Hôm nay,  

Thư Thứ Hai Gửi Chị Denise

26/03/200300:00:00(Xem: 153716)
Người viết: THU THẢO
Bài tham dự số: 3157-764-vb40326

Tác giả tên thật là Xuân Thu Đặng, hiện cư trú tại Hawaii, nghề nghiệp được ghi là chủ một tiệm may nhỏ, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Bài đầu tiên là một lá thư gửi người bạn gái được mô tả là một "super woman", ôn lại những hồi ức đầy biến đổi của hai chị em từng cùng nhau mở một bar rượu thời chiến tranh Việt Nam . Sau đây là lá thư thứ hai, kể chuyện chủ và khách của bar rượu hon ba mươi năm sau.
*
Honolulu ngày 16 tháng 1 năm 2003
Chị Denise Hoa thương mến!

Chị Hoa ơi! Hôm nay em nhất viết thêm lá thứ này cho chị vì lòng em đang sung sướng, vì có nhiều chuyện mà trong thư trước em chưa kể hết. Chị nhớ chúng mình chẳng gặp nhau đến 28 năm hơn lận thì làm sao em kể ra hết nổi, chỉ trong một lá thư"
Trước tiên em xin báo một tin vui: cái thư em viết cho chị trước đây đã được đăng vào tờ "Việt Báo" rồi. Vậy là có hy vọng sẽ được in vào cuốn "Viết về nước Mỹ" đó chị, nhưng phải đến đầu năm tới mới xong. Trong lòng em hiện rất hăng hái, thích thú. Em nhớ lại 2 câu mà dì em hồi xưa đã bắt em phải học thuộc lòng vì thấy em lúc đó làm biếng, không thích đọc: "Chúng ta thắng bằng cách tiếp tục" (We conquer by contimuing) và "Khi đừng thay đổi, bạn dừng tăng trưởng" (When you stop changing, you stop growing). Vì vậy mà em đã cố gắng hết sức mình viết thêm những bài sau này, em hy vọng chị sẽ có dịp đọc các bài đó.
Bây giờ xin nhờ chị chuyển lời em kính tham anh Hoài. Thư trước em ít nhắc đến ảnh nhưng thật ra em vẫn ghi nhớ trong lòng công lao khó nhọc của ảnh lo lắng trong ngoài cho chị em mình. Bao nhiêu lần anh đã gánh vác thế cho em, có nhiều lần khách tưởng ảnh là anh ruột của em. Có nhiều khi từ chiều đến khuya ảnh tiếp khách phụ với em, anh luôn vui cười chìu khách nhất là sau vụ tấn công Tết Mậu Thân, có vài ông lính nhảy dù uống rượu hơi quá chén, la lối om sòm và muốn gây lộn. Lúc đó anh tài quá, can gián rất khéo để mọi việc đâu vào đó, không xảy ra chuyện mất vui vì lúc đó mấy ảnh có súng dài. Hai chị em mình mất cả hồn vía. Cũng có lần hai ông khách Mỹ dân sự say quá, ảnh phải đi theo taxi đưa hai ông về tận nhà.
Thật ra trong khoảng thời gian hơn 11 năm trời chúng ta làm ăn mà chỉ có vài chuyện không vui thì chẳng có đáng gì, chúng ta rất có phước chị nhỉ, hơn nữa các anh lính đã trải qua biết bao lao khổ, hy sinh xương máu để chúng ta có cơ hội làm ăn, lo cho gia đình đầy đủ thì sao ta lại trách phiền"
Em cũng không quên có anh trung úy tên Hảo rất đứng đắn, anh làm thơ và ngâm thơ rất hay lại tánh tình vui vẻ, có lần anh gặp một con chó con lạc mẹ, anh mang đến tặng em và chính anh ấy đã dạy em cách làm thơ, chắc chị vẫn nhớ anh ấy" Sau đó anh đổi ra miền Trung và hứa sẽ đến thăm chúng ta, thế mà không thấy anh trở lại. Chẳng biết anh ấy có còn sống không hả chị. Đời lính thời loạn là thế! Chẳng biết được ngày mai! Em cũng còn nhớ lúc còn giới nghiêm 9 giờ tối phải đóng cửa, thế mà có một hôm vì bận rộn quá chị em mình quên cả giờ giấc, thế là mình vội đóng cửa lại khi khách còn đầy quán và cũng không thể ra về.
Đây thật là một đêm đáng nhớ. Anh Hoài tắt hết cả đèn, đốt lên vài ngọn đèn cầy, tắt luôn cả nhạc, tất cả nói chuyện xầm xì, to nhỏ bên ánh sáng loe lét, lung linh, cũng nhờ đó là đêm thứ bảy nên những ông Mỹ dân sự không sợ phải đi làm ngày hôm sau. Có cả mấy ông Nhật, Đại Hàn và Phi nữa, không còn ông lính Mỹ nào. Đến khuya nghỉ bán, kẻ ngủ ngồi, người lăn chiêng nằm la liệt đó đây, ngủ ngáy như trâu rống. Ai thấy cảnh đó cũng phải tức cười và tội nghiệp cho mấy ông khách ngoại quốc được một bữa đau mình mẩy vì ngủ dưới nền gạch cứng ngắc dù có trải chiếu. Đêm đó cả nhà thức trắng luôn. Tội nghiệp anh Hoài cứ ngồi đứng không ăn vì sợ rủi bị xét nhà. May mắn quá đêm đó qua yên lành. Thật hú hồn vía.
Sáng sớm hôm sau chúng mình cho khách ăn một buổi điểm tâm thịnh soạn: hột gà ốp la với bánh mì mới ra lò để ăn mừng qua "một đêm không ngủ" hình như có đến 24 người khách chị nhỉ. Họ ăn uống thật vui vẻ nhộn nhịp, nói cười thân mật như trong một gia đình. Họ là những người dễ tánh vì ở cách xa gia đình, chúng mình lại quý khách nên họ biết ơn lắm. Sau đó họ xem cái quán mình giống như một "mái ấm xa quê" (Home away from home). Có nhiều ông khách còn mang quà rượu đến biếu chúng mình. Các ông lớn tuổi kêu chúng mình "My two little sisters". Lâu lâu chúng mình cũng đãi tất cả ăn uống trong dịp cúng kiếng ông bà.
Trong thời gian này anh "Vinh xăn" cũng bận bịu lắm phải đi tuần tiểu khắp nơi và bị cấm trại. Thỉnh thoảng mới về thăm. Anh hay biết vụ xảy ra như vậy, anh sợ lắm vì rủi quân cảnh xét nhà tìm lính thì anh phải làm phận sự, chúng mình có thể bị mất môn bài và ở tù. Anh dặn thật kỹ, phải để đồng hồ reo cẩn thận, không dễ ngươi được, sau đó gần đến giờ đóng cửa chúng mình lật đật đuổi họ về. Nói đuổi cho vui thôi, chứ anh Hoài và chúng mình đâu có vô phép như thế. Aø thỉnh thoảng anh Hoài cũng bị cấm trại, hai đứa cũng ngán.
Em lại nóng ruột muốn kể thêm về chuyện của chúng em từ ngày em trở về, sau chuyến thăm Vincent cũng đã hơn 3 tháng rồi đó chị à. Bây giờ anh "tâm sự" với em bằng tiếng Việt cũng khá lắm. Cái anh "dở hơi" này kêu em vài lần trong tuần, anh thường kể về cái gia đình vợ con mới, mà anh chỉ về thăm vào khoảng 11 giờ sáng ngày thứ bảy và chiều chủ nhật anh lại trở lại Cali. Anh kể rằng anh thường đi chơi với cậu con ghẻ tên Jimmy mới 13 tuổi, nó rất dễ thương. Hai người thường đi ăn hay xem ciné vì anh đã quen tánh sống một mình từ bao năm qua nên ít nói chuyện và khi muốn đi đâu thì vụt đi nhanh, đã 31 năm như vậy rồi thì khó sửa tánh quá, hơn nữa bà sửa soạn lâu lắc, lâu lơ lại còn 4 con chó quấn quít bên bà, mỗi lần bà đi phải chở theo hai con và còn phải nghĩ ngợi xem đến phiên cặp chó nào được đi. Tuy nhiên bà cũng ít phàn nàn, nhăn nhó.


Anh ta cũng đang học thêm tiếng Việt khi rỗi rảnh, em đã gửi bức thư em viết gửi chị cho ảnh, anh thích thú lắm đọc hoài, chữ nào không hiểu anh tra tự điển nên đã thuộc lòng và hiểu rất rõ nghĩa. Anh bảo nó giống như một trò chơi đối với anh, anh nói biết đâu có một ngày nào anh sẽ gặp lại anh Hoài và chị để anh trổ tài tiếng Việt với anh chị để hai ông bà ngạc nhiên chơi. Anh khen anh chị rất xứng đôi vừa lứa. Em cũng đồng ý với ảnh, vì nếu không "hợp tình hợp ý, loan phụng hòa minh" thì làm sao mà ăn ở với nhau từ năm 62 đến giờ là năm 2003 rồi. Em phục hai ông bà sát đất đấy nhé!
Aø mà anh Vincent cũng có kể một câu chuyện đã xảy ra cách đây đâu 10 năm, sẵn đây em kể luôn cho chị và anh nghe. Lúc ấy anh đang làm việc trong phi trường Kennedy gần New York City. Có một ngày chủ nhật anh đi dạo trong công viên Central Park vào mùa hè oi bức. Lúc anh đang ngồi đọc sách trên một băng đá, có một ông râu tóc dài thòng lòng, ăn mặc dơ bẩn (homeless) mang một cái bị cũ kỷ bạc màu ngồi xuống kế bên anh khi anh bỏ sách xuống ngừng đọc thì ông ấy nói khẽ vào lỗ tai anh: "Anh có thể cho tôi xin tiền lẻ" (Can you spare some changes"). Anh vừa móc túi ra, vừa nhớ giọng nói có vẻ quen quen, anh vội nhìn thẳng vào mặt anh ấy. Tuy nét mặt lộ vẻ chán chường đau khổ, nhưng anh và ông ấy cùng nhận ra nhau trong tích tắc. Anh vội ôm đôi vai gầy lắc nhẹ: "Tại sao thế này hở Tony" (What's wrong Tony"" với giọng quan tâm.
Tony với đôi mắt buồn rầu trầm giọng kể lể: "Sau khi ra lính trở về quê Texas, bị vợ bỏ đi lấy chồng khác năm 71, tôi chán nản quá uống rượu nhiều, làm việc ít, bị đuổi, cha mẹ lại sỉ nhục tôi xem như là một gánh nặng, thằng con trai tôi bị mẹ nó không cho tôi thăm. Chán ngán quá tôi phải đón xe đi nhờ (hitch-hike) trôi dạt mãi, lúc làm lúc không vì tôi ghiền rượu và muốn quên tất cả. Bây giờ tôi phải lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, lúc ở nhà ga, khi tấp vô trung tâm thương mại, đi lung tung, mùa hè thì vào công viên, ăn trong thùng rác, hay các nơi bố thí, xin được tiền ít thì mua bia, tiền khá hơn thì rượu. Đời đối với tôi giờ đây là vô nghĩa…chẳng còn gì."
Chị Hoa ơi! Chắc là chị còn nhớ cái anh Tony có tóc cắt cao màu đỏ hoe, mặt bị nhiều tàn nhang thường đến tìm Vincent tại quán mình trong ngày Chủ Nhật để cùng ăn trưa" Anh rất vui vẻ và cao cao cùng làm quân cảnh như Vincent. Hai người thích ăn thịt bò bít tếch của chị đó.
Sau khi nghe xong tự sự của Tony, Vincent nhìn cặp mắt đỏ lưng tròng và Tony đang cố đè nén những tiếng tức tưởi nghẹn ngào vì quá xúc động, mà chính cõi lòng của anh cũng đang đau xót cho người bạn xưa không kém. Anh vỗ nhẹ vai Tony "Ê, Tony anh có thể làm hơn thế này mà. Anh thông minh lắm, tôi biết" (Ah! Tony you can do better, you are a smart guy, I known) Tony ngước lên nhìn trân trân mặt bạn như không tin "How" (làm sao) không trả lời câu hỏi của bạn, anh đứng lên kéo tay Tony "Xin hãy đi theo tôi!" (please come with me). Anh đem Tony về nhà bắt tắm gội, đi hớt tóc, cạo râu sạch sẽ, mua cho mấy bộ đồ, mặc vào trông khác ngay, anh an ủi khuyên lơn và còn đóng tiền cho Tony đi cai rượu. Sau đó anh xin một việc làm quét dọn trong phi trường làm gần anh. Tony trở lại tánh siêng năng cần mẫn.
Anh Vincent còn đi mua vé máy bay cho con của Tony tên là Mark bay sang Nữu Ước thăm cha, bây giờ cậu đã 24 tuổi. Lúc gặp nhau hai cha con cùng rưng rưng nước mắt, ôm nhau trong im lặng, bỗng Mark hỏi: "Sau lâu quá ba mới tìm con" Mẹ có nói ba đã đi lính và chết ở Việt Nam mà." Tony liếc nhìn Vincent giọng ôn tồn nữa đùa nửa thật. "Đúng ba đã chết hơn 20 năm, nhưng nay ba được chú Vincent đây cứu sống" Mark chăm chú nhìn cha trong một phút, rồi lại xoay qua nhìn Vincent. Cậu thư thả gật đầu nhè nhẹ, nở nụ cười. Bây giờ cậu đã hiểu, người chú xa lạ lần đầu cậu gặp gỡ mà cũng là vị cứu tinh của cha cậu, người cha mà cậu chưa hề biết mặt. Quý hóa thay cậu bước đến bắt tay siết thật mạnh "người chú" đầy lòng nhân đạo rồi Mark đưa tay lên trán, thẳng người cúi chào theo kiểu nhà binh: "Con xin cảm ơn cậu đã cứu sống cha con và cho con được vinh hạnh gặp gỡ cha con và cậu." Sau đó Mark đã tìm được việc ở Nữu Ước và sống gần cha. Bây giờ hai cha con đều lập gia đình và cuộc sống của họ cũng thoải mái, Tony được lên chức quản lý về việc làm sạch sẽ trong phi trường.
Vincent bảo Tony là người tốt nhưng vì chán nản bị rượu chè mà hư đời, nhưng không bao giờ trể để thay đổi. Vì ở Việt Nam Tony thấy biết bao chuyện đau thương, đến khi về Mỹ lại bị cú sốc (shock) của gia đình nên anh đã tuyệt vọng, mất hết niềm tin lại còn trẻ nên dễ chán nản mà chẳng có người an ủi khuyên lơn nên anh mới mượn rượu giải sầu và trở thành như vậy. Anh bảo chúng ta không nên tiếc lời vì có câu: "Một lời khích lệ có thể thay đổi giữa bỏ cuộc hoặc tiếp tục" (A word of encourageme-ment can change between giving up or going on) và "Một gương chứng nhỏ có thể gây ảnh hưởng lớn" (A little example can have a big influence). Aûnh rất an lòng và thõa mãn khi thấy Tony thay đổi.
Chị Hoa thân mến ơi!
Chắc chị cũng cảm động như em khi biết về Tony chị nhỉ! Đời con người ngắn ngủi lắm, chúng ta cần phải mở lòng rộng lượng, làm điều thiện càng nhiều càng tốt chị nhỉ, vì khi chúng ta xuôi tay đi theo ông bà thì cũng chỉ hai bàn tay trắng mà thôi "của thế gian lại hoàn trả lại cho thế gian", "Của Ceasar trả lại cho Ceasar".
Em cũng xin báo cho chị rõ, em sẽ trở về Việt Nam vào ngày 28 tây tháng này để thăm bà con, bạn bè và nhất là để cúng quảy ông bà, cha mẹ dì dượng và thân quyến, cũng như ra thắp nhang thăm mộ người thân.
Chị cũng biết bà con em đông lắm, ai em cũng thương cả, vì dù sao em cũng có phước hơn họ. Em sẽ trở lại Hawaii vào 19 tháng 3 năm nay.
Đã hai lần em viết thư tâm sự với chị, thư nào cũng quá dài, chắc chị đọc bắt mệt. Nhờ vậy mà lòng em cảm thấy vui tươi, bớt đi nổi buồn xa xứ, nhưng em sẽ thực sự mãn nguyện, thỏa lòng là khi nào hai chị em ta được trùng phùng hội ngộ ngồi bên nhau kể chuyện xa xưa, vui buồn có nhau. Vì quả thật trên đời này tìm được một người bạn có tấm lòng vàng như chị khó khăn và hiếm hoi lắm chị à!
Người đời thường bảo: "Thà cho vàng chứ không ai dẫn đàng đi buôn" thế mà chị đã dẫn đàng, giúp đỡ, an ủi em khi em tuyệt vọng. Nhờ học ở chị mà em có được cuộc sống như ngày nay. Em chúc mùa xuân này anh chị được hạnh phúc và gia đình vạn an.

Em chị
Thu Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến