Hôm nay,  

Nghề Gõ Đầu Trẻ Trên Đất Mỹ

07/03/200300:00:00(Xem: 493956)
Người viết: PHẠM HOÀNG CHƯƠNG
Bài tham dự số 3141-748-vb50306

Tác giả Phạm Hoàng Chương, sinh năm 1944 ở Phan Rang. Tại Việt Nam, ông là giáo sư Pháp văn trung học đệ nhị cấp trước 1975. Năm 1984, ông vượt biên với con trai 11 tuổi và định cư tại Mỹ. Đi học college trở thành giáo viên trường công lập Mỹ năm 1990 đến nay. Bài viết của ông gồm nhiều chi tiết về sinh hoạt học đường Mỹ rất sống động, hữu ích. Mong ông sẽ tiếp tục viết thêm. Bài đăng 2 kỳ.

Tôi dạy Pháp văn 7 năm trung học đệ nhị cấp ở Việt Nam. Khả năng Anh văn chỉ đủ sức dạy các lớp đệ nhất cấp. Năm 1975, đi học cải tạo về nai lưng ra làm các nghề lao động chân tay, vô hợp tác xã để trốn khỏi đi kinh tế mới.
Tám năm dưới chế độ cộng sản, vốn tiếng Anh gần như tiêu tùng, vì dạy hay học tiếng Anh cho người nước ngoài lúc đó bị coi là phản quốc. Vượt biên năm 83 qua trại tỵ nạn Hồng Kông, nghe cảnh sát nói tiếng Anh thì hiểu, nhưng trả lời thì ngọng nghịu như người cụt lưỡi. Qua Phi năm 84 học ESL và ghi tên học khóa Mental Health Services cấp tốc ba tháng với các ông bà giáo Phi tự động tiếng Anh được nhuận sắc trở lại. Vốn tiếng Anh như con dao bấy lâu bị cùn lụt sét rỉ, giờ đây được mài giũa. Qua Mỹ, tuy vậy đi học lớp đêm ESL thì nói chuyện bạn học không ai hiểu mình nói gì, trừ bà thầy. Vậy mà nghiệp đã đưa đẩy cuối cùng rồi cũng đàng hoàng đỗ đạt chính thức làm public school teacher tại California.
Nhớ năm 85, học ESL một tuần hai đêm ở San Diego, bà thầy 70 tuổi bảo "Anh biết 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, anh có thể học trở thành nhà ngoại giao. Why not""
-My goodness, tôi đã già rồi.
-Anh bao nhiêu tuổi" Bà thầy hỏi lại
-41.
-Anh biết tôi năm nay bao nhiêu tuổi không" Tôi 70 rồi mà năm 60 tuổi tôi còn đi học Luật và lấy xong bằng Cử nhân luật. Never too late!
Tôi nhớ mãi câu "never too late" của bà thầy già về hưu ăn mặc sặc sỡ, móng tay dài đỏ choét của năm 85 xa xưa ấy. Sau 2 năm làm machine shop và cắt co, tôi trở lại trường học năm 90, rồi học đêm lấy luôn master degree về giáo dục năm 93.
Không ai hướng dẫn việc học nhưng được miễn một số lớp, nên tôi mất hết 4 năm (thay vì 5 năm) vừa cắt cỏ, vừa nuôi con, vừa học college lẫn University. Chưa kịp ra trường, trong một Job Fair ở Fresno, học khu San Bernardino đã chụp mướn tôi ngay về làm cho một trường tiểu học có tới gần 100 học trò Việt Nam và Campuchia, lương 28 ngàn một năm với đầy đủ benefits. Cung quan lộc trong tử vi tôi có tướng quân phục binh bị tuần nên cũng trải qua nhiều nổi gian nan cay đắng trong nghề và thay đổi học khu 2 lần.
Trường đầu tiên trúng bà hiệu trưởng Mỹ đen 54 tuổi có chồng mà không con, có ý không thích tôi vì đã chọn một ông giáo Việt Nam khác trong một Job Fair ở San Francisco. Không hiểu sao vào giờ chót học khu lại kiếm được tôi và bổ nhiệm lại trường bà ta, còn ông giáo kia vợ sắp sinh nên phải nán lại ở Utah, chưa qua Cali được.
Tôi là thầy giáo Certificated Việt Nam đầu tiên ở đây, vì bấy lâu họ tìm không ra, chỉ mướn toàn tutors Việt Nam, nên tháng đầu nhìn qua là thấy bộ các tutors Á Đông ở đây có vẻ ganh tỵ, dè dặt không mấy niềm nở với tôi, vì việc gì rắc rối của người Việt với công sở bên ngoài, trường cũng nhờ tôi đi nói chuyện thay vì nhờ họ như trước. Trường có gần một nửa nhân viên là Mỹ đen, hiệu trưởng, hiệu phó, ESl teacher, teacher lớp 5, libradian đều là Mỹ đen. Học khu tính đưa tôi dạy ESL cho học trò Đông Nam Á, nhưng không chuẩn bị kịp một lớp như thế, nên bắt tôi dạy tạm lớp Một regular. Lớp có 33 học trò: đen, trắng, Mễ, Việt,Campuchia, Hmong… đủ thứ.
Mới đầu, liên hệ giữa tôi với bà hiệu trưởng Blackwell có hơi găng: quan sát trong lớp hai lần, bà phê tôi tiếng Anh còn yếu, chẳng hạn tôi viết trên bảng "We make a kite" là sai. Lẽ ra phải viết "We made a kite". Tôi lớn tiếng nói tôi cố ý dùng present tense cho đơn giản, học trò lớp một chưa biết past tense. Bà hiệu trưởng không thèm trả lời, kêu cô giáo lớp 5 cũng Mỹ đen là master teacher của tôi trong năm đầu, nói chuyện với tôi. Cô này 30 tuổi đi nước giữa, nói ai cũng đúng, tùy trường hợp mà dùng "made" hay "make" thôi.
Trên học khu có mấy nhân vật cao cấp thường xuyên xuống coi tôi dạy trong nửa năm đầu. Có một ông Human resource coordinator và một bà Mễ đỗ tiến sĩ về bilingual rất nice (là 2 người mướn được tôi về) ngoài ra một bà người Anh chuyên training về bilingual teachers cũng rất tốt luôn luôn bênh vực tôi, mỗi khi hội đàm với bà hiệu trưởng. Tôi cũng biết thân, luôn luôn giữ kẽ, ít khi nói chuyện với đồng nghiệp.
Có một bà Mỹ đen dạy resource rất tốt, thấy tôi chân ướt chân ráo, đem cho tôi một xấp bài tập, keep học trò busy trong tuần lễ đầu tôi mới tới đây, chỉ cho các sách phải dùng. Mỗi lần tôi than phiền điều gì, bà "xuỵt" bảo im và chỉ các đường dây telephone trên tường: "Coi chừng trên office nghe được, rắc rối cho anh, không nên complaine ở đây."
Một lần khác, bà Blackwell chê tôi làm biếng, cứ để các bài làm học trò cũ, các bức vẽ cũ trên tường mãi không chịu thay cái mới. Có lần bà nói mấy phụ huynh complain con cái họ không hiểu accent tiếng Mỹ của tôi, muốn đổi chúng qua lớp khác. Bà khuyên tôi lấy một lớp anh văn đàm thoại ở college. Tôi vâng lời ngay, tuy biết cũng chả lợi lộc gì, lấy lớp cho bà vui lòng, thế thôi. Bà Mỹ trắng resource nói nhỏ với tôi: "Anh ráng chịu đựng probation 2 năm bà hiệu trưởng muốn gì cứ làm theo, đừng cãi, sau đó anh muốn làm gì tùy anh, không ai làm gì anh được." Tôi nghe lời, cố gắng chìu lòng bà Blackwell, để ý chìu cả những người thân cận cộng sự với bà ta, và hăng say đi dự workshop liên miên để trau dồi nghề nghiệp.Thái độ mềm mỏng và sự chịu khó này làm bà thay đổi thái độ hẳn, khi nói chuyện nhìn thẳng vào mắt tôi và cười, chứ không có vẻ lạnh lùng như trước.
Vào tháng ba, bà cho tôi xem tờ evaluation của bà về tôi: bà cho tôi "pass" năm đầu, tiếp tục dạy năm thứ hai ở đây. Vào cuối tháng năm, nhân một chuyến đi Field trip ở Los Angeles lúc các thầy cô thong dong đi bộ shopping bà kêu tôi đi trước sánh vai đi cùng cho tôi một lunch box.
Một lúc khác, tình cờ tôi nghe lõm bà giáo đồng nghiệp Acosta kháo với một bà khác là ngày sinh nhật bà hiệu trưởng ngày 2 tháng 6 sắp tới. Tôi nảy ra một ý định, mua một xâu chuỗi đeo cổ bằng đá quý trị giá 7 đôla để dành làm quà cho bà lấy cảm tình. Dù sao bà ta cũng tử tế và lúc trước ghét mình chẳng qua vì chưa biết tánh tình nhau thôi. Món quà mọn không đáng bao nhiêu đó, không ngờ đã làm bà cười toe toét ôm chầm lấy tôi và tỏ ra hết sức niềm nở thân ái với tôi từ đó về sau.
Mấy hôm sau bà liền thoắng khoe công trạng "Năm tới anh khỏi dạy regular 6 tiếng một ngày nữa, tôi xin thêm một teacher thứ ba vào nhóm resource teachers và họ chỉ định anh. You are OK now."
Đối với tôi, dạy regular cũng không sao, học trò của tôi 70 phần trăm có test score cuối năm rất cao so với học sinh toàn quốc, nhưng làm resource teacher cũng nhàn, chỉ việc kéo 5 mười đứa nhỏ vào lớp mình dạy ESL 55 phút, rồi trả về cô giáo chúng, kéo một nhóm ở lớp khác, cứ thế một ngày 5 lần. Trong thực tế, nhiều khi chỉ dạy một ngày có 3 xuất, còn 2 xuất đóng cửa ngồi chơi không, vì cô giáo muốn giữ học trò lại trong lớp để thi test hay để dạy một bài học quan trọng nào đó.
Tôi được cái khéo tay, Tết năm nào cũng mày mò uốn dây thép nắn con dê, con khỉ, con gà, phất giấy màu làm những con thú vật "12 con giáp" và đóng góp vài màn kịch múa vào chương trình văn nghệ trường mỗi dịp Tết, nên uy tín lên rất cao được lòng nhiều người ở trường. Tuy vậy, nếu không gỡ kịp những trang hoàng của Chinese New Year trước cuối tháng hai là mấy bà giáo Mỹ đen tới lột ngay, và dựng bức tranh to tổ bố của "The month of the Blacks“ lên sân khấu ngay, nếu tôi complain, họ vênh mặt nói: "Anh biết tổ tiên người Blacks tôi bị bọn da trắng hành hạ như thế nào không" Các anh tới đây như người tỵ nạn được ưu đãi, có welfare, có medicare đủ thứ, chúng tôi tới đây như nô lệ" làm tôi nín khe, nhẫn nhục.
Dần dần, tôi biết bà Blackwell có gốc rất bự ở trên học khu, nên bà rất ư là superpowerful. Mấy người có bằng tiến sĩ trên học khu không ai dám động tới bà, sợ mang tiếng kỳ thị chủng tộc, bị kiện cáo mất công. Các cô giáo và tutors sợ bà một phép. Nhiều giai thoại kể về bà một lần hung dữ quát mắng một cô teacher nào đó cãi lại bà trong office. Có lần mấy đứa nhỏ gái làm dơ dáy cầu tiêu nữ, bị bà Mỹ đen custodian to béo báo cáo, bà la mắng sang sảng trong loa từ trên office xuống tất cả các lớp, các thầy cô giáo đều lắc đầu le lưỡi nháy mắt nhau. Bà thích được nịnh và biếu quà trong các dịp lễ lớn. Bà ưa ăn thức ăn Việt Nam, nữ trang vàng ngọc và được một tutor VN đàn bà tên Hiền chiều chuộng hết mình để đổi lại các đặc ân.
Hiền kể là bà chỉ nể có bà Carter, hiệu phó người Mỹ đen, và mấy bà giáo Mỹ trắng có chồng giàu. Dưới bà có một bầy cộng sự viên "ăng ten" chuyên môn đi thọc mạch và báo cáo lấy điểm. Tuy nhiên bà là một người đàn bà đẹp, có lòng nhân còn sung sức mà cô đơn, chồng bị bệnh đau tim, huyết áp, đái đường gì đó, lại không có con. Ngày chồng bà đột ngột qua đời, cả trường không ai dám nói lớn. Tôi mang cho bà chai rượu thuốc uống cho tiêu sầu, ôm lấy vai bà an ủi, bà cúi đầu bẽn lẽn cám ơn, dấu chai rượu dưới gầm bàn, sợ bà thư ký Mỹ trắng thấy. Sau này mới biết achohol là tuyệt đối cấm ở trường học.
Bà đôi lần buồn bã tâm sự không chịu nổi cô đơn sống một mình trong ngôi nhà rộng lớn. Sau đó bà đi du lịch Hồng Kông, Âu Châu kể chuyện có ông chủ tiệm nữ trang nào đó ở Ý muốn cưới bà, các bà giáo Mỹ đen ai cũng can. Bà nhờ tôi, xem tử vi hỏi về sao flower (đào hoa) sao "bird" (phượng các) sao hỉ thần của bà, hỏi bao giờ lấy chồng lại, làm tôi lúng túng không biết trả lời sao. Năm mươi bảy tuổi mà còn muốn tái giá sao" Năm cuối trước khi về hưu, cảm thấy mệt mỏi và làm việc share với một bà Mỹ đen khác ở đâu tới, bà chê lương bị cắt hơn một nửa nên không đủ tiêu.
Bữa tiệc chúc mừng ngày bà về hưu thật to, cũng vào thời điểm có những chuyện xui xẻo rắc rối xảy ra cho tôi khiến tôi từ bỏ học khu và ngôi trường hắc ám này.
Một lần tôi làm yard duty buổi sáng sớm, có thằng Mỹ đen lớp 5 cao to hung hăng đánh mấy đứa bạn, tôi phải khóa tay nó điệu lên office giao cho bà Carter, nó gọi tôi "bitch" và "I don't give a shit". Nó đá cả vào chân bà Carter. Trong 5 mười phút sau, cả một cái office đông đen nào là cảnh sát, hiệu trưởng, cha mẹ thằng học trò du côn, toàn là Mỹ đen, lao xao lào xào vì có sự xô xát giữa học trò và thầy giáo. Rốt cuộc bà hiệu trưởng, bà Carter và tôi lên học khu giáp mặt với cha con thằng nhỏ, nghe hearing. Họ quyết định đuổi nó ra khỏi học khu. Qua tháng sau, tôi dơ tay suýt tát một thằng học trò da trắng hỗn láo. Thằng này là bạn của thằng Mỹ đen vô kỷluật vừa mới bị đuổi. Nó tưởng tôi làm cho bạn nó bị đuổi nên gặp tôi đâu là gọi tên tôi xấc xược, rồi giơ chân giơ tay đấm đá nó. Tay tuy đã dơ lên nhưng tôi ngừng kịp thời. Nó láu lỉnh xoa tay vào má cho đỏ ửng lên và kêu rêu tôi tát nó, có cả hai đứa bạn làm chứng. Bà hiệu trưởng Mỹ đen mới đổi về, chẳng biết thực hư, tưởng tôi tát thật, càu nhàu trách tôi không có kiên nhẫn, ai dè chờ cả tuần không thấy bà mẹ nó lên complain, chỉ vì nó không dám kể cho má nó nghe. Tôi vẫn cứ làm một lá đơn phân trần đưa cho Union phòng khi có sự rắc rối.
Rồi tôi đứng về phe bà hiệu phó và bà Owen, chống lại thái độ lợi dụng sự thương yêu của bà Blackwell để trốn làm yard duty nhiều lần và dành chức facilitator hay coordinator gì đó, khỏi phải đứng lớp của cô Mỹ đen lớp 5. Kế đó, lại xảy ra sự trả thù nhỏ mọn của một vài tutors ở trường bị tôi châm biếm chỉ trích tìm cách hãm hại khiến tôi gặp rắc rối với học khu. Tôi quyết định xin từ chức, chạy qua Santa Ana xin việc.
Sau bốn năm kinh nghiệm buồn nhiều hơn vui ở ngôi trường nhỏ ở xứ Inland Empire khô khan cằn cỗi, tôi buông tay xả bỏ cho đúng với cách đại tiểu hạn đều có tùng quân phục binh bị Tuần ở cung quan, đại hạn 46 tới 55. năm đó tôi đúng 50 tuổi và mức lương chỉ mới 35 ngàn một năm.
*
Học khu thứ hai tôi làm việc là ở San Jose, một nơi mà khi ra trường tôi có lên chơi nhưng không thích làm việc vì nhà cửa đắt đỏ và khí hậu lạnh lẽo. Nam Cali mặc dù rất đông học sinh Việt nam nhất là học khu Westminster và Garden Grove, bấy giờ một phần ngân sách bị thâm thủng, một phần sợ ảnh hưởng thế lực thầy cô giáo Việt đông có thể làm áp lực thay đổi chính sách của Board of directors, nên các học khu cố ý khước từ các thầy cô Việt Nam xin vào dạy. Ở Fresno thì đa số học sinh Á Châu là người Hmong, nên Việt Nam khó có hy vọng nhảy vào.
Các học khu Bắc Cali, như Sanjose và Oakland lại khác, học trò Việt nam đông, họ có nhiều bilingual programs mà thầy cô Việt Nam lại không đủ, nên khi tôi apply, một học khu lớn nhất ở đây chộp ngay. Ông hiệu trưởng interview 5 thầy cô và quyết định chọn tôi, có lẽ vì tôi có bằng M.A và đã có kinh nghiệm dạy trường Việt lẫn trường Mỹ.
Lớp tôi phải dạy là 2-3 combination. Trước đây, một cô giáo Mỹ bị ép phải học tiếng Việt để đảm đương lớp Việt Nam này, nhưng học không nổi họ đành phải mướn một teacher Việt Nam thiệt sự. Ở đây, vì đời sống cao, lương tôi theo scale của học khu là 39 ngàn, tôi phải dạy 32 đứa nhỏ Việt Nam, mà dạy cả tiếng Việt mỗi ngày một giờ. Cùng trường tôi dạy có 4 cô giáo Việt Nam khác, một cô giaó dạy mẫu giáo regular, một cô dạy ESL, 2 cô kia dạy lớp 4 và 2, học trò toàn Việt Nam như tôi.
Ông hiệu trưởng một trường Middle school nào đó mới đổi về. Cũng may, ông không thích để ý chuyện nhỏ nhặt như mấy bà hiệu trưởng, một phần cũng vì chân ướt, chân ráo mới đối với tôi, cần phải học hỏi, cũng côá địa vị cái đã. Các đồng nghiệp Mỹ trắng cũng tốt, chẳng hề soi mói đến việc của bilingual program. Chị Nhượng là giáo viên ESL thâm niên ở đây, có nhiều uy tín, lại giới thiệu tôi làm hiệu phó cho một trường Việt Ngữ mỗi sáng thứ bảy ở downtown, kiếm thêm chút tiền.
Trong ba năm đầu mọi sự đều êm đẹp. Các lớp bilingual đều có một tutor theo giúp. Học trò Việt rất ngoan và chăm học. Tôi nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh trong lớp, cũng chả đồng nghiệp nào thắc mắc. Mỗi Tết nguyên đán, tôi chủ động trong việc tổ chức Chinese New Year program trên sân khấu của Cafeteria theo truyền thống của trường, vẽ background sơn màu lộng lẫy, mua băng nhạc thiếu nhi về tập múa hát cho học trò Việt Nam để thầy cô học sinh cả trường xem, chia làm hai xuất cho upper grades và primary grades. Chị Nhượng lo tìm người múa lân, ngân sách trường đài thọ. Điểm thi cuối năm của học trò cuối năm bao giờ cũng cao và nếu có trò nào còn kém thì chẳng qua vì chúng là English learners không ai buồn trách hay moi móc làm gì.


Rồi bilingual program bị đa số dân chúng hủy bỏ, tôi phải dạy regular. Ông hiệu trưởng lúc đầu có vẻ lo ngại sợ tôi không quen với đường lối dạy của văn hóa Mỹ và accent tôi hơi cứng, nhưng may thay suốt năm chẳng có phụ huynh nào phàn nàn tới tai ông về tiếng Anh của tôi.
Vì dạy 2-3 đã 3 năm liền nên tôi được dạy lớp 2 straight. Lúc đó, class size từ lớp 3 trở xuống lại cắt giảm còn có 20 học trò một lớp, nên dạy rất khỏe. Test score học sinh cuối năm, năm nào lớp tôi cũng bằng hay cao trội hơn các lớp 2 khác. Ông hiệu trưởng cứ mỗi lần trách một lỗi lầm nhỏ nào của tôi cũng đều an ủi "you are one of the best teachers of this school" không biết nói thiệt hay xã giao. Ít khi ông vào lớp rình rập quan sát cách tôi dạy, ngoại trừ những lần evaluation chính thức cứ 2 năm một lần. Trong khi đó, lương bổng cứ đều đều tăng theo ngạch trật và cộng thêm tiền tăng cho cost of living mỗi năm.
Năm 2000, vì kinh tế vùng Silicon bộc phát, nhà cửa lên giá ào ạt, học khu tăng lương 8% cho toàn thể giáo chức, lương tôi lên 55 ngàn. Cùng lúc đó, chị Vân Anh bạn VN đồng nghiệp cùng dạy lớp 2, lại mách riêng tôi một chuyện hữu ích: đem giấy chứng nhận đã dạy nhiều năm bên Việt Nam, đưa cho Human Resources để lãnh "rappel" 16 ngàn, lại điều chỉnh mức lương từ 50-63 ngàn. Nghề dạy bây giờ mới thấy là mát mặt, lên hương vì lương cao ngang với kỹ sư mà một năm được nghỉ nhiều hơn, Thanksgiving, Christmas, Easter, Summer… tính ra một năm thực sự làm việc có 8 tháng rưỡi, nghỉ hè lại được dạy Summer school kiếm thêm mấy nghìn nữa.
Bù lại, làm nghề giáo trên đất Mỹ cũng có nhiều bất mãn và stress. Đi dạy mà như làm dâu trăm họ. Aùp lực từ trên học khu đưa xuống, từ hiệu trưởng, từ cha mẹ học trò, từ đồng nghiệp và từ học sinh. Trên học khu lâu lâu nghĩ ra một phương pháp dạy mới, bắt thầy cô giáo đi học, hội thảo, áp dụng. Một năm gửi xuống 6 cái test vừa math vừa writing cho học trò làm, làm như teachers không biết cách thử trình độ học trò. Sách giáo khoa thì chọn những bộ sách dày cộm, trong đó không biết nhồi nhét bao nhiêu là kiến thức quá cao đối với trình độ học trò, bắt teachers dạy khoa học, vật lý cho những đứa học trì lớp hai, lớp ba tay chân mặt mũi lem luốc những đất, còn ham ăn vặt, dành đồ chơi và xin đi bathroom suốt ngày. Học trò có hiểu hay không, học khu không cần biết, cứ căn cứ vào điểm thi cuối năm mà đánh giá teachers.
Chức năng và giá trị của ông thầy ở Mỹ không được xã hội kính trọng như ở Việt nam. Quá nhiều luật lệ nhiều khi trong ngành giáo dục, ăn nói làm gì cũng phải giữ mồm giữ miệng, hở một chút là động chạm tự ái học sinh, tới phụ huynh tới đồng nghiệp có văn hóa và màu da khác, tới luật pháp. Xứ Mỹ là cái xứ mà bất cứ chuyện to chuyện nhỏ gì thiên hạ cũng ưa kiện cáo. Chuyện cha mẹ complain thầy giáo xảy ra như cơm bữa ở văn phòng hiệu trưởng. Con học giỏi mà không được dự "ice cream party" cũng gọi complain. Homework cho weekend quá nhiều hay nếu con làm không không hết cũng complain, yêu cầu giảm bớt. Con họ đánh nhau với đứa khác ngoài sân cũng gọi complain.
Lái xe quá nhanh ngoài phạm vi trường cũng complain. Một lần tôi lái xe vút sau lưng một bà Mỹ đen dẫn con đi học băng qua đường (thay vì stop và chờ cho bà bước hẳn lên vỉa hè bên kia) làm bà sợ, bà đánh máy cái đơn rồi photo copy 3 bản gửi lên hiệu trưởng tôi, sở cảnh sát và học khu phàn nàn, nói là cần phải trừng phạt tôi, sợ e có ngày tôi ở đây sẽ cán chết con nít. Hiệu trưởng gọi tôi lên cho hay, nhưng phì cười về chuyện người đàn bà nhát gan khiếu nại lãng xẹt. Cảnh sát gửi một nhân viên giá tới trường gặp tôi nói một hai câu yếu ớt cho phải phép rồi đi mất. Còn học khu thì làm ngơ giả điếc như không biết tới lá đơn.
Phụ huynh Mỹ ít khi nghĩ công ơn thầy cô nhọc nhằn dạy dỗ cho con cái họ như phụ huynh Việt Nam. Một số đông không biết tự lo việc uốn nắn dạy con ở nhà, chỉ tìm cách bắt lỗi bắt phải, hăm dọa thầy cô, bất kể sau này thầy cô có để bụng ghét bỏ con họ hay không. Tôi nhớ có lần, một bà mẹ Mễ oang oang hung dữ trong phone nói con gái bà Raquel (mới từ trường khác đổi tới, rất lơ đãng, chậm chạp và ưa cãi lộn với bạn) bị một đứa bạn tên Alyssa ăn cắp viết chì và lấy bớt một phần ăn trong lunch box của nó. Tôi trả lời chuyện đó xảy ra ngoài sân chơi, bà nên trách mấy người yard duty. Tuy nhiên tôi gọi phone mách cha của Alyssa và ông này dẫn con lên lớp ngay hôm sau nói Alyssa lượm viết chì đó trên sân chơi và không biết của ai mà trả lại. Tôi gọi mẹ Raquel thuật lại tự sự, bà này hung dữ lớn tiếng trong phone: "Chính con gái tôi nói con bé đó bóp nát phần ăn của nó, con tôi đi học phải nhịn đói, vậy thì tôi phải nói chuyện với ai, hiệu trưởng, office, yard duty hay học khu" Tôi có thể chất vấn học khu tại sao để con tôi đi học phải chịu nhịn đói vì lunch box bị dẹp nát không thể ăn được." Tôi nén bực tức, trả lời "bà nên dặn con bà gọi mấy bà yard duty để complain, nếu chuyện đó xảy ra ở ngoài sân. OK"".
Một lần khác, trong khi cùng toàn trường diễn hành Haloween parade quanh sân trường, theo truyền thống Mỹ, thầy cô nào cũng hóa trang cho vui, tôi cắc cớ đóng vai một tên cướp biển, đeo mặt nạ, nhưng vì làm con dao giả bằng giấy không kịp nên lấy đại con dao thiệt trong kitchen của phòng ăn teacher chạy ra, vừa đi vừa khoa dao lấp lánh dưới nắng chiều, cốt làm sợ trẻ con cho đúng nghĩa Haloween. Một lát sau bị ngay ông hiệu trưởng chạy xuống cho biết có 4, 5 phụ huynh gọi phone tới tấp về chuyện mình cầm dao thật quơ qua quơ lại như muốn chém giết trẻ con. Ông xin lỗi phải làm một tờ khiển trách bỏ vào hồ sơ cá nhân tôi cho đúng phép, bởi vì weapon và achohol là hai thứ tuyệt đối cấm mang vào trường, nhưng trấn an là đã giải thích với mấy ông trên học khu, hy vọng là mình không bị rắc rối gì. Tội nghiệp, ông có vẻ lo lắng giùm mình mất cả tuần lễ. May mà sau đó không ai nhắc tới chuyện đó nữa. Thật là một bài học đích đáng xin chừa tới già.
Nói về hạnh kiểm học trò Mỹ, thì thôi ai cũng biết, con nít ở đây có quá nhiều tự do, lại khôn lanh quỷ quyệt, cha mẹ bận đi làm tối ngày đâu có thì giờ chỉ bảo dạy dỗ, lại không dám đánh mắng, nên đa số vào lớp gặp thầy cô nào thiếu bản lãnh là ồn ào hỗn láo, lì lợm hết chỗ nói. Ngoại trừ các học sinh Á Châu như Phi, Việt, Tàu, Ấn Độ, Đại Hàn nổi tiếng chăm ngoan theo truyền thống, học sinh Mỹ và Mễ ngoài số ít thông minh chịu khó, còn số không nhỏ lười biếng hết chỗ chê. Hình như đa số con nít ở Mỹ tới lớp để kiếm bạn vui chơi, chứ không phải để học. Con nít gì mà mới 7 tuổi đầu đã trao đổi số phone, biên thư tâm sự cho nhau, lo lắng bạn bè không chơi với mình. Nhiều đứa mang tiền và đồ chơi vào lớp khoe với bạn, tới lúc bạn ăn cắp mất thì khóc ầm ĩ không biết đâu mà xử. Có đứa ưa vẽ bậy, có đứa ngồi đu đưa trên ghế 2 chân, có đứa đi tới đi lui khắp phòng, có đứa đứng viết chứ không ngồi, có đứa chọc ghẹo nhau, trình độ có đứa thì quá giỏi, quá lanh, có đứa quá dở, quá chậm, khó lòng dạy dỗ cho đồng trình độ, khó lòng xóa bỏ được ngăn cách giỏi dở. Mà khổ một cái đứa giỏi thì ưa làm ồn, không cho đứa chậm học. Dạy đứa dở thì đứa giỏi làm ồn, dạy đứa giỏi thì đứa dở không ai coi, giao cho đứa giỏi kèm đứa dở cũng khó mà vừa ý mình, mà con nít cũng ít đứa thích dạy bạn, phải đưa kẹo bánh "good guy tickets" ra dụ.
Có một dạo xưa kia học khu trường sắp xếp theo trình độ cao, thấp (chẳng hạn lớp 2A, 2B, 2C) để lợi cho cả thầy lẫn trò, nếu đứa nhỏ tiến bộ sẽ "move" từ 2C lên 2B hay từ 2B lên 2A, nhưng sau này cha mẹ những đứa kém và chính con nít kém cũng không chịu, sợ bị "label" là học lớp C, lớp B đâm ra có mặc cảm không tốt, bị chúng bạn cười chê. Một cái lạ là cha mẹ ở xứ này ít chịu hy sinh dạy kèm con cái ở nhà, cứ đổ thừa cho công việc làm ăn bận bịu, đổ mọi sự dạy dỗ lên đầu thầy cô. Chưa kể có những đứa trẻ có cha mẹ nghiện rượu hay xì ke bị ảnh hưởng từ trong thai ra, bị bện ADD, hyperactive, trí nhớ kém, hay lơ đãng lúc nào cũng lăng xăng tay chân mồm miệng trong lớp, khó lòng mà dạy dỗ học hành đến nơi đến chốn được. Có những đứa cha mẹ ngồi tù, phải ở với bà ngoại hay dì cô, mất căn bản học, hỗn láo hoang đàng, ăn nói tục tĩu.
Đã thế hầu như một phần ba học trò có cha mẹ ly dị, phải ở với babysitter từ lúc rời trường tới giờ cơm tối, cha mẹ nhiều khi không thấy vác mặt tới trường lần nào, cả năm cực chẳng đã tới trường có một lần để conference. Học trò có cha mẹ loại đó tất nhiên homework ít khi làm nộp thầy cô, bài vở làm nửa chừng không xong trong lớp nhét đầy hộc bàn. Mình thương học trò, sợ chúng mất căn bản lớn lên khổ ráng sức dạy, đôi khi thấy chúng bê bối nổi nóng phải la hét, la hét thì người lớn bênh con, complain tới tai hiệu trưởng. Muốn dạy chúng ngoan ngoãn vâng lời thì vì quen văn hóa Việt Nam "Yêu con cho roi cho vọt" đôi lúc phải dùng "cương" không thể "nhu" mãi được.
Nhưng dạy học ở Mỹ, hầu như tất cả thầy cô đều dùng "nhu" ít ai dám dùng "cương". Nói chuyện với học trò phải nói lễ phép như đối với người lớn, với đồng nghiệp, không được chê bai nó trước mặt bạn bè, sợ chạm tự ái đứa nhỏ. Đừng nên bao giờ làm đứa nhỏ tức giận, vì sẽ gặp nhiều rắc rối khôn lường. Con nít bên này tinh ma quỷ quái, nó bịa chuyện mình rờ rẫm nó, đánh nó để mình "get into trouble" chơi. Gặp trường hợp đó rất khó bề chối cãi, nhất là thầy giáo đàn ông.
Bên xứ Mỹ, chuyện "child abuse" xảy ra hàng ngày, luôn luôn lỗi về phần người lớn. Thầy cô thấy đứa bé bị trầy mặt sưng má phải tra hỏi xem có phải cha mẹ đánh không để gọi counselor, gọi cảnh sát. Hiệu trưởng cũng liên lụy mất job, nếu teachers làm bậy mà không báo cáo lên học khu. Thành thử thầy cô phải dựa theo thái độ hiệu trưởng mà đối phó với phụ huynh và học trò. nếu hiệu trưởng dữ dằn, có thể lực trên học khu thì mình cũng dữ dằn nghiêm phạt. Hễ hiệu trưởng nhát sợ phụ huynh, thì mình phải bắt chước mềm theo. Ông hiệu trưởng tôi rất mềm. Đôi khi, tôi thấy ông như con cọp giấy, mặc dù ông rất tử tế và có lòng tốt bao che teachers. Tánh tôi thỉnh thoảng ưa đuổi học trò ngỗ nghịch lười biếng ra ngoài cửa đứng một lúc (time-out) ngoài mặt ông nói tôi có quyền làm vậy, nhưng thực ra coi bộ có vẻ miễn cưỡng sợ phụ huynh complain, nên thét rồi tôi cũng tránh dùng biện pháp này, cắn răng chịu đựng giữ nó trong lớp. Có lần ông nói một đứa lớp 5 lì lợm không nghe ngoài sân cỏ đến nổi tức đỏ mặt phải quăng cái ghế xuống đất thật mạnh chứ không dám nắm cổ, vặn lỗ tai hay xô đẩy nó.
Phần tôi thì nóng nảy hơn, có mấy lần tôi lôi cổ lôi vai mấy đứa lì lợm trong lớp làm chúng chảy nước mắt khóc, vì sợ hơn là vì đau. Tất nhiên chúng về mách cha mẹ, cha mẹ tất nhiên gọi hiệu trưởng complain. May phước tôi gặp được ông hiệu trưởng rất thông cảm cho thầy cô, mỗi lần có xích mích giữa thầy cô và phụ huynh, ông luôn nhắn thầy cô lên office, đóng cửa ôn tồn hỏi thăm sự việc ra sao, nếu teacher trái thì ông khuyên nên gọi xin lỗi, nếu teacher phải thì ông đích thân gọi phụ huynh biện hộ đính chánh. Đôi khi ông hay được sớm thì gọi tôi lên office cùng với đứa nhỏ làm sáng tỏ mọi vấn đề, nói năng ngọt ngào cho chúng vui vẻ, bình tĩnh, để khỏi về mách cha mẹ, gây hiểu lầm rắc rối.
Có lần đang tụ tập học trò ngồi quanh dưới đất trong giờ reading, có một hai đứa cứ lấy tay vẽ trên bảng vài ba lần không lắng tai nghe, nhìn lại là hai đứa Mỹ đen, còn cả lớp ngồi im phăng phắc, tôi buột miệng hỏi "Tại sao tụi Black này không lúc nào để yên tay chân được một lát" thằng bé da nâu buột miệng nói: "I'am not black, I'm brown".
Còn con bé da đen kia không nói gì, nhưng qua hôm sau, nào chú, nào cha nó ùn ùn lên trường làm rắc rối khiến tôi xanh mặt. Khi hiệu trưởng hớt hãi xuống gặp tôi giải quyết thì hai ông chú to tiếng với tôi bỏ ra về, để ba con nhỏ theo ông hiệu trưởng và tôi vào lớp ngồi nói chuyện thông cảm. Cũng may ông hiệu trưởng quen với ông cha này, thấy ông ăn nói cũng hiền từ còn bà má thì làm việc part time trong trường cũng quen hay hỏi thăm tôi, nên không có khiếu nại gì tới tai học khu. Aâu cũng là một bài học nhớ đời, đừng có đụng tới Mỹ đen mà mang tiếng kỳ thị khó bề đính chính.
Một lần khác, tôi có đứa học trò gái mà tánh con trai, cha mẹ cho đi học karate, chuyên môn chơi với con trai, đá banh, chạy đua, đi đứng huỳnh huỵch, ngoài sân thì đánh lộn, trong lớp thì chuyện trò liếc mắt cười cợt với con trai. Dạy dỗ phân tích cho nó nghe "con gái phải kín đáo, thùy mị, nết na" thì ông cha bênh con, mách hiệu trưởng rằng tôi "come from a different country" nên mới chấp nhất chuyện đó. Bà mẹ thì nói "It's OK for her to play with boys. She knows how to protect herself" làm mình cũng hết ý "để rồi xem" tôi thầm bảo. Quả nhiên năm lên lớp 4, con bé bị cô giáo đưa ra SST (Student study Team) để cha mẹ và các thầy cô cùng ngồi xuống tìm cách sửa chữa thái độ học hành, hạnh kiểm.
Tóm lại, nghề dạy trên đất Mỹ không nhàn hạ như ở Việt Nam. Không phải chỉ yêu nghề, yêu trẻ và soạn bài vở giấy má thi cử mà thôi. Phải 5 năm renew bằng cấp một lần. Mỗi lần đổi dạy học khu khác phải start "probation 2 năm" trở lại. Trong 2 năm này có thể bị đuổi bất cứ lúc nào. Mỗi lần dời trường phải lấy lòng ông hiệu trưởng và staff mới. Phải phụ giúp với PTA gây quỹ cho học sinh. Phải gia nhập một hai ban gì đó của hoạt động nhà trường. Phải thường xuyên đi họp staff meeting, staff development, inservice, conference, SST… phải đương đầu với nhiều thứ chọi pressure từ nhiều phía, từ học khu, từ hiệu trưởng, từ đồng nghiệp, từ phụ huynh, từ học trò. Đôi lúc trong công việc có nhiều cái vô lý mình phải làm như mọi người mà trong bụng bực mình phải nhịn nhục cho qua chuyện, cho nên sau nhiều năm dạy trên đất Mỹ, tôi đã không bao giờ khuyến khích các con theo nghề này, dẫu rằng một năm được nghỉ hơn ba tháng mà vẫn có lương. Nhất là khi tuổi đã gần sáu mươi thì hơi sức đã mòn, ngực bắt đầu lép, chịu đựng tiếng ồn không nổi, nghĩ nhiều về việc "retirement" thường xuyên hơn là hăng say vui vẻ với cây bút, cuốn vở với công việc dạy dỗ như hồi mới bước vào nghề.

Phạm Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,768,368
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Nhạc sĩ Cung Tiến