Hôm nay,  

Xóm Đạo Houston

19/12/200400:00:00(Xem: 186710)
Người viết: NGUYỄN PHỤC HƯNG
Bài số 678-1221-vb8121204

Bút hiệu Nguyễn Phục Hưng là tên thật của tác giả. Ông 57 tuổi, định cư tại Houston từ 1975 và đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông, với ghi chú là “viết để tưởng nhớ dì Dậu.”
*

Căn phố của ông bà Tuyên nằm ngay cuối dãy, nhìn ra con kinh thoát nước. Xa xa là những căn nhà chọc trời của Houston. Tháng Sáu, Houston mưa nhiều như Sàigòn. Mưa rào, ào xuống rất nhanh và ngưng lại cũng rất nhanh, y hệt mưa Sàigòn. Nước con kinh dâng cao, chảy xiết như một dòng sông nhỏ ngay sát căn apartment của ông Tuyên. Năm 1975, dân tị nạn Việt Nam được phân tán trên khắp nước Mỹ. Sau đó chỉ vài năm, mọi người dần dần rời bỏ các nơi lạnh lẽo, về lập nghiệp tại vùng California và Houston, thuộc tiểu bang Texas. Dân Việt Nam tụ về Houston khá đông và bây giờ số người Việt tại Houston chắc chỉ thua vùng quận Cam bên California, có lẽ phần lớn cũng vì khí hậu ấm áp rất giống Sàigòn.
- Bác Chương à, bác biết không, chúng tôi nhờ ơn trên mới có được căn chung cư này. Đời sống dân tình ở đây thuần hậu lắm, giống như xóm đạo mình ở Biên Hòa ngày xưa đó.
Ông Tuyên nói với khách, vừa lúc đó bà Tuyên đi ra chào:
- Bác Chương ngồi chơi với Bố cháu, tôi đi ra nhà nguyện.
Ông Chương hơi ngạc nhiên:
- Nhà nguyện"
Hiểu được ý khách, ông Tuyên từ tốn trả lời:
- Bác ngạc nhiên là phải. Để tôi kể chuyện cho bác nghe.
Nhấp một ngụm trà, ông Tuyên nói tiếp:
- Lúc mới vào cổng khu chung cư này, Bác có thấy gì không "
- Làng Joseph phải không " Tôi cũng hơi thắc mắc mà chưa có dịp hỏi.
- Đúng đấy bác ạ, khu chung cư này là một làng đạo Việt Nam. Ngay giữa Houston mà có một làng đạo ViệtNam, thế mới đặc biệt chứ.
Ông Tuyên trả lời, rồi tiếp:
- Chuyện thế này, khoảng năm 1985, 1986 gì đó, tôi cũng không nhớ rõ lắm, lúc đó kinh tế Houston bị khủng hoảng vì giá dầu thô giảm rất thấp. Từ lâu, Houston vẫn có biệt danh là Thủ Đô Dầu Hỏa của thế giới, vì hầu hết các hãng dầu hỏa lớn trên thế giới đều có trụ sở ở đây.
Chính vì vậy mà khi giá dầu lại xuống quá thấp, thì kinh tế Houston suy sụp nặng nề. Trước đó, nhờ các kỹ nghệ dầu hỏa thịnh vượng, bà con mình làm ăn khá, mua nhà, mua cửa đẹp đẽ. Khi dầu hỏa xuống giá thì bà con mình, nói riêng, và dân Houston nói chung, rất khốn đốn, nhất là những ai đang nợ nần nhà cửa nhiều vì bị thất nghiệp.
- Tôi nghe nói hồi đó bà con mình bị phá sản, bỏ nhà cho không các hãng nợ"
- Đúng vậy, Ai may mắn thì có người vào ở nhà mình, tiếp tục trả món nợ cho nhà băng, khỏi bị phá sản hay bị nhà băng cho điểm xấu vì chạy nợ. Trong cái rủi lại có cái may, các cụ mình vẫn hay nói vậy. Không phải chỉ có tư nhân mới bỏ nhà chạy nợ đâu, những hãng chủ của các khu chung cư cũng vậy. Không có người thuê, chủ nhân các khu chung cư cũng bỏ hoang luôn và nhà băng tịch thu mang ra bán đấu giá.
Ông Tuyên chậm rãi, tiếp:
- Trong dịp này, một vị linh mục, cha Chỉnh, đã đứng ra gây quỹ mua luôn một khu apartment và lập thành một khu chung cư rồi bán lại cho đồng bào từng đơn vị gia cư. Tôi không biết chi tiết việc này ra sao vì tôi đến sau, nhưng chỉ nghe được là các Cha đã mua được với giá rẻ lắm. Tính trung bình chỉ chừng vài ngàn Mỹ kim cho mỗi đơn vị. Lúc đó các căn chung cư dơ bẩn và xập xệ lắm vì đã bỏ trống một thời gian không tu bổ. Người mua phải tự sửa chữa lấy, nhưng cũng còn quá rẻ so với giá bình thường.
- Không biết giá cả như thế nào bác nhỉ "
- Tôi nhớ lúc đầu, căn một phòng ngủ chỉ chừng năm ngàn đô, căn hai phòng ngủ chừng chín hay mười ngàn gì đó, tùy theo tình trạng, chỉ cần sửa thêm một vài ngàn nữa là mình có một căn chung cư rất khang trang. Cũng nhờ cơ hội này mà nhiều người ở thuê, ở mướn được có dịp làm chủ một căn nhà. Sau đó dưới sự sắp đặt của quí cha, chung cư được tổ chức lại thành Làng Joseph. Thực ra ai muốn vào mua cũng được, không phân biệt tôn giáo hay mầu da. Tuy nhiên, theo khuynh hướng tự nhiên, các bà con người Việt Công Giáo chiếm có lẽ hơn 90%, chắc vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” như ông bà ta vẫn nói. Các cha để lại vài căn, cho sửa chữa lại làm Nhà Nguyện chung cho cả làng. Làng có vẻ như một xóm đạo từ đó.
Nhắp thêm ngụm trà, ông tiếp:
- Từ đó có nhà Nguyện, Mỗi ngày cứ khoảng 5 giờ chiều, có tiếng chuông nhắc bà con giờ cầu nguyện, thật là dễ thương và cảm động. Mỗi lần nghe chuông, tôi lại nhớ những ngày còn ở xóm đạo Biên Hòa. Tôi thích ở đây là vì thế.
- Ồ, thú vị quá nhỉ ! Thế ở đây có nhà thờ không, Bác "
- Ngay trong Làng thì không có nhà thờ, chỉ có nhà Nguyện. Nhà Thờ Mỹ thì cũng không xa đây. Hồi nãy mình có đi xe ngang qua đó, cách đây chừng năm phút đi bộ. Chủ Nhật chúng tôi vẫn thường đi bộ ra nhà thờ Mỹ. Nói là nhà thờ Mỹ nhưng các cha người Việt mình có giờ thánh lễ cho giáo dân Việt Nam. Mai tôi mời bác cùng đi lễ với chúng tôi. Nhà Nguyện là nơi chúng tôi tĩnh tâm hằng ngày, lúc nào cửa cũng mở cho bà con trong làng. Các cụ lớn tuổi hay ra đây cầu nguyện lắm, vì gần, không cần phải nhờ con cháu đưa đón.
- Đời sống như vậy thật là an bình bác nhỉ "
- Để tôi kể bác nghe. Tuy là tiện như vậy nhưng nhiều người cũng không thích ở đây lắm vì đời sống ở đây rất bình dân và có lẽ quá Việt Nam. Tôi thì quen rồi, đâm ra thích. Chắc tại mình già rồi. Ai mà quá quen với đời sống Mỹ chắc là thấy khó chịu. Căn phòng của chúng tôi ở cuối làng nên rất yên tịnh. Những căn ở giữa thì hay bị ồn ào hơn.
- Tôi có để ý lúc mới đến. Bà con mình ngồi ca hát trước cửa nhà vui ghê.
- Đúng rồi bác. Ở đây nhiều lúc giống hệt xóm lao động bên Sàigòn mình. Nhiều lúc mình nghe một lúc hai, ba đài radio, cộng thêm TV Mỹ và nhạc CD hay có người lại hát Karaoke nữa. Bên cạnh mở cửa, hay nhiều khi bà con mình mang máy ra ngoài cửa vặn để nghe, là mình cũng nghe được luôn.
Ông Chương góp ý:
- Bác làm tôi nhớ hồi ở Sàigòn, các đài phát thanh thường khuyến cáo thính giả “vặn âm thanh vừa đủ nghe, kẻo làm phiền lòng hàng xóm.”
- Bác nói đúng. Hồi mới đến ở, tôi cũng hơi khó chịu. Sống ở chung cư Mỹ mình quen lề lối ở Mỹ, tôn trọng đời sống riêng tư của người khác tối đa. Thú thật với bác, hồi ở chung cư Mỹ, tôi không biết hàng xóm mình là ai nữa, thậm chí chả biết họ là đàn ông hay đàn bà nữa, vì có mấy khi gặp gỡ chào hỏi gì đâu. Sáng đi làm, tối về đóng cửa, rút vào đời sống gia đình, không ai quan tâm đến ai, không ai làm phiền rộn gì ai. Sống như vậy buồn lắm. Trong chung cư này thì khác, bác ạ. Hình như ai cũng biết ai, không muốn biết cũng tự nhiên biết. Chào hỏi thân thiết như bà con.
- Nếu vậy thì thật là tốt cho người lớn tuổi, phải không bác "
Ông Tuyên bùi ngùi:
- Vâng, đúng vậy. Tôi nhớ hồi mới qua Mỹ, mẹ tôi đã già, ở trong chung cư Mỹ, bà như một người câm, vì không có ai nói chuyện cho khuây khỏa. Tụi tôi đi làm tối ngày, các cháu thì đi học. Bà Nội các cháu vì nhớ nhà, nhớ Sàigòn, cứ thui thủi một mình thật tội nghiệp. Có lẽ vì vậy mà Mẹ tôi mất sớm, chỉ mới ở Mỹ có ba năm thôi bác. Có lẽ Mẹ tôi mất sớm như vậy vì buồn bác ạ. Tôi nghĩ nếu hồi đó, có một nơi như vậy thì có lẽ Mẹ tôi vui lắm và còn sống thêm.
Ông Chương góp chuyện:
- Có lẽ cộng đồng Việt Nam mình cần có nhiều chung cư như Làng này, bác ạ. Biết bao nhiêu các cụ sống như câm, như điếc trong các chung cư Mỹ. Con cháu còn phải lo đi làm, đi học, không có thì giờ săn sóc thường xuyên. Các cụ cần một môi trường sống tự nhiên như ở Sàigòn, các cụ sống vui thì sẽ mạnh khỏe, khỏi tâm bịnh.
- Tôi nghĩ cha Chỉnh đã tạo ra một làng mẫu Việt Nam rất thành công và rất hữu ích. Đồng ý là mình không nên sống quá xa cách với phong tục Mỹ vì dù sao mình cũng đang sống trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, tôn trọng đời sống riêng tư cũng có nhiều cái hay, nhưng các cụ già người Việt mình rất cần một chỗ như làng này, bác ạ.
Nhắp một ngụm trà, ông Tuyên tiếp:
- Ở Cali và chắc là ngay ở đây cũng có những hội cao niên để các cụ giải trí, nhưng chưa được thành công và tự nhiên như đời sống ở đây, phải không" Tôi thấy ở Làng này mọi người sống gần gũi dễ thương như bà con họ hàng. Qui luật của Làng cũng khá nghiêm nghặt. Chúng tôi có thuê người canh gác để đề phòng trộm vặt. Tối đến, làng đóng bớt một cổng, mọi người và xe cộ chỉ qua một cổng, có người gác. Kẻ lạ mặt, do đó cũng sẽ e dè, không dám lộng hành.
- Thế ở đây ai cũng theo đạo Thiên Chúa giáo hết sao"
- Không phải đâu, chỉ đa số thôi bác ạ. Bà Dậu ở căn kế nhà tôi là người đạo Phật đấy bác. Gia đình con cháu của bà ở Tulsa, tiểu bang Oklahoma, nhưng cứ đến mùa Đông thì bà ấy lại về đây tránh lạnh. Bà về đây ở một mình nhưng có nhiều bạn già nên vui lắm. Các cụ cũng trên dưới bảy mươi, hay tụ tập lại nhà bà Dậu để nói chuyện, đánh tam cúc, hay nấu nướng món này món kia rồi mời các cụ khác đến ăn.
- Thế bác có được mời qua ăn không "
- Có chứ bác, bà Dậu cho biết là bà ấy phải tìm việc mà làm cho bận tay bận chân, chứ ở không thì sanh bệnh. Riết rồi có người đặt bà làm bánh trái, chả giò... khi có tiệc tùng.
- Vậy thì lại có thêm tiền tiêu, bác nhỉ "
- Vâng, nhưng bao nhiêu tiền kiếm được, bà ấy cho hết vào chùa hay gởi về tặng người già neo, túng thiếu tại Việt Nam bác ạ. Chúng tôi cũng hay đặt chả giò của bà ấy vì vừa ngon lại vừa sạch sẽ. Nhờ bận rộn, lại kiếm được tiền giúp người khác, bà Dậu khỏe hẳn ra bác ạ.
- Thế mùa Hè nhà bỏ trống sao bác"
- Không đâu bác, mùa Hè, con cháu của bà ấy từ các nơi về đây chơi, rồi đi biển Galveston tắm. Tối tối, các cô cậu ấy lại đưa nhau đi vòng vòng các khu chợ ViệtNam uống Cafe. Các cô cậu ấy cũng hay ghé vào đây chuyện trò với chúng tôi.


- Mà sao tôi thấy nhà đóng cửa hết vậy, bây giờ không có ai ở sao "
Thấp giọng, Ông Tuyên buồn buồn đáp:
- Mới tuần trước, bà Dậu phải mổ tim và mất rồi bác ạ. Cả xóm đều thương tiếc.
Hai ông bạn đang ngậm ngùi thì có tiếng từ dưới sân vọng lên:
- Bác Tuyên ơi, xin lỗi bác, có bác gái ở nhà không "
- Bà nhà tôi đi xuống nhà nguyện rồi. Có chuyện gì không cô Ba "
- Con muốn hỏi bác gái có muốn đi chợ Hồng Kông 4 ngày mai không, con chở đi.
- Cám ơn cô, tôi sẽ nhắn lại với nhà tôi.
- Dạ, cám ơn bác.
Quay lại nhìn ông Chương, ông Tuyên tiếp:
- Đời sống như vậy đó bác, y hệt xóm mình ngày xưa ở Biên Hòa. Mấy cô cậu trẻ ở đây lái xe ào ào. Tụi mình già rồi, chừng nào muốn đi đâu mình nhờ họ chở, chỉ cần trả họ chút tiền xăng nhớt cho vui và như vậy mình cũng đỡ ngại khi nhờ họ.
- Tiện quá hả bác"
- Vâng, tiện lắm bác, có nhiều cô cậu đi làm ca đêm, nên ban ngày họ rảnh, nhất là cuối tuần. Thay vì đi xe Bus, phải đổi hai, ba lần, hoặc thuê Taxi thì ngôn ngữ bất đồng, lại rất đắt, các người già trong này nhờ họ. Cô Ba này có chiếc xe Lexus mới toanh đó bác. Chừng nào cần đi bác sĩ, nha sĩ, chúng tôi cũng nhờ cô ấy chở đi giúp. Này nhé, lưỡng lợi cả đôi bên, các cô cậu ấy chỉ việc chở mình đến đó rồi họ đi công việc của họ, đến lúc mình xong thì họ đến đón mình về.
- Vậy thì khỏe thật bác ạ.
- Vâng, có bữa các bà trong xóm muốn đi shopping thì cô Ba cũng đi luôn, mỗi bà trả cho cô ấy 15 đồng, đi suốt cả buổi, chừng nào các bà mua bán xong, cô ấy lại chở về. Còn nếu cô ấy bận việc không chở được, thì có cậu Hùng chở đi, cậu này thả các bà xong là vào rạp cinê coi phim. Đôi bên cùng vui vẻ, mình được ngồi nhà, khỏi theo các bà vào chợ, vào shopping.
- Thế các cô các cậu ấy có chở giùm đi lo giấy tờ gì không bác "
- Có đấy ạ, khi cần lo việc như thi quốc tịch, hay giấy tờ an sinh xã hội, các cô cậu ấy cũng đưa đi, và làm thông dịch luôn cho các cụ, và chi phí cũng rất là khiêm nhường, đâu như chỉ khoảng 50 dollars thôi.
- Vậy thì tốt quá hả bác. Các cụ vừa thoải mái, vừa không phải phiền hà đến con cháu, vì ở xứ này con cháu đi làm mà cứ phải xin nghỉ để đi lo việc cho cha mẹ, ông bà cũng phiền, nhất là dạo này bao nhiêu là công ty lay-off nhân viên.
- Đúng thế, bác ạ, những tiện nghi này rất là thực dụng. Các cụ đôi khi cũng không muốn tùy thuộc quá nhiều vào con cháu. Nhờ các cô cậu hàng xóm trẻ này chở đi đây đi đó, cái tình thân vẫn có, nhưng ơn nghĩa giảm đi nhiều, vì dù sao các cụ cũng trả thù lao cân xứng.
- Thế nếu khi nào các cụ bà chỉ cần vài thứ lặt vặt, cũng phải nhờ người chở đi chợ xa sao bác "
- Không bác ạ. Ngay trong làng này cũng có một tiệm tạp hóa nhỏ, nhưng cũng bán đủ thứ cần dùng hàng ngày cho dân trong làng. Tiệm lại nằm ngay giữa làng nên rất tiện cho mọi người. Khỏi cần xe cộ gì cả. Gạo, nước mắm, rau cải, mì gói, thuốc đánh răng, dầu cù là ...Ai cần mua nhiều mới phải đi xa, chứ nếu chỉ cần ít thì chỉ cần đến đấy. Để tôi dẫn bác đi bộ một vòng trong làng rồi mình ghé vào tiệm ấy cho bác coi.
Hai ông bạn già lững thững thả bộ trong xóm, ông Tuyên giải thích với bạn:
- Tôi thích đi bộ trong xóm bác ạ. Sáng đi vài vòng, tối ăn cơm xong lại đi tản bộ với nhà tôi, vừa tập thể dục lại vừa chào hỏi bà con lối xóm. Sáng sớm mai bác lại thấy các cụ tập TaiChi ngay bãi đậu xe hay có người lại đi bộ theo con kinh này, vui lắm.
Ông Tuyên đưa tay chỉ ra bờ nước, tiếp:
- Lúc này người ta rào lại, không cho xuống bờ nữa, chứ ngày trước mình có thể xuống đi dọc theo hai bên bờ con kinh này đấy bác.
Ông Chương tò mò:
- Tại sao vậy bác "
- Giản dị thôi, một phần vì sợ các cháu nhỏ ra chơi rồi nhở trợt chân té, một phần vì không muốn dân làng xuống đó trồng rau muống, bác ạ.
- Ủa sao lạ vậy " Tại sao lại không cho trồng rau muống "
Ông Tuyên vẫn từ tốn, tủm tỉm cười:
- Bà con Việt Nam mình vẫn hay có sáng kiến lạ. Hồi đầu, bên rạch nước là bờ cỏ xanh. Thay vì cắt cỏ, bà con ta làm đất trồng rau cải, hành, ớt ... vừa khỏi cắt cỏ lại vừa có rau tươi để ăn.
- Thế tại sao ai lại cấm trồng rau muống "
- Bà con ta, thấy trồng rau muống trên khô mà đã tốt đến thế, nên lại thả luôn giống rau muống xuống nước. Rau muống gặp nước phát triển quá độ, bà con ta vừa ăn, vừa biếu cũng không kịp. Ngặt nỗi là rễ rau muống lan nhanh làm đầy hết kinh rãnh, thế là xóm khác bị lụt. Họ khiếu nại nên thành phố phạt chung cư này, bắt rào lại và cấm trồng rau muống.
Ông Tuyên đưa tay lên gải đầu, rồi tiếp:
- Tôi cũng không biết có phải vì vụ này hay là do từ đâu mà sau này những nơi trồng rau muống nước đều bị cấm ngặt.
- Như vậy là hết rau muống để ăn hả bác "
Ông Tuyên trấn an bạn:
- Dân Bắc kỳ chúng mình mà không có rau muống làm sao sống nổi, Bác. Nên ở chợ vẫn có bán đấy chứ, nhưng rau muống bây giờ là loại rau trồng trên cạn, có nơi lại trồng cả trong nhà kính vào mùa lạnh, nên ta có rau ăn quanh năm. Cọng rau không được mềm như rau muống nước bác ạ. Bác đừng lo, tối này nhà tôi sẽ mời bác dùng cơm với rau muống luộc và cà pháo.
Ông Chương cười lớn:
- Xứ Mỹ này có nhiều cái rắc rối bất ngờ. Chắc họ cũng có lý do của họ. Thôi thì cứ nhập gia tùy tục, bác nhỉ "
- Vâng, thì phải vậy, mà này bác, bác còn thích đánh chén với tiết canh heo không "
Ông Chương ngạc nhiên:
- Ở đâu mà có món ăn quốc hồn quốc túy đó " Từ hồi qua đây tôi có thấy món đó bao giờ đâu bác.
Ông Tuyên cười, bí mật:
- Món ngon quốc hồn quốc túy nào ở đây cũng có cả. Trong làng, thỉnh thoảng họ chung nhau lên mấy trại nuôi súc vật ở đây, mua nguyên con bò, con heo làm thịt tươi, rồi giữ lại huyết làm tiết canh. Tôi nghe nói bên làng Thái Xuân họ còn làm heo ngay tại trong làng nữa. Không biết có đúng không.
- Làng Thái Xuân! Bác vừa nói có làng khác nữa à "
- Vâng, tôi quên chưa nói với bác là sau khi làng Joseph này lập ra và thành công, thì có nhiều nhóm cũng bắt chước lập ra nhiều làng tương tự. Ngay bên kia đường có làng Đà Lạt. Làng Thái Xuân cách đây chừng năm phút lái xe. Nghe nói bên làng Thái Xuân có nhiều anh em H.O. lắm và tinh thần Việt Nam cũng không thua gì làng Joseph này bác ạ. Tuy nhiên hình như chỉ có làng Joseph này là có vẻ “xóm đạo” nhất. Không biết có phải vì do cha Chỉnh lập ra mà được như thế không nữa.
Ông Chương lại thắc mắc:
- Thế Làng có tổ chức quản trị gì đặc biệt không, bác "
- Có chứ ạ. Ban quản trị làng do bà con bầu ra để lo việc chung của làng như bảo trì, đổ rác, điện nước ... Ngoài việc đó, ban quản trị còn lo các việc đặc biệt như hội hè, đình đám, quan hôn, tang tế ... trong làng. Các ngày lễ lớn như Tết Nguyên Đán, Trung Thu, Giáng Sinh ... ở đây vui lắm. Tết thì giống như ở Việt Nam ta, pháo nổ đón Xuân đêm giao thừa.
Ông Chương ngắt lời bạn:
- Đốt pháo ban đêm như vậy mà cảnh sát không làm khó dễ sao, Bác "
Ông Tuyên từ tốn:
- Mình xin được giấy phép của thành phố cho đốt pháo mới dám đốt, chứ bác. Cảnh sát còn đến giữ trật tự cho dân làng đốt pháo, vì Houston cấm đốt pháo nếu không có giấy phép của thành phố.
Ông Chương gật gù:
- Thế thì hay thật đấy, bác. Mà bác này, nãy giờ mình bách bộ tôi thấy có vài người Mỹ. Họ cũng ở đây hả bác "
- Vâng, đấy là con dâu, con rể, cháu ngoại, cháu nội ... của các cụ trong Làng. Nhiều cô cậu cũng nghe và nói được tiếng Việt mình đấy bác ạ. Tôi thấy họ cũng có vẻ thích đời sống ở đây lắm.
Chỉ tay vào vài đứa bé đang ngồi chơi cuối dãy, ông Tuyên nói tiếp:
- Bác thấy các cháu nhỏ kia không. Các cháu lai nửa Mỹ, nửa Việt mà đang nói tiếng Việt rành rẻ như vậy đó.
- Ồ, các cháu dễ thương quá.
Vừa lúc ấy, bà Tuyên ở nhà Nguyện đi về, đám trẻ bu lại chào hỏi. Một cô bé da trắng hồng nắm lấy áo bà, hỏi:
- Hi Bà Ngoại, Can Jennifer play "
Bà Tuyên cúi xuống, vuốt đầu đứa bé:
- Chào bé Ann. Để bà coi nhé.
Rồi bà nói vọng lên trên lầu với cô cháu ngoại:
- Jennifer ơi, bé Ann rủ con chơi này.
Cô cháu gái chạy xuống lầu, rồi nhanh nhẩu đáp:
- Thank you, Grandma.
Vừa nói cô bé vừa chạy theo chơi đùa với bạn. Ông Chương chưng hửng trước cảnh này. Bầy nhỏ và bà Tuyên nói mỗi người một thứ tiếng, mà ai cũng hiểu nhau. Sự thông đạt không cần ngôn ngữ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của bạn, ông Tuyên giải thích:
- Ở đây, mấy đứa bé chơi với nhau thường lắm. Chúng đến chơi với cháu Jennifer hoài nên quen biết. Chúng theo Jennifer, gọi nhà tôi là “Bà Ngoại” Bà nhà tôi cũng thương chúng như thương Jennifer. Có gì cũng san sẻ với chúng. Bà nhà tôi nói tiếng Việt, chúng không nói rành, nhưng hiểu hết. Mà bà nhà tôi, dù không nói tiếng Mỹ với chúng nhưng lại cũng hiểu chúng nói gì. Đúng là sự truyền đạt không cần ngôn ngữ. Bác đồng ý không "
Ông Chương gật đầu:
- Đúng vậy, Tôi nghĩ sự đạt thông tư tưởng sâu xa chính là sự cảm nhận chứ không phải ngôn từ. Cảm nhận bằng tình thương là sự cảm nhận và cảm thông tuyệt diệu nhất.
Dừng lại bên cây đu đủ đầy trái, ông Chuơng nói tiếp:
- Tôi nghĩ rằng môi trường sống trong làng này cũng có ít nhiều ảnh hưởng tốt đẹp đến sự sống hòa đồng của dân làng. Chẳng biết bao giờ mình mới có cơ hội trở về sống lại nơi quê mình ở Biên Hòa, nhưng ở xứ Mỹ mà được sống hài hòa như nơi đây cũng là nhờ ơn trên nhiều lắm. Cây đu đủ này của ai bác nhỉ "
- Của bà Dậu trồng đấy bác ạ, nhưng ai muốn dùng thì cứ việc tự nhiên, để tôi hái một quả chín chốc nữa mời bác dùng tráng miệng.
Cầm quả đu đủ chín vàng trong tay, ông Tuyên ngậm ngùi:
- Tiếc quá, bà Dậu đã qua đời. Dù sao mình vẫn cảm ơn Bà đã trồng cây này để bà con có trái ngọt quê hương. Thôi ta vào dùng cơm bác ạ, chắc nhà tôi đã nấu xong rồi./.
Nguyễn Phục Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,071,831
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến