Hôm nay,  

mưa cuối năm…

01/01/202500:48:00(Xem: 740)

Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Đón mừng năm mới 2025, tác giả gửi đến độc giả Viết Về Nước Mỹ một bài tự sự ngắn có những hạt mưa rơi vào ngày cuối năm khơi gợi biết bao kỷ niệm và triết lý nhân sinh.

TG Phan trao giải Chung kết VVNM cho TG Vĩnh Chánh năm 2021
TG Phan đang trao giải Chung kết VVNM 2021 cho tác giả Vĩnh Chánh
 ***
 
Cứ mỗi lần có dịp đi lên miền bắc hay sang Cali, được hít thở không khí mát mẻ, tôi thường suy nghĩ: Sao mình cứ ở mãi Texas này, mùa hè nóng như con gà trống mới đạp mái. Người bản địa ở đây thường nói vậy về thời tiết mùa hè, sang mùa lạnh thì tê tái với gió rét, không có cái lạnh dễ chịu như bên Pennsylvania. Nhưng rồi ở đâu quen đó, tâm lý con người theo thời gian cũng giảm nhiệt phiêu lưu.
 
Đâu đã quên thời trẻ, ăn sáng ở Sài gòn nhưng bữa trưa ngoài mũi Né, bữa tối uống chai bia ở Nha trang với mực một nắng ngọt đẫm chân răng. Sau đó ngủ vài tiếng cho lại sức là đã có thể ăn sáng hôm sau ở Quy nhơn. Cuộc sống cơm đường cháo chợ rong ruổi nam bắc tuy vất vả nhưng ly kỳ, sinh động. Có lẽ mê phim cao bồi thuở nhỏ với một chàng cao bồi và con ngựa vạm vỡ, rong ruổi qua núi rừng, đồng cỏ bạt ngàn vùng trung tây Hoa kỳ mà tôi đã dịnh cư nơi này.
 
Nhớ những lần lái xe xuôi nam, hai bên đường xa lộ 45 S về Houston là những cánh đồng cỏ bất tận; hay lái xe về phía tây bắc Texas, con đường xa lộ tiểu bang 287 như không có điểm đến, đôi khi lái cả tiếng đồng cũng không thấy một ngôi nhà ở, chỉ toàn là rừng với ruộng bắp, lúa mì tiếp nối tới chân trời. Rồi thấy một ngôi nhà thì lại không hiểu người sống ở ngôi đó làm sao đi chợ vì quá xa thị trấn. Trẻ nhỏ đi học ở đâu mà chẳng thấy ngôi trường học nào.
 
Thường tôi nhớ về những căn chòi trong đồng trong ruộng ở quê nhà, cả tháng người ta mới đi chợ một lần, ra tới chợ huyện là đã xa lắm rồi, mua gạo và gia vị là chính cho đời sống uống nước sông ăn cá đồng bắt được trong ngày, ăn rau rừng rau ruộng, củi đốt là cành nhánh hoang dại. Trên vùng cao núi đồi, những căn chòi sâu tít trong rừng cũng tương tự như người trong đồng trong ruộng ở miền xuôi, người vùng cao cũng cả tháng mới đi chợ, mua gạo muối là chính. Thức ăn săn bắt được gì ăn nấy như lộc trời. Cuộc sống rất buồn tẻ, nhàm chán với người thị thành. Nhưng kẻ sinh ra ở Sài gòn lại thích sống trong căn nhà chòi ở ruộng đồng hun hút tiếng quốc kêu, hay căn nhà sàn trên núi rừng hẻo lánh... Cuộc sống cơm áo gạo tiền làm người ta không có quyền chọn lựa, nhưng khi được phép thì sự chọn lựa khó khăn hơn cả cơm áo gạo tiền vì ở đâu quen đó, tình cảm con người gắn bó với nơi nào đó rất khó hiểu như lang thang bên châu Âu mù sương bỗng thèm nắng Texas đổ mồ hôi hột. Nhớ nắng hoa mắt bên xứ sương mù thì máy bay đã cất cánh về lại xứ nắng như con gà trống…
 
Người ta luôn khát khao những gì ngoài tầm với để từ “khát khao” còn trong tự điển chứ chả để làm gì, như người dân quê bị mê hoặc bởi ánh đèn thành phố, trong khi người thị thành thích ánh đuốc đêm rừng cô lạnh hay ngoài đồng bao la gió chướng mùa cuối năm. Có những diễn ra trong đời sống mà chúng ta chỉ làm được là lướt qua như gặp rất nhiều người, người quen biết cũng không ít nơi đô thị nhưng những mặt người cứ lướt qua, lướt qua rồi thôi. Họ chân tình cũng có, hờ hững cũng nhiều, khoe mẽ thoả thích, hay khiêm tốn khả kính đều lướt qua cuộc sống vội vã này vì lòng người mau quên. Nhưng quen biết được một ai đó nơi đồng hoang vắng bóng người qua, một ai đó nơi thâm sơn cùng cốc, tình cảm như chậm lại để nhớ hoài khi không còn gặp nữa trong đời còn mang ơn nhau về sự sẻ chia trong đời sống núi rừng hay bao la sông nước. Ai đội mưa rừng bằng tàu lá sang thăm nhau, ai mời chung rượu lạt chiều mưa đồng trắng trời, đưa cay gắp cá linh kho lạt ăn với rau tạp tàng mùa nước nổi thành nỗi nhớ không quên…
 
Tất cả là những thoáng nghĩ khi trời chưa tỏ mặt người, đã cả tuần mưa đông trút nước đến không khí cũng ướt sũng. Đi làm thì ai nấy cứ thi nhau cảm cúm bỏ về giữa buổi. Đi câu thì trời mưa trói chân ngồi trong xe nhìn mặt hồ vỡ những hạt mưa. Mưa cuối năm hay đầu năm cũng là mưa, một hiện tượng thời tiết, hiện tượng vật lý khác gì nhau nhưng mưa cuối năm như đưa người ta về những khung trời xưa cũ. Có lời bài hát nghe như tiếng mưa, “mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên, phải chăng…” Thật là hay diễn tả mưa rừng với lòng người vì thường mưa rừng cả tuần, cả tháng cũng có, lòng người mau quên nhưng đã nớ thì suốt đời. Nhớ mưa đồng sau những cơn giông dữ dội, bì bõm nước đi soi nhái đêm mưa còn dư vị trong lòng tình quê ấm áp. Nguyễn Trung Cang viết bài “thương nhau ngày mưa” cũng hay lắm, “Như mưa ngày nào thấm ướt vai em/ như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm/ thương em ngày nào tóc ướt môi mềm. Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu/ cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh/ xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau …” là những người đã gặp trong đời và ở lại trong lòng mãi mãi, không như những mặt người nơi phố thị cho nhau lời hoa mỹ lúc gặp nhau rồi qua đi như mưa rào nắng hạn; những cái tên người nơi thị thành nghe lãng mạn như trong tiểu thuyết nhưng chỉ lướt qua đời nhau như ánh đèn phòng trà, còn chăng những cái tên quê mùa mộc mạc nhưng lắng đọng ân tình.
 
Tôi đang ngôì thúc thủ nhìn mưa cuối năm trút xuống mặt hồ mênh mông như biển, những gương mặt người còn lại trong tôi là ân sủng đời này. Lòng thấy bình an với niềm tin ai cũng được bình an, chắc chắn những người đã gieo vào lòng người khác sự mang ơn đều được bình an. Quên đi những cái tên, những mặt người đã cho nhau khổ hạnh, cùng lắm cũng chỉ là một lúc ác tính trong con người trỗi dậy thì người ta mới thế. Bản chất thiện lương của nhân sinh sẽ bình tâm, những ăn năn, hối hận cũng chỉ là cảm xúc nhất thời rồi qua đi; không ai tắm cùng một dòng sông được hai lần nhưng đã quên trân quý nước sông trong lần tắm trước để lần sau ngậm ngùi nhìn dòng nước cũ… Hôm nay ngày cuối năm, một năm nhiều biến động trên toàn cầu, năm bầu cử ở Mỹ ngập ngụa tin giả, tin thật nên cuối cùng là không biết tin ai nên tin vào chính mình là thực tế thêm một năm xa nhà, câu trả lời cho người khác về tuổi tác sẽ thêm một tuổi, quỹ thời gian còn lại ngắn thêm một lóng tay.
 
Mưa cuối năm vẫn rả rích ngoài trời mù sương và gió lạnh, thảm lá vàng ướt mưa về cội. Bỗng nhớ câu nói đêm qua của một vị thiền sư bên Nhật, ông nói, “cuộc đời như một chiếc va li, sống phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống, phải soạn lại va li cho mỗi hành trình…” Tôi nghe không hiểu ý ngài lắm vì thiền sư đâu phải người thường dễ hiểu, chỉ nhớ bà ngoại mấy đứa nhỏ từng nói, “cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được.” Hiểu khi còn trẻ đã qua rồi, hiểu khi không còn trẻ về cuộc đời ưu tư phiền não triền miên không giải quyết được gì! Những vui buồn xưa cũ hãy quên đi để sống đời tự tại, thành công hay thất bại trong quá khứ không nên để trong lòng mãi vì chỉ có ưu phiền, buồn nhiều hơn vui. Điều duy nhất con người có thể là không vấp một mô đá hai lần còn sai lầm hay thành tựu cũng đã qua rồi… 
 
Đêm qua nghe vị thiền sư ví cuộc đời như cái va li là một liên tưởng lạ khi phải biết khi nào xách lên, khi nào để xuống. Cuộc đời của mỗi người là thân tâm người ấy, không thể tách rời khi sự chết chưa đến, làm sao có thể xách cuộc đời mình lên hay để cuộc đời mình xuống với thân tâm không rời? Có thể ngụ ý là phải biết phát huy hết khả năng cá nhân trong đời người khi thiên thời địa lợi nhân hòa; và lắng đọng lại cuộc đời khi lực bất tòng tâm, gạn lọc những vui buồn trong mớ hỗn độn nhân sinh đã từng trải. Qua một đoạn đời, sự kết thúc cũng là khởi đầu một hành trình mới, người ta nên soạn lại hành lý bên trong va li, là những ngồn ngang trong quá khứ cuộc đời, giữ lại những cần thiết cho bất cứ hành trình nào tiếp diễn như lòng vị tha, sự bao dung, hướng đạo, buông bỏ những phiền toái, tham lam, ích kỷ trong quá khứ đã làm cho những hành trình đã qua không trọn vẹn.
 
Mưa cuối năm như bữa tiệc chia tay thêm một năm nữa trong đời, bữa tiệc nào cũng tàn, cơn mưa nào cũng tạnh trong cõi đi về trước lúc đến nơi không phải quay về trong cõi đi là chia xa về luôn sầu muộn như những lời nhạc đã nghe trong u mê, “hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”; hay “thương nhau ngày mưa” làm gì để từ đó về sau cứ khắc khoải mỗi khi nhìn mưa với tâm trạng “xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau…”
 
Phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,154
Trời rét căm căm, gió lạnh thổi ù ù bên ngoài, đường xá im vắng không một bóng người, không cả một chiếc xe qua lại. Ông Thanh uể oải ngồi dậy để đi đón Huệ, ngày nào cũng thế, mười một giờ tối phải đi rước vợ về. Huệ làm phục vụ cho nhà hàng buffet Hibachi ở vùng Riverdale. Huệ qua Mỹ đã hơn hai năm rồi mà ông Thanh vẫn không chịu tập cho Huệ lái xe, nhiều lời ra tiếng vào cũng đến tai ông nhưng ông mặc kệ. Ông chấp nhận sáng chiều đưa đón chứ không hề muốn cho Huệ lái xe, cũng may công việc của ông rất tự do, không lệ thuộc giờ giấc nên mới có thể đưa rước như thế!
Năm nay vùng Hoa Thịnh Đốn trời lạnh sớm hơn mọi năm. Giữa tháng 11 đã có tuyết đầu mùa. Không nhiều lắm, lất phất bông tuyết nhỏ nhỏ rơi xuống đất độ 5, 10 phút là tan. Tuy nhiên trời lạnh. Ban đêm 33 độ F-36 độ F. Ban ngày phần lớn nắng đẹp lắm, vàng tươi. Các loại hoa như impatient hay petunia hoa lá héo úa, thấy tội nghiệp. Hoa Pansy không sao, xanh tươi như cũ. Loại hoa này chịu được lạnh suốt mùa đông...
Nhìn cháu nội tám tháng tuổi đang tìm cách làm sao mở gói quà to, mùa Giáng Sinh đầu tiên trong đời cháu, cái gì cũng mới mẻ, lạ lẫm, cháu giương đôi mắt thật to tròn ngây thơ nhìn những món quà xanh đỏ, giây nơ hoa chằng chịt, chẳng hiểu chút ý nghĩa nào, nhưng miệng luôn mỉm cười, đôi chân mày nhíu lại dường như suy nghĩ mông lung.. Những chiếc máy hình, iphone đều bấm lia lịa, các bác, cô chú dì đều muốn lấy những góc hình dễ thương nhất của cháu vào phút này, vì cháu là đứa bé nhỏ nhất trong gia đình cả hai bên nội ngoại lại là đứa cháu đầu tiên nữa.
Năm nay ông Tư đã qua tuổi tám mươi, nhưng trông ông khỏe mạnh và trí tuệ còn minh mẫn - so với những ông lão cùng lứa tuổi, ông được xếp hạng trên trung bình. Những buổi họp mặt ở Hội Cao Niên, các cụ thường ngồi lại với nhau uống trà, tán gẫu chuyện đời. Có ông kể chuyện buồn bị con cháu bỏ bê; có ông than thở chuyện ốm đau; có ông nuối tiếc chưa trả được mối thù vong quốc đầu đã bạc, bèn ngâm mấy câu thơ của Đặng Dung
Nhạc sĩ Cung Tiến