Hôm nay,  

Tôi Đi Hái Lá

29/11/200400:00:00(Xem: 259626)
Người viết: TRƯƠNG TẤN THÀNH
Bài số 665-1206-vb6261104

Tác giả Trương Tấn Thành, ngụ tại Lacey, WA. Tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, hiện là trợ giáo cho trường dạy người da đỏ và giảng viên parttime cho Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Riêng bài viết này được tác giả ghi "để tặng Duy Nhân và Minh Thành cùng tôi sống gần nhau từ hồi ở đảo."

Đi hái lá là một chặng đường của tôi gần mười năm trước trên cuộc hành trình vẫn còn đang bôn ba của một người xa xứ trên đất Mỹ.
Đây là công việc đầu tiên của tôi trong những ngày chân ướt, chân ráo đến phía Tây Nam của tiểu bang Washington này. Tuy tôi chưa hề tập yoga nhưng trong thời gian này tôi.... luyện được rất nhiều tư thế: Ở thế đứng khi đi hái dâu đen (blueberries) ở thế ngồi khi đi hái dâu đỏ (strawberries) rồi sang hái lá, ở thế vác, rồi sau cùng là đi cắt cỏ, ở thế chạy. Ở vùng này, có nếm qua những món trên mới biết mùi đời tỵ nạn.
Miền Tây Bắc nước Mỹ này có một loại cây bản địa xanh tốt quanh năm tên là salal (đọc theo âm Việt là xa-lao). Cây salal là một loại cây nhỏ, mọc thấp dưới đất lá xanh tròn, đầu lá nhọn như lá bông bụp của ta, xanh mướt. Khi tới lứa cây trổ bông chùm màu trắng và hồng, sau đó sinh trái nho nhỏ tim tím, tròn như trái dâu rừng. Cây mọc khỏe, rất đậm và phát triển mạnh ở nơi bóng rợp của các tàng cây thông ở khắp tiểu bang. Lá cây rất được các tiệm bán hoa và các chợ ưa chuộng dùng để trang trí thêm cho các lẵng hoa và bó hoa vì lá tươi đến cả tháng không ngả màu. Khắp nơi tôi ở đều có trạm thu mua lá để phân phối đi toàn quốc Mỹ và tận đến bên Canada. Nếu bạn có dịp vào các tiệm bán hoa thì sẽ thấy các bó hoa thường được kèm thêm vào lá salal xanh tươi, láng bóng này để tăng thêm vẻ mỹ thuật. Giờ xin nói về cái cảnh đi hái lá của tôi.
Mấy năm đầu khi còn đi học, túng thiếu quá để tìm chút tiền tiêu vặt, tôi và hai người bạn Tùng và M Thành, tìm cách kiếm thêm. Một trong anh bạn đó đã từng đi xếp lá salal ở các trạm thu lá bàn là ba chúng tôi hùn lại mua xe để đi hái lá. Lúc đó giá thâu của một bó lá cỡ nhỏ là sáu chục xu, còn lá lớn cọng dài là chín mươi xu. Anh ta nói nếu chịu khó hái thì ngày cũng kiếm được cỡ ba bốn chục. Tôi nghe khoái quá. Tôi còn nghe là dân "Miên" ở đây đi hái giỏi ngày một người kiếm cả năm chục. Ở vùng tôi ở người Campuchia đa số, hết cả nhà chuyên sống bằng "nghề" hái lá này. Một gia đình gồm hai người lớn và hai đứa con nhỏ tới mùa hái lá, thường là bắt đầu từ tháng chín đến tháng hai, kiếm sơ sơ cũng được gần hai trăm bạc mỗi ngày, tuần bảy ngày họ đi hái đủ. Tính ra lợi tức hàng tháng còn hơn lương của một thầy giáo như tôi bây giờ. Cho nên họ thường đi xe xịn thường là xe truck để đi hái lá và trả bằng tiền cash làm cho các anh dealer Mỹ phải lé mắt. Rồi lại phải há mồm vì họ trả tiền dồn trong....bao để nằm chình ình trên bàn để thanh toán việc mua xe trong đó gồm đủ lại giấy bạc từ một cho tới giấy một trăm chớ không phải trả bằng check. Trước cái "viễn đầy hứa hẹn" đó ba đứa tôi chắc mẻm là phen này thế nào cũng kiếm được mớ đôla.
Trước tiên phải có phương tiện di chuyển và chuyên chở cái đã. Tụi tôi tìm mua một chiếc xe van cũ giá ba ngàn gì đó rồi đi mua license hái lá. Tùng đã từng đi theo dân hái lá nên anh biết chỗ hái có lá nhiều, ở tận trên rừng tên là Black Woods, lái xe đi từ 4 giờ sáng tới gần tám giờ mới tới nơi. Tụi tôi thủ theo thức ăn, áo ấm, bao tay giây cột, bịch dây thun để quấn bó lá, tấm bạt nhỏ để cuộn lá khi hái xong để vác lên vai và mềm vì vùng núi khí trời rất lạnh mà tôi thì lại không ưa lạnh chút nào. Khi đến nơi rồi tìm chỗ đậu xe và mạnh ai nấy lội vào rừng để đi tìm nơi lá mọc, thường ở dưới các cây thông có bóng rợp. Khi tìm được nơi có lá rồi phải mang bao tay vào để hái không bị trầy mang theo bịch dây thun để cột lá thành bó rồi bắt đầu hái. Nói là hái chớ thật sự là bẻ lá. Cọng cây salal rất giòn chỉ cần tay trái vuốt cho sạch lá chết rồi tay mặt bẻ vặn cọng lá thì nó gãy rụp. Xong rồi chắp cành lá đã bẻ vào tay trái gom dần thành một bó hình rẻ quạt, mặt lá đưa lên phía trên và phải coi cho đẹp. Nói nghe dễ chứ không phải là dễ bạn à. Người hái phải biết cách xếp lá cho đều, bóc ra một sợi dây thun quấn nhiều vòng quanh chùm cọng kết lại thành một bó rẽ ra thành hình cái quạt.


Dân hái giỏi hái vừa lẹ, vừa kết thành bó đẹp mà lại không cần đi lòng vòng để kiếm lá làm mất thời gian hái. Họ cứ đứng một chỗ mà hái liên tục, lá xấu thì họ giấu xuống dưới, lá đẹp thì họ phủ lên mặt. Còn tôi thì chạy lẩn quẩn đi kiếm lá hết nơi này đến nơi nọ. Có lá thì tôi lại kết thành bó trông méo xẹo. Bó lá vừa xấu lại vừa không biết lấy lá đẹp để "làm mặt". Một người hái quen từ sáng tới cỡ hai giờ chiều cũng được năm sáu chục bó lá. Còn tôi, tôi còn nhớ ngày đầu tôi chỉ được chừng hai chục bó mà trông như cái quạt....bị méo vậy. Trong khi đó hai người bạn kia thì người nào cũng hơn tôi ít nhất là hai chục bó mà bó nào trông cũng mát mắt cả.
Hái xong đâu phải là hết, phải trải tấm bạt ra, xấp các bó lá hái được trên tấm bạt quấn lại rồi lấy giây cột ghịt vác lên vai lội bộ ra nơi xe đậu. Không được như cụ Nguyễn Công Trứ nói: "vì phỏng đường đời bằng phẳng cả...." còn ngược lại, phải lên đồi xuống dốc mới ra được đến nơi. Ôi thật là "lá xanh mọc ở tận góc rừng. Kiếm tiền nên phải xông vào gian lao". đó bạn. Chưa hết đâu nhé. Hái rồi chưa chắc đã bán được. Khi nó lá đã chất lên xe xong phải chờ đến gần tắt nắng mới chở về được. Lý do là nếu chở về lúc trời đang nóng thì lá sẽ héo và chín hết chỉ còn nước....liệng vào thùng rác. Khi về tới trạm thu lá còn bị kiểm lại nữa mới thu. Như lá của tôi hái thì bị loại đi không nương tay. Số còn lại thì phải xả ra xấp lại. Cho nên nội trong ngày đầu đi hái lá tôi đã thấy....không ăn rồi. Giờ xin được nói đôi chút qua về các trạm thu mua lá.
Ở vùng tôi sống trạm thu của Mỹ cũng có nhưng trạm thu mà dân Á Châu thường đem lại là trạm thu của người Chàm. Họ sống thành "làng" làm nghề đi hái nấm hay hái và thu mua lá. Họ có vựa thu, mướn người xếp lá đóng thùng để gởi đi phân phối các nơi. Họ còn kinh doanh khôn ngoan bằng cách đi "mua" lá ở những vùng đất rừng của người Mỹ có lá với giá rẻ mạt để dành khi lá lên giá mới hái bán. Cho nên trong khi phe ta mua xe xài rồi thì phe họ đi toàn là xe mới. Hết ai còn dám chê là họ dỡ hơn dân mình. Họ tổ chức đi hái rất quy mô. Mỗi ngày trong mùa lá họ có nhiều xe trucks đi nhiều khu có máy liên lạc hẳn hòi để thông báo vùng có lá tốt và bao giờ "thu quân" trong khi phe ta chỉ làm ăn cá thể thì là sao địch lại. Cũng có trường hợp các nhóm giành nhau khu lá tốt mà sinh ra ấu đả với nhau. Cũng có trường hợp có người bị chết vì trốn cái lạnh của núi rừng. Thường người lá hái đem theo lò ga để sưởi, khi đến nơi vì trời còn sớm họ chui vào trong xe, quay cửa kính lên rồi mở lò sưởi, sau đó ngủ quên không biết gì nữa và bị chết vì hơi ga. Thêm một yếu tố nữa dân ta chịu cực và cái lạnh của núi rừng không giỏi bằng họ cho nên chỉ đi hái một thời gian là phải bỏ cuộc. Còn tôi" Chỉ có một tuần là tôi phải quy hàng vô điều kiện.
Bước đầu tiên ở xứ người ai cũng gặp đủ thứ gian truân. Ai cũng đều thử gần hết mọi việc chân tay vất vả nhất để sống còn. Tôi chẳng khác gì mọi người. Từ hái dâu rồi tới hái lá, cắt cỏ, đem mồ hôi ra để đổi lấy vài đồng đô để trả tiền thuê phòng và nếu có để dành ra được thì vài tháng gởi về giúp gia đình bên kia. Nhìn lại đoạn đường cam go đã qua tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Buồn vì sau những năm dài khổ sở vì tù tội qua đến xứ người vẫn còn phải chịu lắm gian lao. Vui vì với sự giúp đỡ của bạn bè mình đã vượt qua được những trở ngại đó để được như ngày nay. Từ cái vui đó, trước tiên tôi phải cảm ơn sự hy sinh của ba má tôi. Kế đó là sự tận tình giúp đỡ của người chung quanh, ở bên nhà cũng như ở bên này và xứ sở này đã tạo điều kiện cho hạt giống từ phương trời xa được nẩy mầm, trổ lá đâm chồi nơi xa quê nhà cả nửa vòng trái đất này.

TRƯƠNG TẤN THÀNH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,337,465
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến