Hôm nay,  

Khoảng Trống Cuộc Đời

21/04/200400:00:00(Xem: 286552)
Người viết: CHÚC CHÂN
Bài số: 522-1059-vb3200404

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã 18 năm làm công việc một kỹ sư. Chúc Chân đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt, mỗi bài thường là một chuyện kể về những nhân vật tác giả có dịp gặp. Lần này là chuyện một bà mẹ.
*

Khi người nhà đưa vô States Hospital thì bà Mùi đã hoàn toàn mất trí. Lúc đó hồ sơ ghi bà 75 tuổi. Theo lời con gái bà thì hồi đứa con trai duy nhất mà bà sống chung từ hồi qua Mỹ đến giờ mất đi, bà dọn về ở với cô được ba năm nay.
Hồi con chết bà không khóc thảm thương như nhiều người tưởng. “Thầy coi nói năm nay năm ngọ, khắc nó với tui dử lắm, mẹ con một giáp, nó mà không chết thì tui chết”. Tôi tới thăm, phân ưu cùng gia đình nghe bà nói vậy - Thì ra bà Mùi tuổi ngọ, chớ không phải tuổi mùi. Người Hoa gọi con gái là “muồi”, giấy tờ viết trại thành “Mùi”.
Khi tang ma xong, bà vẫn còn hold up vững lắm. Tôi nhủ thầm bà cụ tinh thần vững quá. Bà Mùi còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Căn nhà phải bán chớ một mình bà đâu có ở được. Làm sao mà chăm sóc trong nhà ngoài vườn" May là con gái bà ở trong thành phố nên bà dọn về ở chung cũng tiện lắm.
Đứa con gái với con rể bà rất có hiếu, và hai đứa cháu ngoại rất ngoan. Hồi vợ chồng nó lấy nhau dọn ra, cuối tuần nào tụi nó cũng lái xe qua thăm bà từ hồi bà còn ở “bạc măng” tới bây giờ. Sau đó, mặc dầu bận con lu bù nhưng không tuần nào vắng bóng “gánh hát” của tụi nó tới. Đứa cháu gái bây giờ lớn đang học đại học xa nhà. Đứa cháu trai nhỏ hơn hai tuổi thêm năm nữa cũng vô đại học rồi. Nhà con gái bà tuy không rộng lắm, nhưng nếu lòng mình rộng thì ở đâu cũng thênh thang.
Vinh con trai bà có bảo hiểm nhân mạng ở hãng nó làm, nên khi nó mất, hãng có trả tiền bồi thường tuy nó bị bịnh chết chớ không phải tai nạn gì. Vụ lãnh tiền hơi bị trục trặc chút đỉnh, nhưng cũng xong.
Hồi thôi vợ, thằng Vinh làm đủ hết thủ tục, nhưng lại quên vô hãng đổi tên người thừa hưởng tiền bảo hiểm, nên vợ nó còn đứng tên trong hồ sơ. May là con nhỏ biết điều. Khi hãng gởi giấy báo tiền thừa hưởng, nó đi lãnh xong mang qua đưa bà hết. Con nhỏ thiệt dễ thương. Tội nghiệp hôm đám ma thằng Vinh nó tới khóc sướt mướt. Bà ôm nó khóc theo. Hồi Vinh ly dị bà buồn lắm. Con dâu bà hiền mà đẹp như tiên. Nó nói năng nhỏ nhẹ và hết sức lễ phép. Nhà phước đức lắm mới được đứa dâu như nó.
Bà Mùi tuy thấy cứng vậy mà không phải vậy.
Sau khi dọn về nhà con gái không lâu bà trở nên thờ thẩn it nói. Khuôn mặt bà không còn thần khí chút nào hết. Mặc dầu con và rể bà săn sóc mẹ rất chu đáo, nhưng mấy ngày trong tuần vì cả hai đều đi làm nên đâu biết bà hay ngồi thầm lặng hàng mấy tiếng đồng hồ trên cái ghế xa lông trước máy TV nhìn vào khoảng trống không trước mặt. Bà không còn mê mấy tập phim bộ nữa.
...
Nhớ ngày nào hồi còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu - Gia đình bà người Việt gốc Hoa. Năm đi vượt biên hai vợ chồng bà với thằng Vinh và đứa con gái, gọn gàng hộ bốn người thôi. Tới trại tị nạn ở Mã Lai, bỏ 2 chỉ vàng sang lại một căn lều nhỏ trong trại nên gia đình bà cũng có nơi “cư ngụ” tương đối kín đáo. Sống trong trại tị nạn rất cực, có thanh niên trong gia đình, đở tay lắm. Mỗi buổi sáng thằng Vinh lo xách nước ngoài suối về cho cả nhà xài. Ngoài chuyện xách nước, nó còn lo lên rừng chặt cây về làm củi và phụ chị nó ra ngoài suối giặt giũ. Sức trai xách mấy thùng nước, chặt mấy bó củi đâu có thấm tháp gì. Nên bà có biểu nó xách nước lấy củi dùm vợ chồng người bạn già đi cùng tàu.
Tội nghiệp, cặp vợ chồng nầy con cái vượt biên đi chui hết mấy năm trước. Hai vợ chồng khi đó không chịu đi, sợ bỏ lại mồ mả ông bà không ai coi. Một phần nữa cũng muốn ở lại thủ, lỡ con nó đi chui không xong còn chổ trở về. Tới khi nhà nước cho người Việt gốc Hoa đăng ký ra đi, cả thành phố nôn nao đăng ký đi gần hết. Tới “cây cột đèn cũng đăng ký đi nếu chân nó không bị chôn”, thằng cháu nói với hai ông bà, làm cặp vợ chồng già cũng nôn. Thôi mồ mả bất quá gởi tiền về cho người ta trông. Ở Mỹ làm tiền dể như lượm rác, đám con viết thơ về kể. “Như ba má qua đây chánh phủ nuôi, mỗi tháng tiền gởi tới nhà khỏi đi xắp hàng cả ngày - xã hội chủ nghĩa!”.
Nhớ ngày nào hồi còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu - Hồi học xong trung học (middle school) ở trường Dục Đức, ngôi trường dạy chử Hoa duy nhất trong thành phố, nó thôi không thèm đi học nữa. Vì nếu muốn theo cho xong cao trung (high school), phải lên Sài Gòn mới có trường Hoa học tiếp tục. Mà nó không muốn lên Sài Gòn học tiếp, chỉ muốn ở nhà. “Con đi lên đó ai ở nhà lo cho ba má"”. “Cái thằng, chị mầy ở đây chớ có đi đâu"”, “Nhưng chị phải lấy chồng đâu có theo ba má được hoài, với lại cửa tiệm bây giờ buôn bán khá, một mình ba trông coi sao xuể”. Nghe lời chí hiếu bà mát ruột. Nó nói cũng đúng, cửa hiệu buôn của ông bà cũng cần người kế nghiệp.
Từ khi có thêm nó phụ tay, ông đánh được giấc nghỉ trưa mỗi ngày.
Khi nó tới tuổi quân dịch, nhờ chạy được giấy hoản dịch vì lý do gia cảnh con một nên thằng Vinh khỏi đi lính. Ông bà có hai con, nhưng con gái kể không, “nhất nam viết hưu, thập nữ viết vô” kia mà.
Nhớ ngày nào hồi còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu - Cái thằng thông minh, tánh tình tỉ mỉ và khéo tay hết sức. Nó lo trông coi hết sổ sách, sắp đặt công chuyện cho đám thợ làm kẹo mạch nha mè xửng và giao hàng cho những tiệm bán lẻ. Nhờ học xong trung học, sổ sách chữ Tàu chữ Việt gì nó làm được hết. Hiệu bánh của bà, từ hồi con gái đi học lớp nữ công gia chánh ở Sài Gòn về, có nhận lảnh bánh bông bơ cho mấy đám tiệc. Tay thằng Vinh bắt mấy bông bơ đường khéo không thua gì chị nó.
Bây giờ nó đã thành một thanh niên rồi, nếu như vào thời bà, lấy vợ lấy chồng sớm, bây giờ bà đã có cháu nội ẵm. Ôi thanh niên thời nay hai mươi mấy tuổi rồi mà còn nói sớm chưa chịu dòm ngó ai hết. Gia đình bà khá giả thiếu gì người muốn làm xuôi. Nhưng thôi nó chưa muốn lấy vợ thì bà không hối thúc làm chi.
Rồi gia đình bà được đi định cư ở Mỹ. Mới qua tới Mỹ hơn một năm thì ông ngã bịnh. Bịnh phổi nhưng không phải ho lao. Bác sỉ nói phổi bị chai hay cứng gì đó. Thằng Vinh theo nuôi ba nó ra vào nhà thương biết mấy lần. Lần cuối cùng vào nhà thương, ổng thở không được, phải đặt ống vô mũi vô họng thiệt là tội nghiệp. Bà thấy hết sức sót ruột. Ban đêm thằng Vinh ngủ lại nhà thương theo cha. Tờ mờ sáng nó lái xe về nhà chở bà lên nhà thương rồi đi làm. Nó xin làm bớt lại mỗi ngày hai tiếng để theo nuôi cha. Nhờ xếp thương không phàn nàn gì hết. Ít ai tốt bụng như vậy ở Mỹ.
Không qua mạng trời, sau gần cả tháng kéo trong nhà thương, ông già qua đời. Mới bước qua sáu mươi lăm tuổi chưa kịp lãnh tiền già, không kịp hưởng hơi hám gì của xứ Mỹ nầy hết.
Căn chung cư chính phủ trợ cấp ba phòng hồi mới qua mướn rẻ tiền, khi con gái bà đi lấy chồng còn hai mẹ con ở. Năm sau mẹ con bà dọn qua căn chung cư hai phòng ở khu khác sạch sẽ và sang hơn. Thằng Vinh tuy công thợ, nhưng nhờ làm over time nhiều nên lãnh lương cũng khá. Thêm tiền già của bà, mẹ con sống khá thoải mái. Cuối tuần nó thường đưa bà đi ăn “tiểm xắm” hoặc nhà hàng Tàu hay nhà hàng Việt. Thỉnh thoảng nó rủ bà đi ruồng garage sales ở mấy khu nhà giàu đổ ra. Nó thích kiếm mua mấy món đồ “đề co ăn tích” về lau chùi đánh bóng lại chưng coi cũng đẹp lắm. Bà thì ham đi lục đồ rẻ tiền. Như lần đó bà mua được bộ đồ sứ gồm mấy chục cái dĩa lớn dĩa nhỏ với mớ tách, chỉ thiếu cái chén đựng đường, mà có ba đồng thôi. Nhưng theo nó đi riết rồi cũng chán và mỏi chân, sau nầy bà không thèm đi nữa.
Khi phim bộ ra đời tuần nào nó cũng đi mướn về cho bà coi. Nhớ hồi coi tuồng Anh Hùng Xạ Điêu, cái con Hòang Dung sao mà lanh lẹn quá chừng, mà nó khôn quá xá. Tội nghiệp thằng Quách Tỉnh khù khờ tối ngày bị ăn hiếp. Thằng Vinh cũng hơi khờ sau nầy không biết có bị vợ ăn hiếp không.
Bà mê phim chuyện từ đó. Thằng Vinh có chỉ bà rành rẽ làm sao mở TV với cái máy phim. Khi nó đi làm, ngồi nhà một mình bà coi hết tập nầy bắt qua tập kế tiếp, có khi coi bỏ ăn luôn. Hôm đó, bà nhớ đang coi phim tới hồi gay cấn thì cái máy không quay nữa. Bấm đại mấy cái nút một hồi không xong bà tắt. Thằng Vinh vừa về tới nhà bà báo cho nó nghe. Nó lại mở mở tắt tắt một hồi cũng không xong. Bà nóng ruột hỏi hoài “Sao" Sao"”, “Má coi lâu quá máy nóng cháy cái đầu quay rồi.”. “Rồi con sửa được không"”, “Chèn ơi con Hoàng Dung với thằng Quách Tỉnh bị đám ăn mày bao vây không biết thằng Dương Khang nó tính gì"”. “ Má chờ con một lát”. “Con đi đâu vậy"”. “Dạ đi ra ngoài tiệm mua cho má cái máy khác”.
...
Hồ sơ bà Mùi ghi bà bị điên.
Bà Mùi về ở với con gái được vài tháng thì cái chết của thằng Vinh mới bắt đầu thấm thía. Khi ăn lễ tân niên do hội ái hữu quê tôi tổ chức, bà Mùi ngồi bên bàn tiệc với đám con cháu bà. Tôi tới chào, bà mừng được một thoáng mong manh rồi đám mây mù buồn kéo trên khuôn mặt, ánh mắt nặng trĩu. “Thấy cháu bác nhớ thằng Vinh quá, phải chi để bác chết thay nó”.
Những lần sau đó gặp bà, đôi mắt bà lúc nào cũng trực trào nước mắt. Khuôn mặt bà không còn thần.
Hồi năm ngoái sau khi thằng Vinh chết, cuối tuần nào bà cũng kêu con gái chở bà đi thăm mộ nó. Sau đó mặc dầu con gái không phàn nàn nhưng bà thấy thằng rể không vui. Bà cũng thông cảm với tụi nó. Đi làm overtime nhiều khi làm luôn thứ bảy, chủ nhật có một ngày nghỉ thôi, lo giặt giủ chợ búa thì hết ngàỵ. Thôi bà không đòi đi thăm mả thằng Vinh nửa.
Hôm đó như mọi hôm con cháu bà đi làm đi học hết, bà ở nhà một mình. Bà nhớ hình như hôm qua con gái bà có nói tuần sau lễ thanh minh, mình đi thăm mả thằng Vinh, vậy hôm nay bà phải đi quét dọn chổ cho nó mới được. Nhổ đám cỏ dại, lau lại mộ bia. Nghĩ vậy bà lấy cái nón rơm chụp lên đầu mở cửa đi ra.
Bà đi ra đầu đường. Bà nhớ mang máng hồi lúc trước hình như thằng rể bà quẹo ở chổ nầy khi chở bà đi thăm mả, rồi bà đi theo con đường cong cong vòng qua bên kia con lộ. Bà đi. Bà đi riết. Bà phải đi dọn mả thằng Vinh.
...
Nhớ ngày nào hồi còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu - Nó rất mực thước ngăn nắp. Nhà cửa một tay nó dọn. Bà chưa thấy đứa con trai nào vén khéo như nó. Từ hồi ở Việt Nam căn phòng nhỏ của nó không lúc nào bừa bải. Qua Mỹ hồi còn ở chung cư, chổ tuy chật, nhưng nó giúp bà dọn dẹp rất ngăn nắp. Sau nầy mua được căn nhà, trong nhà nó “đề co” coi rất được mắt. Nó gắn mấy cái màn cửa ai lại chơi cũng tưỡng nó đặt ở đâu. Mấy cái vòng vải mắc qua cái thành ngang may lấy, không biết nó học may với ai.
Thằng Vinh khéo tay thật. Qua Mỹ quần áo đâu có ra tiệm may như hồi ở Việt Nam. Lúc đó đồ “com lê” Hông Kông chưa đổ qua, chợ bán đồ may sẳn cỡ người Mỹ thiệt khổ cho bà. Đi shopping Mỹ thử hoài cũng không có cái nào vừa bận. Mấy cái quần tây dài thòng, cái áo rộng xúng xính cũng phải mua đại. Về nhà bà lui cui lo sửa lại, nhưng bà vụng tay, đùm dúm mặc vô coi không được chút nào. Vậy mà qua tay thằng Vinh sửa một chập áo quần mặc đâu vô đó hết sức vừa vặn.
Nhớ ngày nào hồi còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu - Cái thằng bộ mã cao ráo đẹp trai. Nước da hơi ngăm đen làm sáng thêm cặp mắt to không giống vợ chồng bà chút nào. Từ hồi nó còn nhỏ đi đâu ai cũng khen thằng nhỏ mai mốt lớn “bảnh” lắm gái mê cho coi.


Bà Mùi bây giờ nóng ruột. Thằng Vinh hơn ba chục gần bốn chục rồi mà chưa có gia đình. Bà rầu lắm. Bà đôn, bà thúc mà nó chỉ hặm hự. Hôm đó bà kéo nó ra bàn thờ ông già, chỉ hình ông già bà nói “Vinh ơi, ba con chỉ có mình con là con trai thôi. Con bây giờ ba mươi mấy tuổi rồi, không lập gia đình thì mình tiệt tự”. “Má à, con cũng muốn chớ, nhưng mấy cô ở đây kén lắm. Con thì đi làm công làm thợ, chớ đâu phải làm thầy vẻ vang, ai mà chịu lấy con"”. Nghe vậy bà mừng, “Vậy nếu má kiếm có đứa chịu lấy, con lấy người ta không"” Hạ giọng bà tiếp, “nhưng mà con nầy coi cũng đươc lắm, ở Việt Nam mới qua”. Thằng Vinh nghe lời mẹ lấy vợ.
Đám cưới xong vợ chồng nó đi “trăng mật, trăng đường” gì đó. Ở theo thời, hồi Việt Nam có đi trăng đi gió gì đâu, vậy mà vợ chồng ăn ở với nhau hết đời, con bầy, con đám. Bà hơi hiếm muộn có hai đứa thôi. Chớ như mấy đứa em bà, em ổng, đứa bảy con, đứa chục con.
Sau tuần trăng mật thì thằng Vinh về đi làm lại bình thường. Vợ nó chưa có việc làm ở nhà với bà. Con nhỏ dể thương, nhỏ hơn thằng Vinh mười tuổi. Bà có đi coi tuổi hai đứa. Thầy nói hai tuổi hạp lắm nên bà mới đi đánh tiếng làm quen. Mà số tụi nó thiệt là hạp, hỏi thì con nhỏ chịu mà thằng Vinh cũng không chê. Từ hồi vợ chồng thằng Vinh đi trăng mật về, bà thấy tụi nó cũng ít nói chuyện với nhau. Ôi vợ chồng mới cưới, còn mắc cở.
Con dâu bà buổi sáng đi xe bus lên trường học Anh văn. Chiều về lo nấu cơm, dọn đàng hoàng chờ thằng Vinh. Con nhỏ cũng gọn gàng, bếp núc giỏi dắn, làm đâu dọn đó không bỏ bừa bãi, bà thiệt là mừng. Nó không quên sắp phần cơm cho thằng Vinh đem đi làm và cho bà hâm lại ăn trưa hôm sau. Khi thằng Vinh về, ba mẹ con ăn uống hết sức vui vẻ. Đêm nào bà cũng ra bàn thờ ông già khấn thầm. “Ông ơi, tôi tròn nhiệm vụ rồi. Thằng Vinh lấy được vợ đẹp ngoan. Ông sắp có người nối dõi rồi đó.
Mấy tháng trôi qua. Vợ chồng thằng Vinh cũng chưa chuyện trò thân mật. Thằng Vinh ngậm tăm. Mà con nhỏ cũng ngượng ngập hết sức với chồng nó. Thằng Vinh bây giờ mỗi tối ngồi coi TV rất trễ. Con nhỏ thì vô buồng sớm nói phải học bài. Bà thấy có chuyện gì hơi không ổn. Coi, tụi bây tuổi hạp lắm mà.
Đêm đó bà giở giấc dậy ra ngoài tủ lạnh rót ly nước uống. Vòng qua phòng TV đi trở vô, bà thấy thằng Vinh nằm ngủ ngoài cái xa lông. Bà giật mình. Trời, sao đâu có nghe vợ chồng nó cải vả gì đâu"
Hôm sau, khi con dâu đi học về, bà kéo nó ra xa lông ngồi hỏi chuyện. Con nhỏ khóc thút thít không chịu nói gì hết. Bà khuyên “Con ơi, có gì thủng thẳng nói, vợ chồng một ngày cũng là nghĩa”. Sau cùng con nhỏ cho bà biết từ hồi đám cưới tới giờ, vợ chồng nó không ngủ chung giường. Tuần trăng mật, thằng Vinh kéo cái tấm ra giường trải ngủ dưới nền. Về nhà mấy tuần đầu thằng Vinh trải cái sleeping bag trong phòng ngủ dưới đất, sau đó nó ra ngoài phòng khách ngủ trên xa lông.
Thiệt là tin sét đánh. Bà không biết phải làm sao bây giờ. “Ông ơi, ông có thiêng thì về đây độ tui. Nhà mình thiệt không có phước.”
Đêm đó sau khi dâu vô phòng, bà nói chuyện với thằng Vinh. Nó không dấu, kể bà nghe chuyện đầu đuôi như con nhỏ dâu kể. “Má à, con không thích đàn bà hồi nào tới giờ, cho tròn chử hiếu với ba má con lấy vợ cho má vui lòng, nhưng con không gần đàn bà được.”
Hỏi tới nữa, nó nói “Con có lổi với ba má ông bà, nhưng xin má cho con thôi vợ con, tội nghiệp cô ấy lắm.”
Rồi thằng Vinh thôi vợ. Ai hỏi thì bà nói thầy coi lộn tuổi.
...
Người cảnh sát tốt bụng, thấy một bà lão Á Châu đi khơi khơi dọc bờ freeway nên tấp xe vào. Khi bà nhìn thấy ông cảnh sát thì mừng lắm.
“Mamm, how are you"”, “Are you lost"”.
“Ông cảnh sát ơi, ông chỉ dùm đường cho tui ra dọn mả con tui”.
“Mamm can you speak English"”.
“Ông ơi, tuần sau thanh minh rồi, tui phải dọn cái mả thằng Vinh. Tội nghiệp, hồi còn sống nó sạch sẽ gọn gàng lắm. Bây giờ nó chết rồi, tui muốn mồ mả nó cũng tươn tất”.
“Mamm, what’s your name"”.
“Ông cảnh sát ơi, ông có nước không" Đi từ hồi trưa tới giờ tui khát nước quá”.
“Mamm, where do you live"”
“Mà xin ông chở tui ra mả thằng Vinh dùm nghe, chân tui mỏi lắm rồi”.
“Do you know your home address"”
“Nhờ ông bà phù hộ thiệt là hên, tôi được ông chở dùm”.
“Mamm, I don’t understand what you say”.
“Dọn mả thằng Vinh rồi làm phiền ông chở tui về nhà”.
“Mamm, I will take you to the station”.
“Chèn ơi, người ta nói cảnh sát ở Mỹ tử tế lắm, ông chở tôi đi nghe.”
Khi người cảnh sát mở cửa xe, bà cuối đầu chắp hai tay vái ông “Cám ơn ông nhiều lắm, ông chở tui đi thiệt là tốt bụng hết sức, xin phước đức về ông”.
Xe về tới trạm cảnh sát thì trời tối. Họ đưa bà ngồi trong văn phòng. Một cô còn trẻ bận áo đầm tới đưa bà ly nước lạnh. Bà mừng quá, bưng ly nước uống một hơi nghe khỏe ra. Cô trở lại đem cho bà cái hamburger, bà mới nhớ sực từ hồi sáng tới giờ bà chưa ăn gì hết. Cầm cái bánh hamburger trên tay bà ăn ngấu nghiến.
Ăn xong bà gục đầu xuống bàn ngủ. Bà thôi không nhớ tới chuyện đi dọn mả cho con nữa.
Tới gần nửa đêm thì con gái và con rể tới trạm cảnh sát, thấy bà đang ngủ gục trên bàn, vợ chồng mừng quá, “She is my mom”.
Hồi chiều ở sở về không thấy bà ngồi ở phòng TV như mọi hôm, con gái bà đi vòng các phòng coi bà có vô trong ngã lưng hay không. Không thấy bà ở trong nhà, cô đi ra ngoài sân tìm, nhưng cũng chẳng thấy. Vào nhà cô gọi điện thoại qua mấy nhà quen coi có ai qua đưa bà đi đâu không. Khi mọi người quen không ai biết bà ở đâu, cả nhà đâm hoảng đổ đi tìm. Anh con rể thực tế hơn ra báo sở cảnh sát rồi ngồi trực bên cái điện thọai chờ.
Sau cùng sở cảnh sát trung ương gọi lại cho biết có một bà cụ Á Châu hình như đi lạc hiện đang ở chi khu cách nhà anh hơn mười mile. Bà cụ không nói được tiếng Anh nên xin anh lên nhìn.
...
Hồ sơ bà cụ có ghi bà bị hallucination (ảo thị, ảo thính).
Con gái và con rể bà lo cho bà hết sức. Sau lần đi lạc đó tụi nó đưa bà đi bác sỉ. Bác sỉ nói bà bị chấn động tinh thần khá nặng, có thể bị mất trí hoàn tòan. Ông sẽ cho thuốc nhưng bà có thể bị thuốc phản ứng hoặc không chịu uống. Ông đề nghị nên đưa bà vào viện thần kinh. Kẹt một điều bà không nói tiếng Anh được, “thôi thì anh chị mang bác về nhà ráng mà theo cho uống thuốc.”
Không có cách nào khác hơn. Con gái bà không nghỉ việc được. Hai đứa con vô đại học tiền học tốn kém. Rể bà làm công thợ nên lương đâu có bao nhiêu. Vợ đi làm thêm vào mới đủ trả chi phí. Thôi thì đành để bà ở nhà, tới đâu hay đó.
...
“Mom do you see my homework" I just put it here on the table last night”,
”Trể rồi, đi cho lẹ đi con không thôi miss xe bus, nếu má kiếm thấy má đem lên trường cho con”.
Hổm rày nhà như có ma dấu. Homework của thằng cháu bị mất. Rể bà cũng than phiền mấy cái bill nợ chưa trả không biết đâu mất. Tuần trước con gái bà nấu nồi súp đi kiếm trong tủ mấy con mực bỏ vô cho ngọt nước, nhưng lục hết chỗ mà không thấy. Thiệt là kỳ.
...
Nhớ ngày nào còn thằng Vinh, nó thiệt là đứa con chí hiếu. Nó làm bánh khéo mà nấu ăn cũng hay.
Hồi bà ở Việt nam phải lo nấu nướng. Gia đình không đông nhưng muôi ăn mấy người giúp việc ở hiệu bánh nên bà bận rộn lắm. Ông tánh tình rộng rãi, tiền chợ bà cứ ra tủ lấy bao nhiêu cũng được. Ông dặn bà người ta giúp việc mình làm công chuyện nặng nhọc, mình ăn sao cho họ ăn vậy. Cửa hiệu buôn bán rất khá giả cũng nhờ tấm lòng rộng rải của ông. Thiệt là nhân đức.
Mỗi buổi sáng bà xách cái giỏ mây lớn đi chợ. Thằng Vinh hôm nào học lớp buổi chiều thì sáng nó đi theo bà xách hộ giỏ rau thịt. Về nhà nó tiếp tay bà rửa cải nấu cơm. Hôm nào có nó đi theo, mẹ con ăn hàng ngoài chợ, hôm thì bún mắm, bún bì, không thì kêu mì trên dảy tiệm bưng xuống ăn.
Qua Mỹ lúc đầu đâu có nhà hàng Việt hay Tàu gì. Muốn ăn tô bún, chén mì phải nấu ở nhà. Không biết thằng Vinh học ở đâu mà nó nấu phở ngon lắm. Hồi ở Việt Nam bà không biết món phở nầy. Nghe nói món đó ở bắc hay ở “quế” gì đó - Qua tới Mỹ thì nam bắc gì cũng đề huề, ta tàu lẩn lộn không ai phân biệt gì hết.
Có người chỉ thằng Vinh căng nồi tráng bánh cuốn ngon hết sức. Lớp bánh mỏng dai mềm dịu nhiễu ăn ngon quá chừng. Bà ngồi ngoài phòng ăn nhớ lại mấy miếng bánh cuốn. Thằng Vinh làm bánh cuốn cho bà ăn mấy bửa liên tiếp nhưng bà không ngán chút nào. “Má à bánh xong rồi, má ra ăn còn nóng lắm”. “Ủa Vinh hả, con về hồi nào sao má không hay"”... “ Vậy con không đi làm bửa nay sao",...., “ Bửa nay lể hả"”,...., “Má đâu có hay”,...., “Con gắp ăn đi chớ“....”chiều nay con có đi đâu không"”.... “ “Rảnh hả, vậy con sửa lại cái quần chị mầy mua cho má hôm qua”,...., “sao" ngon không hả, ngon lắm”,..., “ má nhai hơi lâu bửa nay, cái miếng chả lụa hơi dai, hơi khô một chút, nhưng ngon lắm.”...
Ngốn đầy một miệng, con khô mực sống bà xé nhỏ từng miếng nhai ngon lành, “Con ăn đi chớ lát nguội hết ngon”.
Chiều hôm đó thằng cháu ngoại thề với má nó chính mắt thấy bà ngoại xé bài homework của nó bỏ vô miệng nhai còn rủ nó “ăn đi cháu cậu út mới tráng bánh cuốn xong còn nóng hổi”
...
Con gái bà Mùi đành phải đưa mẹ vô bịnh viện thần kinh.
Bà Mùi thường hay ngồi ngoài hiên, đôi mắt nhìn xa xăm qua cái sân cỏ thoai thoải dốc xuống của viện. Bà nhớ lại hồi năm sanh thằng Vinh.
...

Bà mang cái bụng lớn dử. Sáng sớm hôm đó bà thấy bụng nặng và đau rêm rêm, tính ra thì trễ cả tuần rồi, thôi sanh xong cho khỏe. Mong ông bà phù hộ cho bà đứa con trai. Kỳ nầy bụng đau nhiều và chuyển lâu quá, hai ngày và qua đêm sau bà mới lên nằm bàn sanh. Tới lúc đó thì bà gần kiệt quệ. “Gần ra rồi ráng chút, ráng chút”, cô mụ Ba ở nhà bảo sanh khuyên bà. Hai ngày rồi bà đâu còn hơi sức nữa. Năm nay sao hạn năm tuổi, chuyến nầy không biết bà có qua khỏi không. Bà rán đẩy thêm hơi chót, xong không còn biết gì hết.
Cô mụ Ba la, “Úy! Trời đất ơi sao mà xanh dờn vậy nè"”. Đứa nhỏ khóc oe oe mấy tiếng yếu xiều rồi nín luôn. Con Trai.
Bà ngủ mê man đến khi tỉnh dậy đưa tay sờ kế bên mình. Bà không thấy đứa nhỏ đâu. “Cô Ba, cô Ba ơi”, bà gọi thều thào. Cô mụ Ba nghe tiếng chạy vô liền. Nhìn thấy nét mặt của cô Ba. Bà biết không lành. “ Trai hay gái cô Ba"”.
“Con trai”, cô ba đáp lặng lẽ. Bà chảy nước mắt. Trời con trai.
Sáng sớm hôm sau, cô mụ Ba gõ cửa gọi nhỏ. “Chị Mùi ơi thức chưa”, “Chi đó cô Ba"”, “Sữa cô căng chưa"”, “Dạ căng lắm”, giọt nước mắt bà chảy dài. Cô mụ Ba đẩy cửa bước vô, có tiếng khóc oa oa vang vang, giọng khóc đói. “Chị Mùi làm ơn cho thằng nhỏ nầy bú được không" Không biết con ai bỏ trước cửa nhà hộ sanh tui hồi đêm hôm.”
Con Lém khùng bên bến đò dưới. Con nhỏ khùng không ai biết nó ở đâu tới, tên gì. Có người kêu nó Lém, rồi người ta kêu nó con Lém khùng. Thiệt là tội. Đàn ông nào mà bất nhơn quá chừng, nó khùng vậy mà còn đè nó ra thiệt là đốn mạt. Lần nầy là cái bầu thứ hai. Con nhỏ khùng vậy mà cũng biết khôn, tới ngày đẻ biết tới nhà bảo sanh của cô. Lần trước sanh xong nó bỏ đi liền. Làm cô sau đó phải đem đứa nhỏ qua cô nhi viện phiền phức quá chừng. Nhưng nó khùng làm sao mà nuôi con được.
Thằng nhỏ đói dữ không. Khi bà Mùi kề vú căng sữa vô miệng nó, nó đớp liền, núct chùn chụt. Tội nghiệp ghê. Trời thấy cái miệng nút dể thương quá chừng. Thằng nhỏ trọng cỏi, chắc cũng cỡ ba ký mốt.
“Cô Ba có chắc hông đó" Vài bửa tui ẩm về má nó lại đòi tui không trả đâu nghe!”
“Thì tui làm giấy khai sanh cho chị đàng hoàng”
“Cô thề không nói ai nghe chịu không"”
“Tôi thề với chị. Có trời đất làm chứng, Mụ Ba nầy có nói cho ai nghe thì đừng cho tôi đứng trên đất trời nầy nừa. Rồi chị chịu chưa"”
“ Chị tính đặt nó tên gì để tôi viết xuống giấy khai sanh”.
Ổng có dặn bà đặt tên nếu sanh con trai.
Tên: Vương Chánh Vinh
Mẹ: Liêu thị Mùi


CHÚC CHÂN

Ý kiến bạn đọc
03/12/201821:17:01
Khách
chuyện hay và cảm động
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến