Hôm nay,  

Vui Buồn Đời Tỵ Nạn

06/09/200200:00:00(Xem: 227466)
Người viết: NGUYỄN TRỌNG TỊNH

Bài tham dự số: 2-633-vb20902

Tác giả Nguyễn Trọng Tịnh sinh năm 1950, tới Mỹ năm 1975, hiện cư trú tại Los Angeles; Công việc: Kiểm soát bảo trì về hàng không (quality control Inspector) cho hãng General Electric tại phi trường LAX. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể lại nhiều chi tiết khác thường, từ chuyện một nhóm quân nhân trẻ đẩy phi cơ khỏi hangar rời phi trường Tân Sơn Nhất sáng 29 tháng Tư 1975 trong lửa đạn, tới chuyện gặp... ma Mỹ ngay đêm đầu tiên định cư trên đất Mỹ. Mong ông Tịnh sẽ còn tiếp tục viết, đặc biệt là về những sinh hoạt tại phi trường LAX, nơi ông đang làm việc.

*

Đêm 28 tháng Tư 1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị Việt cộng pháo kích nặng nề. Tiếp theo, một phi cơ gunship của không quân QLVNCH vừa bay lên để cố giữ an toàn cho phi cơ có thể cất cánh, đã bị bắn hạ. Vậy là ngay trong vòng đai phi trường đã có sự hiện diện của quân lích cộng sản.

Sáng 29 tháng Tư, quang cảnh trong phi trường hoàn toàn hỗn loạn. Dân chúng tập trung trong phi trường từ nhiều ngày trước nay lâm vào cảnh hỗn loạn, đi không được, về không xong.

Giữa tuyệt vọng ấy, chúng tôi gồm khoảng trên 20 quân nhân đang làm việc trên phi đạo, may mắn tìm được một phi cơ còn đang trong hangar (nhà đậu). Đẩy được phi cơ ra ngoài, cả bọn leo lên. Phi công cho nổ máy, và phi cơ cất cánh ngay trên đường dùng để taxi cùng chiều với gio.ù Không còn điều kiện an toàn tối thiểu nào. Trong lúc phi cơ còn lăn bánh, chúng tôi nghe rõ từng tràng đạn M16 do những quân nhân chậm chân bị bỏ lại nhắm bắn theo phi cơ.

Sau khi lấy đủ cao độ, tàu bình phi và phi công nhắm hướng Nhà Bè, kiểm soát lại chúng tôi hoàn toàn vô sự không ai bị thương tích gì nhưng thân tàu thì có một vài lỗ thủng không biết do đạn M16 của bạn hay miếng đạn pháo của địch quân…

Thiếu tá Quảng và trung úy Trọng cả hai là phi công cho biết phi cơ đầy đủ xăng có thể bay rất xa, đủ để bay ra Phú Quốc hay Côn Sơn nhưng bây giờ chúng ta liên lạc với Bình Thủy Cần Thơ xem có thể đáp được không.

Sau một hồi liên lạc, chúng tôi được trả lời hiện Bình Thủy cũng đang bị áp lực nặng nề của địch quân không nên xuống. Sau 2 vòng thám sát tình hình, Ông Quảng cho phi cơ hướng ra Côn Sơn vì nghe tin Phú Quốc cũng không an ninh gì lắm, thế là chúng tôi trực chỉ hướng đông nam để bay ra Côn Sơn.

Trên đường bay chúng tôi nhận được tín hiệu từ tần số khẩn cấp của Đệ thất hạm đội Mỹ là họ có thể tiếp nhận các phi cơ trực thăng đáp được trên sàn tàu, phi cơ chúng tôi là loại cần đường phi đạo nên không thể đáp được….

Đột nhiên thiếu tá Quảng cho phi cơ lao xuống vùng biển đang có hạm đội Mỹ túc trực và trước mũi phi cơ của chúng tôi, các chiến hạm của hạm đội đang vẽ các vòng nước khổng lồ trên mặt biển. Tôi ra dấu hỏi Quảng thì ở tần số cấp cứu vang lên một giọng nói của người Mỹ: “This is emergency prequency, all helicopters go to the ship can accept and guide you to landing.” Câu nói này cứ lập lại nhiều lần.

Lúc này phi cơ chúng tôi cũng chỉ còn cách mặt biển 500 ft. Ông Quảng bảo Trọng lấy bản đồ ra xem tọa độ và nhắm hướng Phillippine trực chỉ, vì chúng tôi đang ở hải phận và không phận quốc tế nên từ đấy đến Manila, Phillippine cũng gần.

Sau gần hai giờ bay, chúng tôi đã vào đến không phận của đất Phi. Tần số khẩn cấp vẫn hoạt động nhưng không nghe gì ngoài những tiếng rè rè lốp bốp. Bỗng nhiên vọt qua mặt chúng tôi hai chiếc F5A sơn cờ lạ nơi đuôi, không phải cờ vàng ba sọc đỏ thân thương vẫn thấy hàng ngày ở các phi đoàn. Đang còn bỡ ngỡ thì chiếc F5Aï đã vòng trở lại và lần này họ cố ý đâm thẳng vào phi cơ của chúng tôi làm làm mọi người đều vã mồ hôi hột. Không thể liên lạc với họ được, tần số quốc tế 122.1 vẫn mở nhưng không nghe gì cả. Nhìn chung quanh cũng không thấy họ đâu. Bỗng nhiên từ hai đầu cánh phi cơ chúng tôi là hai mũi rất nhọn của hai chiếc F5 vừa nãy đang bay kè chúng tôi và họ ra dấu theo họ. Sau đó vọt nhanh lên trước để dẫn đường cho chúng tôi.

Độ 45 phút sau chúng tôi thấy những quần đảo với cây cối xanh tươi đang lần lượt hiện ra, phải chăng đây là đất Phi" Thế rồi chúng tôi thấy một phi trường ở trước mặt. Sau khi làm các động tác thả cánh cản gió, thả chân đáp và bật đèn đáp, chúng tôi hồi hộp đem phi cơ đến gần phi đạo và chỉ trong ít phút phi cơ đã chạm bánh trên phi đạo, hai chiếc F5 vừa nãy có nhiệm vụ áp tải chúng tôi đang bay trở lại và làm một "lowpass" như để dằn mặt chúng tôi và mất hút cuối chân trời….

Ngay sau khi phi cơ chúng tôi còn đang trên đường Taxi để vào bãi đậu thì lập tức hai xe Jeep chở đầy lính Mỹ với vũ khí đầy đủ đang kè bên hông tàu chúng tôi. Trước mặt là một pickup trên có gắn bảng “follow me” thế là chúng tôi tiếp tục cho tàu lăn bánh theo chiếc pickup vào một hangar khổng lồ đèn điện sáng trưng, hình như đây là nơi họ đã sửa soạn sẵn để chờ chúng tôi đến…

Sau khi tắt máy, cửa máy bay mở ra, các quân nhân Mỹ ra dấu cho chúng tôi xuống phi cơ, sau đó họ bắt nộp hết vũ khí súng dài, súng ngắn cùng những bộ áo lưới chất thành đống. Họ cho biết đây là căn cứ Clark Field của không quân Hoa Kỳ trên lãnh thổ Philippine và chúng tôi là nhóm tỵ nạn quân nhân đầu tiên đến đây. Vì chưa có chỉ thị gì nên họ mời chúng tôi vào một phòng cách ly và cho hai quân nhân MP canh gác.

Chừng 30 phút sau các bạn Mỹ lục đục mang đến đồ ăn, nước uống cũng như quần áo civil và bắt chúng tôi trút bỏ quân phục và thay đồ dân sự… Từ đây chúng tôi thật sự mất tất cả: Quê hương, gia đình và cuộc đời binh nghiệp. Tiếp theo là một bửa ăn đầu tiên trong ngày không có cơm và chan bằng nước mắt…

Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi trong phòng, tôi lục tìm gói thuốc quân tiếp vụ trong túi helmet mang theo, nhưng chợt nhớ lại lúc xuống phi cơ họ khám xét đồ đạc và tịch thu cả những gói thuốc mang theo, bây giờ một vài người trong chúng tôi cảm thấy thèm một điếu thuốc quá chừng!

Khoảng gần 3 tiếng đồng hồ trôi qua, có lẽ họ đã nhận được lệnh cấp trên nên một đại úy không quân Mỹ vào phòng nói cho mọi người rằng họ sẽ di chuyển chúng tôi đến đảo Guam, cách đây khoảng gần 4 giờ bay, vậy mọi người chuẩn bị ra xe để được chở ra máy bay ngay. Chiếc bus màu xanh quen thuộc của không quân chở chúng tôi đến bãi đậu phi cơ. Trời bây giờ đã chuyển sang màu tím sậm của hoàng hôn, vài ánh sáng yếu ớt cuối chân đồi đang tắt dần và chìm vào bóng tối. Tôi dõi nhìn về phía quê hương Việt Nam thân yêu, trong đó có gia đình tôi. Thêm một lần phải cố nuốt những giọt nước mắt vào trong lòng.

Những vận tải cơ C141 của không quân Hoa Kỳ đậu thành hàng thẳng tắp, với những cái đuôi hình chữ T in vào bầu trời hoàng hôn trông rất oai nghiêm. Đây là căn cứ không vận của không quân Hoa Ky.ø Tôi được biết các phi cơ này dùng để chuyên chở tỵ nạn VN từ các căn cứ Clark Field và Subic Bay đến các đảo chuyển tiếp Guam hay Wake nơi đây sẽ lập thủ tục và chuyển vận vào lục địa Hoa Kỳ qua các trại tỵ nạn trên nước Mỹ. Vậy là người Mỹ cũngï đã chuẩn bị sẵn cho cuộc bỏ chạy vào tháng 4/75 và chúng tôi là những quân nhân Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây và được xử dụng phương tiện này.

Chúng tôi được hướng dẫn lên một phi cơ đang chờ đợi. Cửa phi cơ đã mở sẵn. Từ trong phi cơ có mùi thơm của nước hoa, mỹ phẩm bay ra làm tôi thấy lạc lõng và bở ngơ. Thì ra trong đó đã có sẵn khoảng hơn 30 hành khách Việt Nam nhưng trông họ như những người đi du lịch với đủ thứ quần áo đồ đạc và trang sức hoa mỹ. Thay vì nhận được lời chào hỏi, chúng tôi chỉ lãnh được những cái nhìn không thiện cảm từ phía đám người hành khách này. Được biết họ là thân nhân của các viên chức Mỹ làm việc tại VN… chúng tôi được xếp vào phần cuối của phi cơ, cách họ vài dãy ghế trống. Có lẽ người Mỹ họ cũng tế nhị vì họ không nỡ xếp chúng tôi ngồi chung với các vị "hành khách cao cấp" này vì chúng tôi thuộc thành phần tỵ nạn quân đội, tuy cùng màu da và ngôn ngữ nhưng họ cho rằng họ đang ở một tầng lớp cao cấp hơn chúng tôiù…

Sau hơn 3 giờ bay chúng tôi được thông báo phi cơ đang chuẩn bị hạ cánh tại phi trường quân sự Anderson AFB thuộc đảo Guam. Nhìn xuống chỉ thấy một màu đen của biển đêm. Trong lòng phi cơ mọi người lừ đừ mệt mỏi vì những cú nhồi. Là phi cơ quân sự nên họ chỉ trang bị loại ghế lưới, người như đưa võng. Voi61n là lính tầu bay, chúng tôi đã thích ứng với những phương tiện này nên cảm thấy thoải mái hơn những nhân vật quan trọng ngồi ở phần trước phi cơ.

Cuối cùng rồi con chim sắt khổng lồ đã ngừng nơi bến đậu. Chúng tôi lần lượt xếp hàng lên xe để được đưa về nơi tạm trú. Nhìn chung quanh thấy hàng hàng lớp lớp pháo đài bay B52 đậu kín gần nửa phi trường. Đây cũng là tuyến xuất phát của 90% những phi vụ thả bom đường mòn HCM và oanh tạc Bắc Việt. Hôm nay, ngày mai và những ngày kế tiếp, những con đại bàng này sẽ không còn dịp tung hoành trên bầu trời Việt Nam vì chúng tôi đã thua trận và những người bạn lâu nay đã sát cánh bên nhau chiến đấu đã phủi tay, quay đi. Chính phủ của họ đã thay đổi đường lối, đã trực tiếp hòa đàm với kẻ thù năm 1973 ở Paris, không cần đếm xỉa gì đến quyền lợi của đồng minh Việt Nam Cộng Hoà. Làm một nước nhược tiểu phải trông nhờ vào sự bố thí của nước giàu để chiến tranh thì hỏi tại sao mình có được chủ quyền"

Chúng tôi được đưa đến tent city (thành phố lều vải) cách phi trường khoảng 5 miles. Nơi đây chúng tôi lần lượt được làm thủ tục giấy tờ và được phân phát chăn màn và những vật dụng vệ sinh cá nhân gồm cả những hộp ration C quen thuộc.

Sinh hoạt của tent city rất tất bật, bận rộn với những mẫu nhắn tin tìm thân nhân qua những cái loa khuếch đại được gắn khắp trại cho đến nữa đêm. Các quân nhân Không quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có tinh thần kỷ luật rất cao. Họ làm việc không biết mệt mỏi để phục vụ cho người tị nạn từ những bữa ăn sáng, trưa, chiều cho đến việc dọn dẹp các nhà vệ sinh... Trong khi ấy, chính chúng tôi thì không biết phải làm gì cho qua ngày. Quanh quẩn, hết ăn rồi lại đi tắm biển, rồi lại về lều ngồi chờ bữa ăn.

Sau hơn một tuần ở Guam, chúng tôi được lên danh sách để qua trại tỵ nạn Fort Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas. Đây là một quân trường của bộ binh Hoa Kỳ gồm khoảng 40 dãy barrack hai tầng và khoảng hơn một chục nhà ăn, có thể chứa trên dưới 10 ngàn người.

Nơi đây sẽ là nơi tạm trú của chúng tôi cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ tìm được những đoàn thể hay cá nhân đứng ra bảo lãnh cho chúng tôi xuất trại để hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

Trong thời gian ở đây, các nhà thầu lo về vấn đề ăn uống, thực phẩm quá dư thừa và các nhu yếu phẩm được phân phát không hạn chế, ngoài ra còn những lớp học anh văn, những buổi hòa nhạc được tổ chức liên tục, cinema chiếu những phim mới cho người tỵ nạn quên đi thân phận buồn chán của mình.

Sau gần hai tháng tôi đã được một nhà thờ Lutheran bên Texas nhận bảo trợ. Đây là một họ đạo toàn là những nông gia giàu có sống biệt lập với các thành phố lớn, thị xã có tên Olney mà kiếm trong bản đồ không có vì quá nhỏ… Ngày tôi lên đường rờiø trại tỵ nạn, tạm biệt một số lớn bạn bè cũ mới, ai ai cũng bịn rịn. Người đi chẳng hiểu tương lai sẽ ra sao. Người ở lại thì cũng chẳng hơn gì. Không biết rồi nước Mỹ bao la rộng lớn thế này chúng tôi có còn hy vọng gặp lại nhau lần nữa hay không" Dù sao thì ai trong chúng tôi cũng rất mong muốn có ngày được rời trại, vì trong trại tuy đầy đủ nhưng như bị giam lỏng, hơn nữa chúng tôi còn đang trong tuổi thanh niên hầu hết mới ngoài 20 và đang bay nhảy thênh thang, mặc dù đất nước chiến tranh điêu linh nhưng không vì thế mà chúng tôi sợ.

Ra đón tôi ở phi trường Dallas gồm có ông bà mục sư và hai cậu con trai trên dưới 10 tuổi. Họ cũng biết về tôi qua lý lịch hình ảnh đã được gởi đến cho họ xem trước, nên ông bà bảo trợ nhận ngay ra tôi, trong khi tôi còn đang lớ ngớ như mán về thành, đứng hồi lâu mới chợt nhận thấy họ đã bao quanh tôi tự bao giờ. Thật cảm động vì chân tình họ đã dành cho tôi. Tuy tôi cũng bập bẹ dăm ba câu tiếng Anh nhưng trong lúc này tôi không nói nên lời chỉ lí nhí nói được một câu thanks you very much rồi tịt luôn…. Họ đưa tôi đến tiệm ăn đồ sộ như một dinh thự, nơi đây có đủ các món ăn mà hồi ở bên nhà tôi chỉ thấy qua sách báo Mỹ, đặc biệt là muốn ăn món gì và bao nhiêu tùy ý. Tôi cũng không ăn được bao nhiêu vì hơi lạ với nhiều món đồ ăn Mỹ trông thì rất đẹp và nhiều chất bổ, đúng tiêu chuẩn nhưng không có hương vị như đồ ăn Á đông chúng ta. Rồi bữa ăn cũng xong, tôi được đưa về nơi cư trú. Suốt hơn một giờ lái xe, hai bên đường bát ngát ruộng lúa mì xa tít tắp đến vô tận, con đường chúng tôi đi rộng thênh thang và tuyệt nhiên không thấy một xe Honda hai bánh nào, ngay cả trong thành phố cũng không có. Đây là điều quá xa lạ với tôi…

Xe đã về đến đầu phố và đã chậm rãi rẽ vào khuôn viên một ngôi thánh đường, xe vừa dừng lại thì một tốp con chiên trong nhà thờ đi ra gồm khoảng hơn hai chục người già trẻ lớn bé đủ các hạng tuổi. Họ vui mừng hớn hở ra tiếp đón tôi đây ư" Đúng như vậy, họ vây lấy tôi hỏi han đủ chuyện nhưng vốn liếng tiếng anh tôi đang ăn đong từng chữ nên không thể trả lời họ được, ngay cả dùng hai cánh tay thật đắc lực mà chắc họ không hiểu. Nhưng qua ánh mắt họ, tôi hiểu được sự cảm thông và thương xót đối với tôi, những cặp mắt xanh biếc và những làn da trắng ngần của các ông bà trong hội nhà thờ, họ không có một chút thân thích gì đối với tôi mà sao họ đối với tôi còn hơn ruột thịt, trong khi những người đồng chủng bên nhà tuy cũng màu da và tiếng nói có khi cùng họ với nhau mà nỡ bắn giết nhau thật tận tình không chút xót thương! Tôi thật sự xúc động trước những tình cảm họ đã dành cho tôi và biết bao gia đình tỵ nạn như chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này.

Sau đó vào buổi chiều cùng ngày, ông bà mục sư đưa tôi đến tạm trú tại một khách sạn nhỏ của thành phố. Gọi là hotel cho nó sang chứ thật ra đây là phòng ngủ cho thuê vì không có ai phục vụ sau giờ làm việc, ngoại trừ một nhân viên đưa chìa khóa rồi họ đi về… Khách sạn này gồm khoảng 15 phòng trên lầu hai của một tiệm tạp hóa Russell, cả một chung cư lớn được xây bằng gạch có lẽ từ ngày thành phố này được thành lập, vì mọi tiện nghi và trang hoàng đều đã quá cũ như trong viện bảo tàng, tôi nghĩ rằng chắc họ mới bắt điện chứ ngày xưa thì phải đốt đèn dầu vì trên tường còn dấu vết của khói do đèn dầu để lại… Có lẽ tôi là một lữ khách duy nhất trọ đêm nay tại khách sạn này, vì sau khi nhận chìa khóa phòng và những lời tạm biệt của ông bà mục sư hẹn sáng mai sẽ đến đón tôi lúc 8 giờ, tôi lững thững xách bị quần áo lên lầu. Hành lang vắng ngắt, không một bóng người, chỉ một mình tôi cố gắng mở cửa phòng với những tiếng lách cách từ ổ khóa cũ. Vào phòng tôi đóng cửa lại và tò mò đi quan sát quanh phòng xem có gì mới lạ không. Căn phòng khá rộng, gồm một phòng ngủ, một phòng khách và một phòng tắm vv… đồ đạc thì khỏi nói, cũng cũ kỷ và tối tăm, một mùi ẩm mốc xông lên từ phòng ngủ, có lẽ chăn mền lâu ngày không ù ai dùng và không được giặt giũ thường xuyên. Tôi sửa soạn lấy đồ đi tắm cho mát vì hơn 8 giờ tối, tôi bật đèn phòng tắm và ngạc nhiên thấy tiếng nước tự động chảy ào ào như có ai đang tắm. Tôi chưa định thần vì tưởng phòng bên cạnh có người đang tắm, nhưng khi tôi tiến về phía phòng tắm thì tiếng nước tắt đột ngột và những giọt nước còn rĩ rả chảy từ vòi sen. Tôi nghĩ có lẽ vì khách sạn cũ nên hệ thống nước có thể bị trục trặc. Tôi cởi đồ và vào tắm.

Đang chà xà bông và xối nước, linh tính báo cho tôi có chuyện gì không bình thường. Cửa phòng tắm vẫn để mở vì tôi đinh ninh trong phòng này ngoài mình không có ai. Bỗng tôi thấy một người đàn bà Mỹ tóc vàng với khuôn mặt xanh xao, mặc bộ đồ đầm như cô dâu bà ta đang đi từ trong phòng ngủ ngang qua phòng khách qua cửa phòng tắm và làm như không thấy tôi. Tôi cảm thấy một luồng hơi lạnh chạy toàn thân vội vơ lấy cái khăn quàng vào người và với tay đóng cửa lại, mặc vội quần áo và vơ tất cả các vật dụng tùy thân chạy vào phòng ngủ vơ túi quần áo rồi vọt nhanh ra ngoài tìm lối cầu thang đi xuống. Có thể họ đã xếp tôi lộn phòng đã có người ở. Phải tìm họ hỏi lại, nhưng văn phòng khách sạn không có ai làm việc. Trời bên ngoài đã sụp tối vì bây giờ đã hơn 9 giờ tối, thỉnh thoảng một vài chiếc xe vội vã phóng qua. Tôi ngồi tìm một chỗ ngồi tạm trong lúc tâm trí đang bấn loạn, vừa sợ hãi vừa hoang mang, điện thoại của ông bà mục sư tôi không có. Tôi nghĩ không lẽ cứ ngồi đây đến sáng thì mệt quá. Bỗng tôi để ý thấy trên kệ của khách sạn có một đống chăn mền và gối có lẽ chờ đem đi giặt, tôi lôi xuống và trải ngay hành lang nằm xuống cố dỗ giấc ngủ đầy mệt mỏi…

Tôi đang nửa tỉnh nữa mê thì hình như có bàn tay đang lay tôi dậy. Hé mắt nhìn ra thấy trong ánh đèn mờ ảo của dãy hành lang là bóng một người đàn bà cũng tóc vàng và mặc toàn đồ trắng đang đi về hướng lên cầu thang. Điểm đặc biệt là bà ta khi di chuyển như lướt trên sàn nhà, bà ta bỗng quay lại nhìn tôi. Tôi cũng đang tỉnh dần cơn buồn ngủ vì sợ hãi, thì nhìn kìa! Khuôn mặt trắng toát và cái lưỡi dài đỏ như máu từ miệng bà ta đang lè ra và đong đưa, hai hốc mắt đỏ rực như hai hòn than. Tôi như tê liệt không có một phản ứng gì khác hơn là cứ ngồi chết trân nhìn theo bóng ma ấy mất hút trên cầu thang dẫn lên lầu… Tôi đã hoàn toàn tỉnh ngủ và nhất định phải rời bỏ lữ quán ma quái này càng sớm càng tốt bằng bất cứ giá nào. Sau cùng, tôi đã tìm được cửa ra nhưng cũng không quên mang theo tất cả những chăn gối hy vọng để tìm được chỗ nào tương đối để ngủ qua đêm nay. Tôi đi khoảng 3 dãy phố về hướng có ánh đèn sáng thì thấy một trạm xăng còn mở cửa, tôi cứ loanh quanh ở khu có đèn sáng cho đến khi tìm được một chỗ tạm được để trải tấm khăn làm chỗ tạm nghỉ qua đêm thì đã gần 11 giờ đêm. Còn đang ngồi với mớ "hành lý" và bây giờ tôi đúng thực là một homeless (kẻ không nhà) thì bỗng đèn đóm phụt tắt và một người trong trạm xăng đi ra và khóa cửa, rồi ông ta đi về hướng bãi đậu xe, sau khi đã đi chậm lại thấy tôi đang ngồi gần đó… Tôi mệt quá thiếp đi lúc nào không hay, bỗng nhiên tôi thấy ánh đèn chiếu khắp người tôi và dừng lại trên mặt làm tôi chóa mắt cùng một lúc bàn tay đang đập nhẹ vào vai tôi. Choàng tỉnh dậy tôi thấy bốn người cảnh sát đang vây quanh tôi. Có lẽ tôi là một người ngoại quốc đầu tiên đến thành phố này và lại nằm ngủ bất hợp pháp nơi trạm xăng, nên họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Họ đều quỳ cả xuống xung quanh tôi và hỏi những câu hỏi rất chậm rỏ ràng như ở đâu, đến đây và tại sao lại ngủ ở đây, có quen ai ở đây không vvv…Có nhiều câu hỏi cho tôi trả lời, tôi chậm rãi với mớ Anh ngữ xà bần và sau cùng vì tôi có giấy xuất trại cùng với cái giấy I94 của sở di trú cấp, nên họ mới vỡ lẽ tôi là người mà hội nhà thờ Lutheran đã bảo trợ và tin này đã được tờ báo duy nhất tại địa phương loan tin mấy hôm trước, và cơ quan cảnh sát gồm có năm trựï của thị xã này đã được thông báo, đêm nay tôi đã hân hạnh gặp được bốn trong năm người của nha cảnh sát địa phương. Họ chở tôi về trạm cảnh sát của thị xã và lo giường nệm cho tôi ngủ qua đêm, một cậu cảnh sát (vì còn rất trẻ) đã đi mua bánh mì sandwich và nước ngọt cho tôi ăn, và một người nữa hỏi tôi có hút thuốc không và chìa cho tôi gói thuốc… họ rất lịch sự và ân cần đúng với câu cảnh sát là bạn dân.

Sáng hôm sau khi thức dậy từ phòng tắm ra, tôi đã thấy ông bà mục sư đã đợi tôi ở phòng khách của trạm cảnh sát, tôi mừng như tìm thấy lại đồ quý đã mất. Sau một lúc nói chuyện tôi mới trình bày cho ông bà mục sư hiểu rằng tại sao tôi lại đến trạm xăng ngủ và được các ngài bạn dân dẫn về đây, ông bà bảo trợ nhất định không tin trong khách sạn lại có chuyện đó. Đến chiều sau khi đã đi chơi đến một vài nhà con chiên trong hội nhà thờ, ông bà mục sư và hội nhà thờ sắp xếp để tôi đi dự một buổi lễ tưởng niệm (memorial) của một gia đình trong hội nhà thờ, có thân nhân vừa mới qua đời hiện đang được quàn tại nhà quàn thành phố này. Tôi đã nhận ra nơi đã đi chiều hôm qua khi họ đón tôi từ phi trường về, cách "khách sạn" tôi đã tới hôm qua cách một dãy phố là cái nhà quàn này. Tôi thấy loáng thoáng bên trong là những người mặc toàn đồ đen, chúng tôi lần lượt đi vào, tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên tự giới thiệu là chồng của người quá cố. Với khuôn mặt thật buồn, ông ta ngỏ lời cám ơn ông bà mục sư và tôi đã đến để chia buồn gia đình ông ta. Sau khi mọi người đã an tọa, ông mục sư lên thuyết giảng giáo lý và cầu nguyện cho người quá vãng. Sau đó mọi người lần lượt đi ngang qua quan tài chiêm ngưỡng lần chót dung nhan người quá cố. Tim tôi muốn đứng khi nhận ra người name trong quan tài đúng là khuôn mặt người đàn bà đã đi qua phòng khách sạn tối hôm qua khi tôi đang tắm.… Phải chăng đây là ma Mỹ mà lần đầu tiên trong đời tôi đã gặp và lại gặp trong hoàn cảnh bi đát này.

Vài bữa sau tôi được đi làm cho nhà thờ Lutheren, công việc của tôi là phụ với những nhân viên lo tắm rửa, ăn uống cho khoảng hơn 20 người già và bệnh trong viện dưỡng lão của nhà thờ. Tôi và hai anh Mễ lo dọn dẹp giường chiếu tắm rửa cho 9 ông cụ bị liệt, vì các cụ ông to lớn và không thể tự mình làm những công việc vệ sinh cá nhân. Chúng tôi giúp các cụ thay tã lót, cho các cụ ăn vv… Trong khi làm việc, tôi luôn làm với lòng biết ơn.

*

Thấm thoát tôi đã ở đất nước này được hơn 27 năm để học hỏi, làm việc và xây dựng gia đình, lo cho các con, cùng tranh sống với những người bản xứ trong một đất nước thanh bình và thượng tôn luật pháp.

Tôi đã trải qua quá nửa quãng đời, để cùng các bạn tôi, những người tỵ nạn đã đến đây và đã đóng góp mồ hôi cho quê hương thứ hai này.

Nước Mỹ Hợp Chủng Quốc là nơi quy tụ đủ các màu da, văn hóa cũng giống như một khu vườn có đủ loại kỳ hoa dị thảo trên hành tinh quy tụ lại, đầy hương thơm và màu sắc. Nước Mỹ của chúng ta hôm nay tiêu biểu cho sức mạnh trưởng thành của nhân loại hợp chủng. Tôi nghĩ vậy khi nhớ về Olney, những ngày đầu tiên trên đất Mỹ.

Nguyễn Trọng Tịnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,224,702
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến