Hôm nay,  

Lối Mòn

31/03/200300:00:00(Xem: 188447)
Người viết: Trịnh Đình Thu Hà
Bài tham dự số: 3158-765-vb50327

Tác giả Trịnh Đình Thu Hà lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ bằng một truyện kể về một thành viên băng đảng gốc Việt bị bắn chết tại Mỹ. Câu chuyện đầy tình tiết xúc động. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và bổ túc dùm địa chỉ liên lạc.
*
Tôi giựt mình khi nghe tin Khương bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc rượt đuổi có liên quan đến băng đảng cách đây hai ngày. Cái tin đến với tôi quá đột ngột qua lời thông báo của một người bạn uống cà phê với chúng tôi, làm tôi bàng hoàng suốt cả ngày.
Khương, một chàng thanh niên chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, cao lớn khỏe mạnh. Khuôn mặt trắng trẻo, mái tóc cắt ngắn gọn gàng, nhất là nụ cười tươi rói mỗi khi anh pha trò với mọi người. Một người thanh niên hoàn toàn bình thường, yêu đời, dễ thương sao có thể bị chết thảm như vậy! Tôi không tin được câu chuyện của người bạn kể lại. Phải gọi phone đến nhà anh để hỏi cho ra lẽ mới được. Nhưng đến lúc này tôi mới sực nhớ ra tuy biết Khương đã lâu, nhưng chưa bao giờ Khương cho tôi biết số phone của anh cả. Bao giờ cũng vậy, Khương nói với tôi:
- Nếu anh muốn gặp em cứ ra quán cà phê ngay góc đường…sẽ gặp em ngồi ở đó. Anh em mình có thời gian nói chuyện nhiều hơn. Em thích quán đó vì nó kín đáo và ít gái hơn những chỗ khác, đỡ bị làm phiền.
Cuối cùng tôi cũng thấy hình ảnh của Khương được đăng trên các tờ báo địa phương với đầy đủ chi tiết của cuộc rượt đuổi và bắn nhau với cảnh sát. Khương đã dính dáng tới một vụ buôn bán ma túy lớn với một tổ chức băng đảng Á Châu. Anh cùng ba người đồng bọn khác bị bắt quả tang khi đang trao đổi hàng tại một vùng ngoại ô khá xa thành phố. Cả bốn người đã cố gắng bỏ chạy khi cảnh sát bao vây và yêu cầu họ đầu hàng. Một người trong số họ đã bắn về phía cảnh sát khi tháo chạy thoát thân. Thế là, hàng loạt đạn nổ vang từ phía cảnh sát một cách vô tội vạ về phía bọn người buôn lậu ma túy. Cuộc rượt đuổi bằng xe diễn ra trong vòng nửa tiếng tại một con đường vắng xuyên tiểu bang, với những pha bắn nhau rất dữ dội giữa hai phía. Cuối cùng, cảnh sát đã bắn chết bọn người khi họ bỏ xe để chạy thoát thân vào hướng ven rừng. Khương đã bị thiệt mạng trong cuộc chống trả với cảnh sát. Tôi đã buột miệng kêu lên khi đọc xong bài tường thuật diễn biến đó:
- Không lẽ đây là định mệnh hay sao"
*
Tôi quen biết Khương trong những ngày đầu tiên cả gia đình tôi đến Hoa Kỳ. Chúng tôi gặp nhau trong một hội thiện nguyện giúp đỡ những gia đình mới sang Mỹ. Khương giúp việc cho hội. Nhiệm vụ của anh là giúp đỡ những gia đình tỵ nạn hay di dân mới sang về mặt giấy tờ, giúp họ ổn định đời sống mới càng nhanh càng tốt.
Qua sự giới thiệu của một nhân viên hội, tôi gặp anh và đã thấy mến anh từ phút đầu tiên gặp gỡ vì sự nhanh nhẹn và vui tính của Khương. Xuất hiện trước mặt tôi là một thanh niên cao lớn, trắng trẻo, mái tóc cắt ngắn và nụ cười thật tươi. Anh gật đầu chào tôi và đưa tay ra cho tôi bắt khi người nhân viên hội giới thiệu. Tôi cũng lịch sự đáp lại thủ tục làm quen đầu tiên đó. Ông nhân viên của hội nói với tôi:
- Anh Hoàng, đây là Khương, thiện nguyện viên của hội. Anh Khương có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các gia đình mới sang về các thủ tục giấy tờ của chính phủ Mỹ. Từ hôm nay, gia đình anh sẽ được Khương dẫn đi lo các thủ tục như là: đi DMV xin I.D, bằng thi lái xe, thẻ an ninh xã hội, xin welfare (trợ cấp chính phủ) trong mấy tháng đầu tiên vv…Mỗi vấn đề giấy tờ anh cứ liên lạc với Khương nhé!
Thế là suốt hai tuần đầu tiên đến Mỹ, Khương đã lấy xe: có lúc của hội, có lúc xe riêng của anh để cho gia đình vợ chồng con cái tôi gồm sáu người đi làm tất cả các giấy tờ cần thiết để bắt đầu một cuộc đời bình thường trên xứ lạ hoắc này. Khương rất vui vẻ trả lời tất cả những câu hỏi của tôi về cái đất Mỹ hào nhoáng. Tại đây, ở nước Mỹ này, tôi cũng phải chịu đựng những thủ tục rất nhiêu khê, chậm chạp và nặng phần cửa quyền của nhân viên chính phủ Mỹ. Điều này làm tôi ngạc nhiên và thất vọng ghê gớm. Chao ôi! Tôi cứ tưởng nạn thủ tục giấy tờ, con dấu…và thái độ cán bộ là "thầy" nhân dân là "tớ" là sản phẩm độc quyền của chế độ CS ở quê nhà mà thôi. Tôi đã gần như muốn hét lên mừng rỡ khi máy bay cho gia đình tôi rời khỏi không phận Việt Nam trong chuyến bay định cư vừa rồi. Từ nay, tôi không còn thấy những bộ mặt "đấm ra sữa" mà cứ cư xử như "ông Thần đèn" muốn làm gì thì làm của mấy thằng cán bộ non choẹt ở khắp các bạn hộ của nhà nước cộng sản VN. Thế nhưng đời thường không đẹp như mơ! Đến một đất nước được xem là văn minh nhất thế giới này tôi cũng gặp những bộ mặt cửa quyền như vậy, không khác gì mấy! Tuy rằng, thành thật mà nói, nhân viên chính phủ ở đây có phần lịch sự hơn, tôn trọng nhân dân hơn và nhất là cũng bị người dân chỉ trích nếu như họ phục vụ không đúng hay có thái độ lạm quyền. Không, dù sao ở đây tôi có quyền được nói một cách thoải mái hơn rất nhiều.
Trở lại chuyện của Khương, anh đã tận tình giúp đỡ gia đình tôi trong vấn đề giấy tờ rất hăng hái và nhiệt tình. Anh chỉ vẽ cho tôi rất nhiều về cuộc sống ở Mỹ trong những ngày đầu. Có lúc anh cũng động viên khuyến khích các con tôi đang hoang mang ghê gớm trong cuộc sống mới. Anh giúp các cháu đăng ký lớp học ở các trường công lập Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ mãi lời khuyên của Khương dành cho hai thằng con trai bé của tôi:
- Mấy em ráng học thật giỏi, thành tài sẽ giúp cha mẹ được thôi. Ở đây, có học, có giáo dục là có tất cả em ạ. Đừng có lo gì cả. Tuổi các em còn nhỏ, chỉ nên lo học hành đừng nghĩ ngợi gì hết.
Tôi mến Khương lúc nào không biết. Sự xuất hiện của anh trong quá trình giúp đỡ. Gia đình tôi đã làm hai anh em trở nên thân thiết hơn. Tôi bắt đầu rủ Khương đi uống cà phê vào cuối tuần để hai anh em tâm sự với nhau nhiều hơn.
Đó cũng là thói quen của tôi khi còn ở Việt Nam. Bao giờ cũng vậy, tôi và Khương cũng chỉ ra một quán cà phê quen thuộc, ngồi một chỗ ngồi quen thuộc. Dường như ông bà chủ quán có quen khá thân với Khương nên hay để dành cái chỗ ngồi đó cho anh. Khương nói với tôi vì sao anh thích hai cái quán này:
- Em thích quán này vì nó yên tỉnh và không có cái khoản dành gái của khách uống cà phê. Thú thật với anh em dị ứng với những cảnh như vậy!
Tuy biết nhau đã hơn ba tháng, nhưng tôi chưa có dịp hỏi thăm Khương về tình trạng gia đình anh. Một hôm, hai anh em đang nhâm nhi tách cà phê nóng, tôi vui miệng hỏi anh:
- Khương này, em làm việc cho hội thiện nguyện này lâu chưa" Có được lãnh lương cho công việc em đang làm không"
Khương im lặng trầm ngâm. Anh rút một điếu thuốc lá mời tôi, rồi lặng lẽ đốt cho cả hai chúng tôi mỗi người một điếu. Rít vài hơi, Khương thở ra một làn khói nhẹ và bắt đầu nói:
- Đã là công việc thiện nguyện thì làm sao có lương được hả anh! Mấy tháng nay em toàn làm chuyện "ăn cơm nhà, vác ngà voi" không đấy chứ!
Tôi ngạc nhiên bèn hỏi tiếp:
- Vậy lấy tiền đâu em sinh sống hằng ngày"
Khương nhìn tôi, đôi mắt ánh lên tia buồn bả:
- Em sống nhờ cơm vợ và trợ cấp của chính phủ anh ạ! Vợ em đi may cho một shop may ở Bolsa đó. Công việc cực nhọc, đầu tắt mặt tối lại phải nuôi chồng và hai đứa con nhỏ dại. Mà tội nhất là phải nuôi một thằng chồng báo hại như em. Em thương cô ấy lắm mà không biết phải làm cách nào để giúp cô ấy được.
Có lẽ Khương thấy được cả trăm cái dấu hỏi hiện ra trên nét mặt của tôi. Anh nở một nụ cười buồn, uống một ngụm cà phê rồi thong thả nói tiếp:
- Anh thắc mắc lắm về cuộc đời của em phải không" Để em kể cho anh nghe phần nào cuộc sống của em trên đất Mỹ này, cho anh hiểu em hơn.
Rít một hơi thuốc lá, Khương bắt đầu kể.
*
"Ba mẹ Khương tống nó lên tàu vượt biên khi nó lên mười ba tuổi, lúc đó là năm 1978. Khương đi cùng với gia đình một người chú ruột. Chuyến vượt biên thành công, tàu của nó đến được đảo Paula Bidong của Mã Lai. Chú Khương vốn là một nhân viên trong chính phủ VNCH nên ông được chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên phỏng vấn và sau đó cho định cư tại Mỹ. Vì Khương đi theo gia đình ông chú lại là mồ côi không cha mẹ nên cũng được tháp tùng theo chú thím đến Mỹ. Thế là sau gần một năm sống tại đảo. Khương đến được Hoa Kỳ lúc nó tròn mười bốn tuổi.
Vừa đến Mỹ Khương bắt đầu lao vào những công việc bán thời gian để kiếm sống, vừa cố đi học cho xong chương trình trung học. Sỡ dĩ, nó phải đi làm vì bà thím, trong một lần nói thẳng vào mặt nó rằng: "Khương này, bây giờ cháu lớn phải tự lo lấy bản thân đi thôi. Chú thím chỉ có thể cưu mang cháu một chỗ ở chứ không thể nuôi cháu được. Cháu cũng biết chú thím còn phải bốn đứa con phải lo. Vả lại, ở Việt Nam cha mẹ cháu cũng mong cháu đi làm có tiền để giúp ông bà nữa. Vậy cháu phải tự lo liệu đấy nhé".
Lời nói như gáo nước tạt vào mặt làm Khương chới với. Nó bối rối không biết phải lo liệu thế nào cho bản thân khi vừa mới chân ướt, chân ráo đến Mỹ, một chữ tiếng Anh cũng không biết. Nhưng Khương cũng biết tiền trợ cấp hàng tháng chính phủ dành cho nó cũng bị bà thím ăn chặn không cho lấy một đồng, viện cớ là tiền nhà nó phải góp vào. Người chú thì hình như làm ngơ dù rất thương cháu trong hoàn cảnh bất công như vậy, nhưng không làm sao ngăn nổi tính tham của vợ. Thỉnh thoảng Khương vẫn nghe hai ông bà gây nhau vào ban đêm trong phòng riêng, mà nguyên nhân bao giờ cũng do Khương mà ra.
Khương gần như bị dồn vào ngõ cụt. Nó không biết phải giải quyết đời sống riêng của mình bằng cách nào ở tuổi mười lăm. Có lúc Khương đã oán cha mẹ nó đã đẩy nó ra đi đến một nơi xa lạ như vậy. Thiên đàng thì mình chưa thấy, mà địa ngục đã ngay sát bên cạnh. Khương làm lụng kiếm sống bằng cách xin vào các tiệm ăn Việt Nam làm bồi bàn mỗi ngày năm tiếng sau giờ học. Vừa đi làm, vừa đi học, sức học của Khương đi xuống thấy rõ. Đến một hôm, sau giờ đi học về nhà, thím vừa thấy nó đã hất mặt chỉ tay về phía cái bàn ăn và nói:
- Khương ba mẹ cháu gởi thư riêng cho cháu đấy. Đọc đi.
Khương đi tới cầm phong thư trong tay, thấy lá thư đã bị bóc ra. Nó biết ngay là bà thím đã giở ra xem. Quá bực bội, Khương quay lại nhìn thím tỏ vẻ bực mình, thì bà ta cất giọng nói:
- Thím phải đọc trước để xem ba mẹ cháu có cần gì không thì thím giúp. Có vậy thôi!
Khương không buồn gây với bà thím nữa, cầm lá thư nhà, nó vội đi vào phòng đóng cửa lại. Đọc suốt lá thư một hồi, Khương chỉ thấy gai ốc nổi cùng mình, vì cả một lá thư dài nội dung chỉ là xin tiền giúp đỡ cho cha mẹ nó để nuôi các em trong gia đình. Công việc làm ăn của cha mẹ bị sa sút, người anh lớn bị đẩy đi nghĩa vụ quân sự ở Cam Bốt. Ba mẹ cần tiền để lo cho người anh ra, người chị thì cần tiền để tiếp tục đi học…
Khương như phát sốt vì tiền. Không hiểu ba mẹ nghĩ gì về nước Mỹ này. Chắc ông bà nghĩ rằng dollar Mỹ rải đầy đường muốn lượm lúc nào là lượm chăng" Khương giận sôi lên vì sự đòi hỏi của ba mẹ. Nó lại ngay bàn viết một lá thư trình bày nổi khó khăn của mình. Khương dự tính sẽ gởi lá thư đi ngày mai. Sau đó Khương sửa soạn đi làm, vừa ra khỏi phòng, nó đã gặp cái nhìn sắc lẽm, tò mò của bà thím. Khương không nói một lời, đi ra ngoài đóng cửa và đi thẳng đến chỗ làm.
Khương trễ mười lăm phút vì phải đón xe bus. Vừa đến nơi, Khương đã thấy bà chủ tiệm khuôn mặt đầy phấn đang hầm hầm nhìn nó, cao giọng nhiếc:
- Lần sau cậu nhớ phải đi đúng giờ dùm tôi. Giờ của cậu làm, tiệm rất đông khách. Tôi mướn cậu là vì tôi cần người giúp việc chứ nếu không tôi chẳng muốn cậu làm gì cho thêm rách việc. Nếu không thích làm thì nói với tôi một tiếng cho tôi biết. Bỏ cậu tôi còn khối người xếp hàng đợi việc ngoài kia kia, biết không"
Khương đành cố ngậm miệng nín thinh, lầm lũi đeo tạp dề vào để làm công việc hàng ngày.
Năm tiếng đồng hồ rồi cũng trôi qua. Nó trở về nhà, vừa mở cửa vào nhà Khương thấy chú thím đang ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách. Ông bà dường như đang tranh cãi một điều gì đó, trông hai khuôn mặt đang cau có, Khương đoán là như vậy. Nó nghĩ thầm: "Chắc mình lại là nguyên nhân đây" ông chú ngước nhìn nó không nói một lời, nhưng ánh mắt có phần dịu xuống. Còn bà thím thì không thèm nhìn đến Khương. Nó gật đầu chào ông bà rồi đi thẳng vào trong phòng.
Ngồi xuống giường, đầu óc Khương hoang mang tự hỏi: "Không biết cuộc đời mình rồi sẽ về đâu"" Lần đầu tiên Khương bật khóc nức nở một mình trong phòng vì sự vô dụng của thằng con trai. Nó có cảm tưởng mình như người chết đuối không có nơi để bám víu. Tay với lá thơ viết cho cha mẹ trên bàn Khương xé bỏ đi. Trong lòng nó cứ thề rằng "mình sẽ tìm cách ra khỏi nhà này càng sớm càng tốt".
Khương rơi vào vòng tay một nhóm băng đảng khi nó tình cờ quen biết với Ngôn, một học sinh cùng lớp với Khương. Ngôn là một anh chàng hiền lành nhưng lì lợm và có vẻ từng trãi lắm. Chính Ngôn cũng đã binh vực Khương trong một cuộc ấu đả với bọn học sinh Mễ khác khi Khương gây sự với một đứa trong nhóm. Chỉ vì bọn Mễ dám chọc mấy đứa con gái Việt Nam cùng lớp nó. Vì muốn bảo vệ mấy cô bạn gái, Khương đã lời qua tiếng lại với một tên học sinh Mễ mập, to con hơn nó rất nhiều. Thế rồi cuộc ẩu đả xảy ra, một mình Khương phải chống với hai thằng Mễ khác. Ngay sau đó, Ngôn xuất hiện đã xông lại cứu Khương, đánh đập thằng Mễ mập to con khác. Dù rằng Ngôn còn nhỏ con hơn Khương nhiều.
Sau bữa đánh nhau, cả hai bị phạt không được đến trường một tuần. Trong suốt một tuần, Khương và Ngôn trở nên hai người bạn thân vì cả hai có chung một hoàn cảnh bơ vơ giống nhau. Giống như Khương, Ngôn cũng vượt biên đến Mỹ một mình và được một người bà con bảo lãnh sang Mỹ sống chung. Nhưng sau hơn một năm sống với người bà con. Ngôn đã tự ý dọn ra riêng vì không chịu nổi những va chạm hàng ngày trong cuộc sống chung đó. Sau nhiều lần tâm sự, một hôm Ngôn hỏi Khương:


- Khương, mày có dám bỏ nhà đi sống với tao không" Anh em mình từ nay sống chết có nhau. Tao cũng không có ai, bơ vơ nơi này, mày cũng vậy. Tụi mình nương tựa nhau mà sống. Mày nghĩ sao"
Sau khi nghe Ngôn nói về đời sống mới tự do, không một chút do dự. Khương gật đầu đồng ý ngay. Tối hôm đó, Khương đã nói thẳng với chú thím về ý định dọn ra của mình. Chú thì tỏ ý ngăn cản quyết định đó, nhưng thím thì có vẻ bằng lòng lắm. Nhìn vẻ mặt hớn hở của thím, Khương càng quyết tâm muốn ra khỏi nhà hơn bao giờ hết.
Thế là sáng hôm sau, Khương chuẩn bị đồ đạc, quần áo rồi cùng với Ngôn dọn sang một căn nhà Ngôn đang ở không xa nhà chú thím lắm. Vào nhà, Khương mới biết không chỉ có một mình Ngôn mà còn có thêm ba thằng con trai có tuổi Khương và Ngôn ở chung.
Khương cảm thấy thật dễ chịu vì được tự do, không phụ thuộc vào bất cứ người nào. Đám thanh niên đồng trang lứa ở với nhau vui vẻ vô cùng trong những ngày tháng đầu. Khương đã được Ngôn và đám bạn ở chung dạy rất nhiều điều bổ ích về cuộc sống. Chúng nó có vẻ sành sỏi, từng trải hơn Khương về nhiều mặt. Nó vẫn đi học và làm bán thời gian trong suốt những ngày tháng sau đó.
Sống chung với tụi nó Khương dần dần khám phá ra một cuộc sống khác ở đằng sau. Ngôn và đám thiếu niên trẻ kia ở trong một băng nhóm chuyên đi ăn cắp những máy cassette trong xe hơi hay những món đồ lặt vặt khác của xe cũ rồi đi bán lấy tiền xài. Buổi sáng tụi nó đi học bình thường, nhưng đến tối thì tụi nó bắt đầu đi làm công việc đó. Riêng Ngôn, nó còn buôn bán ma túy trong trường học nữa. Chúng nó kiếm tiền thật dễ dàng nên xài tiền cũng không run tay. Đối với Ngôn, Khương thấy nó có phần xài tiền kỹ lưỡng hơn, hàng tháng Ngôn trích ra khoảng hai trăm dollar gởi về cho gia đình rất đều đặn. Thấy Ngôn có tiền gởi về cho gia đình, Khương rất phục và thích thú, nhưng Khương vẫn thấy khó chịu về cách sống của nó, có lần nó hỏi Ngôn:
- Ê Ngôn, mày đang làm những chuyện bất hợp pháp, mày không sợ bị ở tù hay sao" Mày thừa biết những chuyện mày đang làm hiện giờ có thể mày vào tù cả đời mà. Tại sao làm như vậy để làm gì"
Ngôn nhìn nó bằng vẻ mặt bất cần:
- Mọi người thân của tao ở Việt Nam lúc nào cũng ngóng chờ sự giúp đỡ của tao cả. Tao không biết họ dùng tiền tao gởi về để làm gì, nhưng cứ tháng nào tao không gởi thì ba má tao cứ gởi thư sang nói xa nói gần về sự thiếu thốn ở quê nhà. Cả nhà tao gần như nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm một số tiền đủ để cho tao đi vượt biên sang Mỹ, sang cái "thiên đường thế giới" này. Thì bây giờ, nhiệm vụ tao phải giúp ba má và các em tao còn kẹt ở Việt Nam chứ. Chứ không lẽ tao vượt thoát được sang đây sướng cho riêng tao rồi bỏ mặc gia đình còn lại sao"
Ngôn im lặng một chút, rồi trầm giọng nói tiếp:
- Tao cứ phải nói dối về cuộc sống của riêng mình ở nơi này. Tao sợ ông bà và các em tao buồn. Tao biết là ba má tao luôn luôn mong muốn tao học thành tài, làm người hữu dụng trong xã hội. Nhưng khổ một nổi, gia đình tao hy vọng và đòi hỏi ở tao nhiều quá, mà tao chỉ có thể làm được mỗi một việc trong một lúc mà thôi. Có giải thích thế nào, tao nghĩ gia đình tao cũng không thể tưởng tượng được cuộc sống ở bên Mỹ này khó khăn như thế nào. Làm sao được bây giờ hả Khương, khi mà tao cũng muốn có tiền để giúp đỡ gia đình các em tao còn sống cảnh khốn khổ ở quê nhà" Hoàn cảnh mày cũng có hơn gì tao đâu"
Rồi Ngôn lắc đầu, miệng cười khảy:
- Thây kệ cuộc đời mình lếch được tới đâu hay tới đó, miễn giúp gì được cho gia đình phần nào là vui rồi. Đời tao cứ xem như bỏ đi ở xứ này. Mày biết không"
Khương im lặng ngồi nghe. Đúng là hoàn cảnh của nó không khác gì Ngôn là bao. Cả một gánh nặng gia đình còn lại trên vai, nó không thể ngoảnh mặt làm ngơ được. Cứ lâu lâu, ghé qua thăm chú thím và các em để nhận những lá thơ từ quê nhà là Khương cảm thấy xót xa cho cha mẹ và anh chị em mình còn sống vất vưởng khổ sở như vậy. Tiền, như một mãnh lực thôi thúc Khương đi vào con đường không lối thoát giống như Ngôn. Dần dà, Khương bị cuốn hút vào công việc của Ngôn lúc nào không biết. Lúc đầu, thì chỉ là sự tham gia một cách gián tiếp, dần dần Khương cùng Ngôn và nhóm băng đảng của Ngôn lao vào những vụ kiếm tiền bất chính. Bắt đầu bằng những buổi tối đi canh gác cho bọn chúng đi ăn trộm những món đồ lặt vặt trong xe hơi. Rồi tiếp theo, Khương buôn bán ma túy trong trường học như Ngôn.
Khương có nhiều tiền hơn, cảm thấy hãnh diện vì nó tự kiếm được tiền, nên Khương bỏ học nhiều hơn. Người yêu Khương, cũng là vợ Khương sau này biết mọi chuyện, nên cố sức khuyên ngăn nó nhưng đều vô ích. Khương đang say máu trong việc kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình cũng như cho riêng mình, nên bỏ mặc ngoài tai mọi lời khuyên can của người bạn gái. Nhưng, đi đêm mãi thì cũng phải gặp ma, Khương bị cảnh sát chụp được trong một buổi trao đổi ma túy tại một trường học. Ngôn thì trốn thoát được lần đó. Khương bị bắt với tang chứng là một gói ma túy nhỏ trong tay. Bọn cảnh sát còng tay Khương lại ngay tức khắc. Vào bót cảnh sát, tụi nó cố tìm cách khai khảo để Khương khai đồng bọn của mình ra. Nhưng Khương lì lợm nhất quyết im lặng, một mực khai chỉ có một mình là thủ phạm khi biết Ngôn đã thoát được. Khương bị kêu án năm năm tù và bị nhốt ở nhà tù thiếu niên vì chưa đủ tuổi thành niên. Nó vào tù khi vừa mới mười sáu tuổi.
*
Khương im lặng nhìn tôi, tôi thật sự bàng hoàng về những lời tâm sự của anh. Nhìn người thanh niên trẻ này, tôi không thể nghĩ được rằng đằng sau vẻ mặt hiền hậu, nụ cười dễ mến, lối nói chuyện vui vẻ, lễ phép cả Khương lại là một đời sống sóng gió, anh chị như vậy. Nhìn vẻ điềm đạm, từng trải của Khương tôi không khỏi khâm phục một chàng trai tuy còn nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều mà đã sớm nếm vị đắng của cuộc đời. Có lẽ, đời sống trong nhà tù đã dạy anh học nhiều bài học cay đắng. Tiếp theo dòng suy nghĩ của tôi, Khương kể tiếp:
- Cuộc sống trong tù đã dạy em rất nhiều điều anh ạ. Có những điều em phải học bằng máu và nước mắt tủi nhục của chính mình. Đau khổ và tuyệt vọng đã có lần em toan tự tử bằng cách dùng một miếng sắt mài bén để cắt cổ tay mình. Nói rồi, Khương giơ cánh tay phải và chỉ vào cổ tay cho tôi thấy sẹo vòng quanh cổ tay. Rồi anh nói tiếp:
- Nhưng em bị bọn cảnh sát phát hiện ra và bị canh gác kỹ hơn. Trong những ngày ở tùø điều an ủi với em là Ngôn và người bạn gái đến thăm em thường xuyên. Cô bạn gái của vừa học vừa làm để kiếm tiền giúp đỡ em, mặc sự ngăn cấm của gia đình. Còn Ngôn nó rất tội nghiệp. Nó đã trích một phần tiền kiếm được gởi về gia đình em cứ hai tháng một lần và nó đã làm đều đặn như vậy cho đến ngày em ra tù. Em mang ơn nó nhiều lắm anh ạ. Chính nhờ hành động đó đã làm cho gia đình em an tâm ở Việt Nam, không lo lắng cho đời sống của em bên này. Cứ mỗi lần em nhắc và cảm ơn nó, thì Ngôn gạt đi "Tao với mày đồng hoàn cảnh, anh em thì phải giúp nhau chứ".
Năm năm rồi cũng trôi qua nhanh, Khương được ra tù để làm lại cuộc đời. Anh biết cuộc đời của anh là do anh tự chôn vùi dưới đất đen. Cầm cái bản án mãn hạn tù, Khương biết khó có thể tìm được việc làm đàng hoàng cho riêng mình. Nhưng lòng Khương thật sự muốn làm lại cuộc đời. Anh bỏ hết mọi chuyện trong quá khứ để bắt đầu làm lại từ đầu.
Người bạn gái của Khương thủy chung vẫn cứ muốn làm vợ anh, cuối cùng cả hai lấy nhau trong sự giận dữ của gia đình cô ấy. Họ đòi từ bỏ cô ấy, nhưng cô vẫn cương quyết theo Khương. Hai người, một gia đình mới phải sống lây lất suốt mấy năm liền, kiếm đủ mọi việc làm để nuôi thân, cũng như nuôi con khi chúng ra đời. Khi có gia đình, Khương có cảm giác tha thiết muốn sống và làm hết mình, dành hết cuộc đời mình cho các con.
Đốt một điếu thuốc khác, Khương gắn lên môi và rít hết mấy hơi dài. Khói thuốc bay mơ hồ, trong ánh đèn tranh sáng của quán cà phê, tôi thấy ánh mắt Khương long lanh như có ngấn nước. Vầng trán Khương nhíu lại những vết nhăn. Giọng anh lạc đi khi anh kể tiếp:
- Ngôn bị bắn chết cách đây hơn một năm trong một cuộc chạm súng với cảnh sát khi bị rượt đuổi. Sau khi ra tù, em tuyên bố bỏ nghề vì muốn trở lại đời sống bình thường, nhưng Ngôn thì không muốn vì nó đã quen xài tiền rồi, quen nhúng tay vào bùn, nên không còn muốn thoát ra nữa. Chúng em vẫn giữ quan hệ bạn bè, nhưng không còn làm ăn chung với nhau. Bẵng một thời gian không liên lạc với Ngôn được, vì nghe đâu nó dọn sang tiểu bang khác để làm ăn. Cho đến khi nghe tin Ngôn bị bắn chết ở đây, em bàng hoàng vội cố liên lạc với bạn bè cũ để tìm hiểu thì mới biết tin đó là sự thật. Ngay khi đưa đám ma Ngôn, em chỉ thấy loe hoe một số bạn cũ. Đồng thời, em cũng biết được nhờ số tiền Ngôn gởi về hàng tháng, ba má Ngôn đã lo được ba anh em khác của Ngôn sang được Mỹ bằng con đường vượt biên cách đó vài năm. Nhìn họ cũng từa tựa như Ngôn vậy. Nhìn thấy Ngôn nằm trong quan tài, em không cầm được nước mắt. Nó còn quá trẻ để kết thúc cuộc đời thê thảm như vậy. Em cứ đứng đó nhìn xác nó mà nước mắt cứ rơi không ngừng. Điều mỉa mai chua xót cho nó là ba má nó đã cố gắng cho nó cơ hội đến vùng đất hứa này, rồi cũng vì gia đình tự nó chôn vùi cuộc đời xuống đáy bùn của xã hội. Không một ai có thể hiểu nổi tâm sự của nó, ngay cả những người trong gia đình nó. Nó chết như một con vật đã góp phần làm băng hoại xã hội cần phải được loại bỏ. Đâu có ai thấy được tình yêu và trách nhiệm mà Ngôn dành cho gia đình nợ đằng sau những hành động phi pháp kia. Anh thấy cuộc đời có nhiều điều đáng phỉ nhổ không"
Khương ngừng kể vì giọng của anh nghẹn lại. Anh chớp mắt, hai giọt nước mắt nao nao vì nổi xúc động của người bạn trẻ. Khương cố nuốt nổi uất nghẹn vào trong, rồi cho tôi biết là Khương đã mất việc hơn sáu tháng nay, và chưa kiếm được việc mới. Ở nhà, thấy cảnh con nheo nhóc, vợ thì làm như điên như khùng, để nuôi anh và hai đứa con. Khương không chịu được cảnh ăn không ngồi rồi, nên anh xin làm thiện nguyện của hội này để giúp đồng hương mới qua. Một phần để đỡ buồn, một phần cũng để thêm vào điểm tốt cho cái lý lịch đen thui của mình hòng dễ dàng kiếm được việc.
Tôi im lặng nghe câu chuyện của Khương mà cứ nghĩ về những đứa con của mình. Tôi muốn cám ơn đấng bề trên là tôi đã đem được các con tôi đến bờ tự do này không đơn độc. Một chút liên tưởng đến các con tôi, và tôi tự hỏi nếu như cuộc đời của chúng cũng xảy ra như cuộc đời của Khương, của Ngôn thì sao" Tôi không dám nghĩ tiếp thêm nữa. Điều này vượt quá sự tưởng tượng của tôi.
Vài tháng sau, tôi không gặp Khương nữa vì tôi bận túi bụi vào việc hội nhập với đời sống mới tại Mỹ. Nghe đâu, anh vẫn còn làm cho hội thiện nguyện thêm một thời gian khá lâu, rồi hình như sau đó Khương đem vợ con sang tiểu bang khác sinh sống. Tôi mất biệt tin tức Khương từ đó. Không tài nào tìm thấy tung tích của anh bạn trẻ vui tính đó nữa. Một phần vì quá bận rộn với công việc đi học cũng như đi làm, nên hình ảnh của Khương cũng trôi dần vào dĩ vãng. Mỗi khi nhớ về Khương, tôi yên chí là anh đã ổn định đời sống của mình ở một tiểu bang xa xôi nào đó của nước Mỹ rồi. Có một lần tình cờ tôi gặp ông Hiệp, là nhân viên cừ của hội thiện nguyện khi xưa, trong lúc đi chợ, chúng tôi đã dừng lại trao đổi dăm ba câu chuyện phiếm và nhắc lại chuyện xưa. Chợt nhớ đến Khương, tôi hỏi ông ta về tin tức. Ông ta nhún vai trả lời tôi cũng mù mờ như tung tích của Khương vậy:
- Tôi không rõ lắm ông ơi. Hình như nghe đâu nó bây giờ thêm một hai đứa con nữa gì đó, mà vợ chồng con cái nó ở Texas thì phải. Nó bặt tăm cả sáu bảy năm nay có ai biết nó ở đâu mà tìm. Nhưng nghe nói nó cũng làm ăn khá lắm thì phải.
Tôi nghe về Khương chỉ có thế! Nhưng thú thật, tôi cảm thấy mừng cho anh khi biết cuộc sống của anh khá hơn xưa. Tôi luôn mong Khương sẽ có cuộc sống bình thường như trăm ngàn người Việt Nam tỵ nạn khác trên đất nước này. Chỉ một chút lầm lỡ của tuổi trẻ, Khương không đáng phải chịu đựng một cái giá đắt như Ngôn bạn của anh. Tuổi trẻ nào mà không có lầm lỡ, nông nổi. Chỉ vì vụng về háo thắng thiếu kinh nghiệm trong suy nghĩ, mà có rất nhiều thanh thiếu niên mắc phải những sai lầm mà đôi khi phải trả giá cả một quãng thời gian dài tù tội, có khi là cả cuộc đời. Nhưng với tôi, những lỗi lầm của tuổi trẻ vì nông nổi, thiếu kinh nghiệm cũng nên đáng được xã hội mở rộng vòng tay tha thứ họ.
Những dòng chữ tường thuật về cái chết của Khương trên tờ báo địa phương nhảy múa trước mắt tôi, báo một sự kết thúc bi thảm của một cuộc đời. Khương đã để cuộc đời mình chấm dứt bằng những loạt đạn vô tình. Khương bị trừng phạt vì hành động phạm pháp sai lầm của anh. Bàn tay Khương đã từng nhúng chàm và anh từng muốn rửa sạch vết chàm nhơ bẩn đó một lần. Nhưng rồi anh lại nhúng tay vào chàm một lần nữa. Vì sao" Có lẽ gì" Tôi không biết. Chỉ có Khương mới có thể giải thích những uẩn khúc trong lòng đã thúc đẩy một con người rất yêu thương gia đình như anh đi đến hành động như vậy. Một điều rõ ràng cái chết của Khương, của Ngôn không để lại cho ai sự thương tiếc, ngoài trừ những người thân của họ. Chắc chắn sẽ có những lời dè bỉu, khinh miệt của người đời dành cho Khương, cho Ngôn vì những hành động đen tối của họ. Dù có sự biện minh nào đi nữa thì Khương cũng đã sai lầm khi lựa chọn một con đường để sống, nhưng đó là về lý lẽ. Còn về tình…thì mấy ai sẽ nhìn hành động đó của anh để thông cảm và hiểu được anh"
Số phận đôi khi thật nghiệt ngã đối với con người!

Trịnh Đình Thu Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến