Hôm nay,  

Ví Dầu Tình Bậu Muốn Thôi

07/02/200400:00:00(Xem: 167052)
Người viết: NTJ
Bài số 466-1004-Vb5050204

Tác giả NTJ cư trú và làm việc tại San Jose, và đã có một số bài tham dự giải thưởng viết về nước Mỹ năm 2003. Sau đây là bài viết mới nhất.
*

Tôi quen biết vợ chồng chị Duyên đã hơn mười năm, chị thì lúc nào cũng tử tế thân thiết , coi tôi như một đứa em trai.
Chúng tôi biết nhau từ lúc còn ở đảo, vì gia đình chị và tụi tôi ở gần lều với nhau. Chồng chị Duyên tên Long, ông ấy là một người đàn ông cũng bình thường, có nụ cười tươi tắn nhưng mà khi đi chung với chị tôi thấy anh cười mà mặt anh lúc nào cũng nghiêm nghị. Chị Duyên có bầu thằng con trai lớn ở đảo, mang cái bụng ì ạch lên xuống dốc núi của khu D mỗi ngày ở Bidong nhưng chị Duyên vẫn còn rất đẹp, da dẻ chị trắng trẻo, nhỏ nhắn và dễ mến, còn anh Long chồng chị thì ngoài nụ cười tươi ra người anh đen và khô cằn. Những ngày còn ở đảo, những lúc anh Long đi vắng, chị hay ngồi trước cửa lều một mình, còn tụi tôi là một đám thanh niên trẻ ở chung một lều khít vách bên chị, mới đầu chị có vẻ thiếu thân thiện với đám thanh niên độc thân nhưng phần tôi khi thấy chị ì ạch xách nước tôi hay ra đỡ dần dùm chị thì chị cũng cảm tình dần dần. Tối nào chị cũng ngồi ngoài cửa lều trong khi anh chồng thì đi mịt mù, chẳng biết anh đi đâu ở cái đảo này, thỉnh thoảng tụi tôi đi vác đồ mướn về có chút tiền hay hùn nhau nấu chè và thấy chị ngồi lẻ loi tôi vẫn hay bưng qua cho chị một chén và chị cũng tỏ vẽ áy náy khi ăn chè của tôi lắm vì ở đảo cái gì cũng đắt đỏ mà nhất là tụi tôi lại là đám độc thân nghèo, xem ra thì chị cũng chẳng khá hơn gì.
Đáng lẽ vợ chồng chị Duyên cũng sẽ rời đảo một lượt với tôi vì chúng tôi tuyên thệ với phái đoàn cùng ngày nhưng vì đứa em gái anh Long cùng vượt biển ở đảo khác đã khai chung với Long để đi định cư chung ở nước thứ 3 thì cô ta đổi ý đi theo bạn bè đến Canada. Vì vậy mà phái đoàn Mỹ đã ngưng thủ tục đi Mỹ của vợ chồng chị Duyên. Ngày tôi rời đảo chị có đi đưa, chân chị đã sưng vì tới ngày chuyển bụng. Lúc tới cầu chị nhét vào tay tôi gói thuốc lá tôi cảm động vô cùng, vốn một thân một mình không bạn bè gì cả có chị đi đưa đã là vui mà chị còn cho gói thuốc, tôi biết chị cũng không có tiền vậy mà chị cũng cho tôi, tàu xa rồi mà tôi còn thấy chị đứng dựa vào cây dừa nhìn theo.
Qua Mỹ được gần một năm thì tôi gặp lại chị Duyên, hôm đó đang đứng đợi trả tiền gói thuốc lá tại một siêu thị thì thấy một người đàn bà Á đông ẳm con đứng trước đang móc tiền trả, dáng người đàn bà thấy quen thuộc, chừng khi xây qua thì là chị Duyên, tôi thật là mừng như vừa gặp một người bà con thân thích, chị cũng mừng rỡ, chị đẹp hẳn ra, còn thằng nhỏ đúng là một đứa con trai dễ thương, nó giống hệt mẹ, nó bụ bẫm và thật là ngây thơ ở đôi mắt. Hai chị em kéo nhau ra ngoài siêu thị hàn huyên. Thì ra anh Long đi học anh văn còn chị thì ở nhà giữ thằng BiDong. Chúng tôi trao đổi số phone để thỉnh thoảng thăm nhau.
Cuộc sống mọi người ở bên Mỹ đều bận rộn. Tôi bận đi học và đi làm thêm ban đêm nên không rảnh. Cũng tình cờ tôi gặp anh Long cùng học chung trường, anh cũng chỉ chào hỏi qua loa chớ không tỏ vẻ như chị Duyên, lúc nào anh cũng có vài người bạn đi chung, có một lần tôi thấy anh đi chung với một người đàn bà Việt Nam có vẻ lớn tuổi hơn anh, chị ta ăn diện đẹp đẽ anh Long tươi cười với chị ta mặt mày rạng rỡ, đã vậy còn kè kè ôm cái ba lô cho chị ta, có lẽ anh cho chị ta quá giang vì tôi thấy chị ta chui ra từ xe của anh, một lần khác tôi cũng gặp lại 2 người ở bãi đậu xe một siêu thị. Nhớ tới chị Duyên ở nhà đang ẵm con đi xe bus đi chợ tôi nghe buồn buồn cho chị.
Rồi tôi chuyển trường để học nghề, không gặp anh Long mà cũng ít gặp chị Duyên, thỉnh thoảng nhớ chị tôi có gọi phone nhưng chủ nhà chỗ chị trọ nói là chị đã đổi chỗ ở. Vậy là bặt tin của chị cho tới vài năm sau, cuộc sống tôi tương đối ổn định, tôi mướn một studio chia với một anh bạn ở một chung cư.
Một hôm nghe anh Tú, người bạn của tôi, nói là có một cặp vợ chồng người Việt ở chung một dãy. Anh thêm "Nhưng mà tao không thích thằng chồng, con vợ có bầu mà nó đành để vợ nó đi bỏ rác, vợ nó nhỏ xíu mà nó để vợ nó dở cái nắp thùng rác lúc mang bầu thấy tội nghiệp ghê, hoặc là sao mà tao chẳng thấy ông chồng giúp vợ gì cả, cứ phải đi giặt đồ, hôm nọ tao thấy bà vợ như muốn nôn mửa trong nhà giặt…" Nghe anh Tú mãi rồi tôi cũng tò mò, hôm nọ nghe tiếng xe của họ tôi giả vờ mở cửa ra ngoài nhìn coi thì thật là ngạc nhiên. Bà vợ mang bầu đó là chị Duyên. Chị em có dịp mừng gặp lại nhau.
Ít lâu sau sau, chị Duyên sinh hạ một cháu gái . Ở nhà chị kêu nó tên là Cali, con Cali trắng như Mỹ con. Thằng BiDong cưng em dữ lắm, 3 mẹ con hay ra sân cỏ chơi và lúc này tôi cũng thấy mặt chị có vẻ già dặn hơn. Vừa đi học vừa săn sóc con tôi thấy chị Duyên mệt mõi, còn anh Long thì da dẻ bớt đen, anh luôn luôn ăn mặc tươm tất, đi đâu cũng đi trước để chị Duyên dắt 2 đứa con theo sau, anh có vẽ là một người chồng uy quyền, quan hệ duy nhất chị Duyên còn giữ với tôi là vì ở chung một chung cư cho nên thỉnh thoảng gặp chị đi đổ rác thì tôi giúp chị mở nắp thùng hoặc là gặp chị trong nhà giặt thì giúp chị bưng rổ quần áo về. Còn quan hệ giữa 3 người đàn ông chỉ là chào hỏi khi đụng mặt nhau mà thôi.
Dần dà, thằng BiDong và con Cali đã lớn chúng nó đi học và chị Duyên cũng đã đi làm. Tôi ít có dịp gặp chị hơn, có lần gặp chị thì chị nói vợ chồng chị đang kiếm mua nhà vì anh Long có việc làm cũng tốt.
Rồi một dịp hè tôi và anh Tú đi Âu Châu chơi một tháng trở về thì hay chị đã dọn nhà, anh Tú cũng buồn buồn vì anh rất mến chị Duyên "Thật là một người đàn bà dễ mến" anh Tú luôn luôn nói như vậy, nếp sống bận rộn ở Mỹ cũng khiến cho tụi tôi quên dần chị Duyên.
Bẵng đi vài năm chúng tôi lại dọn nhà, ông chủ người Mễ có cơ sở làm ăn bên Mễ nên đi đi về về ông cho mướn nhà nhưng thật ra ông cần người giữ nhà mà thôi, anh Tú lại khéo tay cho nên anh cứ sửa sang tu bổ ngôi nhà hoài ông già Mễ hài lòng cho chúng tôi ở vô hạn chỉ khi nào chúng tôi muốn dọn ra thì dọn mà thôi. Nhớ ngày đầu tiên lại coi nhà đi vòng ra sân sau thì thấy có vài nhánh rau thơm mọc chui qua hàng rào từ nhà bên cạnh. Anh Tú ngắt lá rau đưa lên mũi và nói chắc là Việt Nam ở bên cạnh vì có rau thơm đúng kiểu người mình. Vừa lúc đó tôi nghe giọng người Việt nói chuyện. Chúng tôi tròn mắt nhìn nhau và cùng nhón người nhìn qua hàng rào. Thì ra lại đúng là chị Duyên. Anh Tú và tôi mừng rỡ réo chị, quên cả ông chủ nhà mình tới hỏi mướn đang đứng đó.
Tuần sau đó, chúng tôi dọn vào và thêm một lần, lại là hàng xóm của chị Duyên. Thằng BiDong cao lớn đẹp trai, con Cali thì trắng trẻo và đẹp thùy mị, chị Duyên có vẻ già đi còn anh Long trong nhà cũng chạy ra bắt tay, anh mập ra và cũng tỏ vẻ vui vẻ với chúng tôi hơn ngày xưa.
Những ngày ở gần làm giáng giềng của nhau chúng tôi mới thực sự thân thiết, 2 gã đàn ông độc thân không họ hàng thân thích mà lại ở kề cận một gia đình đồng hương chỉ cần nghe những sinh hoạt từ bên hàng rào vọng sang cũng làm chúng tôi vui lây, nhà có cái mái hiên che ngoài sân sau, có kê cái bàn ăn mà lúc nào cũng thấy sạch sẽ và một cái lò gas chị hay nấu nướng ngoài ấy nhất là vào mùa hè hầu như ngày nào chị cũng nấu ngoài sân sau, 2 đứa con quấn quít bên mẹ, chúng nó thật là những đứa trẻ ngoan ngoãn lễ phép, thằng Bidong và con Cali hay đem bài vở ra ngồi bàn ở sân sau để làm bài và chị Duyên thì lăng xăng vừa nấu nướng vừa hỏi con cái này, cái nọ. Chúng tôi vẫn giữ mối giao hảo thân thiết vừa phải, gặp nhau chào hỏi, thỉnh thoảng anh Tú gọi sang đưa biếu chị vài bụi cải xà lách hoặc vài trái bầu mà anh trồng ở sân sau, thỉnh thoảng chị cũng biếu xén tụi tôi vài món ăn của chị nấu
Suốt bao nhiêu năm sống gần chị tụi tôi luôn thấy chị tận tụy với chồng con, giản dị mà tươm tất, nhà cửa sạch sẽ. Mẹ con thân thiết nhau lắm nhưng anh Long không tham dự vào những buổi sinh hoạt thân ái ấy, anh giữ xa cách với vợ con. Anh Tú hay ngồi đọc sách bên hàng rào, nghe thấy nhiều điều lắm anh hay phê bình là anh Lòng còn giữ đầu óc chồng chúa vợ tôi, chị Duyên trái lại có lẽ quen nên chị cứ bình thản và trầm lặng, chị chỉ rạng rỡ vui vẻ khi có 2 đứa con bên cạnh, ngày nào 2 đứa nhỏ chưa về chị loay hoay im lặng nấu nướng, trong khi anh Long ngồi trong nhà xem TV và chị lúc nào cũng dọn cơm tươm tất cho chồng.


Có lần chị Duyên nói "không phải tánh anh ấy vậy đâu" nhưng rồi có một dịp nhìn thấy anh Long đối xử với chính gia đình anh ấy tôi mới thấy rằng chị Duyên nói đúng. Đứng bên cạnh mẹ, cạnh em và cháu ông ấy anh lăng xăng mặt mày rạng rỡ, hết ôm me, vịn cháu thì lại ôm em, lăng xăng rót nước bưng đồ. Chị Duyên nấu nướng thì anh cũng lăng xăng mời mẹ, gắp cho em, họ quây quần ăn uống chuyện trò vui vẻ, điều đó không thấy xảy ra khi anh ở với vợ con anh.
Ba má chồng chị Duyên ở tiểu bang khác thỉnh thoảng qua Cali chơi, những lúc ấy thì chị Duyên bận rộn nấu nướng lu bu, anh Long thì vui vẻ rạng rỡ xem chừng ra anh ấy đổi ra người khác, còn chị Duyên thì vẫn vậy vẫn đi làm về rồi lu bu cho con cái, nấu nướng cho khách khứa.
Mùa hè là vui nhất vì gia đình của chị thường tụ tập ở sân sau nấu nướng ăn uống, 2 đứa con của chị lớn và cao hơn mẹ, tụi nó có nuôi một con chó và đặt tên là Lucky. Hai đứa nhỏ quấn quít bên mẹ, chơi đùa với con chó. Bọn tôi, hai thằng độc thân ở bên này nghe 3 mẹ con và con chó chuyện trò cười đùa, cũng thấy ấm áp.
Hình ảnh ba mẹ con chị Duyên như là một bức tranh ăn vào nếp sống của tụi tôi một cách thân thiết. Nhưng ông chồng chị, anh Long thì lúc nào cũng lạnh lùng và có vẻ xa cách với con cái. Anh ăn mặc tươm tất và trang trọng, thỉnh thoảng tôi thấy có khách hay ngồi sân sau ăn uống, anh Long cười tươi tắn nhã nhặn diệu đà tiếp khách và chị Duyên thì cũng lu bu lo tiếp đãi khách khứa như lúc nào.
Bỗng nhiên, vài tháng nay chị Duyên có vẻ ít ra ngoài nấu nướng mà mấy đứa con cũng ít chơi đùa như mọi lần, chỉ có con Lucky thì lẩn quẩn theo thôi và chị Duyên thì vẫn im lặng nhưng cứ thấy chị đi ra đi vô làm công chuyện nhà. Con Cali cũng thỉnh thoảng đưa tay qua hàng tào vẫy tay chào tôi khi thấy có tôi ở ngoài sân.
Rồi một ngày chị Duyên qua gõ cửa nhà tôi, chị nói vắn tắt ba mẹ con của chị có chuyện phải đi xa một thời gian, chị nhờ tôi nghe ngóng và dòm chừng con Lucky lúc anh Long vắng nhà. Tôi vốn chậm hiểu cứ tưởng chị đi nghỉ mát ở đâu nên còn gặng hỏi thêm "Chắc anh Long sẽ đi sau hả chị"" Con Cali đành nói: “Tụi con sẽ về thăm con Lucky mỗi ngày” Chị Duyên thì nhỏ nhẹ "Chị sẽ kể cho chú biết sau". Rồi chị ra xe, thằng Bidong ngồi trên xe chờ mẹ, tôi níu tay con Cali nhìn nó. Con nhỏ buồn bã "Ba và Mẹ thôi ở chung rồi, tụi con đi theo mẹ".
Đêm đó nhà chị tối thui, anh Long ra vườn tưới cây, chơi với con Lucky một chút rồi cũng vô nhà tắt đèn sớm, con Lucky sục sạo ngoài vườn tới khuya, có lẽ nó kiếm 2 đứa nhỏ, rồi mỗi trưa tôi thấy chị Duyên đưa 2 đứa nhỏ về thăm con Lucky, 3 mẹ con bịn rịn ôm ấp con Lucky.
Phần anh Long anh vẫn bình thản đi làm, weekend thì anh đi mất dạng bỏ con Lucky buồn bã một mình, nó nằm ngoài cửa rào chỏ mõm ra ngoài để ngóng chủ, con chó buồn bã khiến tôi cũng buồn lây.
Ít lâu sau, mẹ của anh Long cùng em gái qua ở với anh Long vì thấy hoàn cảnh đơn chiếc của anh, nhà anh lại vui vẻ náo nhiệt, bà và cô em gái tuy đeo vàng đỏ tay nhưng có vẻ quê mùa, còn cô em gái thì nói chuyện ỏng ẹo và văn hoa kiểu cách. Mẹ con chị Duyên có ghé vài lần nhưng sau đó họ đã kiếm được chỗ ở và họ đã dẫn con Lucky đi theo, từ đó tôi không thấy chị Duyên dẫn con lại nữa.
Anh Long vui vẻ đoàn tụ với gia đình, mặt mày anh rạng rỡ, lăng xăng bên mẹ và em gái. Ngày nào họ cũng nấu nướng ăn uống nhộn nhịp, nhất là cô em gái chưa chồng làm nghề uốn tóc, cô giao thiệp rộng bạn bè tấp nập, cuối tuần nào cũng có bạn bè lại ăn uống. Họ trẻ trung ăn mặc diêm dúa, nói chuyện văn hoa vòng vàng đeo đầy, căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ của anh luôn luôn có nấu nướng, ngoài vườn có mấy luống rau vài cây ăn trái và vài bụi bông hồng ngày nào chị Duyên chăm sóc sạch sẽ giờ thì tùm lum, vỏ lon bia, nằm lăn lóc vài chỗ, anh Long mặc sức mà dọn dẹp. Mấy luống rau được mẹ anh bón bằng đầu cá sống mùi thum thủm bay sang nhà tôi làm anh Tú vô cùng khó chịu. Bà mẹ anh Long còn đổ cơm dư ra sân cho chim ăn, đàn chim kéo lại ăn, phân chim vung vãi, nhìn qua tôi thấy nhớ chị Duyên cùng những buổi sinh hoạt hiền hòa của mấy mẹ con dạo nào. Không hiểu anh Long có cảm thấy vậy không"
Ngày qua tháng lại, tiệc nào rồi cũng tàn, ngày vui nào cũng qua mau, rồi thì tôi cũng ít thấy anh Long có mặt trong những buổi sinh hoạt của gia đình anh. Thỉnh thoảng tôi còn thấy anh lúi húi lặt bó rau muống rồi luộc ngồi ăn một mình. Bà già và cô em tỏ vẻ bất mãn, họ nấu nướng thịt cá ê hề, tuần nào cũng thịt cá, ngày nào cũng chiên xào, xương vung vãi ra sân vậy mà anh Long không ăn, mẹ anh không biết chị Duyên chăm chút săn sóc cho anh Long ăn uống ra sao, mà anh Long cũng không nhận thấy điều đó khi vợ anh còn ở với anh, không biết anh có tiếc nuối gì không"
Mẹ anh Long ở nhà lo nấu nướng anh Long và cô em gái đi làm, bà lân la làm quen với anh Tú và tôi, khi nói chuyện bà nói xa nói gần về con dâu như là chị Duyên là một người đàn bà phản bội chồng vậy.
Tôi thật không hiểu chị Duyên đi đâu và làm gì, bao năm ở gần bên nhau tôi luôn có ấn tượng tốt về chị nhưng còn bên trong câu chuyện tôi không biết ra sao, bà cũng không nhắc nhở gì về 2 đứa cháu nội ruột thịt của bà.
Một buổi chiều cuối tuần, cô em đã đi chơi, mẹ anh bày ra nấu nướng nhưng có lẽ anh Long không hứng thú sao đó bà kỳ kèo anh Tú và tôi qua ăn chung. Miễn cưỡng chúng tôi đi qua, anh Long cũng ra ngồi bàn. Anh Long ăn uống uể oải, nói năng nhát gừng, thừa lúc anh vừa quay lưng để vào nhà lấy bia, mẹ anh liền xỉa xói: "Thằng này coi vậy mà dỡ, cũng có "chức phận" trong xã hội như ai mà phải lụy vì đàn bà. Đàn ông phải biết tề gia rồi mới trị quốc chứ không trị nổi con đàn bà thì làm sao làm chuyện lớn được. Cứ để nó đi coi ai mà nuôi con cho, không có thằng này thì làm sao mà sống nổi chớ".
Anh Long bước ra nghe câu chót của mẹ anh nhíu mày, mắt đỏ ké, anh xẵng giọng: "Tại sao má nói vậy, má biết lý do nó đi mà. Nó cũng làm việc như con, không có nó con không trả nỗi tiền nhà một mình, chớ ai cần ai." Mẹ anh vẫn còn nói thêm "Đàn bà ở bên Việt Nam thiếu gì mày ơi, nhất là có nhà cửa như mày". Anh Long định nói gì nữa đó nhưng anh Tú nhẹ nhàng khuyên giải "Thôi qua sân tôi ngồi chơi đánh cờ tướng một chút rồi về".
Tôi lúng túng bưng đĩa thịt nướng cầm lon bia theo 2 người về nhà, anh Long không đụng đũa tới đĩa thịt anh chỉ ngồi uống bia, anh Tú vô nhà lôi ra nửa chai rượu mạnh, anh Long rót liền anh uống từ từ mặt anh xanh lè, tôi cản anh đừng uống nhiều nhưng anh vẫn im lặng. Tôi vốn là một thằng nam nhi nhưng yếu đuối nên có cản anh Long cũng chẳng được, anh Tú tự rót cho mình vừa khoát tay như ngầm nói là cứ để anh Long uống để tiêu sầu. Một lát anh thôi uống, ngồi im lặng rất lâu rồi anh chợt nói, giọng anh tỉnh táo nhưng anh nói tùm lum đủ thứ chuyện. Chúng tôi biết anh say nhưng không thể nào bịt miệng anh được. Chuyện anh nói tuy không đầu không đuôi nhưng tụi tôi hiểu chị Duyên bỏ nhà ra đi là lỗi tại anh, anh đã xem thường công lao và tình nghĩa của người vợ tào khang. Gia đình anh và chị Duyên không thích nhau nhưng anh luôn luôn theo phe gia đình. Mẹ của anh nói gì anh cũng thấy đúng mà có nói sai anh cũng thấy có lý còn với vợ thì anh luôn chèn ép chị, đi làm vừa lên được ngạch là anh đã lên mặt với vợ. Về nhà ăn nói thô tục và nhìn vợ con một cách rẻ rúng, dù chị Duyên cũng di làm lương bổng ngang anh. Gia đình anh thấy con dâu đảm đang và chìu chồng thì đánh giá thấp về vợ anh và nghĩ vì lý do chị thua kém anh nên chị phải nhẫn nhịn và phục tòng anh. Gia đình cứ nghĩ là anh tạo dựng nhà cửa và có "chức phận" hỏi ra anh chỉ là một leader của một hãng nhỏ mà thôi, ngày anh lên ngạch là ngày anh thấy vợ mình không xứng đáng với anh rồi. Gia đình anh mới qua có hiểu gì về cuộc sống ở đây đâu họ đánh giá chị Duyên qua bề ngoài. Chị Duyên đã chán nản từ lâu lắm rồi nhưng phản ứng bằng cách chị lạnh lùng với anh làm anh bực tức và tự ái nên anh đã chửi mắng vợ và anh có đôi lần hành hung chị.
Chị Duyên nhịn chồng, nhưng 2 đứa con đồng lòng theo mẹ chớ không theo ba. Mẹ và em gái anh vốn ghét con dâu nên sẵn dịp này họ như ngầm thỏa thuận mà không hề có ý hàn gắn cho con. Chị Duyên vốn hiền lành, trọng ân nghĩa, chị không thèm của cải, chị cần con và bây giờ có 2 đứa con bên cạnh rồi chị sẽ không cần anh đâu, anh lập lại hoài "Tôi hiểu vợ tôi nhưng tôi giả vờ không hiểu để bây giờ muộn rồi…." Rồi anh gục xuống bàn.
Anh Tú và tôi thở ra nhẹ nhõm. Anh Long nói ra thì đúng rồi. Vậy mà cho đến giờ này mà bà má chồng cũng cứ đổ tội cho con dâu. Chị Duyên không phải là người gieo tiếng dữ để rồi chị ra mà là bà má chồng cố tình can dự vào hạnh phúc của con trai để con dâu phải ra đi rồi bà lại gieo tiếng dữ cho chị.
Tôi tự nói thầm "Chị Duyên, chân cứng đá mềm. Trời Phật sẽ phù hộ mẹ con chị. Chúc chị may mắn".

NTJ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,598,696
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến