Hôm nay,  

Thời Đầu Tị Nạn: 3 Anh Em Đi Tìm Job

15/09/200300:00:00(Xem: 195386)
Người viết: YÊN SƠN
Bài số 350-889-vb4090903

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, 53 tuổi, hiện là kỹ sư điện toán Hewlett Packard/ Houston. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một hồi ký rất sống động và xúc động: một võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái, cựu phi công quân lực VNCH, rời Việt Nam ngày 29 tháng Tư, được bảo lãnh ra khỏi trại tị nạn Eglin AFB ở Florida ngay từ cuối tháng 5-1975. Bài viết được dộc giả yêu cầu viết tiếp và tác giả hứa “Chuyện tỵ nạn là chuyện dài lê thê, tôi xin viết từng kỳ theo thứ tự thời gian.... “ Mong ý kiến trên đây của ông sẽ được nhiều người viết hưởng ứng: viết “từng kỳ theo thứ tự” sẽ họp thành một cuốn sách.

*

Việc làm với Mike, người chủ đầu tiên đời tỵ nạn, không như hắn tính - $2.00/giờ, ngày 8 tiếng, sẽ giàu sụ hơn thời đi mây về gió - mà là ngày làm ngày không ngay từ tuần lễ đầu tiên.
Nhớ lại chiều thứ Sáu hôm đó, khi cầm cái ngân phiếu $28.00 (sau khi khấu trừ mấy loại thuế khóa) về cho hai thằng em coi mà lòng hắn luống bùi ngùi. Hắn tự hỏi "như thế này thì làm cách nào để tự lập"" Hai đứa em buồn rầu hỏi anh với số tiền đó có đủ nuôi sống tạm thời được ba anh em không" Hắn phải mỉm cười trấn an là thế nào cũng sẽ làm được nhiều giờ hơn!
Hắn cố ép bà già nhận tấm check nói là để phụ tiền chợ với một chút tự hào là đã có thể chia sẻ gánh nặng với bà dù rất nhỏ nhoi. Hắn chỉ xin lại $5, đêm hôm đó ngồi nắn nót viết mấy chữ rất ưu ái gửi cho thằng bạn chí thân còn nằm dài người trong trại Fort Chaffee.
Trong những ngày làm ít nghỉ nhiều, thằng John, con trai của bà, giúp đưa hai đứa em hắn đi ghi tên học tiếng Anh, và mang về cho hắn cuốn sách học thi bằng lái xe. Hắn trố mắt hỏi:
- Bao giờ tụi tao mới có đủ tiền mua xe mà biểu học"
- Trước sau gì ai cũng phải có xe, ở Mỹ không có xe kể như không có chân. Hơn nữa, tao đâu thể đưa tụi mày đi hoài được và rồi tụi mày khi có việc làm bình thường sẽ dọn ở riêng, nhất là tụi mày cần bằng lái xe để mở trương mục ngân hàng và đổi check!
- Tao có bằng lái xe hơi ở Việt Nam có đổi qua bằng Mỹ được không"
- Theo tao biết là không nhưng để tao đưa mày lên nha lộ vận hỏi thăm!
Và rồi việc không trông đã tới! Mike cho biết hết việc! Nó tử tế hứa là khi nào có việc mới sẽ lại nhờ hắn tiếp tay! Hắn đón nhận tin không vui với tấm lòng dửng dưng! Thế là bà già lại chạy đi hỏi người trong họ đạo sau các buổi lễ Chủ nhật.
Một lần hắn cắc cớ hỏi mấy đứa em sau buổi lễ:
- Hai đứa cầu nguyện gì trong những buổi lễ"
Thằng anh thực thà nói:
- Mình con nhà đạo Phật mà cầu cái gì ở nhà thờ hả anh"
Thằng em láu táu:
- Cầu cho chúng con chóng có việc làm, amen! Còn anh"
Hắn phì cười tiếp lời:
- Chúa ở cùng anh chị em và ở cùng tụi mình! Anh cầu Chúa giúp tụi mình về nước!
- Tụi em nhớ Ba Mẹ anh chị em quá, không biết gia đình bây giờ tản lạc ở đâu, không biết anh lớn có bị chúng bắt bớ hành hạ không nữa!
Nụ cười chưa kịp nở trọn vẹn trên môi thì sự đau thương đã lấp tràn lên tâm hồn của ba gã con trai tỵ nạn! Trạng thái tình cảm của ba anh em hắn rất thường thay đổi trong vòng mấy mươi giây đồng hồ mỗi lần tìm được niềm vui bất chợt. Một chiếc lá rơi cô đơn, một cơn gió thoảng vô tình, một tiếng ve sầu bất chợt, những tiếng dế giữa đêm thâu đều nhắc nhớ những kỷ niệm thân thương ở quê nhà! Chỉ mới mấy tháng trôi qua mà như miên viễn trong khi con đường đi tới của anh em hắn thì mịt mờ như sương khuya trên lối mòn bản Thượng!
Vài tuần sau, với sự cần mẫn đi lễ cuối tuần và do sự liên hệ của bà già, hắn được gửi gấm đi làm ở nhà thương Santa Rosa dưới phố. Làm housekeeping!
Hắn được người ta chỉ vẽ cho những chuyến bus đi về giữa nhà ở và phố xá. Hắn được dạy lau dọn các phòng vệ sinh và chạy máy đánh bóng sàn nhà. Cái máy mắc dịch to quá cỡ! Lúc đầu cố điều khiển chiếc máy làm hắn nhớ ray rứt cái cảm giác ngày đầu tiên ngồi vào ghế bên phải trên chiếc vận tải cơ C.123 ở Lockbourne Ohio năm nào! Hắn dàu dàu nét mặt khiến thằng giám thị quan ngại hỏi hắn có vấn đề gì không, hắn chỉ đáp gọn lỏn "nhớ nhà"!
Làm ở nhà thương kẻ ra người vô tấp nập! Trong đám người mỗi ngày, hắn thấy đủ các sắc dân. Hắn "kỵ" dân Á Đông lắm vì Tàu, Nhật, Đại Hàn cũng na ná giống Việt Nam. Hắn rất mặc cảm gặp người Việt, vì chỉ mới đây thôi từ một phi công ngang trời mà bây giờ đã ra phận cu ly! Mỗi lần thấy bóng dáng Á Đông là hắn cảm thấy mặt hắn nóng bừng, hắn vội vàng bước xéo chỗ khác! Mỗi lần như thế hắn lắc đầu tự nhủ "ai cũng thế mà, đời có lúc nọ lúc kia - ở nước Mỹ, theo sách nói, việc gì cũng đáng trọng, chỉ khác nhau ở tư cách con người"... Hắn tự hứa nhiều lần là phải chấp nhận sự thay đổi này dù bỉ thử tới đâu, vì còn có chọn lựa nào khác! Nhưng sao trong lòng hắn không thể gột rửa được!
Cuối cùng, hắn đành xin nghỉ sở! Hắn sợ bà già buồn nên mỗi ngày đáp xe bus lông bông ngoài phố, hỏi han đủ chỗ... Hắn quyết định tìm cách ghi danh học college song song với tìm việc làm. Họ nói cho hắn biết là hắn có thể xin được grant, học không tốn tiền, có thể xin trợ cấp welfare... Hắn đâu có hiểu welfare là cái giống gì, nghe người ta nói hoàn cảnh anh em hắn sẽ được giúp đỡ là mừng hết biết rồi! Hắn đem "tin mừng" về trình lại cho bà già và John nghe, John nổi lôi đình phán rằng: "Ngày nào tụi mày còn ở đây thì đừng bao giờ nhắc đến hai chữ welfare. Welfare chỉ để dành cho những người lười biếng, tàn tật, tụi mày đều mạnh khỏe, có học, không việc gì phải nghĩ tới chuyện nô lệ đó!"
Hắn bấn xúc xích, xin lỗi lia chia mà thực ra không biết lỗi ở chỗ nào dù trong thâm tâm nghĩ rằng "có lẽ welfare chỉ để dành cho tụi da đen" và người không đi làm được. Mà ngẫm nghĩ cho cùng John nói cũng có lý!
Niềm vui tắt ngúm như ngọn đèn khô dầu, nhưng chí đã quyết, ít nhất cũng tìm cách cho các em vào truờng đại học học đại.
Hôm sau, hắn trở lại trường, kéo theo hai đứa em, trình bày hoàn cảnh của anh em hắn với ước muốn được đi học trở lại. Họ giúp lo thủ tục giấy tờ cho ba anh em ghi danh vào học khóa mùa Thu. Xong việc trường học, hắn lại tiếp tục lang thang tìm việc bằng xe bus và lô ca chưn khắp phố! Ai giúp ý kiến gì cũng lắng nghe, biểu điền đơn ở đâu cũng điền, cơ quan nào cũng tới.
Một hôm đang thơ thẩn trước thành Alamo, hắn bỗng thấy môät gia đình Á Đông bốn người, bên này đường trông như bạn hắn. Hắn mừng như bắt được vàng, vội băng qua đường bất chấp xe cộ, chạy tới tay bắt mặt mừng. Thằng bạn... quá ngỡ ngàng, trố mắt ngó hắn và xổ một tràng tiếng Anh, giọng ngoại quốc:
- You must be mistaken!
Hắn dội lại ngó kỹ, bồi hồi:
- Are you not Vietnamese"
- No! Me Chinese!
Trời ạ! Hắn bẽn lẽn, thẹn thùng, quê một cục giữa buổi trưa mùa hè San Antonio! Không thể độn thổ được, hắn tlủng lẻng cười vớt vát!
- You look like my friend, xó-li!
Những ngày không đi làm, hắn cảm thấy không khí trong nhà có vẻ ngột ngạt! Ông hàng xóm tốt bụng bên cạnh, cựu giáo sư Anh ngữ trong quân đội nay đã về hưu, thương tình lôi hai đứa em hắn đi làm lặt vặt ngày vài ba tiếng để kiếm thêm tiền. Việc học hành cũng vì thế mà chả đâu vào đâu. Biết vậy nhưng ưu tiên vẫn phải là tự lo cho cuộc sống mới càng sớm càng tốt. Tụi hắn thấy thương bà già quá và cũng tội nghiệp cho thân phận của mình, muốn cố gắng nhiều hơn nữa nhưng không biết làm sao hơn.
Một hôm, bà già và John kêu anh em họp lại để thông báo "tin mừng"! Bà cho biết vì tình cảnh gia đình bà không thể giúp nổi cho ba anh em, bà rất tiếc bà đã phải liên lạc với cơ quan từ thiện USCC và họ đã tìm được người bảo trợ mới. Bà bảo cả ba anh em sẽ được một ông chủ nông trại bão lãnh. Ở đó họ hứa sẽ dạy cho hắn lái máy... cày (vâng "cày" chứ không phải "bay"); hai đứa em sẽ được dạy cuốc đất trồng khoai. Họ sẽ cấp nhà ở riêng, sẽ cho mượn một chiếc xe hơi cũ để làm phương tiện. Cuối tuần bà sẽ đưa anh em về nhà mới! Bà giảng giải là cơ hội cho ba anh em cùng đi làm một chỗ rất khó kiếm ở phố, họ lại không đòi hỏi phải nói tiếng Anh; bà khuyên anh em cố gắng làm lụng một thời gian để đời sống được ổn định rồi tính cách khác.
Không nói ra, nhưng qua bao ngày tù túng, cả ba anh em cảm thấy như sắp được giải thoát khỏi cảnh đời bất định. Dường như cả ba anh em đều không nghĩ tới những việc tụi hắn sắp phải làm. Ơû với nhau mấy tháng dài, nghĩ đến ngày chia tay lòng hắn rất bùi ngùi. Hắn tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với bà già và John đã cưu mang anh em hắn. Hắn nói hắn rất thông cảm tình cảnh của bà và cầu nguyện Chúa luôn ban ơn phước để bà sống lâu và manh khỏe.
Buổi chiều trôi chậm chạp với màu nắng lụa vàng, hắn thẫn thờ nhớ xót xa về một nơi chốn đã bỏ lại, về một người tưởng rồi sẽ cho hắn những đứa con bụ bẫm, xinh đẹp khi chiến tranh lắng dịu. Không biết sau cuộc đổi đời nàng đã ra sao, ở đâu, làm gì với dáng dấp tiểu thơ đài các đó"! Hắn nhớ cha mẹ anh chị em bao nhiêu, nhớ nàng bấy nhiêu. Đã nhiều đêm hắn bàng hoàng thức giấc sau những cơn mê sảng thống khổ...


Hắn đi ra võ đường dạy bữa cuối để từ giã mọi người. Guidry nói rất tiếc không đủ sức đểå giữ ba anh em hắn được. Hắn nói với mọi người là dù chỉ dạy và tập ở đây một thời gian ngắn nhưng hắn rất buồn khi phải quyết định rời xa; bỏ dạy võ là điều bất đắc dĩ nhưng mong rằng khi có cơ hội sẽ trở lại. Cả trường tiễn chân hắn với những đôi mắt to đen láy buồn đìu hiu, cầm tay quyến luyến. Guidry trả tiền công cho hắn còn cho thêm $20 gọi là chút quà hạnh ngộ dù hắn cố tình không nhận.
Hắn đã học biết người Mỹ rất giàu lòng nhân đạo dù trong sâu kín của tâm hồn hắn vẫn trách oán đồng minh trở mặt quay lưng. Trong thâm tâm hắn nghĩ có lẽ đây là một sách lược chung của chính phủ Mỹ nhằm xoa dịu phần nào những tang tóc mà họ dự phần trách nhiệm; dường như họ cố tình đền bù những lỗi lầm của họ đã gây ra! Suốt chặng đường tỵ nạn đến nay hắn toàn gặp những con người tốt bụng, ai cũng tỏ vẻ thân thiện và sẵn lòng giúp đỡ!
Thêm trường hợp của một người tốt bụng nữa. Thay vì John và bà già đưa anh em hắn đi về miền đất hứa Pearshall, cách San Antonio gần 60 dặm đường; nhưng ông hàng xóm Johnson đã dành phần đưa anh em hắn đi.
Sáng thứ Bảy khởi hành sau khi chào từ biệt tất cả những hàng xóm của bà già. Mặc dù hắn tỏ ý không chịu nhưng ông Johnson cũng nhất định ghé chợ mua cho một bộ nồi niêu xoong chảo và những thứ cần thiết. Hắn nhân cơ hội cố tình tìm "nước mắm" vì mấy tháng rồi vẫn không chạm mặt! Hắn nói tếu với với ông Johnson là tụi hắn nhớ "nước mắm" hơn nhớ người yêu; nước mắm là thứ đồ dùng thiết thực nhất trong đời sống hàng ngày của những con người Việt Nam bơ vơ trên đất lạ.
Ông Johnson dồn hết ba mớ đồ lỉnh kỉnh và ba anh em hắn trên một chiếc xe Ford đời một ngàn chín trăm... hồi đó - Ông nói nó chạy tốt lắm đấy - vậy mà vẫn rộng chán vì "gia sản" của anh em hắn có gì đâu ngoài mớ áo quần khiêm nhượng!
Xe phóng tàng tàng trên xa lộ vắng vậy mà cũng phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đến nơi cần đến. Gió buổi chiều lồng lộng giúp làm giảm bớt sức nóng thiêu đốt của vùng nông trại, hương đồng cỏ nội nghe sao quen thuộc! Ánh nắng chiều chênh chếch trên khu nông trại rộng thênh thang. Xa xa, vài ngôi nhà rất thưa thớt không thấy bóng dáng con người! Những đám bụi ngập trời do những chiếc máy cày rải rác thải vào khoảng mênh mông cho hắn thấy tất cả nỗi cô đơn mà hắn có thể cảm nhận được!
Nhà ở của anh em hắn là chiếc mobile home cũ kỹ, nằm giữa đồng không mông quạnh! HăÙn cảm nhận ngay đây không phải là nơi ăn chốn ở của quê hương thứ hai nếu hắn cố tình tìm kiếm! Nhìn hai đứa em, thấy chúng buồn đìu hiu khiến lòng hắn chùng xuống. Hắn muốn nói câu gì an ủi hai đứa nhưng cổ hắn tắt nghẹn, chỉ đập nhẹ tay trên vai hai đứa.
Hắn biết hai chú nhỏ nhớ nhà lắm, nhớ xót xa những buổi cơm mẹ nấu trong khung cảnh đầm ấm gia đình nhưng không dám thốt ra lời nói từ khi bước chân lên tàu giữa bom bay đạn lạc! Đã có nhiều đêm hắn giật mình thức giấc giữa canh thâu vì tiếng khóc thút thít trong mơ của chú em nhỏ nhất!
Người sponsor là một người Mỹ trắng khoảng độ 50 tuổi cũng vừa chạy xe tới. Ông ta bắt tay chào mừng từng người rồi dắt vào nhà. Cái trailer trông bên ngoài có phần khiêm nhượng, nhưng bên trong được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ; bộ sa lông và các giường ngủ đã cũ nhưng được trưng bày trang nhã, có đầy đủ những thứ cần thiết cho cuộc đời độc thân của anh em hắn. Có lẽ họ mới sửa sang lại trước khi đem anh em hắn về.
Nhà có hai phòng ngủ, hai phòng vệ sinh, nhà bếp và phòng khách nhỏ nhắn. Ông Johnson giúp anh em hắn dọn đồ đạc cho gọn gàng, nói chuyện với chủ nhân rồi quyến luyến chào từ giã. Ông đưa số điện thoại bảo anh em hắn có cần gì gọi cho ông ấy biết. Anh em hắn bùi ngùi tiễn ông ra xe, đứng trông theo cho đến khi bóng chiều phủ trùm xuống con đường ngoằn ngoèo đơn lẻ cùng với đám bụi xám xịt mịt mờ sau xe. Mặt trời cũng khuất dần sau rừng cây xa xa để lại những tia nắng vàng yếu ớt soi rọi vào những linh hồn lạc lõng bơ vơ! Hắn chợt cảm khái phát sinh mấy dòng thơ:
Mình bơ vơ đất lạ
Truân chuyên đời tha hương
Mây về khuất bóng tà dương
Chiều nghe canh cánh nỗi buồn Chiêm dân!
Phải, hắn đang nghĩ đến những đau thương của dân Chiêm Thành mất nước khi xưa!
Ông chủ cũng chào từ giã, nói để cho anh em hắn nghỉ ngơi, sau khi sơ lược cho anh em hắn biết cuộc đời sắp tới và chỉ đường đến đến khu chợ gần nhất khoảng mươi phút lái xe. Hắn chợt nghĩ ở Mỹ dường như ở đâu cũng có người tử tế!
Cuộc đời sắp tới là cày sâu cuốc bẩm, được trả thù lao $1.90/giờ, không trả phụ trội dù ngày làm trung bình 10-12 tiếng mùa hè và 8-10 tiếng mùa đông. Anh em hắn không phải trả tiền thuê nhà kể cả các tiện nghi, được cấp cho chiếc xe pickup cũ để lái đi nông trại. Tính ra một ngày ba anh em có thể làm gần $50, tốt hơn nhiều so với tình trạng sống những tháng ngày qua.
Theo lời khuyên của bà già, cả ba anh em dự định đi làm một thời gian, cố để dành tiền cho việc học tương lai... Đáng lẽ nên vui mừng nhưng sao lòng dạ đầy u uất và buồn nao nao! Hai đứa em nằm dài trên ghế salon phòng khách rồi ngủ vùi sau những chuỗi thở dài não nuột, chắc là đang buồn ghê gớm lắm! Hắn buồn quá và cũng muốn thử chạy chiếc xe do con ông chủ đem lại khi nãy, chạy một vòng nông trại mà không biết chạy đâu. Chỗ nào có đường là cứ xông tới. Đường sá vắng hoe, lâu lâu mới thấy vài chú Mễ vừa đi vừa nhậu vừa xỉn. Lòng hắn mênh mang buồn trên những con đường vắng.
Khi quay về trailer, thấy nhà cửa sáng rực, dường như có đèn nào là hai chú em bật lên tất. Hai đứa đang lui cui trong bếp và mùi cơm khê tràn ngập khắp phòng! Dù sao hai chú cũng đã quen sau bao lần khê sống mấy tháng qua. Thời buổi đó đâu có nồi cơm điện, phải dùng xoong.
Hắn nói: "Bộ hai đứa không nhớ lời mẹ dạy à, đổ gạo vào, vo xong, cho nước ngang lằn chỉ ngón trỏ rồi đặt lên bếp, khi cơm sôi phải quấy đều kẻo khê, vậy mà sao cháy khét"" Hai đứa cùng nói không biết anh đâu nên lảng vảng đi tìm quên luôn nồi cơm đang nấu! May mà không cháy nhà! Thế là ba anh em lấy đồ hộp khui ăn với bánh mì lát.
Dù bụng đói cồn cào, dù vừa ăn vừa thay nhau kể lại những món mẹ nấu nhưng cả ba đều nuốt không trôi vì quạnh vắng quá! Hắn nói đùa cho hai chú em vui: "Rất tiếc mẹ không biết chúng ta sẽ chạy tuốt qua Mỹ nên chưa kịp dạy nấu đồ ăn Mỹ"! Thay vì cười, cả ba cùng đỏ mắt!
Mấy tháng qua, hắn dạy hai chú em nấu gà bảy món, toàn những món hắn chế biến không học theo sách vở nào hết gồm món gà kho ketchup với hành tây; cánh gà luộc chấm xì dầu... thịt bò thì mua loại cắt mỏng về chiên beefsteak, cắt miếng nhỏ làm bò lúc lắc đổ lên đĩa rau xa-lách dòn; còn thịt heo thì kho muối, xì dầu và ớt, nướng lò… xoay qua xoay lại cũng chỉ có từng ấy món vì cả ba anh em thuở Saigon vẫn cơm hàng cháo chợ từ khi từ giã mẹ để tiếp cận với đời! Giả dụ nếu có ai hỏi ăn hoài từng ấy sao không ngán" Hắn sẽ hỏi lại là có còn chọn lựa nào khác hay không!
Sáng sớm ngày thứ Hai, thằng Jack, con trai ông chủ tới kéo ra đồng. Sau khi dùng xe đưa anh em hắn quan sát một vòng nông trại gần tiếng đồng hồ với những cánh đồng dưa hấu, dưa tây, hoa mầu đủ loại bạt ngàn, Jack bỏ anh em hắn với đám Mễ đang cắm cúi bê những quả dưa hấu khổng lồ. Trong đời hắn chưa từng thấy dưa hấu to lớn như ở đây bao giờ. Quả nào quả nấy to như con bê non! Có quá nhiều quả dưa phải dùng hai người lực lưỡng mới đem nó ra gần đường xe truck đi lượm! Vừa nắng, vừa công việc quá nặng nhọc, hai chú học trò đừ đẫn bỏ cả cơm chiều! Thêm một ngày nữa thì cả hai ngã bệnh nóng sốt. Uống thuốc cảm có đỡ hơn đôi chút nhưng không thể đi làm ngày hôm sau được! Hắn dặn hai chú em ở nhà tự lo ăn và uống thuốc, còn hắn chạy xe ra đồng!
Có lẽ thằng chủ sợ hắn cũng sẽ ngã bệnh nên bảo thằng con dạy cho hắn lái máy cày và phụ di chuyển hệ thống tưới nước. Hắn học cái gì cũng mau mắn nên thằng Jack rất bằng lòng và bắt đầu tâm tình với hắn. Hắn có dịp nói về chuyện "ngày xưa" của hắn một cách say sưa quên cả mệt nhọc.
Buổi trưa hắn chạy về ăn cơm và thăm các em, thấy hai chú nhỏ có vẽ nặng hơn, nghĩ tới được mẹ săn sóc mỗi khi tụi hắn bêänh, hắn lại nghẹn ngào thương cảm muốn rơi nước mắt! Hắn chạy ra đồng nói với thằng Jack. Jack về theo hắn đưa hai chú nhỏ đi bác sĩ.
Sau hai ngày thì hai chú học trò mới khỏi bệnh trong khi mỗi ngày hắn vẫn phải đi làm! Trong lúc bệnh, hai chú nhỏ than chắc là không chịu nổi với cái nắng thiêu đốt của vùng nông trại! Hắn khuyên hai chú nhỏ cố gắng chịu khổ cực một thời gian ngắn, cố gắng làm để dành tiền rồi mới tính cách khác được, chứ bây giờ tứ cố vô thân, không tiền bạc, không phương tiện, không thân nhân... biết đi đâu về đâu!
Cuối tuần hắn chất ba anh em lên xe chạy lông bông và hát "phố núi cao"... dù không phải phố núi nhưng không dám chạy quá xa nên dăm mười phút lại chạy về chốn cũ... buổi chiều buổi sáng buổi trưa lòng cứ bâng khuâng!
Hai đứa em xin học lái xe. Ở giữa đồng ruộng bao la nên không sợ đụng ai, tha hồ chúng nó chạy. Chiếc xe cũng làm cho nỗi buồn lắng xuống đôi chút!
Chưa đầy một tháng sau thì anh em hắn đành giã từ ông chủ nông trại sau khi tìm được việc làm mới cho cả ba anh em. Nhà, xe đành trả lại và cám ơn tấm lòng bảo trợ của ông. Anh em hắn, theo lời chỉ dẫn của anh chàng Mễ sở thất nghiệp, thuê được một căn nhà kho nhỏ bé của một cư dân về hưu hợp với túi tiền đang có.
YÊN SƠN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,721
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Stephen Paddock, kẻ vừa xả súng tàn sát ở Las Vegas ngày 01 tháng 10, đã đặt phòng tại khách sạn Blackstone cao 21 tầng, nhắm xuống lễ hội âm nhạc Lollapalooza ở Chicago trong tháng 8 vừa qua. Đó là nội dung bài viết mới của Nguyễn Anh Nguyên. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, từng có hơn một năm sống tại Chicago. Bài viết mới của ông đề cập tới việc
Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Bài viết thứ ba của cô là chuyện dân Mỹ tự nguyện xếp hàng hiến máu, sau vụ thảm sát tại Las Vegas.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Thăm dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ ba của ông là một chuyện tình nhẹ nhàng.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Bài viết mới của tác giả nói lên đời sống chật vật của những người Việt tị nạn đầu tiên trên đất Mỹ, đồng thời đề cao tình yêu và sự ngưỡng mộ của mình đối với nước Mỹ. Bài nầy là chuyện tiếp nối cho tự truyện “Du Học Mỹ Năm 1975”. Tác giả tham dự VVNM năm 2015, được giải Danh Dự năm 2016 và giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả năm2017. Lúc còn trẻ tác giả là một chuyên viên kỷ thuật. Khi về hưu ông tiêu khiển với thú viết truyện. Ông đang định cư ở Orange County.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về một ngày thu, cảm tác lúc giao mùa.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Với cách viết như nói chuyện trực tiếp, bà vui vẻ tự sơ lược về mình: Đinh Nguyễn Thi ở nhà gọi là The. Có chồng hai con. Năm nay mới 61 tuổi. Học xong lớp 9 trường làng. Ở nhà được cha mẹ nuôi. Qua Mỹ năm 1985, sau đó 3 năm có người đòi rước về nuôi đến nay.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến