Hôm nay,  

Bạn Tôi Lê Thanh

16/08/200300:00:00(Xem: 145705)
Người viết: PHẠM GIA NAM
Bài số 328-867-vb5140803

Tác giả Phạm Gia Nam sinh năm 1955, đã lập gia đình, có 1 con trai 7 tuổi. Hiên là Revenue Auditor (chuyên viên kiểm toán) cho một department của tiểu bang Louisiana, cư trú tại TP Baton Rouge, Louisiana. Đây là bài viết thứ hai của ông, từ cảm xúc về ngày rằm tháng bẩy, nhớ người bạn hy sinh nơi chiến trường năm xưa.
*

Mỗi năm đến ngày rầm tháng bẩy Âm Lịch, gia đình tôi vẫn cúng cô hồn. Ở ngay trên đất Mỹ văn minh bậc nhất thế giới này, mà vợ tôi vẫn cúng cô hồn bằng cháo thí, nước, gạo muối, con gà luộc rồi mới đến đủ thứ thức ăn Việt Nam khác. Không những cúng bằng thức ăn VN, tụi tôi cũng khấn khứa các cô hồn về đây chứng giám, ăn uống các thức ăn của chúng tôi bằng tiếng VN luôn cho tiện. Tôi quan niệm các cô hồn Mỹ ở đây đã có lễ Halloween vào tháng 10 Dương Lịch rồi. Hơn nữa, các cô hồn Mỹ chắc cũng chẳng đói khát gì mà cần chúng tôi cúng kiếng. Chỉ có các cô hồn đang ở đất nước VN anh hùng, hay đang vất vưởng, lang thang cuối trời quên lãng ở biển Đông, đang phiêu diêu, ti nạn ở khắp mọi nơi trên cái cõi trần gian đầy bon chen, tục lụy này, có lẽ cần đến chúng tôi cúng kiếng mà thôi.
Rồi dến việcTượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ ở Nam Cali. Tượng đài được xây dựng thành công nhờ vào công sức của một số người còn nhiều tâm huyết. Vượt qua bao nhiêu khó khăn vì cùng mục đích nhưng dị biệt chính kiến, cộng với sự góp công của bao nhiêu văn nghệ sĩ, cũng như sự quyên góp khổng lồ của người dân tị nạn VN - Là một món quà cao quí, nói lên sự vinh danh, biết ơn mãi mãi của người dân với sự hy sinh của các Chiến Sĩ Tự Do Việt - Mỹ năm xưa. Nhìn tượng người lính trẻ VNCH, gương mặt phong sương, khắc khổ, cam chịu đang hiên ngang đứng thẳng, sát cánh cùng người chiến sĩ đồng minh, quyết không rời tay súng để bảo vệ miền Nam Tự Do, ngăn chặn làn sóng đỏ từ Bắc phương tràn xuống. Nếu thật sự con người chết đi còn có linh hồn, chắc giờ này các chiến sĩ vô danh thân yêu của chúng ta đã vui lòng ngậm cười nơi chín suối. Điều này, làm tôi không thể nào không nhớ đến Lê Thanh, bạn tôi.

Lần cuối cùng tôi gặp Lê Thanh là tháng 10 năm 1974, tạị ngã sáu Lê Văn Duyệt - Sài Gòn, lúc đó Lê Thanh là Chuẩn Úy Biệt Động Quân. Nhìn nó rắn rỏi, đã đen lại đen hơn trong bộ quân phục tác chiến hoa rừng, cầm chiếc nón bê rê nâu vỗ vỗ vào tay:
- Lần sau mày gặp tao, phải chào Thiếu Úy nghe chưa, mà là đặc cách tại mặt trân, tao không thể chờ đến 18 tháng đâu, chắc chắn là như vậy rồi đó. Còn mày, hớt tóc đi thằng con, về thành phố, thấy mấy thằng thanh niên tóc dài như mày, tao ngứa mắt, ngứa chân, ngứa tay lắm đó.
Tính Thanh vẫn vậy, lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, nói chuyện với bạn bè thường lên gịong anh chị ta đây, nhưng thực sự nó không có ý hơn thua với bạn bè gì đâu. Cuộc gặp gỡ tình cờ, chớp nhoáng không đầy 5 phút, tôi chỉ kịp mời nó điếu thuốc, và nghe nó huyên thuyên, kể lể chiến công, nó nói nhiều hơn lúc còn đi học, chêm tiếng Đức nhịp nhàng, có vần có điệu nhiều hơn. Khi nó vừa dứt lời, tôi định hỏi thêm, thì "Hiệp Sĩ Thời Đại " của chúng ta đã vội vã cáo từ. Thanh nói nó về phép chỉ vài ngày, rất bận, còn phải đi thăm gia đình "thằng em" vừa mới nằm xuống nữa.

Lê Thanh học chung với tôi từ ngày mới vào trung học Kiểu Mẫu, Thủ Đức. Có lẽ tôi phải sơ lược về ngôi trừờng Kiểu Mẫu Thủ Đức (KMTD) này một tí, vì đó là kỷ niệm thời " bé dại " của tôi với Lê Thanh, cũng như để bạn đọc dễ hiểu những gì tôi kể sau này. Trường trung học KMTD là một trong ba trường thí điểm về phương pháp giáo dục tổng hợp tại miền nam VN. Trường dược xây dựng và hòan tất vào năm 1964, nằm trong khu Đại Học Thủ Đức,trên một ngọn đồi cạnh xa lộ Biên Hòa, cách trung tâm Sài gòn khỏang 15 cây số, thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định. Không giống như các trường trung học Phổ Thông khác, trường KMTD tuyển vào lớp đệ thất của trường từ những học sinh nam cũng như nữ vừa xong tiểu học ở các vùng Sài Gòn, Gia Dịnh, Thủ Đức qua một kỳ thi tuyển bằng phương pháp trắc nghiệm. Nếu đậu, học sinh sẽ được đi học bằng phương tiện xe buýt của trường, sáng đi chiều về. Vậy là những thằng bé dại 11 hay 12 tuổi đầu như tôi với Lê Thanh, đầu xanh vô & số tội, sẽ phải học hầu như cả ngày ở trường KM, còn đâu là thì giờ nghỉ ngơi, giải trí dể thưởng thức tuổi thơ, hoa bướm của chúng tôi nữa.


Năm đầu tiên 1966, Tôi với Lê Thanh học chung lớp đệ thất 2. Thanh cũng là con trai của bác Nhàn, một nhân viên của trường KM. Nó còn di xe buýt chung với tôi, nhưng nó đón trạm Long Vân Tự gần ngã tư Hàng Xanh xa lộ. Lê Thanh cũng như tôi không có gì đặc biệt để các bạn dễ nhớ, học hành bình thường, vì không thông minh, lại mê chơi hơn học.Lê Thanh chỉ có một điểm đặc biệt hơn tôi, cũng như các bạn khác là nó đen, không chỉ đen có cái mặt, mà chỗ nào cũng đen& như cột nhà cháy từ đầu đến & chân. Có thể nói nó đen ít nhất là nhất khóa. Dĩ nhiên tôi đã công bằng, chỉ so sánh cái đen của nó với các bạn nam sinh, không dám so sánh với các bạn nữ sinh để nó khỏi bị thiệt thòi. May mà tóc nó thẳng, không quăn tít như cái lò xo, chứ không, dám có thằng đặt lại vấn đề về nguồn gốc dân tộc VN của nó. Mắt Lê Thanh to, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, khi nói chuyện hay suy nghĩ gì lại hay trợn ngược lên, theo khoa tướng số đó là một điểm rất xấu, báo trước sự bạc mệnh của nó sau này. Thanh đen, môi dày, răng trắng, tóc húi cua, dựng đứng, chỉa chỉa lên trời nên trông nó rất ngầu. Nó lại thường hay kể chuyện về cái xóm Long Vân Tự của nó, du đãng, đánh lộn tối ngày làm tôi rất nể, làm tăng thêm cái uy tín "anh chị" của nó với tôi rất nhiều. Cũng vì cái đen đặc biệt này mà bạn bè tụi tôi đã đặt cho nó nhiều cái hỗn danh: Đui Then, Đen Thui, Lê Than v.v...
Lên lớp đệ lục 2, tôi với Lê Thanh vẫn hoc chung với nhau, rồi năm đệ ngũ, đệ tứ nhóm tôi thường chơi chung với nhau toàn là những thằng lêu lổng, ham chơi hơn học, trong đó có Lê Thanh. Vào lớp rồi, mà đầu óc lúc nào cũng chỉ vẩn vơ, tơ tưởng như đang lang thang nghịch ngơm, rượt bắt, chơi đánh trận (combat) giữa trời trưa nắng với nhau trong những khu rừng chồi, hay đang tồng ngồng, bơi lội, hụp lặn trong hồ đá, hồ đất ở quanh sân trường. Có lần Lê Thanh rủ tôi ra quán chị Ba, một quán nước được dưng lên tạm bợ, sau truờng KM khỏang hơn 100 mét, để bán giải khát cho các công nhân và nhân viên đang xây cất trường Đại học Sinh Hóa gần đó lúc bấy giờ. Thanh lén mua thuốc lá ở quán chị Ba. Cuôc chiến tranh ác liệt ở VN, người chết hàng ngày, đêm đêm nghe tiếng bom nổ, đại bác ì ầm vọng về làm một thằng bé 14, 15 tuổi đầu như Lê Thanh đã biết suy tư qua khói thuốc. Nó nói với tôi về ước mơ làm một người hùng thời đại của nó, về hòan cảnh khó khăn của gia đình nó, mà nó tự ái chưa bao giờ tâm sự với ai. Con đường mà nó sẽ chọn trong tương lai không còn con đường nào khác là : Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực. Kỷ niệm với Lê Thanh mà tôi còn giữ được trước khi rời VN, trong thời gian này là tấm hình chụp chung ba người: Tôi, Lê Thanh và Huỳnh Kỳ Phú. Trong tấm hình này Lê Thanh đứng giữa, tôi và Huỳnh Kỳ Phú đứng hai bên.
Lên năm lớp 10, Lê Thanh chọn ban D, không còn học chung với tôi nữa. Mùa hè đỏ lửa 1972, Lê Thanh sinh năm 1954, học trễ 1 năm, nên thi Tú Tài 1 xong, đậu rớt gì nó cũng phải nhập ngũ. Năm 1973, chúng tôi đi thi thi Tú Tài 2, Lê Thanh cũng được về trường dự thi, lúc này nó đã có Alpha. Nhìn nó oai vệ trong bộ dồ trận SVSQ, đầy đủ hình ảnh của một người trai thời lọan, xếp bút nghiên, đứng lên đáp lời sông núi. Thanh lên xe buýt vẫn còn biết khoanh tay, lễ phép chào thầy cô như một học sinh thường, chỉ có cái tật nói nhiều, lên giọng thầy đời của nó là không hề thay đổi.
Tôi được tin Lê Thanh mất tích (Missing in Action) trước biến cố tháng 4, 1975 không lâu. Bao nhiêu năm trời đã qua, vật đổi sao dời, tôi không còn nhớ được làm sao tôi có được tin này về nó. Chỉ nhớ là bạn bè, đồng đội của nó kể thì đơn vị nó bị tràn ngập, và Lê Thanh đã hy sinh, nhưng vì không lấy được thẻ bài, cũng như xác nó, đơn vị đành báo cáo là mất tích. Điều này làm cho gia đình nó rất khổ tâm, vì không biết có nên làm bàn thờ, hương khói cho vong linh nó đỡ tủi hay không. Hơn nữa nếu báo cáo nó hy sinh, ít ra gia đình nó còn được 12 tháng lương tử tuất của nó.
Sau biến cố 1975, bác Nhàn vẫn còn hy vọng một ngày nào đó Lê Thanh sẽ trở về, hay có tin tức của nó trong một trại cải tạo nào đó, nếu thật sự nó đã bị bắt làm tù binh. Nhưng đến ngày tôi ra đi khỏi VN 1982, vẫn không có tin tức gì khác về Lê Thanh.

Thanh ơi!!! ngày xưa, mày vẫn mơ và lúc nào cũng cố gắng làm một người hùng. Anh hùng theo suy nghĩ đơn giản của mày và tao lúc đó là những người dám và đã làm những gì người khác không dám làm. Có lẽ khi gục ngã ngay giữa trận tiền, mày cũng không nghĩ mày là anh hùng, bởi vì bao nhiêu đồng đội, chiến hữu của mày cũng đã từng và sẽ làm như vậy. Cho đến ngày hôm nay, đọc được hàng chữ ngay dưới tượng đài, tao xin mày hãy vui lòng nhận lấy hai chữ Anh Hùng, chỉ vì mày đã làm tròn bổn phận một người trai thời lọan.

PHẠM GIA NAM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến