Hôm nay,  

Bài Viết Không Tên Về Nước Mỹ

22/06/200400:00:00(Xem: 187593)
Người viết: TRỊNH THU HÀ
Bài số 566-1104 VB6180604

Tác giả Trịnh Thu Hà đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2001 với bài “Có Một Người Anh”. Theo bài viết, cô là một trong 8 người con một gia đình cựu sĩ quan VNCH, bố từng đi tù cộng sản hơn 10 năm, đến Mỹ theo diện H.O. Bài viết mới lần này, theo tác giả, là “những suy nghĩ và nhận thức” về con người ở đây và những gì đang diễn ra trên quê hương Việt Nam.
*

Hơn mười năm trước, gia đình tôi đặt chân lên xứ cờ Hoa này mang nhiều tâm trạng khác nhau: hồ hởi, lo lắng, hy vọng và kèm theo cả sự thất vọng nữa.
Với những người khác, tôi không hiểu họ nghĩ gì về nước Mỹ trong những ngày đầu. Riêng tôi, cảm giác đầu tiên khi vừa bước chân ra khỏi phi trường Los Angeles là cái không khí tự do mà tôi đang hít thở. Từ trong thâm tâm, tôi so sánh mình ví như con cá đang bơi lội trong cái hồ nước nhỏ, nay được đắm mình trong làn sóng xanh của đại dương bát ngát: Sung sướng và tự do. Cảm giác lâng lâng, tự do ấy theo tôi rất lâu trong những tháng ngày sau đó.
Tôi cũng giống như bao nhiêu người trẻ khác đến Mỹ tuy có muộn màng, nhưng vẫn hao hức muốn khám phá bao nhiêu điều mới lạ xung quanh mình. Tôi đã đọc nhiều những mẩu chuyện rất hay của những người đồng hương khác khi kể về những nỗi vui hay buồn, thậm chí có khi là thất vọng trong thời gian dài cố gắng hòa mình vào vùng đất mới. Tôi nghĩ rằng quá trình hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ của riêng tôi, hay của gia đình tôi có lẽ rất giống với trăm ngàn gia đình Việt Nam khác bôn ba trên đất Mỹ này, Tôi sẽ không dông dài thêm về những điều như vậy trong bài viết này.
Điều tôi muốn trao gởi qua bài viết này là những suy nghĩ và nhận thức của riêng cá nhân tôi đối với đất nước và con người ở nơi đây và những gì đang diễn ra trên quê hương Việt Nam.
*
Rất tình cờ, tôi đến nhà một cô bạn gái và nghe cha mẹ của cô ta đang lên án thậm tệ lối sống Mỹ, người Mỹ và cả cái nền văn hóa Mỹ là thực dụng, thiếu thủy chung và thậm chí là vô đạo đức. Ông bà ra một yêu sách bất di bất dịch "Hoặc là thằng Mỹ đó, hoặc là gia đình, chọn một trong hai…". Người bạn gái tôi đã khóc hết nước mắt về chuyện chọn lựa ác nghiệt này, khiến cô ta không biết phải tính làm sao. Cô ta hỏi tôi cách giải quyết vấn đề sao cho khỏi xung đột với gia đình và bố mẹ mình. Dù rằng cô và anh bạn Mỹ ra sức thuyết phục ông bà, ngay cả việc đem tình yêu của hai người dành cho nhau để chứng minh nhưng vẫn vô ích. Tôi lắng nghe câu chuyện của cô xong, tôi hỏi cô ấy:
- Nếu giả như mày vẫn yêu anh ta, còn ông bà thì cứ khăng khăng giữ lấy quyết định đó thì mày làm sao" Mày chọn ai"
Cô ta ngần ngừ, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tao lấy người tao yêu. Cho dù chuyện gì có xảy ra tao chấp nhận hết.
Cái quyết định của cô bạn tôi cho là hợp lý bởi lẽ đây là chuyện tình yêu, và khi Yêu thì người ta có thể chấp nhận mọi rủi ro, đau khổ nếu có xảy ra. Và cuối cùng cô ấy đã làm đúng những gì cô ấy nói. Tôi mừng cho cô bạn vì ít ra cô biết mình muốn gì và phải làm gì để được điều mình muốn, mặc dù điều này có thể đem đến sự đau khổ cho cô, sự bực bội cho bậc cha mẹ.
Nhưng cái kết luận chắc như "đinh đóng cột" của ông bà cụ về đạo đức và con người Hoa Kỳ thì lại làm tôi bận tâm không ít. Có thật là nền văn hóa non trẻ của Hoa Kỳ phải chăng đang đi dần đến tình trạng "vô đạo đức" như một số người Việt ta nói hay không" Và con người Hoa Kỳ đang sống một lối sống phù phiếm, vật chất quên dần giá trị tinh thần và đạo đức" Tôi đi tìm hiểu và tự thấy.
*
Có một buổi chiều trong một trường đại học cộng đồng, tôi chứng kiến một anh sinh viên còn rất trẻ tuổi bị mắc căn bệnh mà ta hay gọi là "Hội chứng Down" hay "Down Syndrome" rất nặng. Anh ta bị kẹt trong cầu thang máy của thư viện trường học, có thể vì anh ta không biết xử dụng cầu thang nên đã bấm nhầm vào một nút nào đó, khiến cho cầu thang dừng lại giữa hai tầng lầu, và cửa không mở ra được nữa. Mọi người, trong đó có tôi đều thấy anh ta xuyên qua khung cửa kính của cái thang máy, đang bối rối, la hoảng có vẻ kinh sợ vì kẹt ở trong đó. Ai cũng lo lắng và thương hại cho người sinh viên kém may đó, nhưng không biết phải làm sao. Bất chợt, một người đàn bà Mỹ từ thư viện trường chạy đến bên cầu thang. Bà ta trông nặng nề về hình dáng, nhưng bà lại rất nhanh nhẹn khi miệng yêu cầu một sinh viên gần đó chạy vào bookstore mượn phone và gọi khẩn cấp cho đội sửa chữa trong trường học, bà đọc thật nhanh số phone cho anh ta. Sau đó, bà quay lại anh thanh niên mắc nạn kia nói lớn lên nhưng với giọng rất dịu dàng cố an ủi và làm dịu sự sợ hãi của anh ta. Tôi cứ nghe bà ta lập đi lập lại:
- Sweat heart, please calm down. Everything is alright. We'll take you out immediaety. Just don't worry (Cháu hãy bình tĩnh đi. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi mà. Chúng tôi sẽ đem cháu ra khỏi nơi đó tức khắc. Đừng lo gì cả nhé.)
Bà nói và giữ nụ cười trên khuôn mặt xinh xắn của mình. Hình như anh sinh viên trẻ đó đọc được sự quan tâm, an ủi trên mặt bà, nên anh ta dịu xuống thôi không la hét, hay đấm đá vào cái thang máy nữa. Bà ra dấu cho anh ngồi xuống, im lặng. Tôi đứng đó khá gần chỉ nghe được tiếng anh ta vang vang trong cầu thang không rõ lắm.
-Mommy… save me please. save me please…get me out of here …(mẹ ơi, cứu con…cứu con với…đem con ra khỏi nơi đây đi).
Rồi anh ta ngồi xuống, khuôn mặt áo vào thành cửa kính nhìn bà như van xin cầu khẩn.
Vài ba người đàn ông chạy rất nhanh lại mang theo một ít đồ nghề. Họ cố gắng sửa cái cầu thang, trong lúc bà vẫn nói chuyện với anh thanh niên trẻ rất dịu dàng và nhẹ nhàng. Tôi thấy anh ta chùi nước mắt, anh khóc như một đứa trẻ lên mười vậy. Tôi hiểu với căn bệnh đó thì bộ não anh chỉ có thể phát triển như một đứa bé cho dù anh có một thân xác người lớn.
Loay hoay mãi rồi cuối cùng người ta cũng hạ được cầu thang xuống. Cánh cửa mở ra, anh ta lao ra như một cơn lốc và ôm chầm lấy bà Mỹ đó. Anh gục đầu vào vai bà khóc rưng rức, trong lúc ấy bà ôm anh vỗ nhè nhẹ vào lưng và dịu dàng nói vào tai anh điều gì đó. Mọi người đứng nhìn xung quanh, bất giác vỗ tay vang rần vì thấy anh thoát nạn. Sau đó, bà dẫn anh lên văn phòng, tay trong tay bà dắt anh đi như người mẹ dắt một đứa con. Anh ngoan ngoãn theo bà, thậm chí tôi còn thấy anh cười với bà.
Mọi người tan đi vì câu chuyện đã kết thúc. Chỉ có tôi còn đứng lại nhìn theo bóng hai người dần xa khuất, lòng bâng khuân vì những hình ảnh rất tình người mà mình vừa thấy được.
*
Một buổi chiều khác, tôi ra một thư viện công cộng ngồi học bài và đọc sách. Tôi thích được ngồi ở công viên để ngắm người qua lại. Được nhìn đủ mọi loại người, đủ loại khuôn mặt, màu da, màu tóc….và nhất là được nhìn những nét ẩn hiện lộ lên nét mặt để ngồi đoán tâm tư của người qua đường, luôn luôn là một điều thích thú đối với tôi.
Trong lúc đang thả hồn làm "thầy bói tâm lý" cho người bàng quang, tôi thấy một cặp vợ chồng Mỹ cùng hai đứa con gái đi về hướng tôi ngồi. Hai vợ chồng tuổi có lẽ xuýt xoát nhau độ ngoài ba mươi, có hai cô con gái tóc vàng hoe rất xinh xắn tuổi độ chín hay mười cùng đi theo. Điều tôi chú ý là người vợ cả hai chân bị teo lại, ngồi trên xe lăn. Có lẽ bà ta bị một căn bệnh bại liệt nào đó. Ông chồng đang thảnh thơi đẩy chiếc xe lăn của vợ và nói chuyện với vợ có vẻ say đắm lắm. Còn bà thì thỉnh thoảng ngước lên nhìn chồng miệng cười rất tươi, hoặc đôi khi mắt hướng về các con gái một cách âu yếm.
Với tôi, đây là một cảnh gia đình rất hạnh phúc, nhưng hạnh phúc sẽ hoàn toàn nếu như bà ta đi đứng như một người bình thường, tôi nghĩ thầm vậy!
Mắt mãi theo dõi cái gia đình nhỏ bé đó, tôi thấy hai ông bà dừng lại trên bãi cỏ xanh mướt dưới một tàng cây lớn. Người chồng gỡ cái túi lớn mắc trên xe lăn của vợ xuống. Ông ta lui cui lấy ra một tấm ni lông hoa rất đẹp. Rồi ông quay lại nói với cô con gái lớn điều gì đó, và đưa cho em tấm ni lông kia. Em cầm lấy, mở ra giũ giũ mấy cái cho thẳng tấm ni lông rồi trải xuống bãi cỏ. Sau đó, em đứng dậy sửa sửa một chút theo sự điều khiển của người cha. Còn em bé nhỏ hơn thì tay cầm một chiếc gối nhỏ vội để lên trên tấm ni lông. Người chồng sau khi nhìn ngắm các con gái làm việc xong, cúi xuống bế người vợ thật nhẹ nhàng và đặt bà ngồi lên chiếc gối nhỏ. Cả bốn người làm việc rất ăn khớp với nhau, nhịp nhàng như một cổ máy. Hình như họ đã quen lắm với công việc này. Và ai cũng biết bổn phận của mình là phải làm gì.
Sau khi yên vị xong, tôi nghe người mẹ gọi một cô con gái đẩy cái làn thức ăn lại gần bà rồi bà nhẹ nhàng mở nắp làn, soạn thức ăn ra ngoài chuẩn bị đồ ăn cho tất cả mọi người trong buổi picnic bỏ túi như vậy.
Tôi say sưa ngắm nhìn cái gia đình nhỏ bé đó gần cả buổi chiều. Dù rất tò mò, rất muốn đến làm quen với họ, nhưng tôi không muốn phá vỡ giây phút êm đềm của cái gia đình đó. Tôi cứ vừa học bài vừa quan sát họ. Cho đến khi chiều xuống, trời trở lạnh hơn người vợ dọn dẹp thức ăn bỏ vào làn, xong bà quay lại cười với chồng, bà tỏ ý muốn ra về. Ông cũng cười với bà rồi tiến lại gần bế bà để lên chiếc xe lăn ở bên cạnh. Hai cô con gái biết bổn phận mình dọn đẹp rác rưởi xung quanh, gấp lại tấm ni lông, cầm cái gối nhỏ theo và tung tăng đi theo bố mẹ ra xe, trả lại bãi cỏ với nguyên trạng của nọ.
Tiếng cười thoải mái của họ văng vẳng từ xa đưa vào vai tôi như một điệp khúc của hạnh phúc. Tôi có cảm giác mũi mình cay cay. Tôi chợt nhận ra rằng: hạnh phúc ở đâu xa. Hạnh phúc là giây phút tôi vừa trải qua, nhìn ngắm niềm hạnh phúc ngọt ngào của người khác và thấy thật hạnh phúc khi biết rằng còn có rất nhiều con người đang dùng tình yêu, tình nhân loại để đối xử với nhau.
*
Ngày tôi còn làm phụ giáo trong một trường tiểu học ở thành phố nhà, tôi được làm việc chung với giới giáo chức Hoa Kỳ suốt mấy năm liền. Tôi đã học rất nhiều điều mới lạ trong môi trường giáo dục của Mỹ. Điều đó làm thay đổi rất nhiều những suy nghĩ của tôi về người Mỹ.
Tôi nhớ đến người giáo viên mà tôi làm việc chung, cứ mãi quan tâm đến ngôn ngữ Việt Nam vì bà rất thích nghiên cứu ngôn ngữ ngoại quốc. Một hôm, trong giờ nghỉ giải lao, tôi với bà ngồi nói chuyện với nhau, bà chợt hỏi tôi:
- Tôi rất thích nghe người Việt nói chuyện vì tiếng nói nghe rất hay. Nhưng tôi không hiểu người Việt nghĩ gì khi sáng nay tôi chứng kiến một bà mẹ đã la thằng con trai của bà là không được nói tiếng Việt với bà ta mà phải nói tiếng Anh. Bà ta sẽ không nói chuyện với thằng bé nếu nó nói tiếng Việt với bà. Không lẽ người Việt ở đây không thích dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau à"
Tôi ngạc nhiên vì câu hỏi đó, nhưng rồi cũng biện hộ:
- Không phải thế đâu. Người Việt chúng tôi rất thích nói tiếng Việt với nhau lắm chứ. Có lẽ bà mẹ đó lo rằng thằng bé mải nói tiếng Việt sẽ không nói được tiếng Anh, không theo kịp bạn bè trong lớp, nên bà ta không cho nó nói tiếng Việt nhiều. Tôi nghĩ là như vậy.
Bà giáo lắc đầu cười với tôi:
- Tôi nghĩ bà mẹ đó lo xa quá. Thằng bé nó là người Mỹ, nó sống trên đất Mỹ, nó sẽ nói tiếng Anh suốt một đời nó. Còn tiếng Việt đối với nó sau này chỉ là ngôn ngữ thứ hai, nếu nó biết thêm thì tốt cho nó nhiều hơn chứ. Nó sẽ hòa hợp với cả hai cộng đồng: cả Mỹ lẫn Việt sau này.
Cái nhận xét rất thực tế và phóng khoáng của một giáo viên Mỹ cũng làm tôi suy nghĩ không ít.
Người Mỹ rất thực tế, điều này ai cũng thừa nhận, nhưng thật ra sự thực tế của họ rất có ý thức và công bằng cho mọi người. Người Mỹ ý thức rằng xã hội Mỹ ngày nay là một tập hợp không phải chỉ là màu da thuần chủng mà của nhiều màu da, nhiều chủng tộc đóng góp nên. Họ cho đó là một điểm đặc biệt riêng của nền văn hóa Mỹ, nền văn hóa đa chủng. Nhận thức được sự ích lợi của nền văn hóa đa chủng đó, nên người Mỹ rất hãnh diện và luôn luôn muốn giữ nét đặc trưng đó cho xã hội mình. Họ cũng ý thức nền văn minh tiến bộ ngày nay mà nước Mỹ đang có được là do sự đóng góp công lao rất lớn của tất cả mọi người dân Hoa Kỳ bất kể màu da, chủng tộc nên họ luôn coi trọng quyền bình đẳng trong xã hội. Sự khuyến khích giữ riêng bản sắc dân tộc được chính phủ ủng hộ cũng phần nào nói lên tính nhân bản trong cách suy nghĩ chung của người Hoa Kỳ.
*
Ngày 11 tháng 9 năm 2001 vẫn còn nằm trong trí nhớ của tất cả mọi người dân Mỹ. Cái ngày kinh hoàng trong lịch sử Hoa Kỳ. Khi hai tòa nhà Twin Towers bị đánh xập bởi một nhóm người khủng bố man rợ. Hình ảnh hai tòa nhà, đường phố New York đầy máu và bụi được truyền đi trên khắp thế giới. Người dân New York tràn ra lòng đường để chứng kiến thảm cảnh đang xảy ra trên thành phố họ. Tiếng la khóc kêu vang tràn ngập trên lòng đường phố vì những gì họ chứng kiến được thật quá sức tưởng tượng của con người.
Hai tòa nhà ngun ngút bốc khói, tỏa ra hơi nóng khủng khiếp khiến cho có rất nhiều người đã không chịu đựng nổi phải nhảy ra cửa sổ dù biết rằng mình cũng sẽ chẳng thoát được cái chết. Những người lính cứu hỏa, cảnh sát không sợ hiểm nguy xông vào vùng lửa khói mù mịt để mong cứu thoát những người kém may mắn đang bị kẹt ở trong đó. Họ biết rằng họ đang lao vào chỗ chết và họ cũng nắm chắc cái chết trong tay, nhưng vì nghĩa vụ trách nhiệm và lòng nhân đạo, họ không thể lơ là nhiệm vụ của mình. Và đã có rất nhiều lính cứu hỏa cũng như cảnh sát đã hy sinh trong ngày hôm ấy.
Có những người dân rất bình thường đã trở thành anh hùng khi họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để ngăn chận những cái đầu điên khùng trên máy bay đang cố gây thêm những tội ác giết người khác. Những hình ảnh đó, những tiếng nói sau cùng đã được loan truyền đi khắp nơi trên nước Mỹ. Cả nước Mỹ được kêu gọi đoàn kết bên nhau bất kể màu da, dân tộc. Hãy nhìn nước Mỹ trong những ngày đó, người dân Mỹ hăng hái góp công, góp của để cứu giúp những người bị nạn. Qua họ, tôi hiểu được tinh thần của dân tộc Mỹ lên cao như thế nào.
Còn rất nhiều và nhiều những điều tốt đẹp đang vẫn xảy ra trên đất Mỹ này mà tôi thấy hàng ngày trong đời sống. Đâu đâu, tôi cũng ghi nhận được tinh thần hiểu biết, rộng lượng, công bằng và nhân ái trong tính cách của người Mỹ. Cũng không phủ nhận có rất nhiều điều tiêu cực xảy ra trong xã hội: nạn bắn giết bừa bãi, súng ống bán tự do, nạn mãi dâm, bắt cóc, ma túy… nhưng tất cả những tệ nạn đó cũng vẫn xảy ra trên những đất nước khác chứ không riêng gì ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, chính phủ Hoa Kỳ luôn luôn quan tâm đến những tệ nạn như vậy trong xã hội và họ luôn tìm cách giải quyết.
Nạn ly dị tăng cao trong xã hội Mỹ cũng làm cho nhiều người trong chúng ta có cái nhìn tiêu cực về đời sống tình cảm và đạo đức của người Mỹ. Nhưng với riêng tôi, tôi cho rằng trong chừng mực nào đó, người Mỹ cũng có cái lý là họ không thể tiếp tục đời sống chung với người vợ hay chồng khi họ không thể còn cứu vãn đời sống vợ chồng được nữa. Khi mà người phối ngẫu không còn xứng đáng với tình cảm mà họ đã dành cho. Điều này có khi là sự giải thoát cho cả hai, để họ có cơ hội tìm một đời sống tình cảm khác đúng như họ mong muốn, hơn là vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống vợ chồng trong sự lạnh nhạt chỉ vì con cái, vì dư luận hay vì luân lý, để rồi cuối cùng còn gây ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của những đứa con và không khí gia đình.


*
Hồi tưởng về quê hương Việt Nam, tôi nhớ lại.
Trong một chuyến bay chuyển tiếp từ Đài Bắc về Việt Nam thăm quê hương, tôi có được cái may mắn ngồi chung với các cô gái lấy chồng ở Đài Loan và nghe các cô tâm sự với tôi. Cả một chuyến bay, hầu như chỉ có vài người từ Hoa Kỳ, còn lại là các cô gái Việt Nam lấy chồng phương xa, nay đem con cái về VN để thăm quê ngoại. Một cô gái còn rất trẻ tuổi độ hai mươi hay hai mươi hai gì đó, ngồi ôm một đứa bé trai chừng hơn một tuổi quay lại cười với chúng tôi rất đôn hậu. Trông cô vẫn còn nét trẻ con trên mặt rất là xinh xắn, dễ thương. Cô nhỏ nhẹ hỏi chúng tôi có phải chúng tôi sống ở Đài Loan không. Tôi lắc đầu, nói ở Mỹ về thăm quê, cô nhoẻn miệng cười thật tươi:
- Chị sướng quá, chị đang sống ở Mỹ thật là hạnh phúc.
Thấy cô gái thật hồn hậu, tôi cũng cười hỏi lại:
- Tại sao em nghĩ là ở Mỹ thì sướng" Em đã bao giờ đến Mỹ chưa"
Cô lắc đầu nói:
- Chưa, rồi cô nói thêm. Em không tưởng tượng được Mỹ sướng như thế nào, nhưng chắc một điều là các chị không phải chịu những cảnh đau khổ giống như em hay những cô gái đi lấy chồng ngoại quốc nhất là những cô đi lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc…dù tụi mình cũng là phận gái như nhau.
Cô gái trẻ nói đến đó thì nước mắt cô ứa ra, cô lấy tay chùi vội dòng nước mắt. Cô lại nhìn tôi xin lỗi vì sự xúc động vô lý của cô. Tò mò muốn biết thêm về cô, nên tôi nhẹ nhàng hỏi về đời sống riêng hiện nay của cô. Như người chết đuối với được cái phao, cô say sưa kể hoàn cảnh của riêng cô cho tôi nghe:
- Chị biết không, quê em ở Trà Vinh, Vĩnh Long nhưng làng em thì nghèo lắm chị ạ. Ba má em có tới mười đứa con nên không thể nuôi nổi. Trong nhà, em lại là chị lớn, dưới em còn đến bảy đứa. Em phải bỏ học để phụ ba má lúc lên mười tuổi, nên em không biết chữ nhiều như mấy chị đâu.
Cô mỉm một nụ cười.
- Cách đây bốn năm có một bà mới đến nhà em hỏi má em có chịu gả con gái cho mấy ông Đài Loan không, vì mấy ổng cần vợ lắm. Ổng sẽ trả cho ba má em một số tiền đủ để trang trải nợ nần và còn một ít để làm vốn. Cảnh nhà quá nghèo, lại đông con, ba má em làm thuê, làm mướn đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn, nên lời dụ dỗ của bà mối đó làm má em xiêu lòng. Má hỏi em, vì em là con gái lớn nhất trong nhà. Má hỏi em có bằng lòng lấy chồng xa không. Chỉ mới hỏi được vậy làø má đã ngồi khóc rưng rức trước mặt em. Thử hỏi làm sao em chịu nổi. Nhìn hoàn cảnh gia đình, nhìn ba má nghèo khó như vậy, em đành gật đầu chấp nhận chuyện đó để giúp cha mẹ. Em không biết mặt ông chồng em cho đến ngày em làm đám cưới. Bà mối dắt về một ông tuổi ngoài bốn mươi lăm. Ông ta trông cũng được nhưng chỉ già so với em thôi. Đám cưới do bà mối tổ chức, ba má em chỉ là người đại diện cho đàng gái, bà mối thì đại diện cho đàng trai. Trong tiệc cưới bà ta đưa cho ba má em một bao thư có tiền ở trong. Sau này em biết số tiền đó vào khoảng $2000 đô la. Chị ơi số tiền đó thì quả thật gia đình em không bao giờ mơ tới được. Ngày ba má đưa em đi Saigon để theo chồng về nước má ôm em khóc mùi mẫn và nói với em: "Con ơi, con tha lỗi cho ba mẹ về cái tội bán con đi như vậy. Nhưng vì ba má khổ quá, không kiếm đâu ra tiền để nuôi các em con. Ba má chỉ mong con lấy chồng xa để đỡ tấm thân của con mà thôi. Con đừng giận ba má nghen con".
Cô gái kể đến đó, và cô bật khóc nức nở. Tôi cũng không cầm được nước mắt vì những lời tâm sự của cô. Ôm lấy bờ vai nhỏ của cô, tôi chỉ biết xiết nhè nhẹ mà không thể nói nổi một lời nào cả. Cái hoàn cảnh của cô, tôi tưởng chỉ có thể tồn tại ở cái thời của Nam Cao, Ngô Tất Tố hay của Khái Hưng, Nhất Linh. Thế mà, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi phải chứng kiến một điều như vậy vẫn còn tồn tại trên quê hương mình.
Lau nước mắt xong, cô lại kể tiếp:
- Chị biết không, sau đó em đi theo hỏi thằng chồng của em là nó phải bỏ bao nhiêu tiền ra để lấy em. Nó thú thật với em là nó phải bỏ ra đến mười lăm ngàn dollars để làm đám cưới với em. Chị có thể tưởng tượng được không, chồng em bỏ một số tiền lớn như vậy, mà đến tay ba má em chỉ còn có hai ngàn đô mà thôi. Em bèn nói với nó về hoàn cảnh nghèo của ba má. Cũng may chồng em tốt bụng, nó nói với em là nó biết phần lớn số tiền đó rơi vào tay của mụ mối và chính quyền địa phương, nên nó cho em thêm hai ngàn nữa gởi về cho ba má. Kể ra, em còn may hơn nhiều con bạn của em. Em biết có nhiều đứa lấy chồng về Đài Loan xong, phải ngủ với tất cả đàn ông trong gia đình đó như là cô gái làng chơi vậy. Cách đây một năm, một con bạn em nó chạy thoát ra Đài Bắc vì nó tính chuyện trốn về Việt Nam. Nhưng không ngờ, nó bị cảnh sát bắt lại và giao trả cho gia đình chồng nó, mặc cho nó van xin như thế nào họ cũng không thèm để ý, nó đành treo cổ tự tử trong nhà tắm vì không chịu nổi sự hành hạ của gia đình chồng.
Một tay chùi nước mắt, một tay vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa bé để ngủ, cô gái thầm thì kể chuyện cho tôi nghe:
- Nhưng chị biết không, buồn nhất là mỗi khi tụi em về Việt Nam, mấy cô tiếp viên hàng không VN tỏ vẻ khinh bỉ tụi em ra mặt, nhất là mấy cô tiếp viên ở ngoài Bắc. Mỗi lần con em khóc, em xin họ nước sôi hay sữa… họ cứ nhăn mặt, cáu gắt với em rồi bắt em dỗ thằng bé nín, đừng làm phiền người khác. Em hỏi chị, con nít nó đâu có biết gì, nói đói thì khóc… có vậy mà họ bực bội với hai mẹ con em. Không những thế, có cô còn nói thẳng vào mặt em như vầy "Này bộ c… đàn ông Việt hết rồi hay sao mà đi lấy Đài Loan" Bộ của tụi Đài Loan tốt hơn hả"" Chị coi, họ nói với em như vậy đó. Em tưởng họ có ăn, có học, đẹp đẽ hơn tụi em, lẽ ra họ phải thông cảm với tụi em con nhà nghèo, quê mùa. Đằng này người Việt với nhau mà họ chửi mình thậm tệ như vậy.
Nói rồi cô lại rơi nước mắt. Tôi xót xa nhìn cô gái nhỏ đang bồng đứa bé trên tay. Với tôi, cô còn quá trẻ để trở thành một người mẹ, và cũng còn quá trẻ để phải chịu đựng những kinh nghiệm thương đau như vậy. Chỉ vì cô kém may mắn, sinh ra trong một gia đình quê mùa, nghèo khổ. Hình ảnh cô gái đó là hình ảnh của hàng triệu người con gái Việt Nam ngày nay, phải tự bán rẻ nhân phẩm của mình chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc hay vì một chút đam mê vật chất.
Người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó luôn chịu rất nhiều thiệt thòi hy sinh đã kéo dài từ rất lâu theo chiều dài lịch sử nước nhà, qua biết bao giai đoạn đau thương, chinh chiến, tưởng rằng đã phần nào được thay đổi số phận của mình khi nước nhà thống nhất, nhưng thật đau xót, người phụ nữ Việt vẫn phải chịu đựng cảnh lầm than, bất công như vậy dưới cái nhìn của xã hội ngày nay.
*
Bước đi trên đường phố Saigon, thành phố văn minh và ăn chơi bậc nhất của Việt Nam, nhìn những sinh hoạt hàng ngày của người thành phố, dội lên trong tôi cả nỗi vui lẫn buồn của một nguơiø xa xứ sau bao năm quay lại.
Người Saigon ngày nay rõ ràng năng động hơn, trẻ trung hơn, văn minh hơn, nhưng họ cũng sống thờ ơ với cuộc sống quanh mình. Giá trị đạo đức, giá trị tinh thần dường như đang dần dà nhường bước cho sức mạnh của vật chất và hưởng thụ ngự trị trong đại đa số người trẻ hiện tại. Tôi nhìn thấy những nghịch lý đang diễn ra trên quê hương mình hàng ngày mà thấy chua xót.
Trong số những Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới, sau bao năm xa cách quay về nơi chôn nhau cắt rốn, không khỏi có một thiểu số về theo kiểu “xênh xang áo gấm”, tự hào rằng mình là một người ở một nơi chốn văn minh về thăm lại quê hương nghèo nàn lạc hậu. Cách cư xử của thiểu số này có thể tỏ ra khinh thường những con người Việt Nam lạc hậu đó. Có những người thậm chí không thích dùng tiếng Việt mà chỉ thích dùng ngôn ngữ ngoại quốc, vì nghĩ rằng điều đó mới chứng minh được họ là Việt kiều. Họ thích giữ một cung cách của người ở xứ văn minh mà quên rằng mình đã từng ra đi từ nơi chốn bùn lầy nước đọng này. Những mối tình nảy nở nhanh chóng giữa những chàng trai ở phương xa với các cô gái trong nước cũng đã tạo ra không biết bao nhiêu cảnh khóc cười. Người xa xứ mong tìm về hình ảnh đằm thắm ngày nào của cô gái Việt Nam để hy vọng sưởi ấm tấm lòng họ. Nhưng dường như hình ảnh đẹp đó chỉ còn là dĩ vãng, người con gái Việt ấy chỉ đến với chàng trai xa xứ với mục đích trao đổi một đời sống sung túc hơn là một tình cảm thật sự ở trong lòng. Từ đây, nghịch lý đã xảy ra giữa người Việt với nhau: kẻ trong nước ghét người ngoài nước vì họ mang mặc cảm thua thiệt trong mình và vì sự hợm hĩnh trẻ con của một số trong "đám Việt kiều". Một số kẻ ngoài nước khinh miệt người trong nước là thấp kém, lạc hậu và dối trá.
Tôi nhắm mắt để tưởng tượng lại bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc, biết bao triều đại anh hùng đã đi qua trong lịch sử Việt Nam: Trần, Lý, Lê, Nguyễn…. chưa bao giờ tôi thấy quê hương mình, ý thức hệ của người Việt mình lại bị xé nát tan hoang như thời đại mà tôi đang sống. Cuộc chiến tranh ba mươi năm vẫn còn để lại hậu quả trên tư tưởng của hơn một thế hệ. Sự xung đột ý thức hệ Quốc cộng vẫn còn đó. Người Việt Quốc Gia vẫn còn căm thù người Việt Cộng sản. Sự phân chia Nam Bắc giữa người miền Nam, kẻ miền Bắc vẫn còn tồn tại rất lớn trong xã hội Việt đương đại thì nay lại thêm một cuộc xung đột mới giữa người xa xứ và người còn lại trên quê hương. Mỉa mai thay, có những người trước kia lại từng là bạn đồng ngũ, đồng hành hay đồng chiến tuyến. Nghịch lý đau xót đó phải chăng phần nào giải thích vì sao nước Việt yêu dấu của tôi còn đau khổ lầm than mãi, và thế hệ trẻ như chúng tôi đang sống trên xứ người, nay cũng cảm thấy bơ vơ thân phận ngay cả trên quê hương của mình.
Lịch sử Việt Nam không thiếu những anh hùng hào kiệt, như trong "Bình Ngô Đại Cáo" Nguyễn Trãi từng khẳng định. Chúng ta hãnh diện có "Hịch Tướng Sĩ" của Đại Vương Trần Hưng Đạo có "Nam Quốc Sơn Hà" bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử của danh tướng Lý Thường Kiệt khẳng định tư thế chủ quyền của dân tộc ta. Người Việt tự hào về "Kim Vân Kiều Truyện" của Đại thi hào Nguyễn Du đã đi vào lịch sử văn đàn thế giới, những Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ…. Tinh thần Việt quật khời, kiên cường đã tạo nên bốn ngàn năm oanh liệt. Nếu so sánh với nước Mỹ non trẻ chỉ với hơn hai trăm năm dựng nước thì nước Việt quả có một bề dày lịch sử thật đáng tự hào.
Không chỉ là tinh thần chống ngoại xâm, mà tính nhân bản lòng yêu con người quê hương cũng không thiếu trong tâm hồn người Việt. Có phải Nguyễn Trãi đã từng thể hiện tính nhân đạo trong Bình Ngô Đại Cáo "Đem nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường đạo". Hay dạt dào tình tự dân tộc:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy là khác giống nhưng chung một giàn"
Và còn nữa
"Lá lành đùm lá rách"
Cách đối nhân xử thế của cổ nhân tôi nghĩ ta có thể tìm rất nhiều trong ca dao tục ngữ Việt Nam được truyền tụng qua bao thế hệ cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, tôi có cảm tưởng tinh thần nhân bản đó đang mai một dần trong mỗi con người Việt Nam và ngay trên quê hương mình.
Trở lại với nước Mỹ, ngẫm lại cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ xảy ra cách đây hơn một trăm năm. Người Mỹ cũng đã bị phân hóa trầm trọng trong cuộc chiến tranh đó. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt kẻ thắng người thua cùng buông súng, lại cùng sát cánh bên nhau để xây dựng lại đất nước từ trong đổ nát. Người Mỹ không tranh giành sự đúng sai trong cuộc chiến này bởi vì dù đúng hay sai thì phía nào cũng có sự mất mát, đổ vỡ. Họ nhìn về tương lai và làm tất cả cho tương lai hơn là nhìn về quá khứ. Kẻ thắng cũng như người thua không có sự biện minh cho hành động của mình.
Abraham Lincoln, tổng thống Mỹ trong cuộc nội chiến, là vị lãnh đạo của phe thắng trận. Khi cuộc chiến tranh chấm dứt, thay vì nói năng, hành động bằng quyền và thế của người chiến thắng, ông cúi đầu xin chịu tội trước nhân dân Hoa Kỳ vì ông đã gây ra cuộc chiến tranh tương tàn này. Ông cũng mong sự phán xét công bình của lịch sử và nhân dân Mỹ về những gì ông đã gây ra cho đất nước.
Không thấy những lời lẽ hay hành vi của phe thắng lăng nhục hay hành hạ phe thua. Lá cờ của phía thất trận, cho tới nay, vẫn được trân trọng, thậm chí còn được treo ở một số công sở các tiểu bang miền Nam. Không thấy sự vênh váo của kẻ thắng. Không thấy thơ ca báo đài khẩu hiệu ra rả xưng tụng đủ kiểu. Chỉ riêng hành động cúi đầu nhận lỗi của Tổng Thống Abraham Lincoln đã là hành động vĩ đại của một con người có trách nhiệm trước lịch sử. Và hẳn nhiên, người dân Mỹ cũng như lịch sử Mỹ đã không phán xét ông là kẻ có tội. Với họ ông là một vĩ nhân, vì những điều ông làm là nhân danh quyền lợi của đất nước Mỹ, nhân dân Mỹ.
Khi đọc lịch sử My,õ chi tiết trên làm tôi bâng khuâng nhớ lại những gì đã xẩy ra sau cuộc chiến tranh Nam Bắc tại Việt Nam. Cuộc chiến kết thúc sắp đúng 30 năm. Không hiểu phải chờ thêm bao nhiêu năm nữa những người tự xưng là vĩ đại mới cư xử khá hơn.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ câu nói nổi tiếng của vị tổng thống Mỹ trẻ tuổi của Hoa Kỳ John F. Kennedy "Đừng bao giờ hỏi Tổ Quốc đã cho chúng ta những gì mà hãy tự hỏi chúng ta đã làm gì cho Tổ quốc". Lời nói ấy được khắc lên bia mộ của ông bên cạnh ngọn lửa vĩnh cữu. Với tôi không chỉ là lời nhắn nhủ cho người Hoa Kỳ mà còn là lời nhắn nhủ cho bất cứ những con người nào còn nghĩ rằng mình có một quê hương hay tổ quốc.
Phải chăng chỉ với hơn hai trăm năm xây dựng đất nước, nước Mỹ chiếm vị trí cường quốc bậc nhất trên thế giới vì nhờ những con người biết đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên cá nhân, biết quên cái "tôi" để hòa mình vào tập thể "chúng ta". Hãy nhìn tinh thần của người Mỹ trong ngày 11/9/2001 (khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công) lên cao như thế nào chúng ta có thể hiểu được vì sao nước Mỹ hùng mạnh.
Không, tôi không nghĩ như ông bà cụ của người bạn gái tôi: Người Mỹ thiếu thủy chung, đạo đức Mỹ đang suy đồi…. Với ý thức rất rõ về tầm quan trọng của đạo đức, người Mỹ luôn luôn cảnh giác trước những thay đổi đi xuống của xã hội. Tôi không lo lắng cho xã hội Mỹ. Trái lại, tôi nghĩ người Việt chúng ta đã và đang ngủ quên trên niềm tự hào dân tộc, và bề dày lịch sử nước nhà. Chúng ta cứ mãi chìm đắm trong quá khứ, loay hoay với cái đúng sai của những điều đã qua, cứ mãi tìm sự thanh minh để biện hộ cho riêng mình, trút mọi tội lỗi lên đầu kẻ khác. Lịch sử đã giở sang trang khác mà chúng ta vẫn cứ muốn kéo lui lịch sử. Hình như chúng ta cứ nuối tiếc và khóc than cho quá khứ mà vẫn chưa nghĩ đến đường đi vào tương lai. Trong khi đó, xã hội Việt Nam đang thật sự suy đồi, đi xuống dốc không kìm hãm được. Đó là điều đau xót đối với tất cả những con người Việt Nam còn lòng yêu thương Tổ Quốc.
Tôi ao ước người Việt sẽ rộng lượng với nhau hơn, thông cảm và yêu thương nhau hơn. Rồi nhìn vào thế giới xung quanh bằng cặp mắt hiểu biết, công bằng và cởi mở hơn. Chỉ cần được vậy thì với đức tính vốn có của dân tộc, tôi tin là dân ta, nước ta sẽ có những bước tiến dài trên đôi hia bảy dặm để hòa mình vào cộng đồng thế giới.

TRỊNH THU HÀ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.
Nhạc sĩ Cung Tiến