Hôm nay,  

Cưới Vợ Cho Con

24/10/200300:00:00(Xem: 224544)
Người viết: Hải Triều
Bài số 379-917-vb6171003

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng, cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm thứ nhất. Ông cũng là người có số lượng bài viết nhiều nhất. Có lần ông cho biết ông dự trù khi về hưu, sẽ còn tiếp tục viết về nước Mỹ nhiều hơn. Bài nhất của ông lần này là đề tài rất được quan tâm trong đời sống gia đình tại Mỹ.

Dựng vợ gả chồng cho con cái là bổn phận của cha mẹ. Không kể những trường hợp ngoại lệ thì cha mẹ nào mà chẳng có lần lo chuyện cưới xin cho con cái. Người ít con thì một vài lần, người nhiều con thì năm bảy lần. Nhưng có lẽ ít có ai giống như trường hợp của chúng tôi, chỉ trong một thời gian ngắn đã tổ chức hai đám cưới cho hai anh con trai, một đám tổ chức tại Việt Nam, một đám tổ chức tại Mỹ, cách nhau vừa đúng một tuần lễ.
Tôi xin kể đám cưới ở Việt Nam trước vì được tổ chức trước và cũng là đám cưới của đứa anh. Anh trước em sau mà. Anh này là con trai trưởng của chúng tôi nhưng anh rất ư là "chậm tiến". Mặc dầu hai đứa em kề đã có vợ, có con và đứa em út cũng đã có bạn gái nhưng anh cứ tỉnh bơ như người Ăng-lê, chẳng quan tâm gì đến chuyện lập gia đình.
Nhiều người thấy anh hiền lành, chịu khó làm ăn muốn giới thiệu em, cháu của họ cho anh nhưng anh cứ tỉnh queo, không đồng ý mà cũng chẳng phản đối khiến cho những người định làm mai mối chẳng ai biết ý của anh ra sao. Chính vợ chồng tôi cũng rất sốt ruột nhưng mỗi lần đề cập đến chuyện này là anh tìm cách đánh trống lảng hay nói sang chuyện khác nên đã nhiều lần hối thúc chuyện vợ con mà cũng chẳng đi đến đâu. Tôi hơi buồn bực và có lần đem chuyện này than vãn với chú em thì chú nói anh lo làm gì cho mệt. Cháu nó chưa gặp đúng đối tượng đấy thôi, khi gặp đúng đối tượng rồi thì cho dù anh có cản cũng chẳng được. Nghe lời chú em, từ đó tôi không đề cập đến chuyện này nữa.
Trong dịp Giáng Sinh năm vừa qua, không biết trời xui đất khiến thế nào mà anh con trai của chúng tôi quyết định làm một chuyến du lịch Việt Nam cùng với anh chị và hai đứa cháu (trước đó ai rủ cũng không đi). Thế rồi sau ít ngày về tới Việt Nam, con gái tôi gọi điện thoại về Mỹ tiết lộ với chúng tôi một tin bất ngờ là em nó đã có bạn gái. Con gái tôi còn nói thêm là trông hai anh chị có vẻ khắng khít và tâm đầu ý hiệp lắm, theo cái điệu này chắc ba má phải về Việt Nam một chuyến để lo chuyện đám cưới cho nó rồi.
Nghe tin này tôi vừa mừng lại vừa có phần e ngại. Mừng vì cuối cùng thì anh con trai của chúng tôi cũng đã gặp duyên và nghĩ đến chuyện lập gia đình. Còn e ngại vì chỉ sợ cô con gái kia là con của một đảng viên Cộng sản thì thật rắc rối . Dĩ nhiên chúng tôi chẳng có lý do gì để mà phiền trách cô con gái nếu cô ta là con của một đảng viên Cộng sản nhưng sẽ rất khó cho chúng tôi nếu phải làm sui với một người có lập trường đối nghịch. Không lẽ đã là sui gia với nhau mà không nói chuyện với nhau còn nói chuyện thì mỗi người một chí hướng chỉ có đối chọi nhau chứ làm sao mà hòa hợp với nhau được. Cả đời tôi chống Cộng thì làm sao trong một lúc có thể trở thành thân thiện với người Cộng sản được" Tôi thật sự không biết phải làm sao nếu chuyện trên xảy ra. Cũng may sau khi nhờ người dò hỏi, chúng tôi được biết cha của cô gái cũng là người của phe ta, nghĩa là trước đây đã từng đứng chung một chiến tuyến. Và thế là chúng tôi có thể yên tâm nếu đôi trẻ muốn tính đến chuyện tương lai.
Sau chuyến đi Việt Nam về, anh con trai của chúng tôi thay đổi hẳn, không còn e dè khi nói đến chuyện vợ con như trước đây nữa mà đã mạnh dạn đề cập đến chuyện có bạn gái, anh chàng còn đưa hình và hỏi ý kiến chúng tôi về người bạn gái và cũng không ngần ngại ngỏ ý xin chúng tôi nếu ưng thuận thì đứng ra lo liệu việc cưới xin. Dĩ nhiên là chúng tôi chẳng có ý kiến gì khác ngoài việc vun đắp cho đôi trẻ vì chúng tôi hiểu vị trí của cha mẹ trong việc hôn nhân của con cái là chỉ hướng dẫn và tác thành chứ không có vấn đề ưng thuận hay là không ưng thuận. Những người có quyền quyết định cuối cùng trong việc hôn nhân là đôi trẻ chứ không thuộc về cha mẹ.
Người xưa có nói "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" thật không sai. Đúng là nếu có duyên thì dù cách xa ngàn vạm dặm cũng gặp nhau. Có ai ngờ được hai kẻ sống cách xa đến nửa vòng trái đất mà lại quen được nhau, yêu nhau và quyết định ăn đời ở kiếp với nhau nhưng việc đó đã đến với con trai của chúng tôi và như thế, những người cho rằng việc kết hợp vợ chồng là là do duyên kiếp hay là do tiền định lại có thêm một chứng minh qua trường hợp này.
Dù xa xôi cách trở chúng tôi cũng không ngại ngùng vì chúng tôi hiểu hôn nhân là việc quan trọng và cũng rất thông cảm tâm trạng của con trai của chúng tôi trước sức mạnh của tình yêu "mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Vả lại chúng tôi cũng nghĩ mình đã may mắn được sống một cuộc sống đáng sống trong một đất nước tự do, nếu có điều kiện thì cũng nên giúp người khác có được cuộc sống đó để thấy được cuộc sống của người dân ở một đất nước thật sự tự do nó thoải mái như thế nào. Giúp được một người cũng đã là việc nên làm huống hồ gì sau này con dâu của chúng tôi lại có thể bảo lãnh cha mẹ rồi cha mẹ lại bảo lãnh cho các anh em của cháu, cứ dắt dây như thế là đưa được khối người sang Mỹ.
Được sự tán đồng của chúng tôi, con trai chúng tôi bắt đầu liên lạc với sở Di trú tiến hành thủ tục bảo lãnh cho người vợ sắp cưới. Hai gia đình cũng bắt đầu liên lạc để tạo thông cảm và gần gũi nhau hơn. Chúng tôi cũng bàn đến chuyện tương lai của đôi trẻ nhưng chưa thể định đoạt được ngày hỏi và ngày cưới, không phải vì vấn đề chọn ngày chọn tháng (chúng tôi không coi việc đó là quan trọng) mà vì hiện chúng tôi đang bận chuẩn bị cho đám cưới của đứa con trai út. Chúng tôi nghĩ có lẽ phải chờ sau đám cưới của đứa em rồi mới lo đến đứa anh được, nhưng đùng một cái chúng tôi được tin con dâu tương lai của chúng tôi ở Việt Nam đã được gọi phỏng vấn. Tính từ ngày cháu được vào phỏng vấn thì chỉ còn chưa đầy ba tuần lễ nữa là đến ngày cưới của đứa con út. Thật là bận rộn nhưng chúng tôi cũng phải quyết định về Việt Nam tổ chức đám hỏi để cháu có hình ảnh đem theo chứng minh khi vào phỏng vấn. Mà đã về làm đám hỏi thì tại sao không làm đám cưới luôn, một công đôi chuyện vì một lần đi là một lần khó chứ đâu phải muốn đi lúc nào cũng được.
Chúng tôi bắt đầu bàn định công việc nhưng thấy thật là nan giải vì chỉ có một khoảng thời gian ngắn mà phải giải quyết nhiều việc vừa ở Việt Nam vừa ở Mỹ làm sao cho ở cả hai nơi đều ổn thỏa. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã vạch ra được một kế hoạch với việc sắp xếp ngày giờ rất sít sao. Đám hỏi sẽ được tổ chức 3 ngày trước ngày phỏng vấn, đám cưới sẽ được tổ chức sau đó hai tuần, và như vậy sẽ phải có mặt ở Việt Nam một ngày trước ngày đám hỏi và rời Việt Nam hai ngay sau đám cưới để về tới Mỹ hai ngày trước ngày đám cưới ở Mỹ. Dù thời gian eo hẹp chúng tôi cũng phải kéo dài khoảng thời gian giữa đám hỏi và đám cưới đến hai tuần để sau cuộc phỏng vấn nếu được chấp thuân sẽ có đủ thời gian để mua vé máy bay cho con dâu của chúng tôi đi chung một chuyến cho tiện. Đồng thời cũng có đủ thời gian để gửi thiệp mời bà con họ hàng và bạn hữu xa gần.
Kế hoạch đã xong bây giờ đến việc thi hành. Tất nhiên là không thể đi cả hai vợ chồng mà chỉ một người về Việt Nam một người phải ở lại Mỹ và nhiệm vụ được phân chia là vợ tôi về Việt Nam cùng với anh con trai lớn lo việc cưới hỏi ở Việt Nam còn tôi ở lại Mỹ để hoàn tất những công việc còn phải làm cho đám cưới ở Mỹ. Chúng tôi tính toán như vậy cũng là phòng hờ nếu như chuyến bay bị hủy bỏ bất ngờ không trở về Mỹ kịp thì trong ngày cưới không có đủ hai vợ chồng cũng có được một người chứ lỡ trong ngày cưới của con trai lại vắng mặt cả cha lẫn mẹ thì coi sao được.
Vợ tôi về đến Việt Nam nghỉ ngơi được một ngày thì tổ chức đám hỏi. Cũng may là mọi việc đã có người lo liệu và sắp xếp sẵn, vợ tôi chỉ chờ đến giờ là lên đường đi hỏi vợ cho con và rồi ngày cưới cũng vậy, đều có người giúp đỡ lo liệu cả nên đã được tiến hành rất tốt đẹp. Bạn bè đông đủ, họ hàng nội ngoại từ xa cũng đến tham dự thật vui vẻ.
Sau đám cưới ở Việt Nam vợ tôi trở lại Mỹ hãy còn mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài, chưa kịp thích nghi được với sự khác biệt giờ giấc và khí hậu là đến đám cưới của thằng út. Dù đã có mấy lần tổ chức đám cưới cho con, lần này chúng tôi cũng không tránh khỏi một vài phiền toái.


Trong những lần trước, khi gửi thiệp cho bà con hay bạn hữu chúng tôi gửi tất cả những gì thường có trong bộ thiệp cưới như thiệp báo tin lễ thành hôn, thiệp mời dự tiệc và thiệp hồi báo để người được mời báo lại có đến dự tiệc hay không và nếu có đến thì đi mấy người giúp dễ dàng cho việc đặt chỗ tại nhà hàng. Việc gửi lại thiệp hồi báo rất là hợp lý và cần thiết nhưng hầu như ít người để ý, chẳng có mấy người gửi lại thiệp này cho nên lần này chúng tôi yêu cầu không in thiệp đó nữa vì thấy in ra cũng vô ích vừa tốn tiền in vừa tốn tiền mua tem. Vì không nắm vững được số người sẽ đến dự tiệc là bao nhiêu chúng tôi chỉ còn cách đoán mò mà đoán mò thì tất nhiên không thể chính xác và rất hồi hộp. Đặt nhiều chỗ thì sợ khách không ngồi hết bàn mà đặt ít thì sợ không đủ chỗ cho khách. Muốn chắc ăn thì thà dư hơn là thiếu nghĩa là phải chấp nhận trả tiền cho những bàn không có người ngồi (nhà hàng đã nấu đồ ăn rồi thì họ phải tính tiền).
Về thiệp mời dự tiệc cũng là một vấn đề. Chúng tôi chỉ gửi thiệp mời dự tiệc cho những người mà chúng tôi nghĩ rằng có thể đến được vì vậy hầu hết những người ở xa chúng tôi đều không gửiù thiệp này. Chúng tôi nghĩ rằng nhân dịp dựng vợ gả chồng cho con cái, báo tin cho bà con và bạn bè là đã tỏ lòng kính trọng và quý mến nhau rồi cần gì phải khách sáo cho nên chỉ cần gửi thiệp báo tin lễ thành hôn hay vu quy của con cái là đủ. Nhiều thân nhân và bạn bè đã thông cảm cho chúng tôi và dù chúng tôi chỉ gửi thiệp báo cũng gửi quà hoặc những lời chúc mừng tốt đẹp cho đôi tân hôn. Nhưng có người lại cho rằng làm như vậy là khinh khiï, là coi thường họ. Theo tôi thì đã biết chắc người ta không đến được mà vẫn gửi thiệp mời mới là là việc làm có tính cách cà rỡn và máy móc .
Bây giờ đến vấn đề gửi thiệp. Tôi không biết ở những nơi khác thì sao chứ ở chỗ tôi vẫn còn cái tục lệ mời đám cưới là phải đích thân đến tận nơi. Người sắp lấy vợ lấy chồng hay cha mẹ phải đích thân đem thiệp đến từng nhà. Việc làm này vừa mất thì giờ lại vừa phiền phức cho cả người đi mời lẫn người được mời. Cuộc sống ở Mỹ lúc nào cũng bận rộn, sau những ngày giờ làm việc ai cũng cần có thì giờ để nghỉ ngơi và lo những công việc riêng tư khác. Tại sao lại không gửi thiệp qua đường bưu điện cho tiện mà lại phải dùng những thì giờ hiếm hoi đó để đi mời hay phải tiếp khách" Phép vua thua lệ làng, biết đó là điều không hợp lý mà vẫn cứ phải làm nghĩa là vẫn cứ phải cầm thiệp đến tận nhà để mời đám cưới.
Con trai của chúng tôi và bạn gái của nó đều làm việc ở tiểu bang khác và thế là công việc đi mời chúng tôi phải đảm trách. Sau giờ làm việc mỗi ngày hay vào các ngày cuối tuần, có được lúc nào rảnh là hai vợ chồng già lại dẫn nhau đi mời đám cưới cho con. Đến nhà gặp được chủ nhà thì không nói làm gì, có nơi đến một hai lần vẫn không gặp thế là mất toi những thì giờ quý báu một cách vô ích. Có khi gặp được chủ nhà vồn vã thì còn đỡ, có người ngồi nói chuyện với mình mà mắt và tai đều để ở nơi khác mới thật là nản. Có cố gắng đến mấy chúng tôi cũng không đủ kiên nhẫn để trở lại những nơi đã vài lần đến nhà mà không gặp ai và chúng tôi chỉ còn cách chuyển qua đường bưu điện dù biết sẽ có người thông cảm cho hoặc cũng có thể sẽ bị bắt lỗi hay trách móc.
Sau cùng chúng tôi phân vân trước một số người có quan hệ qua lại nhưng không thân lắm. Chúng tôi nghĩ đối với những người này mời thì chưa chắc họ đã đến dự tiệc nhưng không mời thì chắc chắn sẽ bị nói này nói nọ. Suy đi tính tới, cuối cùng vợ chồng tôi quyết định cứ gửi thiệp để được yên tâm còn họ có đi hay không là chuyện của họ.
Vấn đề mời mọc xong xuôi và ngày cưới cũng đã đến. Sau thánh lễ hôn phối được cử hành long trọng ở nhà thờ đến việc đãi tiệc ở nhà hàng. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến vấn đề giờ giấc khai tiệc. Tiệc cưới có mời một số người Mỹ mà người Mỹ thì họ rất đúng giờ còn giờ giấc của bà con người Việt ta là giờ giấc dây thun. Chúng tôi sợ sẽ làm phiền những người đêán đúng giờ phải chờ đợi lâu nhưng thật là bất ngờ, lần này bà con đến khá đúng giờ giúp chúng tôi có thể khai tiệc chỉ trễ 20 phút so với giờ ghi trong thiệp mời. Thật là mừng. Tuy nhiên vẫn còn một số bà con đến sau khi đã khai tiệc và chúng tôi cũng đã yêu cầu nhà hàng "take care" đầy đủ. Trong số những người đến trễ có người đã tìm gặp chúng tôi xin lỗi vì đã đến trễ nhưng cũng có người tỏ ra không vui hoặc có thái độ giống như chính chúng tôi mới là người có lỗi!
"Ma chê cưới trách" người xưa đã nói không sai. Dù đã nhiều lần tổ chức đám cưới, dù có khéo léo đến đâu, dù đã cẩn thận rào trước đón sau vẫn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Có người đòi hỏi phải làm thế này, có người lại chất vấn tại sao không làm thế kia. Đi dự tiệc cưới là để chia vui với đôi tân hôn, với hai gia đình, để lâu lâu có dịp gặp gỡ nhau để tỏ tình đoàn kết và chia sẻ giữa những người đồng hương với nhau chứ đâu phải đến để bắt lỗi bắt phải, để dạy đời người khác. Biết thế nào là đúng hay là sai, phong tục tập quán mỗi nơi một khác mà duy trì phong tục tập quán thì cũng chỉ giữ cái gì hay còn cái gì cổ hủ, lỗi thời cũng cần phải bỏ đi cho thích hợp với không gian và thời gian chứ.
Mỗi lần tổ chức đám cưới cho con chúng tôi đều có mời một số người Mỹ với mục đích giới thiệu với họ văn hóa Việt Nam. Những người Mỹ được mời đều thích thú vì họ vừa có dịp hiểu biết phong tục Việt Nam vừa được thưởng thức những món ăn Việt Nam mà họ rất ưa thích. Có mấy người Mỹ cùng làm một chỗ với con trai chúng tôi và bạn gái của nó ở tiểu bang khác cũng không ngại bỏ thì giờ lái xe mấy tiếng đồng hồ đến dự để được xem đám cưới Việt Nam. Họ chăm chú theo dõi từng diễn tiến và hỏi cho biết những gì họ không hiểu chẳng hạn họ muốn biết tại sao cô dâu lại thay đổi y phục giữa bữa tiệc ... Hầu như tất cả người Mỹ đều rất thích những món ăn Việt Nam, có người yêu cầu nhà hàng bỏ thức ăn còn lại vào hộp để họ đem về, có người khi về lấy theo bản thực đơn để đem về giới thiệu với thân nhân hay bạn bè của họ. Nói chung những người Mỹ đã đến dự tiệc với tất cả tinh thần của một buổi tiệc mừng. Họ luôn giữ thái độ vui vẻ, cởi mở; cử chỉ lịch sự, lời nói dễ nghe, họ thực sự quan tâm đến đôi tân hôn và không tiếc những lời thăm hỏi, chúc mừng, cám ơn ...
Nhưng không phải chỉ có những người Mỹ được mời đến dự tiệc mới "nice" với đôi tân hôn, những người không liên quan gì đến bữa tiệc nhưng gặp cô dâu cũng chúc mừng, thậm chí có những người lái xe ngoài đường gặp xe hoa cũng bóp còi hoặc vẫy tay tỏ ý chia vui với đôi vợ chồng mới. Viết đến đây tôi nhớ đến một mẩu chuyện vui xẩy ra trong lần tổ chức đám cưới cho đứa con trai lần trước. Đang giữa tiệc thì một nhân viên của nhà hàng đến đưa cho tôi một cuộn giấy nhỏ xíu, nhìn kỹ lại thì đó là một miếng giấy napkin được xếp nhỏ rồi cuốn tròn lại. Tôi hỏi là cái gì thì được trả lời là không biết. Tôi hỏi của ai thì người nhân viên này trả lời là của một thực khách đến ăn ở khu bên kia (nhà hàng có hai khu vực, một khu đang có tiệc cưới còn khu kia vẫn dành cho thực khách như thường lệ). Tôi hỏi người đó đâu rồi thì được trả lời sau khi trả tiền tại quầy ông ta mượn bút và viết trên mảnh napkin này, nhờ trao lại và ra về rồi. Lúc đó chưa có nạn anthrax nhưng tôi cũng ngần ngại đối với một miếng giấy gói lại mà không biết là của ai. Ngần ngại nhưng tôi cũng nhận, nhận rồi lại phân vân không biết có nên mở ra hay không. Cuối cùng không kìm được sự tò mò tôi quyết định mở miếng giấy ra xem mà lòng rất hồi hộp. Thì ra trên miếng giấy napkin chỉ là lời chúc mừng và chúc phúc cho cô dâu và chú rể. Thật là một cử chỉ lịch thiệp. Ước gì người Việt mình học được những cái hay của người Mỹ khi đi dự tiệc cưới.
Khi tôi viết bài này thì những bận tâm về hai đám cưới đã qua rồi, mọi việc đã đâu vào đấy cả. Sau hai đám cưới, nhiều bạn bè gặp chúng tôi đều tỏ ý mừng cho chúng tôi. Người thì nói chúng tôi vừa trúng số cặp (ý nói có được hai con dâu một lúc), kẻ thì bảo thế là khỏe rồi nhé. Quả thật là chúng tôi khỏe rồi vì tất cả các con của chúng tôi đều đã có gia đình và như vậy từ nay chúng tôi sẽ không còn phải bận tâm về vấn đề gửi thiệp mời hay là phải đối diện với những phiền toái của việc cưới xin nữa. Thank God.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài,
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana,
Nhạc sĩ Cung Tiến