Hôm nay,  

Đi Câu Cá, Đi Bắt Cá

19/10/200400:00:00(Xem: 149515)
Người viết: KIM N. C.
Bài số 632-1172-vb7161004

Tác giả Kim N.C. cư dân Anaheim, đã viết "Vui buồn nghề Nails," "Người đẹp Hà Thành và nước Mỹ" và “Nước Mỹ Đủ Chuyện”. Sau đây là bài viết mới của bà.

Chị Ba thuộc típ người bình dân học vụ, ăn to nói lớn, thấy gì nói nấy, cũng có khi nói trúng và cũng có khi nói trật lất. Tuy bình dân học vụ nhưng chị Ba cũng phải công nhận nước Mỹ quả thật là cả một thiên đường. Thiên đường không có nghĩa là buổi sáng thức dậy đi bộ nhặt đôla rớt đầy đường như chuyện TV chạy đầy đường ngoài Hà Nội sau 75. Cũng không phải nhà nào ở Mỹ cũng có cây đèn thần như trong truyện Aladin, cứ gõ một cái là thần đèn hiện ra xin cho con bữa nay trúng lớn ở... bicycle. Xứ Mỹ cũng không phải như trong truyện cổ tích, sờ tay vào đâu là thứ ấy biến thành "dzàng" 24 karat. Dù vậy, nhiều chuyện nhỏ nhặt góp lại đủ cho chị Ba khẳng định là được sống trên đất nước Hoa Kỳ là một điều may mắn.
Như mọi người mới tới định cư trên đất Mỹ, muốn sống còn thì phải chịu khó cày, vợ chồng chị Ba cày như điên, cày ngày không đủ tranh thủ cày đêm, cả hai không mơ màng mơ tưởng gì đến chốn ăn chơi đèn xanh đèn đỏ, anh Ba muốn nghe "dạc dẹ cho đỡ dớ dà" (nhạc nhẹ cho đỡ nhớ nhà) thì cứ việc bấm cái nút của máy CD là nghe đủ thứ từ giọng ca vàng đến giọng ca bạc, muốn mờ mờ ảo ảo romantic thì tắt hết đèn đóm đi. Muốn cà phê ư" Sao lại tốn tiền đi Star Buck mà chị Ba gọi là cà phê fom buck, gần 4 đô la một ly cà phê uống vô đứt ruột. Sao lại tốn tiền tốn thì giờ cà kê dê ngỗng ở cà phê neon mờ chi cho nhức đầu nhức mắt vì mấy bộ bikini. Cứ Vina Cafe, 2 đôla 24 gói uống mệt nghỉ, vừa ủng hộ đồng hương, vừa đậm đà hương vị ban mê rồi mở TV ra mà coi và quên đi mấy em mặt mini-bikini cực kỳ hấp dẫn lượn tới lượn lui ở cà phê Dĩ Vãng hoặc mấy em ở cà phê Lú mặc áo dài trong suốt như chẳng mặc gì.
Vợ chồng chị Ba cày miệt mài cho đến khi nhà cửa, xe cộ đầy đủ, con cái học hành thành tài lấy vợ gả chồng xong thì thở một cái phào. Hai đứa, à không, 2 ôn mệ già ngồi ngó nhau trong căn nhà mênh mông là buồn thì mới giật mình tuổi thanh xuân nay còn đâu, và chợt "nhìn lại mình đời đã xanh rêu" (TCS). Chị Ba bèn nảy ra ý kiến vô cùng độc đáo mà rẻ tiền:
- Anh à, mình kiếm cái gì giải trí đi, để em đi Target mua 2 cái cần câu, thùng đồ nghề rồi cuối tuần 2 ôn mệ đi biển giăng câu.
Anh Ba lẩm bẩm mà không dám để chị Ba nghe:
- Giăng câu mà đi với em thì còn làm ăn được cái quái gì được.
Nói vậy, chứ anh ba hăng hái đồng ý với chị ba, nhưng anh cũng phải cẩn thận nghe đồn đi câu cá cũng phải mua license nữa, lạng quạng mà đi câu không có "bằng" là bị ăn ticket nữa. Anh Ba thăm dò ý kiến với ông bạn già đi câu chuyên nghiệp. Anh Tư Bốn Xị (vì uống đúng 4 xị là xỉn) gào lên:
- Ối giời! Đi câu mà dẫn vợ đi thì có mà câu không khí, đàn bà rất nặng vía, ông tin tôi đi. Mỗi khi đi câu tôi dặn kỹ bà xã tôi rằng: Hễ thấy tôi dậy sớm cuối tuần tức là đi câu, bà không cần phải lè nhè hỏi: anh đi câu hả" Cứ hỏi thế là toi, ngày đó xách cần câu về không. Ông ơi, đi một mình đi, giời ơi nhìn nhau cả tuần chưa chán à mà còn đòi dẫn vợ đi câu nữa hở giời.
Anh Ba nghe cũng chột dạ nhưng chẳng lẽ giờ lại nói chị Ba đừng đi câu nữa, cá nó kỵ đàn bà nó khoái đàn ông, mà không chừng lại nghe chị Ba ca cải lương cho cả tháng.
Thứ bảy, 2 vợ chồng già chuẩn bị chu đáo cho buổi đi câu đầu tiên, chị ba còn cẩn thận đem theo đủ thứ gia vị, mắm muối bánh tráng, rau sống đề phòng "cá cắn câu biết đâu mà gỡ" thì 2 ôn mệ có bữa cá nướng ngon lành.
Anh chị ba vác cần câu ghế xếp, thùng đá đi ra cầu Huntington Beach, sáng sớm mà đã có đông đảo người đi câu và không thiếu chi đồng hương. Theo lời anh Tư bốn xị, mùa này có loại cá không cần tốn mồi , chỉ cần móc mồi giả thôi. Anh Ba quăng giây run đùi ngồi chờ... cá, chị Ba ngó quanh quất góc kia có mấy ông Mỹ già câu cá đang la lối với mấy ông già Việt Nam.
- Hey, mấy you phải thả con cá này xuống nó chưa đủ lớn để bắt.
Mấy ông già Việt Nam thì tiếc của lẩm bẩm:
- Mẹc xà lù, cá ở biển cỡ nào mà chả được. Đây là xứ tự do mà.
Thế là các cụ cứ từ từ gỡ cá cho vào thùng.
Một lát sau cảnh sát tới, mấy ông Mỹ chỉ chỏ về phía các cụ ta. Ở Mỹ tự do có thiệt nhưng luật là luật. Cảnh sát buộc các cụ phải thả con cá về biển chờ nó lớn còn không là bị phạt tiền. Nhờ đi câu chị Ba mới biết thêm một điều, đi câu là để giải trí thôi chứ không được câu quá số cá ấn định. Nhưng người mình thì thừa thông minh để lọt qua cái luật đó, họ câu được 10 con thì xách ra xe bỏ vô thùng đá để quay vào câu tiếp, có khi được nhiều họ đem ra chợ bán bớt.
Anh Ba thấy 2 cần câu trĩu xuống thì la lên kêu chị Ba tới phụ, bầy cá đen nhánh, mập ú trông giống cá nục bơi lang thang vướng vào mấy cái lưỡi câu. Anh Ba kéo lên thấy cá toàn là bị lưỡi câu móc vào bụng, chị Ba vui quá đỗi là vui, anh Ba thì nhủ thầm: cá nó đâu có kỵ đàn bà.
Tới xế trưa chị Ba thấy càng đông mấy ông đồng hương trung niên cũng có, xồn xồn cũng có, già chát cũng có, vác cần ra gần cuối cầu thì dừng lại buông dây câu. Xong họ đeo kính đen vào quay lưng lại ngắm mấy kiều nữ Hoa Kỳ thơm như múi mít, em nào em nấy như thần vệ nữ trong mấy bộ bikini cực kỳ nhỏ xíu, mấy em lạng phía nào thì mấy anh phe ta quẹo cả cần cổ về phía đó, cho dù mấy ảnh có đeo kiếng đen như mấy ông coi bói ngồi ở lăng ông, chị Ba cũng thấy mấy con mắt láo liên dòm gái muốn lòi tròng của mấy ảnh. Trời càng nóng mấy em càng bò ra cầu càng đông, báo hại cần cổ của mấy ảnh làm việc nhiều hơn, mắt thì hoa lên, mồm thì há gốc ra xém rớt cả răng giả. Tới chiều mấy em bikini vãn tuồng thì mấy ảnh xếp cần câu lại, chị Ba thấy cần câu chẳng có cái lưỡi câu nào.
Bữa đi câu đầu tiên, anh ba câu được 8 con cá bự, chị ba đem cá ra vòi nước làm ruột sạch sẽ (ở Mỹ đã thiệt, đã làm cầu cho câu cá, rồi thì chỗ làm cá, “toi le he” cho dân đi câu, quán cà phê kế bên cạnh), xong chị ướp xả tỏi hành muối tiêu gói sẵn vô giấy bạc. Trong khi đó, anh Ba bốc phone ơi ới gọi mấy cặp vợ chồng già, hẹn nhau ra cái lò nướng có sẵn trên bãi cát dưới chân cầu. Chị Ba chạy ra xe đem than, chén dĩa giấy, anh Ba chạy và đi mua thêm nước uống, chị Ba nhúm than lên lửa đỏ hồng.
Cá mới câu tươi rói, mùi xả tỏi hành bay lên ngào ngạt. Chị Ba quả là người nội trợ đảm đang tính trước đủ thứ chuyện. Chị lôi trong thùng đá ra nào mắm nêm pha sẵn, bánh tráng, rau thơm, đủ cho một cuộc nhậu dã chiến. Anh Ba cắc cớ hỏi chị: "Lỡ bữa nay không câu được con cá nào thì sao"" chị trả lời: "Thì dzìa ghé chợ mua cá về nhà nướng".
Thế rồi đám bạn già của vợ chồng chị Ba tới, gió mát trăng thanh, cá tươi ngọt lịm, mắm nêm thơm phức, ớt sừng trâu xứ Huế cay giòn. Chỉ tiếc là không được uống bia ở biển, những câu chuyện giòn tan cũng đủ lãng quên dời di tản, chị Ba nói nước Mỹ là thiên đường đâu có sai, như giờ đây chị Ba thấy mình đang hưởng một thứ hạnh phúc khỏ tả với biển trời mênh mông mà quên đi "đời là bể khổ, tu là cõi phúc, tình là giây....thun".
Từ đấy, cứ cuối tuần là vợ chồng anh Ba đi câu, nay biển này mai biển khác. Tuần rồi anh Ba rủ chị ba đi câu ở Newport Pier.


Trong khi anh ba chờ cá, thì chị ba thả bộ ra phía mấy đứa đang chơi trượt nước, chị thấy có một dải đất trải đá tảng dôi ra bờ biển. Chị Ba quay lại cầu rủ anh Ba xách cần ra bờ đá may ra có nhiều cá và phong cảnh hữu tình. Nửa giờ sau chị ba thấy 2 ông cảnh sát Mỹ đi về phía vợ chồng chị mới thả câu họ nói năng xí xa xí xô rồi ra hiệu cho vợ chồng chị theo họ trở vào bờ cát. Tới bãi cát, cảnh sát chỉ vào tấm bảng tiếng Mỹ, tiếng Việt đề huề "No Fishing" "Cấm câu cà" (cà, xê a ca huyền cà, chứ không phải cá, xê a ca sắc cá). À, thì ra chỗ này không được câu cá. Vậy mà chị ba vốn gốc dân Quảng Nam hay cãi, tiếng anh thì nói như gió tiếng có tiếng không, cũng múa tay nói với ông cảnh sát:
- Sir ơi là sir, me câu cá chứ không câu cà.
Ngài cảnh sát thì gầm gừ:
- No Fishing right here, OK
Chị Ba cứng đầu cứng cổ, chạy lại cái bảng chỉ chỏ
- Sir, you see, cà là cà, me câu cá.
Cảnh sát thì vò đầu bứt tai, chị Ba thì mặt cứ thộn ra như bà cả thộn, may thay có cô nhỏ người Việt Nam chạy bộ ghé lại coi sự gì xảy ra, cổ phì cười vì cái bảng viết sai chính tả, cổ nói với chị Ba đi về phía cầu mà câu đi, chỗ này cấm câu cá.
Thế là 2 ôn mệ dắt nhau trở về cầu Newport vừa đi vừa phá ra cười, chị Ba nói:
- Bữa nay xui quá, đi về ghé vô Đà Lạt Bistro ăn cá nướng xả xui.
Một thứ bảy khác, chị Ba bàn với chồng, đi mua một chiếc xe đạp để khi anh Ba thả câu thì chị Ba đạp xe lòng vòng và anh ta tha hồ mà ngắm mấy nhân ngư mặc 2 mảnh.
Chị Ba tuy già chứ cũng còn hăng lắm, đạp xe từ Newport tới tận Sunset Beach rồi mới quay trở lại. Buổi sáng sớm không khí trong lành trên còn đường mòn (trail) dành cho người đi bộ và xe đạp, chị gặp nhiều cụ già Việt Nam đi tà tà thanh thản, quả là một buổi sáng tuyệt vời, chị ba thấy mình sống trong thiên đàng.
Khi đạp xe qua khỏi cầu Huntington chị Ba thấy một bãi biển dành cho chó, có tấm bảng bằng đá thật to đề chữ "Welcome to Huntington Dog Beach". Hèn chi mà đủ thứ loại chó nô đùa chạy lung ting dưới nước, chưa hết. Thiệt là nước Mỹ hết chỗ nói, họ chu đáo đến độ chị Ba thấy mấy cái thùng to như thùng thư có đề bảng "Here dog bags", đây rồi cờ tây, à không phải, "đây này, bao hốt phân cho chó". Rồi thì chị Ba thấy mấy ông bà Mỹ chủ nhân của đám chó đang "èn doi" dưới nước, họ đứng trên bãi cát, tay cầm khăn, tay cầm lược gọi chó cứ rối rít cả lên, nào là:
- Shushi lên bờ ngay kẻo lạnh, honny.
- Ti, ti, come here, không tắm nữa, I miss you, baby.
Rồi thì họ ôm chó hôn hít như hôn con nít, chị Ba ngẩn người ra làm thơ:
"Kiếp sau xin chớ làm người
Làm chó ở Mỹ cho đời lên hương"
Ngắm chó đã đời rồi chị Ba chạy tới Seal Beach ngắm mấy đám chơi truợt nước. Khi đạp xe ra khỏi Seal Beach chị ba nhìn ra khơi thấy những tàu chiến có súng cà nông màu xám ngắt, nhìn xa trông giống như những hòn đảo ở Vịnh Hạ Long bên Việt Nam làm chị ba chạnh lòng nhớ quê hương vô kể. Bên kia bờ là quê nhà mà sao đạp xe hoài không thấy tới.
*
Có buổi tối bạn anh Ba gọi phone ơi ới:
- Tối nay cá lên bờ đẻ, chuẩn bị đi bắt cá nha, tui đọc báo Mỹ đàng hoàng, họ nói ở biển Seal Beach đúng 11 giờ đêm nay, mà nhớ nhen không được bắt bằng rổ hay lưới mà chỉ được bắt bằng tay thôi.
Chu cha, chưa bao giờ chị Ba thấy biển đêm mà đông đảo người đồng hương VN như vầy. Bà con ơi ới gọi nhau ầm lên cả một vùng biển làm chị ba tưởng đâu mình đang ở biển Vũng Tàu.
Mà thiệt ngo,ä đúng 11 giờ cá theo những ngọn sóng dạt vào bờ, ngoáy cái đuôi xuống cát để đẻ trứng xong theo sóng trôi ra biển, đứa nào chậm chân thì bị phe ta tóm cổ. Thực sự thì cũng không dễ bắt, chị Ba thấy cá đập vào cả chân mình rõ ràng, chị chụp cả 2 tay tưởng đâu 2 con cá ai dè toàn là cát không. Không khí bắt cá tưng bừng nhộn nhịp, mỗi lần cá lên bờ là la hét khan cả cổ, cho đến quá nử đêm vợ chồng chị ba mới đi về.
Có bữa chị ba tính đi câu ở Dana Point thì mấy đứa bà con của anh Ba gọi tới rủ đi câu ở đâu xa lắm, anh Ba an ủi vợ:
- Tuần này em ở nhà, bọn thằng Bình mới mua cái canô nhỏ, anh sẽ mang nhiều cá về cho em tha hồ mà nướng.
Câu cá ngoài khơi đâu chẳng thấy chỉ thấy chiếc xe truck kéo chiếc canô chở anh Ba và đám đàn ông chạy tót qua biên giới Mễ phía San Diego, anh Tư bốn xị, giờ này toét miệng ra giải thích:
- Bữa nay mình đi câu ở Mexicô bảo đảm cá tôm đầy thuyền.
Tối đó đám đàn ông Cali vui chơi thỏa thích trong khu phố Tijuana đèn xanh, đèn đỏ, đã đời rồi cả bọn lái xe vô thêm 4 giờ nữa mua cá tôm dấu vào thùng xe rồi dọt lại về Cali, an toàn trên xa lộ, chị Ba ở nhà sốt ruột vì qua đêm mà chưa thấy chồng về, cell phone thì anh Ba đã tắt lấy đâu mà gọi. Sáng sớm chị Ba đã ra trước sân ngóng, tay bấm phone lia lịa gọi từ nhà này qua nhà khác, chiếc xe truck của thằng Bình vừa dừng trước cửa, anh Ba bước xuống với một thùng cá tôm, chị Ba lúc này đâu có tơ tưởng gì đến lũ cá lũ tôm đó, chị nhìn chăm chăm vào chiếc canô khô khốc không thắm một chút nước nào, để cho chắc ăn chị bước tới nhìn chiếc tàu cho rõ, quay lại bên cạnh anh Ba chị hỉnh hỉnh mũi đánh hơi thấy mùi nước hoa là lạ. chị Ba vừa chống nạnh vừa quắt cặp mắt lên, tính la toáng lên thì bọn thằng Bình bèn cứu bồ anh Ba đang đứng đờ ra như cột đèn, nó ngồi trên xe chỏ miệng xuống.
- Xin lỗi chị Ba, tụi em đi câu xa quá nên về trễ, thông cảm nhe bà chị.
chị Ba te te đi vô nhà đóng cửa một cái rầm, anh Ba đi vòng ngõ sau xách tôm cá vô nhà. anh Ba giả bộ con nai vàng, giả lả nói với chị Ba:
- Có chuyện gì dậy em cưng" anh về trễ chút xíu mà.
chị Ba xù lông, xù cánh dữ tợn như con gà mái mẹ sẵn dàng xông trận đá lộn với địch thủ gà trống, chị gầm lên:
- Nè, bọn anh đóng tuồng dở quá, giờ trả lời cho tui biết. Cá tôm mua ở chợ nào" đêm qua câu được mấy con "ghẹ"" "ghẹ" gốc nào mà biết xài nước hoa nồng nặc như mùi nước hoa chợ lớn của mấy ông thợ cạo vỉa hè. anh Ba gãi đầu, gãi tai
- Em nói năng gì mà linh tinh quá đỗi, anh đi câu rõ ràng, em không tin thì hỏi. .... chị Ba rít lên như tiếng gió bão Evan
- Hỏi ai, hỏi ông cai bến đò à.... Tui truyền đời báo danh cho mà biết, kể từ rày sắp lên, biểu bọn thằng Bình, Tư Bốn Xị đừng hòng qua mặt gái già này, đi câu gì mà tàu bè khô rốc, hộp mồi còn nguyên. Đi câu gì mà áo quần nồng nặc mùi thơm điếc mũi. đi câu gì mà....
chị Ba tiến tới gần anh Ba, kéo ra một sợi tóc nâu dài óng ả (điều này không thể chối cãi vì chị Ba cắt tóc demi gargon) chị dí sợi tóc vào mặt anh Ba:
- À, há, cá này loại gì mà tóc dài dữ vậy, hay là ông lặn xuống thủy cung gặp được người cá"
Rồi thì máu Hoạn Thư nổi lên, chị Ba nhéo lỗ tai anh Ba như hồi nhỏ thấy giáo nhéo tai học trò, chưa hết chị chạy bay vô bếp lấy con dao chặt xương (dao này chị Ba đem từ Saigon qua làm bằng sắt đường rầy) rồi sẵn tay chị chụp cây búa. Thế là tay dao tay búa chị phang tới tấp vô thùng đồ nghề và cái cần câu vô tội vạ, hú hồn tưởng đâu phen này anh Ba bỏ mạnh ở ô Cầu giấy.
Thế là chiến tranh lạnh âm ỉ cả tháng rồi anh Ba thú thiệt điều chị Ba mới nguôi ngoai nỗi hận đồ bàn, từ đó cuối tuần, 2 ôn mệ chỉ còn cách ra vườn, ngó lũ cá bàng tớp tớp cái mỏ không nói ra lời, chị Ba vốn nóng nãy nhưng mau quên, nhớ lời má dạy trước khi đi Mỹ rằng: sống là phải biết "forget and forgive", chị thấy chồng lủi thủi với lũ cá vàng hoài cũng tội, chị bèn xách xe chạy lên Target sắm lại đồ nghề đi câu, trở về nhà chị chất ghế, thùng đá, thức ăn lên xe. anh Ba đang nằm dài mơ tưởng tới mấy người đẹp da nâu ở miệt Tijuana chị Ba tới bên khều khều:
- Ông già gân, dậy mau đi câu với mệ.
anh Ba bật dậy nhanh như chớp:
- Câu thì câu, sợ gì......
Kim N.C

Ý kiến bạn đọc
21/03/201905:18:01
Khách
Truyện ngắn của Chị thật hay, rất khôi hài! Cám ơn Chị nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,731
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.