Hôm nay,  

Món Quà Đầu Xuân

10/01/200400:00:00(Xem: 187114)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG
Bài số 441-979-Vb5010104

Tác giả Bùi Xuân Đáng 75 tuổi, cư trú tại Orange County, đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết giá trị. Mỗi bài viết của ông, từ chuyện câu cá, rau trái trồng lan... đều thể hiện những kinh nghiệm hiểu biết thấu đáo. Bài viết lần này là một truyện liêu trai hoa lan, có thời gian và khung cảnh trải dài từ thời chiến sang thời bình, từ đất Việt sang đất Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.

Đầu năm 1956, Trung úy Hoàng được bổ nhiệm về Đại đội Quân Cụ thuộc Sư Đoàn Dã Chiến 4, trấn đóng tại Biên hòa. Hãy còn độc thân, nên chàng được đơn vị cấp cho một gian phòng nhỏ gần bãi chứa những chiếc xe cũ đã bị hư hỏng, rỉ xét chờ lệnh cho phế thải.
Khu này hoàn toàn bỏ hoang không ai lai vãng tới. Thỉnh thoảng mới có một vài người thợ máy đến tháo những cơ phận còn có thể tạm dùng được cho các xe khác, xong rồi vất bừa bãi và bỏ đi. Bãi chứa này giáp ranh với khu gia binh, cách nhau một hàng rào kẽm gai phủ đầy giây bìm bìm có những những bông hoa mầu tím nhạt và những loại dây leo không tên mọc đầy che kín hàng rào. Giừa hàng rào và bãi chứa xe là những hàng cây sao, cây dầu,cây giá tị một loại cây rất lạ, vỏ chỗ sần sùi, chỗ bị tróc đi nhẵn thín như khucù xương khô , lá to như chiếc quạt nan, mà có người bảo đó là cây gỗ balsa, thớ gỗ rất sốp và nhẹ. Những cây này đều cao to ngất trời, thân cây nhiều chỗ bám đầy những loại cây tầm gửi nơi chứa những tổ chim nào là se sẻ, chim di, chim cu ngói, sáo đen và sáo khoang. Những con chim này, nhất là đàn sáo hay tranh dành chỗ để làm tổ đánh nhau chí choé suốt ngày. Chúng chỉ tạm ngừng khi nào có con ó nâu sà đến ngọn cây, hay đàn quạ khoang bay đến.
Mới về đơn vị, hãy còn độc thân lại không bạn bè, thân thích, Hoàng sống cô đơn và âm thầm lặng lẽ. Gia đình chàng rời Bắc vào Nam theo cuộc di cư vĩ đại của một triệu người dứt áo ra đi tránh nạn cộng sản. Riêng chàng đã lên đường vào Nam nhập ngũ trước khi hiệp định Genève được ký kết. Thay vì thụ huấn tại Thủ đức như các bạn đồng đội, nhưng vì lo lắng cho gia đình chàng đến trình diện trễ nên được gửi đi Đà lạt cùng với khoảng 200 người khác. Gia đình chàng sau đó đã cùng đoàn người di cư vào Nam bằng tầu biển và đã định cư tại khu Lê đại Hành gần trường đua ngựa Phú Tho.
Khi còn đang thụ huấn, những ngày được nghỉ Hoàng theo chân bạn bè dạo quanh thành phố Đà lạt, một thành phố thơ mộng và hoàn toàn khác hẳn với miền Bắc xa xôi của chàng. Từ khí hậu mát mẻ cho đến cách kiến trúc nhà cửa, vườn hoa cây cỏ cái gì cũng đẹp đẽ và khác lạ với nơi chàng sinh trưởng. Những bông hoa hồng cũng to hơn và đẹp hơn, mầu sắc cũng lạ hơn. Lẽ tất nhiên những bông hoa biết nói của Đà lạt lại càng hấp dẫn hơn, đôi má lúc nào cũng hồng lên vì nắng ấm và gió núi se lạnh. Nhưng điều mà Hoàng chú ý hơn cả là những nhánh lan rừng thơm ngát được bầy bán quanh khu phố chợ với những mầu sắc, hình dáng lạ lùng. Sinh trưởng trong ngôi làng nhỏ tại miền đồng bằng Bắc bộ, phần lớn chỉ là những cánh đồng lúa xanh tươi bát ngát bên giòng sông Luộc đục ngầu vì phù sa của ngọn sông Hồng chẩy vào. Lớn lên theo học tại Nam định và sau này sinh sống tại Hà nội, chàng chỉ biết trong sách vở có nói đến những cây phong lan xa lạ và mãi đến bây giờ chàng mới được nhìn thấy tận mắt.
Mãn khóa học, Hoàng được bổ xung cho Tiểu Đoàn 3 thuộc Trung đoàn 11 trấn đóng tại Long xuyên. Trên một năm hành quân tiễu trừ bọn Cộng sản nằm vùng phối hợp với các giáo phái hoành hành tại vùng Cần thơ, Long xuyên, Châu đốc và Hà tiên. Sau đó Tiểu đoàn gửi chàng theo học khóa Vũ khí chuyên khoa và được chuyển ngành về Quân cụ.
Thời bình, đơn vị chỉ lo huấn luyện nên chàng có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Ưa đọc sách nên chàng kê chiếc bàn vừa là bàn ăn vừa là bàn đọc sách gần cửa sổ có hàng chấn song sắt mà nước mưa đã ăn mòn gần hết chân song. Đêm đêm ánh sáng vàng vọt leo lét của bóng đèn điện chập chờn lẫn ánh trăng xuyên qua tàn lá thưa thớt trên ngọn cây cao làm cho gian phòng lạnh lẽo phảng phất đôi chút ma quái. Một đôi khi chàng thường ví mình với những chàng thư sinh trong chuyện liêu trai của Bồ Tùng Linh, mong sao gặp được một nàng hồ ly xinh đẹp để cho cuộc đời có thêm chút hương vị và bớt nỗi cô đơn.
Một đêm, cũng đã quá khuya, đang ngồi nắn mấy phím đàn, chàng thấy hình như có bóng người lướt qua khung cửa sổ. Buông đàn chàng vội chạy ra, nhưng không gian lặng ngắt, chỉ còn những bóng cây lờ mờ. Hoàng cho là mình mơ tưởng cho nên lóa mắt ngỡ ánh trăng là bóng giai nhân. Một làn hương thơm chợt theo làn gió thoảng, phảng phất mùi trầm pha lẫn mùi quế. Không thể nhầm lẫn được, đích thực là có người con gái vừa mới bước qua đây. Chàng tin tưởng vào khứu giác của mình, nhưng sau hai ba vòng quan sát vô hiệu quả, chàng đành bước vào phòng ngủ và mở toang cửa đợi chơ.ø
Nửa đêm giông gió nổi lên, sấm sét đùng đùng, trận mưa tuy mới đầu mùa mà như thác đổ. Hoàng chợt nghe có tiếng chuyển động răng rắc của một cành cây bị gió vặn rời ra khỏi thân và lao xuống đám xe cũ han rỉ vang động cả một vùng.
Sáng ra Hoàng thấy một cành cây to lớn mang đầy tầm gửi và những ổ chim đã gãy rời làm 2 khúc lớn và nhiều mảnh vụn nhỏ bắn tứ tung nằm rải rác với những chiếc lá to bản tươi nguyên còn ướt đẵm nước mưa. Quan sát kỹ đám tầm gửi mà trước kia ở tít trên cao chàng không thể nào phân biệt được, Hoàng thấy hình như có vài bụi phong lan mà chàng đã thấy ở Đà lạt và nhiều thứ cây nhỏ chàng không rõ tên. Trên vè của một chiếc xe Dodge 4x4 có nhiều lỗ thủng han rỉ, Hoàng thấy vất vưởng một nhánh phong lan mang theo chùm hoa mầu hồng nhạt có những chấm tím đỏ. Nhánh lan này chắc chắn đã bị văng ra khỏi cành cây khi rớt xuống mũi chiếc GMC nằm bên cạnh hãy còn hằn dấu vết cuộc chấn động dữ dội. Những chiếc lá to bản, cứng và dài, mọc sòe sang hai bên như nan quạt. Mỗi bên 3-4 chiếc lá mầu xanh vàng có những sọc trắng và những chấm nhỏ mầu nâu tía. Rễ lớn như chiếc đũa và dài, cho nên khó lòng mà bám chặt vào cành cây được như những loại lan có nhiều rễ nhỏ.
Sẵn dịp vào sáng ngày chủ nhật, lại thấy căn phòng trống trải, Hoàng hì hục khuân hai khúc cây vào trang trí cho căn phòng thêm phần tươi mát. Trong khi xoay trở khúc cây, thấy dấu vết những chiếc rễ của nhánh lan đã bị văng ra ngoài chàng vội đem cây lan cố gắng ghép đúng theo vết cũ.
Nhìn chùm hoa đong đưa trước gió, Hoàng khoanh tay say sưa nhìn ngắm tác phẩm vừa hoàn tất. Khúc cây dựng đứng, nằm gọn trong lòng chiếc niềng xe vận tải mầu xanh ô liu. Trên nền gạch nâu đỏ tuy đã mòn vì thời gian, tương phản với những cành lá lăn tăn xanh bóng rủ xuống từ chạc ba của khúc cây chỗ còn vỏ, chỗ nhẵn trơ nhẵn trụi như chiếc trán hói của một ông già. Phiá trên chạc ba, nhánh phiá tả một chùm lan lá dài như lá tóc tiên có dăm ba chiếc tổ chim xen lẫn những chùm hoa cánh mầu nâu nhạt, nhị điểm những đốm vàng. Nhánh phía bên hữu vươn lên cao, trơ trọi một khóm lan cô độc vừa đuợc chàng ghép vào. Khúc cây thứ hai, nhỏ hơn, có lẽ là phần ngọn cũng có hai nhánh nhỏ hơn nhiều, nhưng phía trên lại tỏa ra nhiều cành nhỏ mang đầy mốc rêu và những khóm lan vô danh có củ ngắn, dài khác nhau lấm tấm hoa vàng, hoa trắng. Đâu đây chợt thoảng mùi hương quen thuộc, Hoàng không thể phân biệt là của thứ hoa nào.
Từ đó mỗi khi ở đơn vị trở về, chàng đều ngửi thấy mùi hương phảng phất. Nhưng chẳng được bao lâu, chỉ hơn một tuần lễ sau, những bông hoa đã lần lượt theo nhau tàn úa và khi sắc đã tàn, hương cũng bay theo mất. Chừng một tháng sau cây cỏ úa héo dần dần, chàng thắc mắc không hiểu tại sao mặc dầu vẫn chịu khó phun nước hàng ngày.
Một đêm chợt tỉnh giấc nồng, Hoàng bỗng nghe thấy tiếng thở dài. Nhìn qua song cửa, dưới ánh trăng ánh trăng sáng tỏ, một người con gái ngồi tựa bên thềm nét mặt buồn bã. Chàng vội bước ra, người con gái vùng lên như muốn chạy. Hoàng vội nắm tay nàng giữ lại hỏi :
- Xin lỗi cô ở đâu đến đây"
Nàng đưa tay chỉ về phía bên kia hàng dậu, Hoàng hỏi tiếp :
- Cô làm sao sang đây được"
Chàng biết rõ là từ trại gia binh bên kia, muốn sang chỗ chàng phải đi vòng qua con đường phía trước khá xa, còn hàng rào kẽm gai phủ kín dây leo dù rằng một con chó cũng khó lòng qua được.
Nàng ậm ừ không trả lời cúi mặt làm thinh. Hoàng mời nàng vào trong nhà kẻo sương khuya lạnh lẽo. Nàng cất bước đi theo. Mở đèn cho thêm sáng Hoàng mời nàng ngồi vào chiếc ghế duy nhất. Nàng vẫn cúi đầu không nói. Nét mặt cao sang, mi thanh, mục tú, vóc dáng mảnh mai yểu điệu trong bộ quần áo mầu hồng nhạt điểm những bông hoa nhỏ mầu sậm. Làn hương quen thuộc bỗng sực nức gian phòng. Hoàng lựa lời hỏi tiếp và sau vài giây phút ngập ngừng nàng cho biết tên là Ngọc Điểm, hiện thân của cây lan lá dài và cứng. Thấy chàng cô đơn quạnh vắng nên nhiều lần muốn kết bạn làm thân, nhưng còn ngại ngùng không dám đường đột. Vừa rồi lại bị gió đánh văng ra khỏi cây, cảm kích tình chàng nâng niu săn sóc, cho nên hãy còn phân vân chưa biết làm cách nào mở lời giải thích cùng chàng.
Giọng nói nhẹ nhàng như gió thoảng qua làm Hoàng ngỡ mình đang ở trong giấc mơ. Chàng và nàng chuyện trò tương đắc, tâm đầu ý hợp nhưng thời khắc đã qua mau, tiếng gà gáy sáng lôi hai người trở về thực tại. Khi ánh dương quang vừa lấp ló nàng vội vàng từ biệt và vụt biến bên ngoài song cửa. Những đêm hôm kế tiếp, cứ sau bữa cơm chiều Hoàng lại tắt đèn chờ đợi, nàng vẫn đến trong bộ quần áo hồng nhạt như cũ chuyện trò, ân ái cùng chàng cho đến khi gần sáng.
Từ đó không lúc nào Hoàng rời cây lan, lấy nước phun nhẹ, lau sạch những đốm mốc rêu trên lá, dưới rễ chăm chút tưng ly từng tí. Lấy sợi giây len buộc những chỗ rễ bị bung ra khỏi thân cây. Có lần chàng hỏi nàng về cách chăm sóc, nàng chỉ nói:
- Chúng em là phận cây cỏ, cha mẹ sinh ra do chút phấn hoa, nương theo làn gió, hạt nhỏ dính vào đâu đó, trong nhờ đục chịu. Gặp chỗ tốt có đủ nắng thuận, mưa hòa, lớn lên theo năm tháng lại đơm bông kết trái di truyền nòi gống. Gặp chỗ không may nắng nhiều, mưa ít còi cọc không tăng trưởng được và tàn lụi theo thời gian.
Chàng lại hỏi làm sao để giúp cho nàng có thể hồi phục và tăng cường sức sống. Nàng thưa rằng:
- Số mạng con người cũng như cây cỏ chúng em đều do trời định. Kiếp này, kiếp sau và duyên nợ khó lòng giải thích và biết trước được.
Chàng suy nghĩ rằng những loại cây này có lẽ cần nắng gió và sương đêm, cho nên chàng lại khuân ra trước cửa. Ba ngày sau, hầu hết các cây đều bị nắng táp, bởi vì khi còn ở trên cây, còn có cành lá che bớt ánh nắng, sau đó lại bị mang vào trong nhà khá lâu và đột nhiên lại phơi bầy dưới ánh nắng gay gắt phũ phàng cho nên mầm non và lá bị cháy xém. Thân cây còi cọc, rễ bị khô teo lại gần như chết. Một người quen khuyên chàng nên ngâm đầu tôm cho thối và pha với nước vo gạo rồi tưới hàng ngày. Cây lan cũng như cành tầm gửi lại càng thêm vàng vọt và rụng lá. Nàng đột nhiên cũng bặt tăm, không còn đến với chàng như trước. Hoàng thẫn thờ chờ đợi hàng đêm. biếng ăn mất ngủ.
Nhưng một đêm nàng bỗng hiện ra, nét mặt buồn rầu ủ rũ, nước mắt chan hòa nói chẳng nên lời. Ôm nàng vào lòng chàng vừa hỏi vừa vỗ về. Nàng cho biết :


- Duyên phận chúng ta ta đã hết, số kiếp của em đã tàn nên chẳng ở với chàng được lâu dài.Thân em như hạt mưa sa, được chàng săn sóc chăm nom tnực là muôn vàn cảm kích. Tính mạng của em tưởng chừng như đã chấm dứt khi Thiên lôi theo lệnh Nam Tào giáng lưỡi búa tầm sét xuống, nhưng nhờ chàng cố tình cứu sống nên em cố sống để báo đáp đền ơn. Nào ai ngờ số mệnh khiến sui, nên chàng đã nghe lời bọn phàm phu tục tử tưới cái thứ nước dơ dáy bẩn thỉu làm cho linh hồn và mầm sống yếu ớt của chúng em vốn đã suy nhược không còn cách nào giữ lại được nữa. Âu cũng là định mạng vì vậy đêm nay em cố mang hết chút hơi tàn về giã biệt cùng chàng.
Người lạnh như băng, hơi thở yếu ớt tiếng nói đứt quãng, người bỗng nhẹ như bông gòn và tan biến trong không gian.
Hoàng đêm ngày thẫn thờ, không còn ăn nói hoạt bát như trước và dần dần ngả bệnh không đến đơn vị. Anh em đồng đội đến nơi chàng trú ngụ xem sao, nhưng mới vào đến cửa đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc không sao chịu nổi, vì chàng vẫn giữ tất cả cành cây và những nhánh lan khô héo trong phòng. Mùi củi mục, lá thối cộng với mùi vỏ tôm chết làm cho căn phòng như một nấm mồ vừa được cải táng.
Nhưng rồi Hoàng cũng bình phục và đổi đi Pleiku nhận đơn vị mới. Vùng cao nguyên này toàn rừng núi thâm u, hiểm trở và có rất nhiều phong lan. Là đơn vị trưởng, lại ở vào thời bình, không vướng bận gia đình, nên Hoàng có nhiều thì giờ và phuơng tiện để tìm lan. Trong nhà và ngoài hàng hiên trước cửa treo đầy đủ những loại lan rừng, tuy chàng vẫn còn cố công tìm kiếm, nhưng tuyệt nhiên chàng không thể nào tìm thấy cây lan năm cũ. Hoàng mô tả hình dáng cây lan và thăm hỏi những người chơi phong lan tại địa phương cũng không một chút mảy may hy vọng.
Một hôm, người sĩ quan thuộc cấp đi phép từ Saigon trở về mang một món quà tặng cho chàng. Mở chiếc thùng giấy cạc tông, nét mặt Hoàng hân hoan mừng rỡ, tưởng chừng như được thăng lên hai cấp một lúc.
Quà tặng là một khúc cây mang theo nhánh lan Ngọc Điểm còn tươi tốt với những chiếc rễ dẹp lép quấn quanh. Dưới gốc còn hai mầm nhỏ, mầm dài chừng độ ngón tay, mầm ngắn mới được hơn một đốt. Hoàng mừng vô hạn hỏi người đồng đội làm sao kiếm được cây lan này. Anh ta nói nhân đến thăm người bạn ở Biên hoà và trùng hợp làm sao người bạn này lại ở căn phòng cũ của Hoàng khi xưa. Đến khi người bạn nói về chủ cũ của căn phòng, anh mới biết là đơn vị trưởng của mình trước đã ở đây. Lúc sắp từ giã người bạn, nghe đàn chim sáo ồn ĩ tranh mồi, nhìn lên đám cây sao có nhiều phong lan bám vào nên anh ta chợt nghĩ kiếm món quà biếu xếp. Nhờ bạn đem xe cần trục cắt một nhánh lan bám vào cành thấp nhất đem về. Ai ngờ đó lại là một bảo vật Hoàng đã cố công tìm kiếm từ lâu.


Cuộc đời trầm lặng của một quân nhân ở nơi đèo heo hút gió không có gì thay đổi cho đến khi người cố vấn Hoa kỳ, Doug Bradley đến thăm Hoàng và thực tình thích thú về bộ sưu tập hoa lan hiếm có này.
Lúc còn ở quê nhà, Doug cũng rất thích thú về cây cỏ nhưng về lan ông cũng chỉ biết sơ qua. Từ đó hai người tương đắc chuyện trò và mối tương quan càng ngày càng thắm thiết, nhất là từ khi mẹ của Doug gửi cho chàng một thùng sách khá nặng nói về lan. Những ngày nghỉ, hai người vào rừng tìm lan và săn bắn.
Qua người bạn mới và qua sách vở, Hoàng lại càng say mê bộ môn giải trí tao nhã này nhưng thực tâm chàng muốn tìm lại hình bóng năm xưa. Nhánh lan Ngọc điểm nhờ khí hậu ẩm thấp, phù hợp với mưa rừng, gió núi, nhờ sự chăm sóc đúng cách đã dạy trong sách vở nên đã tươi tốt hơn xưa. Nhánh con đã cao gần bằng nhánh mẹ, nhưng lá to và dài hơn. Còn nhánh em bé bỏng ngày xưa, nay đã như cô gái dậy thì lớn và đẹp còn hơn cô chị. Đám rễ khi xưa dẹp lép, nay đã tròn trịa và mập mạp như ngón tay út, hững hờ quấn vòng quanh khúc cây rồi thả dài xuống dưới như con rắn mốc. Đầu rễ dài chừng ngón tay, xanh tươi mơn mởn như lá mạ non, sẵn sàng uống trọn từng giọt sương khuya còn đọng lại.
Đông vừa qua, xuân lại về tới, dò lan Ngọc Điểm tên khoa học là Rhynchostylis gigantea cả lan mẹ, lan con bắt đầu chớm nụ. Hoàng đếm cả thẩy 7 mầm hoa, nhưng không, là 9 tất cả, vì nhánh nhỏ nhất cũng có 2 mầm vừa mới bằng hạt gạo cũng bắt đầu nứt nanh.
Ngày nào Hoàng và Doug cũng trông chờ hoa nở , nỗi mong đợi còn hơn mong mẹ về chợ. Nhưng tâm tư mỗi người một khác. Doug chờ mong bông hoa lạ lùng anh mới thấy lần đầu, và liên tưởng tới mầu má và mầu môi son của Wendy, người tình đầu và cũng là vị hôn thê đang mong chờ ngày trở về của anh. Còn Hoàng tơ tuởng tới nàng Ngọc điểm và mùi hương quyến rũ năm xưa. Ngày hoa vừa mới sơ khai chàng vội vã báo tin mừng cho Doug và hai người quyết định mở tiệc thưởng hoa. Mỗi khi màn đêm buông xuống, Hoàng lại treo dò lan trong phòng ngủ và pha sẵn bình trà chờ đợị. Nhưng biết bao lần gà rừng cất vang tiếng gáy báo hiệu buổi bình minh đã gần kề, bóng chim, tăm cá vẫn chưa thấy xuất hiện. Đêm hôm sau và những đêm sau nữa Hoàng vẫn chờ vẫn đợi trong tình trạng vô vọng. . .
Thế rồi chiến sự lan tràn, khu vực Pleiku, Kontum ở trong tình trạng bất an. Người cộng sản miền Bắc, muốn cứu vãn tình trạng đói khát kiệt quệ cho nên đã gửi những đoàn quân để tiến chiếm vựa lúa của miền Nam phong phú. Những binh đoàn thiêu thân Sinh Bắc tử Nam vượt qua biên giới Lào - Việt tràn ngập núi rừng. Rồi những trận công đồn đả viện dồn dập xẩy ra liên tiếp. Sư đoàn không kỵ Hoa Kỳ và Sư đoàn nhẩy dù được gửi tới để tăng cường cho binh sĩ địa phương truy lùng quân địch.
Chiến sự càng ngày càng trở nên sôi động với những vũ khí tối tân nhất. Rừng cao nguyên đầy rẫy những tài sản quý báu của quốc gia, những bông hoa lan, những muông thú hiếm quý của thế giới đã bị bom Mỹ, đạn Nga, hỏa tiễn Tầu tiêu diệt. Những ngọn núi thâm u, những cánh rừng hiểm trở bỗng trở thành nơi trú ẩn cho bọn người hiếu chiến. Những ngọn đồi xanh tươi thơ mộng bỗng một sớm một chiều biến thành ngọn đồi máu, xương thịt nát nhừ cùng đám cây rừng cháy đen trơ trọi. Nếu không có bọn người này , miền cao nguyên vĩnh viễn sẽ là nơi chốn thần tiên của những người lấy thiên nhiên làm gia bảo, và là thiên đường của những loài muông thú và kỳ hoa dị thảo của loài người. Cộng sản đổ thêm quân, lợi dụng cây rừng làm lá chắn che mắt phi cơ và chất thuốc khai quang trải dài dọc theo biên giới làm cho cây rừng rụng lá chỉ còn những thân cây trơ cành, như bộ xương người trắng xóa.
Cũng vào thời gian đó Doug mãn nhiệm kỳ và trở về nguyên quán. Trước khi hồi hương, người cố vấn đề nghị với Hoàng mang hết bộ sưu tập hoa lan về Mỹ với lý do chiến sự gia tăng và Hoàng không có thì giờ trông coi nữa. Người bạn này cũng không quên tặng Hoàng một số tiền gấp ba năm lương lính của chàng.
Thế rồi tình hình chiến sự mỗi ngày một xấu đi và tiếp theo là những ngày tang thương, kinh hoàng khủng khiếp của cuộc triệt thoái miền cao nguyên, rồi tan hàng, mất nước trong tủi nhục.


Hoàng đặt chân đến đất Hoa kỳ, sau 12 năm nếm đủ mọi sự hành hạ, đói khát, gian khổ trong các trại cải tạo tại miền Bắc và 5 năm sống lay sống lắt tại thành phố đã bị cưỡng ép đổi tên. Được bạn bè giúp đỡ, chàng định cư tại Santa Ana, yên phận với việc trồng hoa, xén cỏ để nuôi gia đình. Một hôm có một bà Mỹ gọi chàng đến dọn vườn.
Hoàng đến nơi và lặng người trước một khu vườn lan khá lớn. Chàng quên cả việc làm,say sưa ngắm nghía hết cây này đến nhánh khác. Vườn lan này thực là phong phú và đa dạng, rất nhiều loại chàng chưa bao giờ trông thấy và trong chiếc nhà kính ở góc vườn, Hoàng ngẩn người kinh ngạc như kẻ tha hương lâu ngày bỗng gặp cố nhân. Hàng chục cây lan thân thương ngày trước, nào Nhất điểm hồng, Phuợng vĩ, Long tu, Dáng hương, Hoàng thảo, Kim điệp và kỳ dị thay một khóm lan Ngọc điểm treo gần trên nóc với 3 chùm hoa vừa mới mãn khai. Khóm lan này có lẽ là hậu thân của khóm lan ngày trước. Những nhánh nguyên thủy đã chết khô, ngọn đã rơi rớt đâu đây, nhưng vẫn còn nguyên gốc cũ và lạ lùng chưa còn mang theo mảnh gỗ nhỏ mà năm xưa chính Hòang đã dùng sơn đỏ nắn nót viết tên cây lan và ngày tháng. Mấy nhánh đang trổ bông có lẽ thuộc vào thế hệ thứ ba thì phải. Mầu sắc quen thuộc khi nào, hương xưa ngào ngạt, chàng bồi hồi cảm súc. Hình dáng người xưa, năm cũ bỗng hiện về trong tâm khảm. Chàng say sưa ngắm nghía quên hẳn bà chủ nhà đang lạ lùng dò xét hành động của người làm vườn.
Khẽ ho một tiếng, bà Mỹ đã đưa chàng trở về thực tại. Mời chàng ly nước và hỏi han tự sự để thỏa nỗi tò mò. Chàng thực tình kể lại, bỗng dưng bà Mỹ già, nước mắt dàn dụa và mời chàng vào trong nhà. Trên tường một bức ảnh đã được phóng lớn, bức ảnh tuy đã phai mờ vì thời gian, nhưng đó chính là bức hình năm xưa Hoàng và Doug đứng bên dàn phong lan có nhánh Ngọc điểm nở hoa.
Wendy dưng dưng hai hàng nước mắt cho biết Doug đã qua đời hai năm trước đây. Sau khi từ Việt Nam trở về họ đã thành hôn và di chuyển nhiều nơi. Đi đến đâu họ cũng mang theo những cây phong lan từ nơi Doug đã xa xôi trấn đóng. Chiến tranh và sự thay đổi chỗ ở làm cho thư từ liên lạc giữa Doug và Hoàng bị gián đoạn. Đến khi làn sóng di cư tỵ nạn ào ạt đến đây, vợ chồng Doug đã nhiều lần gửi thư cho hội Hồng Thập Tự để tìm người bạn cũ và Doug cũng nhiều lần đăng báo tìm Hoàng nhưng tuyệt vô âm tín, nay gặp lại Hoàng người chồng yêu quý và cũng là người tình muôn thuở chẳng còn.
Wendy ngỏ ý nhờ Hoàng thay bà trông nom săn sóc vườn lan cũng như những cây cỏ sau nhà. Bà cũng cho hay là bà dễ bị dị ứng vì cây cỏ, nhưng vì thương nhớ người chồng quá cố nên bà vẫn cố giữ vườn lan. Từ đó mỗi tuần một lần từ sáng tới chiều, chàng đến vườn lan của bà Wendy gần như say sưa mê mải quên cả ngày giờ đôi khi quá mệt nhọc chàng thiếp đi trong nhà kính.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, đông qua, xuân tới nhánh lan Ngọc điểm sắp sửa trổ bông. Hoàng lại chờ lại đợi và cố ý nán lại tới chiều tối nhưng vẫn vô vọng. Trở về nhà, mở tủ lạnh lấy mấy hộp bia ngồi bên cửa sổ nhìn bóng hàng cây khuynh diệp đang đong đưa trước gió, bỗng nhiên người cũ năm xưa bước vào nét mặt buồn thiu, nàng nghẹn ngào:
Từ ngày từ biệt, em vẫn mong muốn cùng chàng có ngày xum họp, nhưng trời chẳng chiều lòng. Số kiếp long đong của em đã định, bắt buộc chúng ta phải xa nhau, anh mới mong giữ được mạng sống. Từ ngày gửi thân đến nơi đồng đất nước người em vẫn mong có ngày tái ngộ, nhưng âm dương cách trở, đất khách quê người chẳng phải là nơi nối lại chút duyên tình cũ. Thôi chàng hãy chờ em ở kiếp sau. Trước khi vĩnh biệt em có món quà nhỏ tặng chàng để đền ơn tri ngộ.
Nàng dúi vào tay chàng một vật, vừa chạm đến tay, vật đó bỗng sáng lòe rồi vụt tắt nên chàng chẳng nhận diện được.


Buổi chiều mồng một Tết , Hoàng đang buồn rầu vì cảnh cô đơn , nhớ đến những ngày êm đềm bên người đẹp liêu trai năm nào, nhớ đến bạn bè và cố hương xa thẳm nghìn trùng. Một người Mỹ, y phục chỉnh tề đến tìm Hoàng. Ông ta mở chiếc cặp da và trịnh trọng trao cho Hoàng một bao thơ và cho biết, thân chủ của ông, bà Wendy Bradley vừa mới qua đời vì tai nạn xe hơi. Bà không con và cũng không thân thích, nên đã lập sẵn di chúc cho Hoàng tất cả tài sản, gồm ngôi nhà với tất cả đồ đạc, vườn lan và một trương mục với sáu hàng chữ số.
Mắt đỏ hoe, vô cùng xúc động, Hoàng tần ngần cầm chiếc phong bì và thẫn thờ trước cơ duyên tiền định.
BÙI XUÂN ĐÁNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,412
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.