Hôm nay,  

Trôi Sông Lạc Chợ & Chuyện Tết Ất Dậu

23/03/200500:00:00(Xem: 304020)
Người viết:
NGUYỄN TRẦN DIỆU HƯƠNG
Bài số 709A-1288-57-vb3-032205

Một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt của năm 2005 đã được tuyển chọn đăng vào báo Tết Việt Báo năm Ất Dậu. Vì Việt Báo Tết Ất Dậu bán hết quá lẹ, nhiều bạn không kịp mua, nên có yêu cầu phổ biến lại trên báo hàng ngày và online. Sau đây là bài viết của Nguyễn Trần Diệu Hương, giải viết về nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên, và đang là một trong 10 tác giả được đọc nhiều nhất trên Vietbao Online. Tựa đề gốc của bài viết do tác giả đặt là “Trôi Sông Lạc Chợ,” bản in vào báo Tết được đặt thêm theo nội dung: Chuyện Tết Ất Dậu.
*
Sống ởÛ Mỹ gần hai mươi năm, chúng tôi chú trọng đến Tết dương lịch nhiều hơn là Tết âm lịch và không nhớ nỗi tên gọi của mỗi cái Tết, mặc dù vẫn còn nhớ được đủ mười hai con vật biểu tượng của năm âm lịch. Còn tệ hơn thế, mỗi lần ai hỏi tôi tuổi con gì, tôi phải mở lại bộ nhớ của những dữ kiện không thường xuyên dùng đến hoặc giở cả mười ngón tay để bắt đầu đếm "Tí, sửu, dần, mẹo..." "Giáp, ất, bính, đinh..." Để nhớ tuổi ta của mình. Vậy mà năm nay, năm Ất Dậu, chắc chắn là tôi không quên vì đó là danh từ riêng tôi đã nhớ và sẽ nhớ suốt đời.
Hai chữ "Ất Dậu" với đồng bào tôi, đặc biệt là những người lớn tuổi gắn liền với những ký ức kinh hoàng, buồn thảm. Năm Ất dậu 1945, mẹ tôi vừa mới ra đời được vài năm, dĩ nhiên là chưa có tôi hiện hữu trên đời, những cụm từ "nạn đói Ất Dậu" đã in hẳn vào ký ức tôi từ thời thơ ấu, qua lời kể của ba thế hệ trong gia đình.
Hồi nhỏ, mỗi lần có một đứa nào trong chúng tôi ăn hơi nhanh, đều bị ba mẹ nhắc nhở, quở trách:
- Ăn uống phải khoan thai, chậm rãi, ăn nhanh cứ như sống trong năm đói Ất Dậu.
Hay khi ăn xong, cái chén còn vương vãi vài hạt cơm hay thức ăn vét không sạch đều bị bà nội hay bà ngoại dặn dò:
- Phải vét cho sạch, hạt cơm là hạt ngọc của trời. Trận đói Ất Dậu người ta phải bới từng đóng rác, kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được.
Chừng đó thôi nhưng đủ làm sống lại một hồi ức gắn liền với một giai đoạn lịch sử buồn bã của dân tộc, về những ngày quân đội Nhật bắt dân ta nhổ luau trồng đay, đem đến hậu quả hai triệu người Việt Nam chết đói! Lúc đó, Liên hiệp quốc chưa hình thành (mấy tháng sau trận đói Ất Dậu, United Nations mới được thành lập) phương tiện thông tin còn lạc hậu, nên ít ai biết đến những thân xác còm cõi của người Việt Nam nằm lây lất dọc đường vì đói.
Những lời kể của bà cố đặc từ miền Bắc vẫn còn văng vẳng bên tai tôi:
- Đận ấy, không có từ ngữ nào diễn tả được sự tàn ác của quân đội Nhật, và sự bất hạnh của người Việt Nam. Những đồng lúa trĩu nặng đến ngày giáp hạt, chờ ngày gặt hái, bị quân đội Nhật phá nát, lấy đất trồng đay. Nông dân, người trồng lúa là những người bị đói đầu tiên. Câu ngạn ngữ "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ" không đúng tý nào trong năm đói Ất Dậu.
Đay để phục vụ cho quyền lợi của nước Nhật, đâu có làm no bụng những người dân quê Việt Nam chân chất. Người ta bỏ làng ra đi, hy vọng tìm một nghề để kiếm sống, tìm bất cứ công việc gì có thể nuôi thân qua ngày. Nhưng ai cũng đói, rất ít người thừa cơm gạo để trả công hay chia xẻ với người khác. Hậu quả là nhiều xác người chỉ còn xương bọc da, mỏi mệt, đói khát nằm chết dọc đường. Thoạt đầu, người ta còn chôn cất đàng hoàng. Về sau, càng ngày càng nhiều xác chết khắp nơi chính quyền địa phương lúc đó phải lấy xe bò đi dọc đường nhặt xác người. Những xác chết nằm chất chồng trên xe bò được rắc vôi bột trắng (phương tiện thô sơ của sáu mươi năm trước) để khử trùng. Những người đánh xe bò đi nhặt xác chết, lúc đầu còn nhỏ nước mắt, khóc người bất hạnh, chết dọc đường, không cần thân bằng quyến thuộc. Lâu dần quen đi niềm xúc cảm biến mất họ đi thu lượm xác người như đi nhặt lá vàng mùa thu! Có những người đói lả, chưa chết, bị bỏ lên xe bò chở xác chết nhưng không còn sức để nói ra tiếng.
Bao giờ cũng vậy, kể đến đó những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt da mồi ở tuổi ngoài tám mươi, lúc đó của bà cố.
Bà nội thì lại kể cho chúng tôi nghe cái bi thảm của những người "đói đến vàng mắt" quơ cào trong những đống rác để tìm thấy bất cứ cái gì có thể bỏ vào miệng, làm dịu đi cái bao tử trống rỗng đã nhiều ngày. Rồi không biết có phải vì đói quá, sức cùng lực tận, thị giác mờ đi, có người cho vào miệng cả một chiếc giày cũ. Cũng từ dạo ấy, người ta nhận ra rằng, khi cho một người đói lâu ngày ăn, chỉ nên cho họ nước cháo trắng, giúp họ lại sức từ từ. Sau này, tôi vẫn tự hỏi không phải từ "đói vàng mắt" có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ năm Ất Dậu 1945.
Từ trận đói Ất Dậu lấy đi hai triệu mạng người Việt Nam, mỗi một người dân của đất nước tôi, nhất là người miền Bắc, nạn nhân trực tiếp của trận đói 1945, đều hết sức trân quý "hạt ngọc của trời". Triều đình nhà Nguyễn cáo chung chấm dứt chế độ quân chủ, cha truyền con nối, nối tiếp nhau làm vua không ai thương tiếc, vì làm vua mà không mang lại được cơm no áo ấm cho dân thì soi gương cũng phải hổ thẹn với chính mình. Thời đó, không chỉ vận nước đầy nhiễu nhưỡng mà tình hình thế giới cũng đang lâm vào loạn lạc. Việt Nam tuy không tham dự vào thế chiến thứ hai 1939-1945 nhưng cũng đã mất đi cả triệu mạng người vô tội vì nạn đói. Và rồi, cũng vào năm 1945 ngày 5 tháng 8 hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật biến thành hai cột khói trắng vĩ đại hình nấm sau khi bị Mỹ thả hai trái bom nguyên tử, cả triệu người Nhật chết không kịp nhắm mắt, phe trục "Đức-Ý-Nhật" xếp súng quy hàng liên quân đồng minh, chấm dút thế chiến thứ hai (cầu mong đó cũng là thế chiến cuối cùng của nhân loại).
Hồi đó, lần đầu tiên nghe được chuyện này trong giờ học sử thế giới tôi đã tha thứ cho người Nhật về tội bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, gây ra trận đói Ất Dậu.
Cho đến bây giờ, mỗi lần hồi tưởng lại những mẩu chuyện được nghe thời thơ dại về nạn đói năm 1945, tôi vẫn tự hỏi phải chăng đó là 'cộâng nghiệp" của dân tộc mình. Dù lòng có từ bi đến đâu, dù đã tha thứ cho người Nhật sau khi biết chuyện hai thành phố lớn của Nhật bị tàn phá bởi hai trái bom nguyên tử, tôi vẫn không sai nhìn những người Nhật, hậu duệ của những người trực tiếp gây ra thảm họa đói khát của đồng bào tôi, với con mắt trong sáng đầy thiện cảm như nhìn những người dân ở các nước khác. Trong trí tưởng của tôi hai cột khói xám xịt hình nấm khổng lồ ở Hiroshima và Nagasaki đã che khất nhiều thứ, nhưng không che được hình ảnh những người Việt Nam đói lả người, chỉ còn xương bọc da, chết vất vưởng hai bên đường trong nạn đói Ất Dậu 1945. Bởi vì vết thương dù đã lành từ nữa thế kỷ trước nhưng vết sẹo vẫn còn đó, mãi mãi hằn sâu!
Tưởng đã trả xong "công nghiệp" ngờ đâu chỉ chín năm sau, tháng bảy năm 1954 một lần nữa gần một triệu người miền Bắc Việt Nam phải trả thêm một "công nghiệp" khác; cuộc di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam, bỏ lại sau lưng của cải mồ hôi nước mắt, nơi chôn nhau cắt roan, mồ mả ông bà để làm một cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam.
Nhiều người trong số họ ngay cả chính ông bà nội của tôi hai nhà giáo kỳ cựu, cứ nghĩ là chia đôi đất nước đến vĩ tuyến 17 chỉ một hoặc hai năm sau là thống nhất đất nước trở lại vào Nam như một cuộc lánh nạn tạm thời. Ngờ đâu, cuộc lánh nạn tạm thời năm đó, kéo dài đến 21 năm sau và nhiều người cho đến chết chẳng bao giờ có dịp nhìn lại quê hương hay người thân yêu của mình ở phía Bắc của vĩ tuyến 17. Cuộc di cư vĩ đại đó vượt qua dự trù của tất cả mọi phía liên hệ, được các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ba Lan và Trung Hoa cung cấp phương tiện vận chuyển bằng cả đường hàng không và đường thủy. Máy bay, tàu thủy hết chuyến này đến chuyến khác lần lượt đưa hơn tám trăm ngàn người Bắc vào Nam, chưa kể gần một trăm ngàn người, bất chấp mọi thủ đoạn dụ dỗ ngăn chận tinh vi của chính quyền miền Bắc, vận tự tìm phương tiện, vượt sông Bến Hải vào Nam để lại sau lưng tất cả mọi thứ chỉ vì "Tự Do" chỉ vì "chúng tôi muốn sống".
Mỗi lần đến Tết, hay dịp tảo mộ vào "Thanh minh trong tiết tháng ba" như cụ Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều, rất nhiều người Bắc di cư đã dấu nỗi ngậm ngùi, bởi vì làm sao có thể giữ được mỹ tục tốt đẹp đó, nhớ đến tổ tiên, khi mồ mả ông bà và cả quê hương nơi chôn nhau cắt rốn đã mịt mù ở bên kia vĩ tuyến 17. Cách duy nhất để vọng tưởng tổ tiên là kể cho con cháu nghe về miền Bắc, về rất nhiều điều đã bỏ lại sau "cuộc bỏ phiếu bằng chân" của gần một triệu người Bắc di cư vào Nam. Nhờ vậy, thế hệ của chúng tôi những người chào đời vào đầu đệ nhị cộng hòa ở miền Nam trù phú vẫn có một ký ức đẹp đẽ về quê hương chưa được một lần nhìn thấy.
Quê nội, với tôi mờ ảo trong sương mù của tưởng tượng là Hà Đông với "Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" trong thơ của thi sĩ Nguyên Sa.
Tiếc là khi tôi lớn lên, đến tuổi mặc áo dài thì đất nước lại chìm vào một thời kỳ đen tối khác (cộâng nghiệp thứ ba). Học sinh trung học thập niên tám mươi không được và không có áo dài để mặc. Với tôi, sau này ở Mỹ, quê hương thứ hai cả áo lụa Hà Đông lẫn nắng Saigon đều chỉ có trong trí tưởng tượng. Lâu lâu, có dịp vào một tiệm bán hàng tơ lụa, tơ vẫn hỏi người bán hàng về lụa Hà Đông, nhưng chừng như những người Việt nam bán hàng ở Mỹ, cũng mù mờ như tôi không biết gì về áo lụa Hà Đông. May mắn nắng Saigon thì tôi còn nhớ rõ không giống nắng của California, lại càng không giống cái nắng ô nhiễm vì khói dầu cặn, khói xăng pha tạp chất, và khói thuốc lá của Saigon đầu thế kỷ 21. Ký ức ấu thời của tôi có những lời kể về miền Bắc của bà cố, rồi sau này là bà nội, thấp thoáng hình ảnh của áo lụa Hà Đông trong trí tưởng tượng. Ký ức thiếu thời được ghi lại bằng bộ nhớ của chính tôi, với vị ngọt đằm thắm của bưởi Biên Hoà với dòng chảy êm đềm của sông Đồng Nai đã đi vào văn học dân gian "Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định, Đồng Nai thì về". Tất cả những thứ đó cùng với thời nhỏ dại của tôi được sưởi ấm bằng nắng Saigon, bằng miền Nam mưa nắng hai mùa. Những tưởng đời sống sẽ êm đềm như dòng chảy của sông Đồng Nai, như màu nắng vàng óng quấn quýt bên bờ sông đã được một cựu học sinh Ngô Quyền-Biên Hòa, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đưa vào thi ca.
Nắng bờ sông làm mờ trang vỡ cũ
Thuở học trò em làm khổ ai chưa"
Chúng tôi lớn lên, bắt đầu vào Trung học, chưa có dịp làm điệu với áo lụa Hà Đông, chưa có dịp "làm khổ" một nam sinh nào trong trường, ngược lại đã bị cả một hệ thống xã hội làm khổ, khủng bố tinh thần bằng rất nhiều hình thức từ sơ đẳng đến tinh vi. Thời đó những anh chàng mới lớn cùng trang lứa với chúng tôi, có cái khổ khác lớn hơn nhiều, cái khổ "cùng một lứa bên trời lận đận" sinh ra không đúng thời, cái khổ bố bị tù đày vì thấy mình bất lực trước khốn khó của gia đình, trước tương lai mịt mù, không có cả một tia hy vọng mong manh, trước vận nước đảo điên, không còn tâm trí để bị học trò con gái "làm khổ".


Hơn ai hết, chúng tôi từ lúc chưa khỏi tuổi thơ đã hiểu thế nào là "còn cha gót đỏ như son, mất cha lăn lóc như lon sữa bò". Anh chị em chúng tôi và những người bạn ở cùng cư xá sĩ quan, đã mất đi bóng mát của tình phụ tử, đã lớn lên chỉ có mẹ mà không có ba, mặc dù ba chúng tôi vẫn còn sống, đang bị đày ải trong lao tù cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc. Tất cả những cái đó đây chúng tôi "lăn" qua bên kia bờ đại dương, một mình, từ lúc chưa bước vào tuổi hai mươi.
Quê ngoại, với tôi cũng mù mờ không kém (quê nội Hà Đông), nghĩa là tôi cũng chưa được một lần nào về thăm quê ngoại, chỉ được nghe kể về "cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp" về những cơn mưa dai dẳng trên những hàng cây sầu đông buồn thiu vào mùa đông của xứ Huế qua ông bà ngoại.
Bà ngoại và cả mẹ như đa số đàn bà con gái Huế, vốn là những người nấu ăn rất khéo nên dù chưa hề được đặt chân ra Huế tôi vẫn phân biệt được bánh bột lọc của Huế và bánh bột lọc của Saigon, bún bò, cơm hến của quê ngoại với bún bò, cơm hến của những nơi khác.
Còn nhớ cuối năm tiểu học, một lần cô giáo cho viết một bài luận văn "tả quê ngoại của em" lúc đó ở Biên Hòa còn ngây thơ tưởng là đâu cũng giống nhau, tôi đã mô tả cầu Trường Tiền trên sông Hương với hình ảnh cầu Gành trên sông Đồng Nai, rồi chợ Đông Ba được mô tả bằng hình ảnh chợ Biên Hòa. Đó là bài luận duy nhất trong những năm đi học tôi bị điểm thấp với lời phê rất dí dỏm của cô giáo "văn mạch lạc nhưng em đã trôi từ sông này sang sông khác, lạc từ chợ này sang chợ khác".
Từ đó, bạn bè và những người thân yêu đều gọi tôi là "đồ trôi sông lạc chợ". Kể cũng không oan chút nào, vì tôi là một trong số rất ít người chưa có may mắn thấy được quê hương mình. Tưởng là chỉ trôi nổi từ sông miền Trung đến sông miền nam, từ chợ Đông Ba đến chợ Biên Hòa, cái "nick name" ngày xưa vẫn định mệnh của riêng tôi và của hơn hai triệu người Việt Nam lưu vong, trôi từ sông ra biển, lạc từ quốc gia này qua quốc gia khác, đến một lục địa khác, chung sống hòa bình, hạnh phúc với những người khác ngôn ngữ, khác màu da.
Những năm sau này tương đối ổn định ở quê người, thật sự đã rất gần gũi hơn quê hương chôn nhau cắt rốn, đôi lúc tôi có ý định đi một vòng về miền Bắc thăm quê nội, về miền Trung thăm quê ngoại, thăm Quy Nhơn nơi tôi chào đời nhưng chỉ ở đó vỏn vẹn một tuần rồi theo ba mẹ vào sống ở miền Nam. Nhưng rồi cuối cùng, tôi bỏ ý định không muốn về vì tôi sợ trí tưởng tốt đẹp về quê hương của mình bị xóa nhòa. Hơn nữa, một người bạn thân, từ bé đã may mắn sống đầy đủ lớn lên ở Mỹ và chưa hề nếm mùi "xã hội chủ nghĩa" theo bố mẹ về thăm Hà Nội, quê nội của anh, khi qua lại Mỹ đã khuyên tôi chỉ nên nghĩ về kinh thành Thăng Long xưa cũ bằng "món ngon Hà Nội" của Vũ Bằng, bằng "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" trong sách vở, trong câu hát nổi tiếng "Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu"à anh cũng nói tiếp với đôi mắt xa xăm và nụ cười chưa kịp mở đã tắt:
- Tưởng là về thăm lại quê hương thì sợi dây gắn bó giữa mình với quê cha đất tổ được thắt chặt hơn, nhưng ngược lại sợi dây đó vốn đã lỏng lẻo lại càng lỏng hơn, chừng như sắp đứt, khi mắt thấy tai nghe nhiều điều đáng buồn xảy ra hàng ngày trên quê hương thứ nhất của mình. Hà Nội bây giờ hình như hoàn toàn khác biệt với Hà Nội trong văn chương và âm nhạc, trong tưởng tượng của anh! Sao đất nước mình khổ đến vậy hả em"
Một phần bị ám ảnh bởi lời khuyên của anh, một phần vì không có thì giờ để dọc theo chiều quê hương hình chữ S, mặt khác vì sợ phải chứng kiến "những điều trông thấy mà đau noun lòng' cho đến nay và có lẽ còn lâu, lâu lắm tôi mới có dịp về thăm Huế, Nam Định, Quảng Bình, Quy Nhơn, Biên Hòa. Tuy vậy, dù là đồ "trôi sông lạc chợ". Hằng năm vào mỗi dịp Tết âm lịch, tôi vẫn hướng lòng về với quê nhà, với những cái Tết thời thơ dại, trước năm 1975, vẫn dễ thương trong trí tưởng.
Ngược lại, không có ai kể cho tôi nghe về quê hương thứ hai, nơi mà tôi đã ra đi từ quê nhà với 57 người không hề quen biết trên một con thuyền dài khoảng mười lăm mét. Lúc đó, chúng tôi không có khái niệm gì về quê hương thứ hai, chị biết là mình đã bị dồn vào đường cùng, như vua An Dương Vương và Mỵ Châu bị giặc đuổi đến đường cùng phải nhảy xuống nước trầm mình, như Hai Bà Trưng bị quân thù đuổi đến Hát Giang, sau lưng là quân Tàu, trước mặt là dòng sông, hai bà nhảy xuống sông tuẫn tiết. Chúng tôi cũng bị đẩy đến ngõ cụt, không còn cách nào khác hơn phải đưa chính mạng sống của mình ra đánh cuộc với định mệnh, với đại dương, đầy hiểm nguy, bão táp. Đi mà không biết mình sẽ đến đâu và cũng chưa biết mình có đến được bờ bến mới hay không, mà vẫn cứ đi thì thực sự đã bị dồn đến đường cùng, không lối thoát.
Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, ở hải phận quốc tế chỉ có trời và nước, không có cả một cánh chim, không có một người thân yêu nào bên cạnh "thân gái dặm trường' không biết có ngày nào gặp lại ba mẹ, tôi vẫn hài lòng với chọn lựa của mình, như gần một triệu người Việt Nam đã đến bến bờ tự do với tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân, mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR vẫn gọi là "boat people". Tưởng là mình đã rất liều khi dám rời vòng tay của gia đình vượt biển một mình ở tuổi còn rất trẻ, nhưng khi đến trại tỵ nạn Paula Bidong ở Mã Lai, gặp các em ở "khu vực cô nhi" (minor refugee residential Section, nơi cư trú dành cho các em dưới mười sáu tuổi đến trại tỵ nạn một mình) tôi thấy các em cam đảm hơn tôi nhiều, và những gia đình bị cả một hệ thống xã hội dồn vào đường cùng không phải là ít.
Cái Tết đầu tiên xa nhà của tôi, một mình ở trại tỵ nạn Paula Bidong đúng vào giờ giao thừa, có tiếng gõ vào mái tôn thay cho tiếng pháo Tết, có mùi hương trầm quen thuộc mang hình bóng quê nhà, tôi nhớ nhà, nhớ ba mẹ quay quắt, cái nhớ sâu đậm có lẫn chút xót xa như hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Sáng mùng một, thay cho phong bì đỏ mừng tuổi (tôi không có tiền ở trại tỵ nạn) tôi đã mang một số thức ăn (nhân viên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ mua tặng riêng tôi để cám ơn tôi đã giúp họ trong công việc thiện nguyện thông dịch ở các cuộc phỏng vấn thuyền nhân) tặng lại cho Hạnh, cậu bé thuyền nhân chỉ vừa mười một tuổi cũng vượt đại dương một mình như tôi, cũng có bố đang bị tù đày ở miền Bắc như ba tôi. Ngoài Hạnh, trong giờ dạy anh văn thiện nguyện cho các em ở trường Trung học của trại tỵ nạn do sister Carol người Úc điều hành, tôi cũng biết thêm Nga, Thanh, Trúc những em nhỏ chưa đến mười lăm nhưng đã trưởng thành và khôn ngoan từ những khốn khó của gia đình và đất nước sau năm 1975, cũng như tôi các em không hề có thời mới lớn, mà đã bước từ thời thơ ấu vào tuổi trưởng thành một cách rất đột ngột như vận nước. Hồi đó, tôi đã dạy cho các em chữ "dignity" và đã khuyên các em luôn nhớ "We lost everything, but never lose our dignity" khi viết câu đó lên bảng đen, tự dưng nước mắt tôi lăn dài, các em ở tuổi mười bốn, mười lăm cũng khóc theo. Những giọt nước mắt đó vẫn còn đọng trong tâm khan tôi trong những ngày lưu lạc quê người, cũng có niềm tin ở một thế hệ trẻ Việt Nam lưu vong có đủ cả đầu óc và trái tim. Tôi tin các em, những con chim non bị rời tổ ấm quá sớm phải bay bằng đôi cánh non dại, chưa phát triển đầy đủ, phải bôn ba xứ lạ quê người một mình, dẫu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng ít nhất Hạnh, Thanh, Trúc và Nga của tôi sẽ đứng vững như kỳ vọng của ba mẹ các em khi phải dứt ruột gởi con ra biển một mình.
Trong gần 15 năm dài từ năm 1975 đến năm 1990 cả trăm ngàn thuyền nhân đã may mắn đến bến bờ tự do, đến các first asylum ở Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indonesia, Hong Kong, Phi Luật Tân. Nhưng không may hàng ngàn thuyền nhân đã mãi mãi gởi thân vào lòng đại dương. Hình trình đơn độc, nhỏ nhoi tội nghiệp trên biển Đông của những chiếc ghe tỵ nạn mong manh đã đánh động lương tâm của những người yêu dân chủ tự do, được rất nhiều quốc gia giúp đỡ, từ những thuyền đánh cá nhỏ bé của những ngư dân người Thái, Mã, Phi đến những thương thuyền to lớn của các nước Mỹ, Nhật, úc Tây Đức, Na Uy, Hòa Lan và Đan Mạch cứu giúp. Thế giới tự do bị đánh động lương tâm trước những thuyền nhân Việt nam lênh đênh trên đại dương. Họ dang tay cứu giúp, mở đầu cho một kỷ nguyên cả triệu người Việt Nam lưu vong khắp thế giới sau gần một trăm ngàn người di tản đầu tiên tháng 4/1975 khi Việt Nam Cộng Hòa mới sụp đổ.
Sau nhiều tháng dài ở các trại tỵ nạn từ Mã lai sang Phi Luật Tân dừng chân ở Nhật vài ngày tôi được định cư ở một thành phố phía Bác California, có cái tên rất dễ thương "Mountain View" tôi vẫn diễn dịch bằng tiếng Việt là "tầm nhìn của núi". Thành phố có những hàng cây có nhiều bóng mát che chở, bảo bọc chúng tôi từ thuở chân ướt chân ráo, còn đầy mùi nắng gió ở trại tỵ nạn, đến Mỹ rất nhẹ nhàng với vài bộ đồ và một túi xách đựng hồ sơ, giấy tờ do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cấp phát. Một điều rất khôi hài là chúng tôi chỉ biết về quê cha đất tổ bằng lời kể của người lớn trong gia đình, bằng sách vở, mà chưa hề được nhìn thấy quê hương, nhưng chúng tôi rành từ lịch sử đến từng vết nứt trên đường trong thành phố "tầm nhìn của núi" đó là "home town" của chúng tôi ở quê hương thứ hai. Ở đây, vào cuối Đông, đầu Xuân tình cờ đúng vào dịp Tết âm lịch, những hàng cây đào mọc giữa lòng đường, chia đôi hai chiều lưu thông của xe cộ, nở đầy hoa đào hồng nhạt, mang về được một nửa vế trong hai câu thơ nói tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua...
Và chúng tôi, những người Việt lưu vong có hoa đào trong tầm mắt, tầm tay, lại cứ phải tưởng tượng đến ông đồ già mặc áo dài khăn đóng Việt Nam, với mục kính trễ xuống sống mũi như những bức vẽ của họa sĩ Vi Vi trên báo Tuổi Hoa thời trước năm 1975.
Nếu có ai hỏi tôi quê hương của tôi ở đâu, tôi sẽ trả lời ở "tầm nhìn của núi" rồi để mặc người hỏi muốn suy diễn cách nào cũng được. Vì ở đâu cũng có núi, ở đâu cũng có biển, có sông, ở đâu cũng có không khí. Nơi nào bảo bọc, chở che cho chúng ta có cơ hội học hành thành người, nơi đó là quê hương. Vả chăng, chúng tôi đã sống ở đây với một số năm tháng dài gần bằng nửa số tuổi của mình, nữa thời gian kia được chia đều cho trước và sau năm 75 ở quê nhà, cùng với 3 trại tỵ nạn ở Châu Á. Xin đừng trách chúng tôi là đồ "trôi sông lạc chợ" khi chúng tôi sống thoải mái bình an ở quê hương thứ hai và luôn có cảm giác của "Từ Thức" mỗi lần về thăm quê nhà.
Và dù có là đồ "trôi sông lạc chợ" mỗi độ Xuân về, vẫn xin được có một lời cầu nguyện chân thành cho một tương lai tươi sáng hơn của quê nhà, xin được thắp một nén hương lòng thành kính để tưởng nhớ những người đã nằm xuống cho chúng tôi có được ngày hôm nay.

Nguyễn Trần Diệu Hương

(viết bằng ký ức và lời kể của bà cố, bà nội, ông bà ngoại và từ những lời giảng của thầy Phố, cô Minh Tâm-Trung học Ngô Quyền Biên Hòa ngày xưa).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến