Hôm nay,  

Thiên Đường Là Đâu?

23/10/200200:00:00(Xem: 158652)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG

Bài tham dự số: 3019-667-vb21021

Tác giả Bùi Xuân Đáng đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975, ông là một cựu quân nhân VNCH, từng hai lần du học tại Hoa Kỳ. Năm 1975, cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ, hiện đã về hưu và cư trú tại Placentia, CA. Sau đây, thêm bài viết mới của ông.

*

Tùy theo tôn giáo, mỗi người giải thích chốn thiên đường mộng tưởng của mình một cách khác nhau. Nơi đó là chốn thần tiên, an bình vui vẻ, mọi người thương yêu nhau, sống không hận thù, không phải lo toan đến cuộc sống hàng ngày, phong cảnh thơ mộng, cây cối hoa quả tốt tươi. Nhưng đối với dân Việt tỵ nạn, dù là tỵ nạn chính trị hay là tỵ nạn kinh tế, phần đông đều coi Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là chốn thiên đường hạ giới.

Chẳng có thế mà Hội người Việt tại Peoria, Illinois khi làm lễ kỷ niệm 10 năm di cư tỵ nạn với mục đích cám ơn nước Mỹ, các hội thiện nguyện và những người bảo trợ đã làm một chiếc bánh khổng lồ chiếm gần hết diện tích chiếc bàn với hình nước Mỹ,trên có tượng Nữ thần Tự do và hàng chữ đỏ thắm : God bless America! The Land of Freedom! The Paradise of Vietnamese Refugees : Xin Thượng đế hãy phù hộ cho nước Mỹ, miền đất của Tự do,Thiên đường của người Việt tỵ nạn. Trong buổi lễ vô cùng cảm động này, họ đã thay phiên kể lại những nỗi kinh hoàng, đau thương, bi thảm của ngày bỏ nước ra đi. Họ cũng hết lời cám ơn và ghi nhớ nghĩa cử hào hiệp cao quý của những người đã mở rộng vòng tay đón nhận và tận tình giúp đỡ không những trong thời gian mới tới mà còn kéo dài cho đến mấy năm sau. Khi những người tỵ nạn lên tặng món quà tri ân cho người bảo trợ, hai bên đã nghẹn ngào không nói lên lời, chỉ còn ôm nhau mà khóc.

Thế mà cũng có một thiểu số quên hẳn bát cơm Siếu mẫu, ngày nay tuy đã ăn nên, làm ra con cái thành đạt mà vẫn còn chê bai này nọ. Có người ta thán rằng phải làm việc quần quật xuốt ngày, bị bóc lột, bị kỳ thị, than rằng trợ cấp oeo phe không đủ trả tiền điện thoại, các cụ sang đây trở thành mù, què,câm, điếc và còn nhiều nữa. . .

Lẽ tất nhiên mỗi người có một nhận xét riêng biệt, theo cảm quan và hoàn cảnh của mình. Đối với những người khi xưa có một thời vàng son rực rỡ, ăn trên ngồi chốc,ngồi mát ăn bát vàng, chuyên chỉ tay năm ngón hay là quen đội trên đạp dưới, tứ thời bất mãn, nhất định rằng đất này còn nhiều bất công và chỉ là chốn tạm dung. Còn đối với đa số thầm lặng, tự giác, tự trọng và hiểu rõ thân phận của mình hay đã từng nếm mùi lao động vinh quang và những mỹ từ bóng bẩy của đám con cháu Mao Hồ, lẽ tất nhiên phải biết rõ đâu là chân lý.

Vậy thì nước Mỹ có phải thực sự là thiên đường hạ giới hay không mà tại làm sao dân tứ xứ lại ào ào xin vào đất Mỹ" Thôi thì những đám dân nghèo nàn ở những xứ nhược tiểu, kém mở mang muốn vào Mỹ đã đành, nhưng công dân của các nước như : Anh, Pháp, Nhật, Đại hàn v.v cũng tìm đủ mọi cách xin vào Mỹ. Phải chăng nước Mỹ có những điều kiện căn bản tối ư cần thiết để bảo đảm đời sống con người đó là : Tự do, Dân chủ và Kinh tế phồn thịnh hay không" Dù rằng nước Mỹ hãy còn nhiều điều chưa toàn hảo như chốn thiên đường ở cõi mông lung, huyền bí mà người ta đã tả vẽ. Xét cho cùng, trong một xã hội dù là văn minh, dân chủ đến đâu chăng nữa cũng chẳng bao giờ hoàn toàn. Trong xã hội có kẻ xấu người tốt, kẻ gian người ngay, kẻ lười biếng người chăm chỉ, kẻ dốt người giỏi. Mà đã là con người,ai ai cũng có thất tình, lục dục và những điều này luôn luôn đi liền và ám ảnh trong đời sống.

Chẳng cần phải là triết gia chúng ta cũng biết rằng người ta cần những tự do tối thiểu : tự do sinh sống, tự do ngôn luận, tự do đi lại v. v. ngoài ra con người cũng có những nhu cầu về vật chất và tinh thần. Thiếu một trong những điều căn bản đó, đời sống không còn ý nghĩa tốt đẹp nữa. Vậy thì sống ở trên miền đất này, đôi khi chúng ta nói là đất khách quê người, dù rằng chúng ta đã ở đây gần nửa cuộc đời hay là sống ở trên mảnh đất quê hương ruột thịt của chúng ta, bất cứ thời kỳ nào, chế độ nào đã cho chúng ta đựợc hưởng toàn vẹn những điều kể trên" Hãy thực lòng mà nói, hãy thành thực với bản thân một lần mà nhận định.

Ngay tại quê hương chúng ta, nơi mà khẩu hiệu: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc đã một thời làm cho mọi người hồ hởi dấn thân hay xả thân cứu nước. Bây giờ dân chúng trong và ngoài nước đều biết rõ những khẩu hiệu đó chỉ là chiếc bánh vẽ, chỉ là cái mồi để nhử những người ngây thơ, nhẹ dạ tin tưởng vào chúng. Vụ Trần Trường xẩy ra cách đây vài năm đã tỏ cho nhà cầm quyền Việt Nam và thế giới biết rõ ý chí và quyết tâm của đa số thầm lặng. Tiếc rằng một số vừa thoát khỏi gông cùm cộng sản, may mắn sang đây được hưởng tự do, dân chủ, nay đã vội vàng trở về khoang khoét, ăn chơi tung tẩy, thấy lợi tối mắt, mở miệng ca tụng cảnh xa hoa phù phiếm bên nhà. Kẻ vô học đã đành, những người tự vỗ ngực là trí thức lại quên hẳn cái nhục bị chửi là đĩ điếm, bồi bếp khi xưa, ngày nay lại còn theo voi ăn bã mía thì không biết phải nói làm sao nữa. Gần 30 năm trôi qua, đất nước chúng ta có độc lập thực sự hay không hay vẫn còn bị ngoại bang áp chế, muốn làm gì cũng phải hỏi ý kiến đàn anh. Vụ cắt đất,dâng biển là chứng cớ hiển nhiên, còn tự do và hạnh phúc chúng ta đã thấy rõ ràng khỏi cần phải nói.

Vậy thì nơi nào đã cho chúng ta một sự tự do rộng rãi. Trong 27 năm qua, kẻ hèn này đi khắp đó đây chưa từng bị hỏi căn cước, ngoại trừ những lần xuất cảnh và trả tiền bằng thẻ tín dụng. Di chuyển gia đình từ Tây sang Nam rồi lại từ Bắc về Tây chẳng cần xin phép, ngoại trừ thông báo chỗ ở khi thay đổi bằng lái xe. Còn về việc làm, nhiều người đã từng thay việc như thay áo, chẳng cần đến giấy giới thiệu của cơ quan đoàn thể mà cũng chẳng cần điều tra lý lịch,ngoại trừ muốn làm việc cho cơ sở quốc phòng.

Sau cuộc đổi đời năm 75, giai tầng xã hội cũ đổ nhào, chị bán cá ở Cà Mâu hay anh lính địa phuơng quân ở vùng Cheo reo hay Đông hà sang đây cũng có cơ hội đồng đều ngang ngửa với các ông Tướng, ông Tá, ông Tổng bộ trưởng hay các đại thương gia giầu có. Sống ở Mỹ, chỉ cần có nghị lực và quyết tâm là sẽ thành công. Có sức cứ việc lao động vinh quang, cầy 2, 3 gióp chẳng ai cấm cản. Không thích lao động hãy chịu khó đi học vài ba năm, chẳng cần hạn tuổi, chẳng cần phải là đảng viên hay ba đời bần cố nông, con cái ngụy cũng chẳng khác gì con cháu quan quyền bản xứ. Cứ cố gắng học hành cho đủ tín chỉ, chẳng cần hồng hơn chuyên cũng mũ áo xênh sang như ai, tậu xe, mua nhà mấy chốc. Còn nếu không thích đi làm, chẳng muốn đi học, cứ việc ở nhà chịu khó đêm bẩy ngày ba, yêu thương bà xã : đầu năm sinh trai, cuối năm sinh gái. thì cuộc sống vật chất khi xưa các cụ hằng mơ tưởng : sáng ruợu sâm banh, tối sữa bò đã quá tầm thường. Bây giờ chẳng cần làm, khỏi cần học, cũng có thể trưa nhậu la de, chiều xơi bí tết, thừa thì giờ ba hoa xích thố. Con cái vẫn đến trường ăn học đàng hoàng, cũng tốt nghiệp kỹ sư, luật sư như ai. Ốm đau đã có bác sĩ, nhà thương, chẳng cần phải đút lót chạy chọt như ở cái chốn thiên đường vô sản. Khi Dương Thu Hương đến Nga sô, chốn thiên đuờng mà những người cộng sản Việt nam vẫn hằng mơ ước, cô ta mở to con mắt mà nhìn, mới biết đó chỉ là cõi Thiên Đường Mù, nhưng tiếc rằng cô ta chỉ mở được một nửa con mắt, cho nên vẫn còn cố cãi bướng rằng có sai là ở cán bộ chứ đảng bao giờ cũng đúng. Hay là cô ta cố tình ca tụng đảng để sách được phép in ra.

Còn sống ở cái chốn chạy đua vật chất này, chị giầu có sang trọng, chị ở nhà lầu, đi xe Lếch xịt, anh lái xe Mẹc xê đì, còn tôi nghèo, tôi cũng có hao dinh, tivi, tủ lạnh, nghênh ngang rong ruổi trên xa lộ với chiếc Ca đi lắc mui trần như ai. Mà coi chừng khi gặp tôi, anh chị nên tránh xa coi chừng kẻo đụng phải chiếc xe ăng tích đời 70 của tôi thì khốn. Nói như vậy mà chơi cho vui, phải không quý vị. Tôi chỉ muốn tả một thực trạng, chẳng có ý khuyến khích hoặc mỉa mai, châm biếm một ai cả. Nếu có sự đụng chạm, hiểu lầm xin vui lòng thứ lỗi cho.

Đấy là nói về những người còn trẻ, những người già gần kề miệng lỗ như kẻ viết bài này, chưa đến 65, có thể xin vay tiền già, xin trợ cấp phút tem. Ốm đau đã có Mê đi keo, Mê đi két chẳng phải trả đồng xu nhỏ. Đủ 65 tuổi, chẳng thèm làm một ngày cho Mẽo, cũng lãnh tiền già như ai, nhất là các cụ ở Cali mỗi tháng cũng ẵm gần 700 đồng ngon ơ, còn hơn mấy người đi làm mửa mật ra, chỉ được chừng trên dưới 400 trăm. Các cụ được trợ cấp nhà cửa, tiền sửơi, tiền điện, lâu lâu lại được tí tiền còm đi du lịch đó đây, tha hồ ăn tiêu vi vút. Tùng tiệm một chút, dư sức gửi về nuôi 2-3 gia đình con cháu ở bên nhà.

Lại có người than phiền đời sống bên này nặng về vật chất và thiếu tình cảm. Ông bà, cha mẹ thường bị con cháu bỏ rơi. Có ông mới 6 giờ sáng đã đánh thức con gái thức dậy pha cà phê cho ông nhâm nhi, chẳng cần biết đứa con đi làm mệt nhọc, vừa về đến nhà vào lúc 3 giờ sáng. Có bà khi mới sang đây, khoe rằng các con tôi cuối tuần lãnh chếch về phải đưa hết cho tôi, tha hồ hết đi Bai cy cơn, lại tới thăm Lát Vê gát. Vài vị quen thói bên nhà : chồng chúa vợ tôi, coi vợ như con sen con ở, con cháu là tôi đòi laị còn than phiền rằng : ở miền đất kỳ cục này, đàn ông chỉ được xếp hạng sau cây cỏ, bèn năm lần, bẩy lượt đe dọa mua vé máy bay trở về cố quốc. Những cách cư xử như vậy làm sao có cảm tình tốt đẹp và không bị con cái bỏ rơi được. Tình cảm là thứ thiêng liêng ràng buộc, phải có đi có lại, phải có thời gian, phải cố gắng giữ gìn, không thể dùng quyền hành mà đòi cho được. Nói một cách khác, có cư xử khéo léo, thân thương mới gây được tình cảm dài lâu, thắm thiết. Chúng ta mỗi người một tính nết, một sở thích khác biệt, muốn có tình cảm cần phải hiểu biết, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau.

Đó là về phía chúng ta, còn về phía người Mỹ chúng ta cũng cần tìm hiểu về họ, những người từ muôn phương, tứ xứ đến đây. Lẽ đương nhiên đến từ xứ, họ có những phong tục, tập quán, suy nghĩ và cách cư xử khác hẳn với chúng ta. Đừng nghĩ họ là dở hơn chúng ta, hay không đúng. Khi mới vừa chân ướt chân ráo đến Tustin, người hàng xóm gốc Ý, đã mang cho gia đình tôi đĩa bánh Pizza và khay Lasagna. Đem câu chuyện này kể cho bà Jane Brooks, bà Mỹ chính cống sinh trưởng tại đây, dậy Anh Văn cho vợ tôi. Bà ta ngạc nhiên và nói rằng chúng tôi may mắn hơn bà nhiều lắm, khi bà ta mới dọn nhà, vội gõ cửa sang thăm hàng xóm.

- Người này chỉ mở hé cánh cửa, thò đầu ra hỏi tôi cần gì. Khi tôi nói muốn sang thăm, bà hàng xóm buông một câu cám ơn gọn lỏn rồi đóng sập cửa trước mũi tôi.

Tôi hỏi đùa : Có phải là bà đến thăm hàng xóm giữa lúc bếp tắt cơm sôi hay không" Bà ta mặt nghệt ra không hiểu, nhưng đến khi tôi kể lại câu chuyện, bà ta rũ ra mà cười. Tiện đây xin được nhắc lại bài thơ tức cảnh này cho được vui câu chuyện :

Đang khi bếp tắt, cơm sôi

Lợn kêu, con khóc, chồng đòi mếch lô! ( tòm tem )

Bây giờ cơm đã chín mềm,

Lợn no, con ngủ tòm tem, thì tòm!

Người Mỹ nói chung, thích xòng phẳng, đôi chút hơi ích kỷ, không muốn bị phiền hà cho nên không muốn ai ghé mắt vào gia đình và đời tư của họ, ngay cả giữa anh chị em, cha con họ cũng vậy nữa. Thay đổi chỗ ở đã 5-7 lần, chúng tôi chưa lần nào được hàng xóm sang chơi nhà, hoặc ngược lại, cùng lắm nói vài ba câu chuyện trời trăng mây gió qua hàng dậu. Xin đừng xét đoán họ theo phong tục, tập quán của mình mà hãy quan sát và tìm hiểu những điểm tương đồng hay dị biệt. Biết người, biết mình tránh được những điều bực mình không đâu.

Chê họ quá ư tàn nhẫn gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, cũng cần xét lại xem sao. Theo tâm lý, khi về già lại hay đau yếu các cụ thường mong mỏi được con cháu trông nom săn sóc. Nhưng con phải đi làm, cháu đi học, ông bà già ở nhà ai trông đây, lỡ ra quên tắt cái bếp ga hay cái vòi nước thì rầy rà lắm, có khi còn bị luật pháp buộc tội ngược đãi cha mẹ. Đưa vào nhà dưỡng lão, tuy khá tốn kém, nhưng có thể an tâm đi làm, miễn là đừng vất bỏ cha mẹ vào đó rồi chẳng bao giờ hỏi tới. Khá nhiều người Việt cũng gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, mà tài tình thay họ tìm được cách không phải trả một xu, có lẽ bởi vì họ đi làm mỗi ngày trên 10 tiếng. Văn phòng, phòng mạch, cửa tiệm phải mở luôn cả thứ bẩy chủ nhật mới đủ ăn, đủ trả tiền nhà, trả tiền mua xế hộp làm sao có thể trông nom cha mẹ được.

Đó là về vật chất còn về đời sống tinh thần, thực ra đâu đến nỗi quá buồn chán. Muốn giải trí cách gì cũng có : muốn chơi bài ư, 2 hội người già lúc nào cũng đầy ắp những bàn mạt chược, tổ tôm, chắn cạ hay tứ sắc. Không muốn cái thú ăn thua, nằm nhà xem sách báo, phim bộ, phim con heo. Muốn lành mạnh và có văn hóa hơn, hãy vào In tờ nét hoặc ra thư viện tha hồ mà đọc cho mỏi mắt, mỏi lưng. Nếu mắt còn tỏ, lưng chưa còng, còn lái được xe hãy ra bờ biển câu cá, hóng gió hay rửa con mắt. Nếu nhãn quang còn đủ 9 thành công lực, hãy nhìn về bờ biển bên kia mà xem đồng bào ta chen lấn kiếm miếng ăn ra sao" Mấy người bạn già đang ngồi dựa cột đèn, đang chờ mong một phép lạ di chuyển cái cột đèn này sang cái xứ đang bị người ta đang chê ỷ chê ôi là cõi tạm, chốn lưu đầy, nhưng lại không dám nhịn đói, nhịn khát và có gan trở về chốn cũ.

27 năm qua, nếu không may mắn được sống ở đất nước này, đã xanh ngọn cỏ từ lâu, nắm xương tàn vùi ở nơi nào không ai biết đến. Chỉ thương tiếc rằng biết bao nhiêu người xấu số trong đó có bạn bè, đồng đội đã vùi thân trong cánh rừng hoang dã hay biển cả mênh mông, cũng chỉ vì mơ tưởng đến ánh sáng Tự Do, Dân Chủ của chốn thiên đường hạ giới mà họ không bao giờ may mắn được đặt chân tới.

Tuổi đã về chiều, mắt đã mờ, chân đã chậm, không muốn là kẻ vô ơn, viết một vài trang cám ơn nước Mỹ, không phải là cám ơn người bạn đồng minh khi xưa đã bỏ rơi chúng ta, mà cám ơn miền đất quê hương thứ hai, nơi đã cho chúng ta những tháng năm còn lại được tự do, no ấm, cho con cháu chúng ta một tương lai sáng sủa, huy hoàng.

Placentia 8-02

BÙI XUÂN ĐÁNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,314,984
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Bẩy 2016. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học.
Tôi là Hoàng Nga Bằng (bút danh Nga Bằng). Tôi là giáo viên Tiếng Nga, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1961. Tôi là học sinh trường Nữ Trung học Trưng Vương từ 1951 đến 1959. Bố tôi là công chức thời Pháp.
Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon,
Với bài viết “Tháng Tư, Tro Tràn Bay Trắng Đầu”, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến