Hôm nay,  

Ra Đi - Đất Mới - Trở Về

01/03/200500:00:00(Xem: 137440)
Người viết: THUYỀN NHÂN
Bài số 692-1269-40-vb8-270205

Tác giả lần đầu tham dự viết về nước Mỹ bằng cách kể chuyện ba chặng đường của một thuyền nhân tị nạn tại Hoa Kỳ. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm và bổ túc dùm sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

RA ĐI

Tháng hai năm tám mươi, vài ngày sau tết, bất ngờ và vội vã, ra đi mà không từ giã được một ai, dẫu là người thân trong gia đình. Hành lý chỉ có vài bộ đồ, ít tiền mặt cho hành trình và vài tấm hình để làm kỷ niệm sau nầy nếu đi thoát và còn sống. Rời nhà thật sớm, mặt trời chưa lên, những người bạn hàng ở vỉa hè trước nhà vẫn còn im lìm trong giấc ngủ. Con phố thật yên lặng trong vô tình, hai mẹ con lặng lẽ bước theo chân người đàn ông dẫn đường phía trước. Chiếc cầu nhôm dã chiến bồng bềnh theo bước chân, nó lớn vừa đủ cho một người bộ hành, nằm song song với cái cầu quay gãy đổ bởi mìn trong những ngày còn chiến tranh, bắc qua con sông độc nhất đỗ ngang lòng thành phố. Ghé vào quán cà phê bên đường, ngồi chờ chuyến xe để đi đến điểm hẹn khác. Bên trái là bến xe Cần-Thơ, bến xe Cần-Thơ bởi vì nó là chỗ tập trung những chuyến xe rước hành khách đi những tỉnh lỵ phía trên của thành phố, Cần-Thơ là điểm tới đầu tiên và Sài-Gòn là điểm tới cuối về hướng bắc của tuyến đường. Bên phải, bên kia đường là nhà một thằng bạn chí thân. Thinh ước mong nó bước ra cửa, thấy mình để có cơ hội chào từ biệt. Người ta dặn không được tự ý tách rời và tiếp xúc một ai trên đoạn đường đi vì lý do an toàn, nếu cãi lời thì họ sẽ bỏ rơi. Người đàn ông dẫn đường ban sớm thay thế bởi một người đàn bà tuổi ngoài bốn mươi với gương mặt trông hơi quen. Chiếc xe con Daihatsu nhỏ nhưng rộng thênh thang với ba người hành khách đặc biệt lăng bánh rời tỉnh lỵ nhỏ với bao nhiêu kỷ niệm từ thủơ bé. Người đàn bà xoay lại và nói với mẹ, giọng nói nghe chân tình và gần gũi. Vào giờ chót, tổ chức quyết định mướn xe riêng thay vì đi bằng xe đò như đã tính trước. Họ sợ nhiều người nhận ra cô trên xe đò thì chuyến đi có thể bị phát giác. Thinh vẫn không nghĩ ra người đàn bà nầy là ai mà gương mặt đã gặp một lần ở nơi nào đó. Đổi một chuyến xe ở bến xe mới Cần-Thơ, mẹ và người đàn bà trao đổi lời chúc và chia tay. Bà là vợ người bạn cố cựu và tín cẩn của mẹ. Buổi chiều, tới thị xã ven biển, Rạch-Giá, chủ nhà là một cụ già người gốc Hoa và cô con gái ngoài hai mươi. Sự tiếp đãi thật chân tình và chu đáo, Có lẻ tại vì họ được trả chi phí hậu hĩ bởi tổ chức đưa người vượt biển hoặc vì lòng ưu ái của người ở lại dành cho người sắp sửa bước vào chuyến đi một mất một còn.
Giai đoạn đổ người lên ghe đã hoàn tất. Giai đoạn kế tới là làm sao thoát ải của tàu tuần biên. Chiếc ghe dài mười lăm thước với một trăm năm mươi thân xác ngồi san sát bên nhau, trên và dưới khoang. Rời bờ dưới ánh rạng đông, biển vắng và yên, niềm vui và hy vọng hiện trên những gương mặt và ánh mắt. Qua khỏi đảo Phú-Quốc không bao xa thì máy ngừng chạy, buổi chiều trước khi trời sụp tối thì máy chạy trở lại. Chiếc ghe từ từ tiến xa ra biển với vận tốc thật khiêm nhường, tựa như lòng người, nó còn vương vấn bịn rịn khi rời đất mẹ.
Ngày thứ hai trên biển chậm chạp trôi qua, mặt biển trong xanh và phẳng lặng. Nhịn đói và khát hai ngày qua, mấy đòn bánh tét mang theo bị lạc mất lúc nào không hay. Mỗi người được chia vỏn vẹn một muỗng canh nước, những giọt nước có màu vàng khè với mùi khai của sắt từ cái đáy của cái thùng phi rỉ sét. Đêm tối đến cùng lúc với cơn biển động và mưa nặng hạt, từng con sóng nhồi tưởng chừng như muốn nuốt trửng chiếc ghe nhỏ nhoi với đám người ướt át tội nghiệp. Thinh nghỉ rằng lúc nầy ai cũng như ai đều phó mặc số mệnh cho bề trên. Từ xa bóng dáng con tàu biển to lớn tiến tới gần và lẳng lặng bỏ đi xa, mặc cho đám người trên ghe thay nhau hò hét, dùng ánh đèn pin nhỏ xíu ra hiệu cầu cứu. Có lẻ trên con tàu đó người ta cố tình lẩn tránh, bởi qua kinh nghiệm của các con tàu khác đã gặp phải rắc rối về vấn đề định cư cho những người mà họ đã cứu vớt. Tiến tới xa hơn, giàn khoang dầu với những ánh đèn sáng rực như một thành phố nhỏ vươn cao vòi vọi giữa đêm đen của biển. Một số người nẩy ra ý kiến ghé vào cầu cứu, nhưng vì sợ sóng sẽ đập vỡ ghe khi va bào cột trụ của giàn khoang, cho nên mọi người cùng quyết định tiếp tục hành trình. Ngày thứ ba trên biển mang niềm hy vọng mới, con tàu đánh cá Thái Lan đồng ý kéo ghe vào bờ sau khi nó chấm dứt kéo mảng lưới cuối cùng. Những người chài Thái thay nhau mang cháo, nước, bánh kẹo, thuốc lá phát cho người trên ghe. Trời sập tối, một lũ tàu đánh cá Thái Lan khác bao vây với ý định cướp bóc. Người tài công lái ghe cập bên mạng hông con tàu lớn. Đám hành khách khốn khổ vội vã nhảy sang với hy vọng được sự che chở của con tàu thiện ý. Bọn tàu cướp biển tiến lại gần hơn. Sau cùng, qua sự thương lượng của người chủ con tàu phúc thiện, bọn cướp đồng ý chỉ lấy của rồi ra đi, không hành hung người và không hãm hiếp đàn bà phụ nữ. Dưới ánh sáng mù mờ của cuối đêm, hình ảnh xam xám của đất hiện lên lẫn với bóng cao của bờ đá dọc theo bờ biển. Tạm trú dưới mấy cái lều dựng lên giữa cái sân của trạm cảnh sát trên đảo. Ở đây đã có vài nhóm người vượt biển tới trước. Mỗi ngày số người được chia thành tổ, thay phiên nhau nấu cơm và bữa ăn. Ngủ trên chiếc chiếu trải trên mặt đất. Xếp hàng chờ đến phiên mỗi khi dùng cầu tiêu tiểu hay tắm rửa. Được một tháng thì chuyển đến trại tập trung Song-Khla trên đất liền.
Gặp lại em gái trong khi làm thủ tục để nhập trại. Người chồng của gia đình hàng xóm dẫn nó theo trong chuyến đi hồi cuối năm bảy mươi chín. Những câu thăm hỏi vội vàng trong sự mừng rỡ chen lẫn cái buồn đột ngột. Cô Út, người vợ và hai người con gái đã không đến được bến bờ. Ghe của họ bị tàu hải tặc tông vào và chìm trên biển, chỉ vài người đàn ông biết bơi lội còn sống sót mang tin vào trại. Buổi chiều cùng ngày, trình giấy tờ chứng minh là mẹ và anh ruột, đưọc nhập hồ sơ của nó và được phỏng vấn để cứu xét cho đi định cư cùng một lúc.
Những ngày trong trại thật dài và trống trải. Sáng sớm cổng trại mở rộng, cách hàng rào độ mười thước một cái chợ chòm hỏm nhóm bởi dân địa phương mang thổ sản bán lại cho người trong trại. Buổi chợ kéo dài đôi ba tiếng đồng hồ rồi tan. Hơn hai mươi dãy nhà lá dựng song song với nhau. Dưới mái là dãy sạp cây chạy dài từ đầu nầy đến cuối đầu kia.
Ban đêm người nằm ngủ vai kề vai, sau nầy vì số lượng người nhập trại tăng nhanh, thành ra người dến sau ban ngày phải trú dưới bóng mát của những rặng cây dọc theo bãi biển, ban đêm trải chiếu ngủ dài trên bãi cát. Dọc theo Đại Lộ Hoàng Hôn, cái tên đặt cho lối đi chánh nối liền đầu trại đến cuối trại, chạy dọc theo bãi biển, la liệt những quán cốc cà phê, hủ tiếu mà chủ là những người kỳ cựu chưa đi định cư vì lý do nầy hay lý do nọ và được thân nhân đã định cư ở các nước khác gởi tiền trợ giúp. Hầu như cả trại dùng chung một thời khóa biểu lập lại từ ngày nầy qua ngày khác. Buổi sáng xếp hàng làm vệ sinh, lãnh thực phẩm, nấu ăn, la cà mấy quán cốc, tắm biển, đi dạo dọc trên bãi cát, thăm viếng người quen ở dãy nhà bên cạnh..., và từng đợt người rời trại để đi định cư ở một bến bờ xa lạ.

ĐẤT MỚI
Ngày thứ nhì tháng sáu năm tám mươi. Ngày đầu tiên gia đình tái hợp sau năm năm ly cách. Buổi tối ở phi trường, gương mặt ai cũng giọt rắn giọt dài. Thời gian tưởng chừng như ngưng lại, chuyện dài chuyện ngắn kể nhau nghe không bao nhiêu mà đủ. Ngoài kia trời đã hừng sáng mà không một ai cảm thấy mệt mỏi. Người lớn thì không thấy nhiều thay đổi, mấy đứa cháu bây giờ thì lớn vụt, nói tiếng nước người nghe như thể tiếng chim, còn tiếng mẹ đẻ thì ngập ngừng khốn khổ.


Những ngày đầu ở xứ lạ thấy cái gì cũng lạ, bao nhiêu thủ tục giấy tờ phải làm, bao nhiêu điều phải học hỏi để chuẩn bị cho cuộc sống mới trong những ngày sắp tới.
Cái vui có lúc cũng phải nhường chỗ cho cái buồn. Thời gian trôi qua, cuộc sống chung đụng cũng phải có sự xung đột, bất đồng. Ngày xưa, mẹ là người gom tiền đổi đô la cho anh mang theo tiêu xài trong những ngày học lái trực thăng ở Mỹ, mẹ là người bảo bọc vợ con trong khi chờ đợi ngày anh trở về, mẹ là người gởi gắm anh cho người chỉ huy của anh khi anh ra đơn vị. Bây giờ để trả cái ơn đó, anh và chị mời người xa lạ tới giúp xua đuổi mẹ và em ra khỏi nhà. Vợ chồng người Mỹ bảo trợ gia đình chị của Thinh và hai nhân viên của hội thiện nguyện ngồi im lặng ngỡ ngàng nghe Thinh kể lể và kết tội vợ chồng người chị.
Tháng giêng ở đây là mùa đông, mùa đông đầu tiên trên đất Mỹ không đẹp và tình tứ như những phim Thinh từng coi trong rạp chiếu bóng lúc còn ở quê nhà. Mùa đông tuyết rơi, lạnh và cây không lá, ba mẹ con phải dọn ra với mấy cái bao ny-long, loại bao mà ở đây người ta dùng để đựng rác và đồ phế thải hằng ngày, bên trong là quần áo, một số tiền nhỏ cấp bởi sở xã hội và số vật dụng cũ xin từ những người tốt bụng xung quanh. Đôi khi xã hội mới, hoàn cảnh và thời gian làm thay đổi tình người.
Một đời sống mới trong một đời sống mới. Một đời sống mới khi bước lên đất người và một đời sống mới khi bị ruồng bỏ và phản bội.
Dọn vào căn gác nhỏ, trong căn nhà cũ kỹ. Từng dưới thuê bởi một gia đình người Mỹ, một mẹ và hai đứa con gái tuổi trung học. Từng trên, một phòng ngủ nhỏ với hai miếng nệm cũ được kê trên mấy miếng gạch đúc là chỗ ngủ của mẹ và em. Phía trước là phòng khách cũng là phòng ăn và đồng thời cũng là chỗ ngủ cho Thinh. Nhà bếp nằm đàng sau gồm một cái tủ lạnh già gần về hưu và cái bếp điện nước sơn ngả màu vàng ố. Đối diện với phòng ngủ nhỏ là phòng vệ sinh một cầu tiêu và một bồn tắm, đơn sơ và nhỏ hẹp nhưng vẫn là một chỗ ấm cúng để dung thân ở xứ người.
Thành phố ở đây yên tĩnh và sạch sẽ; dân số độ khoảng trên dưới bốn mươi ngàn, hiền hòa và hiếu khách; giáo dục có hai trường đại học, một trường kỹ thuật và vài trường tiểu học; kinh tế có khu phố buôn bán và vài hãng xưởng kỹ nghệ. Ở đây thời tiết chia ra bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu , Đông. Màu sắc của cây lá và khí hậu thay đổi theo ngày tháng. Xuân ấm áp, cây xanh, hoa nở. Hè nóng nực, khô khan. Thu lá vàng, gió heo mai. Đông trống trải, tuyết lạnh. Thành phố Mankato của tiểu bang Minnesota là như vậy.
Thời gian đầu của những ngày tự lực cánh sinh không nhàn hạ. Ngôn ngữ bất đồng, tiếng biết tiếng không, đi đâu cũng cập cuốn tự điển Việt-Anh bên mình, nói chuyện bằng miệng cả bằng tay, vừa nói vừa ra dấu. Hai cái chân là phương tiện di chuyển chánh yếu trên đoạn đường gần, xe buýt là cứu cánh cho khoảng đường xa. Giữa tuần, mỗi sáng hai anh em đón xe buýt ở góc đường cách nhà hai đoạn đường để đến trường, sau giờ học đi bộ đến hãng in làm việc đến khuya. Cuối tuần, ba mẹ con cuốc bộ đi chợ mua thực phẩm cho những ngày tới hoặc đi xe buýt xuống phố mua sắm quần áo hay vật dụng cần thiết. Thỉnh thoảng hoặc đi nhờ hoặc gởi những người quen lên thành phố lớn dề mua gia vị khô hay thức ăn Á-Đông.
Tiền lương làm việc bán thời gian cộng với tiền trợ cấp xã hội của nhà nước và tiền vay đi học vừa đủ cho chi phí hàng tháng. Cứ thế mà ba mẹ con đùm bọc với nhau. Sau khi hai anh em thi đậu và được cấp bằng lái xe, với chút ít tiền dành dụm được chung với tiền vay mượn nhà băng, mua được chiếc xe hơi cũ. Sự di chuyển trở nên tương đối dễ dàng và thuận tiện tựa như chim mọc cánh.
Sau khi mãn khóa học trường kỹ thuật, gặp phải lúc tình hình kinh tế giảm sút, không tìm được việc làm thích hợp với cái nghề đã học, hai anh em lại ghi tên học đại- học, đồng thời tiếp tục làm việc ở nhà in trong khi chờ thời. Ba mẹ con nói đùa với nhau: đây mới đúng là học đại-học (vì) kinh tế. Rồi thì em gái gặp được ý trung nhân, lập gia đình, xuất giá theo chồng tận Texas. Thinh thì tìm được việc làm trong hãng điện tử cách nhà khoảng năm mươi cây số, sáng đi chiều về, tối lại đi làm ở hãng in. Mẹ ở nhà thui thủi một mình giống như ni cô giữ miễu. Thời gian trôi qua, vì cảnh hiu quạnh của mẹ và sự cách trở xa xôi với gia đình em gái, Thinh và mẹ dọn về Texas để mẹ và con gần gũi với nhau.
Đất lành chim đău, từ ngày định cư ở Dallas, Thinh tìm được việc làm tốt trong hãng chế tạo hệ thống chuyển tiếp điện thoại, rồi lập gia đình. Bây giờ vợ chồng Thinh có một đứa con trai và một đứa con gái. Cuộc sống đã ổn định, giữa tuần vợ chồng Thinh đi làm sở, mẹ ở nhà chuẩn bị cho cháu đi học, dọn dẹp nhà cửa. Xe buýt học sinh đưa rước tận nhà. Chiều về, sau bữa cơm chiều, giúp con làm bài, ra sân sau nhà chơi bóng rổ, tối coi tivi... Cuối tuần, thứ bảy và chủ nhựt, đôi khi vợ chồng Thinh đi làm giờ phụ trội, nếu không đi làm thì cả nhà đi ăn ở tiệm, đi chợ, đi phố, đi nhà thờ, đi thăm bạn bè... Nhà cửa, xe cộ, vật dụng đã có đầy đủ, chỉ phải đi làm để trả góp hàng tháng tiền vay nhà băng! Vợ chồng em gái có hai đứa con trai, hai gia đình ở cách nhau độ một tiếng đồng hồ lái xe, đôi tuần qua lại thăm nhau một lần.
Đời người tiếp tục vươn lên.

TRỞ VỀ

Chiếc máy bay Boing 747 rời phi trường Los-Angeles với khoảng năm trăm hành khách trong bụng, đa số là Việt-kiều về thăm thân-nhân còn ở lại, một ít là người nước khác đi du lịch hay đi cho việc làm ăn. Bên ngoài, trời tối đen, khởi hành vào ban đêm của bên nầy và tới nơi vào ban ngày của bên kia bờ đại dương. Bên trong lòng chiếc máy bay những chiếc đèn trần tỏa xuống ánh sáng vàng dịu. Ở độ cao đã định, những chiếc cửa sổ được đóng lại. Một cách để đánh lừa giác quan của con người về thời gian và để điều chỉnh giấc ngủ khi di chuyển bằng máy bay từ nửa bên nầy đến nửa bên kia của trái đất. Những phần ăn và nước giải khát chất đầy trên mấy chiếc xe nhỏ vừa với lối đi lọt giữa hai hàng ghế chạy dài theo thân máy bay. Những chiêu đãi viên phân phát mỗi hành khách phần ăn và nước uống. Những chiếc vô tuyến truyền hình gắn trên trần được mở lên. Với cái 'ear phone' trên đầu, người vừa theo dõi vừa lắng nghe tiếng trên tivi, người lắng nghe chương trình ra-dô, người đọc báo chí, người chìm trong giấc ngủ với tấm chăn nhỏ phủ trên mình. Mọi tiện nghi và sự an toàn cho con người mà Thinh đã không có khi Ra Đi.
Rời máy bay ở Tai-Pei. Từ đây, hành khách chia ra nhiều nhóm nhỏ, chuyển qua các chuyến bay khác nhau để đi về Việt-Nam. Trong khi chờ đợi cửa quầy vé mở cửa để đổi vé cho chặng đường kế tới, kẻ tới trước người tới sau lần lượt xếp hàng theo thứ tự. Hoàn toàn không một sự chen lấn hay cãi vã. Nhân viên sân bay sẵn sàng hướng dẫn và giúp đỡ theo lời yêu cầu của những hành khách mà không hề đòi hỏi một khoảng thù lao hay bù đắp nào. Thinh chợt nghỉ người ta có thể đánh giá được sự văn minh và trình độ văn hóa của một dân tộc bằng cách nhìn vào sân bay, nhà khách và tinh thần phục vụ của các viên chức.
Sau lời thông báo của viên phi công, hành khách bắt đầu nhốn nháo, lao xao nhìn qua những khung cửa sổ nhỏ hai bên hông chiếc máy bay. Bên dưới, làn nước xanh mát của biển phẳng lặng như tờ giấy mỏng. Xa xa, lằn giáp nối của nước và bờ hiện lên mỗi lúc một gần. Miền trung của Việt-Nam, nơi mà Thinh không có dịp đi tới khi cuộc chiến tranh đang diễn tiếp.
Chốc lát đây, Thinh sẽ gặp và nhìn Sài-Gòn, trong nổi xôn xao của người trở về lần đầu kể từ ngày vượt biển...

Thuyền Nhân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,095,722
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến