cả chục cái đường rầy xe lửa, răng cỏ thì cái còn cái rụng, tui mới an ủi ổng rằng: "Anh qua đây cũng còn trẻ chán, chưa tới tuổi ... hưởng tiền già !". Ổng ngó tui cười móm mém .
Hai vợ chồng ổng bả đều đã tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn, hồi "đàn bò mới vô thành phố", ổng bả người thì kỹ sư người thì giáo sư nên vẫn tiếp tục được đi làm "công nhân cục" cho nhà nước, tháng tháng lãnh về mấy ký gạo đem về cho má tui đổ vô nồi nấu cơm ăn chung cho đỡ tốn. Nói theo kiểu VC thì gia đình ổng bả tuy hổng có tham gia kháng chiến, hổng có bò vô bưng đeo khăn rằng mang dép râu đội nón cối, hổng có đổ xương máu cho sự nghiệp "chống Mỹ cứu nước" của nhân dân miền Nam, nhưng thuộc thành phần "lao động nghèo đô thị", hổng có tham gia "ngụy quân ngụy quyền" cầm súng bắn lại chiến sĩ cụ Hồ, hổng có là "tư sản mại bản" tiếp tay đế quốc bóc lột nhân dân, nên ổng bả được "lên chức" CHỦ NHÂN, nghĩa là ổng đang đi làm kỹ sư thì trở thành ông chủ của nhà máy, còn bả thì đang đi làm giáo sư thì trở thành bà chủ của trường học. Có điều nhà máy hay trường học bây giờ sao có nhiều ông chủ quá, và đầy tớ thì chỉ có vỏn vẹn có mấy người nằm trong ban giám đốc.
Tui nhớ ông gác dan ở trường tui hôm khai giảng năm học mới đầu tiên sau 75, chính tay thằng cha giám hiệu (hiệu trưởng) ở trong bưng bò ra cầm lấy cây chổi chà quét lá nâng niu đưa cho ông gác gian y như ngày xưa hoàng đế trao gươm cho Kinh Kha tráng sĩ sắp xông pha ngoài trận mạc mà run run cất giọng trong micro là: "Bây giờ đổi đời rồi, những người như bác gác dan đây mới thật sự là những chủ nhân ông của ngôi trường chúng ta".
Tui nhớ là ông gác dan đã ràn rụa nước mắt vì xúc động, vì hổng ngờ cái nghề hạ tiện của ông mà ngày trước ai cũng coi thường trong phút chốc nhờ bàn tay nhiệm mầu của cách mạng mà nó trở nên quan trọng, tương đương với ... chủ tịch Ủy Ban quân quản nhà nước Trần Văn Trà!
Ông anh tui cùng bà chị dâu tui hình như hổng ai có "khiếu" làm ông chủ bà chủ nên đi làm được vài năm thì ổng bả toan tính vượt biên. Vì sợ đi chung bị bắt thì mất cả chì lẫn chài nên ổng bả chia nhau ra mà đi, chồng dắt một đứa con, vợ dắt một đứa con, chồng xuống Gành Hào Cà Mau vợ bồng con ra Vũng Tàu, hẹn gặp nhau ở một trại tị nạn nào đó ở Mã Lai hay Nam Dương, y như ngày xưa ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ chia con kẻ lên non người xuống đồng bằng.
Nhưng hai vợ chồng ảnh chỉ hình như chưa có số vượt biên, cả hai vợ chồng chưa ra cá lớn cá bé gì ráo thì đã bị túm ngay tại bãi đợi, và được đưa ngay vô tù, phòng giam "học viên ngoại quốc" (nơi giam dân tình vượt biên). Tội nghiệp hai đứa cháu nội của má tui, một đứa ba tuổi, một đứa sáu tháng, bị cha mẹ tụi nó vì ham "bơ thừa sữa cặn" của đế quốc, nên chưa dứt sữa mà cũng đã biết mùi tù ! Tui nhớ bà má tui chạy ra Vũng Tàu lo lót cho bà chị dâu của tui dìa, bả phải đóng kịch xỉa xói nàng dâu trước mặt thằng Công An như vầy:
- Mày có ham đi Mỹ đi Tây thì mày đi một mình để cháu nội của tao lại cho tao nuôi. Cháu tao mới có chút xíu mà mày nỡ lòng nào đem nó vô tù mày nhốt vậy hả. Chưa thấy ai ăn ở thất nhơn thất đức như mày, một đứa con nít bò còn chưa biết bò mà mày để cho nó ở tù là sao vậy hả" Mày có muốn ăn dọng gì thì mày nói chứ mày đừng có mà hành hạ cháu tao. Ông trời coi ổng có mắt thế nào cũng có ngày ổng cũng vặn đầu vặn cổ mấy cái thứ lòng lang dạ sói như chúng mày.
Thằng công an mới "ăn" của má tui mấy chỉ vàng tiền đút lót, nghe má tui xỉa xói nhột nhạt quá liền lấy hai tay xua má tui với bà chị dâu của tui đi:
- Nè, có dạy con dạy cháu gì thì đem cả về nhà mà dạy. Đây là đồn Công An chứ có phải phòng khách nhà mấy người đâu. Còn chị kia, giáo viên mà bán nước như chị vậy thì lấy tư cách gì dạy học trò. Tôi sẽ liên hệ địa phương chị ở cho chị đi lao động, cứ để ăn trắng mặt trơn rồi không biết quý của cải lao động của người khác. Khổ một tí thì đòi vượt biên. Qua bên đấy không làm đĩ thì cũng làm ma cô chứ tốt lành gì !
Lãnh bà chị dâu tui ra má tui lại phải ba chưn bốn cẳng xin giấy phép đi đường lặn lội xuống Cà Mau để rước ông anh tui dìa. Lại phải mất mấy chỉ vàng đút lót .
Thằng Công An hôm thả ông anh tui ra còn mở miệng đạo đức nói với má tui:


- Chúng tôi làm việc có đạo đức cách mạng lắm bác à. Thấy ảnh có con nhỏ nên chúng tôi linh động giải quyết cho ảnh về sớm, về tới địa phương thì ảnh phải lao động tại chỗ và sẽ được quản thúc tại chỗ từ sáu tháng tới một năm. Tôi là tôi không hiểu là tại sao nước nhà thống nhứt rồi, không chịu ở lại xây dưng đất nước mà cứ tính chuyện chạy ra nước ngoài là sao"
Má tui phải giả đò ngây thơ:
- Thằng con tui là nó nghe người ta dụ dỗ xúi bậy, để chuyến này tui dìa tui dần cho nó một trận. Coi nó lớn xác vậy chư còn khờ lắm, "đồng chí" ơi ! Sau chuyến vượt biên thất bại đó, ông anh tui và bà chị dâu tui, ông chủ của nhà máy và bà chủ của trường học, trở về nhiệm sở thì bị bọn "đầy tớ nhân dân" đá ra khỏi trường, khỏi hãng. Mất việc thì cũng chẳng đáng tiếc gì, chỉ sợ ở lông bông trong thành phố không có nghề nghiệp gì lại bị tụi "đầy tớ nhân dân" khác, tống cổ đi kinh tế mới chứ chẳng chơi! Ổng bả bắt đầu bung ra chợ trời kiếm sống. Hai đứa con thì gửi nhà ngoại năm ba bửa, nhà nội đôi ba tuần, hai vợ chồng vay tiền anh chị em làm đủ thứ nghề, khi thì bán cà phê vĩa hè, khi thì chạy mánh thuốc tây, lắm lúc còn phải giữ xe đạp rạp hát hay bán vé chợ đen cải lương nữa ... Lúc này ổng bả bươn chải kiếm tiền để dành dụm vượt biên nữa, chứ nếu cứ lê lết kiếm ăn ngoài đường ngoài xá như vậy rồi thì tương lai biết về đâu"
Nhưng cái số của ông anh tui hổng có được vượt biên bằng ghe bằng tàu gì ráo, cho nên sau 16 năm mòn mỏi vào tù ra khám không biết bao nhiêu bận, cuối cùng rồi ổng bả cũng tới được Mỹ, đi bằng máy bay đàng hoàng, có công an ở phi trường soát vé hộ chiếu! Sau 16 năm lăn lộn bươn chải ổng bả cũng có được một cửa hàng kiếm ăn ngày hai bữa tươm tất. Hôm trước khi ổng qua đây, tụi tui có gọi phone về nói chuyện để ổng suy nghĩ trước khi quyết định làm một chuyến phiêu lưu mới, ổng đã khẳng khái trả lời tui như vầy:
- Ở Sài Gòn bây giờ được như anh chị cũng không có bao nhiêu người, nhưng anh chị vẫn nhứt định ra đi .
Căn nhà này đành phải cúng cho tụi nó, đây là căn nhà công khó của ba mánhưng anh chị cũng phải đành vậy. Vì tương lai của mấy đứa nhỏ. Đời sống đâu phải chỉ vì miếng cơm manh áo mà vì những cái khác tốt đẹp hơn. Mấy em dìa Sài Gòn sẽ thấy người ta tranh sống với nhau bằng những thủ đoạn lường gạt, tham nhũng hối lộ đút lót từ trên xuống dưới. Nhân phẩm đạo đức lương tri là những cái gì đó xa vời lắm. Sống hôm nay mà không biết ngày mai ra sao. Hôm nay vô mánh kiếm cả trăm cây ngày mai thì vô khám nằm ép rệp. Thôi đành kiếm mảnh đất nào đó, dù không phải quê hương mình, nhưng lòng thấy thanh thản, có cực hơn một chút, thì vẫn hơn...
Ông anh tui bây giờ, mỗi ngày phải thức từ hai giờ sáng đi bỏ báo, tới sáu giờ sáng thì xong. Ban ngày đưa hai con đi học xong ổng phải đi cắt cỏ. Bà chị dâu tui thì đi may cho người ta, ngôì còng lưng 10 tiếng một ngày kiếm được hai ba chục tiền mặt. Vì ổng bả qua đây diện ODP nên không được trợ cấp gì ráo. Tui có lần gọi phone cho ổng hỏi ổng là ổng có hối tiếc gì không, ổng la tui trong phone:
- Chú mày sao ngày tối cứ hỏi tao có tiếc gì không. Tiếc chứ, tiếc là mình qua đây trể quá, chứ tao qua đây mà còn trẻ như chú mày, thì đã đi học có cái bằng chuyên môn rồi. Bây giờ thì tuy cực nhưng ngó thấy con cái mình sẽ được đi học đến nơi đến chốn, không cần phải lo lắng đút lót, không còn phải lo sợ phập phòng thằng công an kinh tế này hay giả lả với thằng công an phường nọ, vui chứ. Mai mốt tao hùn với thằng bạn tao mở công ty cắt cỏ, lấy cái tên thiệ kêu là "Lanscaping Designer", để mai này dìa nước làm Việt Kiều có ai hỏi tao làm nghề gì, tao sẽ dịch là nghề "Kiến Trúc Sư ngành Cây Kiểng", oai không mậy"
Thấy ông anh tui vui vẻ chấp nhận cuộc sống mới mà tui cũng vui lây với ổng. Tụi Việt Cộng ngày xưa la lối chỉ có bọn ma cô đĩ điếm hoặc có nợ máu với nhân dân mới bỏ chạy theo đế quốc. Nhưng ông anh tui, rõ ràng là ổng hổng có bị chế độ ngược đãi. Giải phóng vô ổng cũng được đi làm đàng hoàng, nhưng cái chế độ kỳ quặc của những thằng đầy tớ nhân dân, đã làm cho ổng thấy rằng mình hổng thể sinh tồn được trong một xã hội như vậy, con cái ổng sẽ không có một tương lai đúng nghĩa khi ngó ra chung quanh mọi căn bản đạo đức đều bị rẻ rúng. Thành ra ổng đã quyết định ra đi. Vượt biên không được thì chờ giấy tờ bảo lãnh, đợi một năm không được thì 10 năm, thậm chí 16 năm cũng được mà .
Tui chắc rằng ổng cũng sẽ thấy nhớ cửa hàng của ổng bỏ lại ở Sài Gòn, nơi mỗi ngày ổng có thể kiếm gần cả trăm đô đủ cho một gia đình bốn miệng ăn sống sung túc ở Sài Gòn. Tui chắc là ổng cũng sẽ nhớ căn nhà của ba má tui để lại, nơi tụi tui sống cả thời niên thiếu, nhưng trong cuộc sống khi phải lựa chọn thì mình cũng phải chấp nhận những mất mát. Ngày xưa người ta còn bỏ cả mạng sống liều mình ra đại dương thì sá gì những mất mát vật chất. Năm mười năm sau khi cuộc sống đã ổn định, khi con cái của ổng đã trưởng thành học hành thành đạt, tui nghĩ ổng sẽ biết rằng mình đã có một quyết định đúng đắn, phải không bạn"

NGỌC DUY

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Tác giả Phan là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông, chuyện mùa xuân và chuyện mùa hè.
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể, “Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình, tôi có cơ may được học bổng của Liên Âu (EU) để hoàn thành chương trình BA và MBA International Management." Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông đã hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đại Học ở Argosy, San Diego, và là một Phó Giám Đôc kỹ thuật hàng hải của Bộ Quốc Phòng Mỹ, làm việc tại Á Châu.
Tác giả đã có bài viết về nước Mỹ đầu tiên phổ biến từ 2016. Năm nay, khi quyết định tiếp tục viết ông chọn bút hiệu mới cho bài kề về lễ tốt ngiệp kỹ sjư ngành computer của người cháu torng gia đình. Bài đăng 2 kỳ. Mong Mr. Hi tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả tên thật Nguyễn Thụy, 49 tuổi, theo ba mẹ đi H.O.8., tốt nghiệp Computer Enginee-ring. Sau 6 năm làm thuê, đã thành lập và điều hành công ty Newteck - PCB Inc tại City Tustin. Bài viết đầu tiên của ông mang tên “35 Năm, Một Ước Mong” kêu gọi thủ đô tị nạn của người Việt hải ngoại cần có một đền thờ 5 vị tướng anh hùng tử tiết của miền Nam Tháng Tư 1975. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác Giả Huỳnh Mai Hoa học Đại Học Văn Khoa Saigon nhưng dang dỡ. Có làm thơ và viết truyện ngắn đăng trên vài nhật báo ở Saigon. Qua Mỹ năm 1993 theo diện HO của chồng, làm nghề tóc. Hiện đã nghĩ hưu, nhưng vẫn làm thơ, viết truyện ngắn đăng trên báo địa phương. Hiện cư ngụ tại thành phố Sacramento, Cali. Đây là bài đầu tiên tham dự VVNM.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến