Hôm nay,  

Canh Chua Lá Dang

20/11/200400:00:00(Xem: 173785)
Người viết: LÊ NHƯ ĐỨC
Bài số 658-1199-vb6191104

Tác giả Lê Như Đức sinh năm 1962 tại Sàigòn, Việt Nam. Nghề Nghiệp hiện nay: Kỹ sư cơ khí cho NASA, Houston. Gia Đình: Vợ và ba con, hai gái một trai. Bài viết mới của ông kể chuyện đi nghỉ hè, đọc sách của một số tác giả gốc Cộng Sản. Xin trích phần về Tô Hoài, Bùi Tiến và Lữ Phương.
*

Mỗi năm cứ đến hè là tôi chọn một thành phố để nghỉ mát. Thường thì tôi hay chọn thành phố nằm ngay ven biển. Tôi thích nhìn cái mông lung vĩ đại mang nhiều tính chất bí hiểm của biển. Đêm đêm được nghe những tiếng rì rào, thầm thì ru ngủ của nó.
Các con tôi thích biển vì được tắm và nghịch cát. Được tư do chạy nhẩy, nô đùa trên những bãi cát lộng gió là những thích thú nhất mà tôi thường thấy ở chúng. Đứa con nít mới lên hai cũng mê được tự do.
Riêng vợ tôi thì dù đi đâu cũng phải có nồi niêu xoong, chảo, mắm muối đầy đủ. Do dó mà tôi phải mướn nhà để nàng có chỗ trổ tài nấu nướng chứ không thể vào Hotel ở được. Mặc dù năm nào chủ cho mướn nhà cũng đều nói tiệm Wall Mart chỉ cách căn nhà chúng tôi mướn vài dặm, vợ tôi vẫn phải mang cả khăn tắm lẫn xà phòng gội đầu theo. Có lúc nàng còn đòi vác cả bàn ủi, dao, muỗng nữa kìa. Tôi thường hay phân bì:
- Nhà anh mướn tốn cả hai ngàn đô một tuần mà em còn sợ không có giấyvệ sinh.
Nhà tôi so đo lại là tôi đi đâu cũng mang computer với sách, truyện. Người Bình Định là chúa so đo.
Các con tôi thì chỉ muốn nhà nhiều phòng để mỗi người có chỗtrốn riêng. Hai cô con gái đầu, Quỳnh Thy và Quỳnh Trâm đều sợ ma nhưng đều muốn ngủ một mình một giường. Riêng cậu út, cu Đô, thì chỉ thích chạy chứ không muốn ngồi một chỗ. Nó chạy không cần biết có vật chắn hay không, cứ nhắm mắt lủi đầu mà chạy. Có đụng vào chân bàn hay va đầu vào tường thì nó lại nằm lăn ra khóc, ăn vạ vợ tôi. Dân tộc Việt nam ngàn năm chạy giặc. Con tôi có lẽ mang cái gien chạy loạn từ tôi ra. Rốt cuộc thì có đi đâu xa chơi, không những cả hai vợ chồng tôi mà ngay các con tôi cũng đều thích mướn nhà chứ không ưa vào khách sạn mấy.
Năm ngoái chúng tôi chọn Pensacola, hòn đảo nhỏ phía tây của tiểu bang Florida. Tôi mê ngắm những bãi cát trắng mênh mông của xứ này. Không nơi đâu có thể có những bãi cát trắng tinh như nơi đây. Năm nay bão táp đập vào Florida tơi bời nên chúng tôi đành chọn đi chỗ gần hơn, South Padre Island, thành phố nằm sâu phía nam của tiểu bang Texas.
Nhà tôi thuê có cái lạch phía sau để neo tầu. Ngay chỗ neo, chủ còn xây cả một cái deck thật cao để giấu tầu bên dưới và ngồi hóng gió biển, ngắm trăng rằm bên trên. Chiều chiều, tôi mang cần câu và cuốn truyện ra deck ngồi đọc. Ngồi đợi cá dính câu tôi cứ ngỡ như mình đương sống trong thiên đường Cộng sản của bác mơ ước năm xưa.
Vấn đề ẩm thực thì năm nay vợ tôi lại tăng cường thêm món canh chua nấu bằng lá dang gửi từ Việt Nam sang. Người miền Quy Nhơn thích ăn canh chua lá dang. Mỗi lần bạn bè về Việt Nam chơi là bà má vợ tôi chỉ nhờ mua dùm lá dang phơi khô.
Lá dang, dẫu bị phơi khô, nhưng nấu với cá tươi ăn ngon chết thôi. Cái vị chua chua lại thanh thanh như canh trái sấu của người miền Bắc, bao nhiêu cơm lùa cũng hết vào miệng. Vị chua nhẹ lúc đầu khích thích tì vị làm người ăn ngon miệng, chỉ muốn ăn thêm. Lùa thêm miếng cơm nữa cũng không thấy chua thêm nên lùa cơm tiếp. Ăn ba bốn bát cơm cũng vẫn thấy thèm cái chất chua chua thật ngon ngọt này.
Rồi ta gắp thêm miếng cá tươi chấm thật ướt nước mắm nguyên chất trộn vào cơm canh để tăng thêm phần chất đạm. Cái vị chua của canh, mùi mặn của nước mắm, quện vào chất ngọt của cá tươi sẽ làm người ăn mãi không no.
Nhiều người không thích cá, tôm nên thường nấu lá dang với thịt cũng ngon tuyệt vời. Nấu với thịt gà, canh vẫn mang cái vị chua chua đặc biệt của nó hơn là nấu với thịt heo. Mỡ heo quá ngậy thường hợp với những món nướng hơn là món canh. Do đó nếu có dùng thịt heo để nấu thì ta nên dùng thịt nạc dăm. Thịt ăn nhiều dễ ngấy hơn cá, do đó mà nhà tôi thường nấu canh với cá hơn là với thịt.
Tôi chưa đươc thấy cây lá dang sống hay lá dang tươi nên không biết nó mầu gì, hìng dáng ra sao" Nhìn những lá khô bà má vợ tôi đựng trong bọc ny-lông, trông nó bàng bạc, tơi tả lại cong queo như lá cây nấu canh dưỡng sinh. Bỏ vào nồi canh nấu, nó lại đổi ra mầu xanh đậm đen của lá cây mục. Trông nó xấu xí, ủ rũ như bã thuốc ta chưng lâu ngày. Nhưng sao nó lại có được cái vị chua chua, thanh cao và dễ nuốt như vậy.
Vợ tôi có lần đưa tôi mấy nhánh cây khô hỏi có cách nào trồng được không. Cầm cái nhánh cây vặn vẹo, lại hơi ngắn ngắn, cong cong, tôi bồi hồi trả lời:
- Nếu anh làm được nhánh cây chết này sống lại thì Việt cộng sẽ gửi người qua đây đón anh ngay.
Vợ tôi ngạc nhiên:
- Họ thèm đón anh về làm gì"
- Thì đưa anh vào lăng bác, bắt anh làm cho cái thằng chết tiệt đó sống dậy để xây dựng thêm chủ nghĩa xã hộihai.
Năm nay sui nên những sách, chuyện tôi mua trên internet toàn là tác giả Vi Ci vẫn còn lờ đờ sống trong nước viết. Trước khi đi nghỉ hè, anh bạn thân lại đưa vài cuốn sách và những bài viết do các đồng chí thức tỉnh trốn được qua bên này viết về cái thiên đường xưa.
Tôi thấy có vài điều hay hay nhiều lúc théc méc không tự giải thích được nên đành phải viết xin qúy học giả lẫn học thật cho thêm phần bình luận. Hay dở gì tôi cũng hoan hênh hết, miễn là đừng có nhồi sọ, cứng đầu chỉ một chiều như các ngài trong ban Tư Tưởng của đảng Cộng sản Việt nam là được.
Tác giả Vi Ci xưa, đồng chí Tô Hoài, là người tôi chú ý nhiều nhất. Truyện Dế mèn phiêu lưu ký của ông đã làm tôi mơ mộng từ thuở ấu thơ. Giờ đọc lại chuyện Một người bạn cũng thấy phảng phất đâu đây giòng máu ra khơi của những người vượt biên năm xưa.
Câu chuyện kể lại một người bạn tên Châu, quen từ hồi còn bé của tác giả. Lớn lên tác giả lao vào kháng chiến nên lúc nào cũng yêu đời, quên đọi vì được giác ngộ tư tưởng vô sản cách mạng từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, đếch cần nhà lầu, xe hơi, lúc nào cũng mặc quần áo tàng, giày há mõm, hiu hắt một vẻ ngang tàng...
Châu thì ngược lại, một lần theo cách mạng được cử công tác nhàn hạ là giữ kho muối ở Vân Đình nhưng cũng không chịu được gian khổ nên bỏ theo nhà tư sản triệu phú ác độc Đức Lợi để kiếmcao lương. Bụng tuy no, nhưng tinh thần thì thiếu thốn, buồn nhiều hơn vui đã qua bao mùa thu lá đổ. Các nhà tâm lý học Mác Nê Hà Lội thường gọi là buồn no bo bo đấy mà. Theo Trần Dân Tiên, trong truyện Vừa đi đường, vừa tán phét với bác thì cao lương chính làbo bo.
Thỉnh thoảng tác giả gặp được Châu trong vùng cánh mạng chiếm đóng, à quên giải phóng, hai người kéo nhau ra quán cóc, nhấm nháp tách cà-phê. Nghĩ về cuộc kháng chiến cũng nhẹ nhàng như thế.
Năm 54, Châu làm lầm lỗi thứ nhất là bỏ Cách Mệnh Tháng Tám, mò ra khỏi hang Pác Pó vào miền Nam tìm bơ sữa Tư Bản. Ba mươi tháng tư năm 75, tác giả vào lại Sàigòn tìm thấy Châu cũng chả khá gì hơn, bán hàng rong ngoài chợ trời nhưng lúc nào cũng tưởng tượng, tự khoác cho mình cái mác giầu sang tư bản. Hai người thường kéo nhau ra quán cóc, rồi lại xỉn để ngắm dòng sông lững lờ trôi.
Một điều cần nhấn mạnh là đồng chí Tô Hoài không đề cập gì đến vấn đề ai trả tiền rượu, tiền cà phê trong những lần hội ngộ, mà chỉ mơ hồ nói Châu ăn mặc rất tư bản, cầm theo chai rượu rum. Đề nghị đồng chí phải kiểm thảo, phê và tự phê. Đây là ý kiến riêng của tôi trong vấn đề viết văn. Mọi sự cố phải được rõ ràng, minh bạch dưới ánh sáng chói chan của đảng Nao Động.
Một lần gặp nhau, Châu tâm sự sẽ qua Anh quốc xum họp với gia đình người con trai lấy vợ ngoại quốc. Thật ra là trong lòng Châu vẫn chưa giác ngộ cách mạng, lại muốn làm lầm lỗi thứ hai: từ bỏ sự chiến thắng vinh quang của nhân dân, muốn bám theo sự phồn vinh giả tạo của đế quốc để kiếm ăn. Cách mạng rất là open. Anh muốn từ bỏ xã hội chủ nghĩa để ra đi thì cứ việc đi vượt biên. Chúng tôi không cấm, không cản chỉ bắn bỏ.
Một thời gian dài sau đó, tác giả được đảng cho đi qua Angeri, mà không nói rõ đi để làm gì. Có lẽ để tính chuyện giải phóng Phi Châu hay chăng"
Một buổi chiều thèm rượu, Tô Hoài nhà ta ra quán cóc đầu ngõ ngồi uống một mình mà không có cả một dòng sông lờ đờ trôi bên. Khi gần xỉn, nhìn ông già Á Đông rót rượu cho mình, râu tóc bạc phơ, mới hay chính là Châu, người bạn thân năm xưa. Châu bây giờ già khọm, xấu xí, chỉ khi nàoxỉn mới nhận ra được thôi.
Đoạn kết thì có lẽ đứa ngu nhất sống trong thiên đường cộng sản cũng đoán ra. Tác giả năn nỉ Châu bỏ hết, về lại Việt Nam để cùng nhau xây dựngchủ nghĩa xã hội từ đầu.
Nhưng, than ôi, Châu vừa hối hận, vừa mắc cỡ, lại mang cái tự ái tiểu tư sản nên trốn đâu mất. Chứ chẳng phải trốn vì nghe Tô Hoài nhắc đến bốn chữ chủ nghĩa xã hội đâu à nghen. Chấm hết.
Thế kỷ thứ 13, Trung quốc có tám đại danh hào được mệng danh Đại Bát Gia. Ba trong tám người mang họ Tô. Tôi dám chắc nếu ba đại văn hào họ Tô ấy còn sống, đọc truyện của đồng chí Tô Hoài nhà ta, ắt phải xin đổi họ gấp. Người đọc còn cảm thấy mắc cở cho người viết thì không hiểu tại sao người viết lại có cả một can đảm viết nên câu chuyện này.
Hai vấn đề tôi thấy hay hay qua câu truyện chúng ta cần tìm hiểu thêm.
Thứ nhất, người già khú đế như Châu, không rành ngôn ngữ, không bằng cấp mà ra ngoại quốc còn kiếm được hai việc làm, dù chỉ là việc rót rượu cho khách và làm tượng ông gìa Á Đông đứng im để quảng cáo. Trong khi đó tác giả thì từ đầu đến cuối chỉ có mỗi một việc làm: đi kháng chiến chốngtùm lum từ năm 45. Không hiểu gia nhập cánh mạng có phải là cái job hay không"
Thứ hai, khi ở Việt Nam uống rượu thì có một dòng sông lờ lững trôi bên cạnh để ngồi ngắm. Ở nước Angeri lại không có cái gì lững lờ cả. Mọi thứ đều sống động, đầy sinh khí. Đây có lẽ là hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà tác giả âm thầm muốn trình bầy hay chăng" Sống trong thiên đường cộng sản con người chả phải làm gì cả. Cứ ngày qua ngày, ra quán cóc để lờ đờxỉn. Mọi thứ, mọi việc, mọi suy nghĩ đều có đảng lo hết mẹ nó cả rồi. Sướng lắm lắm, bác ời ơi.
*

Bỏ qua những chuyện của mấy anh Vi Ci lờ đờ, tôi đọc chuyện của các anh đã thức tỉnh chạy qua đây thấy hấp dẫn hơn nhiều.
Bùi Tín và Vũ Thư Hiên là hai tác gỉa mà nhiều người phải cám ơn vì đã đưa ra nhiều câu chuyện bí mật rùng rợn trong đảng ta mà được các đồng chí đảng viên cao cấp dấu giếm mãi trong bao năm qua.
Câu chuyện con rơi của đồng chí lãnh tụ Hồ Chí Minh do Vũ Thư Hiên kể lại có lẽ rất nhiều đảng viên Cộng sản cao cấp và trung cấp biết đến từ nhiều năm trước nhưng họ cứ thích bưng bít. Cha con ông Vũ Thư Hiên biết chuyện này từ lâu thì chắc chắn có nhiều đảng viên khác cũng phải biết đến. Ông Bùi Tín cũng nói có nghe qua nhưng không tường tận bằng.
Có ba điều tôi thấy cần tìm hiểu thêm qua các câu chuyện của ông Bùi Tín.
Thứ nhất ông vẫn cho là ngày xưa ông theo quân đội nhân dân chống Pháp, Mỹ cứu nước là đúng. Ông yêu đất nước, mẹ ông bị thực dân Pháp bắn chết, họ hàng ông bị chết vì bom Mỹ cũng có, miền Nam bị chiếm, do đó ông vào quân đội cộng sản chiến đấu cho tổ quốc là điều ông không hề thấy sai lầm.
Tôi suy nghĩ rất nhiều về lòng yêu đất nước của con người khi tôi và các con tôi nghịch cát trên bãi biển.


Con gái tôi múc một xô cát và nước để chúng tôi xây lâu đài. Nhìn đất và nước trong xô tôi tự hỏi tại sao lại có người chịu hy sinh tính mạng vì chúng. Tại sao nhiều lúc tôi ao ước được trở về Việt Nam để đạp xe đạp trên những con đường ngoằn ngoèo đầy ổ gà, nhìn lại mái trường xưa loang lổ, mục nát. Phải chăng vì chúng có quá nhiều kỷ niệm trong tôi. Ai đã làm ra những kỷ niệm êm đềm này"
Xin thưa đó là đồng bào Việt Nam của tôi.
Như vậy, lòng yêu đất nước chính là lòng yêu nhân dân. Yêu tổ quốc chính là yêu nấm mồ cha ông ngày xưa. Chúng ta không thật sự yêu đất và nước vì chúng chỉ là những vật vô tri, vô giác. Chúng ta yêu chúng vì chúng chứa những kỷ niệm của người thân. Lòng yêu nước, yêu tổ quốc và yêu nhân dân tuy ba nhưng lại là một.
Năm xưa những chiến dịch giết đồng bào Việt Nam như đấu tố năm 54, nhân văn giai phẩm, hay tết Mậu Thân hầu như tất các đảng viên cộng sản đều ít nhiều có tham dự hay biết đến. (Tôi không biết ông có tham dự vào bao nhiêu vụ đấu tố"). Nếu ông cho rằng ông vào quân đội cộng sản vì yêu đất nước, yêu tổ quốc thì tại sao ông thấy nhân dân Việt Nam của ông bị chính các thành viên trong đảng và trong quân đội thủ tiêu thật tàn bạo mà vẫn theo thì thật là khó hiểu.
Nếu ông cho rằng không hề hay biết gì về những tội ác của chúng năm xưa, tôi không thể nào tin được vì theo Dương Thu Hương thì: Bất cứ người dân Việt Nam dù ít học tới đâu cũng có thể nhận ra cái ngu dốt độc ác của Cộng Sản cả.. Trong khi đó ông lại là đại tá tổng biên tập cho báo Quân Đội Nhân Dân và phê bình gia cho Tạp chí Cộng sản.
Mẹ ông làm giao liên bị Pháp bắn, họ hàng ông bị bom Mỹ giết, đó là sự tàn bạo của chiến tranh. Nhưng giữa thời bình, tại miền Bắc, những người dân quê hiền lành, làm chủ vài sào đất do cha ông để lại, bị chôn sống, bị ném đá vào đầu cho đến chết trong đấu tố, đó là sự ác độc, sự dã man của các đồng chí các ông. Phải được đưa ra tòa án nhân dân để xét xử. Quân đội mà ông gia nhập từ trẻ đã có những hành vi giết dân lành một cách tàn bạo như vậy mà nói là yêu đất nước thì ông nên suy nghĩ lại.
Đất và nước chẳng bao giờ chết được, chỉ có người dân Việt đổ máu mà thôi.
Rồi những việc bán đất nước như Trường sa, Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, thì tại sao quân đội nhân dân yêu nước của ông chả có tướng tá nào lên tiếng hay phản đối gì cả" Chỉ có mỗi ông đại tá về hưu Phạm Quế Dương chỉ trích mà thôi. Các đồng chí quân đội yêu nước của ông biến đâu hết rồi. Nên phê bình một vài tiếng cho đỡ tức đi. Có bị kiểm thảo thì ít ra cũng không bị mang tiếng là quân đội bán nước.
Tôi chống chiến tranh, nhưng tôi cũng thù kẻ giết dân lành, khinh bọn bán nước..
Thứ hai là ông vẫn còn ủng hộ và tin tưởng vào ông tướng về hưu Võ Nguyên Giáp thì thật lạ. Năm xưa Võ đại tướng nắm binh quyền mà còn không dám lật đổ chế độ độc đảng thì ngày nay tuổi đã 90, tôi chắc chắn ông ta cũng sẽ chả làm gì đâu.
Tôi chưa được có cơ may gặp ông Võ Nguyên Giáp nên không biết người ngợm ra làm sao. Hai điều tôi thấy rất rõ về ông. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ làm nhục, hạ bệ cho ông coi nhà thương đẻ mà ông vẫn nhận làm thì quả làchì thật. Các tướng lãnh cả đời theo ông, bị thủ tiêu mà ông vẫn tỉnh khô không thèm đứng ra bênh vực dù chỉ là một lời nói thì quả làlạnh quá. Ông Bùi Tín vì lịch sự nên chê là yếu, đúng ra là hèn, là nhát.
Muốn làm đảo chánh, theo ý kiến riêng của tôi, thì ông phải nên tìm ông tướng nào trẻ hơn, đang nắm binh quyền trong tay, để ủng hộ và kêu gọi thì mới có hy vọng. Thời Võ đại tướng qua rồi, qua từ lúc ông nhận làm cai xưởng đẻ. Nên để ông yên thân đợithác. Khi tôi 90 tuổi, tôi thành khẩn mọi người đừng tới rủ tôi làm đảo chánh mà hãy rủ tôi đi mua đất trong nghĩa trang.
Thứ ba là ông kêu gọi các thanh niên Việt ở hải ngoại nên về thăm quê hương để giải thích dân chủ cho người trong nước. Mọi người đều biết rõ giờ đây về Việt Nam mà vô vũ trường tìm em để nhót vài bản hay vào quán cà phê tìm gái để ôm thì đảng vỗ tay hoan nghinh ngay. Nhưng nếu về mà tụ tập chừng tám, chín người để giải thích dân chủ là nhà nước cho ủ tờ liền. Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn là thí dụ điển hình.
Có rất nhiều người ở trong nước du lịch qua đây khoe với tôi là bên ấy bây giờ nhà nước cho tự do lắm rồi, công an cũng ít làm phiền người dân nữa. Tôi hồ hởi, phấn khởi nên đề nghị sẽ mua tặng không khoảng vài ba trăm tờ báo Việt bên này mang về phát không cho đồng bào ta đọc. Tôi cũng bằng lòng trả cả tiền xăng, nhớt, ăn, uống vàbia ôm luôn. Cha nội nào cũng cười cười rồi tự do lỉnh.
Tự do là quyền căn bản mà tự động con người khi sinh ra tự nhiên phải có được chứ không được ai ban bố hay cho phép cả. Nó như là không khí ta thở, nước ta uống vậy.
Chính sách về để giải thích tự do dân chủ cho đồng bào ta ở bên ấy rất là hay, nhưng tối nguy hiểm, do đó chúng ta phải có một kế hoạch, một sách lược thật kỹ lưỡng.
Người về phải được huấn luyện, nắm vững tình hình nơi nào nên tấn công, đối tượng nào cần giải thích. Nên để nhiều giờ với những đảng viên trẻ đang nắm quyền hành nhiều hơn những người già đã về hưu lâu năm. Tìm cách lấy được những email hay số fax của những cơ quan, đoàn thể, của những cán bộ cao cấp gửi về bên này để hàng ngày chúng ta bên đây gửi những tin tức chính xác và những bài vở lành mạnh, nhiều xây dựng cho họ đọc. Người về phải có một hậu thuẫn sẵn sàng giúp đỡ khi bị bắt, che giấu khi họ bị lộ.
Năm xưa công nô đã lầm lỡ khi để những người tù sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ra đi trong chương trình HO. Họ lầm tưởng rằng tống những phần tử già yếu không thể cải tạo này đi Mỹ thì có lợi cho chế độ hơn là giữ lại. Họ quên mất một điều: phần lớn con cái những người sĩ quan này đã lớn lên, lập gia đình và không thể đi được. Đây chính là một hậu thuẫn mạnh mẽ và đáng tin tưởng nhất. Những con các vị sĩ quan xưa đã bị đẩy xuống dưới đáy hỏa ngục, nay đội mồ sống dậy, chắc chắn họ sẽ chơi bạo, chơi đẹp và chơi không nể nang với đảng cộng sản.
Việt cộng rất đa nghi. Cơ cấu tổ chức của họ lại vô tình khuyến khích nghi ngờ nhau, tố nhau để thăng quan tiến chức. Chúng ta phải nắm lấy cái yếu điểm này, tung đủ mọi hỏa mù nghi binh vào những đảng viên nòng cốt của chúng để triệt hạ, hầu đưa những người thức tỉnh lên lũng đoạn chế độ. Những thư, điện thư, fax, email kín kín, hở hở gửi cho những bí danh như anh Năm, anh Sáusẽ làm chúng không tự giết nhau thì cũng chẳng làm việc gì được với nhau vì nghi kỵ.
Tự phát mà về Việt Nam để giải thích dân chủ như ý kiến của ông Bùi Tín đưa ra thì sẽ thành chủ trại cải tạo. Tôi chắc chắn như vậy. Năm xưa đảng cộng sản Việt Nam đã cướp được chính quyền nhờ vào sự khích thích tinh thần đấu tranh của thanh thiếu niên mà không tiếc sự hy sinh xương máu của họ. Ngày nay ông Bùi Tín lại dùng chiêu bài cũ để thí chốt. Tôi sẽ xung phong đi sau ông về để giải thích cho người trong nước hiểu dân chủ là gì.
Sau ông Bùi Tín đang ở bên tây. Bây giờ tới ông Lữ Phương, được coi là nhà văn thức tỉnh trong nước. Năm xưa, nghe tuyên truyền nên theo lời ông thì thời trai trẻ tôi qúy trọng Hồ Chí Minh là do ông ta tô đậm cái tình cảm tự nhiên đó trong tôi để tôi biết trách nhiệm với đất nước. Nhưng cũng chính vì tình cảm và trách nhiệm ấy mà khi tóc đã bạc rồi, tôi không còn có thể mù quáng tin vào ông nữa
Lữ Phương thuộc giới trí thức, di cư vào miền Nam năm 54, tốt nghiệp đại học Sàigòn đầu thập niên 60, bỏ vào bưng, từng giữ chức Thứ Trưởng Văn Hóa chính phủ cách mạng lâm thời miền nam, mà phải nhờ hình bóng của Hồ Chí Minh mới biết làm trai phải có trách nhiệm với đất nước.
Nếu ông chỉ là một người dân quê thất học viết nên câu trên, tôi không buồn cho ông. Đằng này ông lại là người có bằng cấp bậc đại học mà còn than thở: thời trai trẻ nếu không có hình tượng Hồ Chí Minh sẽ không biết rằng làm người phải có bổn phận với núi sông.
Đây là một đại bất hạnh cho đất nước Việt Nam có những người lầm lẫn như ông nên giờ đây dân chúng mới lầm than như vậy. Tôi biết rất nhiều thanh niên Việt chả có bằng tiểu học cũng biết làm người phải có trách nhiệm với tổ quốc, với dân tộc và với đất nước.
Một lần mù quáng chưa đủ, tôi thấy khi ông tóc bạc mà vẫn còn mờ, thành thật xin lỗi khi phải nói thẳng. Vì có lúc ông kể tội Hồ Chí Minh:
Những nhược điểm của sự chọn lựa của Hồ Chí Minh đã bộc lộ rõ rệt trong thời xây dựng hòa bình:
Đấu tố, cải cách: phá hoại đến tận nền tảng đạo lý dân tộc
Hợp tác hóa: phản bội nông dân về ruộng đất
Chỉnh huấn: bơm máu đen vào cơ thể Đảng. Trấn áp chà đạp trí thức
Văn nghệ sĩ: phản bội lời hứa về tự do văn hóa
Khoác lác về cái gọi là dân chủ gấp triệu lần, nhưng lại đè đầu cưỡi cổ nhân dân một cách rất tự nhiên như những cường hào
Sau đó ông lại kết luận cho Hồ Chí Minh là người anh hùng của lịch sử Nhìn tổng thể về thế kỷ 20, tôi cho rằng Hồ Chí Minh là một anh hùng lớn của Việt Nam. Câu cuối ông lại tả y như một kẻ độc tài Hitler:
đẩy cái đám đông nhân dân mà mình muốn đưa lên thiên đàng xuống chín tầng địa ngục! Nhất là những ý định tự cho là duy nhất đúng đắn, cần được bảo vệ quyết liệt bằng một định chế quyền lực cũng tự cho là duy nhất đứng đắn.
Tôi trộm nghĩ ông vẫn còn mù quáng nên cứ viết lộn chữ gian hùng của lịch sử thì đúng hơn là chữ anh hùng. Có lúc ông lại lẩm bẩm gọi cường hào, lúc kêu trấn áp chà đạp, lúc nói phản bội, phá hoại. Chả lẽ theo ông người anh hùng là người nên có những đức tính quý trên của lão họ Hồ"
Đã tự than cho mình mù quáng nên tin Hồ Chí Minh, rồi chê ông khoái nổ, rồi khen là anh hùng lớn của thế kỷ, rồi lại chê kẻ độc tài mà mọi người cả chống lẫn theo nên coi đây như là một bài học nên tránh. Thế này là thế lào" Hay ông cho y là anh hùng độc tài thích nổ" Tôi thấy ý ông rối như mớ bòn boong, flip flop như Kerry.
Tôi không phải là một nhà tiên tri xuất thế, nhưng cũng đoán chắc được tương lai đen tối của ông trong cái thiên đường mà một thời ông đã mê.
Cách hay nhất để dẹp cái đảng phong kiến này là các ông hãy cứ nằm im trong đảng rồi tìm cách giáo dục, thông tin cho các phần tử tiến bộ, lôi kéo họ ra khỏi ý thức hệ giai cấp, tố giác hành vi đê tiện, tham nhũng của những đảng viên thoái hoá, dìm xuồng những thành phần ác độc, cổ hũ, và đưa những người có lòng lên thay thế. Việc này có lợi nhiều hơn là cứ ngồi viết và mơ mộng bàn cãi đảng cộng sản sẽ có ngày tỉnh ngộ theo dân chủ, đa đảng và thôi phong thánh cho Hồ Chí Minh. Năm mươi năm qua rồi, đã có một chút thay đổi gì đâu" Hay vẫn chỉ là một đảng tự tôn tự diễn nắm quyền.
Một lần đã lầm đường, xin các ông đừng tự ái cố tình lạc lối nữa.
Càng đọc chuyện tôi càng nhức đầu vì những ý tưởng chính trị ngây thơ, không tưởng của những người cầm bút thời đại. Vợ tôi đưa ý kiến nên mua chuyện của nữ sĩ Quỳnh Dao về đọc thì ăn cơm với canh lá dang được nhiều hơn.
Tôi bỗng nhiên sực nhớ tới một điều quên hỏi:
- Lá dang của người miền Trung em là dang nào. Dang tay, dang chân ra hay là dan díu vô. Gian thương hay lại là ông ca sĩ Giang Tử" Rang muối hay ran rát" Gê dưới hay dê trên" Rờ, gờ hay là dờ" Có gê ở cuối chữ hay là không dê"
Vợ tôi cũng lây cái bệnh nhức đầu của tôi. Nàng suy nghĩ một lúc rồi trả lời với giọng nhúôm đầy mùi chính trường Hoa Lục:
- Có lẽ là ông Zang Trạch Zân.
-
Houston, viết cho một mùa hè nhức đầu, năm 2004
Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.