Hôm nay,  

Tháng Tư, Nhớ Toán “alo”

16/04/200400:00:00(Xem: 130003)
Người Viết: SÓNG THẦN
Bài số: 518-1055-vb4140404

Người viết là một cựu sĩ quan Không Quân VNCH, phi công lái trực thăng, hiện cư ngụ tại Orange County. Nhân dịp thêm một lần 30 Tháng Tư ông nhớ đồng đội quê xưa và gửi bài viết này, ký tên là Sóng Thân, danh hiệu truyền tin của Thuỷ Quân Lục Chiến ngày xưa.
*

Nếu không phải là dân phi hành biệt phái hành quân xa xôi thì hầu hết Không Quân, cũng như người ngoài không biết ALO là ai, họ làm nghề gì.
Tôi thường thấy ở mỗi tỉnh có một phi trường nho nhỏ và có một biệt đội Quan Sát L19 đóng ở gần toà tỉnh trưởng, và vị đại diện KQ ở đó thường được gọi là SQ Không Trợ.
Thế nhưng ở những Sư Đoàn Bộ Binh hay Sư Đoàn Tổng Trừ Bị lại có một toán chừng năm sáu người gọi là toán ALO.
Hồi chúng tôi (Phi Hành Đoàn Trực Thăng) biệt phái cho Tư Lệnh TQLC đang đóng ở Hương Điền cạnh phá Tam Giang thì chúng tôi ở chung với toán ALO này. Máy bay đậu túc trực ngay tại tuyến đầu này 24/24 ngoại trừ lúc đi lấy xăng ở Phú Bài hay Cây số 17 (Phong Điền).
Nằm ở đây không bị ăn đạn pháo như hồi tôi biệt phái bên Sư Đoàn Dù trong hướng núi.
Trưởng toán ALO là Đại uý Hoàn và phó là Trung uý Thái, hai ông được sự phụ giúp của ba HSQ truyền tin và một tài xế (Diễn, Ngà, Bảng, Mào).
Vì chúng tôi ở cùng nên toán trở thành hơi đông, nhà cửa bê bối nên ông Tướng thương tình có cho hai anh lính Đại Đội Tổng Hành Dinh qua giúp mấy việc lặt vặt hằng ngày.
Mỗi khi có cuộc hành quân thì cả toán đều túc trực tại Trung Tâm Hành Quân để điều động máy bay biệt phái đổ quân hay tải thương. Khi đụng trận lớn thì họ gọi máy bay Khu Trục oanh kích, hay Hoả Long yểm trợ soi sáng hoặc xạ kích ban đêm. Khi có máy bay bị bắn rơi (Hồi năm 72, phi tuần AD6 Skyraider ra làm thịt T54 ở Quảng Trị, và phi công Trần Thế Vinh đã gẫy cánh ở chiến trường này) thì phối hợp Trực Thăng Restcue và các tiểu đoàn TQLC để cứu Pilot. Những ngày khác thì chỉ cần một người trực tại TTHQ là đủ vì thực sự ít có việc gì để làm.
Hai SQ đều mặc đồ bay vì họ từng tốt nghiệp khoá hoa tiêu, nhưng theo chỗ tôi biết thì kể như họ bỏ bay luôn mà làm nghề ALO, có thể dịch đại là Tiền Sát Viên KQ hay SQ LL KQ. (Trong khi toán Hải Quân có cùng quân số thì được gọi là toán Hải Yểm mà chúng tôi chọc họ cứ gọi là toán Hải Ỉa).
Thầy trò mấy anh ALO vui buồn theo kiếp lính xa nhà, họ có một chiếc xe Jeep lùn riêng, ăn uống đạm bạc trong khi chúng tôi được ưu ái hơn vì được phụ cấp ăn trưa phi hành, lại còn được Chuẩn Tướng Lân cho ăn trưa.
Những ngày mưa miền Trung dài lê thê, gió lại lạnh nên mới ăn cơm chừng vài giờ sau đã thấy đói. Tôi nhờ chị Cao nhà ở kế bên bãi đáp TT mua dùm một vài gốc khoai mì rồi luộc.
Cây khoai mì ba tháng ở đây lùn xủn, củ rất nhiều, lại trồng trên đất cát nên khi nhổ lên họ để luôn cả gốc mà bán, mỗi củ chỉ lớn bằng ngón chưn cái nhưng dài hơn ba gang. Chị Cao chỉ lột lớp vỏ nâu mỏng ở ngoài, còn lớp vỏ dầy ở trong thì để nguyên. Chị bỏ một lớp lá dứa ở dưới trước khi nấu nên khi dở nồi khoai chín ra thì mùi thơm bay lừng như mùi lúa mới.
Trời thì mưa lạnh thở ra khói, chúng tôi lột đến đâu ăn đến đó. Bữa nào có tiền thì mua mấy hộp sữa đặc khui đổ ra dĩa mà chấm. Cái món ăn đặc biệt này 30 năm qua mà tôi vẫn còn nhớ.
Quận Hương Điền là một dải đất cát hẹp dài một đầu giáp Hải Lăng Quảng Trị, một đầu là cửa Thuận An nơi giòng Hương Giang đổ ra biển, còn hai bên mịt mù sương khói của biển Đông và Phá Tam Giang.
Ruộng lúa, vườn rẫy nơi đây khá tốt. Cá đồng cũng nhiều mà cá biển cũng lắm. Trong mỗi khoảnh ruộng vuông vắn, họ đào một chỗ trũng thấp xuống, thả vô vài cành tre, một ít bèo lục bình làm như cái ổ. Khi muốn bắt cá, người ta xùa nước cho ồn ào khuấy động, mấy anh cá chạy vội về nơi trú ẩn là cái ổ đó, thế là bị nôm chụp bắt không sót một anh.
Cảnh ruộng lúa xanh đẹp đẽ nhưng phải cẩn thận vì mỗi khoảng đường quê ngập nước là bao nhiêu con đỉa đang nằm phục kích, mỗi khi có tiếng chân khua động mặt nước là tụi nó nhao lên như bánh canh.
Chung quanh nhà hay khu xóm là luỹ tre bao kín để bớt gió bão nên chúng tôi tha hồ ăn măng. Nhưng măng ra có mùa nên người dân làm món măng chua để ăn dần mà hồi khởi đầu tôi không thể ngửi được mùi này.
Cuối năm 72 thì chiến cuộc tương đối lắng dịu nên dân chúng đã lục tục hồi cư, chợ Hương Điền ngày càng đông vui.


Ngay chỗ chợ có một bến tàu nhỏ chạy hằng ngày chở hàng nông phẩm, cá tôm và hành khách đi Huế, lúc về thì mang nhu yếu phẩm và cả nước đá về nữa.
Ở đây có nhiều thứ cá mà trong Nam tôi chưa bao giờ thấy như con cá chét, nó lớn bằng cẳng cái, giống con cá chạch lại hơi giống cá trê vì có râu. Con lệch cũng khác trong Nam, nó ngắn hơn con lươn, đuôi hơi xoè ra và có bông lốm đốm. Cá đối ngoài biển lớn như cổ tay cũng có khi tràn vô Phá hằng bày, người ta bao lưới rồi gõ ống tre vào mạn thuyền mà đuổi cho nó chạy phóng dính vô lưới.
Có khi mấy tuần liền cá đồng đi đâu mất biệt mà ngoài chợ bán toàn cá nục. Chúng tôi sáng ăn cá nục kho nhừ với bánh mì, trưa ăn canh cá nục nấu măng và khóm, chiều ăn cá nục chiên. Hôm sau thực đơn đổi ngược lại và một tháng sau thì cả bọn "đờn" ghê quá.
Khi tắm trên Phá, mình lội tới chỗ nước ngập ngang tới ngực, lấy chân mò tìm dưới xình sẽ thấy rất nhiều con trìa lớn bằng lòng bàn tay, vỏ nó màu xám đen. (ở Huế người ta không nói câm như hến mà lại nói trịt như trìa).
Con trìa thân đã lớn, mà thịt ở trong lại nhiều, nên luộc sơ cho nó há miệng ra, rồi gỡ thịt mà thái ra từng lát nhỏ vừa miếng, xào với hành, sốt cà chua thì nhậu ngon lắm.
Đến mùa khô, những ruộng lúa đều cạn nước được lên líp mà làm rẫy. Họ trồng bắp, ớt, nưa và dưa gang.
Cây nưa hơi giống cây môn nhưng cọng đặc và cứng hơn nhiều. Cọng nó không cần lột vỏ, thái ngang ra dùng để xào như nhiều loại rau khác, hoặc cắt khúc rồi chẻ ra để làm dưa hay kho chung với thịt ba rọi và mắm như dưa môn. Củ nó lớn hơn củ "môn lù" to bằng cái tô ông rồng. Chung quanh củ này còn có nhiều củ con lớn bằng con ốc bươu mà người ta gọi là chột nưa. Chột này luộc chín ăn ngon như củ từ vậy.
Dưa gang trồng trên đất pha cát rất tốt mà sao lạ, tôi ít thấy người Huế ăn dưa leo, họ khoái dưa gang hơn, mà ăn khi nó còn non chứ không ăn trái chín bở như người Bắc. Có lẽ nó lớn, dòn hơn dưa leo chăng. Dưa này làm gỏi trộn tôm thịt ăn ngay, hoặc làm dưa mắm từng vại lớn để đến mùa mưa bão có thức ăn dự phòng.
Dưa này trong Nam cũng làm nhiều, họ kêu là gài mắm.
Khi chiếm lại cổ thành Đinh Công Tráng rồi, TQLC đưa cả 3 Lữ Đoàn ra tuyến đầu Quảng Trị, mỗi Lữ Đoàn có 3 tiểu đoàn mà danh số xếp thành tên Lữ Đoàn luôn chứ không như bên Nhảy Dù. Đó là LĐ 147, LĐ 258 và LĐ 369 có nghĩa là Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên thuộc Lữ Đoàn 258.
Tuy ba đơn vị này giăng hàng ngang từ tiếp giáp với Dù phía trong núi và ra tới bờ biển, nhưng du kích và đặc công vẫn còn khe hở để xâm nhập. Chúng tôi tuy ở phía sau nhưng chưa hẳn là đã an toàn, bằng cớ là 5 người TQLC đi cùng với Th/s KQ Võ Văn Xôm đã bị chúng phục kích.
Hôm đưa xác Xôm về Đà Nẵng rồi trở ra, chúng tôi buồn héo hắt, cơm buổi trưa có trứng chiên và la ve con cọp mà không đứa nào nuốt trôi.
Đêm hôm đó trời mưa rả rích, tiếng máy điện của Bộ Tư Lệnh chạy rì rầm hoà với giọng ếch nhái ngoài ruộng thành một âm thanh thê lương.
Tôi ngồi nhìn ra màn mưa giăng qua ánh đèn vàng vọt, cái giếng chúng tôi thường kéo nước lên tắm nằm kia, hình bóng thằng Xôm vẫn mặc quần đùi vừa xối nước vừa ca lên vài câu vọng cổ.
(KQ ít người khoái vọng cổ vì cho đó là nhà quê, nhưng Xôm là người Sa Đéc nên cứ ông ổng hát mà chẳng sợ ai cười).
Căn nhà bên cạnh bỗng từng tràng tiếng chuột gáy lên:
-Te.. cực cực.. cực cực...
Tôi cũng là dân ruộng, đã từng nghe quen tiếng chuột đồng rồi, thế mà gai ốc nổi lên cùng mình. Quay nhìn nhóm KQ và hai anh TQLC nằm dãy giường bên kia thì tôi thấy cả bọn đều đã kinh hãi ngồi dậy trong mùng, anh nào anh nấy mắt tròn xoe.
Thằng Xôm thân với tôi lắm, nó coi tôi như sư phụ vừa dậy toán cho nó đi thi Tú Tài vừa chỉ vẽ cách cua đào sao cho dính.
Tôi ráng làm gan nói lớn:
-Thôi Xôm ơi, mày đừng về nhát anh em, nay đã kiếm được xác mày đưa về quê hương bên ông bà thì đã êm ấm phần mày rồi, xin mày có khôn thiêng thì phù hộ cho bạn bè qua cơn binh lửa.
Tiếng chuột lại rúc lên một hồi nữa:
-Te.. cực cực.. cực cực..
Rồi im luôn cho tới sáng.
*
Hơn hai năm kể từ Mùa Hè Đỏ Lửa, tôi sống với toán ALO chia xẻ ngọt bùi nơi vùng quê xa lắc đó, mà nay không biết ai còn ai mất.
Hôm qua, anh Đạt có email cho tôi nói rằng anh Thái đã chết ngay ngày thất thủ Huế, chết uổng khi chiến trận gần tàn.
Còn bao nhiêu đồng đội của tôi ngày ấy, nay anh em trôi dạt về đâu".

Sóng Thần

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,453,135
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến