Hôm nay,  

Một Chuyện Tình

03/02/200500:00:00(Xem: 17785)
Người viết: CHU TẤT TIẾN
Bài số 679-1253-23-vb4-020205

Tác giả Chu Tất Tiến là một nhà báo quen biết trong sinh hoạt truyền thông Việt ngữ tại Nam California. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Nghe tên bạn báo tin Hai vừa bị ung thư chết ở Việt Nam, người tôi chợt chùng xuống, bàng hoàng. Tự dưng hai đầu gối như mất gân, đứng không vững nữa, tôi phải để rơi thân mình xuống thảm, ngay cạnh cái bàn điện thoại. Trí óc lờ đờ, nhạt nhòa; người tôi như không còn cảm giác, mắt nhìn vào phía tường như nhìn vào khoảng không nào mênh mông lắm.
Thế là người thứ hai trong nhóm "Ba thằng Ngự lâm Quần" của chúng tôi đã ra đi. Trần văn Tiếng thì đã chết trong một lần vượt biên bất thành. Hắn đi cùng cô vợ thứ hai tên Mai, lúc đó đang có bầu ba tháng.
Trước khi đi, Tiếng có gọi tôi xuống nhà Hai để gặp mặt "lần chót". Ba đứa chúng tôi ngồi ở nhà Hai tại Gò Vấp, căn nhà ba gian vách gỗ kiểu xưa, trước cửa là một cái sân gạch, rồi vườn cây trái; trong nhà là cái phản gỗ, bộ bàn ghế vuông đã đen bóng vì tay chân, vì bao nhiêu cặp mông ngồi lên trong khoảng vài chục năm. Cả ba yên lặng, không nói với nhau lời nào. Tiếng cứ hút thuốc liên miên. Dáng người thanh tao, tài tử của hắn hơi ngả ra sau, trông rất hấp dẫn. Con gái gặp hắn là mê như điên. Nhưng có lẽ chỉ mê vì cái dáng dấp mà không mê vì tâm tính lãng mạn của Tiếng, nên cô nào cô nấy chỉ cặp với hắn một thời gian là bỏ. Vợ hắn cũng thế. Ngày quen nhau là nàng ngồi say mê nghe hắn đàn, rồi cất tiếng hát theo. Giọng cô nữ sinh trường Yersin Đà Lạt ấy nghe cũng đã lắm. Nhưng khi Tiếng bị bắt làm tù binh, cô lặng lẽ cho hắn rơi. Đau nhất là lúc Tiếng về nhà, thì gặp một anh cán bộ cách mạng đang vác túi "xà cột" đi xuống thang gác. Thấy một tên tù mới được thả đang ngơ ngác nhìn mình, anh cán bộ hất hàm, quát lớn:
-Làm gì mà vô nhà người ta vậy" Muốn ăn trộm hả"
Nghe tiếng quát, vợ Tiếng bước ra đầu cầu thang, nhìn thấy Tiếng, cô hơi tái mặt, đứng yên một lúc, rồi mới lẳng lặng bước xuống, vừa đi vừa nói với anh cán bộ:
- Anh cứ đi đi, để em nói chuyện với anh ấy.
Sững sờ một lúc, nhìn qua liếc lại hai người, và bắt đầu hiểu câu chuyện, anh cán bộ hừ hừ trong cổ một lúc rồi cũng lặng lẽ ra cửa. Ngang qua chỗ Tiếng, anh ta gặt cái đầu lại nhìn hắn một hai giây xong mới đi, vênh váo. Dáng bộ của kẻ chiến thắng nghênh ngang, hai vai nhô lên nhô xuống.
Tiếng đứng yên, chờ cho vợ tới gần, mới hất hàm:
- Con tôi đâu"
Vợ Tiếng trả lời gióng một:
- Đi học.
Im lặng một lát, Tiếng hất hàm:
- Tôi lên lầu lấy đồ đạc.
Rồi lầm lũi lên thang. Vợ Tiếng nói với theo:
- Đồ của anh để riêng trong góc tủ bên trái. Không cần lục.
Tiếng lặng lẽ lên lấy đồ, nhét tất cả vào hai cái túi xách, đi xuống, ngang qua mặt vợ, gầm sẽ một cái:
- Thà là cô làm đĩ, tôi còn trọng cô hơn là lấy cái thằng đã từng nhốt chồng mình vô tù này.
Nói xong, hắn cũng hùng dũng đi ra, hai vai cũng nhô lên nhô xuống, nhưng vai của tên tù đã bao năm gánh củi trên rừng, nên lệch lạc trông như anh gù Nhà Thờ Đức Bà Paris. Sau đó, Tiếng về nhà mẹ, và lấy Mai, cô bé hàng xóm, ngày xưa vẫn mê anh đánh đàn. Hai người chuẩn bị vượt biên khi Mai có bầu. Tiếng muốn bắt Mai ở lại, chờ anh, nhưng Mai cương quyết chồng đi đâu, vợ theo đó, lên Thiên Đàng hay xuống địa ngục cũng phải có đôi.
Bẵng đi một thời gian không nghe tin về cuộc vượt biên, tôi tưởng Tiếng đã thoát, nhưng không ngờ hai năm sau, một người sống sót trong cuộc vượt biên đó, đã thư về cho biết cả tầu bị giạt vào một đảo hoang, toàn san hô, nên chết đói gần hết. Riêng Tiếng, trước khi chết, còn ráng vớt được một con cua nhỏ, đưa cho Mai, rồi mới gục xuống. Những ngày trước đó, với khả năng của một anh Biệt Chính chuyên huấn luyện chất nổ, Tiếng cũng mầy mò được vài con cá con, vài con cua, cọng rong đưa cho Mai ăn, còn Tiếng thì nhịn. Tiếng vừa nhắm mắt, hắt hơi, thì Mai cũng gục xuống trên xác Tiếng, nấc lên mấy lần rồi tắt thở luôn. Người viết thư cũng ngất đi, không biết bao lâu thì tỉnh dậy, thấy mình nằm trên tầu Mỹ. Nhìn lại quanh mình, chỉ thấy có hai ba mạng sống sót từ một chiếc tầu gần 50 người.
Bây giờ Hai lại chết. Còn một mình tôi trong nhóm ba thằng: ba tên thuộc lực lượng áo đen Biệt Chính, đóng tại một ven biển Cát Lở. Ba thằng thân nhau hơn anh em ruột. Chúng tôi chia nhau từng miếng cháo muối, khi hết tiền, hết lương, hoặc những buổi nhậu nhẹt say sưa lúc lãnh lương về, gom lại xài chết bỏ. Mấy tên bạn khác gọi tụi tôi là Ba thằng Ngự lâm Quần, vì nết quậy của nhóm chúng tôi. Đi uống ruợu ở Bar mà đụng du đãng gây sự là ba thằng cùng ra tay, đập lộn ầm ĩ; hoặc cùng bỏ chạy, vừa chạy vừa cười rũ rượi khi bị Quân Cảnh rượt. Tiền chia ba, bạn gái cũng chia. Chúng tôi bốc thăm xem thằng nào trúng con nào thì thằng đó nhào vô, hai thằng còn lại vỗ tay làm "giám đốc", nghĩa là chỉ "đốc và xúi" thôi. Không hề ghen tuông, nếu một khi có thằng thích ẩu một cô bồ của bạn. Thấy bạn mình tỏ vẻ khoái bồ mình, lập tức tên có bồ nhường liền, và cười ha hả. Cũng vì tính Lương Sơn Bạc đó, mà nẩy sinh một mối tình tay ba rất là đau đớn.
Trong nhóm ba thằng, Hai hiền nhất, ít nói nhất, nhưng lại hát hay nhất. Tôi mê tiếng hát của hắn đến nỗi giới thiệu hắn với cô bồ ruột của tôi, người mà tôi định cưới thiệt sự. Hồi ấy, tôi phải đi công tác ở tỉnh gần đó, nên nhờ Hai tới coi sóc giùm cho cô bồ của tôi. Ngày tôi đưa hắn lại nhà bồ, tôi bắt hắn phải hát cho bồ tôi nghe, và dặn dò:
- Tao đi xa, mi ở lại đây, săn sóc cô bé cho tao. Khi nào cô bé thích nghe hát, mi phải hát cho hay. Tao về, mà thấy cô bé buồn, là tao thiến mi liền.
Hai cười khẩy:
- Mẹ kiếp! Khi mi về thì gạo đã thành cơm rồi, còn thiến cái chó gì nữa!
Hai thằng bật lên cười ha ha làm cô bé ngơ ngác nhìn lại, hỏi:
- Gì mà dui dữ dậy"
Tôi không trả lời, chỉ dúi vào tay Hai cây đàn, bắt hắn hát cho bé nghe. Tiếng hát trầm ấm của Hai "ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê..." làm cô bé ngẩn ngơ, cặp mắt nai to tròn mở lớn. Tôi vui vẻ vì những người tôi yêu vui vẻ. Đi làm xa, tôi vẫn dọt về thăm em mỗi chủ nhật. Và, chuyện gì xẩy đến, đã đến. Ngày cuối tuần kia, tôi về sớm bất ngờ và bắt gặp hai đứa đang phóng xe đi vù vù, em ngồi đàng sau chiếc Lambretta, ôm eo ếch Hai thật chặt. Tôi lặng người, đi vào tiệm ruợu, làm một hơi gần mười chai bia 33 rồi gục xuống cho "chó ăn chè" ngay tại quán. Sau đó, tôi lẵng lặng ra đi, không trở lại. Dần dần, hai đứa biết là tôi đã khám phá ra mối tình lạng quạng đó, cả hai hết hồn, tìm cách chuộc lỗi. Bé thì viết liên tiếp mấy tờ điện tín với những lời nhắn rất lãng mạn, còn Hai thì cười dã lả, rủ tôi đi uống cà phê. Tôi "tha Tào" cho chúng, nhưng bỏ luôn cô bé, dù em đã xuống nước với tôi đến tận cùng. Ba đứa tôi lại cặp nhau đi chơi, tình cờ lại gặp ba cô bé khác cũng thân nhau khắng khít y như nhóm tôi. Nhóm ba cô này từ xa đến, làm chung một sở ở Vũng Tầu, nên ngủ cùng phòng. Chúng tôi chia nhau:
- Ê! Tiếng! Mi cao ráo, gầy gò, mi cặp con Minh nhe! Hai! Mi thấp người, nhưng đô con, tao chỉ định cho mi con Hạnh, còn tao, tao chọn con Huệ. Đồng ý không"
Hai cười hì hì:
- Mẹ! Mi đã chọn trước cho mi con đẹp nhất rồi, còn lựa thế đếch nào được nữa! Hỏi cũng như không!
Tiếng thì ngửa mặt lên trời, ha ha:
- Tao thì đồng ý! Em Minh coi bộ chịu tao hơn hai tên mi, em lại có tướng đi lúc la lúc lắc, rất hợp với tao.
Thế là ba cặp rủ nhau đi chơi, picnic trong rừng, xuống biển tắm nắng. Cứ cuối tuần, tôi hối hả phóng về địa điểm tập trung rồi mỗi thằng một chiếc Honda, chở các em đi vi vút. Nhưng trong ba cặp, chỉ có hai cặp hợp nhau, còn cặp của Hai và Hạnh lại khập khễnh. Tên Hai này lười biếng, không chịu gò em, cứ làm bộ làm tịch, trong khi hai cặp tôi thì kiếm cách tách ra, ngồi riêng rủ rỉ, Hai và Hạnh cứ lấn xấn tới chỗ tụi tôi ngồi, không thích ngồi riêng, làm tôi và Tiếng mất hứng.
Một tối thứ Bẩy, dụ tên Hai cua em hoài không chịu, tôi bực mình, lớn tiếng:
- Mi không chịu em hả" Tao làm thịt em cho coi!
Hai nhếch mép:
- Làm thì cứ làm, tao đâu có thắc mắc gì! Của tao đâu mà sợ!
Có lẽ từ hồi hắn làm lỗi với tôi rồi, nên chán nản đàn bà. Tôi nổi máu chơi ngông:
- Được! Mi không làm, tao làm đó. Đừng có trách tao!
Cười hì hì như mọi lần, Hai rít một hơi thuốc:
- Mi làm được con nhỏ đó, tao bao một chầu bánh bèo!
Tôi gừ gừ trong cổ, rồi lấy xe phóng lại nhà em Hạnh.
Hôm đó, cả Minh và Huệ đều về thăm nhà. Tôi dựng xe Honda trước cửa, bước vào. Hạnh đang chuẩn bị đi ngủ, nhìn ra thấy tôi, ngạc nhiên:
- Sao ông lại tới đây giờ này" Huệ nó về nhà rồi!
Tôi cứ lừng lững tiến vào, ngồi xuống ghế:
- Ai chả biết! Huệ có nói tuần rồi. Nhưng tôi tới thăm Hạnh không được sao"
Cô bé hơi ngạc nhiên, nhưng vì đã từng đi chơi chung với nhau, nên thân thiện:
- Ông ăn cơm chưa" Tui lục cơm nguội cho ông ăn!


Tôi gật đầu. Hạnh lui cui bắt bếp điện hâm cơm lại cho tôi ăn, vừa nấu vừa nói chuyện tự nhiên, không hề biết đến âm mưu của tôi. Ăn xong, tôi lân la nói chuyện linh tinh đã đời, thỉnh thoảng lại tán em một câu bốc lửa, làm em thần người ra. Mãi gần 12 giờ đêm, tôi rồi mới chịu ra về. Nhưng khi nổ máy xe thì xe chết, không chạy, vì tôi đã cố làm cho xăng nghẹt. Lúc đó, còn giới nghiêm, tôi buồn rầu bảo Hạnh:
- Điệu này thì tui phải ngủ lại nhà bà đêm nay rồi. Có trở ngại gì không"
Hạnh ngần ngừ, nhìn quanh xóm một lúc rồi nói chậm rãi:
- Đành vậy, chứ làm sao bây giờ!
Tôi làm bộ ân hận phải đẩy xe vào trong nhà, rồi đòi nằm ngoài chiếc võng treo ngoài phòng, còn Hạnh ngủ giường. Cô bé đặt chiếc đèn dầu to trên bàn, và nói:
- Cứ để đèn đấy, đừng tắt nhé!
Đoạn lên giường nằm. Ở trên võng này, tôi vận động óc não kinh hoàng. Thật ra, muốn mò vào giường Hạnh cũng dễ thôi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cô bé hiền lành quá, tôi không nỡ. Một đằng thì bản tính bậm trợn cứ giục tôi xông lên, một bên thì ghìm tôi lại, không cho làm bậy. Cứ thế mà chiếc võng đu đưa cả đêm, cho đến khi trời sáng lên, tôi lật đật đứng dậy, chào Hạnh ra về. Cô bé nhìn tôi thăm thẳm, chắc cả đêm cũng không ngủ được, vì tôi thấy chiếc giường cọt kẹt hoài.
Phóng xe một mạch tới chỗ hai tên kia, chúng nhìn tôi cười hắc hắc:
- Sao! Nước non gì không mà mặt mày phờ phạc thế kia"
Tôi khuếch khoác:
- Sao lại không nước non! Lai láng như sông Cửu Long!
Cả ba thằng cười ồ ồ.
Chuyện tình Lan và Điệp tới đó thì ngừng. Không đứa nào nhắc tới nữa cho tới khi tôi đổi đi xa tít mù, không có cách chi về thăm chúng được trong cả năm trời.
Bất ngờ, một hôm tôi nhận thư Hai. Tôi đọc thư mà lòng run như rẽ. Từ trước tới giờ, chưa bao giờ chúng tôi viết thư cho nhau.. Từng hàng chữ hiện lên quay quắt làm tôi lảo đảo như người say ruợu:
"...Tao đã chết một cửa tứ rồi, mi ơi! Tao vừa cưới em Hạnh rồi! Đám cưới tụi tao diễn ra thật nhanh, không thể báo tin cho mi hay, vì tao bị kẹt! Không muốn em mang bầu đi làm lễ cưới, tao phải cưới.. chạy tang! Em bảo tao là con của tao, nhưng tao không biết con của tao có dính chút tóc tai của mi không" Dù thế nào đi nữa, tao cũng phải cưới gấp! Danh dự mà! Nếu là con của mi, tao cũng nuôi! Đừng lo!"
Trời đất ơi! Cái thằng chó! Làm sao để bị kẹt rồi cưới gấp như thế! Tôi rên rỉ như thằng điên. Tao đã làm gì em đâu mà mi nói "dính tóc tai" của tao" Tao chỉ nói khoác cho tụi bây sợ thôi mà! Trời ơi là trời! Run như rẽ, tôi sụp xuống đất, ngồi dựa vào tường một lúc, đầu óc hoang mang. Mai mốt, tụi bay cứ nghi ngờ đứa con trong bụng Hạnh là của tao thì bỏ mẹ! Rồi cơm không lành, canh không ngọt! Mi nói mi chết, nhưng kẻ chết ké là tao! Hai ơi!
Tôi phân vân mãi mới viết cho Hai một bức thư ngắn, chỉ nói lời chúc mừng và dặn sơ với Hai là, những điều mi từng nói là không trúng đâu. Rồi mãi cũng tới ngày tôi về. Vừa gặp tôi, Hai chạy ra, ôm chầm lấy tôi, khóc rưng rức như đàn bà! Tôi cũng chẩy nước mắt, muốn tìm lời yên ủi Hai, nhưng lúc ấy, Hạnh đã ra. Cô bé có vẻ mắc cở với cái bụng bầu vượt mặt, nên chỉ mỉm cười, nói lí nhí mấy câu rồi đi xuống bếp. Thấy thái độ của vợ, tự nhiên mặt Hai lạnh đi. Hắn thay đổi liền:
- Ông ngồi chơi, tôi đi nấu cơm.
Tôi lắp bắp:
- Mi mặc tao! Tao không ăn đâu. Mới ăn ở chợ.
Kệ tôi phân vua, Hai vẫn đi xuống bếp. Tôi đứng ở trên nhà, lòng nóng như lửa. Một lúc, chịu không nổi, tôi chạy xuống, thấy hai đứa đứng mỗi đứa một góc, biết là có chuyện, liền nói:
- Thôi, ông bà đừng có vẽ chuyện. Tôi phải đi trình diện sở ngay. Gặp lại bữa khác nhé!
Tự nhiên, tôi cũng dùng danh từ "ông, bà", hai chữ tôi chưa hề nói với chúng! Vừa lúc ấy, Tiếng chạy tới. Hắn cười khà khà, ôm vai tôi, lắc mạnh:
- Hề ! Hề! Không có gì thay đổi! Vẫn điển trai như ngày nào!
Tôi kéo tay hắn ra ngoài:
- Đi ra đây! Tao có điều muốn nói!
Hai đứa đi kiếm một quán cà phê, ngồi nhâm nhi. Một lúc sau, tôi mới mở lời:
- Mẹ! Tao không ngờ! Thằng Hai lại lấy con Hạnh!
Tiếng trầm ngâm, khác hẳn ngày nào:
- Chết một cái là nó cứ nói đó là con mày mà nó lãnh đủ! Tao giải thích cho nó nghe mà nó không tin. Tự dưng, nó đổi tính nết!
Tôi sửng cồ:
- Thằng ngu chết mẹ! Cứ đếm trên đầu ngón tay thì biết liền chứ gì! Ngày tao gặp Hạnh đến khi tao đi là hai tháng, nó có nổi hứng với con Hạnh thì cũng phải mấy tháng sau, làm sao là con tao được"
Giọng Tiếng vẫn trầm trầm:
- Tao cũng nói thế mà nó không nghe. Hình như từ ngày nó đụng con Hạnh bất tử, nó đâm ra nghiện con nhỏ, nên mê tín đi. Nó cứ ghen với mày hoài, dù nó nói giỡn, tao vẫn biết nó nói thật. Nó nói giữa mặt con Hạnh: "thế này nhé, khi con cô đẻ ra, phải cho thằng Nguyên nó làm cha đỡ đầu. Có thể nó sẽ lo cho thằng bé hay con bé đó tới nơi tới chốn! Nếu mà nó giống thằng Nguyên nữa thì thật là hay!" Con Hạnh xì nẹc, cãi nhau ỏm tỏi, mới lấy nhau mấy tháng mà cãi nhau mấy trận long trời lở đất rồi! Tao phải la nó hoài, nó mới im.
Lặng đi một lúc để hút một hơi thuốc, Tiếng kể tiếp. Những lời kể của Tiếng như những mũi kim đâm vào tim tôi:
- Vì cãi nhau quá, nên con Hạnh nó đâm ra chán đời. Con gái gì mà bắt chước chồng chửi thề như giặc. Ở nhà, nó mặc lộn cả quần chồng. Tao tới nhà thấy con Hạnh mặc quần đùi thằng chồng, đứng chổng mông lên quét nhà! Mi tưởng tượng cái bụng to kềnh như thế mà mặc quần đùi, trông khiếp đảm lắm! Tao quát nó thay quần đi, nó cứ cười như con mẹ điên. Tao nghĩ nó bị thần kinh rồi. Lỡ dại lấy chồng, bị chồng nghi là có sẵn con trong bụng, ai mà không điên!
Tôi gục đầu xuống bàn. Nói gì nữa mà nói! Mà làm sao nói cho thằng ghen tuông kia nghe đây, khi mà nó biết tôi đã có lần ngủ nhà Hạnh! Nên càng cải chính càng làm cho tên kia ghen hơn! Rồi vợ nó nghe được, lại xấu hổ thêm, có khi điên thật không chừng! Tôi biết Hạnh cũng có tình với tôi qua những lần đi chơi chung, nhưng tôi lỡ chọn em Huệ rồi! Giờ thì Hạnh đang trong giai đoạn đau đớn khôn cùng. Đôi mắt em hôm đó, nụ cười gượng gạo tiễn đưa hôm đó chứng tỏ em tiếc không được làm người yêu của tôi lắm lắm. Nay lại lỡ chân với Hai (chắc sự lỡ dại này cũng ảnh huởng bởi cái đêm trước) để theo về làm vợ một người suốt ngày ghen tị với một mối duyên không thành, tâm sự em chắc nặng chĩu như đeo đá! Còn Hai, nhất định trong tâm hồn của hắn, xáo trộn lung tung. Nào là ân hận đã cướp bồ của tôi trước kia, nào là tiếc nhớ cô bé đã đoạn tuyệt khi ấy, rồi mối hối hận đã bất ngờ làm bậy với Hạnh để rồi mê man thân thể Hạnh, và nghi ngờ Trời quả báo hắn... đủ thứ dầy vò làm cho Hai mất trí khôn. Vì mù quáng, Hai không thể nhận ra sự thật là Hạnh còn trinh trắng trước khi gặp hắn... Trời ơi! Chính tôi cũng đang bị quả báo nhãn tiền đây! Tôi đã làm cho mấy người con gái đau khổ, cô bồ cũ của tôi, Hạnh, và một vài người nữa...
Biết Hai không yên, tôi và Tiếng đã cùng nghĩ "Gia đình Hai và Hạnh sẽ là một gia đình bất hạnh!
Y như dự đoán, hai đứa hục hặc nhau từ ngày cưới đến khi Hai chết. Tiếng là người bạn đến thăm Hai thường xuyên, lần nào đến chơi cũng thấy cãi nhau ỏm tỏi, dù chúng có đẻ thêm một đứa nữa. Hai nhất định đặt tên thằng đầu là Nguyện, giống tên tôi chỉ khác một dấu nặng, đó là ý của Hai: Nguyên nặng thành Nguyện! Nói lái đi theo kiểu Nam kỳ, Nguyên "nặn" ra thằng con trai là Nguyện. Tôi dù có đau xót cho Hạnh nhưng cũng phải cố cười trừ mỗi khi đến thăm hai đứa. Thấy tôi, đôi khi Hai chọc tôi bằng cách gọi con:
- Thằng Nguyên "nặn" đâu ra chào bác Nguyên đi!
Tôi muốn xì nẹc với nó, nhưng nhìn thấy khuôn mặt khổ sở của Hạnh nhìn tôi đăm đăm, tôi lại hụt hơi.
Sau khi ra tù cải tạo, tôi chỉ đến chơi với hai đứa một vài lần cho đến khi Tiếng vượt biên. Và bây giờ, Hai đã chết. Còn tôi, sau khi sang đến Mỹ, mới nhuốm mùi bất hạnh. Vợ tôi làm "neo" một thời gian, có tiền, đã đổi lốt. Cô ấy thích ăn diện, kêu cả thợ "make- up" đến tiệm làm đẹp. Rồi đi thăm viện thẩm mỹ, hút chỗ này, trám chỗ kia, không bao giờ thèm nghe ý kiến của tôi. Hễ tôi nói đến những trang bị vô lý đó, vợ tôi lại bĩu môi: "Số anh nghèo khổ cả đời, chẳng nuôi nổi vợ con, đừng nói lảm nhảm nữa." Nhìn vào thực tế của một anh tư chức quèn, tôi không cãi nổi, đành nhịn, nhưng cho tới khi vợ tôi gặp lại người bạn học cũ, giờ đang làm địa ốc, rất nhiều tiền, cô ấy kiếm cớ cho tôi de. Tôi trở lại đời sống độc thân, tuy nhớ con nhưng thoải mái hơn khi còn ở với vợ nhiều, vì không bị ai dè bỉu, khinh chê.
Bây giờ, Hai đã mất. Tưởng tượng đến việc trở về Việt Nam thăm Hạnh, tự nhiên tôi rung cả người. Nhất định mắt em vẫn thăm thẳm, nhất định em vẫn mỉm nụ cười hiền dịu làm trái tim tôi đập loạn, nhưng còn thằng Hai ghen tị, nó ngồi trên bàn thờ kia, ngó xuống, liệu chúng tôi có dám hôn nhau không"
Chiều đã xuống dần. Tôi vẫn ngồi bệt trên sàn nhà, cạnh chiếc điện thoại.

Chu Tất Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến