Bài tham dự số: 2-649-vb20922
Tác giả tên thật là Lai Thế Lãng, hiện định cư và làm việc tại Vermont. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, kể lại những kinh nghiệm sống thực, nói lên những suy nghĩ chân thành của ông với con người và cuộc sống. Bài mới viết của ông lần này là chuyện thời sự về Iraq.
Thời gian gần đây báo chí, đài phát thanh, truyền hình nói nhiều đến việc Hoa Kỳ có thể tấn công Iraq. Nhưng ngay sau khi chế độ Taliban sụp đổ ở A Phú Hãn và những sào huyệt cuối cùng của Bin Laden bị quét sạch khỏi nước này thì ông Tám đã nói với bà Tám rằng mục tiêu kế tiếp của Mỹ là Iraq. Lời nói của ông chắc như đinh đóng cột khiến bà Tám thắc mắc.
- Vì sao mà ông nói chắc như vậy"
- Để rồi bà coi tôi nói có đúng không.
Khi tiếng súng tạm yên tại A Phú Hãn, có nhiều người cũng nghĩ như ông Tám nhưng rồi sau đó chẳng thấy Mỹ đả động gì đến Iraq mà lại đem biệt kích Mỹ vào Philippines huấn luyện cho quân đội nước này đối phó với phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf khiến cho có người nghĩ rằng Mỹ đã hướng cuộc chiến tranh chống khủng bố đi nơi khác chứ không phải Iraq. Ông Tám không đồng ý với nhận định này. Ông cho rằng lúc Mỹ không nói năng gì tới Iraq chính là lúc Mỹ đang nghiên cứu, hoạch định kế hoạch để đối phó với Saddam Hussein. Lập luận của ông Tám trở nên rõ nét khi tổng thống Bush lên tiếng liệt kê Iraq vào trong số ba quốc gia mà ông gọi là "trục ma quỷ" và nhất là khi ông Bush công khai bày tỏ ý định trừ khử Saddam Hussein, nhà lãnh đạo độc tài và ngang ngược của Iraq. Cho đến lúc này thì không còn ai nghi ngờ gì về ý định tấn công Iraq của Hoa Kỳ. Ông Tám nói với bà Tám:
- Bà thấy chưa tôi đã nói có sai đâu. Mỹ sắp đánh Iraq rồi đó.
- Bộ Iraq có gây hấn với Mỹ hay sao"- Bà Tám hỏi lại.
- Iraq không ra mặt gây hấn nhưng ngấm ngầm phát triển vũ khí hóa học và vi trùng, gần đây còn có tin Iraq đang tìm cách phát triển vũ khí nguyên tử nữa. Chờ khi có được đầy đủ những loại vũ khí này sẽ tấn công vào Mỹ như bọn Al Qaeda đã làm.
- Nhưng Iraq thực sự có chế tạo những loại vũ khí này không hay chỉ là đồn đoán"
- Tôi có đọc một bài báo nói rằng trong cuộc chiến tranh với Iran cách đây hơn 20 năm, Iraq đã đem vũ khí hóa học ra sử dụng và trong việc đối phó với người Kurd ở phía Bắc lãnh thổ của Iraq, Iraq cũng đã dùng đến vũ khí hóa học để tiêu diệt nhóm sắc tộc thiểu số này. Nhiều người tin rằng Iraq tiếp tục phát triển loại vũ khí này trên quy mô lớn hơn và có sức sát hại mãnh liệt hơn.
- Như vậy thì kể như đã có chứng cớ về chuyện Iraq có vũ khí hóa học còn vũ khí vi trùng và nguyên tử thì sao thì sao" Iraq đã đem ra sử dụng chưa"
- Nếu Iraq đã hoàn thành việc chế tạo loại vũ khí khủng khiếp này thì nước Mỹ làm sao mà yên được.
Việc Iraq phát triển các loại vũ khí hóa học và vi trùng và việc Saddam Hussein có ý đồ dùng các loại vũ khí này để thực hiện tham vọng của ông ta đã rõ ràng. Bởi vậy ngay sau khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh kết thúc với việc bại trận của Iraq, trong một nghị quyết, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã buộc Iraq phải hủy kho vũ khí này. Đồng thời Liên Hiệp Quốc cũng gửi một đoàn thanh tra vũ khí đến làm việc tại Iraq để giám sát việc Iraq thi hành nghị quyết. Nhưng Iraq không hợp tác mà còn luôn tìm cách cản trở công việc của đoàn thanh tra vũ khí. Tệ hơn nữa, Iraq ngăn cấm đoàn thanh tra hoạt động và trục xuất đoàn thanh tra ra khỏi Iraq giữa lúc nhiệm vụ của đoàn thanh tra chưa hoàn tất. Có thể Saddam sợ đoàn thanh tra ở lâu tại Iraq sẽ khám phá ra những cơ sở bí mật dùng để sản xuất hoặc tồn trữ các loại vũ khí bị cấm mà Iraq luôn lớn tiếng chối cãi là không có. Nghe nói theo báo cáo của đoàn thanh tra vũ khí thì Iraq có đủ chất liệu để chế tạo đến 20 tấn anthrax. Năm ngoái bọn phá hoại mới chỉ bỏ anthrax vào một số thư từ mà đã gây chấn động cả thế giới. Với số lượng mà Iraq có khả năng chế tạo lớn như vậy thử hỏi thảm họa đối với loài người sẽ khủng khiếp biết chừng nào.
- Nói vậy thì việc Mỹ phải ra tay để trừ hậu họa là điều không thể tránh khỏi nhưng mà Mỹ có dược thế giới ủng hộ không" - Bà Tám lo lắng.
Ông Tám thở dài rồi ông từ từ nói cho bà Tám nghe. Cuộc chiến tranh của Mỹ nhắm vào Iraq lần này có nhiều khó khăn và không được ủng hộ rộng rãi như mặt trận đánh vào A Phú Hãn trước đây. Lúc xảy ra biến cố 911 cả thế giới bàng hoàng về nạn khủng bố đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ. Bây giờ người ta coi chuyện Iraq là chuyện của Mỹ. Cho dù người ta biết Iraq có vũ khí độc hại thì mục tiêu của các loại vũ khí này sẽ là nước Mỹ chứ không phải nước nào khác. Có chết là chết người Mỹ, không ăn nhằm gì đến các nước khác. Có lẽ nghĩ như vậy nên dân chúng tại các nước không muốn chính phủ của họ can dự vào cuộc chiến này. Hiện chỉ có chính phủ Anh và Tây Ban Nha tuyên bố sát cánh vơi Mỹ, các nước khác hoặc tỏ ra thờ ơ hoặc thẳng thừng phản đối việc Mỹ tấn công Iraq. Còn khối Ả Rập là những quốc gia Hồi giáo thì dĩ nhiên không tán thành một cuộc tấn công vào nước Iraq Hồi giáo rồi. Ngay cả Ả Rập Saudi là đồng minh của Mỹ cũng không thể đứng về phía Mỹ vì sợ dân chúng chống đối. Trong cuộc chiến chống khủng bố tại A Phú Hãn, các nước Ả Rập ủng hộ Mỹ chỉ là bất đắc dĩ vì sợ mang tiếng là có dính dáng với bọn khủng bố. Bây giờ tình thế khác hẳn, các nước này chỉ phản đối Mỹ chứ đời nào họ ủng hộ Mỹ.
- Xem ra tình hình thế giới có vẻ bất lợi cho Mỹ, còn ở trong nước thì sao"- Bà Tám tỏ ra quan tâm hơn đến vấn đề
- Cũng không ít rắc rối. Bà cứ bình tĩnh để tôi nói cho bà nghe.
Ông Tám lại chậm rãi tiếp tục câu chuyện. Từ khi guồng máy của tổng thống Bush nói đến cuộc chiến tranh chống Iraq thì chủ trương này liền bị chống đối tại quốc hội. Nào là đòi hành pháp phải điều trần trước quốc hội về kế hoạch tấn công Iraq, nào là đòi hỏi quyết định tấn công Iraq phải được quốc hội cho phép. Trong số những người chống đối có người cho rằng cuộc chiến tranh với Iraq sẽ làm cho tình hình Trung đông trở nên nguy hiểm hơn. Có người thì sợ rằng sau khi Saddam bị hạ bệ thì tình hình Iraq sẽ trở nên hỗn loạn dẫn tới hậu quả là Iraq có thể rơi vào tay thế lực Hồi giáo cực đoan thì càng tai hại hơn. Cũng có người còn đòi hỏi phải đưa bằng cớ là Iraq thực sự có những loại vũ khí tàn sát tập thể và đưa ra bằng cớ rằng những loại vũ khí đó sẽ được dùng để sát hại người Mỹ. Kể cũng tội cho nội các của tổng thống Bush. Làm thì bị hạch sách đủ điều mà không làm gì đến khi có chuyện xẩy ra lại bị chỉ trích là tại sao lãnh đạo mà không tiên liệu, không có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Về phương diện bảo mật đâu có thể đem tất cả những dữ kiện do tin tức tình báo cung cấp ra làm bằng cớ. Khi Iraq trục xuất đoàn thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc, Iraq viện cớ rằng có gián điệp của Mỹ ở trong đoàn. Tại sao Iraq không sợ trong đoàn có gián điệp của các nước khác" Vì Iraq coi Mỹ là kẻ thù chứ còn gì nữa. Năm ngoái sau biến cố 9-11, tòa đại sứ các nước ở Washington đều treo cờ rũ để tưởng niệm những nạn nhân bị bọn khủng bố sát hại chỉ có tòa đại sứ Iraq là ngang ngạnh không treo cờ rũ. Hành động này là gì nếu không phải Iraq tán dương việc làm tàn ác của bọn Al Qaeda hoặc Iraq muốn nói họ đứng về phía kẻ thù của Hoa Kỳ. Như vậy thì một khi Iraq có được đầy đủ những lọai vũ khí tàn sát hàng loạt, họ không nhắm vào nước họ coi là kẻ thù thì còn nhắm vào đâu nữa"
- Thế còn dân chúng có ủng hộ chính phủ không"
- Năm ngoái tỷ lệ dân chúng tán thành tấn công Iraq là 74% gần đây còn 59%
- Tại sao vậy"
- Tình hình kinh tế suy thoái khiến người ta quan tâm đến những việc trước mắt hơn là những vấn đề khác. Cũng có người lo sợ rằng kinh tế Mỹ đang èo ọt nếu phải đương đầu với một cuộc chiến tranh khá tốn kém thì kinh tế Mỹ sẽ rơi xuống vực thẳm. Về mặt tâm lý dường như càng lâu thì người ta quên dần đi những mối nguy có thể giáng trên đầu nước Mỹ như thảm họa của biến cố 9-11.
- Lo nghĩ như vậy là phải. Kinh tế đang suy thoái thì phải lo phục hồi kinh tế chứ sao lại nghĩ đến chiến tranh"
- Bà nghĩ vậy cũng đúng mà cũng sai.
Ông Tám nói liệu kẻ thù có để yên cho nước Mỹ làm ăn, phục hồi kinh tế không hay là họ lợi dụng lúc Mỹ yếu để dồn nỗ lực phá hoại và khi có đủ khả năng, họ ngại gì mà không làm như bọn Al Qaeda đã làm. Chính vụ 9-11 là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế Mỹ xuống dốc. Nếu để xảy ra một vụ 9-11 nữa (mà lần này nếu xảy ra chắc chắn sẽ khốc hại hơn) thì kinh tế còn xuống dốc thê thảm đến thế nào. Cho nên nếu cứ nghĩ đến làm ăn mà để cho địch có cơ hội ra tay thì chẳng khác gì mình tự trói tay mình chờ sự việc xảy ra với hậu quả không lường được.
- Về phần Iraq, Saddam Hussein có phản ứng gì trước những lời bàn tán về việc Mỹ có thể tấn công"
- Saddam vừa thách thức Mỹ vừa tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ.
Nhiều lần Saddam lên tiếng thách thức Mỹ tấn công vào Iraq. Ông ta nói chắc chắn Mỹ sẽ thua vì Iraq có thần Allah che chở. Lời nói của ông ta lập lờ như kiểu ông ta đã có trong tay những loại vũ khí nguy hiểm. Mặt khác Saddam tìm cách kết thân với các nước Hồi giáo và các nước có thế lực khác như Nga và Trung Quốc. Mới đây Iraq tuyên bố sẽ trả lại cho Koweit những tài sản mà Iraq đã lấy trong thời gian chiếm đóng Koweit. Iraq cũng mới ký kết một thỏa ước hợp tác kinh tế với Nga trị giá lên đến 40 tỷ Mỹ kim. Iraq cũng gởi bộ trưởng ngoại giao đi Trung Quốc để tìm hậu thuẫn từ nước này. Nga và Trung quốc đều là thành viên của Hội đồng Bảo an. Chỉ cần một trong hai nước này dùng quyền phủ quyết thì không có nghị quyết nào được thông qua. Khi vận động hai nước có chân trong Hội đồng Bảo An Iraq tính toán rằng một khi Hoa Kỳ đưa vấn đề tấn công Iraq ra trước Hội đồng Bảo an như một số quốc gia đòi hỏi thì Nga hoặc Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết làm vô hiệu đề nghị của Mỹ. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không được Liên Hiệp Quốc tán thành việc tấn công Iraq.
- Biết đâu Iraq đã có các loại vũ khí tàn sát tập thể, khi bị tấn công họ đem những loại vũ khí đó ra sử dụng thì sẽ nguy hiểm cho quân đội Mỹ.
- Tôi không nghĩ như vậy. Cho dù đã có trong tay vũ khí tàn sát tập thể, Iraq cũng không dám đem ra xử dụng.
- Tại sao"
- Từ xưa tới giờ Iraq luôn luôn chối là không hề cho phát triển vũ khí tàn sát tập thể. Nhiều nước trên thế giới đã tin như vậy và nói nếu Mỹ đưa ra được bằng cớ thì họ sẽ theo Mỹ đánh Iraq. Nay Iraq đem các loại vũ khí này ra sử dụng thì có khác gì giúp Mỹ đưa ra bằng chứng, làm cho phe cánh của Mỹ càng mạnh hơn để tiêu diệt Iraq.
- Xem ra tổng thống Bush gặp nhiều khó khăn quá. Sao ông ta không chờ lúc khác mà lại có ý định đánh Iraq vào thời điểm này"
- Tôi nghĩ có lẽ tin tức tình báo cho biết Iraq sắp hoàn tất việc chế tạo các loại vũ khí có thể phương hại đến an ninh của Mỹ nên tổng thống Bush phải quyết định tấn công không thể để cho các loại vũ khí này có cơ hội xuất xưởng. Bà biết không, về mặt quân sự có những việc mà nếu bỏ qua thì không còn cơ hội nữa.
- Ngó tới ngó lui tôi thấy toàn là trở ngại. Ông có nghĩ tổng thống Bush sẽ xét lại ý định tấn công Iraq không"
- Tôi nghĩ xét lại thì có xét nhưng hủy bỏ ý định tấn công Iraq thì không chắc.
Từ lâu nội các của tổng thống Bush đều cho rằng tấn công Iraq là điều phải xẩy ra. Từ bà cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, phó tổng thống Dick Cheney cho đến bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld đều xác quyết việc tấn công Iraq là điều chắc chắn, không có chọn lựa nào khác. Chính tổng thống Bush cũng đã từng tuyên bố nếu không được đồng minh tiếp sức thì Hoa Kỳ cũng phải hành động một mình để trừ mối họa từ Saddam Hussein. Mặc dù cho đến nay tổng thống Bush vẫn tuyên bố ông chưa có quyết định tấn công Iraq nhưng đó chỉ là một cách nói chứ thực ra kế hoạch tấn công đã được soạn thảo và đã được đệ trình cho ông rồi. Gần đây nhóm luật gia cố vấn của tòa Bạch ốc cho rằng tổng thống Bush có quyền tấn công Iraq mà không cần phải hỏi ý kiến quốc hội cũng như lời tuyên bố mạnh mẽ của tổng thống Bush tại Liên Hiệp quốc cho thấy quyết tâm của chính phủ Bush trong việc giải quyết vấn đề Iraq. Có điều là lý do đánh Iraq là để chặn đứng việc Iraq cho phát triển vũ khí tàn sát tập thể. Như vậy tình hình sẽ ra sao một khi Iraq đồng ý để cho đoàn thanh tra vũ khí Liên Hiệp Quốc trở lại làm công việc kiểm tra vũ khí tại Iraq. Đến lúc đó thì tổng thống Bush sẽ nghĩ sao" Không tấn công nữa hay cứ vẫn tấn công như đã từng tuyên bố. Đây quả là một vấn đề nan giải, tiến thoaí lưỡng nan.
- Làm tổng thống nhức đầu quá ông ơi. Giả như người ta cho tôi làm tổng thống chắc tôi cũng không ham.- Bà Tám đứng dậy vừa nói vừa vươn vai sau một hồi lâu ngồi nghe ông Tám nói chuyện chính trị.
- Thì ai bảo đương đầu với những vấn đề khúc mắc làm gì cho mệt. Cứ tàn tàn, tìm cách tránh né, nếu cần thì đem dâng đất dâng biển như cái ông Nông Đức Mạnh ở Việt Nam đã làm cho yên chuyện, chờ hết nhiệm kỳ ngồi không hưởng lương mãn đời thì khỏe re chứ có gì mà nhức đầu.
- Ừ nhỉ, dễ dàng quá sao không có ai mách nước cho tổng thống Bush"
Hải Triều