Hôm nay,  

Kỷ Niệm Một Chuyến Đi Không Thành

29/11/200400:00:00(Xem: 156743)
Người viết: LINH TRẦN
Bài số 664-1205-vb5251104

Tác giả tên Linh Quang Trần, 42 tuổi, tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Việt Nam, hiện là cư dân Santa Ana. Công việc hiện nay: làm nghề tự do. Đây là truyện ngắn dự thi thứ ba của ông, sau " Cạn lòng" và " Nghiệp nail."

Tôi còn nhớ rõ, ngày đó, khoảng cuối năm 1979, tôi đã từng "đi vượt biên" tại Vũng Tàu.
Có thể nói những năm 1977, 1978, 1979 . . . kéo dài đến hơn 1980 là thời kỳ liên tiếp có rất nhiều người Việt rũ áo ra đi bằng con đường " vượt biển" mà chế độ cộng sản quen gọi là "vượt biên", đồng thời gán ghép cho họ cái tội danh tày đình là "phản quốc". Mặc, gán ghép thậm chí đe dọa người ta khắp nơi vẫn tìm cách ra đi. "Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng sẽ bỏ đi ! " câu nói này lúc ấy, tôi nghe nhiều bà con cô bác nói thầm với nhau như vậy.
Năm ấy, tôi khoảng 17 tuổi, còn rất trẻ và ngây ngô. Một buổi chiều đi học về sớm (chừng 2 giờ trưa), người mệt nhoài bởi buổi họp "vô bổ" tại lớp sau ca học buổi sáng, tôi rất ngạc nhiên khi nghe mẹ tôi nói: "Con đi tắm, để kịp đi! . . .". Tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Đi " . . . Mà đi đâu vậy mẹ"
Mẹ tôi không trả lời vội, đứng dậy nhìn ra ngoài ngõ trước sau, rồi mới buông rèm cửa xuống. Trong khi Cha tôi vẫn im lặng ngồi trên ghế, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Từ ngày đi học tập cải tạo về, ông trở nên trầm lặng khác thường. Mẹ tôi hay nói có lẽ do ảnh hưởng những lần ông bị bộ đội quản giáo quản chế gì đó gọi dậy lúc nửa đêm để khai lý lịch, hay những lúc bị biệt giam trong cachot.
- Đi " vượt biên" con ạ! Mẹ tôi nói nhỏ.
- Cha mẹ đã lo tất cả . . . con sẽ đi ngay chiều tối nay! Cha tôi bỗng ngước lên nói vội giọng nghèn nghẹn.
Thế là khoảng 3 g chiều hôm đó, cha tôi chở tôi đi trên chiếc xe Suzuki cũ của ông, mẹ tôi chỉ kịp dặn dò:
- Con đi trước, không đem gì theo cả, mẹ sẽ mang đồ xuống sau.
Tôi được đưa đến một căn nhà gần đường Nguyễn Thiện Thuật - Phú Nhuận. Bàø H một người đàn bà đứng tuổi nghe nói là "chủ tàu" đứng ra tiếp nhận tôi. Sau đó khoảng 4g chiều, tôi được chở thẳng ra Vũng Tàu cùng với hai người khác: một thanh niên người Hoa tên Vĩ khoảng 18 tuổi và một cô bé xinh xắn tóc dài khoảng 17 tuổi. Chiếc xe con cà tàng, chạy chậm rì. Lão lái xe nói chuyện với mụ chủ tàu rôm rả suốt cuộc hành trình, còn mấy đứa chúng tôi ngồi phía sau chỉ im lặng, có lẽ mỗi đứa mỗi nổi ưu tư lo lắng riêng! Mãi đến tối mịt tất cả chúng tôi mới ra đến nơi.
Vũng Tàu đêm đó trời tối như mực. Gió lạnh như cắt. Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà lá ở khá sâu và khuất sau những lùm cây.Thế là chúng tôi đã bắt đầu "một chuyến đi sanh tử".
Sau một đêm nằm ngủ nằm chèo queo vì lạnh và lạ chỗ, chúng tôi giật mình thức giấc khi ánh nắng chói chang chiếu nghiêng qua những chỗ loang lỗ rách nát của mái nhà. Đó là một căn nhà lá nghèo nàn nhưng khá rộng. Có khoảng hơn 15 người năm ngủ trên nền đất trải chiếu. "Đều là dân đi vượt biên cả" tôi nhớ mãi câu nói của Chị Hoa người có nước da trắng trong nhóm cùng đi. Hàng ngày chúng tôi được chủ nhà cho ăn hai bữa cơm, toàn cá khô kho ăn với canh bí đỏ. Chủ nhà là một người đàn bà mù khoảng 45 tuổi, tên gọi bà Sáu, có hai cô con gái tên là Thoa và Mỵ.
Hơn một tuần trôi qua chúng tôi vẫn chưa ra đi. Ngày ở căn nhà đó, đêm phân tán ra ngủ nhiều nhà khác, chờ "đêm xuất phát ". Tôi, anh Vĩ - người Hoa, cô bé xinh xắn tên Hồng Hạnh và hai cô bé nhí nhảnh khác: Hương, Chi và chị Hoa ở chung nhóm thường ở đêm tại nhà bà Sáu mù. Gã tài công tướng như hộ pháp đêm nào cũng ghé nhà bà Sáu mù, trước là thông báo cho chúng tôi biết "đêm nay chưa thể đi vì biển động . . .", sau là "hú hí" với đám con gái bà Sáu. Chúng tôi đám thanh niên chỉ khoảng 17, 18 tuổi là cùng, ăn ngủ lẫn lộn thật vô tư không e thẹn và cũng không đứa nào có dụng ý xấu cả. Lạ thật lúc ấy, chúng tôi hoàn toàn ngây thơ, không biết gì đến chuyện nam nữ, dù đứa nào cũng to xác. Chị Hoa hay chọc tụi tôi: "Tụi bây chỉ được cái lớn xác mà cái đầu rỗng tếch". Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản chị nói chúng tôi còn con nít, chứ không biết chị ám chỉ mấy chuyện "nam nữ" .
Hơn một tháng trôi qua mà việc "ra đi" vẫn chưa có động tĩnh. Thân nhân của những người đi vượt biên lên xuống thăm nom đều đều, trong trạng thái bồn chồn lo âu. Mẹ tôi mỗi lần lên thăm đều dặn dò tôi kiên nhẫn chờ đợi, mỗi bận khi đến thăm mẹ tôi luôn chuẩn bị chu đáo: khi thì bánh trái khi thì quần áo, có lần mẹ tôi nhét vào tay tôi năm chỉ vàng dặn giữ kỹ phòng khi hữu sự có mà chi dụng. Tôi nghiệp, mẹ tôi ngày hai buổi đi bán thuê đồ gỗ cũ ở Bảy Hiền cho người ta, còn cha tôi mới xin được chân đi dạy học ở một trường tiểu học vùng xa, nhà luôn thiếu thốn khó khăn. Để có tiền cho tôi "đi", mẹ tôi phải góp nhặt trong nhà được một cây rưỡi còn lại phải mượn bên nội một cây rưỡi nữa, nghe nói khi nào sang tới đảo hay nước ngoài phải trả tiếp hai cây nữa cho chủ tàu. Quả là một gánh nặng quá sức của gia đình tôi!
Mụ chủ tàu lâu lâu ghé lại luôn miệng nói với mọi người tối nay sẽ đi, yên tâm . . . cứ vậy . . . tối đến gã tài công lại ca bài "biển động" để dỗ dành mọi người. Mọi việc cứ trôi đi trong vô định
Có lần, vào buổi chiều tối nọ, khi mọi người chuẩn bị ăn cơm chiều, thì có tiếng quát to:
- Đưa tay lên ! Mọi người bị bắt . . . Vì đi vượt biên"! . . .
Một gã đàn ông cao lớn, đen đúa như cột nhà cháy, không hiểu từ đâu xuất hiện như hung thần, chỉa súng ngắn với nhóm chúng tôi ra vẻ giận dữ và đe dọa.
Hương, Chi hoảng hốt giơ tay lên. Anh Vĩ thì cuống cuồng lắp bắp " . . . ông . . . ông" . còn Hồng Hạnh không hiểu sao nhào tới ôm chầm lấy tôi đầy vẻ sợ hãi.
Tôi bình tĩnh, nhìn kỹ gã đàn ông. Ông ta khoảng chừng hơn 45 tuổi, da đen dòn, đầu đội nón cối, lưng đeo bao súng ngắn. Chỉ có chị Hoa là vẫn cười, nói liền một mạch :
- Đừng sợ! Chú Ba Đen chủ tịch ấp đó mà...
Gã đàn ông cười nham nhở, buông súng, nhưng mắt gã vẫn nhìn chằm chằm về phía Hồng Hạnh đứng bên cạnh tôi.
Chị Hoa là người đi vượt biên "nằm ở đây chờ chuyến đi" khá lâu, nên chị biết rõ mọi chuyện. Thì ra mụ chủ tàu ăn chịu với bọn cán bộ địa phương ở Vũng Tàu để tổ chức các chuyến đi "vượt biên" với tên gọi mỹ miều "đi bán chính thức", lão trưởng ấp Ba Đen là một trong những tay cán bộ nằm trong số đó. Ba Đen là người gốc Miên, nói tiếng Việt khá sõi. Nhà bà Sáu mù là một trong những địa điểm " tập kết" dân đi vượt biên, chờ dịp đi, do mụ chủ tàu thuê bao hàng tháng. Hắn chỉ hù chúng tôi thôi, chưa thấy có ý định làm khó. Dù sao, tôi khá dị ứng với cách ăn nói hàm hồ, oang oang của lão Ba Đen. Tôi có cảm giác bất an trước cái nhìn là lạ của hắn khi nhìn chúng tôi, nhất là khi hắn nhìn chết trân Hồng Hạnh mỗi khi gặp.
Cái không khí chờ đợi ngày một ngột ngạt hơn. Vẫn vậy. Mỗi đêm gã tài công khổng lồ đều mò đến, khi thì hắn đú đởn với Thoa con gái lớn của chủ nhà. Khi thì cợt nhả với Mỵ cô con gái thứ hai của bà mù. Hắn ăn ngủ với cả hai cô gái, như chỗ không người. Tiếng cười nói rúc rích, đùa bỡn giữa gã và cả hai cô gái hàng đêm, làm tất cả chúng tôi đều rất khó chịu nhưng không ai nói ra. Tội nghiệp Hương, Chi, Hồng Hạnh . . . con gái mới lớn, nghe thấy cảnh đó, cứ che mặt xấu hổ mãi. Anh Vĩ - người Hoa hay lẩm bẩm: "Mẹ nó, . cứ kiểu này . . . biết bao giờ mới đi . . . không khéo mất toi ba cây vàng dồi!"
Có một đêm, có tiếng súng nổ lung tung quanh căn nhà chúng tôi trú ngụ, cùng tiếng chân chạy thình thịch. Thoa con gái lớn của bà mù, la to hối thúc mọi người chạy ra khỏi nhà:
- Chạy hết đi ! Công An đặc khu xuống rồi!
Mọi người như chim vỡ tổ chạy tứ phía khỏi căn nhà là xiêu vẹo. Nhưng biết chạy đi đâu, khi chung quanh trời tối đen như mực, không một ngọn đèn! Cả nhóm suốt ngày trong nhà chẳng ló mặt ra đường, chẳng ai biết mình đang ở đâu nữa . . . chỉ biết loáng thoáng mình đang ở Vũng Tàu . . . vậy thôi. Riêng tôi tánh hay để ý, tôi đoán cả nhóm ở rất gần biển bởi gió luôn thổi lồng lộng về. Thỉnh thoảng sáng sớm có tiếng chuông nhà thờ đổ, tôi nghi rằng chúng tôi ở gần khu Lam Sơn của Vũng Tàu. Tôi đoán điều này vì trước 1975 cha tôi có thời gian được điều động ra đây.


Đêm "chạy loạn" ấy có lẽ tôi mãi mãi không quên. Tôi bị cận thị lúc vội vàng chạy đi, không kịp lấy kiếng, đành quờ quạng mò mẫm đến ngồi gần một gốc chuối sau nhà. Đang lúc hốt hoảng ngồi nín khe, tôi chợt thấy ai đó cũng chui vào ngồi cạnh. Tôi run run :
- Ai đó"
- Tôi . . . em !
- Em nào" Ai "
Có tiếng hốt hoảng của một cô gái :
- Em . . . Hồng Hạnh. . em . . .
Thì ra trời xui khiến Hồng Hạnh cũng nấp cùng chỗ với tôi. Cô bé run lẩy bẩy, nép vào người tôi khi nhận ra người cùng nhóm vượt biên. Hai đứa ngồi co rút dưới mấy tàu lá chuối dầy. Chân chết cứng chẳng nhúc nhích được đi đâu. Hồng Hạnh ngồi thật sát với tôi, tôi như cảm nhận được cả mùi thơm toát lên từ da thịt nõn nà của cô bé. Tôi mơ hồ nhớ lại lúc Hồng Hạnh nhào đến ôm chầm lấy tôi như tìm sự che chở khi lão Ba Đen đến dọa dẫm buổi đầu. Vô hình chung, tôi cảm thấy bâng khuâng, một cảm giác là lạ len vào tâm hồn tôi như một làn gió mát từ xa đưa tới.
Sau cái đêm ấy, tôi và Hồng Hạnh chợt thân nhau hơn. Cả hai cùng phát hiện ra khuyết điểm chung của nhau mà cười lăn lộn. Chúng tôi đều cận thị nặng! Cái đêm núp bên nhau, hai đứa chẳng đứa nào mang kiếng cả. Đúng là cảnh "Kẻ mù gặp người đui" , tôi hay hóm hỉnh nói với cả nhóm khi kể lại câu chuyện "chạy núp" ấy. Và điều còn kinh khủng hơn, khi sáng hôm sau tôi mò ra chỗ núp ban đêm mới phát hiện rằng: đó là một bụi chuối um tùm lá, nằm cạnh một cái hố xí thật to sau nhà. Chỉ cần nhích thêm chút xíu nữa đêm đó, có lẽ hai đứa tụi tui đã "bơi lặn" trong cái hố phân vĩ đại ấy rồi.
Từ kỷ niệm cười ra nước mắt đó, tôi và Hồng Hạnh ngày càng quý mến nhau. Tôi không biết khi đó điều đó có nghĩa là gì, chỉ mơ hồ nhận thấy rất vui khi bên cạnh có cô bé. Có lẽ Hồng Hạnh cũng có cùng cảm giác với tôi. Chúng tôi chia xẻ với nhau từng miếng ăn, câu chuyện kể và lời tâm sư, có cả những giận hờn nho nhỏ vu vơ từng xảy ra.
Ròng rã gần hai tháng, chúng tôi vẫn chưa đi. Có lần cả nhóm giữa đêm được gã tài công đưa ra bãi biển để đi. Nhìn những chiếc thúng tre tròn to bít đáy, được gọi là "thuyền", ai cũng ngao ngán. Anh Vĩ ngơ ngác hỏi: "Đi biển bằng cái này à" Có nước chết cha". Vậy mà cũng không được đi, trời lại gió to sóng lớn, gã tài công nói dẻo queo: "Chưa đi được, biển động!". Thế là lại quay vào bờ, tiếp tục chờ . . .
Tôi nằng nặc đòi về Saigon với lý do người không được khoẻ, vào một buổi sáng mẹ tôi xuống thăm chừng. Tôi nhớ nhà quá, nhớ hai đứa em gái và cả cha mẹ tôi. Chìu con, mẹ tôi cho về nhưng nói sáng mai phải quay lại ngay. Tôi ầm ừ cho qua chuyện để được về. Lúc về, tôi hẹn với Hồng Hạnh sẽ lên sớm, không quên dặn dò cô bé cẩn thận đừng ra ngoài vào ban đêm. Không ngờ đó cũng là lần sau cùng chúng tôi còn gặp nhau . . . Về Sai Gon hôm trước hôm sau, tôi ngã bệnh nằm liệt giường cả tháng, bởi căn bệnh quái ái "sốt thương hàn". Tôi đành giã từ ý định "đi vượt biên", bởi sau cơn bệnh nghe mẹ tôi kể lại bà chủ tàu nói chuyến đó đi mất rồi. Gia đình tôi mất toi ba cây vàng oan uổng. Cha mẹ tôi rất buồn nhưng không phàn nàn gì, mẹ tôi lại càng tảo tần buôn bán để lo toan cho gia đình, đồng thời trả món nợ vay một lượng rưỡi vàng cho chuyến đi không thành của tôi.
Kể từ ngày ấy, tôi rất buồn, phần vì sự mất mát tài sản của gia đình, phần vì không thể làm theo ý nguyện của cha mẹ. Hơn thế nữa, sâu kín trong tâm hồn, tôi luôn nhớ về Hồng Hạnh, cô bé thơ ngây - ấn tượng đầu đời của tôi.
Đến năm 1993 ba mẹ tôi sang Mỹ theo diện HO, chấm dứt chuỗi ngày sống "mất tự do" ngay chính trên đất nước mình. Tôi ở lại vì mới lấy vợ hơn một tháng. Mãi đến năm 2004 tôi mới đoàn tụ với cha mẹ và hai em của mình trên mảnh đất tự do Hoa Kỳ, theo diện O.D.P.
Cuộc sống mới trên xứ lạ, đòi hỏi tôi và cả gia đình phải cố gắng nhiều. Bẵng một thời gian, trong một đi lễ ngày Chủ nhật, tôi vui mừng khôn xiết khi gặp lại chị Hoa - người chị , người bạn đồng hành "lỡ chuyến"của tôi năm xưa tại Vũng Tàu.
Chị Hoa đã kể lại mọi chuyện xảy ra sau ngày tôi về Saigon và bặt tin. Tôi về được 10 ngày, thì Hồng Hạnh gặp sự dữ. Giọng chị Hoa chùng xuống như nặng trĩu trong lời nói. Một đêm mưa bão bất thường, khi ra ngoài lấy mấy bộ quần áo trên sào treo sau nhà - căn nhà lá cả nhóm trú ngụ chờ ngày "vượt biển" Hạnh đã bị lão trưởng ấp Ba Đen hãm hiếp. Sự lo sợ trước đó của tôi đã thành sự thật! Sau tai nạn này, Hồng Hạnh vẫn tiếp tục ở lại chờ chuyến đi. Nghe đâu người mẹ ruột của Hạnh đã đi theo người khác, bỏ lại ba Hạnh ngày đêm thương nhớ, chỉ biết rượu chè be bét, cũng chẳng màng đi Vũng Tàu thăm con gái mình. Chuyến đi thực sự đến sau đó khoảng 7 ngày nữa tức chừng 17 ngày sau ngày tôi về Saigon và ngã bệnh. Theo lời chị Hoa, chuyến hải trình đó lại đầy tang tóc. Chiếc tàu gỗ chở hơn 30 người lênh đênh trên biển cả (mụ chủ tàu bị thân nhân người đi phàn nàn đã thay thuyền thúng bằng thuyền gỗ), sóng gió bất thường, ói mửa, tưởng như chết đi sống lại nhiều phen mới ra gần tới hải phận quốc tế. Mọi người vui mừng muốn khóc, vì thấy như "tương lai mong ước" đã đến gần nhưng tai họa lại "ập xuống". Chiếc thuyền lại tơi tả một lần nữa khi bị bọn hải tặc tấn công. Cướp bóc và hãm hiếp xảy ra giữa biển cả trống vắng. Hương, Chi, chị Hoa, Hồng Hạnh đều chịu chung số phận bị dày vò bởi những tên hải tặc hung ác. Bị hãm hiếp nhiều lần, Hồng Hạnh đã trút hơi thở cuối cùng trên chuyến tàu oan nghiệt. Xác nàng bị chúng nhẫn tâm quăng xuống biển không thương xót. Bọn hải tặc rút đi đem theo tất cả của cải cướp được, bỏ lại số người thoi thóp trên con tầu khốn khổ. Sau đó, may sao, nhờ một chiếc tàu buôn đi qua họ đã được cứu sống, trong số người này có chị Hoa. Chị được sang Mỹ sau hơn một năm sống ở đảo.
Từ ngày gạp lại chị Hoa, tôi thường sống lại với những hồi ức về chuyến đi vượt biên không thành ấy với tâm trạng thương nhớ và hối tiếc. Người ta nói, chuyện về Nước Mỹ là chuyện dài không thể nói hết. Để tìm tới chân trời tự do, nhiều con dân nước Việt đã phải trả giá bằng chính máu, nước mắt và mạng sống của mình. Tôi như thấy đâu đó hình bóng của cô bé Hồng Hạnh dễ thương ngày nào, một chuyến đi tìm tự do, với hai lần bị hãm hiếp và táng mạng trên biển cả vô tận, cái giá em phải trả thật quá đắt, quá đau.
Tin tức từ quê nhà sau này cho tôi biết lão Ba Đen trưởng ấp ngày nào nay đã bị thất sủng, khi vụ chiến trường Tây Nam - biên giới Cam - Pu - Chia nổ ra. Bị chính đồng chí của mình vu cáo là tay chân Khờ me đỏ nằm vùng tại Việt Nam để mưu đồ hậu sự, lão bị đuổi khỏi chính quyền, phải đi bán dạo vé số kiếm sống khắp nơi. Nhà cửa rộng rãi đầy đủ của lão, bị tụi cán bộ đương quyền giành giựt hết. Một chiều gió bão nơi vùng cát nhiều hơn đất ấy, lão Ba Đen đã chết khô ven đường tay vẫn cầm xấp vé số bán dở. Lão chết nhằm ngày 20 / 11 , một ngày không có gì đáng nói, nếu như sau đó không có việc hàng loạt người thân trong gia đình của hắn cũng "giã từ cỏi đời" vào chính những ngày định mệnh ấy! Thằng con cả của lão chết trôi do có người ganh ghét hãm hại, thằng con thứ hai chết thiêu do chán đời, còn thằng út của lão thì chết chém do đi giựt đồ. Vợ lão chết cứng trong nhà vì sống trong cô đơn, không ai ngó ngàng. Cả gia đình tay trưởng ấp từng gieo giông tố, sợ hãi cho bao người sau ngày 30/ 4/ 1975 "chết không còn ai", cùng chết đúng vào ngày 20/11 hàng năm. Dân chúng chung quanh cho rằng, cả nhà hắn "chết trùng" .Còn tôi thì thầm nghĩ, có lẽ hắn và gia đình hắn, phải trả giá vì sự man rợ, hiểm ác của hắn.
Số phận của Hồng Hạnh và những thuyền nhân bất hạnh . . . mãi mãi là nỗi ray rứt của bao người . Ôi, sự Tự Do . . . Ôi Nước Mỹ, vẫn còn có biết bao câu chuyện chưa được kể ra . . . Tôi không thể nào quên " Kỷ niệm chuyến đi không thành " ngày nào ! . . .

Linh Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,095,722
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến