Bút hiệu Nguyễn Phục Hưng là tên thật của tác giả. Ông 57 tuổi, định cư tại Houston từ 1975 và đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông, với ghi chú là “viết để tưởng nhớ dì Dậu.”
*
Căn phố của ông bà Tuyên nằm ngay cuối dãy, nhìn ra con kinh thoát nước. Xa xa là những căn nhà chọc trời của Houston. Tháng Sáu, Houston mưa nhiều như Sàigòn. Mưa rào, ào xuống rất nhanh và ngưng lại cũng rất nhanh, y hệt mưa Sàigòn. Nước con kinh dâng cao, chảy xiết như một dòng sông nhỏ ngay sát căn apartment của ông Tuyên. Năm 1975, dân tị nạn Việt Nam được phân tán trên khắp nước Mỹ. Sau đó chỉ vài năm, mọi người dần dần rời bỏ các nơi lạnh lẽo, về lập nghiệp tại vùng California và Houston, thuộc tiểu bang Texas. Dân Việt Nam tụ về Houston khá đông và bây giờ số người Việt tại Houston chắc chỉ thua vùng quận Cam bên California, có lẽ phần lớn cũng vì khí hậu ấm áp rất giống Sàigòn.
- Bác Chương à, bác biết không, chúng tôi nhờ ơn trên mới có được căn chung cư này. Đời sống dân tình ở đây thuần hậu lắm, giống như xóm đạo mình ở Biên Hòa ngày xưa đó.
Ông Tuyên nói với khách, vừa lúc đó bà Tuyên đi ra chào:
- Bác Chương ngồi chơi với Bố cháu, tôi đi ra nhà nguyện.
Ông Chương hơi ngạc nhiên:
- Nhà nguyện"
Hiểu được ý khách, ông Tuyên từ tốn trả lời:
- Bác ngạc nhiên là phải. Để tôi kể chuyện cho bác nghe.
Nhấp một ngụm trà, ông Tuyên nói tiếp:
- Lúc mới vào cổng khu chung cư này, Bác có thấy gì không "
- Làng Joseph phải không " Tôi cũng hơi thắc mắc mà chưa có dịp hỏi.
- Đúng đấy bác ạ, khu chung cư này là một làng đạo Việt Nam. Ngay giữa Houston mà có một làng đạo ViệtNam, thế mới đặc biệt chứ.
Ông Tuyên trả lời, rồi tiếp:
- Chuyện thế này, khoảng năm 1985, 1986 gì đó, tôi cũng không nhớ rõ lắm, lúc đó kinh tế Houston bị khủng hoảng vì giá dầu thô giảm rất thấp. Từ lâu, Houston vẫn có biệt danh là Thủ Đô Dầu Hỏa của thế giới, vì hầu hết các hãng dầu hỏa lớn trên thế giới đều có trụ sở ở đây.
Chính vì vậy mà khi giá dầu lại xuống quá thấp, thì kinh tế Houston suy sụp nặng nề. Trước đó, nhờ các kỹ nghệ dầu hỏa thịnh vượng, bà con mình làm ăn khá, mua nhà, mua cửa đẹp đẽ. Khi dầu hỏa xuống giá thì bà con mình, nói riêng, và dân Houston nói chung, rất khốn đốn, nhất là những ai đang nợ nần nhà cửa nhiều vì bị thất nghiệp.
- Tôi nghe nói hồi đó bà con mình bị phá sản, bỏ nhà cho không các hãng nợ"
- Đúng vậy, Ai may mắn thì có người vào ở nhà mình, tiếp tục trả món nợ cho nhà băng, khỏi bị phá sản hay bị nhà băng cho điểm xấu vì chạy nợ. Trong cái rủi lại có cái may, các cụ mình vẫn hay nói vậy. Không phải chỉ có tư nhân mới bỏ nhà chạy nợ đâu, những hãng chủ của các khu chung cư cũng vậy. Không có người thuê, chủ nhân các khu chung cư cũng bỏ hoang luôn và nhà băng tịch thu mang ra bán đấu giá.
Ông Tuyên chậm rãi, tiếp:
- Trong dịp này, một vị linh mục, cha Chỉnh, đã đứng ra gây quỹ mua luôn một khu apartment và lập thành một khu chung cư rồi bán lại cho đồng bào từng đơn vị gia cư. Tôi không biết chi tiết việc này ra sao vì tôi đến sau, nhưng chỉ nghe được là các Cha đã mua được với giá rẻ lắm. Tính trung bình chỉ chừng vài ngàn Mỹ kim cho mỗi đơn vị. Lúc đó các căn chung cư dơ bẩn và xập xệ lắm vì đã bỏ trống một thời gian không tu bổ. Người mua phải tự sửa chữa lấy, nhưng cũng còn quá rẻ so với giá bình thường.
- Không biết giá cả như thế nào bác nhỉ "
- Tôi nhớ lúc đầu, căn một phòng ngủ chỉ chừng năm ngàn đô, căn hai phòng ngủ chừng chín hay mười ngàn gì đó, tùy theo tình trạng, chỉ cần sửa thêm một vài ngàn nữa là mình có một căn chung cư rất khang trang. Cũng nhờ cơ hội này mà nhiều người ở thuê, ở mướn được có dịp làm chủ một căn nhà. Sau đó dưới sự sắp đặt của quí cha, chung cư được tổ chức lại thành Làng Joseph. Thực ra ai muốn vào mua cũng được, không phân biệt tôn giáo hay mầu da. Tuy nhiên, theo khuynh hướng tự nhiên, các bà con người Việt Công Giáo chiếm có lẽ hơn 90%, chắc vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” như ông bà ta vẫn nói. Các cha để lại vài căn, cho sửa chữa lại làm Nhà Nguyện chung cho cả làng. Làng có vẻ như một xóm đạo từ đó.
Nhắp thêm ngụm trà, ông tiếp:
- Từ đó có nhà Nguyện, Mỗi ngày cứ khoảng 5 giờ chiều, có tiếng chuông nhắc bà con giờ cầu nguyện, thật là dễ thương và cảm động. Mỗi lần nghe chuông, tôi lại nhớ những ngày còn ở xóm đạo Biên Hòa. Tôi thích ở đây là vì thế.
- Ồ, thú vị quá nhỉ ! Thế ở đây có nhà thờ không, Bác "
- Ngay trong Làng thì không có nhà thờ, chỉ có nhà Nguyện. Nhà Thờ Mỹ thì cũng không xa đây. Hồi nãy mình có đi xe ngang qua đó, cách đây chừng năm phút đi bộ. Chủ Nhật chúng tôi vẫn thường đi bộ ra nhà thờ Mỹ. Nói là nhà thờ Mỹ nhưng các cha người Việt mình có giờ thánh lễ cho giáo dân Việt Nam. Mai tôi mời bác cùng đi lễ với chúng tôi. Nhà Nguyện là nơi chúng tôi tĩnh tâm hằng ngày, lúc nào cửa cũng mở cho bà con trong làng. Các cụ lớn tuổi hay ra đây cầu nguyện lắm, vì gần, không cần phải nhờ con cháu đưa đón.
- Đời sống như vậy thật là an bình bác nhỉ "
- Để tôi kể bác nghe. Tuy là tiện như vậy nhưng nhiều người cũng không thích ở đây lắm vì đời sống ở đây rất bình dân và có lẽ quá Việt Nam. Tôi thì quen rồi, đâm ra thích. Chắc tại mình già rồi. Ai mà quá quen với đời sống Mỹ chắc là thấy khó chịu. Căn phòng của chúng tôi ở cuối làng nên rất yên tịnh. Những căn ở giữa thì hay bị ồn ào hơn.
- Tôi có để ý lúc mới đến. Bà con mình ngồi ca hát trước cửa nhà vui ghê.
- Đúng rồi bác. Ở đây nhiều lúc giống hệt xóm lao động bên Sàigòn mình. Nhiều lúc mình nghe một lúc hai, ba đài radio, cộng thêm TV Mỹ và nhạc CD hay có người lại hát Karaoke nữa. Bên cạnh mở cửa, hay nhiều khi bà con mình mang máy ra ngoài cửa vặn để nghe, là mình cũng nghe được luôn.
Ông Chương góp ý:
- Bác làm tôi nhớ hồi ở Sàigòn, các đài phát thanh thường khuyến cáo thính giả “vặn âm thanh vừa đủ nghe, kẻo làm phiền lòng hàng xóm.”
- Bác nói đúng. Hồi mới đến ở, tôi cũng hơi khó chịu. Sống ở chung cư Mỹ mình quen lề lối ở Mỹ, tôn trọng đời sống riêng tư của người khác tối đa. Thú thật với bác, hồi ở chung cư Mỹ, tôi không biết hàng xóm mình là ai nữa, thậm chí chả biết họ là đàn ông hay đàn bà nữa, vì có mấy khi gặp gỡ chào hỏi gì đâu. Sáng đi làm, tối về đóng cửa, rút vào đời sống gia đình, không ai quan tâm đến ai, không ai làm phiền rộn gì ai. Sống như vậy buồn lắm. Trong chung cư này thì khác, bác ạ. Hình như ai cũng biết ai, không muốn biết cũng tự nhiên biết. Chào hỏi thân thiết như bà con.
- Nếu vậy thì thật là tốt cho người lớn tuổi, phải không bác "
Ông Tuyên bùi ngùi:
- Vâng, đúng vậy. Tôi nhớ hồi mới qua Mỹ, mẹ tôi đã già, ở trong chung cư Mỹ, bà như một người câm, vì không có ai nói chuyện cho khuây khỏa. Tụi tôi đi làm tối ngày, các cháu thì đi học. Bà Nội các cháu vì nhớ nhà, nhớ Sàigòn, cứ thui thủi một mình thật tội nghiệp. Có lẽ vì vậy mà Mẹ tôi mất sớm, chỉ mới ở Mỹ có ba năm thôi bác. Có lẽ Mẹ tôi mất sớm như vậy vì buồn bác ạ. Tôi nghĩ nếu hồi đó, có một nơi như vậy thì có lẽ Mẹ tôi vui lắm và còn sống thêm.
Ông Chương góp chuyện:
- Có lẽ cộng đồng Việt Nam mình cần có nhiều chung cư như Làng này, bác ạ. Biết bao nhiêu các cụ sống như câm, như điếc trong các chung cư Mỹ. Con cháu còn phải lo đi làm, đi học, không có thì giờ săn sóc thường xuyên. Các cụ cần một môi trường sống tự nhiên như ở Sàigòn, các cụ sống vui thì sẽ mạnh khỏe, khỏi tâm bịnh.
- Tôi nghĩ cha Chỉnh đã tạo ra một làng mẫu Việt Nam rất thành công và rất hữu ích. Đồng ý là mình không nên sống quá xa cách với phong tục Mỹ vì dù sao mình cũng đang sống trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, tôn trọng đời sống riêng tư cũng có nhiều cái hay, nhưng các cụ già người Việt mình rất cần một chỗ như làng này, bác ạ.
Nhắp một ngụm trà, ông Tuyên tiếp:
- Ở Cali và chắc là ngay ở đây cũng có những hội cao niên để các cụ giải trí, nhưng chưa được thành công và tự nhiên như đời sống ở đây, phải không" Tôi thấy ở Làng này mọi người sống gần gũi dễ thương như bà con họ hàng. Qui luật của Làng cũng khá nghiêm nghặt. Chúng tôi có thuê người canh gác để đề phòng trộm vặt. Tối đến, làng đóng bớt một cổng, mọi người và xe cộ chỉ qua một cổng, có người gác. Kẻ lạ mặt, do đó cũng sẽ e dè, không dám lộng hành.
- Thế ở đây ai cũng theo đạo Thiên Chúa giáo hết sao"
- Không phải đâu, chỉ đa số thôi bác ạ. Bà Dậu ở căn kế nhà tôi là người đạo Phật đấy bác. Gia đình con cháu của bà ở Tulsa, tiểu bang Oklahoma, nhưng cứ đến mùa Đông thì bà ấy lại về đây tránh lạnh. Bà về đây ở một mình nhưng có nhiều bạn già nên vui lắm. Các cụ cũng trên dưới bảy mươi, hay tụ tập lại nhà bà Dậu để nói chuyện, đánh tam cúc, hay nấu nướng món này món kia rồi mời các cụ khác đến ăn.
- Thế bác có được mời qua ăn không "
- Có chứ bác, bà Dậu cho biết là bà ấy phải tìm việc mà làm cho bận tay bận chân, chứ ở không thì sanh bệnh. Riết rồi có người đặt bà làm bánh trái, chả giò... khi có tiệc tùng.
- Vậy thì lại có thêm tiền tiêu, bác nhỉ "
- Vâng, nhưng bao nhiêu tiền kiếm được, bà ấy cho hết vào chùa hay gởi về tặng người già neo, túng thiếu tại Việt Nam bác ạ. Chúng tôi cũng hay đặt chả giò của bà ấy vì vừa ngon lại vừa sạch sẽ. Nhờ bận rộn, lại kiếm được tiền giúp người khác, bà Dậu khỏe hẳn ra bác ạ.
- Thế mùa Hè nhà bỏ trống sao bác"
- Không đâu bác, mùa Hè, con cháu của bà ấy từ các nơi về đây chơi, rồi đi biển Galveston tắm. Tối tối, các cô cậu ấy lại đưa nhau đi vòng vòng các khu chợ ViệtNam uống Cafe. Các cô cậu ấy cũng hay ghé vào đây chuyện trò với chúng tôi.