Hôm nay,  

Nửa Đêm Gọi Má Ơi

02/03/200300:00:00(Xem: 136122)
Người viết: NGUYỄN TÁ HÂN
Bài tham dự số 3138-745-vb20303

Nguyễn Tá Hân lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ bằng truyện kể về bà mẹ cực nhọc ở quê nhà, với lối kể, lối viết mạnh mẽ làm xúc động người đọc. Theo bài viết, tác giả từng là cựu quân nhân, cựu tù cộng sản, vượt biên tới Mỹ. Mong Nguyễn Tá Hân sẽ còn tiếp tục viết và bổ túc dùm tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
*
Thằng em tôi khi vừa được sponsor từ trại tị nạn Thái Lan qua Mỹ, vật đầu tiên nó thấy là cái máy giặt. Tức thì nó ôm lấy cái máy mà khóc. Thấy nó một mình một bóng, tự dưng ngồi ôm cái máy giặt khóc, ông bà bảo trợ hỏi sao mày khóc"
Em tôi vừa mếu máo vừa ra dấu, nó ra dấu làm sao đó mà cả hai ông bà bảo trợ đều hiểu ý là nó thấy cái máy giặt mà nhớ má nó ở Việt Nam. Ở Việt Nam bây giờ hông biết má nó đói hay no chứ làm gì có được cái máy này. Nếu có được thì má nó đâu có cần ngày nào cũng phải chà đồ, phơi đồ cho cả gia đình đến nỗi tay chân sưng phồng. Ông già bảo trợ nghe em tôi giải thích bèn gật gù nói nếu như gửi được cái máy giặt này về Việt Nam cho bà cụ thì ổng bả sẽ gửi liền.
Nghe thằng em kể đến đó tôi liền chặn họng nó: "Ủa sao mày nói vậy mà tao đâu bao giờ thấy có cái máy giặt nào ở nhà ba má đâu"" Nó dương mắt nhìn tôi: "Bộ ông không biết hả, hồi tui mới qua gửi viên thuốc tây bé bằng con kiến còn phải đong đo cân đếm cho đủ tiền gửi. Lấy gì mà gửi về cái máy giặt bự gấp mấy lần tui".
Má tôi có mười bốn người con, thằng T là đứa em kề cận nhất của tôi nhưng hai anh em kỵ nhau như lửa với nước. Hồi xưa có lần nó rủ con bồ tới nhà chơi, tôi vì giận nó cua tay trên của tôi con bồ nhí nên đã bắt nó quỳ công khai trước cửa. Một lúc sau con bồ của nó đi ngang qua nhà, tính ghé vô nhưng rồi thấy thằng em ủ rủ quỳ trước sân cô nàng bèn giật lùi đi mất dạng. Sau vụ đó nó và tôi thôi nói chuyện với nhau, không những vậy, có lần tôi đi xe lửa về thăm nhà, nó còn cầu cho xe lửa bị trật đường rày cho rồi.
Ba má tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 54. Nghe kể lúc đó nhờ má tôi bồng thằng em trên tay mà tôi có nước cháo húp suốt thời gian trên tàu. Công tâm mà nói, thằng T đẹp trai hơn tôi nhiều. Là Bắc Kỳ 54, đáng lý ra tôi phải gọi ba má tôi bằng cậu mợ, nhưng vì vô Nam, tôi mê con gái miền Nam rồi gọi đấng sinh thành của mấy nường là ba má lâu ngày quen miệng nên về nhà tôi đổi luôn cậu mợ thành ba má cho tiện. Thằng T cự tôi: "Con người có tổ có tông, cậu mợ thì cứ gọi là cậu mợ, gọi là ba má nghe chướng tai". Tuy nó kê tủ đứng tôi như vậy nhưng nó toàn dẫn về nhà mấy nàng Nam Kỳ. Nó mê gái Nam Kỳ cũng không kém gì tôi.
Năm tôi 28 và nó 22, hai anh em cùng đi lính một lượt. Tôi thân phận con cả, má tôi sợ tôi chết thì nhà không có ai làm đám giỗ, đám kỵ nên nắm tay tôi dắt vô giới thiệu với ông trưởng ty truyền tin xin cho tôi xách dép của ổng để tôi khỏi phải chịu cảnh bom rơi pháo nổ. Gửi gấm tôi xong, má tôi về dắt tay thằng em tôi gửi nó vô không quân. Thiệt ra không cần má tôi dắt tay thì thằng T cũng tự nhào đầu vô đó. Đối với nó sống chết không thành vấn đề, chỉ cần không mất mặt với mấy nàng là được rồi.
Gửi hai thằng con đi hai nơi nhưng lời dặn dò của má tôi cho hai đứa giống y như nhau. Tiễn đứa nào đi lính má tôi cũng dặn đừng hút thuốc nha con, hút thuốc nhiều hại lá phổi, lá phổi mà hư thì khỏi cần đi lính đánh nhau thì cũng chết. Má tôi dặn vậy nhưng khi hai đứa đến được điểm tập trung, đứa nào dở quân trang ra cũng thấy trong đó nguyên một cây thuốc có cán. Đêm nằm nghe ễnh ương kêu, tôi với thằng T mới biết má thương mình tới dường nào. Dù má biết hút thuốc có hại nhưng biết hai thằng con không có thuốc thì chịu không được nên dù có dặn dò, cấm cản vẫn ráng mua thuốc để sẵn vì sợ tụi nó xài hết tiền rồi lỡ thèm thuốc quá thì làm sao.
Về sau khi chiến tranh tan hàng, N thằng em thứ 5 của tôi đi lính bộ binh nằm xuống vĩnh viễn, thằng T theo không quân nên nhanh chân chạy thoát tới đảo Thái Lan. Tới đảo nó đi vô nhà cầu viết tên nó nhập nhòe đè lên tên người khác báo tin nó đã đi thoát. Còn tôi ở lại đi cải tạo dăm ba năm, sau đó về cuốc đất trồng cây với má theo diện quản chế của chính quyền việt cộng. Đây là thời gian tôi gần với má tôi nhất.
Mỗi sáng má tôi dậy trước đánh thức tôi dậy rồi hai má con gánh thùng xuống giếng múc nước về tưới cây. Tôi đi trước má tôi lẽo đẽo theo sau. Lúc này ba tôi còn kẹt lại ở Sài Gòn. Kẹt lâu quá ổng yêu luôn một cô gái Sài Thành. Lúc biết tin ba tôi có vợ nhỏ thằng T viết thơ về hỏi mợ có buồn không" Má tôi không viết thư trả lời nó vì bà không biết chữ. Bà không trả lời nhưng qua công việc má tôi làm hằng ngày tôi biết má tôi không trách ba tôi vì má tôi làm việc rất tận tình và hết lòng mà không hề oán trách gì cả. Ngày nào má cũng gánh năm bảy đôi nước tưới hết hàng đậu đũa, hàng cà, sau đó bằm thân chuối nấu cám cho heo ăn. Hết heo lại tới gà, rồi còn cấy mạ, nhổ cỏ, bón lúa. Có lúc mắc tiểu giữa đồng má cũng không dám đi. Lúc chịu hết nổi, má dửng dưng vén quần đứng đái cạnh cây chuối mọc hoang mà quên mất mình là đàn bà.
Đậu, cà, heo, gà, lúa, nương đều có cả nhưng thu hoạch thì bị thu đầu này, cắt đầu kia. Còn bao nhiêu của thừa đuôi thẹo, má tôi để dành thăm nuôi đứa con này, tiếp tế đứa con kia nên chẳng bao giớ có đồng nào dư. Tôi thân con trai nhưng không đỡ đần được má tôi nhiều vì mắc chứng suyễn kinh niên. Vì chứng bệnh này mà má tôi phải cho đốn đi bụi hoa Quỳnh phía sau nhà và vất luôn cả cái mùng vải dù mà má tôi quí vô cùng vì hai thứ này làm tôi thở không được.
Chăm hết đàn heo, đàn gà, tưới hết cây, nhổ hết cỏ, cấy hết ruộng, đêm đêm má tôi đứng nhìn tôi mặt mày méo mó, mồm miệng há hốc. Những lúc đó tôi một tay ôm ngực, tay kia bám vào thành giường thở dốc, thấy má đứng bên cạnh rươm rướm nước mắt mà không còn bàn tay nào để ôm má vào lòng để dỗ dành.


Ba tôi yêu cô gái Sài Thành được ít lâu, có được với cô hai người con rồi trở về. Sau này mấy anh em tụi tôi gọi người vợ nhỏ của ba bằng dì và gọi hai đứa con riêng của ba tôi bằng em. Trở về, ba tôi bỏ tiền riêng mua thêm mấy con heo, dựng lại cái chuồng gà rồi đỡ đần cho má tôi các việc nặng, nhưng má tôi cũng không vì thế mà được ngơi tay. Công việc ruộng nương đồng áng ở miền quê đâu có bao giờ dứt. Hơn nữa làm thân đàn bà, má tôi phải sớm lo việc đồng, tối lo việc nhà, cả người lúc nào cũng tê rần nhức mỏi.
Lúc ba tôi trở về cũng là lúc tôi hết hạn quản chế. Có ba tôi ở nhà tôi mới yên tâm chia tay má tôi để trở về với vợ con ở một tỉnh khác. Hôm tôi đi má tôi vét hết cà chua, cà pháo trong vườn bán lấy tiền đưa tôi để lận lưng. Lần này má tôi không mua thuốc cán cho tôi nữa vì sau chiến tranh cơm còn không có mà ăn nên tôi đã cai thuốc. Tôi về tới nhà, đứa con gái út đã gần sáu tuổi. Thấy tôi nó đứng chống nạnh khoe cái áo len màu đỏ rách một lỗ toang hoang ở cùi chỏ, hỏi má nó: "Má, ai đây"" Hôm sau tôi lấy số tiền má tôi cho đưa cho vợ, rồi nhín ra một chút dẫn bốn đứa con đi ăn phở. Lúc băng qua đường tới tiệm phở, đứa con gái út cứ nhìn chằm chằm vào bàn tay tôi rồi hỏi: "Ba ơi ba, vậy con chui ra từ cái sẹo trên tay ba hả ba".
Về tới nhà, việc làm duy nhất của tôi lúc bấy giờ là tìm cách vượt biên. Tôi dắt thằng con thứ ba đi theo, hết vượt biên đường biển, lại vượt biên đường bộ. Mỗi lần bị bắt, rồi được thả ra là mỗi lần thằng con tôi có thêm kinh nghiệm. Lần cuối cùng khi bị bắt, lúc thả ra nó đưa tờ giấy bạc gần rách làm đôi trả lại cho người cai tù biểu tiền này cũ quá xài không được, đổi cho cháu tờ khác đi. Vừa được thả ra nó gặp ngay thằng bạn tù khác cũng cỡ mười hai, mười ba như nó, hai đứa đi lang thang, nó dụ khị thằng kia: "Thôi bây giờ hai đứa xài tiền chung. Anh lấy tiền của anh để hai đứa mình xài hết rồi em sẽ lấy tiền của em ra xài". Sau cái lần bị bắt lại đó, nhờ vào thằng con tôi đi tù riết rồi khôn ra nên cuối cùng tôi và nó cũng qua tới đảo bình yên vô sự. Tới đảo tôi cho thằng con đi học dăm chữ tiếng Anh để qua Mỹ khỏi mất mặt với bọn Mỹ con, còn tôi lo liên lạc với thằng T, nhờ nó sponsor tới miền đất hứa.
Ngày thằng T ra sân bay đón hai cha con tôi, sau khi vuốt đầu thằng cháu bặm trợn, câu đầu tiên nó hỏi tôi là: "Cậu mợ khỏe không"" Tôi trả lời nó "Ba má rất khỏe". Nó lắc đầu biểu: "Mai này ông qua Mỹ lâu chắc ông không gọi cậu mợ bằng ba má nữa mà sẽ gọi bằng Mommy và Daddy như tụi Mỹ bên đây". Tôi chưa kịp trả lời nó thì thằng con tôi nhờ được giáo dục bên đảo đã xổ ngay một câu: "Father, con muốn ăn". Thằng T lại lắc đầu: "Rau nào sâu nấy".
Qua tới Mỹ, con trai tôi ôm ngay job bỏ báo kiếm tiền gửi về cho má nó, tức là vợ tôi. Còn tôi, ôm job rửa chén kiếm tiền gửi về cho má tôi tức là bà nội của nó. Hai cha con mỗi ngưỡi mỗi job, việc ai nấy lo, kiếm được đồng nào ai bỏ ống của người đó. Ngày nào thằng con cũng mang con heo bỏ ống ra lắc. Lắc tới một bữa nó kêu đầy rồi lấy que khui ra từng đồng đô la nhàu nát, tính toán chuyện mua quà gửi về Việt Nam.
Nhìn thằng con, dẫu biết vợ con là liền tay, liền chân nhưng sao tôi vẫn nhớ tới má nhất. Nhớ má đêm nào đứng nhìn tôi lên cơn suyễn rơm rớm nước mắt. Nhớ má hôm nào quang gánh chai sần cả đôi vai. Ít lâu sau ngày gửi đợt quà đầu tiên, thằng con nhận thư của má nó, kèm thêm thư thằng em vòi xin cái "quần bò"ø. Thư tuy đề gửi cả hai bố con nhưng giọng thư gần như chỉ nói riêng với nó. Nhìn thằng con dành lấy lá thư bỏ vô túi như của riêng, tôi nói "Sao không thấy thư của bà nội"" Sau đó ngày nào xong việc rửa chén về nhà tôi cũng hỏi thằng em "Có thư của má không"" Nghe hỏi hoài, có bữa nó gắt "Bộ ông còn muốn bú tí má hả"". Tôi nói "Không hiểu sao, tao sốt ruột quá." Thằng em cười cười ra cái điều khinh anh già vớ vẩn. Vậy mà chỉ ba bữa sau, chính nó ngồi sẵn ở nhà chờ tôi về "Có thư nè. Thư cậu báo mợ té gẫy chân. Ông đi với tôi, cần gửi ngay cho ông già tí tiền."
Thì ra tôi sốt ruột là đúng. Thư ông già viết "Má bọn bây té trong chuồng heo gãy chân, phải đưa vô nhà thương bó bột." Ông còn nói thêm "Đừng gửi quà cáp nữa, cố dồn gửi về một khoản để lo cho má bọn bây."
Chẳng nói chẳng rằng, thằng T kéo tôi ra xe chạy thẳng tới nơi gửi tiền về Việt Nam. Gửi xong 200 đô, trên đường về, hai anh em tạt vô một liquor, mua một lố beer rồi thêm một cây thuốc lá có cán, loại thuốc mà ngày xưa má tôi đã mua bỏ vào quân trang cho hai đứa. Về nhà, thằng con nhìn cây thuốc lá, hoảng hốt: "Bà nội dặn con đừng có cho ba hút thuốc lại, bà nội nói hút thuốc hại sức khỏe lắm ba". Tôi và thằng T quay mặt đi, dấu những giọt nước mắt chảy vội.
Tối hôm đó hai anh em lẳng lặng ngồi bên nhau thật khuya. Tôi hút lại điếu thuốc lá đầu tiên sau nhiều năm trời bỏ hẳn. Từ ngày qua Mỹ bận đi rửa chén tôi không còn bị mất ngủ vì chứng bệnh suyễn, nhưng đêm nay, tôi biết mình sẽ không thể chợp mắt. Tôi biết thằng T em tôi cũng không ngủ. Khói thuốc hai anh em cùng nhả ra xông lên trắng cả góc phòng. Đứa con trai tôi trở mình, trong đêm khuya nó thảng thốt gọi "má ơi". Thằng con mớ ngủ, nó gọi má xong thì quay mình ngủ lại, chỉ có tôi và thằng T quặn lòng.
Thằng T dụi điếu thuốc rồi lại đốt tiếp. Tôi nốc vội một ngụm beer rồi cũng cuối đầu im lặng. Giữa tôi và thằng T vẫn còn cái biên giới vô hình ngăn cách cho nên dẫu muốn nói với nó vài lời về má tôi vẫn không thể cất lời. Tới một lúc nào đó, tôi bỗng nghe chính thằng T cất tiếng gọi "má ơi". Đây là lần đầu tiên nó gọi mợ bằng má. Má ơi, má ơi... Tụi tôi đâu có mớ ngủ. Tôi gọi. Thằng T gọi. Hai anh em sau nhiều năm trời coi nhau như kẻ thù giờ đây đồng thanh gọi hai tiếng "Má ơi".
Không biết tiếng gọi của hai con chim lạc bầy có vọng về được với má bên kia bờ đại dương" Má ơi!

Nguyễn Tá Hân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,638,861
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến