Hôm nay,  

Nước Mỹ Đủ Chuyện

27/12/200300:00:00(Xem: 371219)
Người viết: KIM N. C.
Bài tham dự: 431-969-V6191203

Tác giả Kim N.C. cư trú: tại Anaheim, đã viết "Vui buồn nghề Nails" "Người đẹp Hà Thành và nước Mỹ" Đây là bài viết thứ ba và tác giả cho biết “bài này được viết trên Freeway 91 mỗi sáng khi kẹt xe.” Hy vọng từ những giờ kẹt xe mỗi sáng, sẽ có thêm nhiều bài viết về nước Mỹ đủ chuyện. Sau đây là những chuyện đầu tiên.
*
"Nhà em có nuôi một con chó"… Đúng ra con chó đang có mặt ở nhà tôi là chó của con gái tôi mới mua, loại chó đến từ Bắc Kinh, mặt nhăn nhăn như 'con khỉ" (con khỉ nói giọng Huế của ba tôi) không phải là Bulldog vì thân hình nó không nhăn nhúm như Bulldog. Vì là chó mới đẻ nên mỗi ngày con gái tôi đem chó đến gởi mẹ tôi babysit dùm, tới chiều chồng nó đến lại đón chó về. Bữa nọ, mẹ tôi nghe tiếng gõ cửa, rồi nhìn qua cửa kiếng mẹ tôi thấy anh bạn dân tức police office, mẹ tôi hoảng hồn vừa bấm phone gọi tôi, vừa mở cửa lắp bắp no English. Ok no English, anh bạn dân hiểu ý chỉ đưa 1 lá thư rồi bỏ đi.
Tôi lái xe chạy về đọc lá thư thì ra cảnh sát cho biết hàng xóm tôi thưa nhà tôi nuôi chó không có license. Họ cho biết nếu tuần sau họ đến mà con chó nhà tôi không có giấy tờ thì phải ra tòa. Con tôi bảo là phải nhờ làm giấy khai sinh cho cho, ghi rõ ngày sinh tháng đẻ, tên cha mẹ… con chó, gởi lên city gì đó thì họ mới gởi cái thẻ về đeo vào cổ chó.
Con tôi cũng tức giận vì ông hàng xóm lắm mồm. Nó viết lá thư dán ở cửa cho ông cảnh sát đến lấy, đại để là nhà này không nuôi chó, chó chỉ đến thăm thôi OK. Aáy thế coi chừng đó. Ở Mỹ hàng xóm cũng là công an nhân dân đấy nhé.
Mẹ tôi nói mình ở cái miệt Anaheim này buồn quá, mua một con gà về nuôi nó gáy cho vui. Vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy hàng xóm than phiền. Rồi anh bạn dân lại đến, hàng xóm bảo con gà nhà mày nó gáy to quá, không ai ngủ được nhất là weekend. Lại nữa city tôi ở không cho phép nuôi gà vịt, nhưng mà quái thay, city Yorba Linda ở ngay sau nhà tôi thì được phép nuôi gà vịt ngựa, ngan ngỗng như ở Farm vậy. Thế là con gà được hóa kiếp về miền cà ri bánh mì. Tôi nói thôi mẹ ơi, nghe ké tiếng gà gáy bên xóm Yorba Linda cho đỡ nhớ nhà vậy.
Tôi nhớ khi mới qua Mỹ, tôi ở sát chân núi của vùng Yorba Linda. Ông hàng xóm có nuôi một con chó bự cỡ tôi là ít, mỗi ngày đi bộ ngang nhà ông, con chó ở trong vườn cứ chồm ra muốn ăn tươi nuốt sống tôi, thấy mà ớn. Một bữa đẹp trời con chó xổng ra khỏi vườn tấn công đứa bé ở cạnh nhà bị thương nặng. Thế là xe cứu thương, xe cảnh sát, xe bắt chó tới hà rằm. Con chó đi vào nhà tù, nghe đâu bị nhốt ở miệt City Drive. Ông hàng xóm phân bua với tôi "Mày biết không" Con chó của tao nó "nice" lắm, không có răng mô (tiếng Mỹ ba rọi của tôi dịch là: You know what! My dog he is very nice, he never hurt some one) ông hàng xóm từ nay cuối tuần hết chết dí ở TV vì football nữa mà phải đi vô nhà tù thăm nuôi chó. Tôi cũng giả bộ buồn rầu mà chia buồn với ổng, thôi mày ráng vui lên có vô thăm nó thì cho tao "say, hi" biểu chó mày ráng học tập cho tốt vào rồi cảnh sát khoan hồng vài bữa rồi tụi mày sẽ đoàn tụ thôi. Không biết "tiếng anh nói như gió tiếng có tiếng không" của tôi ông hàng xóm có hiểu gì không mà thank you rối rít.

CHỒNG ƠI LÀ CHỒNG
Báo Women Day có tổ chức một kỳ thi viết dành cho quý bà viết về ông chồng với những chuyện không thể tưởng tượng được. Xin ghi lại một chuyện đoạt giải nhất của bà Linda ở Texas.
Bà Linda có bầu được 8 tháng. Sau bữa ăn tối ,vì quá mệt mỏi bà để nguyên đống chén bát ở sink và đi nằm nghỉ. Một lát sau bà nghe tiếng động lịch kịch ở bếp, trong lòng bà nghĩ thầm: Chà, David lóng rày tỏ ta thương vợ bầu bì chắc là hắn ta đang rửa dùm bà lũ chén bát ly tách còn ứ kia.
Sáng sớm sau bà thức dậy, lò mò ra bếp đụng ngay đống chén còn y nguyên, nhưng ở ngay dưới cái sink có cái ghế nhỏ mới đóng bằng gỗ, bà Linda đang bắt đầu muốn đổ bệnh…ứa gan thì chồng bà xuất hiện, lè nhè nói: Hi, Honey có cà phê chưa cưng" Anh mới đóng cho cưng cái kệ đó để cưng đứng lên rửa chén cho dễ đó mờ, cưng thích không"
Bà bạn tôi ở Fullerton, kể lại câu chuyện có thật 100% của bà, câu chuyện như vầy: Ông Hưng chồng của bà Lily có một chiếc xe hơi, giờ đã cũ nhưng ông quý như vàng, xe Fiat 2 chỗ ngồi mui trần (Mỹ nó gọi xe xì po công vơ tê bồ đàng hoàng) bữa nớ xe của bà Lily bị hư bèn mượn xe ông chồng đi shopping. Trước khi giao chìa khóa cho bà, ông Hưng căn dặn: bà lái cẩn thận nha coi chừng đừng quẹt vào đâu nha. Trời đất ổng làm như là bả lái xe dở lắm dù bà 20 năm chưa hề bị một cái ticket nào. Ổng còn dặn vói theo là bà về lẹ lên nha. Bà nghĩ ông này sao hối hả quá hay là giục mình về đặng lấy xe chở con ghẹ nào đi ra biển, mà ghẹ này tóc dài rồi vì có lần ổng nói bóng gió xe Fiat của ổng mà chở đào có mái tóc dài khi xe chạy gió bay bay là tình hết biết, mà đào này chắc cũng không phải là bà Lily rồi vì tóc bả còn ngắn hơn tóc cu tèo nữa. Bà Lily phóng xe dọt lên Brea Mall sắm sửa xong xuôi, ra xe de cái ào, vừa de ra tính bẻ tay lái chạy đi thì nghe một cái rầm. Thôi rồi. Bà Lily xuống xe mặt mày tái mét khi thấy cái hông xe bẹp dúm, bà bấm phone lia lịa gọi cảnh sát, gọi con, gọi chồng:
- Anh à, em bị đụng xe rồi.
Ông Hưng giọng hốt hoảng như nước sôi đổ vào ổng la toáng lên:
- Trời đất, đã dặn rồi, chạy ẩu quá mà, rồi sao xe có móp không"
Bà Lily lúc này không thể nào đẹp như hoa lily nữa, bả gầm lên:
- Chèn ơi, ông nỡ lòng nào không hỏi tui một tiếng là tui có…móp không đã.
- Bà làm sao mà móp được, phì nhiêu thế kia.
Kể từ bửa đó, ngoài bệnh tăng xông và cao mỡ ra bà Lily bạn tôi có thêm bệnh…ứa gan.

THI LÁI XE
Cái ải đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là thi lái xe. Tôi vốn chậm chạp không thông minh xuất chúng như người khác nên nghe tới thi cử là tôi oải lắm. Chồng tôi là người dạy tôi lái xe. Phải công nhận ổng vô cùng kiên nhẫn với đứa học trò chậm tiêu như tôi, tôi phải cám ơn ông thày này ngàn lần vì trong quá trình dạy tôi, tôi đã nhiều phen làm ổng đứng tim vì tài nghệ mô tô bay của tôi.
Tôi đã dở rồi mà lại còn học lái xe số tay nữa mới là chuyện đáng nói, đạp cái này, sang số nhả cái kia, đạp ga cứ loạn cào cào châu chấu lên, chắc cũng lắm lần nổi quạu ông thầy cũng muốn đạp đứa học trò xuống xe.
Lần thứ nhất tôi đi thi ở Fullerton dĩ nhiên là rớt vì tôi lái xe như một tên say rượu trên đường phố, ông giám khảo mặt mày xanh mét truyền tôi trở về lại DMV, ổng nói: "Bộ mày cho tao đi Magic Mountain hả""
Lần thứ hai, lại rớt vì tội nghe tiếng Anh không kịp. Câu chuyện như vầy, lần này ông giám khảo khác, sau khi check đủ thứ đèn, thắng ổng biểu lái xe ra đường, tới một ngã tư ổng biểu:
- Turn left.
Tôi bày đặt hỏi lại cho chắc ăn
- Turn left, sir. (ổng nói)
- Right (hồi đi học tiếng anh đâu có nghe nói right là Ok đâu) ủa chứ ổng mới biểu mình quẹo trái mà giờ ổng lại kêu phải" Thôi chơi một cái quẹo phải cho chắc ăn. Tôi turn một rẹt, báo hại bao nhiêu xe ở phía sau dạt ra hết. Rớt là phải đạo rồi, may mà không có accident.
Lần thứ 3, lại rớùt vì cái tội không biết đậu parking, món này ông chồng của tôi dạy kỹ lắm phải như vầy như vầy, mà sao mắc cái chứng gì bữa đó tôi làm không được, cả một khoảng trống dài như toa xe lửa mà tôi cứ thụt tới thụt lui, quay ra quay vào như con vịt. Cho tới giờ tôi vẫn phải chấp nhận đậu xe xa xa đi bộ mà không phải cù cưa kiểu đó.
Tới lần thứ 4 tôi tuyên bố một câu xanh rờn là hễ lần này mà rớt nữa là tôi đi tu, chắc ông DMV thấy tôi hăm dọa đi tu rồi lấy ai mà nấu nướng giặt giũ cho chồng con, ổng bèn cho đậu, chứ thực ra tôi cũng chẳng tài cán chi.

TÌNH VÀ TIỀN
Thủy là cô bé có chiếc răng khểnh xinh xinh miền Nha Trang cát trắng mà tôi quen biết trong một buổi họp mặt đồng hương. Thủy đến Mỹ từ 75, học xong là đi học nghề làm tóc ngay, cô bé làm cho một tiệm tóc sang trọng vùng Newport Beach. Được vài năm Thủy lập gia đình. Theo lời Thủy kể khi gặp anh chàng đẹp trai này cũng qua 75. Hồi mới quen anh Tony này cũng hào phóng lắm. Trước khi lấy nhau, Thủy giao hẹn là sau này tiền lương Thủy sẽ đem về bỏ chung bank, tiền tip khách cho Thủy sẽ giữ để đổ xăng, mua sắm ăn trưa để không hao hụt ngân sách gia đình. Chỉ 2 năm đầu thì Ok, qua năm thứ 3 thì anh chồng bắt đầu trả lời, tiền tip cho ai làm gì anh chồng muốn Thủy phải đem về hết không được cất tiêu như vầy nữa. Từ từ đưa tới xô xát, lăng mạ Thủy, Thủy chịu không nỗi bèn đưa đơn ly dị. Tội nghiệp cô nhỏ đã gặp phải ông chồng tính toán.
Chưa hết. Nhỏ Nancy làm chung shop nail với tôi, còn tệ hại hơn nữa. Chồng Nancy theo lời kể, thuộc loại đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, dành quyền đi chợ mua sắm trả bill để dễ bề kiểm soát. Nhỏ Nancy đi làm về là phải đưa hết tiền lương tiền tip mà không được giữ quá $20. Có lần nhỏ đi mua gì đó ở K mart ký cái check $45 cuối tháng bank statement về chồng nó hỏi mua cái gì mà hết những $45. Nhỏ Nancy ú ớ quên mất mình đã mua cái gì" Thế là chồng nó xáng cho 1 cái bạt tai nổ đom dóm mắt, cho chừa cái tội quên, cái tội xài mà không xin phép chồng. Nhỏ Nancy ôm mặt chạy ra đường kêu cứu, hàng xóm gọi cảnh sát tới còng tay tên chồng dẫn đi vì cái tội đánh vợ và dĩ nhiên nhỏ Nancy cũng từ giã luôn tên chồng vũ phu.
Nhớ nhé các đấng đàn ông đã, đang và sẽ đánh vợ: chớ đánh đàn bà dù là bằng 1 cành hoa nhé (có ông lại bảo nhưng đánh bằng bình cắm hoa thì được). Tù đấy nhé.

TÌNH ĐỒNG HƯƠNG
Bà Hải sau mấy năm hát bài Nghìn trùng xa cách được chồng bảo lãnh qua Mỹ (giờ đây tôi nghe nói chồng bà hay hát bài Mười năm không gặp tưởng rằng đã…thoát) cũng giống như bao nhiêu người khác, chồng bà Hải dắt đi Bolsa chơi trong ngày đầu tiên.
Ông An, chồng bà, đưa bà đến một tiệm vàng quen biết, bà chủ tiệm vốn là chủ nhà mà ông từng share phòng, ông đưa đến để thăm chứ không phải mua tặng bả cục hột xoàn tổ bố đâu mà ham. Bà chủ tiệm vàng tíu ta tíu tít thăm hỏi đủ chuyện trên đời, rốt cuộc bả hỏi: chị thích hột mấy cara, em chọn cho hột số một Cali. Bà Hải vốn là người bình dị, bèn chỉ vào mấy cái vòng mã não để trong tủ kiếng. Bà chủ nói chèn ơi sao không thích hột xoàn mà lại…thôi được, em bán vốn cho chị cái vòng này 20 đôla. Hôm sau, ông An lại đưa bà ra Phước Lộc Thọ ghé vô tiệm thuốc Bắc mua chai dầu gió, bà Hải thấy 1 rổ vòng mã não y chang cái vòng bà mua hôm qua, chỉ bán với giá 2 dola một chiếc. Bà Hải tiếc đứt ruột. Ôi cái tình đồng hương.
Khi mới chân ướt chân ráo đến Mỹ tôi rất muốn có việc làm ngay để phụ chồng nuôi con, ở không mấy tháng muốn điên lên, thì có người bạn gọi tới, hỏi tôi có muốn đi làm hãng điện tử không, nếu muốn họ họ sẽ giúp cho điền đơn, đi interview cho đến khi vô làm được tôi sẽ phải trả công lao trà nước. Hồi đó lương tối thiểu 3.75 tôi cũng đành OK thỏa thuận mọi điều. Cái hãng điện của Nhật này khi vào làm tôi thấy đến 70% người Việt qua từ 75, họ nắm các đơn vị quan trọng trong hãng. Cho nên supervisor của tôi là người Việt. Cô này còn trẻ, nói tiếng anh như gió mà tôi vô cùng thán phục. Suốt ngày cô chắp tay sau lưng đi tới đi lui giữa các line dòm chừng bọn assembly như tôi hàn mấy cái board điện. Tôi có cảm tưởng như đang đi học ở trường bà sơ. Buổi sáng chuông reng đến giờ làm, cô đứng ngay cửa lom lom nhìn mọi người đi vô hãng, sau giờ lunch giờ break cũng thấy cổ đứng đó không sót một bữa nào. Giờ làm cổ đi tới đi lui hoạnh học mấy chị leader la rầy mấy bác có tuổi làm chậm chạp. Tới ngày birthday của cổ ôi thôi hãng như có đại tiệc, bọn assembler tụi tôi phải hùn tiền đưa cho leader mua quà, rồi leader phải cho riêng mới là điệu nghệ. Người ta chỉ cần một người đàn bà và 2 con vịt là thành một cái chợ, nhưng ở đây có tới 75 chị đàn bà tranh sao cho khỏi phe phái, phe khoái chị supervisor phe qua 75, phe qua 85, phe ở Anehiem Hills, phe ở apartment cứ loạn cả lên. Một bữa đẹp trời cô boss đứng giữa line, la ào ào một bác VN đã có tuổi, bác cũng đáng tuổi má cô supervisor vì bác làm sai hàng bị insfector trả lại sao đó, cô la:
- Bà Hoa trời ơi bà muốn hãng sập tiệm hay sao mà bà làm ăn cái kiểu trời đánh đó, tui nói cho bà hay nha, một lần nữa thôi là tui "lay off" bà liền.
Bác Hoa chắc nghe tới chữ lay off bèn rùng mình, tái xanh mặt mày ngã xuống đất một cái rầm. Thế là xe cứu thương tới, bác bị hurt attack gia đình bác Hoa đưa đơn kiện hãng, kiện cô Việt Nam nho nhỏ mà làm chức to, người Việt qua Mỹ mang theo quê hương như tựa đề một bài hát, nhưng có lắm người mang theo những điều không tốt đẹp, vẫn còn chia rẽ, nịnh hót, phe đảng. Tìm đâu cho ra tình đồng hương đây"
JOB
Xin bạn đừng coi thường những Job được gọi là không thơm ở Mỹ. Làm ở hãng lớn lương cao dễ bị sa thải. Còn bạn làm ở những hãng nhỏ, ít tiền nhưng được yên tâm hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, kinh nghiệm dài như cái resume vì trải qua cả chục hãng. Có 1 hãng tôi chỉ làm part time, ở Brea, hãng này năm 85-90 quy tụ rất đông người Việt mà 70% là anh chị em sinh viên của trường Fullerton, Long Beach. Hãng làm ra tờ báo Pennysaver mà mỗi tuần vẫn đem free tới cho mỗi nhà, tờ báo này đăng mọi thứ quảng cáo có ở trên đời, từ garage sale, nhà bán, share phòng, bạn bốn phương, bán xe, coi bói. Tôi và những anh chị em sinh viên VN tất cả phải đứng làm công việc chính là bỏ những tờ quảng cáo vô trong báo pennysaver, ai làm lẹ bỏ nhiều quảng cáo thì sẽ được bonus, với số lương $3.75/giờ nhưng với tính cần cù, nhẫn nại lẹ tay của người Việt có người đã làm được 10-11 dollar/giờ, mỗi tuần chỉ làm có 3 ngày là thứ bảy, chủ nhật và thứ hai.
Nếu tôi nhớ không lầm thì những người đã từng làm ở đây giờ rất nổi tiếng trong cộng đồng như bác Trọng Minh của "vẻ vang dân Việt" như anh chàng sinh viên Hoàng Trọng Thụy làm cho VNCR, như Loan Hạnh giờ làm Manager cho 1 hãng lớn ở Irvine.
Vì toàn là các sinh viên trẻ tuổi nên tôi cũng lây được cái tính tiếu lâm của mọi người. Đây chỉ là cái Job ít tiền, tay chân nhưng ít ra cũng giúp tôi rất nhiều giai đoạn khởi đầu trên đất Mỹ, cũng giúp được các em SV có chút tiền đổ xăng đi học.
Dù làm part time tôi cũng kéo dài được 10 năm ở hãng này, mai mốt về già tôi sẽ đăng báo kêu gọi thành lập hội ái hữu Pennysaver đặng xin làm hội trưởng cho 'có chức" với thiên hạ.

ÔI ĐÀN BÀ
Lúc nãy, đã có đoạn kể xấu đàn ông rồi, giờ tôi kể chuyện này nghe lóm ở tiệm Nails, để mấy ông khỏi complain là cứ lôi các ông ra bêu xấu.
Buổi sáng còn vắng khách tiệm Nail ở tận vùng Santa Monica mà ở phía sau tiệm la liệt những món ăn xuất xứ từ miệt Saigon nhỏ, nào là cháo lòng Tân Hoàng Hương, bánh canh Hỷ, chè Cali, bánh mì cùi nhỏ ở Lee Sandwich… đủ thứ mùi vị được vắt, xén dầm tỏa ra từ chanh ớt hành tỏi chị Pamela nổi tiếng là người thông thái biết nhiều chuyện nhất Orange County, toàn là những chuyện giựt gân, nóng bỏng, hot news thứ thiệt, giữa đám đông thợ Nails đang ăn uống nhồm nhoàm mà chị nói:
- Nè, chị An tui nói chuyện này bà đừng nói cho ai nghe hết nha, nghe xong bỏ qua nha, không là tui bị ăn bánh đập đó, hôm qua tui đi Phước Lộc Thọ gặp bà Vân đi mua hột xoàn…mà biết gì không (chị Pam cao giọng hơn một chút) hột xoàn trả góp, ai đời mà đi mua hột xoàn trả góp, có tiền thì mua, không tiền thì thôi, ai lại.
Năm phút sau, chị An tay cầm ly nước mía, kẹp cái phone vô cổ:
- A lô, bà Lily hả, tui đây, biết gì không, hot news tui kể bà nghe chuyện này xong là đừng có nói với ai nha, nói ra là tui bị chưỡi tắt bếp à, ừa bà Pamela đi Phước Lộc Thọ gặp nhỏ Vân, Vân nào hả" Vân mới đi VN chỉnh trang đô thị tùm lum đó, ừa, bơm tùm lum, cắt xén cũng tùm lum luôn. Bà Pamela nói thấy bà Vân mua một cục hột xoàn 3 carat luôn, ngon lành gì đâu…nhớ đừng kể cho ai nghe.
Mười lăm phút sau, chị Lily trên đường đến tiệm, mới nghe xong cú hót news phải kiếm đứa nào để kể mới được. Vừa lái xe chị Lily vừa bấm số phone chị Tracy, hey đang ở đâu đó bà, nghe gì chưa" Uûa biết rồi hả, ai nói với bà mà lẹ dữ vậy (chị Lily tức cành hông đứa nào mà ăn cơm hớt dữ vậy cà) ừa, bà Vân đi PTL với kép nhí, chắc kép này mới rước ở VN qua chứ bà Vân có cái nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai, ở Mỹ đây ai mà thèm, bả giả bộ dẫn thằng chả đi hỏi hột xoàn để lấy le đó mà, tiền đâu mà mua…

GỠ RỐI TƠ LÒNG
Ở báo LA Times có mục Dean Abbey, tựa như mục gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long ngày xưa, tôi xin tuyển lựa vài mẫu chuyện kể hầu quý vị.
Bà cụ Laura ở Texas viết thư hỏi: Tui lấy chồng được 60 năm ổng mới qua đời cách đây mấy tháng, từ hồi nào tới giờ ổng là người đàng hoàng, không hề đi ngang về tắt. Vậy mà tuần rồi, tui dọn dẹp để chuẩn bị bán nhà, tui tìm thấy trong ngăn kéo áo quần của ổng, 2 hộp condom loại đủ mùi vị nào là vanilla, nào là strawberry, hộp nào cũng xài dở dang, mà tui nhớ lại có bao giờ ổng xài cái quỷ này với tôi đâu. Tôi chắc là có một con nào đó nhí nhảnh với ổng. Tôi đâm ra giận ổng cành hông. Trời ơi ngó xuống mà coi, con nào mà nó ưa mùi đường, mùi dâu vậy nè trời. Tui lái xe vô nghĩa trang thay vì đọc kinh như mọi lần, tui chỉ vô mặt ông đang cười cười ở tấm bia tui thể từ rày trở đi tui không muốn ngó cái bản mặt sở khanh của ông nữa. Miếng đất đã mua sẵn bên ông, kể từ nay đừng hồng, tui về đăng báo bán nữa giá miếng đất chưa hề xài. Bà Abbey nghĩ coi, tui làm sai hay đúng…"
Trả lời: Đàn bà thì khi nào mà chẳng đúng… chỉ có mấy ông là không tin được.
Cô Christine ở Utah viết thư hỏi: Tui và anh Tony quen nhau được 4 năm, tụi tôi làm đám hỏi rồi tính vài năm nữa làm đám cưới, hôm đám hỏi Tony tặng tui một chiếc nhẫn không to lắm, mà thôi cũng OK. Năm rồi Tony bị bệnh, bác sĩ nói cần phải thay một quả thận mà chờ waiting list thì hơi lâu, tui tính nguyện "tình cho không biếu không" Tặng luôn Tony quả thận đó. Tháng rồi Tony đi công tác cho hãng ở Hawaii khi trở về hắn lạnh nhạt rồi gây gỗ với tui xong tuyên bố xù không cưới không hỏi gì cả "You go your sugar' rồi hắn đòi tui trả lại chiếc nhẫn engage. Hỏi nhà báo giờ tui phải làm sao"


Nhà báo trả lời: Có gì khó đâu, biểu Tony vui lòng trả lại quả thận năm ngoái đã cho rồi "I go my sugar" ấy "Diamond cut diamond" nhá. Vỏ quýt dầy thì bà đây đã có móng tay (giả) nhọn nhá.

SỬA SẮC ĐẸP
Tôi thuộc loại "em là gái trời bắt xấu" nên khi đến Mỹ tôi hăm hở nghiên cứu dữ dội mục sửa sắc đẹp, nhất là coi xong cái show "Exheme make over" trên TV là tôi ao ước trúng số có tiền đi "chỉnh trang đô thị" vì ở cái tuổi về chiều, cái body của đàn bà nó kỳ lắm, chỗ đáng lý phải bự thì nó lại phẳng như phi trường LA, chỗ đáng lý phải thon thả thì nó lại phềnh lên như bụng ông địa. Một bữa đẹp trời tôi "xin phép" chồng tôi đi "giải tỏa khu đầm lầy" ở 2 con mắt, chồng tôi chắc cũng giống như 95% ông chồng khác đời nào mà nói "yes" cho vợ đi sửa sắc đẹp. Nhưng đã lỡ muốn rồi tôi cứ đi đại. Ông bác sĩ chích thuốc tê vào vùng mắt, lấy dao rạch một đường ở mí mắt cắt cái rẹt, kéo da ra cục mỡ nào to thì…xẹt, cục nào nhỏ thì đốt khói lên mù mịt, lại còn xèo xéo khét lẹt nghe ớn lạnh. Tôi mở mắt nên biết hết mọi sự, sau cùng thì cắt da thừa, may lại máu me tùm lum. Khi về nhà 2 ngày sau thì cả 2 con mắt sưng lên dữ dội, hết thấy đường đi luôn, mắt sưng kéo theo cái mặt bầu bầu sưng luôn, chồng tôi vẫn còn giận tôi cái tội đua đòi nên mặt tôi sưng cỡ nào là ảnh sưng cỡ đó. Vài tháng sau con mắt lành lặn tôi hỏi ảnh: "anh coi em lúc nào có khác hơn ngày xưa không" ảnh nguýt dài một cái bằng đường Saigon-Vũng Tàu, có gì đẹp hơn đâu mà bày đặt.
Bà bạn tôi Vi Vi còn ngầu hơn nữa. Đi "giải tỏa" luôn cái trống chầu. Ông bác sĩ thẩm mỹ cắt luôn cái tảng mỡ sa mỡ ba rọi to dầy như cuốn tự điển Việt Anh làm lại một cái lỗ rún giả đau thấy 500 ngôi sao trên lá cờ Mỹ. 1 tháng không ngồi dậy nổi, nghỉ việc ở nhà dưỡng sức 2 tháng rồi mới đi làm. Dĩ nhiên sau đó bà ViVi ăn diện hơn, yêu đời hơn vì có cái body như người mẫu. Nhưng đùng một cái, bữa nọ đi làm về bà Vivi thấy nhà cửa trống trơn, ông chồng đã move out để lại 1 lá thư tình đẫm lệ "Tạm biệt, anh không muốn sống bên cạnh một con búp bê không tình yêu" bả xé thư cái rẹt, miệng lẩm bẩm "Tuần sau bà đi sửa mũi, căng da, bơm ngực cho biết mặt".

XUNG ĐỘT VỢ CHỒNG
- Nè anh, em đã dặn anh bao lần rồi, cây kem đánh răng anh phải bóp từ dưới lên trên, anh cứ bóp ngang ngửa thế này, hao phí quá đi mất.
- Sao em khó chịu quá, bóp chỗ nào mà chẳng được, miễn nó vọt ra là được rồi, khó chịu quá.
- Nè anh, em nói anh một triệu lần, đi tiểu xong thì làm ơn đậy bàn cầu xuống. Đêm qua làm em xém té, đặt cái bàn tọa xuống lạnh ngắt.
- Em quả là lẩm cẩm mà chướng, thế em ngồi xong mà không chịu dựng lên cho anh, anh có kêu ca gì đâu.
- Trời ơi, ai đời em nấu bún riêu mà em cho cả giò sống, bò viên, chả cá vô kỳ dzậy em"
- Aên đỡ đi anh ơi, nhỏ Tuyết mới dạy em nấu món bún riêu hợp chủng quốc đó mà.
- Aùi da, sáng canh cải chiều cải canh, rồi bò xào khoai, khoai xào bò…không còn món gì khác sao em"
- Ừa em chỉ biết nấu có hai món đó, nếu anh chê thì mai em ra hàng cơm chỉ
- Cưng à, anh có 2 tuần vacation em muốn đi đâu"
- Hawaii đi anh, nghe nói Maui đẹp rùng rợn.
- Bộ Cali không có biển sao mà phải bay qua bean.
- Hay là New York" Em muốn chụp hình Nữ thần tự do
- Anh sẽ mua 1 cái postcard có hình Nữ Thần tự do cho em, Hallmark bán thiếu gì, lên trên đặng hút bụi ở Ground Zero hả.
- Hay là San Francisco sẵn thăm chị Hạnh luôn.
- Oh my god, lạnh cóng đít, em biết rồi anh sợ lạnh lắm.
- Yosmite đi anh, đẹp thần tiên luôn.
- Có 3 cái cây cổ thụ chó có gì đâu mà đẹp.
- Hay đi Nasville, em khoái Dolly parton núi lửa
- Nhà có cable để làm gì, mở đài Country music channel ra.
Rốt cuộc chị vợ mở đài Travel và đi vacation hàm thụ.

TỪ ODP TỚI OH DIVORCE
Chị Bích hân hoan sung sướng ra mặt, hãnh diện với bà con giòng họ khi nhận được giấy bảo lãnh của chồng chị vượt biên qua Mỹ năm 80, cho bỏ ghế mấy cái mỏ nhiều chuyện đàm tiếu chồng chị đi qua Mỹ lấy vợ đầm mắt xanh tóc đỏ, có người còn nói nhỏ to với má chị như vầy: "Bác đừng cho con Bích đem sắp nhỏ qua Mỹ nha, em con nó ở bên Cali ở sát nhà anh Hùng (chồng chị Bich nó biết rõ ràng mà ảnh có 2 đứa con với con nhỏ Mỹ lẳng lơ đó rồi. Má chị Bích vừa lo vừa giận thằng rể bội bạc. Tờ giấy bảo lãnh của anh Hùng cũng làm bà già chị Bích nguôi ngoai chút đỉnh, nhưng chờ coi.
Ngày chị Bích dẫn con tới Mỹ, anh Hùng đi đón ở phi trường LA chị Bích cũng dớn dác dòm coi có đứa nhỏ nào lai Mỹ, có con đầm Mỹ nào đi với chồng không. Tuyệt nhiên không co,ù chị an tâm và mừng chồng mình chung thủy. Sau đó là tiệc nhỏ tiệc lớn ăn mừng đoàn tụ, nay nhà bạn này mai nhà bạn khác, lai rai kéo dài cũng cả 6 tháng ăn chơi.
Vì anh Hùng có tới 10 anh chị em ở Mỹ, chị Bích thì đơn thân độc mã có mỗi con bạn thân ở tận San Francisco, rồi vì anh Hùng qua trước giao thiệp rộng nên bạn bè cũng đông. Chị Bích hoa cả mắt và cả tai, vì đến nhà ai chị cũng được dẫn đi một vòng coi nhà của họ, từ garage tới buồng tắm từ con chó xù tới con két biết nói trị giá 2000 đôla. Chị xuýt xoa trời đất con két 30 triệu Việt Nam chị ù cả lỗ tai vì này nhé, cái phòng tắm này mới remodel lại hết 5000 đôla, cái xe lexus này em mới đổi tuần trước 40.000 đôla cái nhẫn này đâu có nhiêu có 3 carat hà….con em học toàn trường tư đắt tiền, học chi ba cái trường công toàn là gangster…
Được một năm, chị Bích cũng đã hơi quen với đời sống mới, chị cặm cụi may vá kiếm tiền, hổng dám nhìn cao, chỉ mong đủ tiền trang trãi nuôi con. Tuần trước lại party ở nhà bạn chồng chị, không phải sinh nhật, sinh nguyệt gì mà chỉ vì bà vợ bạn chồng chị muốn khoe cái piano mới mua cho đứa con 3 tuổi. Bà Thoa khoe rằng con bả có khiếu âm nhạc lắm vì từ lúc lọt lòng tới giờ con bả nghe toàn nhạc Chopin, Beethoven mở 24/24. (vậy con chị Bích nghe má nó rẹt rẹt cái máy vắt sổ ít nhất 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày ắt hẳn lớn lên có triển vọng thành phó tiến sĩ may mặc lắm) như mọi cái tiệc khác, đám đàn ông tụ lại một chỗ, nè dô 100% nha chịu chơi là chơi tới cùng nhe, giăng mùng chơi tới sáng, láng cháng là chơi tới main he, lai rai là chơi tới mốt dô dô… đám đàn bà tụ lại một chỗ để được bà chủ nhà giới thiệu cây đàn Yamaha xong là bàn qua chuyện hột xoàn to nhỏ, áo quần ở đâu đang sale, chuyện sửa mắt, sửa mũi.
Như mọi lần chị Bích thích nghe hơn là phát biểu vì chị không quen biết nhiều nên không có đề tài. Vậy mà tai họa đã tới với chị sau bữa tiệc vài ngày. Nữa đêm anh Hùng đánh thức chị dậy lúc 2 giờ sáng: tại sao em dám đi nói xấu cô Ba (em anh Hùng) với bà Thoa để bả học lại với cô ba, cổ gọi vô hãng anh cổ khóc quá chừng chừng.
Chị Bích nhớ lại mình đâu có nói gì và hơn nữa từ lúc chị qua đây mấy anh chị em chồng chị cũng đâu có ở gần đâu mà lui tới người ở Ohio, kẻ ở Florida, phone chị cũng chưa muốn gọi nữa là. Chị hỏi lại anh chồng, vậy chứ em đã nói cái gì. Anh phải lắng nghe cả 2 phía coi em có nói gì không đã. Anh nổi giận đùng đùng, bà Thoa không bao giờ đặt chuyện, em có nói xấu cô ba em thiệt tình là nhiều chuyện…. lúc này thì chị Bích hết nhịn nỗi, chụp cái phone gọi lại nhà bà Thoa, xực cho bà Thoa một trận. Xong chị quay lại nói với chồng "Không ngờ anh lại nghe lời người dưng, chưa tìm hiểu ra câu chuyện đã mắng chửi vợ mình, à hay là con mẹ này ngày xưa khoái anh, hèn chi mỗi lần viết thư về nhà anh ca ngợi bả lắm, nào là nấu cơm tháng dùm, giặt giũ dùm anh, không chừng…ngủ dùm luôn".
Anh Hùng nhào tới xáng chị Bích một cái làm chị dính vô tường, thế là bao nhiêu sức lực chị Bích nhào tới cắn đấm, đá, chị không ngờ người chồng đầu ắp tay gối 20 năm, người mà chị thương yêu chờ đợi hết cả quãng đời thanh xuân lại có thể ra tay với chị như vậy.
Đàn ông đánh đàn bà là vũ phu, đàn bà đánh đàn ông là vũ nữ, cả hai đánh nhau là vũ ... sexy.
Thôi rồi, thế là mới "tưng bừng đoàn tụ" nay lại 'âm thầm chia tay" chị Bích đâm đơn ly dị dẫn con đi share phòng ở miệt Bolsa. Anh Hùng làm bạn với hàng cơm chỉ.

NURSING HOME
Bà Hải mỗi cuối tuần theo con gái vô nhà dưỡng lão thăm ông Hải đang nằm ở đây. Ông Hải sau một cơn troke, đã bị bại nữa người, đàn con 12 đứa, không ai có thể săn sóc ông tại nhà kể cả bà vợ già đã yếu lắm rồi. Thế là ông phải vào nằm ở nhà dưỡng lão để có người săn sóc. Mỗi tuần vào ngày thứ bảy hay chủ nhật bà Hải lại vào ngồi chuyện trò với ông suốt cả ngày. Ở đây bà gặp rất nhiều người Việt nam đồng cảnh bệnh tật và cũng nhiều người con vô cùng có hiếu. Có một bà cụ 90 tuổi, gần như không còn biết gì nằm bất động nhưng bà cụ quả thật là có phước. Đàn con 10 đứa chia phiên nhau 3 ca như đi làm ở hãng 24/24 lúc nào cũng có con cái cận kề. Trên đầu giường của bà cụ có một cái bảng thật to và cây viết ghi rõ mỗi ngày cụ thức lúc mấy giờ, ăn sáng được nhiều hay ít, tiểu tiện mấy lần, thay tả lúc nào, tắm rửa lúc nào…để người kế tiếp vào săn sóc dễ dàng theo dõi. Bà Hải thường gặp cậu Út, người trông nom cụ từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Phòng bà cụ lúc nào cũng đông người vào thăm nom chả bù với bà Mỹ nằm kế bên cả năm không thấy có một bóng dáng con cái nào. Còn bà cụ nằm ở phòng số 10 thì có anh con trai mỗi ngày sau giờ làm là vào thăm cụ, ở lại chuyện trò cho đến 10 giờ mới về nhà, thứ 7 chủ nhật là túc trực suốt ngày. Ở cuối dãy hành lang thì có các bà bị bán thân bất toại nhưng còn ngồi xe lăn đẩy tới đẩy lui được, thường tụ lại một phòng người nào đó rồi xem phim bộ, video Thúy Nga Paris…phải công nhận một điều con cái người Việt tỏ lòng hiếu thảo hơn các sắc dân khác, các cụ VN phòng nào cũng có TV, tủ lạnh do con cái mua đem vào cho các cụ giải trí, rồi sách báo, có cụ có cả cell phone, có người đem thức ăn tới mỗi ngày cho các cụ. Ai nấy cũng vì hoàn cảnh không thể để cha mẹ ở nhà săn sóc được nên trong lòng không nhiều thì ít cũng cảm thấy ray rức nên họ làm đủ mọi điều để bù đắp lại. Bà Hải cũng thấy hàng tuần có cha đến từng phòng thăm nom những người có đạo Thiên chúa. Rồi các người thiện nguyện đến giúp đút thức ăn cho các cụ không thể tự ăn được. Các cụ có người đã nằm ở đây 5, 7 năm và con cái vẫn kiên trì đến thăm nom. Bà Hải mỗi lần đi thăm chồng về, đều cầu xin nếu đến lúc phải ra đi, bà xin được ra đi ngay êm ái trong giấc ngủ…

MẬP VÀ ỐM-BỆNH TẬT
Dạo mới tới Mỹ, cả năm không kiếm ra việc làm tôi chỉ có việc là nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa "Nhàn cư vi bất thiện" quá rãnh rỗi nên tôi cứ chế ra ăn cái này, nấu cái kia, và ăn toàn là món độc địa, không biết mắc cái chứng gì mà ngày nào tôi cũng ăn như vậy được. Này nhé, sáng 4, 5 cái cùi chõ bánh mì chấm nước mắm dằm ớt hiểm, trưa tôi đổ bánh xèo ăn nhè nhẹ 5, 7 cái chiều tối đá từ 6, 7 chén cơm với ruốc kho quẹt, cắn trái ớt xanh nghe cái rụp, ngon hết biết. Chất mặn trong ruốc nước mắm chất béo trong thịt mỡ bánh xèo chất tinh bột từ gạo, chất cay ác liệt từ ớt đó là những "silent killer" kẻ giết người thầm lặng. Tôi ăn như vậy cả năm trời, hậu quả từ con người 100Lbs tôi tiến cà nhắc lên XHCN à quên tiến tới 165 Lbs dễ ợt, hậu quả là những cơn nhức đầu như búa bổ, cơn quặn thắt trong bao tử, những nhịp tim hồi hộp như bản tango cưới cùng đã hành hạ tôi. Tôi bắt đầu phải uống thuốc cao mỡ cao máu khi mới 30 tuổi, cộng thêm 1 cục bướu cổ to như trái chanh. Nếu để dành những lọ thuốc không từ 20 năm nay có lẽ tôi phải dồn vô 2 bao gạo 50Lbs. tôi đã từng đi emergency vài lần về áp huyết đột nhiên tăng cao cho dù có uống thuốc, kéo theo nhiều thứ bệnh quái đản tôi chưa từng gặp và bác sĩ cũng không hiểu vì sao. Bác sĩ của tôi khuyến cáo phải giảm đi số cân lượng của tôi ít nhất là 50Lbs, phải giảm mặn, béo, đường, phải exercise ít nhất 30 phút mỗi ngày. No rice, no pasta, no bread. Thôi rồi còn đâu những ngày hoàng kim, còn đâu cùi chõ bánh mì lee sandwich thơm phức, còn đâu là mắm ruốc kho quẹt thân thương. Mỗi ngày tôi phải nhậu bốn viên thuốc cao mỡ, cao máu, bướu cổ ăn oat meal buổi sáng, trưa xà lách, chiều chỉ có 1 chén cơm. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời đáng chán như vầy, không kể phải đóng tiền vô gym, chạy tóc khói buổi sáng, nhưng cũng nhờ vậy mà lượng mỡ trong máu giảm bớt, blood pressure tuột xuống 110/60 hú hồn, hồi năm trước nó lên tới 200/91 (năm trước tôi đi BS nhiều lần đến nỗi nhỏ y tá ở bệnh viện K có quen mặt, thấy tôi nó diễu: you again, tao nhớ ra mày rồi, mày là hight blood pressure, hight cholesterol and low income phải không" Và số cân của tôi đã bò xuống được 130 Lbs (vị chi là nữa tạ) lúc này ông bác sĩ của tôi đã cho giảm bớt liều lượng của thuốc men. Con nhỏ Linda tôi quen ở Gym nó bày tôi, mày khỏi cần lo xuống cân mày cứ việc ăn thả dàn như tao nè, nhưng có điều ngày nào mày ăn thêm một cái hamburger thì ráng chạy thêm 1 giờ nữa trên máy vị chi là 2 giờ exercise mà chơi thêm cái cookie nữa thì ráng chạy thêm 30 phút nữa. Chao ơi, nếu tôi ăn như lúc xưa thì tôi phải khổ ải tới 7 tiếng mỗi ngày, ai nói qua Mỹ là tự do ăn uống đâu.
Chị Thái bạn tôi năm rồi quyết định đi cột buồng trứng, nghe nói đâu là cột bằng laser gì đó vì vợ chồng chị không muốn có con thêm, dè đâu 6 tháng sau chị lại có bầu vì một cái ống dẫn trứng tự động mở ra (người ta gọi là bị Malpratical) nhiều người xúi chị đi thưa nhà thương, nhưng không làm được vì khi ký giấy tờ họ đã có cho biết trước chỉ có 90% là bảo đảm thôi. Cái thai không giữ được nên chỉ phải mổ lần thứ hai, lần mổ này đã làm chị xém chết. Bác sĩ nói là 1000 người bị cái thai ngoài tử cung này đến trễ là đi luôn. Hú hồn cho chị, chị đi emergency trễ 30 phút là thôi tiêu. Hậu quả của sự triệt sản thường làm cho người phụ nữ bị nhiều sự thay đổi cho cơ thể, tính tình chị Thái ngày xưa dịu dàng bao nhiêu thì giờ này chị nóng nảy, hung dữ bấy nhiêu, chị sẵn sàng gây sự với chồng con bất cứ lúc nào, da mặt trở nên khô cằn, tóc thì rụng….trong mỗi lần gặp nhau ở đám tiệc chị vẫn thường nhắc nhở quý vị đàn bà hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định đi cắt, đi cột. Tốt nhất là bắt các ông phải gánh lấy cái chuyện cắt, cột đốt vì các bà đã phải gánh quá nhiều nặng nề vì tội tổ tông rồi, nào là kinh kỳ, chữa đẻ, nuôi con….rồi còn phải đi cày có thua gì các ông đâu"

LITTLE SAIGON
Phải nói là tôi vô cùng mang ơn những người đã góp công sức cho sự có mặt và phát triển của tiểu Saigon. Từ những bảng tên đường chỉ dẫn ở Freeway tấm bảng Welcome To Little Saigon đang có mặt ở đường Brookhurst những hàng quán, chợ búa, những sinh hoạt đầy sắc thái Việt nam đã làm cho nhiều người xa xứ nguôi ngoai nỗi xa nhà. Nhưng cũng có lắm người, khi nói đến khu Phước Lộc Thọ, môi họ đã trề ra cả thước bằng tui à nhe, tui ở đây cả chục năm mà tui đâu có thêm dxô làm chi khu PLT ồn ào, khói thuốc mịt mù, toàn là mấy ông bà già Ho…họ đâu có biết rằng nhờ ở đây mà ai mới ghé qua Orange County, đều lấy PLT làm điểm gặp nhau, tìm nhau cho khỏi lạc. Lúc này hàng hóa Việt Nam cũng tràn ngập đầy ở các Mall Mỹ nhớ đó các cụ già như mẹ tôi cũng dễ dàng kiếm được quần áo, giày dép vừa kích cỡ của quý cụ "Ta về ta tắm ao ta" tôi cũng khoái đi chợ mua các món made in Việt Nam như bánh tráng, mắm cà, lòng cũng tự hào đấy nhé, mùi vị quê hương đang có mặt ở đây, cho dù là frozen đi nữa thì cũng 'còn có hơn không". Có nhiều người đi mua sắm ở các Mall Mỹ cầm cái áo may thiệt đẹp nhưng họ đã vất xuống sau khi nhìn cái nhãn made in Việt Nam và thốt: "Ôi, đồ Vn đồ dỏm" họ không biết là những mặt hàng đang hiện hữu ở Robinson May, Macy's là có phẩm chất cao họ sẵn sàng mua cái áo 50 đôla cho dù made in Maroc. Quá đáng cho những người có máu vọng ngoại và rất trưởng giả học làm sang, tui à nhen kể từ ngày qua Mỹ đến giờ, tui chỉ mặc đồ Norstrom đồ Banana, St John….đời nào mà tui đi shop ở Mervyn, Target mua 3 cái đồ dỏm đó, huống chi là đi shop ở tiểu Saigon, còn khuya à…họ quên mất cách đây không lâu khi chưa được đặt chân đến Mỹ mỗi năm chỉ được mét vải tiêu chuẩn bên quê nhà….
Bạn tôi đã từng dọn nhà qua tiểu bang khác làm ăn, khi dọn đi đã đặt mua cả năm báo Việt Báo để nhớ tiểu Saigon, đã chở cả chục thùng thức ăn khô Việt Nam, cho dù công việc đã làm khấm khá nhưng vì quá lạnh quá buồn, bạn tôi đã quay về Orange County, việc làm đầu tiên của bạn tôi khi trở lại Bolsa là ghé vô quán phở 54 làm một bụng cho đã đời, rồi dừng lại ở khu Phước Lộc Thọ xuống xe vươn vai hít một hơi dài sảng khoái mà thốt lên rằng: ôi có nơi nào ấm áp thân thương bằng nơi đây.
Cảm tạ Little Saigon trên đất Mỹ

NHỮNG BÀI HỌC BẰNG VÀNG
Bắt đầu cuộc đời mới trên đất Mỹ bằng hai bàn tay trắng cho đến nay đã gần 20 năm, tôi học được nhiều điều hữu ích cho đời sống của chính tôi. Hãy hạnh phúc với những gì mình đã tạo dựng được bằng chính công sức của mình dù xe dù nhà có cũ hơn, có nhỏ hơn những người khác.
Hãy làm một điều gì mà mình nghĩ là sẽ không làm được, tỷ dụ như cố gắng giúp đỡ người nghèo khó bên nhà.
Hãy tiết kiệm tiền bạc, đừng hăm hở đi mua đồ on sale, hoặc với coupon vì có nhiều khi đồ giá rẻ mà chúng ta không cần dùng thì mua về lại bỏ đi.
Hãy giữ gìn sức khỏe vì sức khỏe còn quý hơn cả hột xoàn, vàng bạc….
Hãy yêu đời, yêu người, biết quên đi và tha thứ lỗi lầm của người khác.
Và hãy biết ơn.
Nhân đây, tôi xin hết lòng cám ơn con tàu Trường Xuân đã đưa chồng tôi đến bến bờ tự do, cám ơn cha Tanffen người bảo trợ đầu tiên ở MN, cám ơn chồng tôi đã hoàn tất sự bảo lãnh cho gia đình tôi, cám ơn nước Mỹ đã cho con cái tôi có cơ hội nên người, học hành tử tế. Cảm ơn Liitle Saigon và sau cùng xin cám ơn Việt Báo cho tôi có cơ hội được viết lên mọi điều với tất cả tâm tình.

Kim N.C Dec 8/03

Ý kiến bạn đọc
03/03/201706:49:14
Khách
Nước Mỹ đủ chuyện, nhưng chuyện lạ nhất là TT Donald Trump ra bất cứ chính sách nào, làm bất cứ điều gì, và đề cử bất cứ ai cũng bị chống phá !
Giống như là Sư Tử thì muôn loài muôn thú đều kinh khiêp nên luôn luôn nhe nanh trợn mắt để gầm gừ ! Chuyện lạ nhất thế giới là thế !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,100,794
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến