Hôm nay,  

Gió Loạn Vườn Hồng

24/02/200500:00:00(Xem: 179064)
Người viết: HỒ PHI
Bài số 689-1266-37-vb4-230205

Tác giả là một vị cao niên, cư dân Fountain Valley, Orange County; Tại Việt Nam trước 1975: Cựu giáo sư, Vietnam; Cựu VGS.12.4, D.A.O. Saigon. Thuyền nhân đến Mỹ 10/1976. Cựu EW2. DPSS Los Angeles County; Ông đã góp cho Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết cẩn trọng, sâu sắc, hữu ích, và đã được trao tặng giải thưởng đặc biệt. Sau đây là bài viết mới của ông.
*
Trên thế gian nầy, bất cứ cái gì tốt, cũng có kẻ không tốt làm giả, như thuốc giả, bạc giả, bằng cấp giả, quân sát nhân giết bao triệu người còn mưu giả thánh nhân để bịp luôn cả muôn đời, huống chi có người giả tu sĩ chắc là chuyện không lạ. Charlie Chaplin đã làm phim hài hước, về một tù vượt ngục rồi giả làm linh mục đứng giảng ở nhà thờ. Phim làm vui cả thế giới, mà không ai than phiền rằng Charlot đã bôi bác đạo Chúa. Nghĩ thế, nên tôi liều kể một chuyện xảy ra khoảng hơn 15 năm trước, trên đất Mỹ nầy. Chuyện một vài "ông đạo" đã dùng đức Phật để nghi trang cho việc làm phàm tục của mình. "Chiếc áo không làm nên thầy tu"giúp cho người ta sáng suốt phân biệt chơn giả trong cõi thế gian đa trá. Người viết bài nầy vẫn một niềm quí kính các vị chân tu tôn giáo.
*
Bà Jenna Ba, gốc con nhà khá giả ở Saigon, trước học Marie Curie, lịch thiệp, vui bạn bè, tiệc tùng, khiêu vũ, bơi lội, ca nhạc, giỏi Việt và ngoại ngữ. Thật là một nữ lưu thanh lịch. Vậy mà số phận lại muộn màng, có lẽ vì "Lứa trang mòn ngả chiến chinh, để cô hiu quạnh gởi tình trăng sao.", nên đã quá buổi xuân thì mà vẫn phòng không chiếc bóng.
Đến khoảng giữa thập niên 1960, Mỹ tăng cường chiến tranh Việt Nam, cần xây cất nhiều căn cứ. Các hãng thầu Mỹ đem đông thầy thợ Mỹ qua để thực hiện những công tác đấu được. Nhiều cô Vietnam được tuyển vào làm việc cho họ, Jenna trở thành một trong số nầy. Cô làm thư ký cho phòng họa đồ của kỹ sư George. Gần gũi nhau lâu ngày và nhờ vả lẫn nhau, George giúp cô lai rai mua hàng miễn thuế ở Quân Tiếp Vụ Mỹ về xài và bán lại kiếm lời. Hai người càng thêm thân thiết, thương yêu, và kết hôn, vì tình vì tiền. Đầu thập niên 70, quân Mỹ bắt đầu rút, hãng thầu cũng cuốn gói về Mỹ. Jenna theo kỹ sư George dọn về Riverside, California, ba năm trước khi Saigon rơi vào tay CS.
Trước 1975, số phụ nữ VN, theo chồng sang Mỹ không nhiều, lại ở rải rác, cô lập khắp 50 tiểu bang. Họ cảm thấy cô đơn giữa một nền văn hóa xa lạ. Phụ nữ Hoa Kỳ lại nhìn họ với ánh mắt bất thân thiện. Họ chẳng biết làm bạn với ai ngoài ông chồng. Cứ mỗi lần những cô Việt Nam nầy tình cờ gặp một cô khác trong siêu thị, hoặc đâu đó, thì họ mừng rỡ như bắt được vàng "tha phương gặp đồng cảnh, đồng hương, cũng không khác gì như ngộ cố tri", mà người Tàu thuở xưa cũng cho là một trong bốn dịp vui lớn trong đời người. Họ làm quen nhau ngay, hỏi số phone, địa chỉ, để cuối tuần thường mời nhau đến thăm, dù xa xôi có khi cả trăm dặm. Họ nướng barbecue hay nấu phở đãi nhau ăn, coi nhau như chị em thân tình từ thuở nào xưa.
Những anh chồng Mỹ lại có dịp đi theo, nhìn ngắm thêm và vui cười với những bông hoa đông phương nhí nháy. Họ đến để nhớ lại những kỷ niệm xưa, lúc làm việc ở Việtnam, một thiên đường tình ái, tiền bạc, và sang trọng cho những nhân viên Mỹ phục vụ ở Saigon, và các thành phố lớn. øMặc dầu Việtnam lúc bấy giờ là chốn nhiều thương vong, hiểm nguy, và gian khổ nhất. Những buổi họp mặt, các cô tha hồ đủ thứ chuyện vì đám chồng Mỹ chung quanh không thể hiểu tiếng Việt.
Những ông chồng Mỹ nầy thường rất dễ thương, mấy bà nói gì cũng nghe. Họ không biết phong tục Á đông nhiều, nhưng họ tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhất là của mấy bà. Có ông còn lập am, lập miếu sau nhà cho mấy bà lên đồng cô, bóng cậu, cúng tế, nhang đèn hương khói nghi ngút. Đàn bà Vietnam thường kín đáo, ít khi nói chuyện thầm kín với bạn bè, nhưng mấy cô này hay nói tục, chuyện hai ba chữ X bằng tiếng Việt cho nhau nghe, rồi cười đùa tưng bừng. Cho nên tuy xa xứ, thiếu bà con bạn bè, nhưng họ vẫn có niềm an ủi và giải tỏa tâm tư thương quê, nhớ nước với người đồng cảnh.
Tiếp sau ngày 30/4/75, người Việt sang định cư, rải khắp nước Mỹ. Một số lớn lại tự di chuyển, tái định cư về California. Rồi những đợt thuyền nhân đến ngày càng đông về vùng nầy. Những cô nầy lại gặp thêm bà con, bạn cũ đông vui thêm.
Phần lớn những cô sang đây trước, nếu không ghiền rượu chè, ma túy, hay cờ bạc Las Vegas thì đều khá giả về tài chánh và có lợi tức vững chãi. Ngay cả có bà, gốc nhà quê nghèo khó, từ Bắc di cư vào Nam, thất học, một chữ A cũng không biết. Bà chỉ học miệng, ban đầu chỉ nói đôi câu "Ok, Salem", "Ok B. B." đi làm bồi dọn dẹp, may gặp chồng lính Mỹ đem sang đây, siêng làm bus boy, rồi lên waitress, lại giúp chồng học ra đại học, và sau chính môt mình bà đã tự làm chủ một restaurant sang trọng, điều khiển cả hơn vài ba chục bồi bếp Mỹ ở một thành phố Beach. Bà bắt họ một điều, hai điều phải thưa: Yes mame, no mame, lễ phép tối đa với bà ta, và bà điều động nhân viên rất hữu hiệu.
Chuyện đời không có gì hoàn toàn như ý, vợ chồng George và Jenna đang làm ăn ngon lành, có nhà cửa, nông trại, stock, lợi tức đều đều, hương lửa đang nồng, bỗng George bị ung thư nhiếp hộ tuyến. Được giải phẫu tạm lành, nhưng George đã trở thành một phế phu.
Một hôm có người bạn cũ, thuyền nhân mới qua sau, từ San Jose xuống Orange thăm chơi và nhờ lão Thanh chở đến thăm nhà Bà Bảy ở Costa Mesa, và từ đó liên lạc thăm gặp đám bạn cũ dưới nầy. Họ trực nhớ đến bà Jenna Ba, mới phone mời bà từ Riverside lên chơi. Bạn cũ lâu ngày gặp nhau, rất tương đắc, kể lại những kỷ niệm thời trẻ: nhảy nhót ở Văn Cảnh, Cercle Trắng, Arc-en-Ciel. . , Saigon xưa. Chuyện vui với bao kỷ niệm, tha phương ngộ cố tri. Xong cả đám rủ nhau đi ăn quán Kim Sư. Jenna bao trả tất cả, rồi mời cả đám bạn nam nữ, ba bốn xe, lái theo lên Riverside County thăm vườn hồng ở bên trái freeway 15 South, một khoảng trước khi đến Lake Elsinore chừng vài miles.
Lão Thanh chở khách và đám bạn đến nơi, thấy một mảnh vườn khá rộng, có thể chia lô cất vài ba căn nhà riêng rẽ, trồng nhiều cây hồng giòn và bí, mướp xanh um, tràn lan đến tận bờ rào lưới kẽm. Thấy đám khách đến, một người đàn ông, dáng vóc khỏe mạnh, nước da ngăm nâu, trạc gần năm mươi, được bà Jenna gọi là thầy Sáu, chạy ra mở cổng. Trông thầy mặt mũi rắn rỏi, tóc râu nhẵn nhụi, có vẻ thật thà, có nét dễ mến của môt hiền nhân, lỡ già lỡ trẻ. Lúc đó thầy đang bận thường phục, cắt dọn trong vườn, trông như một phu vườn đang làm việc. Nghĩ tụi nhóc Mỹ, Mễ trong vùng dù muốn cắp, xâm phạm cơ sở nầy chắc sẽ không dám, vì thấy thầy có vẻ như một võ sư Takundo, chúng có thể nghĩ nếu láng cháng bị thầy quật cho một cái là rối xương.
Mở cổng xong, thầy vội chạy vào trailer thay đồ. Khách đứng nói chuyện thăm hỏi ngoài vườn một lát, rồi được thầy Sáu ra mời tất cả vào trong cái trailer khá rộng, đặt ngang ở chính giữa vườn.
Bên trong trailer, vào khoảng 2/3 có đặt một bàn thờ, có tượng Phật Thích Ca tịnh tọa, cỡ bằng người thật, trên bàn có chuông mõ, nhang đèn, hoa quả, và mấy tạng kinh bằng tiếng Việt do vị cao tăng ở LongBeach soạn dịch từ tiếng Phạn phổ biến. Sau lưng Phật Tổ là vách ngăn, che khuất cái phòng nhỏ đặt giường nằm của thầy Sáu. Còn phần trước mặt Phât là chỗ tiếp khách và lễ Phật.
Không ai biết trình độ hay kiến thức Phật học của thầy Sáu có đủ để làm thầy và thực sự có duyên nghiệp tu hành hay không, nhưng đã được mấy bà tôn kính gọi là Thầy Sáu thì cũng phải thôi, vì ở đời ai cũng có tài nghề, chuyên môn, hoặc hiểu biết riêng về một điều gì đó, mà người khác không biết, thì đã kể như bậc thầy về môn đó rồi. Thầy Sáu gác gian và làm vườn tại cơ sở nầy. Hằng ngày thầy trồng xới, tưới nước, bón phân, và thâu hoạch những cỏ rau trong vườn. Thầy cũng là người đốt nhang đèn, gõ mõ, tụng kinh, lần tràng hạt khi thầy đeo vào cổ, khi thầy để trên bàn.
Bên hông trailer, thầy có ủ mấy lu đậu nành nhỏ để làm tương, dăm hột nở tràn rơi rớt ra bên ngoài. Nhìn cảnh vắng vẻ nầy, khách không khỏi liên tưởng đến cảnh Thuý Kiều khi ở Quan Âm Các. Nhưng khác phái với Kiều, thầy Sáu được coi như quản gia kiêm ông đạo hoặc ông sư đang trụ trì ở "Thích Ca Hồng Viên".
Khách được mời trà nước một lát, thì cũng đến thời kinh chiều, thầy mời đám khách ngồi xấp bằng trên chiếu nylon, để sửa soạn lạy Phật. Thầy vào liêu phía sau lưng Phật, lau mồ hôi, mở quạt máy cho khô vài phút, rồi mặc áo cà sa nâu, ngoài choàng xéo lên một vuông vải cà sa vàng viền đỏ, che không hết toàn người, mang hài bố, và đội mũ vàng, viền đỏ cao nghệu. Thầy bước ra trước bàn thờ Phật, đốt thêm nhang đèn và lai rai khấn vái. Bà Jenna ngồi trước, lần lượt quí ông bà khách thứ tự ngồi sau lưng, mặt nhìn lên đấng chí tôn, lâm râm cầu nguyện, xin chư Phật độ trì tai qua nạn khỏi, phước lộc song toàn, sinh nhai tấn phát, tử tôn hiếu thuận.
Xong thầy gõ ba hồi chuông mõ, khấn vái lên một tràng dài, như là bài thuộc lòng, đọc lên xuống giọng, nghe rất êm ái, rồi thầy lật kinh ra tụng. Khách chỉ có vài người mới đến lần đầu tiên có hơi bỡ ngỡ, còn những người khác như đã thành thuộc với lối sinh hoạt ở đây, cũng đều lật kinh ra đọc theo thầy.
Tiếng mõ, thầy gõ đều đều thỉnh thoảng ngắt khoảng bằng tiếng chuông ngân dài. Có những đoạn kinh tiếng Phạn được phiên âm, mà không phiên nghĩa, nên nghe hay mà không hiểu ý gì, nhưng có âm thanh và nhịp điệu dường lặp đi lặp lại nhiều lần. Tụng một hồi lâu, hết cuốn kinh chữ Việt lớn, rồi thầy lại khấn vái như bài hát thuộc lòng, âm thanh trầm bổng. Xong m ọi người đứng dậy đảnh lễ, lạy Phật, rồi lễ tất. Trước bàn Phật có một thùng phước sương nhỏ, ai cúng, ai không, thầy Sáu hay bà Jenna không hề lưu ý.
Sau lễ, mọi người uống nước, ăn trái cây, rồi ra ngoài ngắm cảnh và trằm trồ những hoa màu do thầy Sáu trồng được. Thầy Sáu thay áo rồi ra vườn hái một mớ bí, mướp, khổ qua và rau cỏ non tươi chia cho mỗi khách một mớ, bỏ lên xe mang về ăn lấy lộc chùa. Rồi cả đám, phần ai xe nấy, chia tay ra về vui vẻ, cũng vừa lúc đường phố đã lên đèn. Riêng bà Jenna ở lại bàn việc với thầy Sáu và ra về sau cùng.
Thanh về, đem rau quả ra nấu canh ăn mấy hôm, nhớ ơn Trời, Phật. Rồi vì những thúc bách của cuộc sống hằng ngày, Thanh cũng quên hẳn bữa gặp mặt thân hữu hôm đó. Gần hai năm sau, Thanh một mình có dịp chạy xe ngang qua vùng nầy, tiện ghé vào thăm lại vườn hồng, nơi thầy Sáu công quả tu hành, xem hoa màu cây trái, tính kiếm một ít hoa quả về nấu ăn, và sẵn hỏi thăm tin tức bà Jenna sinh hoạt thế nào.
Xe đến trước cổng, thấy cửa vườn khóa kỹ, cây lá xác xơ, bí bầu trên dàn khô đen như gần mục nát, lối vào cỏ mọc cao khô, hình như đã lâu không còn ai ở đó nữa. Phía trước bờ rào, sát cổng có tấm bảng bằng tôn ghi là "No trespassing", với hình đầu con chó răng tỏa nhọn hoắt. Vật đổi sao dời, nơi đây hoang vắng, không còn bóng dáng thầy Sáu.
Lòng khách lâng lâng buồn, chắc là bà Jenna có chuyện rắc rối gì đây, nên vườn hồng đã đổi chủ. Tâm tư Thanh bấy giờ, ít nhiều có cảm giác không khác Kim Trọng khi từ Liêu Dương trở lại vườn Thúy. "Nhìn xem cảnh cũ nay đà khác xưa, Đầy vườn cỏ mọc lau thưa, Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời". Khách bấm chuông, chuông không kêu, vì điện đã cúp. Gọi lớn thầy Sáu, thầy đã vân du biệt tích. Bà Jenna thì nhà ở cách xa. Khách buồn bã ra về, nhớ ngày nào ở đây bạn cũ họp nhau đông vui, kinh kệ mà bây giờ bốn bề vắng vẻ, sư ông, tín chủ đều biệt tăm chim cá.
Rồi một đêm kia, Thanh vào vũ trường Ritz ở Anaheim tiêu khiển, trong lúc ngồi chờ giờ nhạc trổi, khách tình cờ gặp địa ốc gia Minh Thông bước vào, được sắp ngồi bàn bên cạnh. Trước kia ở Saigon, Minh Thông chuyên mở lớp Anh Văn ở đường Lê Văn Duyệt, dạy đàm thoại cấp tốc cho mấy cô, mấy bà định lấy chồng hoặc giao thiệp với Mỹ. Sau 1981, ông vượt biển sang đây, làm địa ốc, móc nối lại với mấy cựu học viên sang đây từ trước. Và ông đã được họ giới thiệu rộng rãi đến các bà bạn có chồng Mỹ khác. Ông chuyên mua bán nhà đất, mối lái, hùn hạp và hướng dẫn cho mấy bà này đầy đủ, từ xuất vồn đầu tư, đến khi vỡ nợ, mất của, chạy làng. Cũng là chỗ quen, Thanh hỏi thăm về bà Jenna và bất động sản nọ. Minh Thông cho biết năm vừa qua, bà Jenna đến yêu cầu ông bán khu vườn đó và đuổi lão thầy Sáu đi với bất cứ giá nào, miễn sao cho thật gấp. Minh Thông hãnh diện khoe rằng mình đã làm xong yêu cầu của bà Jenna với thời gian nhanh kỷ lục. Nay vợ chồng George, Jenna cũng đã đổi số điện thoại, không còn liên lạc giao thiệp với mấy bà bạn kia nữa.


Không lâu sau đó, Thanh có dịp đi ăn trưa với nhà đầu tư Văn Hùng, người cũng đã có lần làm chung văn phòng địa ốc Kaliba với Minh Thông, và đã cùng đầu tư mất vốn với nhau. Văn Hùng kể lại là Minh Thông đã vớ được mối bở, xoay xở lô vườn hồng của bà Jenna kiếm được cả hơn trăm ngàn. Từ đó Thanh lưu ý nghe hiểu thêm và được biết đầu đuôi câu chuyện.
Do Minh Thông mối lái, Bà Jenna khá giả mới bỏ vốn ra mua vườn hồng, đầu tư chờ lên giá, và làm chỗ giải trí tới lui cuối tuần, vui cảnh gió trăng, cây kiểng. Không biết bà Jenna đã rước được ông Sáu từ hồi nào về làm gác gian trông coi và cải tiến tài sản nầy.
Sau ngày 30/4/1975, người Việt dù kẹt lại ở quê nhà hay chạy trốn ra nước ngoài đều đã chứng kiến một cảnh đổi đời toàn diện. Thời trước xứ mình, đàn ông có tiền, có thế, có quyền, chủ động mọi việc, có thể mua nhà nuôi đào nhí. Còn sang đây, nhiều ông lỡ thợ lỡ thầy, thất thế, mất quyền, không tiền, ngay cả có ông, cứ mỗi lần viết thư cho ai đều có thêm hai chữ Ph. D. sau tên mình, mà chẳng hề có dăm dollars để ăn phở. Trái lại mấy bà dễ làm ra tiền và dư đủ. Bà nào tệ lắm thì đi trông già, giữ trẻ. Kẻ khá hơn thì đi may, làm tóc, móng tay. Nhiều bà làm chủ năm ba shop may, tiệm nails tóc là có xe Mercedes thứ đắt nhất, và mua apartments, nhà đất để đầu tư, hoặc nuôi riêng toyboys là thường.
Không ai biết rõ lý lịch ông Sáu đã từng là tu sĩ thật hay tu sĩ thời thế, hay lúc xưa đã làm nghề gì. May ra chỉ có bà Jenna mới biết được mà thôi. Ông đã gặp dịp tốt, theo tàu vượt biển, rồi may được Mỹ nhận sang đây. Nhờ khỏe mạnh và chịu khó, ông đi đẩy hàng ở siêu thị, tình cờ lọt vào mắt bà Jenna. Ông Sáu chưa già, coi cũng khỏe trai. Hỏi trước kia bên Vietnam làm nghề gì, thầy Sáu khoe là đang tu chùa ở Saigon bị cán bộ CS ép đuổi đi kinh tế mới, (") nên mới theo vượt biển trốn đi. Sang đây không được chùa nào nhận, nên ông Sáu phải ra làm lao công đẩy hàng kiếm sống và gởi giúp gia đình.
Tình cờ gặp ông, Jenna mới nẩy ra ý kiến rước ông Sáu về làm gác gian, và trồng trọt vườn hồng của bà cho có chuyện. Sợ ông George chồng bà ghen, vì hai người nói tiếng Việt, George không hiểu. Sẵn vườn có cái trailer khá rộng, ông Sáu bày biến cái trailer làm nơi Phật Tự, Jenna phong cho ông Sáu chức thầy và bảo mọi người gọi ông là thầy Sáu, coi như ông thầy trụ trì trong Vườn Hồng Phật Tự của bà.
Bà Jenna cũng không dám bảo bạn bè phong chức gọi ông là thượng tọa, hòa thượng, hay Thích Lục Sáu gì, vì sợ xúc phạm đến chức vị các bậc tu hành thứ thiệt. Chữ thầy vốn là vô thưởng vô phạt, theo lối gọi của người Saigon, ai cũng có thể được tôn gọi là thầy Hai, thầy Ba, thầy cúng, thầy bói, thầy chùa, thầy cò, thầy vẽ, thầy tuồng, thầy nhảy, thầy ăn...
Bà Jenna chở thầy Sáu lên chợ Tàu thỉnh tượng Phật về thờ, và lên Long Beach thỉnh kinh sách và băng cassette về tụng, để vài ngày bà có cớ đến lạy Phật cầu phước, giao tiếp với thầy Sáu, và thâu hoạch ít hoa quả. Thật là một sáng kiến hay, một công mà đôi ba việc. Vì văn hóa và tín ngưỡng, nên ông George vừa ý và tôn trọng.
Nơi đây, vắng vẻ riêng tư, gió lộng trăng mơ, tức cảnh phải sinh tình. Việc dĩ nhiên đến, sẽ xảy đến không sai. Tình yêu đến giữa hai người lúc nào không ai hay. Ông có gà, bà có thóc, gà ông rồi cũng mổ thóc bà. Từ đó tiểu tự nầy trở thành tổ ấm của thầy Sáu và Jenna. Chỉ riêng hai người biết rõ mối liên hệ nầy. Sáu và Jenna tuy không còn trẻ, nhưng cũng vẫn thề trăng hẹn gió, tính gắn bó dài lâu.
Trước mặt George và mọi người, thầy Sáu là một tu sĩ chân chính, được thỉnh về hướng dẫn việc tu hành, kiêm gác gian, làm vườn cho Jenna. Hương xuân như vẫn còn đang độ, hai người núp bóng Phật từ bi để che mắt thế gian về mối tình vụng trộm nầy. Giờ thầy Sáu có nơi ăn chốn ở, cơm no hằng ngày, giường cũ ngủ hằng hằng tuần, lấy làm mừng vì từ chỗ bơ vơ, vô gia cư, giờ mới tu sơ mà đã được phước lộc. Còn về phía bà Jenna có một ông chồng Mỹ, với mọi tiện nghi vật chất bên ngoài và một ông Việt cung cấp tiện nghi tình cảm bên trong, thiệt là đời vui như phất phới cờ bay.
Nhưng sự đa duyên nghiệp của thầy Sáu đã dẫn đến hậu quả tệ hại. Không hiểu vì hời hợt vô tình, hay có dụng ý thâm sâu, thầy Sáu đưa ý kiến với Jenna là rủ các bà bạn cho đông, đến đây cùng học đạo, nghe kinh, và cúng sao giải hạn cho họ. Thầy Sáu thỉnh đâu ra một cuốn sách bằng tiếng Việt về việc cúng sao cho các tuổi ta thuộc 12 con giáp. Một ý kiến đa diện: Đông người đến lễ bái thì có thêm lễ vật và phước sương, tiêu thụ một số rau quả trong vườn, có người cùng tu đạo cho vui, phát huy cơ sở, và đánh lạc hướng mọi nghi ngờ của ông George, nếu có. Vì tình cảnh ông George, có của dù ăn không được, cũng để ôm, chứ đâu muốn để kẻ khác đụng vào.
Bà Jenna tình thực nghe thấy hợp lý, rồi rủ rê các bà bạn cùng đến lạy Phật, cúng dường, và công quả để mở mang thêm "Vườn Hồng". Sau đó quen dần, các bà nào rảnh thì tới bấm chuông, thầy ra mở cổng mời vào, rồi khóa cửa lại, để các bà vào lạy Phật, qui tăng. Khi thì đông năm ba người, khi thì đi riêng rẽ, một thầy một nữ thí chủ.
Tuy mấy bà qua Mỹ đã lâu quen ăn hamburgers, hotdogs, nhưng vẫn còn nhớ hương vị mỳ căn đậu hũ, và ngôn ngữ quê nhà, mà các bà đã ham thích từ hồi còn son trẻ. Thêm nữa, muốn bạn bè tới lạy Phật, thì Jenna phải tỏ ra kính tăng, dùng lời tâng bốc đề cao thầy Sáu. Khiến nhiều bà bạn dần có cảm nghĩ rằng Thầy Sáu là vị Cao Tăng quyền phép, một thầy Lục-Tạng đời nay, tu hành thân tâm sạch sẽ, từ bờ tây Bình Dương đất Phật, đã vượt vạn dặm ba đào, sang đây bố thí kinh sách. Nên Nữ Quái Yêu Vương trong lòng các bà cũng nổi dậy, muốn tìm dịp ăn thịt ông Đường Tăng nầy năm mười miếng, để thay bữa với hotdogs nhàm chán, dù không được trường sinh bất tử cũng thỏa dạ một đời.
Khi các bà bạn đến lễ Phật, thầy Sáu giở sách, đem sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch ra hù dọa. Những hung tinh đó có thể là những danh vị do một vài tổ sư Trung Hoa xưa tưởng tượng, vô căn cứ bày ra, hoặc nếu có thật thì những vì sao nầy nầy cũng ở cách xa hằng vạn quang niên mịt mù trong không gian vô tận, nào ai biết có ảnh hưởng gì. Tuy vậy cũng khiến nhiều bà sợ hãi, phải nhờ thầy cúng giải. Rồi họ lại nhờ nào cầu an, cúng vong, cầu siêu, thầy Sáu cũng ê a và lấy cassette ra tụng tiếp để có thêm tiền ấm túi, và nhất là có dịp riêng tư, gần gũi từng bà. Bà nào có chuyện chồng con, tiền bạc gì buồn phiền, cũng lẻ tẻ đến đó tâm sự với thầy Sáu và thầy trở thành một người bạn thân, ngọt ngào tâm giao. Sau cùng, mấy bà lấy những cớ đó thỉnh thoảng đến gặp thầy tỉ tê, cho đỡ thèm mỳ căn, đậu hũ kho với củ cải quê nhà.
Thầy Sáu không ngờ trong cảnh lưu vong, thất cơ lỡ nghiệp, giờ bỗng thấy mình như gậy lạc giữa rừng hoa, tuy hoa không tươi nhưng vẫn chưa héo. Cờ đến tay không phất cũng uổng, và thầy càng phất mạnh. Thầy Sáu bỗng dưng có được một triều đình với đầy đủ cung viện, riêng một góc chùa trailer, và chương trình hành sự hằng tuần của thầy đều kín trang, đầy sổ, có thứ tự đâu ra đó.
Vài bà trong số nầy tính hay đùa cợt, quen nói tục, lộ liễu bất cẩn, như thể bẻ cành bán rong, khiến môt sự xì xào xảy ra. Nhà cửa tuy cách xa nhau, mà phone thì lại gần. Bà Jenna sinh nghi, căm giận, cảnh cáo thầy Sáu, thầy nào dám nhận, và thầy thề với trời, có Phật ngồi chứng tri. Bà Jenna tin thầy Sáu nhưng vẫn để ý thăm dò. Thầy Sáu cũng kỷ lưỡng căn dặn mấy bồ kia mỗi khi đến riêng rẽ, thì phải đậu xe ở chỗ quẹo khá xa, vào sâu trong xóm, rồi lội bộ bấm chuông. Thầy ra mở cổng, rước vào trong trailer. Ai đi ngang qua, không thấy xe, sẽ nghĩ là trong vườn không có khách nào. Thầy Sáu khóa cổng xong là yên chí lớn. Lâu ngày thầy quên hẳn là Jenna cũng có chìa khóa cổng.
Thường khi Jenna hay các bà khác đến, đều phone cho thầy Sáu biết trước. Nhưng lần nầy, trên chuyến đi công việc từ San Diego về, Jenna ghé vào thăm vườn, định sẵn tù ti với thầy một chút. Jenna không bấm chuông, mà lại tự rút chìa khóa nhẹ nhàng mở cổng. Jenna đi rất êm vào đến gần trailer. Jenna lắng nghe có tiếng đàn bà hít hà, rên rỉ, hụ hự trong liêu. Quá nóng giận, bà đạp mạnh, cánh cửa gài chốt bên trong tung ra. Bà xông thẳng vào liêu, thấy thầy Sáu và bà bạn đang 100% đóng phim X. Hai người ôm vội áo quần. Họ vừa tuôn ra vườn, vừa chạy, vừa bận quần áo vào, mạnh ai nấy chạy thoát ra cổng, rồi dông mất tiêu. Jenna bốc lư hương quăng theo, chân nhang đỗ tung tóe. Để lại một mình Jenna đứng giữa trailer tức chết đứng, trân ra như trời trồng một lát lâu. Tỉnh lại, bà định đánh chưởi hai người cho hả giận, mà hai người đã chạy trốn mất. Bà vào tốc hết tư trang, thường phục, tăng y của thầy Sáu ra bỏ trước trailer châm lửa đốt.
Lửa tắt, Jenna khóa cổng lái xe ra về. Căm giận thầy Sáu lang chạ với các mụ mắc dịch, đã lừa bà và làm hoen ố chốn thiền môn vườn hồng của bà.
Jenna đã đầu tư nhiều vào thầy Sáu, tin lời thầy thề ước chỉ thương yêu duy nhất mình bà mà thôi. Jenna đã nghĩ nếu mai ngày bịnh George không qua khỏi, bà cũng sẽ tính giữ thầy Sáu đến cuối đời. Nay Jenna rõ biết thầy lang chạ, vơ đũa cả bó, kiểu mutipartners sex sẽ mang đến nhiều rủi ro, bịnh hoạn hiểm nghèo. Jenna sợ lắm vì bà còn rất yêu đời. Để cảnh nầy kéo dài, bà bứt rứt, tức tối đau đớn, không ngũ được.
Bị lường gạt lấy mất số tiền để dành cả một đời, người ta tưởng cũng không đau khổ bằng Jenna mất tình. Bà cảm thấy nghẹt thở, nếu để tình trạng nầy kéo dài, có thể bà đứng tim mà chết mất. Máu Hoạn Thư sôi lên mạnh, Phât là của chung, chứ Thầy Sáu là của riêng bà. Lão phải biết một mình bà mà thôi, nay lại đem chia năm, xẻ mười cho mấy con mụ sồn sồn ôn dịch. Bà rủ chúng đến cúng Phật, ngờ đâu chúng lại bợ thầy. Bà thù thầy Sáu, giận ghét cả đám bạn. May mà hai người thoát thân chạy kịp, và tay bà lại không có dao, chứ không, thì bà đã chém chúng, không chết cũng trọng thương cho hả giận, thì có lẽ giờ nầy bà đang nằm trong tù, có thể bị kết tội sát nhân đôi, không tử hình cũng bị tù chung thân, hay ít nhất cũng bồi thường thương tật đến sạt nghiệp một cách vô lối.
Tức quá nên bất kể lời lỗ, Jenna tìm gặp lại địa ốc gia Minh Thông nhờ bán, dẹp cơ sở nầy. Cần nhất phải bán gấp, đuổi thầy Sáu đi homeless cho hả giận. Dạy cho lão Sáu biết rằng phản bội bà là từ rách tới nát, từ đó phải tự kiếm chỗ ở, và áo cơm vất vả cho đáng đời dê cụ, phải khổ trăm lần hơn Adam khi bị đuổi ra khỏi Địa Đàng, bà mới hả giận.
Từ khi vườn trại bị bán gấp, không ai biết thầy Sáu đã đáo nơi nao, thả neo lại đâu trên biển đời mênh mông của xứ tự do nầy, ai muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, muốn tu gì thì tu, muốn nói gì nói, viết gì thì cứ viết, chỉ đừng cầm nhầm đến tài vật, đụng chạm đến người khác là luôn luôn an toàn xa lộ.
Xứ nầy, không ai phải xin giấy di chuyển hay khai hộ khẩu, ngay cả không có căn cước cũng không sao. Thậm chí, hơn thế kỷ trước, ở San Francisco, có gã hứng chí, in thiệp, tự xưng mình là Hoàng Đế Mỹ Quốc, lập triều đình và phong quan tước cho bạn bè, in thứ bạc riêng xài như giấy nợ trong đám của gã, chính quyền thật cũng không làm phiền hà gì. Hơn 15 năm trước có bà ở Santa Monica tự xưng là Giáo chủ, ông nào muốn xin vào môn đạo, thì phải giao đấu với bà một trận. Vì sợ bệnh AID lan truyền, chính quyền mới can thiệp, cấm cái đạo kỳ quặc đó. Khiến chuyện thầy Sáu giả sư ông chỉ là việc quá nhỏ và không lạ gì ở cái xứ Mỹ dễ thương nầy.
*
Năm năm sau, một hôm lái xe chở mấy người bạn sang du lịch Canada, lúc về ngang qua tiểu bang Washington, ghé vào quán Viêt nam ăn phở, Thanh chợt nhìn thấy viên quản lý thâu ngân hình như quen quen, đã có lần gặp ở đâu đó. Suy nghĩ một lát lâu, Thanh nhớ ra là thầy Sáu vườn hồng khi trước.
Lúc đến quày trả tiền, Thanh mới nhắc: "Nam mô A Di Đà Phật, bạch thầy có khỏe không"". Thầy Sáu giật mình, trố mắt, mỉm cười đáp: "Thôi mà anh, chuyện cũ nhắc làm chi. Phở nầy chính bà chủ đứng nấu, chắc anh ăn ngon, nhờ giới thiệu giùm. "
Trên đường dài lái xe về, để trí óc tỉnh táo khỏi buồn ngủ, Thanh suy nghĩ nhớ lại hình ảnh thầy Sáu từ khi còn ở vườn hồng, Thanh lẩm bẩm lựa từ, rồi ngâm nga tám câu thơ thất ngôn như sau:

GIẢ TU

Ngày thời công quả, tối công phu,
Ủ đậu làm tương, đậu quá lu.
Tràng hạt đếm đeo đà mỏi gối,
Cà sa đắp xéo ẩm mình khu.
Phu nhân địa chủ cùng tu đạo,
Mỹ nữ môn đồ thích đạo tu.
Mượn cảnh vườn hồng thường đại mũ,
Nương nhờ quán nọ vẫn cương du.

Nghe Thanh ngâm thơ, các bạn ngồi chung xe cười ngất, và bảo Thanh đọc lại mấy lần để ghi nhớ, thì xe đã băng băng qua khỏi địa giới Origon.
Chuyện Thầy Sáu dối thế, gây nên gió loạn vườn hồng, sống hai mặt, được mô tả đầy đủ bằng bài thơ nầy. Người viết thấy bài thơ độc đáo, nên chép thêm vào đây để kết thúc bài viết. Xin chư tôn hỉ xả.

HOPHI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến