Hôm nay,  

Quê Người-quê Nhà

03/09/200200:00:00(Xem: 234358)
Người viết: Duy Nhân
Bài tham dự số: 2-630-vb40828


Tác giả Duy Nhân sinh năm 1947, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân của Cộng Sản, đã góp
nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

-Có một con ốc mà rị mọ cả tiếng đồng hồ không xong!

Đó là lời của Department leader, phân xưởng trưởng. Một lời nói vào không khí vậy mà như xoáy vào tâm can hắn. Xếp hắn cũng là người Việt Nam, tuổi tác chưa bằng đứa em út của hắn, vậy mà có thái độ trịch thượng, chê bai hắn một cách thậm tệ. Điều này rất thường xảy ra. Vậy mà lần nào hắn cũng thấy bị xúc phạm, cũng thấy buồn. Đâu có ai biết hắn đã từng làm giám đốc ở Việt Nam!

Sau nhiều lần đổI job hắn nhận thấy công việc của một assembler là thích hợp với hắn nhất vì nó nhẹ nhàng, đơn giản, làm việc không phải suy nghĩ, động não. Công việc chính yếu chỉ là lắp ráp những bộ phận điện tử nhỏ li ti để hình thành một cái board dùng trong máy tính, ti vi, trò chơi điện tử v.v... Lắp ráp nghĩa là vặn ốc. Con ốc Mỹ gọi là crew, cái để vặn gọi là screwdriver, nếu chạy bằng pin hoặc điện gọi là drill. Công việc thì dễ dàng nhưng đôi khi gặp phải những con ốc bị sét hoặc lờn răng thì có hơi trục trặc. Hắn cũng biết cách lấy nó ra, mặc dầu hơi lâu một chút nhưng đâu đến nổi một tiếng đồng hồ như xếp hắn đã mỉa mai.

Trước đây, hắn đã làm việc ở nhà kho gọi là warehouse. Hắn làm việc ở bộ phận giao nhận, shipping and receiving. Cũng có lúc hắn làm packaging, đóng gói. Mỗi nơi chỉ làm được một thời gian ngắn thì bị lay off, vì người ta thấy hắn rất khó nhọc khi phải mang bằng tay những kiện hàng, từ 40 pounds trở lên. Rút kinh nghiệm, hắn đi apply những công việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng cũng đâu phải dễ ăn. Tức là không phải dễ ăn tiền của Mỹ.

Có lần hắn làm ở công ty chuyên chụp hình bằng microfilm những hồ sơ bệnh viện để lưu trữ. Mỗi giờ người ta trả 6 đồng 50 xu. Ở đây người ta không tính giờ theo đơn vị thời gian mà tính giờ theo sản phẩm. Một giờ không phải là 60 phút mà là 1000 trang tài liệu được chụp với chất lượng tốt. Hắn cố gắng hết sức cũng chỉ đạt từ 700 đến 800 trang là cùng. Để làm đủ 8 giờ lao động trong một ngày theo chế độ sản phẩm quy định, thực tế hắn phải làm đến 10 tiếng đồng hồ. Nghĩa là hắn đã bị bóc lột, không được trả công 2 tiếng mỗi ngày. Đúng ra 2 tiếng này hắn phải được trả thêm gắp rưởi vì đó là giờ over time. Sau gần 2 năm chịu bị bóc lột như vậy, hắn cũng phải tự động rút lui thôi.

Giờ thì hắn an phận vớI việc làm hiện tại. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng không tránh khỏi phiền muộn mặc dầu hắn đã phải lao động với cường độ rất cao. Khi làm việc không được nói chuyện, không được ngừng tay dầu chỉ là vài phút trước khi có tiếng kẻng báo hiệu hết giờ. Đôi khi hắn cảm thấy mình như một cái máy đã set up sẵn, đã được lập trình mỗi ngày như mọi ngày: 5 giờ thức dậy, 6 giờ rời khỏi nhà, 17 giờ về nhà, 21 giờ lên gường, 5 giờ thức dậy...

Việc làm ở Mỹ thì vất vả, các công ty xí nghiệp thường ở ngoại ô, xa nhà. Người công nhân phải dậy sớm, chuẩn bị cơm nước như nông dân hoặc thợ cày ở Việt Nam, nên danh từ đi làm còn được gọi là đi cày. Khi mùa đông tới với cái giá rét của băng tuyết mà phải dậy sớm để "đi cày" là một cực hình. Hắn đã trải qua 6 mùa đông ở Chicago. Vậy mà mỗi khi nghe tiếng đồng hồ reo lúc 5 giờ sáng, hắn đều giựt mình, kinh hãi. Ở Việt Nam, hắn đâu có bao giờ cầm lấy cái kềm, cái búa. Hắn đâu biết mặt mũi cái đinh ốc, cái bù loong, con tán ra sao. Công việc của hắn lúc nào cũng gắn liền vơiI cây bút, trước cũng như sau 1975.

Là chuyên viên ngân hàng Quốc Gia, hắn cũng đi tù Cộng Sản, nhưng cuối năm 1977 thì được thả về. Hắn được Cộng Sản sử dụng trong lĩnh vực kinh tế tài chánh, ngay trong Ban tài chánh quản trị thành ủy, thành phố Sài Gòn. Sau đó hắn ra làm Giám Đốc một ngân hàng Thương Mại Cổ Phần của tập đoàn người Đài Loan với bổng lộc ưu đãi. Người ta nói hắn có số may so với nhiều bạn bè phải ở tù nhiều năm khi được thả về thì bị đuổi đi kinh tế mới, phải trốn về thành phố đạp xích lô sống qua ngày. Thật ra thì mấy ai biết được thế nào là may thế nào là rủi. Vì ở tù chưa được đủ 3 năm, nên hắn đâu được Mỹ "rước" đi theo diện HO.

Cũng vì hai chữ Tự Do và tương tai của các con nên hắn đã đầu tư toàn bộ tài sản dành dụm được vào những chuyến vượt biên. Hắn đã ra khơi nhiều lần nhưng không đến được bến bờ tự do. Hắn đành chờ người em vợ bảo lãnh đến năm 1997 mới đến Mỹ thì đã quá muộn. Hắn không được ai bảo trợ, cũng không được chính quyền giúp đỡ, trợ cấp như những người đến trước. Hắn đành phải bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng. Với trình độ văn hóa cao và vốn liếng tiếng anh khá, đáng lẽ hắn vẫn tiếp tục cầm bút ở nước Mỹ này. Song do một tai nạn bất ngờ ảnh hưởng đến hai tai làm hắn không nghe được tiếng Anh. Hắn đã phải lao động như người mù chữ.

Giờ đây con gái lớn của hắn sắp sửa tốt nghiệp kỹ sư còn đứa con trai thì đang học năm thứ hai đại học. Các con hắn đều học giỏi và ngoan. Đây là một điều an ủi và là trợ lực giúp hắn chịu đựng bệnh tật, đứng vững và vượt qua bao khó khăn, trở ngại ở một đất nước lạ lùng và phức tạp như thế này. Hắn hy vọng sự hy sinh của hắn và vợ vì tương lai của các con sẽ được đền bù. Hắn quan niệm con hắn thành công tức là hắn đã thành công.

Điều thứ hai hắn hài lòng là được sống ở một đất nước tự do, dân chủ thật sự. Từ ngày định cư ở Mỹ, hắn chưa hề thấy một viên chức nhà nước của tiểu bang hay liên bang vào nhà hắn. Hắn chưa phải xuất trình ID card cho ai bao giờ. Chỉ có một lần lái xe lạc vào đường cấm thì hắn bị police chận lại hỏi bằng lái, rồi cho đi.

Hắn đã sống hai thời kỳ Tổng Thống Mỹ. Ông Bill Clinton trong thời gian ở tòa Bạch Ốc đã lăng nhăng tình ái vớI nàng Monica, sinh viên tập sự. Đã bị báo chí viết bài phê bình, chỉ trích không còn gì là thể diện, bị quốc hội đằn hạch suýt bay chức Tổng Thống. Sau khi mãn nhiệm kỳ, đã bị tòa án địa phương ra phán quyết cấm hành nghề luật sư vì tội đã khai gian trước tòa. Cô Jenna Bush, con gái của đương kim Tổng Thống George W. Bush bị tòa án địa phương tại Austin Texas phạt 600 Mỹ kim, treo bằng lái xe 30 ngày, làm lao động công ích 36 giờ ngoài ra phải đi học khóa chừa rượu về tội vi phạm cấm uống rượu khi lái xe. Toà án còn cảnh cáo nếu tái phạm sẽ phải vào tù. Đó, nền tự do dân chủ ở nước văn minh là như vậy.

Thật ra hắn cũng không hoàn toàn hài lòng về xã hội Mỹ. Sự tự do khi đã đi quá đà thì cũng tạo nên những vấn đề xã hội nhức nhối. Nhân danh tự do, đài truyền hình Mỹ đã cho phép trình chiếu những phim ảnh kích động bạo lực và tình dục, ảnh hưởng xấu đến một số thanh niên. Cũng vì sự dễ dàng sử dụng súng mà xã hội Mỹ ngày càng rối loạn, bất an. Sự tự do sống chung và dễ dàng trong li dị đã đưa tới hậu quả là hơn phân nửa gia đình ở Mỹ đã bị đổ vỡ, mất hạnh phúc. Cũng vì nhân danh tự do cá nhân mà các con cái ở Mỹ rất là khó dạy, nói không nghe. Các chương trình truyền hình Mỹ đã cho thấy nhiều thiếu niên Mỹ 12, 13 tuổi đã phạm tội hình sự, hút xách, đĩ điếm, trộm cắp, chưởi cha, đánh mẹ phải gửi đi các trại cải huấn (boot camp). Nhiều thiếu nữ Mỹ mới 10 tuổi đã có quan hệ tình dục. Từ 13 đến 15 tuổi đã có con mà cha mẹ không ngăn cản được. Cùng một lúc quan hệ đến 10 boyfriend nên không biết ai là cha đứa bé. Những "bà mẹ con nít" này còn đặt câu hỏi cho ngườIilớn. Tại sao người khác có con được mà họ không được quyền có con" Thật tế, luật pháp Mỹ bảo vệ và trợ cấp cho những bà mẹ độc thân (single mother) này để nuôi con. Phải chăng sự nhân đạo này của chính quyền Mỹ là một động cơ xúi cho giới thanh niên Mỹ lao vào ăn chơi, hưởng thụ và sống bừa bãi không cần biết hậu quả, không cần biết tới ngày mai.

Càng sống lâu ở Mỹ, hắn càng trân quý truyền thống văn hóa và đạo đức cao quý của dân tộc Việt Nam. Khi có một biến cố xã hội nào đó xảy ra ở Mỹ thì hắn lại càng nhớ Việt Nam hơn. Khi ra đi hắn nhủ với lòng sẽ không bao giờ trở lại nếu như chế độ Cộng Sản còn tồn tại ở Việt Nam. Vậy mà mới rời Việt Nam 6 năm, hắn tưởng chừng như lâu lắm.

Khi còn ở Việt Nam, mặc dầu bận trăm công nghìn việc, đến ngày gần Tết hắn đều về quê tảo mộ ông bà. Những lần đó, hắn đều tình nguyện thức để canh nồi bánh chưng, để được nhìn thấy ánh lửa bập bùng reo vui ấm cúng, được nghe tiếng nước sôi phì phò như hơi thở và được ngửI mùi thơm dễ chịu xông lên từ nồi bánh vừa chín tới. Hắn không thể nào diễn tả được cái mùi vị đó. Hắn chỉ có thể gọi đó là mùi vị quê hương, vì nó hình thành từ sự tổng hợp của nếp, lá chuối, thịt, đậu xanh, nước dừa, là những chất liệu của quê hương.

Giờ thì những mùi vị đó đã xa lắc xa lơ, xa đến nửa vòng trái đất. Hắn nhớ thương da diết những đêm trăng sáng ngồi một mình dạo đàn ở ban công trong lúc dàn hoa dạ lý tỏa hương lúc ngào ngạt, lúc thoang thoảng, tùy cơn gió xao động lúc gần, lúc xa. Nhớ nhất là những lúc cùng vợ con ăn bánh, uống trà kể chuyện đến khuya lắc khuya lơ vẫn chưa chịu đi ngủ. Phải chăng những giây phút thần tiên đó đã thật sự rờI xa hắn vĩnh viễn"

Hắn nhớ nhiều dòng sông ở đầu làng quê mẹ. Ngày xưa, mỗI chiều đi học về thì nước lớn đầy sông. Hắn cùng đám học trò lối xóm cởi hết quần áo để trên bờ rồi nhảy xuống sông nô đùa tập lộI trên những chiếc bập dừa nhỏ xíu. Khi về nhà mẹ hay được thế nào cũng nhận được những lằn roi đích đáng.

Đã hơn 50 năm trôi qua nhưng hắn vẫn nhớ và thấy lại những buổi trưa hè không ngủ, đi ra đồng đào dế hoặc xuống suối bắt ốc, câu cá, hái rau. Khi chiều xuống thì đi thả diều trên những cánh đồng vừa mớI gặt xong còn trơ gốc rạ, còn phảng phất mùi lúa chín quyện vớI hương đồng cỏ nội. Nhìn cánh diều bay lượn trên không, nghe tiếng sáo diều vi vút hắn đã mơ ước thật nhiều. Trong mơ ước của hắn đâu có chuyện định cư ở Mỹ như bây giờ.

Bên cạnh những chất liệu vật chất còn có những chất liệu tinh thần đã giúp hắn lớn lên và trưởng thành. Đó là những ca dao, tục ngữ, những lờI ru của mẹ ngày xưa đã đưa hắn vào giấc ngũ say sưa êm đềm. Kho tàng truyện cổ tích của ngoại đã giúp hắn có khái niệm rất sớm rằng Chân, Thiện, Mỹ bao giờ cũng thắng gian ác, bạo tàn. Đó là một phần văn học đã tạo nên nhân cách con người. Thế mà thế hệ trẻ Việt Nam sinh và trưởng thành ở Mỹ không bao giờ có được. Hắn cho rằng đó là sự mất mát, thiệt thòi không có gỉ bù đắp được.

Thấy hắn quá vất vả trong việc làm hằng ngày, hắn cũng không hội nhập được mấy vào xã hộI Mỹ, nhất là thờI gian gần đây, hắn có nhiều suy tư, suy nghĩ về Việt Nam, con gái hắn đề nghị:

-Ba ráng một vài năm nữa, khi nào bé Tâm tốt nghiệp đại học, gia đình mình sẽ trở về Việt Nam sống.

Hắn cảm thấy bất ngờ trước ý kiến của con. Trước đây nhiều lần hắn đã nói với gia đình là hắn sẽ không về Việt Nam chừng nào chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản còn tồn tại. Hắn chưa kịp lên tiếng thì con trai hắn nói:

-Con và chị Minh sẽ mở một doanh nghiệp riêng về computer. Còn ba đã có tiền retire của Mỹ. Mình sẽ không liên hệ gì với nhà nước Cộng Sản. Mình có quốc tịch Mỹ thì nhà nước Cộng Sản đâu làm khó dễ được mình. Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam chứ đâu phải của riêng ngườI Cộng Sản. Họ chiếm chưa đầy 1% tỷ lệ dân số.

Một lần nữa, hắn lại bất ngờ trước ý kiến mới mẻ, lạ lùng và ngây thơ của con. Không kể thời gian ở tù, hắn đã có 20 năm sống và làm việc trực tiếp trong các cơ quan chính quyền Cộng Sản, kể cả làm việc ngay trong thành ủy thành phố Sài Gòn nên hắn đã có kinh nghiệm và hiểu rất nhiều về Cộng Sản. Đó là một thiểu số thống trị độc tài và tham nhũng, dốt nát mà bảo thủ, họ không có đầu óc suy nghĩ và thái độ của loài người văn minh. Do đó sống với họ rất là khó. Hơn nữa chính gia đỉnh hắn đã từng trải qua kinh nghiệm đau thương về Cộng Sản mà các con hắn cũng biết và không quên.

Chú Tư, người em kế của hắn chỉ làm một bài thơ có nộI dung nói là Tết này không vui vì bị cấm đốt pháo. Bài thơ chỉ làm ở nhà, không hề phổ biến, vậy mà khi xét nhà, kiểm tra hộ khẩu, chúng tịch thu và bắt giam tác giả. Chính hắn đã đấu tranh, từ địa phương đến trung ương, kể cả kêu gào trên báo, đài. Vậy mà Cộng Sản vẫn giam cầm, đày ải bắt lao động khổ sai ở K4 Long Khánh cả năm trời mớI thả ra, thì chú Tư chỉ còn da bọc xương. Như vậy làm sao tin được Cộng Sản khi họ nói Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Hòa Giải hòa hợp dân tộc.

Hắn nói vớI các con:

-Các con có ý nghĩ về sống ở quê nhà là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, về trong điều kiện nào, hoàn cảnh nào, và thờI gian nào thì phải cân nhắc kỹ. Ba thì nhớ quê hương nhiều đêm không ngủ được. Thôi thì Tết này ba sẽ về Việt Nam, trước là tảo mộ ông bà, sau thăm các chú, đồng thờI tìm hiểu tình hình Việt Nam sau 27 năm dưới sự lãnh đạo của Cộng Sản, rồi sau đó ta tính.

*

7 giờ chiều ngày 30 Tết. Khi chiếc VietNam Airlines sắp sửa đáp xuống đường băng phi trường Tân Sơn Nhất thì từ trên cao nhỉn qua cửa sổ, hắn thấy hàng chữ đỏ thật lớn: WELCOME TO VIETNAM nổI bật trên tấm bandrole màu vàng được căng nơi cao nhất ở phi trường. Hắn bàng hoàng như người vừa tỉnh cơn mơ. Rõ ràng cụm từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa không còn nữa mà chỉ còn lại hai chữ VIET NAM giản dị, thân thương. Hắn xúc động nhưng cố kiềm cho nước mắt khỏi trào ra.

Không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hắn vội vả rời khỏi phi cơ và làm thủ tục nhận hành lý rất nhanh vì không bị nhân viên phi trường làm khó dễ như đồn đại. Hắn cũng chẳng mất 20 đồng lì xì cho nhân viên kiểm tra hành lý như gợi ý của những ngườI về Việt Nam trước đây.

Sau khi lách ra khỏi đám đông, hắn nhận ra ngay những người đi đón gồm các em, các cháu và vài người bạn thân. Hắn ôm hôn từng người, nước mắt ràn rụa. Ai cũng xúc động, không nói lên được tình cảm của mình đối với ngườI thân sau thời gian dài xa cách.

Sau khi tay bắt mặt mừng, mọi người lên xe chờ sẳn. Xe bắt đầu rời phi trường. Hắn vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy hai bên phố xe hắn đi qua, chổ nào cũng tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ. Dưới lòng đường thì đầy xác pháo. Thỉnh thoảng xe hắn phải chạy chậm lại bởi những đám múa lân, múa rồng tràn ra cả lòng đường. Pháo vẫn nổ râm ran. Người thân của hắn cho biết, chế độ độc tài Cộng Sản vừa mới bị nhân dân lật đổ. Hắn quá bất ngờ, xúc động, không nói được gì. Hắn đề nghị không cho xe về Khánh Hội ngay mà bảo tài xế chạy một vòng Sài Gòn, Chợ Lớn để nhìn thấy thành phố hồi sinh. Nhà nào cũng được sơn phết mới, trang trí đèn hoa rực rở, đón mừng kỷ nguyên mới không còn Cộng Sản. Xe chạy được một đổi thì chú Tư, em kế hắn lên tiếng:

-Anh Ba biết không. Cả nước đang chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến để xây dựng hiến pháp mới thay thế hiến pháp Cộng Sản. Hiến pháp mớI sẽ là nền tảng pháp lý quy định thể chế chính trị mới cho nước Việt Nam trên căn bản Tự Do, Dân Chủ và Quyền Tư Hữu. Lần này tất cả các đảng phái trong cũng như ngoài nước, các đoàn thể, các thân hào nhân sĩ đều được khuyến khích tham gia ứng cử không hạn chế.

Bé Đông Phương, cháu của hắn, xen vào:

-Về kỳ này bác Ba khỏi phải trình diện Công An phường nữa. Cũng giống như ở Mỹ, không còn chế độ đăng ký hộ khẩu, tạm vắng, tạm trú. Mình thực sự làm chủ đất nước mình. Muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở. Thương thì nói là thương, ghét thì nói là ghét. Muốn phát biểu gì cũng được. Không ai ngăn cản, bắt bớ. Ngoài ra, Bác Ba có thể đọc bất cứ tờ báo nào, kể cả báo từ nước ngoài, phim, hình gì cũng vậy. Riêng Sài Gòn có cả trăm nhật báo, tất cả là của tư nhân.

-Chà, con bé này tuyên truyền giỏi quá. Đúng là một phó bí thư
đoàn thanh niên Cộng Sản.

-Bác ba ngạo con hoài. Chuyện đó xưa rồi. Để ngày mai con đưa Bác Ba đi xem diễn hành xe hoa, lớn lắm. Do Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo cùng nhau tổ chức để đánh dấu ngày tự do tín ngưỡng. Bác Ba biết không, các tôn giáo rất là đoàn kết, là nhân tố tích cực trong việc giải thể chế độ Cộng Sản đó.

Hắn chưa kịp có ý kiến gì, thì chú Năm tiếp theo.

-Giờ đây nước nhà đã được thống nhất ...

Nghe tớI đây hắn hơi chưng hững, Chú Năm hiểu ý, giải thích:

-Không phải thống nhất kiểu cộng sản, là thống nhất từ Bắc vô Nam, từ Trung Ương tới làng xã, phường khóm dưới sự cai trị độc đảng, độc tài, độc quyền và độc ác của Cộng Sản- mà thống nhất trong tâm tư, quyện vọng của toàn dân là cùng nhau xây dựng lại đất nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Giàu Mạnh. Anh có ý định đưa gia đình cùng các cháu về lại không"

Hắn không chút suy nghĩ, liền đáp:

-Có chứ. Anh và gia đình đã dự kiến trước tình hình này. Không ngờ nó biến chuyển nhanh quá làm anh hơi bất giờ. Khi trở về Mỹ, anh sẽ làm thủ tục hồi hương ngay. Còn các cháu Minh, Tâm vẫn học cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Câu chuyện trao đổI đến đây thì vừa lúc xe về đến bến Bạch Đằng. Xe chạy chậm lại. Hắn nhìn thấy hàng ngàn người ăn mặc lịch sự, đẹp đẻ đang xem đốt pháo bông. TrờI đêm sáng rực từng hồi vớI tiếng reo hò, vỗ tay khéo dài dường như không bao giờ chấm dứt. Một làn gió từ bên kia bờ Thủ Thêm thổI qua. Hắn cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Bất giác hắn nhớ lại cũng ở bến Bạch Đằng này, vào một ngày cuối tháng tư, hai mươi bảy năm trước hàng ngàn ngườI chen chút nhau tìm một chỗ trên tàu để lánh nạn và tìm tự do.

Chiếc xe rẽ phải vào đường Tôn Đản chừng mười phút thì tới nhà. Căn nhà hắn trước khi đi Mỹ vẫn được các em bảo quản tốt. Vẫn khóm hồng rực rỡ, vẫn giàn dạ lý ngát hương. Hắn hồi hộp đưa tay nhấn chuông. Không có ai ra mở cửa. Hắn lại ấn chuông lần nửa, tiếng chuông reo inh ỏi. Lần này lớn hơn và liên tục.

-Reng Reng! Reng Reng...

Hắn chợt bừng tỉnh. Thì ra không phải là tiếng chuông ở nhà đường Tôn Đản mà là tiếng chuông reo của chiếc đồng hồ báo thức trên đầu giường hắn đang ngủ. Hắn nằm im trong nhiều phút. Định thần lại, mới biết mình đang nằm mơ. Mới 5 giờ sáng ở Mỹ, hắn lẫm bẩm:

-Lại tới giờ đi cày.

Bằng động tác bất ngờ, hắn gạt mạnh tay phía trên đầu giường. Chiếu đồng hồ rơi xuống sàn, tạo nên một âm thanh khô khan, chát chúa. Mặt kính vỡ vụn. Hắn vẫn nằm im trên giường. Nước mắt lăn dài trên gối. Nhiều ý tưởng dường như cùng một lúc chợt đến với hắn: Chế độ Cộng Sản vẫn còn đó. Nhân dân Việt Nam vẫn lầm than khổ ải. Chế độ Tự Do, Dân Chủ của Mỹ vẫn chưa hoàn chỉnh. Hắn vẫn chưa nhập tịch Mỹ. Các con hắn vẫn chưa tốt nghiệp đại học. Chỉ có mỗI một điều hiện thực: Hắn vẫn phải tiếp tục thân phận trâu cày mỗi ngày như mọi ngày.

DướI sàn nhà, chiếc đồng hồ bướng bỉnh vẫn tiếp tục reo.

Duy Nhân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,968
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo