Tác giả Đào Như tên thật là Đào Trọng Thể, sinh năm 1936. Trước 1975, ở trong nước, là bác sĩ phẫu thuật. Đến Hoa Kỳ tháng 11 năm 1979, hiện là chuyên gia về bệnh tâm thần, làm việc tại Chicago. Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
*
Nov .9.03
'...Thưa Bác sĩ, chúng tôi muốn gợi ý Bác sĩ, tháng sáu năm tới (2004), Bác sĩ 66 tuổi, chúng tôi muốn dành thời gian quí báu còn lại đôi mươi năm nữa của Bác sĩ cho gia đình Bác sĩ,... và xin bác sĩ cũng hiểu cho thời thế đã thay đổi!'
Thật sự vấn đề 'hưu', Bác sĩ Đào đã chiêm nghiệm từ lâu, nhất là từ năm 1999, khi ông gặp phải tai biến, khả năng thính giác bị suy sụp. Ông đã nói chuyện với vợ ông, và cũng đã trao đổi thư điện với các con ông nhiều lần. Nhưng khi nghe Bà Giám Đốc nói như vậy ông vẫn thấy nao nao. Ông cũng vừa cảm thấy mình đang cố bám níu một điều gì xem chừng nghịch lý... Già rồi thì phải về hưu chứ, để cho tuổi trẻ họ có cơ hội ngoi lên! Năm 2004, tuổi thật của ông đã 68, ông cố bám víu cách mấy đi nữa thì đến năm 2005 ông cũng phải hưu!
Cưu mang lắm việc rồi đến tuổi hưu ta cũng phải tự hỏi ta làm được những gì cho đời" Lớn lên trong chiến tranh, hư hao, đổ nát, mang nhiều ước vọng vào đời, phục vụ đất nước chưa đầy mươi năm, trôi giạt xứ người, cuộc sống lưu vong của ông thật là hẩm. Nhưng lúc nào ông cũng thấy phấn khởi khi dấn thân làm việc cho Cộng Đồng Người Việt tại hải ngoại! Ông chưa bao giờ an phận, dừng chân. Năm nay ông đã 67, ông vẩn chưa biết đâu là bến đậu, lúc nào sẽ là lúc thả neo lần cuối để cho chiếc tàu đời ông được an nghỉ!
Ông thường chiêm nghiệm đời người như dòng sông. Phát nguyên từ nguồn cao, vượt qua bao nhiêu ghềnh thác, dòng sông càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng. Càng trôi dòng sông càng tiếp nhận nhiều phụ lưu. Lòng của dòng sông cùng nhịp trôi, luôn luôn thay đổi, có lúc nông, lúc sâu, lúc nhặt, lúc khoan. Có lúc cuồn cuộn vươn lên vượt ghềnh thác; có lúc đổ nhào xuống vực thẩm, dòng sông vẫn miệt mài trôi, mang nặng phù sa, tạo nên những nương, những bãi, những cồn, thôn xóm, làng mạc, đất nước...
Đã có biết bao nhiêu nền văn mình và xã hội dựng lên từ những dòng sông! Khi trôi đến cửa biển dòng sông hội nhập vào đại dương; mang đến cho đại dương những chất liệu mới, những nguồn nước và sinh khí mới..và trôi mãi đến vô cùng! Dòng sông đời, cũng miệt mài trôi khi đến tuổi hưu, như dòng sông đến cửa biển, với niềm khao khát mới, những ước vọng mới để hội nhập cùng thế giới... Hưu không phải là sự ngưng đọng cửa đời người, ông luôn luôn quan niệm ở tuổi hưu là điểm khởi đầu cho một hành trình mới!
Nhiều lúc ông tự hỏi tại sao ta lại dấn thân lắm việc! Không hiểu một thôi thúc nào đó đã réo gọi ông đi vào muôn ngả của đời. Ông cảm thấy mình vẫn còn trẻ. Ông thường khoe với người bạn vong niên của ông, những đường gân, những cơ bắp ông đang có! Những cánh buồøm xa trên biển vẫn vẫy gọi ông. Sau đôi mắt đẹp của người con gái vẫn là những thiên đường ước mơ! Ông chan chứa yêu đời, yêu người! Những sáng cuối thu khi đi làm, ông vẫn còn chọn một cravatte cho thích hợp với ngày thu muộn. Ông vẫn còn những mong ngóng những buổi cuối tuần. Những giọt mưa thu không ngừng gõ vào hồn ông những tiếng gọi lên đường!
Ông thường đi bách bộ ngang qua sân cỏ trường đại học, ông thấy những sinh viên nam nữ ngồi bên nhau hay nằm bên nhau, ông tha thiết nhớ! Ông cũng có một thời như vây trên những bãi cỏ của Đại học Y khoa Sàigòn! Ông chưa hề thấy họ là hình ảnh quá khứ của ông 40 hay 45 năm về trước. Họ vẫn là hiện tại của ông!
Cũng như họ, ông thường đưa Bà, vợ ông, vào những buổi xế chiều đến Ravinia, trung tâm trình diễn nhạc ngoài trời tại Chicago. Cũng như những đôi nam nữ khác, ông bà cũng ngồi tựa nhau hay nằm bên nhau trên bãi có nghe ca, nghe nhạc thính phòng! Có lần cũng nơi ấy, ông bà gặp Đặng Thái Sơn trình diễn dương cầm những tình khúc của Frédéric Chopin. Trong nắng hoàng hôn hôm ấy, ông mơ thấy ánh mắt tình tự của George Sand tha thướt trên những trang tiểu thuyết trữ tình!
Trong chín năm qua, ông dồn hết những hiểu biết, ân huệ đời ban cho, với một số vốn chữ nghĩa học được từ đất Mẹ, ông thực hiện tâp truyện ngắn đầu tay. Ông rất thú vị khi thấy tập truyện của ông được vô số đọc giả niềm nở đón nhận. Có người phát biểu những cảm nhận sâu sắc về tác phẩm của ông ngay buổi ra mắt tại Ngân hàng Bridgeview-Bank- Chicago! Hy vọng chăng! Văn học nghệ thuật là hành trang mới cho ông lên đường"!
Có những chiều ông về muộn. Một mình trong văn phòng. Nơi đây ông đã hầu chuyện và vấn an vô số người, vô số gia đình trong suốt 15 năm qua. Họ là đồng hương, đều là nạn nhân của chiến tranh. Đồng cảnh ngộ, cho nên sự cảm nhận của ông với những người bệnh thật sâu sắc. Họ là người đồng hành với ông trên đường đời! Ông cảm thấy có sự ràng buộc thiêng liêng nào đó!
Quyết định về hưu thì dễ, nhưng xa bịnh nhân, xa văn phòng mà ông đã ngồi ở đó trong suốt 15 năm qua, ông không khỏi ngậm ngùi!
Lúc đương thời, là một bác sĩ phẫu thuật ở trong nước, ông chưa hề nghĩ đến chuyện về hưu. Các vị thầy của ông, các giáo sư trường Đại học Y khoa Saigòn, Huế, Hà nội, ở tuổi trên sáu mươi, bảy mươi, họ vẫn tiếp tục phục vụ đất nước, phục vụ y học. Mắt họ vẫn tinh sáng, trí tuệ vẫn linh động. Họ luôn luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cưú. Họ tiến bộ không ngừng! Họ là những bác sĩ đầu ngành, nêu cao phẩm tiết của người trí thức yêu nước, yêu nghề! Mặc dầu trong thời kỳ khói lửa, có lúc phẩu thuật tiến hành dưới bom đạn, trong chiến hào, dưới hầm chiến thuật, cân não của họ vẫn vũng chắc như thành đồng, tay cầm dao phẩu thuật không hề run. Họ luôn luôn nêu cao tấm gương mẫu mực cho học trò của họ, cho mai hậu.
Học hỏi theo thầy, điều ước mơ lớn nhất của ông là được cầm dao phẩu thuật đến hơi thở cuối cùng! Ông đã từng mơ ước, vì một tai biến nào đó cuả tuổi già, ông đươc chết gục bên cạnh bàn mổ trong lúc thực hiện phẫu thuật! Bây giơ,ø khi đã thành một kẻ bỏ nước ra đi, ông hiểu đó chỉ là điều mơ ước của một thời đã qua.
*
Chiều 23/12/03 có hai vợ chồng người bịnh đến xin nói chuyện với ông gần hai tiếng đồng hồ.
Hai vợ chồng đều là người Minh hương sinh quán tại Bạc liêu. Người chồng, nguyên hạ sĩ quan Quân Đội Việt nam Cộng Hoà. Không hiểu tại sao anh này lại đi lính được, vì anh có triệu chứng Thông Tâm Thất bẩm sinh. Cách đây hai năm anh đến gặp ông, xin được điều trị và vấn an tâm thần, vì anh bị trầm cảm nặng.
Ngày đầu tiên gặp anh, anh có triệu chứng suy tim: phù thủng, xanh tím ở đầu ngón tay, đỉnh mũi, và khó thở... Ông hỏi anh ấy:
- Ai giới thiệu anh đến gặp tôi"
- Các bác sĩ chuyên khoa tim của bịnh viện Cook County.
- Như vậy, vừa nói ông vừa nhìn vào tờ giới thiệu, anh bị bịnh tim và các bác sĩ này đang chăm sóc anh"
- Dạ đúng vậy, tôi bị Thông tâm thất bẩm sinh.
- Họ biết tôi là chuyên viên bịnh tâm thần"
- Dạ biết, nhưng ngoài bịnh tim tôi còn...
- A, tôi thấy rồi, anh còn bị trầm cảm nặng nữa.
Bây giờ ông mới nhìn thấy người bịnh có những triệu chứng về tâm thần: người của anh toát ra mùi hôi hám của những tiệm bán quần áo cũ, triệu chứng ngòai da: vết cào cấu trên cẳng tay, trên cổ, móng tay anh để hơi dài để gãi, người anh có nhiều vết hắc lào do nấm, nhất là đầu anh tòan là gầu!
Đột nhiên, người bệnh nói:
- Thú thật với bác sĩ không hẳn là hoàn toàn như vậy. Em nghe người ta bảo, em đến Mỹ theo chế độ di dân, em bệnh hoạn như thế này, dù ở Mỹ có đến 50 năm đi nữa em cũng không thể xin thẻ khám bịnh miễn phí và tiền trợ cấp xã hội được nếu không có quốc tịch Mỹ. Mà làm sao em có thể đậu được quốc tịch Mỹ. Họ thi toàn tiếng Mỹ, mà tiếng Mỹ thì em mù...u. Nếu bảo em chịu khó học tiếng Mỹ làm sao em học được! Các bác sĩ chuyên khoa tim điều trị cho em đều nói máu của em bây giờ đỏ đen lẫn lộn, đôi khi làm cho em thấy ngộp thở, não bộ của em luôn luôn thiếu dưỡng khí, bây giờ cũng tối hù, không tài nào em có thể học thêm chữ nghĩa gì được, chứ đừng nói tới tiếng Anh, tiếng Mỹ!
Nghe người bịnh nói rất chân thành, ông cảm động. Ông biết rõ những gì người bịnh sắp nói: sở dĩ em đến gặp bác sĩ, ngòai điều trị và vấn an bịnh trầm cảm của em, em còn nhờ bác sĩ cấp cho giấy chứng nhận là em bị suy thoái trí nhớ, không học tiếng Mỹ được. Khi đi thi quốc tịch Mỹ em sẽ nộp cho sở di trú, em sẽ được miễn thi bằng tiếng Mỹ, có thế em mới có cơ may có quốc tịch Mỹ. Sau đó em sẽ đăng ký xin thẻ khám bịnh, tiền trợ cấp xã hội, phiếu thực phẩm để sống! Ông không muốn nghe người bịnh nói như vậy, nên ông cướp lời: