Hôm nay,  

Chuyển Hoá

24/12/200400:00:00(Xem: 260354)
Người viết: HIỀN VI
Bài số 677-1219-vb4131204

Tác giả tên thật Kristine Từ Hiền Nguyễn, cư trú tại Katy, Texas, công việc Travel Agent; Với bài viết mang tựa đề “Bà Cháu,” kể về quan hệ giữa bà -người “đem bố mày với các bác mày sang đây”- với cháu, thế hệ được sinh và học hành tại Mỹ, Hiền Vy đã là một trong 12 tác giả vào chung kết giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm trước. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.
*

Lật nhanh xấp thư bé Thủy vừa đem vào, thấy có một bao thư màu xanh, Thu biết ngay là thư gởi từ Việt nam, nàng lắc đầu ngao ngán: "Hờ! Lại thêm một cái hụi chết nữa!" Thu không thèm nhìn đến vì biết chắc là của gia đình chồng. Xem xong hết những thư từ, bills, báo quảng cáo, những cuốn catalog của Macy, Neiman Macus, ... Thu mở nhạc lên nghe, nằm chờ chồng về để đi ăn tiệm. Dạo này Sang cứ lo làm overtime nên hay về muộn. Thu hết muốn nấu nướng nữa, tội gì mà rúc đầu vào bếp cho mệt, để thì giờ đi shopping cho sướng thân. Sắp có họp mặt thân hữu này, đại hội đoàn thể kia, bốn năm cái đám cưới được mời, mà chưa mua đủ áo quần cho mỗi lần họp mặt. Thu không bao giờ bận lại những chiếc áo dạ hội lần thứ hai.
Hồi mới qua Mỹ, theo lời bạn mách bảo, mỗi lần đi party, Thu chỉ việc ra department stores mua một cái áo mới, bận xong một lần, đem trả lại. May cho Thu là chưa tiệm nào phát giác, thì một con bạn bị bắt quả tang, bị cảnh sát còng tay, chồng nó phải tới lãnh về sau khi đóng tiền phạt. Chuyện tới tai chồng Thu, Sang hăm he: "Bà mà bị bắt như con Hoa là tui cho bà ở luôn trong bót cảnh sát, tui không có lãnh bà về đâu" Từ đó, lâu lâu Thu mới dám trả lại áo một lần.
*
Sang về tới nhà, thấy vợ nằm trên sofa chờ mình, chàng cười hỏi:
- Nhà có gì lạ không em"
- Có thư nhà anh gởi qua nữa đó!
- Vậy hả em, để anh đi tắm lẹ rồi mình đi ăn nghe em. Tối về rồi anh đọc thư cũng được.
- Ừ, lẹ lên cha nội, tui đói mem rồi.
- OK, M' am.
Trong khi chờ chồng tắm, Thu với tay lấy cái bao thơ màu xanh mà nàng đã ném sang một bên lúc nãy, định bụng là sẽ “xỉ vả” chồng cho biết tay. Mình đang cần mua áo quần thêm để đi party, may quá có thư nhà ổng gởi sang thì mình làm già được. Mình sẽ dùng chiến thuật "vừa đánh trống, vừa ăn cướp" để làm cho “địch” ngán, thế là mình tha hồ mua sắm, “địch” không dám than van.

Thu dụi mắt thêm một lần nữa: "Ủa, sao lại gởi cho mình, mà người gởi lại là cô nhi viện Núi Phước"" rồi bóc vội thư ra đọc: "Kính thưa bà Thu, chúng tôi vừa nhận được một trăm đồng của bà gởi cho các cháu cô nhi do cô Diệu Tâm gởi về, chúng tôi xin cám ơn bà đã nghĩ tới các cháu và giúp đỡ chúng tôi thêm hiện kim để nuôi các cháu ..."
Lạ chưa, mình có gởi cho cô nhi viện tiền bao giờ đâu, mặc dầu biết cả chục năm nay Diệu Tâm âm thầm làm việc giúp các em cô nhi ở Việt nam. Bao nhiêu lần Thu đã nói với chồng: "Sao có người có thật lắm tiền, dư dả gởi cho mấy cơ sở từ thiện, anh làm lương có hơn trăm ngàn một năm, tiêu pha còn chưa đủ, mỗi năm lại phải gởi về vài trăm cho nhà anh, tiền dư đâu mà cho người dưng." Nên mặc dù chưa một lần nghe Diệu Tâm mở miệng ra quyên tiền, Thu cũng nhiều lần tâm sự với Diệu Tâm như vậy, nàng đã “dọa” bạn: "Để chừng nào tui trúng số thì tui sẽ cho mấy đứa con mồ côi của bồ!"
Bốn năm nay, từ ngày Texas có bán lotto, tuần nào Thu cũng mua vé số và cầu Phật cho nàng trúng thì sẽ cúng chùa chút đỉnh, mà vẫn chưa trúng. Cầu Phật chẳng thấy linh ứng, Thu bèn đi nhà thờ xin Chúa, hứa là nếu trúng, sẽ cúng nhà thờ một ít. Vậy mà Chúa cũng không cho. Giận cả Chúa lẫn Phật, Thu đi xem bói. Bà Thầy Năm nổi tiếng là giỏi, mà “coi” cho Thu cũng không hay ho gì, còn la Thu tham lam: "Sao cô khôn vậy, cô xin trúng bạc triệu rồi mới chia cho kẻ khốn đốn vài trăm, thì làm sao mà trúng được, chi bằng tiền mua vé số mấy chục mỗi tuần, cô cho kẻ nghèo, có phải được phước hơn không"" Thu chê bà thầy Năm không có óc đầu tư, không biết “thả con tép, để bắt con tôm” nên không thèm đi xem bói nữa.
Trên đường từ tiệm ăn về, Sang lo lắng hỏi vợ:
- Không biết ông bà nội mấy đứa có khỏe không mà mình mới gởi tiền tháng trước chừ lại có thư nữa hả em"
Thu cúi đầu xuống đáp nhỏ:
- Không phải thư nhà anh. Thư của con Tâm, mai em mang sang cho nó.
Sang thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy mà nãy giờ em làm anh lo quá, cứ tưởng là thư của thầy mẹ anh. Ủa mà sao hồi chiều em nói anh có thư"
- Tại em thấy phong bì màu xanh, giống như thư ông bà nội con Thủy hay gởi qua, nên tưởng là thư của anh!
*
Vừa bước chân vào nhà Diệu Tâm, Thu đã lớn tiếng:
- Ê! Tâm, tui mới nhận được thơ của cô nhi viện Núi Phước, họ nói bồ gởi tiền về mà có tên tui. Nè, bồ đọc đi, rồi nói cho tui nghe chuyện gì xảy ra, mà tui không biết ất giáp gì vậy"
Diệu Tâm nhận bao thơ từ tay bạn, thấy nét chữ quen thuộc nàng biết ngay là chuyện gì. Dù vậy, Diệu Tâm vẫn từ từ mở ra và chậm rãi đọc. Thu theo dõi nét mặt bạn, Diệu Tâm bình thản, ung dung, hình như từ trên mười năm nay, nàng thấy bạn lúc nào cũng từ tốn, vui tươi. Thu không hiểu sao đã nhiều lần, vì không kiềm chế được sự ghen tức, Thu đã tìm mọi cách để nhục mạ, chọc giận Diệu Tâm mà Tâm vẫn không hề giận. Lại thêm ông chồng của Thu cứ luôn miệng khen Diệu Tâm hiền, Diệu Tâm dễ thương, ... làm cho Thu càng thêm bực tức. Hơn một lần, khi nghe chồng khen Diệu Tâm, Thu đã giận dữ bảo: "Anh khen bà Tâm hoài, thì sao anh không lấy bả đi!" Thu cũng đã lập lại câu này cho Tâm nghe mà Tâm không giận, lại còn từ tốn trả lời: "Chị đừng nói vậy, tội em. Em có chồng, có con rồi. Nợ với chồng em, em trả chưa hết, chị còn muốn gieo thêm nghiệp chướng cho em nữa sao!"
Đọc xong bức thư, Diệu Tâm ngước mắt lên nhìn bạn, khuôn mặt khả ái của Diệu Tâm làm Thu hơi khó chịu. Thu nóng nảy hỏi:
- Bồ nói cho tui nghe coi.
Diệu Tâm mỉm cười, từ tốn đáp:
- Ba tháng trước chị có cho em cái áo chị đã mua từ hai năm trước mà chưa bao giờ mặc vì không vừa. Em cũng đang cần một cái áo đẹp để đi ăn cưới cô Lan, bạn em. Thay vì em phải đi mua thì em dùng số tiền đó để gởi về cho các em cô nhi.
- Thì mắc mớ gì bồ để tên tui"
- Dạ vì nếu chị không cho em cái áo thì em phải mua. Mà nếu em mua thì em đâu còn tiền gởi về cho các em cô nhi ở Việt nam nữa. Nếu em không để tên chị, là em "ăn gian" rồi. Em xin lỗi chị, lẽ ra em phải nói cho chị biết trước để chị khỏi ngạc nhiên.
- Sao bồ khách sáo vậy" Tui cho bồ vì tui bận không vừa. Để đầy tủ, chồng tui ổng la, tui không dám mua thêm. Bộ bồ muốn trả tiền áo hả" Mà cái áo đó tui thấy họ sale rẻ quá, nên dù size 2, tui cũng mua, hy vọng là sẽ nhịn ăn cho ốm bớt thì bận được, không ngờ càng ngày càng mập nên không cách chi bận vừa. Ê! mà bồ thấy cái áo đẹp không"
- Dạ đẹp lắm!
Thu nhìn bạn, lòng chợt dấy lên một niềm thương cảm. Không hiểu sao lúc thì nàng thấy ghét Diệu Tâm thậm tệ, lúc thì thấy mến phục cô bạn nhỏ này. Thu xuống giọng:
- Tâm à, tui nói bồ nghe cái này nha, mà bồ đừng mét lại bà Ngọc nghen.
- Dạ có bao giờ chị nghe ai nói là em mét lại những gì chị nói với em chưa"
- Ừ, thì tui biết bồ kín miệng, nhưng tui cũng dặn cho chắc. Bồ biết gì không! Hôm thứ bảy vừa rồi, bà Ngọc mời vợ chồng tui đi ăn. Lúc đầu tui cũng muốn từ chối, vì tui đâu có ưa gì bả, tính tình bả kỳ cục, cứ thấy ai có cái gì là ghen, là tức, như tụi tui mua cái nhà mới này, mời bả bao nhiêu lần, mà có bao giờ bả thèm tới đâu. Nhưng sau bả nói quá, nên tui cũng đi.
- Vui không chị"
- Vui cái khỉ mốc gì" Bả mời tui đi ăn để complain về vợ chồng bồ đó mà.
Diệu Tâm ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao lại than phiền về tụi em"
Thu ngập ngừng, cố làm ra vẻ quan tâm và thương mến bạn:
- Nè, tui nói bồ nghe nha, bồ với ông Tuấn có muốn tu hành gì thì tu, đừng có làm tài lanh mà khuyên người này, người nọ. Mỗi người có một cách sống khác nhau. Ai làm gì thì kệ người ta, hơi đâu mà nói cho mất lòng.
- Dạ, nhưng em có bao giờ dám khuyên răn ai đâu. Em ngu dốt, học hành không tới đâu, làm sao em dám nói gì xúc phạm tới chị Ngọc, là người mà em luôn kính trọng.
- Chứ không phải bồ với ông Tuấn khuyên chồng bà Ngọc đừng đi săn nữa sao"
- Cái đó không phải em. Anh Tuấn em nói chuyện với anh Nguyên đâu hai tuần trước ở nhà anh chị Giao.
- Sao ông Tuấn cà chớn vậy" Ông Nguyên đi săn thì ăn nhằm gì đến ổng mà ổng nói cho bị chửi" Đi săn tốn kém lắm đó bồ, mua súng, mua license, mua tùm lum. Bộ bồ với ông Tuấn không đủ tiền chơi, rồi ganh hả"
- Tại nhà em hiểu và rất tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật, nên mới nói chuyện với anh Nguyên để mong ảnh đừng gây thêm nghiệp sát.
- Sao bồ không cản ông Tuấn"
- Em có nghe lúc nhà em nói chuyện đâu! Em ở sau bếp, cùng chị Ngọc lo rửa chén, giúp chủ nhà. Đến lúc về, anh Tuấn mới kể cho em nghe. Em cự ảnh, còn bị ảnh mắng là “thiếu từ bi” nữa.
- Sao ông Tuấn lại mắng bồ là thiếu từ bi"
- Tại em nói với ảnh là thôi kệ người ta, ai gieo nghiệp, thì người đó phải trả. Mình chưa đủ đức độ để có thể chuyển hóa được ai, nói ra chỉ thêm mích lòng. Ảnh không chịu, còn la em là: biết mà không nói là xấu, là ích kỷ, là không có từ bi.
Thu nhìn Diệu Tâm nghi ngờ:
- Bồ có sure là bồ không có nói gì về vụ đi săn của ông Nguyên không"
- Dạ chắc chứ!
- Vậy mà sao bà Ngọc ghét Tâm dữ vậy" Tui cứ tưởng là Tâm đã “có phần” trong vụ này.
- Cái này thì “oan ơi ông địa” cho em quá. Em với chị Ngọc cùng không có mặt khi nhà em và anh Nguyên nói chuyện săn bắn. Chị Ngọc biết rõ như vậy mà.
- Ủa, vậy sao bà Ngọc bả “đập” Tâm dữ vậy nè" tui cứ tưởng là mấy ông bà cùng “hội nghị bàn tròn” nên bả mới giận dữ thần vậy chớ.
Diệu Tâm lắc đầu, nhìn Thu nhẫn nhịn đáp:


- Dạ không sao! Chị Ngọc cũng hay làm như vậy nhiều lần rồi. Anh Tuấn em là bạn học của chỉ, nên chỉ ngại, không nói. Còn em thì vừa nhỏ lại vừa khờ, nên chỉ “đập” em cho chắc.
- Ờ, mà tui cũng không biết sao bả ưa chê Tâm quá chừng.
- Chị Ngọc có chê em thì em vẫn là em. Không phải vì lời chê của chị Ngọc mà em thành xấu hơn được.
- Tâm nói vậy chứ nhiều lúc tui cũng thấy tức giùm cho Tâm, tui cãi bả, rồi bả giận tui.
- Chị đừng mất công cãi nói tốt cho em làm gì.
- Sao vậy"
- Tại em chỉ được có vầy thôi. Chị có nói tốt cho em thì em cám ơn chị, nhưng lời nói tốt của chị về em, cũng không làm em tốt hơn được. Em vẫn là em thôi.
- Tâm không biết đó chớ, bà Ngọc bả cứ nói tùm lum là Tâm đạo đức giả, Tâm bị tẩu hỏa nhập ma, nên bất bình thường. Từ hồi bị lay-off ở hãng Shell đến giờ, Tâm đi làm đâu cũng chỉ được vài bữa là bị đuổi.
- Thưa chị, từ lúc qua Mỹ tới giờ em chưa bao giờ bị lay-off, hay bị đuổi cả.
- Vậy sao Tâm cứ đổi việc hoài vậy"
- Năm năm trước em phải ở nhà vì con trai em cần em. Tụi em thấy tương lai cháu quan trọng hơn career của em nên em nghỉ việc.
- Bả nói Tâm xạo, bị lay-off nên mắc cỡ mới bày đặt ra nói vậy.
- Chị à, nếu em bị lay-off thì em bảo là em bị lay-off. Vả lại, em tự ý nghỉ việc hay em bị lay-off thì em cũng đâu có nhờ vả gì đến chị Ngọc đâu. Sao chỉ lại mất công cãi cọ làm gì"
- Thì tui đã nói rồi, bả tìm đủ mọi cách để chứng minh là Tâm xạo, Tâm bất bình thường mà.
- Em có nói là em bình thường bao giờ đâu"
Thu trợn mắt nhìn Tâm, hỏi dồn dập:
- Vậy là bà Ngọc đúng hả" Vậy là Tâm bất bình thường hả"
- Dạ, chị Ngọc nói em bất bình thường là cũng phải thôi, vì em có bình thường giống mọi người đâu"
- Tâm nói rõ chút nữa đi, tui không hiểu.
- Dạ, thông thường thì người ta ăn cá ăn thịt, em không ăn được là em bất bình thường. Người ta hút thuốc, uống rượu, nói năng tùm lum, em không làm được như vậy là em bất bình thường rồi.
Thu phì cười:
- Ờ ha, bồ nói cũng đúng, nhưng bà Ngọc bả không “mean” vậy đâu Tâm à. Bả nói Tâm bất bình thường tức là Tâm “điên” đó mà. Tâm không làm việc gì lâu được.
- Em đã làm với hãng Shell gần mười bốn năm mới nghỉ mà chị.
- Ừ, tui biết, nhưng mới đây bồ đi làm lại. Bồ cứ đổi job hoài đó.
- Dạ, thì vì em không làm được việc gì mà em phải bị phạm giới.
- Phạm giới là sao Tâm"
- Từ lúc em qui y với Thầy em, em đã thọ năm giới, nên em phải giữ cẩn thận để không bị thất hứa.
- Năm giới là giới gì vậy Tâm"
- Dạ, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
- Mà Tâm đi làm thì tại sao lại bị phạm giới"
- Trong giới thứ hai là giới không trộm cướp, Thầy em còn dạy là: “Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của người khác”, nên khi đi làm, thấy chủ làm việc trái, nói không được, em phải nghỉ việc.
- Vậy mà lâu nay tui cũng hoang mang về những lời nói của bà Ngọc. Hôm đi ăn về, ông Sang nhà tui ổng cũng bực bả nên ổng la tui.
- Sao anh Sang lại la chị được"
- Thì ổng nói là: “Sao tui thấy bà với chị Ngọc kỳ quá hà, trên đời có biết bao nhiêu là người mà hai bà không nói, cứ nhè cô Tâm mà 'chỉa' hoài vậy" Hai bà jealous chi với cổ cho khổ thân"' Tui cãi liền: “Ai mà thèm jealous với cổ, tại cổ bất bình thường thì tụi tui mới nói. Ông không nghe bà Ngọc nói là bả không thể nào 'figure-out' được cô Tâm là người thế nào à"”
- Sao chị Ngọc lại mất công quá vậy không biết nữa! Thắc mắc gì về em, thì cứ hỏi thẳng em, em có giấu diếm gì đâu.

Thu nhìn bạn ra cái chiều thân thương, mặc dầu trong bụng đang vui thích vì mới nói xong những điều mà nàng muốn nói cho bõ ghét :
- Mà hồi đó bồ với ông Tuấn làm mai, làm mối cho bà Ngọc chi vậy, rồi còn giúp bả kiếm việc nữa.
- Tụi em làm gì mà tài giỏi được vậy chị" Chị Ngọc vừa đẹp, vừa giỏi. Ai thấy chỉ mà không ưa" Đâu cần gì đến ai giúp hay mai mối.
- Tâm nói vậy chứ dân Dallas này ai mà không biết chuyện Tâm với ông Tuấn giúp bà Ngọc. Tui nói với bồ hoài rồi, ông bà mình ngày xưa đã có câu: "Cứu vật thì vật trả ơn, giúp người thì người trả oán." Chớ có mà làm tài lanh giúp người này, người nọ.
- Cám ơn chị dạy em.
- Nè, mà tui thân với bồ nên tui kể bồ nghe cho biết, chứ đừng nói đi nói lại, lỡ tới tai ông Sang, ổng la tui nhiều chuyện nghe không.
- Dạ, cám ơn chị đã kể lại cho em nghe.
- Bồ có giận tui không vậy"
- Dạ không.
- Ê, tui hỏi thiệt bồ nghe, sao tui làm gì bồ, bồ cũng không giận tui vậy"
- Dạ tại vì em thương chị.
- Ai khiến bồ thương tui"
- Dạ không ai khiến em cả.
Thu chớp mắt nhìn Diệu Tâm, giọng trầm xuống:
- Tâm biết không, mình cũng nói với ông Sang hoài hà, chơi cho nhiều người rồi cũng không thấy ai dễ chơi như chơi với Tâm, nhưng mỗi lần bà Ngọc “sách nhiễu” mình, không hiểu sao mình lại nghe lời bả.
- Không sao, chị cứ việc làm gì mà chị thích. Em không giận, không buồn gì chị hay chị Ngọc đâu.
- Tâm nói thiệt hả"
- Dạ.
- Bộ Tâm là đá, là sỏi hả"
- Dạ không, em chỉ là một người đang tu tập thôi chị.
- Tu tập là sao Tâm"
- Là em đang tập bỏ những thói xấu mà em đã và đang có.
- Vậy thì bà Ngọc đúng phóc rồi.
- Chị Ngọc làm gì mà đúng phóc"
- Bả nói chỉ những người xấu xa như Tâm mới cần “tu”, chứ tui với bả là không cần tu.
- Thì em vẫn nói với chị như vậy hoài thôi, tại chị không nhớ đó chớ.
Thu ngồi yên một lát rồi ngập ngừng:
- Tâm à, tui cứ nói năng tùm lum vậy mà Tâm không phiền tui sao"
- Dạ không.
- Sao hay vậy"
- Tại em đang nguyện tu tập theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.
- Tui tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm là chuyên cứu khổ, cứu nạn mà Tâm.
- Dạ đúng vậy, nhưng ngoài việc cứu khổ ra, ngài Quán Thế Âm còn có một hạnh nguyện rất lớn, đó là hạnh lắng nghe.
- Cái đó tui không biết, Tâm nói rõ tí nữa được không"
- Dạ được, để em xin đọc cho chị nghe lời quán nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.
- Ừ, Tâm đọc đi.
Diệu Tâm thở ba hơi dài, rồi chậm rãi đọc:
- Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết, chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.

Nhìn gương mặt hiền dịu của Diệu Tâm trong lúc thành khẩn đọc lời quán nguyện cho mình nghe, Thu chợt nhớ lại lời chồng vẫn hay nói: "Anh thấy cô Diệu Tâm là nguời đàng hoàng. Em nên gần gũi thân cận với cổ, đừng nghe lời chị Ngọc mà ganh ghét với cổ, uổng lắm, ..."
Thu đưa tay lau những giọt nước mắt vừa rơi xuống má. Đây là lần đầu tiên nàng không thấy ganh tức khi nhớ lại lời chồng khen Diệu Tâm, trái lại, nàng thấy chồng không sai. Lâu nay, vì ghen ghét, Thu đã cố tình không thấy những hành động, cũng như lời nói dễ thương của Diệu Tâm.
Diệu Tâm đọc xong, ngẩng đầu lên nhìn bạn mỉm cười, hỏi:
- Sao chị khóc vậy"
Thu nắm lấy tay bạn, bùi ngùi nói:
- Mình có lỗi với Tâm nhiều lắm, Tâm biết không. Cho mình xin lỗi nghe.
Diệu Tâm dịu dàng:
- Dạ đâu có, tại em vụng về, chứ đâu phải tại chị. Em còn cần phải tu tập nhiều hơn nữa chị à.
*
Nhìn những món ăn còn bốc khói trên bàn, Sang ngạc nhiên hỏi vợ:
- Chuyện gì xảy ra mà bữa nay vợ anh giỏi quá vậy nè"
Thu dịu dàng nhìn chồng:
- Hôm nay em qua chơi bên Tâm.
Sang im lặng không dám nói thêm gì, vì đã nhiều lần, mỗi khi nghe Thu kể chuyện gossip, nếu chàng lỡ nói câu gì bênh vực Diệu Tâm là Thu nổi trận lôi đình.
Thấy chồng ngồi im, Thu cười:
- Sao anh im ru vậy"
- Anh biết nói gì bây giờ, lỡ em lại la om sòm như mọi lần thì sao"
Thu có vẻ ăn năn đáp:
- Từ rày về sau em không nổi trận lôi đình với anh khi anh khen Tâm nữa đâu.
Sang dè dặt:
- Sao vậy"
- Hôm nay em ở chơi bên nhà Tâm cả ngày, em thấy lâu nay anh nói đúng mà em cố tình không chịu thấy.
- Thế hôm nay em “thấy” cái gì"
- Em thấy em đã nghĩ rất sai về Tâm. Em “quay” Tâm quá chừng mà Tâm cũng không giận.
- Sao em lại “quay” cổ"
- Tại em muốn hiểu nhiều về cổ.
- Để làm gì"
- Em cũng không biết nữa. Chỉ biết là bây giờ em không thấy Tâm bất bình thường nữa, không thấy Tâm đạo đức giả nữa, không thấy Tâm điên nữa, không ghét Tâm nữa, không giận dữ khi anh khen Tâm nữa, và còn nhiều cái “nữa” nữa, em sẽ nói cho anh nghe.
- Mà sao tự nhiên em thay đổi vậy"
- Vì hôm nay Tâm giải thích rõ cho em về chữ “tu” mà lâu nay em hiểu sai.
- Cổ giải thích làm sao"
- Tâm nói: "Tu chỉ là 'sửa' thôi."
- Sửa cái gì"
- Sửa những thói hư tật xấu mà mình thu thập từ bao lâu nay.
- Chứ lâu nay em tưởng “tu” là sao"
- Em tưởng “tu” là phải cạo đầu, phải có vẻ khổ hạnh, mặt mày phải đăm chiêu, đau khổ..., còn Tâm thì mặt mày lúc nào cũng tươi mát, sáng sủa, em thấy chướng mắt quá.
- Bây giờ em còn thấy chướng mắt không"
- Chắc là không.
- Chỉ “chắc” thôi sao"
- Thì phải cho em thời gian để chuyển hóa chứ!
Sang tìm tay vợ, từ ngày qua Mỹ tới giờ, đây là lần đầu tiên Thu nói năng hòa nhã với chồng. Sang náo nức:
- Ăn cơm xong anh chở em đi Macy mua áo mới cho em bận đi hội Trưng Vương tuần tới nghe em.
Thu nhìn chồng lắc đầu:
- Em bận lại chiếc áo hôm đi ăn cưới con anh chị Văn được rồi anh.
Sang ngạc nhiên:
- Em có bao giờ mặc áo dạ hội hai lần đâu"
- Từ đây em sẽ “recycle” anh à.
- Tại sao"
- Tại em cần tiền để gởi về cho các cô nhi ở Việt nam./.

HiềnVy
(An Nghiêm)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,191,056
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến