Hôm nay,  

Giọt Nước Mắt

04/09/200300:00:00(Xem: 305365)
Người viết: SAPY Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 342-881-vb7300803

Tác giả Nguyễn Văn Hưởng 54 tuổi, định cư tại San Diego, đã được trao tặng giải Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết "Hoa Ve Chai". Sau đây là bài viết mới nhất của ông, một bút ký sâu sắc, đầy ý nghĩa về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu. Bài đăng 2 kỳ.

Sau chuyến du hành sang thăm miền Đông nước Mỹ vào mùa Thu năm 2002, lúc giở xấp bản đồ ra nghiên cứu lộ trình trở lại Cali, thấy mình đang ở gần thành phố Atlantic, tôi bàn với nhà tôi: "Hay mình đến Atlantic viếng thành phố cờ bạc miền Đông Hoa Kỳ, xem thử có to lớn như Las Vegas bên miền Tây hay không"" Nhà tôi gật đầu đồng ý. Thế là tôi ngồi ghi lại chi tiết đường đi xuống một mảnh giấy, để cho bà xã nhìn vào đấy chỉ đường cho tôi đi.
Trên đường đến Atlantic, không biết bao nhiêu lần, tấm bảng chỉ lối vào Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey đập vào mắt tôi. Mỗi lần nó xuất hiện tôi lại nhủ thầm: "Mình sẽ đến viếng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại thủ đô Washington DC, thì chắc không cần dừng lại thăm Đài Tưởng Niệm địa phương nhỏ bé này làm gì!". Rồi càng đến gần, sự mời gọi càng tăng thêm. Cuối cùng tôi tìm ra được lý do dừng xe, bởi trời đã quá trưa, tôi cần nghỉ ngơi trong chốc lát và để bà xã lo bữa cơm trưa. Thế là tôi đã đến Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Bang New Jersey cách San Diego nơi tôi cư ngụ gần 3.000 dặm đường. Tuy không ai bảo ai, nhưng chắc nhà tôi cũng chẳng tha thiết vào viếng thăm Đài Tưởng Niệm này.
Trong lúc nhà tôi ở lại trên xe nấu bữa cơm trưa, tôi thong thả tản bộ cho giãn gân cốt. Bầu không khí nơi đây thật trong lành yên tĩnh, có thảm cỏ xanh sạch đẹp, có hàng cây cao đầy bóng mát. Giữa khung cảnh nên thơ ấy mọc lên một kiến trúc trang nhã mang tên Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey đã quyến rũ tôi bước chân đến.
Đưa tay đẩy cánh cửa để vào bên trong, tôi bị khựng lại khi nhìn thấy một tấm bảng giá treo trên khung cửa kính ngay lối vào: "Trẻ em 2$. Người lớn 4$. Cựu quân nhân và gia đình miễn phí". Tôi không tiếc mấy đồng bạc vào cửa, nhưng phải trả tiền cho cái mà tôi nghĩ không cần xem thì nó phí đi. Nhưng tôi vẫn đẩy cửa bước vào.
Khung cảnh bên trong vắng lặng, tiếng xì xào của vài người trung niên đứng trò chuyện bị tan loãng trong không gian cao rộng của tòa nhà. Bầu không khí trang nghiêm êm đềm cùng nhiều hình ảnh Việt Nam trong quá khứ thúc giục tôi tiến lại quầy mua vé. Cô thâu ngân tươi cười chào đón, tôi vừa tìm tiền trong túi vừa lên tiếng hỏi làm quen:
- Tôi là cựu quân nhân, nhưng là cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như vậy tôi có phải mua vé vào cửa không"
Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, cô đưa mắt hỏi người đàn ông đứng bên cạnh. Người đàn ông tiến lên gần tôi hơn, đưa tay ra bắt tay tôi rồi bảo:
- Chào ông, tôi tên là Sibley Smith, Giám Đốc Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey, hân hạnh chào đón ông. Đã là cựu quân nhân thì xin mời ông và gia đình ông vào thăm viếng Trung Tâm và Đài Tưởng Niệm mà không cần mua vé. Xin ông vui lòng ghi danh tánh và nơi cư trú vào quyển sổ lưu niệm này.
Tôi vừa cầm bút viết vừa nói:
- Thưa ông, tôi tên Nguyễn Văn Hưởng đến từ San Diego.
Ông cười hóm hỉnh rồi bảo:
- Vậy chúng ta có họ hàng với nhau rồi. Vì họ Smith ở đất nước này cũng là họ lớn nhất như họ Nguyễn của người Việt Nam vậy.
Nói xong, ông lấy từ trong ngăn kéo ra tặng tôi một số tài liệu rồi giới thiệu sơ qua về Đài Tưởng Niệm Và Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.
Trước lúc tạm chia tay ông vui vẻ bảo tôi:
- Có điều gì thắc mắc cần đến tôi, xin ông cứ tự nhiên báo cho tôi biết.
Tôi gật đầu cám ơn ông rồi thong thả bước đi. Nơi phòng ngoài, họ trưng bày những tấm ảnh, tạm gọi là tiêu biểu cho Việt Nam thời buổi chiến tranh. Nhìn vào, các cựu quân nhân từng chiến đấu nơi đó, thấy cả một trời dĩ vãng hiển hiện lên trước tầm mắt họ. Chiếc áo bà ba gọn gàng ôm trọn thân hình mảnh mai người thôn nữ, con trâu đang cày đám ruộng xăm xắp nước mưa, bờ mẫu xanh màu cỏ dại, chiếc thuyền ba lá mong manh... những biểu tượng của miền quê đất Việt. Còn nơi thành thị, họ treo hình ảnh các nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài, cô gái bán bar ngồi chờ khách, chiếc xích lô đạp dưới cái nóng trưa hè, những em bé đánh giày gầy ốm lang thang, người ăn xin tiều tụy; một tay ôm con một tay ngửa ra xin tiền... Nhìn những tấm ảnh được chụp gần nửa thế kỷ qua đi, khiến lòng tôi đau xót. Đau xót vì những biểu tượng nghèo nàn lạc hậu ấy vẫn còn tồn tại mãi cho đến bây giờ. Ngoài chiếc áo dài, chiếc áo bà ba truyền thống, là những thứ cần được bảo tồn để sống mãi với thời gian ra, người Việt nào không ước mơ cho con trâu, cái cày, bờ mẫu, con thuyền mong manh,,, những hình ảnh tuy đậm nét quê hương, nhưng cũng là biểu tượng cho sự nghèo nàn lạc hậu, đi mau vào bảo tàng viện, để nhường chỗ cho những công trường, nhà máy... mọc lên. Nhưng ngay giờ phút này nơi quê hương Việt Nam, giữa lòng phố thị, người phu vẫn còng lưng đạp xích lô, các em bé đánh giày vẫn lê la trên phố, người ăn xin vẫn dẫy đầy trên đường... Nơi vùng nông thôn, người vẫn cày thay trâu, vẫn bán mặt cho trời, bán lưng cho đất...Quá khứ hiện tại lẫn lộn trong tôi, tôi không đủ thời gian để lắng nghe lòng mình thổn thức. Tôi phải tạm rời xa quá khứ để quay về thực tại khi cảm thấy đói trong lòng. Ra ngoài xe, bữa cơm trưa nóng sốt đang chờ tôi trên bàn. Vừa ăn tôi vừa kể cho nhà tôi những gì tôi nghe thấy bên trong tòa nhà trước mặt.
Sau bữa cơm trưa, vợ chồng tôi đưa nhau đi viếng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey. Lần theo những bậc thang, chúng tôi chậm rãi bước lên Đài, lên đến nơi cao nhất, Đài như mở toang đón khung trời rộng. Đưa mắt nhìn bao quát cảnh quan, tôi lên tiếng giải thích cho nhà tôi:
- Đài này dựng theo hình tròn, đường kính dài đúng 200 feet, được nối với nhau bằng 366 phiến đá hoa cương đen. Trên mỗi phiến đá ghi khắc tên, ngày sinh, ngày tử của từng người một.
Lướt nhìn qua các phiến đá một lượt, nhà tôi thắc mắc lên tiếng hỏi:
- Sao nhiều tấm họ ghi hàng chục tên, lại có tấm chỉ khắc tên vài người thôi vậy anh"
- Mỗi phiến đá hoa cương, như một tấm bia tượng trưng cho một ngày trong năm. Ai chết ngày nào thì ghi tên đúng vào tấm bia ngày đó.
Nghe tôi giải thích, vợ tôi bán tin bán nghi, hỏi lại cho chắc:
- Sao anh biết rõ quá vậy"
- Lúc nãy ông Smith, vị Giám Đốc Trung Tâm cho anh một số tài liệu, anh vừa đọc qua trong lúc em nấu cơm.
Ngẫm nghĩ một lát nhà tôi nói:
- Xếp đặt như vậy có nghĩa họ xem ngày tử là ngày quan trọng đáng ghi nhớ nhất đối với người chết. Em thấy điểm này có phảng phất nét văn hóa Việt Nam mình trong đó.
Tôi không chú ý đến chi tiết này, nhưng khi nghe nhà tôi phân tích, ngẫm nghĩ một lát tôi gật đầu tán đồng:
- Cũng rất có thể là như vậy!
Chúng tôi chậm rãi nắm tay nhau, mắt nhìn vào bức tường đá hoa cương đen, đi trọn một vòng Đài, như để tỏ lòng biết ơn 1,556 người con yêu bang New Jersey, đã mất tích, đã vĩnh viễn ra đi, được khắc tên vào bia đá. Sự phân chia ra từng ngày này cho tôi hiểu rằng, trong suốt cuộc chiến, ngày nào trong năm cũng có người New Jersey hy sinh. Từ trên cao, tôi chỉ ngón tay xuống trung tâm điểm Đài, nơi trồng một cây Sồi gỗ đỏ, rồi ôn tồn giải thích thêm:
- Cây Sồi đỏ là biểu tượng của bang New Jersey, dưới bóng mát tàng cây có ba bức tượng. Tượng người chiến binh đứng hiên ngang, biểu tượng cho người chiến sĩ sau khi hoàn tất nhiệm vụ quay trở về quê hương. Tượng người nữ y tá, biểu tượng cho nữ giới luôn luôn sát cánh cùng nam giới trong mọi nhiệm vụ khó khăn. Tượng người chiến binh nằm xuống, biểu tượng cho người lính đã ra đi không trở lại.
Nghe xong nhà tôi gật gù khen:
- Lúc mới vào em những tưởng, Đài Tưởng Niệm dựng lên chỉ để ghi nhớ công ơn các chiến sĩ trận vong mà thôi. Giờ em mới hiểu, nơi này còn là nơi tôn vinh, tưởng nhớ, ghi công cả quân lẫn dân, cả người ra đi vĩnh viễn lẫn người còn sống quay trở về.
Chiêm ngưỡng cái hùng dũng, hiên ngang... của quân dân New Jersey, khiến lòng tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến người đã khuất. Giây phút tưởng nhớ những người bạn đồng minh đã ngã xuống trên quê hương Việt Nam, trong tay tôi không có một nén hương hay một đóa hoa để tri ân họ. Tôi chỉ còn biết đứng cúi đầu, đặt tay lên phiến đá lạnh, lần mò dòng chữ khắc ghi tên tuổi họ, rồi tôi thầm dâng lời cầu nguyện. Tôi cũng nghĩ đến những chiến sĩ, đồng bào tôi đã vĩnh viễn ra đi vì bảo vệ lý tưởng tự do. Không biết đến bao giờ anh em đồng đội và đồng bào tôi mới có một nơi xứng đáng để mọi người đến viếng thăm, hương khói, tưởng nhớ...
Tôi không dám nghĩ xa vời, bởi càng nghĩ càng khiến tâm tư tôi đi vào con đường bế tắc. Tôi âm thầm lặng lẽ nắm tay vợ, cúi đầu giã từ Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey.
Trên đường trở vào Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam, chúng tôi thấy một khu đất nhỏ có hàng rào bao quanh. Dừng chân lại nhìn vào, phía bên trong có vài phần mộ. Vợ tôi thắc mắc:
- Không lẽ họ chôn những người lính tử trận ở đây" Mà tại sao lại chỉ có vài ngôi mộ"
Tôi lắc đầu:
- Không đâu, người chiến binh Hoa Kỳ chết đi đều được chôn cất tại Nghĩa Trang Quân Đội cả, anh không nghĩ bang New Jersey này được ngoại lệ đâu.
Đã xác quyết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng hiểu tại sao mấy mộ phần này lại nằm ngay trước cổng vào Đài Tưởng Niệm. Tuy mấy ngôi mộ làm tôi quan tâm, nhưng sự quan tâm ấy đến và đi thật nhanh vì còn nhiều điều đang chờ đón chúng tôi bên trong tòa nhà. Vào đến bên trong, gặp lại ông Smith, tôi chỉ vợ tôi rồi giới thiệu:
- Thưa ông, đây nhà tôi.
Rồi hướng mặt về phía ông Smith tôi nói:
- Còn đây ông Smith, Giám Đốc Trung Tâm.
Ông Smith mỉm cười cúi đầu chào nhà tôi rồi đưa tay ra bắt:
- Hân hạnh được tiếp đón bà. Hai ông bà vừa đi viếng Đài Tưởng Niệm về phải không"
- Thưa vâng!


Vẫn giữ nụ cười tươi tắn trên môi, ông lên tiếng hỏi:
- Ông bà có biết ai là người vẽ kiểu Đài Tưởng Niệm này không"
Tôi lắc đầu:
- Thưa không!
Ông đưa chúng tôi lại trước tấm ảnh chụp mấy người cầm cuốc xẻng đang đào đất, biểu tượng cho sự khởi công xây dựng Đài. Theo ngón tay ông chỉ, tôi nhận ngay ra gương mặt người Á Đông. Ông từ tốn giải thích:
- Một cuộc thi vẽ mô hình Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được tổ chức từ mùa xuân năm 1987 đến mùa xuân 1988. Trong toàn bang có tất cả 421 đồ án gởi đến dự thi. Ngày 7-7-1988, hội đồng chấm giải họp lần cuối và công bố kết quả cuộc thi. Ông Nguyễn Hiền, một người trẻ Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đến Hoa Kỳ năm 1975, sinh sống tại New Jersey đoạt giải nhất và đồ án ấy được chọn để xây Đài Tưởng Niệm.
Nghe đến đây nhà tôi lên tiếng:
- Hèn chi tôi thấy có phảng phất chút văn hóa Việt Nam qua việc dựng 366 tấm bia đá hoa cương đen.
Ông Smith gật đầu khen:
- Quả đúng như bà nhận xét.
Nói xong ông đưa chúng tôi đến trước một tấm ảnh khác, chỉ ngón tay vào đấy rồi nói:
- Ông bà hãy nhìn tấm ảnh này xem có nhận ra đôi nét văn hóa Việt Nam nào ẩn hiện trong đó không" Xin lỗi, tôi bận chút công việc, khoảng nửa giờ sau tôi trở ra đây tiếp tục hầu chuyện với ông bà.
Ông Smith đi rồi, vợ chồng tôi chăm chú nhìn lên tấm ảnh. Đây là bức ảnh toàn cảnh Đài Tưởng Niệm chụp từ trên máy bay. Nếu đem so sánh với các Đài Tưởng Niệm tôi từng viếng qua, tôi chỉ nhận ra một điểm hơi khác biệt là sự hiện diện của mấy phần mộ đặt ngay trước cổng ra vào. Cố suy nghĩ thêm, nhưng vợ chồng tôi chẳng nhận ra nét văn hóa Việt nào phảng phất nơi đó. Trong lúc chờ đợi ông Smith quay lại giải thích điều "bí ẩn", tôi hướng dẫn vợ tôi đi xem ảnh treo trên tường. Bởi không còn nhiều thời gian, nên chúng tôi nhìn lướt qua nhiều hơn suy gẫm tìm hiểu học hỏi. Có hai tấm ảnh gây cho tôi nhiều chú ý nhất:
Tấm đầu tiên, một tấm ảnh tôi đã nhìn nó không biết bao nhiêu lần trong đời. Tấm ảnh đó được trang trọng treo nơi đây đã khiến tôi hết sức bất mãn khi đọc lời chú thích phía dưới: "Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Miền Nam Việt Nam, xử bắn một viên chức Việt Cộng trên đường phố Sàigòn vào tháng 2/1968. Hành động xử bắn này làm phẫn nộ người Mỹ, đây như là bằng chứng của sự rối loạn trong Quân Đội Miền Nam Việt Nam. Ít ai hiểu rằng, tất cả những người trong gia đình một phụ tá thân cận nhất của tướng Loan vừa bị Việt Cộng tàn sát". Tôi tự hỏi họ treo tấm ảnh này lên với mục đích gì" Nhận ra cái chau mày của vợ tôi khi nhìn tấm ảnh, tôi ôn tồn nói lên sự hiểu biết của riêng tôi về tấm ảnh đó:
- Đây là một trong những tấm ảnh góp phần vào việc khai tử chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bởi nhìn ảnh, ai cũng thấy sự dã man của người cầm súng, thản nhiên bắn chết một người đang bị trói tay. Nhưng đâu có mấy người hiểu, chỉ vài phút trước khi tấm ảnh ấy được chụp, "nạn nhân" bị bắn đã đốt cháy biết bao căn nhà và giết cả những người dân vô tội. Có mấy ai hiểu, người cầm khẩu súng bắn đang làm nhiệm vụ của vị quan tòa kiêm đao phủ thủ, xử tử hình một tội đồ.
Tấm ảnh thứ hai, một tấm ảnh rất đẹp, chụp chiếc xích lô cùng anh phu xe ngồi nhàn nhã đọc tờ báo Anh ngữ "The Saigon Post", số ra ngày 01-11-1968, trên trang báo có chạy hàng tin lớn: "Tổng Thống Lyndon B. Johnson ra lệnh ngưng giội bom Bắc Việt". Tôi phân trần với nhà tôi:
- Vào thời buổi ấy và ngay cả bây giờ, một người có trình độ đọc và hiểu những bài viết trong tờ báo Anh ngữ, anh đoan chắc không một ai chọn mưu sinh bằng nghề đạp xích lô cực khổ này. Tấm ảnh tướng Loan và tấm ảnh người phu xích lô như đối nghịch nhau, một bức chụp cảnh thật, sống động đến rợn người, một bức dàn dựng giả tạo đến trơ trẽn lộ liễu. Anh sẽ lên tiếng phản đối việc treo hai tấm ảnh ấy nơi đây và nhân tiện tìm hiểu xem họ treo lên với dụng ý gì" Anh cũng sẽ trình bày cái nhìn của riêng anh với ông Giám Đốc Sibley Smith.
Khi ông Smith quay lại, để đo lường sự hiểu biết của ông về chiến tranh Việt Nam, tôi lên tiếng hỏi:
- Thưa ông Smith, ông có từng sang chiến đấu bên Việt Nam chưa"
- Thưa chưa, ngày ấy tôi còn quá bé.
Sau câu trả lời, tôi hơi nghi ngờ sự hiểu biết về Việt Nam của ông. Đưa ông đến trước hai tấm ảnh, tôi giãi bày về cái nhìn của tôi rồi nêu lên vài thắc mắc vừa nảy sinh lúc xem ảnh. Biết tôi hơi bất bình trong cử chỉ và lời nói, nhưng ông Smith vẫn chăm chú lắng nghe, rồi ôn tồn giải thích:
- Thưa ông, tôi rất thông cảm sự xúc động trong ông. Tuy tôi chưa từng tham chiến ở Việt Nam, nhưng tôi thấu hiểu tâm trạng người lính chiến thời buổi đó, vì tôi được hoàn toàn tự do nghiên cứu về cuộc chiến ấy. Ngoài những gì ông vừa trình bày, tôi còn biết thêm, vị tướng bắn người Việt Cộng trong ảnh đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian tỵ nạn ở Hoa Kỳ vì có một số người xem ông ta là tội phạm chiến tranh. Chính người chụp bức ảnh đó đã đến xin lỗi tướng Loan và gia đình ông ta về hậu quả do bức ảnh gây ra. Còn bức ảnh người phu xích lô ngồi đọc báo, đúng là bức ảnh được dàn dựng. Bức ảnh chụp tướng Loan bắn người Việt Cộng là bức ảnh rất thật, nhưng nó không diễn tả được chút sự thật nào. Còn bức ảnh thứ hai là bức ảnh giả tạo, nhưng nó diễn tả được hết sự giả tạo trong đó. Thật giả trong cuộc chiến Việt Nam đang lẫn lộn nhau trong thời đại chúng ta, chỉ có thời gian mới gạn lọc hết những gian dối để sự thật được phơi bày. Nơi đây chúng tôi chỉ cung cấp dữ kiện, không bắt ai phải nghe và tin theo bất cứ điều gì. Chúng tôi dành mọi sự nhận định phán xét cho những người muốn đến đây học hỏi và tìm hiểu.
Tôi đứng im lặng cúi đầu lắng nghe từng nhận định của ông Smith. Nơi Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam này vừa cho tôi một bài học về sự tự do, điều cao quý nhất của nhân phẩm con người. Một khi tự do được tôn trọng thì không còn cảnh áp đặt người khác phải hiểu và nhận định theo hướng của mình. Tôi chạnh lòng nghĩ đến người Việt Nam ở quê nhà đang phải nghe, phải suy luận, phải giải thích...theo chính sách đường lối của một đảng độc tôn đưa ra. Còn người Việt hải ngoại, tuy có trong tay mọi quyền tự do, nhưng vẫn chưa sử dụng quyền ấy đúng đắn để đem lại lợi ích chung cho cộng đồng và cho quê cha đất tổ.
Trở lại với tấm ảnh ông Smith đề cập đến trước lúc tạm chia tay, ông nói:
- Chắc ông bà chưa nhận ra được nét độc đáo của văn hóa Việt Nam qua tấm ảnh này phải không"
Tôi mỉm cười gật đầu:
- Chúng tôi đành chịu thua và đang nôn nóng chờ nghe ông giải thích đây!
Như để sắp xếp lại những điều sắp nói, ông Smith đứng im suy nghĩ một lát xong, ông bắt đầu vào chuyện:
- Người chiếm giải nhất trong cuộc thi thiết kế Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam Bang New Jersey được trao tặng 5000 đô la tiền thưởng. Nhận giải xong, ông Nguyễn Hiền biếu ngay lại số tiền ấy cho công cuộc xây dựng Đài.
Đài Tưởng Niệm được xây dựng trên khu đất rộng, do một gia đình cư dân sinh sống lâu đời ở đây trao tặng. Khi tìm kiếm địa điểm dựng Đài, mọi người đồng ý chọn một nơi cao ráo thoáng mát nhất. Đến lúc sửa soạn khởi công, mới phát hiện ra cạnh bên vùng đất được chọn có mấy phần mộ của tổ tiên người hiến đất. Hai giải pháp được đưa ra ngay lúc đó là: Chọn một địa điểm mới. Hoặc di chuyển mấy phần mộ đi nơi khác.
Giải pháp đầu bất khả thi vì không tìm ra địa điểm nào đẹp và thích hợp hơn địa điểm đã chọn. Cho nên giải pháp di chuyển phần mộ đi nơi khác được đem ra họp thông qua để thi hành. Đến lúc này, ông Nguyễn Hiền đứng lên kể cho cử tọa nghe câu chuyện xảy ra sau ngày gia đình ông cùng gần một triệu người miền Bắc di cư vào miền Nam lánh nạn Cộng Sản năm 1954.
Vài năm sau ngày vào Nam tìm tự do, bố mẹ ông Hiền nhận được hung tin, mộ phần tổ tiên ông ngoài Bắc bị di chuyển đi nơi khác để lấy đất xây nhà kho. Tin chẳng lành này làm bố mẹ ông khóc hết nước mắt. Ngày ấy, ông Hiền vẫn chưa chào đời. Nhưng hàng năm cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, bố ông lại đem chuyện xưa ra kể cho con cháu nghe trong niềm đau đớn tiếc thương. Bố ông thường đem câu tục ngữ: "Sống vì mồ vì mả, chứ không ai sống vì cả bát cơm" ra giảng dạy. Cho nên ông Hiền như bị dị ứng mỗi khi nghe đến chuyện động mồ động mả. Ông Hiền muốn tổ tiên ông được mồ yên mả đẹp. Cho nên ông không muốn đào bới mồ mả tổ tiên người khác, dù là đào lên để làm một việc có ý nghĩa cao cả như việc xây Đài Tưởng Niệm, ghi nhớ công ơn các chiến sĩ vị quốc vong thân. Ông xin mọi người một đặc ân, cho ông đôi ba ngày, để ông suy nghĩ tìm cách sửa lại đồ án sao cho khỏi phải đụng chạm đến mộ phần người quá cố mà vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp của Đài.
Để mong tránh khỏi việc đào mồ quốc mả, về nhà ông Hiền suy nghĩ suốt mấy ngày liền. Đến ngày hẹn, ông Hiền trình lên hội đồng thẩm định ý muốn dựng một bức tường rào quanh khu mộ, bức tường ấy biểu tỏ được lòng biết ơn cùng sự thương tiếc tổ tiên người đã dâng hiến một khu đất thật đẹp để xây dựng Đài Tưởng Niệm. Làm được việc này, vừa tăng vẻ đẹp nơi ghi công các anh hùng tử sĩ, vừa giữ gìn mồ mả tổ tiên người hiến đất. Một công đôi ba chuyện đều lo vẹn toàn. Diễn đạt những ý tưởng trên, ông Nguyễn Hiền dùng hình dáng giọt nước mắt để tạo thành bức tường bao quanh khu mộ, đồng thời cũng là bức tường cạnh cổng vào Đài Tưởng Niệm.
Nghe ông Smith kể xong, tôi nén cảm xúc ngước lên nhìn lại tấm ảnh. Bức tường rào đúng là mang dáng hình một giọt nước mắt bao quanh khu mộ như sáng tỏ lên trong mắt tôi. Tôi có cảm tưởng như giọt nước mắt mình rơi lên trên ấy.
Một người Việt giải thích về văn hóa nước mình cho người ngoại quốc hiểu là chuyện rất khó, ông Nguyễn Hiền đã làm được việc này. Còn một người ngoại quốc giải thích về văn hóa Việt cho người ngoại quốc hiểu và cảm nhận được nét hay đẹp của nó, tôi chưa thấy ai ngoài ông Smith. Tôi xin bái phục ông, nhờ ông, tôi hiểu rõ thêm về quê hương đất nước tôi, đồng bào tôi.
Cám ơn ông Nguyễn Hiền, cám ơn ông Sibley Smith và cám ơn Giọt Nước Mắt.

NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,399
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.