Hôm nay,  

Người Đẹp Hà Thành Và Nước Mỹ

04/12/200300:00:00(Xem: 227972)
Người viết: KIM N.C.
Bài tham dự: 416-955-VB8301103

Tác giả Kim N.C., cư trú tại Anaheim, Nam California, cho biết bà đã có lần góp bài Viết Về Nước Mỹ với một bút hiệu khác. Lần này, nhân mùa lễ tạ ơn, bà viết về người mẹ mà bà hằng yêu kính.

*

Thời gian này không phải là mùa lễ me của Mỹ, cũng chẳng phải là mùa báo hiếu Vu Lan của Việt Nam ta mà là mùa của toàn dân hợp chủng quốc Hoa Kỳ nô nức mừng mùa lễ Tạ Ơn- Thanksgiving mọi người của mọi sắc dân trắng-đen-vàng-đỏ tạ ơn nước Mỹ đã cưu mang cho đám di dân cũ mới có được đời sống tươi đẹp hơn. Riêng tôi, già đầu mà còn như em bé, nói tới mùa tạ ơn là nhớ mẹ.
Bài viết này xin được nói về Mẹ tôi như một lời tạ ơn Hiền mẫu, đợi mai này khi mẹ tôi trăm tuổi có đọc đến ngàn lời ai điếu mẹ tôi cũng sẽ chẳng thể nào nghe được.
Mẹ tôi vốn sanh quán Bắc Giang-Hà Nội. Nhưng tôi vẫn thích gọi là Người Đẹp Hà Thành nghe âm điệu mượt mà óng ả hơn. Mẹ tôi lấy chồng khi mới 17 tuổi, tuổi teenage của Mỹ, ăn chưa no lo chưa tới. Xem lại những tấm hình trắng đen của ba mẹ tôi thuở đó tôi phải công nhận mẹ tôi xứng danh con gái Hà Nội chính cống. Thảo nào ba tôi đã tốn nhiều công sức để chinh phục được mẹ tôi.
Mẹ tôi kể lại rằng hồi đó ba tôi làm công chức, mỗi sáng chàng trai Kim Long Xứ Huế đạp xe đạp của Tây đàng hoàng, cái xe láng cóng như cái đầu tóc chải đầy brillantine của ba tôi thời đó, ngừng lại trước cửa nhà ông bà ngoại tôi gạt chân chống đứng xuống rút cái lược nhét ở túi quần sau ra, chải lại mái tóc vốn dĩ đã láng lẫy (mái tóc của ba tôi đã làm bao nhiêu con ruồi phải què cẳng) những mong mẹ tôi thập thò đâu đó mà chiêm ngưỡng.
Có ngày thì cũng dừng lại nhưng ba tôi không chải tóc nữa mà rút cái ví mới lãnh lương giả bộ đếm đếm gì đó… ngày qua tháng lại cũng dẫn đưa đến đám cưới của ba mẹ tôi rất dễ nhớ vì đó là ngày cắt tóc phi dê (bà ngoại tôi đọc ra vậy đó, thực ra là ngày lễ độc lập của Pháp 14/7/47. Dĩ nhiên là đám cưới xong thì ba tôi cũng chấm dứt cái màn dừng xe lỉnh kỉnh đó.
Tôi phải công nhận ba tôi là người rất thương yêu vợ con, mỗi khi đi công tác Saigon, bao giờ ba tôi cũng mua quà về cho mẹ tôi, ba tôi vô cùng can đảm khi mua cả áo ngực, son phấn cho đến cây kẻ mắt lông mày. Tôi vẫn còn nhớ màu sơn móng chân của mẹ tôi vào thời đó là màu cánh sen của Elizabeth Arden. Mẹ tôi con gái Hà Nội chính gốc mà lại làm dâu xứ Huế dĩ nhiên là có rất nhiều xung đột. Bà nội ruột của ba tôi mất từ khi ba tôi còn rất nhỏ, ông nội tôi lấy vợ nữa, thế là ba tôi có kế mẫu và một đám em cùng cha khác mẹ, cho nên mẹ tôi có một bà mẹ chồng và một đám em chồng ghẻ lạnh. Tuy ba mẹ tôi không ở chung đụng gì với ai nhưng không thiếu điều ong tiếng ve giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa chị dâu em chồng, giữa sự khác biệt giọng Huế và Bắc Kỳ...
Mẹ tôi rất thích đi du lịch đó đây, nói chuyện rất uyên bác, thích ví von vì đọc nhiều sách báo. Tôi còn nhớ khi mình còn rất nhỏ mẹ tôi cho 2 chị em tôi đi xe lửa lên Đà Lạt. Đó là thời xe lửa leo lên đèo Ngoạn Mục bằng mắt xích chậm như rùa bò vào các nhà ga có mái ở Đà Lạt. Hoặc mỗi cuối tuần cả nhà tôi đi picnic ở những bờ biển tuyệt đẹp ở Đà Nẵng thời chưa có dấu vết chiến tranh như bãi Tiên Sa, Mỹ Khê hoặc mẹ tôi làm cơm nắm muối vừng leo lên chùa non nước ở cả ngày.
Khi còn trẻ mẹ tôi thích học đủ thứ nào đánh máy chữ, học thêu thùa may vá, học nấu ăn. Mục nấu ăn mẹ tôi học nhiều ở ba tôi vì ba vốn mồ côi từ nhỏ nên rành lắm. Mẹ tôi nấu toàn món ăn Huế cho ba tôi, riết rồi quên hết những món dân gian Hà Nội. Người Huế nấu ăn món gì cũng có màu mè thấm tháp, người Bắc thì thích luộc đủ thứ. Mẹ tôi đan áo lạnh cho cả nhà, đến Tết mẹ tôi tỉa hoa đu đủ làm bánh trái đủ loại. Giờ này tôi vẫn còn nhớ những thau mứt trên bếp than ủ lửa mà tôi chuyên môn ăn vụng (môn ăn vụng này là tôi khoái nhất, ngủ gục đã nhất và làm biếng sướng nhất).
Mẹ tôi sống an phận với vai trò người nội trợ xuất sắc. Khi tôi lớn lên lập gia đình, mẹ tôi là người giúp đỡ tôi nhiều nhất trong những ngày tháng mới sinh nở. Phải công nhận những phương cách nuôi đẻ cổ truyền của mẹ tôi cực kỳ hay, tuy cổ điển nhưng đã giúp tôi phục hồi sức khỏe nhanh chóng và cũng nhờ vậy giờ này tôi đang đi gần tới lục tuần mà coi bộ dạng cũng giống Sumo lắm.
Khi tôi sanh con đầu lòng mẹ tôi muốn được ưu tiên đặt tên cháu. Vốn đọc sách nhiều và lòng ngưỡng mộ các danh nhân, mẹ tôi đặt tên Nam Phương, vị hoàng hậu cuối cùng của nước ta mà mẹ tôi vốn yêu thích bà từ sắc đẹp đến cuộc đời. Đến đứa thứ 2, mẹ tôi đặt tên Nam Trân (tức quả bòn bon xứ Quảng, Nam-Trân với chuyện tích là quả bòn bon này mọc nhiều ở trong rừng núi Quảng Nam, đã cứu được vị vua nào đó cùng quân lính bị lạc trong rừng khỏi chết khát, nên sau này vị vua đó đã đặt tên cho quả này Nam Trân).
Hai đứa con tôi thuở mới sanh có tật chuyên môn ngủ ban ngày mà thức ban đêm quậy, mẹ tôi đã nhiều đêm ôm cháu, ru khan cả cổ, con tôi được mẹ tôi nuôi nấng vỗ về từ lúc lọt lòng cho đến khi con tôi đi Mỹ.
Khi ba tôi đổi vào làm việc ở T.H. một thị trấn nhỏ ở ven biển, cuộc sống đang êm đềm thì đùng một cái tháng 3/75 con đường máu di tản từ Phú Bổn xuống tỉnh lỵ T.H. mở màn cho một cuộc di tản khổng lồ tháng 4/75 khuấy động cuộc đời của hàng triệu gia đình Việt Nam. Gia đình tôi ra khỏi tỉnh lỵ bằng trực thăng đến Nha Trang, từ Nha Trang ra Phú Quốc bằng tàu hải quân 805, từ Phú Quốc về Saigon trong những ngày cuối cùng hấp hối của đất nước đã tan hàng đau đớn, gia đình tôi cũng tan hàng mà không có cố gắng nổi. Chồng tôi chạy biến bằng tàu Trường Xuân mà 5 năm đầu tiên được ghi nhận là mất tích. Ba tôi vào tù ra khám bao lần vì tội trốn tránh trình diện học tập. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh gầy còm của ba tôi, bị công an thành phố đến tận nhà đọc án lệnh, còng tay. Đôi tay gầy yếu đã bị còng mà vẫn còn vuốt tóc con tôi đang đứng khóc nhìn ông ngoại bị dẫn đi mà không thấy ngày về.
Mẹ tôi bươn chải buôn bán đủ thứ để kiếm sống qua ngày, bàn ghế tủ giường, quần áo lần lượt được bán ra đổi lấy cơm gạo cho cả nhà. Tôi đơn độc tay bồng tay dắt con thơ lơ láo giữa chợ đời, những ngày chen lấn trên xe bus đưa con vào nhà thương nhi đồng. Những hình ảnh ở trên đường phố làm tôi uất hận nhất là lúc thấy mấy tên bộ đội cán ngố đạp xe chở vợ con long nhong lếu láo trên phố Saigon.
Có những ngày mẹ tôi thức dậy từ 2 giờ sáng theo xe lên chợ Cầu Ông Lãnh mua rau cỏ trái cây về bán lẻ. Cũng như mọi người Việt khốn khó còn ở lại quê nhà thời đó, nhà tôi ăn độn quanh năm sáng khoai mì trưa bánh canh bột mì, chiều bo bo luộc muối mè. Cả năm không hề thấy miếng thịt. Mẹ tôi vốn bản tính thương kẻ nghèo khó hơn mình, trong xóm tôi ở có một bà cụ không con cháu, homeless, ngủ nhờ dưới mái hiên nhà thiên hạ, hàng ngày mẹ tôi vẫn trích ra một phần thức ăn đem qua tận mái hiên cho bà cụ. Sau này mẹ tôi vận động hội phụ nữ của phường để bà cụ được đưa vào nhà dưỡng lão sống nốt những ngày còn lại.
Em trai tôi vốn quen rất nhiều văn nghệ sĩ cùng hoàn cảnh khốn khổ hơn cả nhà tôi nữa, có khi họ đến chơi với em tôi, nhằm bữa ăn mẹ tôi vẫn tha thiết mời họ dù ăn khoai sắn độn rau muống luộc. Có lúc nhà tôi đã được đón tiếp cô Hồ Điệp, giọng ngâm vàng của thơ văn Tao Đàn trước 75. Lúc đó cô phải đi kinh tế mới vừa bỏ về thành phố, tôi không quên được có những đêm trăng ở sân sau nhà, bọn tôi đốt nến châm bình nước và vài cái bánh đậu xanh chia nhau, tôi đã được nghe được nhìn một cô Hồ Điệp nhập mình trong lời thơ Tiêu Sơn Tráng Sĩ, giọng ngâm sang sảng mà thiết tha dưới bóng trăng vàng mượt như tơ lụa "…không nhớ em thì anh biết nhớ ai…" chao ơi, mẹ tôi rất thích những đêm thi ca bỏ túi và dĩ nhiên là lén lút. Cô Hồ Điệp nghe đâu đã mất tích khi đi vượt biên bằng đường bộ. Những đêm nhạc thơ bỏ túi cả nhà tôi cũng được nghe tiếng đàn tranh của em tôi quyện vào tiếng đàn tây ban cầm của nhà thơ Phạm Quang Ngọc. Cũng có khi tôi gặp nhạc sĩ Lê Thương nổi tiếng của 3 bài Hòn vọng phu, họa sĩ Vũ Hối, riêng 2 ông bác nhạc sĩ nổi tiếng của tôi là ông Nguyễn Văn Tý của bài Dư Âm và ông Nguyễn Văn Thương của bài Đêm Đông tôi ít được gặp, điều đó cũng dễ hiểu vì ba tôi là người quốc gia.
Mẹ tôi cũng có một người bạn gái rất thân từ lúc còn son trẻ ở Đà Nẵng, bác sĩ Hải (tên chồng) bà là con gái út của thi sĩ Tản Đà, bác rất đẹp nhưng mà là một người khổ nhất trên thế giới, bị chồng bạc đãi bác phải lang thang ở ngoài đường, ban ngày đi bán bánh giò tối về ngủ ở hàng hiên. Từ 75-90 nếu có ai thấy một phụ nữ 65 tuổi, da trắng như trứng gà bóc cho dù mỗi ngày đội nắng Saigon, tóc bạc như cước, mặc áo nâu sồng quần đen đẩy 1 cái xe gỗ, lóc cóc trên đường Trương Minh Giảng đến Hồ Con Rùa, ấy là bạn thân của mẹ tôi, cho dù thời gian đó mẹ tôi cũng không khá gì hơn, mẹ tôi vẫn giúp đỡ bác những lúc bác ấy cần.
Khi mẹ tôi đã sang Mỹ, khi trở về Saigon thăm nhà mẹ tôi vẫn đi kiếm bà bạn thân thuở xưa mà giờ này ngoài 70 tuổi vẫn còn homeless.


Mẹ tôi cũng rất yêu thương thú vật. Bạn tôi cho mẹ tôi một con mèo vàng (vốn dĩ là một con mèo hoang bạn tôi lượm được). Mèo hoang nhưng đến tay mẹ tôi nuôi nó trở thành công chúa. Nó khoan thai đi trên bàn thờ Phật của ba tôi mà ba tôi vô cùng coi trọng, ba tôi luôn nói là đời ông (sau khi đi tù về) giờ chỉ còn cái bàn thờ Phật và thờ ông bà nội tôi là gia sản duy nhất còn lại. Thế mà con mèo của mẹ tôi khoái đi lên đó, đôi khi nó còn tè vào cả hồ cá vàng của ba tôi. Có lúc đó ba tôi vô cùng tức giận ném đủ thứ vào con mèo và mắng "đồ con khỉ" mẹ tôi xót con mèo nhưng vẫn bật cười vì ba tôi la con mèo là con khỉ, thiệt là oan cho con khỉ. Còn mèo này chỉ ăn cơm cá kho mà phải là mẹ tôi cho ăn như vậy cho nên ba tôi lại càng ghét thêm. Một ngày đẹp trời phường tôi có chiến dịch diệt chuột, nhà ai cũng phải đi lãnh mồi thuốc để ở nhà diệt chuột, con mèo của mẹ tôi ăn phải bả mồi lăn đùng ra dãy dụa, mẹ tôi đổ cả chai dầu gió xanh vô cùng quý báu lúc đó để cấp cứu con mèo nhưng rốt cuộc nó cũng đi tàu suốt. Mẹ tôi đã khóc con mèo như một người thân qua đời. Tôi còn nhớ sáng đó mẹ tôi khóc đến độ cái khăn lau nước mắt tưởng như có thể vắt ra nước mắt.
Ba tôi ra tù về, nhờ có người quen làm thầu khoán đã cho ba tôi chân tài xế, nhờ bác N.M (Nhân đây tôi cũng chân thành tri ơn gia đình bác NM nhờ bác mà cả đại gia đình bọn tôi đứa nào cũng có Job quèn dù là culi) gia đình tôi đủ khoai sắn cơm độn mỗi ngày. Những biến động của đất nước, những chia ly của gia đình tôi, những nhục nhằn của sinh kế, những lo sợ tù đày của chế độ đã làm ba tôi già nua gầy còm hẳn đi cộng thêm nhiều năm hút thuốc đã phá hủy lá phổi của ba tôi. Năm 85 sau mấy tháng bệnh, ba tôi qua đời để mẹ tôi và gia đình tôi hụt hẩng. Từ nay cây cột trụ chính đã không còn, mẹ con bà cháu tôi phải nương tựa nhau mà sống còn.
Ngày tôi lên đường đi My,õ mẹ tôi ở lại với em tôi mà không có hy vọng gì một ngày trùng phùng. Cũng may, khi tôi ở Mỹ được 3 năm thì được nộp giấy đi thi quốc tịch vì tôi đủ ba điều kiện: người chồng có quốc tịch 3 năm, tôi ở Mỹ 3 năm và giấy hôn thú có hiệu lực trên 3 năm. Khi có được giấy tờ chứng nhận là công dân Hoa Kỳ việc làm đầu tiên của tôi là bảo lãnh mẹ tôi, chỉ trong 18 tháng sau là mẹ tôi có giấy tờ đi Mỹ.
Thế là tháng 9/92 người đẹp Hà Thành đã chính thức đặt chân đến miền đất Tự do. Em trai tôi đã chuẩn bị tươm tất cho mẹ tôi. Khi ra đi được lịch lãm như một người đi du lịch. Tháng đầu tiên ở Mỹ mẹ tôi vui lắm vì lúc nào cũng có bà con đến thăm, điện thoại réo gọi mỗi ngày. Dần dà thì ai về nhà nấy, ai cũng có bận rộn riêng của mỗi người, mẹ tôi đâm ra hụt hẫng với đời sống mới. Cũng may lúc đó tôi còn làm ở hãng ca đêm, nên ban ngày tôi nấu nướng và chở mẹ tôi đi đây đó. Dầu vậy, cũng giống như hầu hết các cụ già sống trên đất Mỹ, mẹ tôi cũng cảm thấy tù túng cô đơn, rồi cũng có những thói quen, những suy nghĩ khó thay đổi.
Mẹ tôi bị cao huyết áp từ lâu khi còn ở Việt Nam mỗi khi lên cơn đau đầu là mẹ tôi phải uống Optalidon, sang Mỹ mới biết Optalidon bị cấm bán mấy chục năm nay rồi, lại thêm thói quen ăn mặn, ăn béo cũng khó bỏ. Cho nên một hôm mẹ tôi bị cơn choáng váng nhẹ phải vào emergency, bác sĩ khuyến cáo phải ăn lạt, giảm béo, mẹ tôi mới thay đổi những thói quen cũ.
Thực sự là cũng may mắn cho mẹ tôi là đúng lúc mẹ tôi sang, những đài truyền hình truyền thanh tiếng Việt bắt đầu xuất hiện nhiều cũng như đủ loại báo chí. Mẹ tôi làm bạn với cái radio, Tv suốt ngày. Tôi cũng mua báo tháng đủ thứ để mẹ tôi đọc giết thì giờ. Quả thật vấn đề tinh thần cũng quan trọng. Tôi thật biết ơn các nhà làm báo, làm TV radio nhờ đó mà mẹ tôi nguôi ngoai nỗi nhớ nhà với tháng rộng năm dài ở Mỹ.
Mặc dù đã ngoài 70, mẹ tôi vẫn còn sáng suốt, minh mẫn và khỏe mạnh, nhờ giữ đúng lời dặn của bác sĩ là phải uống thuốc, ăn ngủ đều đặn đúng giờ, giảm béo giảm mặn, cố gắng tập thể dục buổi sáng.
Buổi sáng mẹ tôi dậy rất sớm thường là 6 giờ, tập thể dục nhẹ nhàng xong mẹ tôi uống 1 ly nước trái cây ép đủ loại (gồm có cà chua, cà rốt, táo, thơm, dưa leo …) đủ vitamin cho cơ thể, 9 giờ mẹ tôi ăn sáng với oatmeal (lúa mạch) nấu ăn dùm cho gia đình tôi, coi TV đài Mỹ với show "I love Lucy" mà mẹ tôi yêu thích, nghe radio đài VN. Đúng 12 giờ là ăn cơm với thức ăn nấu nhạt, buổi trưa mẹ tôi ngủ trưa một chút 3 giờ chiều mẹ tôi ra tưới cỏ, cho đàn cá ăn 6 giờ ăn cơm chiều, xem Tivi. 9 giờ đọc sách uống một ly sữa nóng và đi ngủ. Thứ bảy, chủ nhật con gái tôi chở mẹ tôi lên Phước Lộc Thọ để mẹ tôi có thể đi mua sắm, ăn quà, gặp gỡ bạn bè.
Hàng năm vào mùa hè, mẹ tôi lại khăn gói lên đường đi về VN thăm con trai, con dâu và cháu nội. Mẹ tôi thích về mùa hè để mấy đứa cháu nội có dịp nghỉ hè đi chơi với bà nội. Mỗi lần về lại Saigon mẹ tôi lại lên được vài pounds. Có lẽ vì vui hơn là sống ở Cali. Em trai tôi dẹp đám bạn nhậu bạn tennis qua một bên để có thì giờ đưa mẹ tôi đi đây đó, chuyến về thăm nhà mới đây, mẹ tôi lại càng vui hơn vì em trai tôi đưa mẹ tôi về Huế thăm lại quê chồng.
Những người bà con thân thiết của bà nội ruột tôi vẫn đối xứ với mẹ tôi thân thiết như khi ba tôi còn sống. Trong mấy ngày ở Huế chú Đông em cô cậu với ba tôi đã sắp xếp cho mẹ tôi ở khách sạn Hương Giang, mấy ông anh họ thay phiên nhau chở mẹ tôi đi thăm mộ ông bà nội tôi, đi ra tận Lavang viếng Đức me,ï nơi mà mẹ tôi hằng muốn đi. Khi trở lại Saigon bạn bè của em tôi, đa số là văn nghệ sĩ, ca sĩ đến thăm mẹ tôi mỗi ngày. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp lão với mái tóc bạch kim. Mấy người bà con thì trêu mẹ tôi là 72 tuổi mà trông như 60. Thỉnh thoảng theo thói quen ở Mỹ, mẹ tôi lại châm tiếng Anh vào làm mấy đứa cháu nội thán phục quá. Có hôm con gái tôi gọi điện thoại từ Cali về cuộc điện đàm tả phí lù như vậy. Hi, ngoại ngoại khỏe không" Hi, Trân, ngoại khỏe, ngoại có ăn ngủ được không" Don't worry be happy, ngoại OK. Ấy thế cũng đủ làm cho 2 nhỏ Sisi Titi lé mắt vì bà nội hay quá.
Khi mẹ tôi đủ thời hạn nộp đơn thi quốc tịch, con gái tôi và rể tôi thay nhau chở mẹ tôi đi làm giấy tờ có khi đi bác sĩ, nha sĩ. Mẹ tôi ngày đêm học bài tiếng Việt, thỉnh thoảng mấy đứa con rể tôi đến nhà giúp mẹ tôi pratice tiếng anh. Có lần Andre đến nhà tôi có chào mẹ tôi:
- Hi, ngoại (ngoại không có dấu) How are you"
- Hi, Andre, ngoại OK, thank you
- Ngoại. Who is the president of USA"
- Bố mày. Mày tưởng tao không biết à" Bush chứ ai"
Đại loại là những câu tiếng anh ngắn ngủi cũng giúp mẹ tôi tự tin hơn. Ngày mẹ tôi đi thi quốc tịch, tôi trấn an mẹ tôi là đừng quá lo lắng mà quên hết bài. Đậu thì tốt mà rớt thì thi lại. Buổi sáng tôi đưa mẹ tôi đến hội người già, sẵn tính dị đoan tôi mua 1 gói xôi đậu xanh để mẹ tôi lót dạ cho hên. Tôi ra xe chờ, khoảng 1 tiếng sau mẹ tôi trở ra hớn hở báo tin đã đậu. Mẹ tôi vui mừng kể lại là đã gặp một ông giám khảo Việt Nam, ông đã hỏi mẹ tôi:
- Tổng thống chết thì ai lên thay"
- Tháng 7 có ngày lễ lớn nào của nước Mỹ"
- Ai là tổng thống đầu tiên của nước Mỹ"
Mẹ tôi bảo là dễ quá, mẹ đã trả lời không chút ngập ngừng. Tôi cũng mừng vì tuổi này mẹ tôi vẫn còn minh mẫn. Mẹ tôi đã khao cả nhà một chầu nhậu tưng bừng ở quán Đà Lạt Bristol, mẹ tôi thích mua món cháo cá ở đây. Vài tháng sau mẹ tôi có giấy đi tuyên thệ ở Pomona. Khi mẹ tôi xếp hàng đi vào tòa một mình, tôi đọc được một nét xúc động trên khuôn mặt mẹ tôi. Thế là giấc mở trở thành công dân Mỹ đã đạt. Tôi gọi về VN báo tin vui cho em trai tôi, em tôi bảo đổi tên Mỹ cho mẹ là Jackie Chen nhá. Mẹ tôi thực sự đã yêu mến nước Mỹ.
Mẹ tôi cũng rất can trường, đã nghĩ đến chuyện hậu sự của mình mà không hề sợ hãi, mẹ tôi đã mua ngay miếng đất bên cạnh mộ ba tôi chờ ngày đoàn viên với ba tôi, kèm theo lời dặn dò. Mẹ không muốn vào nằm ở nursing home mẹ chỉ muốn khi mẹ quá già thì cho mẹ về Saigon ngay. Mẹ tôi, với tôi, đúng là người đẹp Hà Thành. Mẹ tôi là hình ảnh trong bài nhạc "Có phải em là mùa thu Hà Nội". Nếu có ai hỏi tôi bàn tay nào đẹp nhất, tôi xin thưa đó là bàn tay gân guốc nhỏ bé đã nuôi nấng tôi nên người. Nếu ai có hỏi trái tim nào nhân ái nhất, tôi xin thưa đó là trái tim của mẹ. Nếu ai hỏi giọng ca nào hay nhất, tôi xin thưa đó là giọng mẹ tôi đã ru tôi, ru con tôi bằng ngàn lời ca ngọt ngào.
Gia đình tôi cũng như trăm ngàn gia đình khác sống trên đất Mỹ, không phải lúc nào cũng ấm êm thuận thảo cũng có lúc sóng gió bão bùng. Mẹ tôi là người biết điều, biết sống đã cố gắng để không làm phiền lòng người khác.
Mẹ rất kính yêu, con cũng đã có lắm lần lầm lỡ, nhiều lần làm trái ý cha mẹ, lắm lúc cứng đầu ương ngạnh của tuổi thiếu thời. Gia đình con cũng đã không tránh khỏi có lúc lỡ lời làm Mẹ buồn lòng, con xin thay lời chịu tội. Ngày xưa mẹ vẫn thích bài "sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì con biết không" Để gió cuốn đi….và mẹ vẫn thường hay khuyên nhủ sống là phải biết quên đi và tha thứ. Forget and forgive. Nhân mùa tạ ơn, con xin cúi đầu nhận mọi lỗi lầm, xin được mẹ tha thứ vì con vẫn biết với tấm lòng bao dung, mẹ đã và sẽ sẵn sàng tha thứ.
Tạ ơn mẹ, giòng suối mát vô biên.
Viết trong mùa Tạ Ơn 2003
Kim N.C

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến