Hôm nay,  

Chuyến Đi Của Những Em Nhỏ Lạc Loài

24/10/200300:00:00(Xem: 157854)
Người viết: Ý THU
Bài số 375-913-vb2131003

Tên tác giả: Ý Thu, tên thật: Trần Ý Thu, 47 tuổi, cư trú tại Anaheim, Nam California, hiện đang làm việc tại Retirement & Health Care Center, Santa Ana. Bài viết của bà là một hồi ký có nhiều chi tiết đặc biệt về chuyến bay di tản 300 trẻ mồ côi Việt Nam bị rơi ngày 4 tháng Tư năm 1975 tại Saigon. Mong bà sẽ có dịp viết thêm.
*

Lời tác giả: Câu chuyện sau đây kể về chị Hồng Ngọc, người từng được xem là Vietnamese Beautiful Lady trong cái nhìn của một số người Mỹ làm việc ở Việt Nam thời chiến tranh.
Trước năm 1975, Hồng Ngọc làm việc cho US Navy Headquaters, sau đó chuyển qua làm cho Defense Attache Office gọi tắt là DAO trực thuộc US Embassy. Chị đã có mặt trong chuyến bay Baby Lift Operations vào ngày 06/04/1975.
Năm 1954, khi Việt Nam bị chia đôi, gia đình Ngọc đã di cư từ Bắc vào Nam. Mẹ Ngọc khóc sướt mướt giã biệt người em gái ở lại. Trên chiếc máy bay chở những người là người bà thì thầm một mình: "Chị sẽ về thăm em, giờ chị đi đây, không biết tương lai về đâu"" Nhưng rồi cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc bùng nổ và kéo dài. Bà hy vọng được viết những lá thư gởi về cho em ở Thái Nguyên, giờ kể như nghìn trùng xa cách. Tại miền Nam biết bao nhiêu thanh niên lại phải từ giã gia đình dấn thân ra chiến trường. Mẹ Ngọc một lần nữa lại phải rơi nước mắt, hai đứa con trai của bà gia nhập quân đội.
- Hai đứa bay đi, mẹ lo quá. Lạy trời cho tai qua nạn khỏi.
- Ôi! Mẹ lo gì, chúng con khỏe như trâu, tài ba có thừa, súng đạn còn phải sợ.
- Tụi bây đừng vạ mồm vạ miệng.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt vào những năm sau này. Việt Cộng đánh phá, pháo kích, tấn công cả vào Saigon ngay Tết Mậu Thân 1968. Những năm tiếp theo, cả miền Nam triền miên trong khói lửa. Mỹ đổ quân vào Việt Nam càng ngày càng đông. Nhiều cơ quan hành chánh của Mỹ mở cửa ngay tại trung tâm Saigon.
Ngọc đã tốt nghiệp xong bậc trung học. Gia đình đông em, Ngọc quyết định học một nghề cấp tốc để ra đi làm. Cầm tấm bằng thư ký kế toán trong tay, Ngọc đến cơ quan US Navy Headquaters số #2 ở đường Duy Tân, đối diện với Dinh Độc Lập. Ông John vừa nhìn thấy Ngọc là tuyển dụng liền, không cần biết đối tượng ra sao. Ngọc, với nét đẹp trang nhã, mái tóc đen bồng bềnh chấm qua vai, đôi mắt to long lanh như thu hút lòng người, kèm theo giọng nói rụt rè, bẽn lẽn khiến ông John ngơ ngẩn. Đi đến bất cứ cơ quan nào ông cũng cho Ngọc đi theo vì được ưu đãi nên ông gởi Ngọc đi học nhiều nơi để gia tăng tay nghề như kế toán, tốc ký, đặc biệt là lớp Technical Publication.
Sau đó vài năm, Ngọc chuyển qua cơ quan Defense Attache Office trực thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ông Paul đã biết Ngọc từ trước, tay bắt mặt mừng. Ông nói pha vẻ màu mè:
-Chào người đẹp Hồng Ngọc. Ngọn gió lành nào thổi cô về đây" Chúc mừng cô làm việc cho chúng tôi.
Ngọc vừa làm việc văn phòng, vừa phải giao tế tiếp xúc với những nhân vật từ Mỹ đến Việt Nam như bà Leslie, bà Johnson, bà Adams với trọng trách bảo trợ cho các hội từ thiện, đặc biệt là các em mồ côi, các em bị tàn tật.
Những ngày tháng sau cùng của cuộc chiến, tình hình ngày càng thêm khốc liệt. Tin tức thất trận đến dồn dập và lãnh thổ miền Nam ngày càng thu hẹp. Các tỉnh miền Cao nguyên, các tỉnh miền Trung như Huế, Qui Nhơn, Đà Nẵng, Plei Ku, Kom Tum, Nha Trang…đều rơi vào tay CS.
Mùa xuân 1975 cái không khí Tết thật buồn tẻ và ảm đạm. Người ta bàn tán xôn xao, đổ xô ra ngoài tìm cách đường vượt biên, lệnh giới nghiêm được ban hành một cách triệt để. Ông Trung tá Henry mới tới văn phòng để thay thế ông Paul.
-Cô là Ngọc phải không"
-Phải. Hân hạnh được biết ông.
-Chiến dịch Evacuate bắt đầu. Chúng tôi sẽ rút lui và đóng cửa văn phòng. Nếu cô muốn đi Mỹ cô sẽ đi vào ngày 4/4 với những trẻ em mồ côi.
Ngọc trả lời ngay không suy nghĩ:
-Tôi muốn đi. Vậy gia đình tôi có thể cùng đi không"
-Những trẻ em Việt Nam cần có cô để an ủi chúng. Tôi sắp xếp gia đình cô sẽ đi một chuyến bay khác.
Ông Henry chỉ cho Ngọc những thùng giấy chồng chất lên nhau chật cả gian phòng nhỏ.
-Cô mở ra mà xem trong ấy chứa toàn tiền Việt Cộng. Cô muốn lấy bao nhiêu thì lấy mang về cho người nhà hay những ai còn kẹt lại để xài sau này.
Chưa hết, ông Henry bóc ra một thùng tiền còn mới tinh đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng một mặt in hình ông Hồ già. Ngọc lạnh cả người.
-Tình hình không biết thực hư, ai mất ai còn chưa rõ. Tôi sợ lắm, dính vô thứ quỷ này không khéo rũ tù.
Ông Henry phá lên cười, trở giọng khôi hài:
-Cô Ngọc ơi là cô Ngọc. Tiền mà cô còn chê thật vàng không sợ lửa. Tôi đề nghị cô nên đổi tên là Diamond, Golden N, Emerald, Ruby chẳng hạn.
Cả phòng đều quay nhìn Ngọc rồi phá lên cười về lối nói chuyện dí dỏm của ông Henry. Giọng Ngọc trở nên nghiêm trang:
-Vì ông mới đổi về nên ông không biết tên tôi cũng có nghĩa là một loại ngọc mắc tiền và rất quý giá.
Ông Henry ngạc nhiên nhìn Ngọc:
-Thật vậy à, thế mà tôi không rõ. Cô là một cánh hoa tươi sắc, giờ đây vì chiến tranh mà phải bôn ba thật đau lòng.
Đầu tháng 4/75 Ngọc ra đón bà Dorothy, bà Kirk, bà Joan và và Stanford từ cơ quan chính phủ khác sang chơi, đưa các bà đi mua sắm, sắp xếp chỗ ở. Chỉ còn bốn ngày nữa là Ngọc, ba bà ngoại quốc, một số nhân viên và các trẻ em mồ côi sẽ trở về Mỹ. Ngọc thu xếp hành lý, mẹ Ngọc nước mắt chảy giòng giòng:
-Kẻ đi người ở thế này, buồn đến đứt ruột.
-Mẹ yên chí sẽ có người đến đón mẹ.
-Hai em con còn kẹt trong quân đội, lẽ nào mẹ bỏ chúng. Đã không đi thì thôi, đi thì phải đi hết. Mẹ già rồi đâu cần gì.
Ngày 2/4/75 Trung tá Henry đưa cho Ngọc một xấp tài liệu về danh sách những người được đi Mỹ.
-Cô đánh máy dùm tôi tên những người này, đáng lẽ cô đi vào ngày 4/4 nhưng còn nhiều việc cần đến cô, vì thế cô sẽ đi chung với các em mồ côi bị khuyết tật vào ngày 6/4. Sự thay đổi này có làm cho cô phiền lòng không"
-Ông yên chí. Tôi đi chuyến bay nào cũng được.
-Mục đích của chúng tôi mang các em qua Mỹ để các em được giải phẫu khuyết tật và các em có một tương lai sáng lạn hơn. Nhiều gia đình Mỹ sẽ làm thủ tục nhận các em về nuôi. Ở xứ Mỹ chúng tôi con nuôi cũng được nuôi nấng cẩn thận như con ruột. Các em đang thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là về mặt tinh thần. Tôi hy vọng các em sẽ tìm được niềm vui trong một mái ấm gia đình.
Ngọc cảm động về lời nói của ông Henry.
-Tôi hiểu việc làm của các ông. Khi các em lớn lên và trưởng thành trong môi trường mới, các em sẽ cảm nhận việc làm có ý nghĩa này.
Ngày 4/4/75 Ngọc cùng ông Henry đưa tiễn các bà Dorothy, Bà Standford, bà Kirk và nhiều nhân viên chính phủ khác ra phi trường Tân Sơn Nhất lên đường về Mỹ.
Sau khi chuyến bay cất cánh, Ngọc cùng vài đồng nghiệp đang mua hàng trong phi trường, bỗng nghe một tiếng nổ thật lớn. Nhìn từ đằng xa, thật xa, chiếc máy bay bốc cháy, khói đen cuồn cuộn trải dài trên vòm trời. Mọi người trong phi trường hoảng hốt tìm cách tháo chạy. Về đến văn phòng tin cho biết một số nhân viên chính phủ cộng thêm 300 trẻ em mồ côi mang về Mỹ nay đã thành tro bụi.


Ngọc hỏi ông Henry:
-Tôi lấy làm thắc mắc tại sao máy bay bị rớt" Có phải Việt Cộng gài bom không"
-Hiện tại tình hình rất phức tạp, chúng tôi lo di tản, khó có thể kết luận được trong lúc này, có thể là do tai nạn ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, toàn bộ chuyến máy bay không phải là chết hết, cũng còn một số người sống sót. Tôi sẽ hỏi thăm xem nhân viên của văn phòng ta, ai còn ai mất.
Ngay 5/4/75 Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã cử người làm lễ tưởng niệm chuyến bay C5A bị rớt. Hồng Ngọc thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, nghẹn ngào nói với ông Henry:
-Nếu ông không đổi lịch trình bay, tôi đã chết mất xác rồi. Thật tôi không thể đoán được sự việc xảy đến trong tương lai! Nhưng dù sao cái chết của họ không phải là điều đáng tiếc, họ đã hy sinh và làm việc vì nhân loại. Chúng ta đều tưởng nhớ họ, thương tiếc những trẻ em mồ côi có mặt trong chuyến bay.
-Ngày mai cô sẽ lên đường. Tôi khuyên cô không nên về nhà thăm gia đình trong lúc này, vì vụ máy bay vừa nổ không rõ nguyên nhân gì, có khi cô về thăm gia đình rồi kẹt lại hối hận thì cũng đã muộn.
Nghe ông nói Ngọc buồn thấm thía rơi nước mắt, trái tim đau nhói vì biết chắc mình sẽ xa gia đình, xa quê hương thật sự, mong rằng chuyến bay của mình bình an vô sự.
Ngày 6/4/1975 Ngọc rời Việt Nam, bắt đầu cuộc hành trình từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Clark Air Force Base ở Philippines. Sau hai ngày nghỉ ngơi Ngọc đổi qua một chuyến bay khác và nhập chung với đoàn người chuyển tiếp trên đường về nước Mỹ. Có khoảng trên 200 em mồ côi Việt Nam đứa nhỏ nhất là 3 tháng. Ngọc quan sát từng em, có đứa sứt môi, đứa mắt lồi, đứa chân khập khiễng….có lẽ vì thế mà cha mẹ đã bỏ chúng vào cô nhi viện chăng! Ban đầu chỉ có vài đứa khóc, rồi đứa này bắt chước đứa kia, khóc um cả lên.
-Này đừng khóc! Chị là Hồng Ngọc, chị có mặt trên chuyến bay này để giúp đỡ các em.
Một đứa ngồi gần Ngọc lên tiếng:
-Em nhớ mẹ lắm! Mẹ không thương em, mẹ chỉ thương em bé thôi.
-Mẹ nào cũng thương con. Chắc vì lý do nào đó mà mẹ em phải gởi em vào cô nhi viện.
-Nhưng em không muốn xa mẹ.
Ngọc trấn an con bé:
-Khi nào tới Mỹ, em ráng nghe lời cha mẹ mới, học giỏi, lớn lên em sẽ về tìm mẹ lo gì, chị sợ lúc đó em quên mất người mẹ nghèo khó của em ở Việt Nam.
Ngọc nói thêm, không hiểu con bé có hiểu hết ý của Ngọc không!
-Chị và em là những kẻ xa quê hương, nay phải ăn nhờ ở đậu ở xứ người, thật buồn em nhỉ! Ai cũng đều mất mát một mái gia đình, bây giờ lại mất thêm một tổ quốc. Ờ tại sao em lại vào viện mồ côi" Em tên gì"
-Em tên Trang, 11 tuổi. Ba mẹ em ly dị bỏ em vào trong Cô nhi viện. Thỉnh thoảng họ đến thăm em. Lần nào mẹ về, em đều khóc.
Chuyến bay đáp xuống Hawaii, con bé vẫn bám chặt lấy Ngọc, tiếng trẻ con khóc nức nở, đứa này vừa nín thì tiếng khóc khác lại cất lên. Nhiều ông bà người Mỹ thay phiên nhau dỗ dành chúng. Ngọc ôm đứa bé 5 tháng trên tay, đầy mùi sữa thơm, nó chẳng biết gì ngoài việc đến giờ cần phải ăn, nó há hốc miệng, kêu "oeo oeo" nhiều tiếng nghe thật đáng thương. Ngọc động lòng trắc ẩn, cảm thương cho những trẻ thơ lạc loài, bị bỏ rơi ở một nơi nghèo khó thiếu tình thương của cha mẹ. Nay những đứa trẻ này lại được một nơi khác từ bên kia bờ đại dương, cách xa hàng ngàn dặm giơ bàn tay nhân ái, nhặt chúng từ các viện mồ côi, mang chúng về nước Mỹ nuôi nấng. Ngọc hôn phớt nhẹ lên má đứa bé thì thầm: "Rồi em sẽ có cha có mẹ".
Rời Hawaii, chuyến bay cất cánh đến Travis Air Force Base ở San Francisco thuộc tiểu bang California. Ngày 10/4/75 bà Bonbet ra đón Ngọc.
Làm thủ tục giấy tờ xong. Ngọc từ giã các em.
-Quả đất tròn, chị em chúng ta sẽ có ngày gặp lại.
Con bé níu tay Ngọc òa lên khóc:
-Chị bỏ em sao" Em không có mẹ, bây giờ lại mất chị!
Hai chị em ôm lấy nhau mà khóc.
Ngày 18/4/75 Ngọc trình diện ở Naval Shipyard thuộc Long Beach, vì đường xa không thuận tiện, Ngọc chuyển về Naval Weapon Station ở Seal Beach.
Nơi đây mọi người đều đổ dồn về nhìn Ngọc khi biết Ngọc là người Việt Nam đầu tiên làm ở đây. Ông Davis tự giới thiệu mình là người mọi da đỏ chính gốc. Trên đầu ông cắm đầy lông gà đủ màu sắc sặc sỡ. Ông nói giọng hân hoan:
-Cô thật là vinh dự khi gặp được người Mỹ bản xứ (you're honor to meet first American). Nhân viên chúng tôi làm việc trong sự cộng đồng, hợp tác chặt chẽ. Tuy vậy để tránh sự kỳ thị cô nên theo học một lớp làm thế nào phân biệt được sự đối xử khác nhau giữa người này và người kia. Lớp học kéo dài 2 tuần. Sau khi học có chứng chỉ. Cô còn điều gì hỏi không"
-Những điều ông nói hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, vậy làm thế nào để phân biệt được sự kỳ thị.
-Tôi cho một thí dụ về sự kỳ thị. Như chị Linda thấy tôi chào hỏi nhưng khi nhìn thấy cô Ngọc thì quay phắt người đi. Một thí dụ khác như chị Linda giao việc cho ngưởi khác thì ít mà giao công việc làm cho cô thì nhiều. Cô mới tới cần phải học hỏi nhiều lắm.
Sau lớp học 2 tuần, Ngọc bắt tay vào làm việc. Thời tổng thống Ford, cơ quan chỗ Ngọc không có việc làm nhiều. Vì thế mọi người có thể tự xin thôi việc tức là reduction-in-force hay gọi tắt là RIF, layoff. Ai đời chỉ có một công việc mà phải chia năm xẻ bảy người cùng làm. Ngọc đi ra đi vô cho đủ 8 tiếng rồi về.
Tin tức về Việt Nam được các đài truyền thanh, truyền hình, báo chí phổ biến khắp nơi. Người Mỹ rút hết về nước. Cộng sản thừa cơ đánh phá, pháo kích vào Saigon.
Ngày 30/4/75, ngày đau buồn của miền Nam Việt Nam, nhìn trên truyền hình, cảnh chiến xa Việt Cộng tiến vào dinh Độc Lập, Ngọc khóc hết nước mắt, cáo bịnh không thể đến chỗ làm. Trong lúc đau buồn, bà Bonnet là người an ủi Ngọc nhiều nhất. Bà thường dắt Ngọc đến trại Pendleton tìm người thân.
-Không có lý do gì gia đình chị lại không đi, vì tôi nghe ông Henry cho người về đón mà!
-Có lẽ bà mẹ tôi đổi ý, chỉ cần thiếu một người con là bà không đi đâu.
*
Câu chuyện kể trên đã xảy ra cách đây gần 29 năm. Để viết lại chuyện này, mới đây Ngọc đã gọi điện thoại cho bà Adams, hiện đang sống tại San Diego. Nhận ra Ngọc bà mừng rỡ:
-Sao! Ngọc đấy à! Có dịp nào xuống chơi với tôi, tuổi già tới nơi, thật ngán ngẩm, nghĩ lại thời ở Saigon, vui biết mấy.
-Tôi chuẩn bị viết hồi ký, không hiểu bà còn nhớ gì về chuyến máy bay bị rớt vào tháng 4/75 ở Việt Nam không"
-Tôi nhớ chứ, nhớ thật rõ như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua bởi vì văn phòng chúng ta mất rất nhiều người trong chuyến đi đó. Chị viết đi, vì đó là một kỷ niệm đau buồn nhưng rất quý giá.
Hàn huyên với bà Adams một lúc rồi nàng chào tạm biệt bà
Ngọc nhìn qua cửa sổ, ngoài trời âm u, cảnh tượng buồn thê lương giống như ngày tai nạn xảy ra cho chuyến bay định mệnh. Nàng thở dài nhớ đến những người bạn đã mất, nhớ Joan và Barbara.
Ngọc đi ra vườn sau nhìn trời mông lung, thấy cuộc đời thật vô thường, hôm nay còn đây ngày mai đi mất.

Ý THU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến