Bài tham dự số: 2-566-vb80609
Tác giả Duy Nhân sinh năm 1947, cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân của Cộng Sản, đã góp
nhiều bài Viết Về Nước Mỹ, trong đó có bài "Người Không Nhận Tội" kể chuyện về người bạn thân bị Cộng Sản giết trong nhà tù. Câu chuyện thật của ông đã gây nhiều xúc động cho người đọc. Ban kịch Tuý Hồng đã dựa theo chuyện kể, dựng thành kịch "Người Không Nhận Tội", thu hình trong video "Người Lính", do Trung tâm ASIA thực hiện. Sau đây, thêm một bài viết mới nhất của ông: thư viết cho các con, nhân ngày Father’s Day sắp tới.
Diệu Minh và Minh Tâm,
Các con thân yêu
Theo phong tục Mỹ, ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 6 hàng năm là ngày Father's day, để cho con trẻ tỏ lòng hiếu thảo, thương kính và biết ơn đối với người cha của mình. Điều này xuất phát từ quan niệm chắc là cũng giống với người Việt Nam qua câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Người Mỹ cũng như người Việt ở Mỹ thường có thói quen vào ngày này thì tặng cho cha mình một đóa hoa tươi, một món quà nho nhỏ.
Nếu ở xa thì gọi điện thoại hỏi thăm và chúc sức khoẻ. Ai thích viết lách thì ghi vào nhật ký hoặc viết bài đăng báo ghi lại đôi điều cảm nghĩ về người cha thân yêu.
Ba thì không còn cơ hội để làm những điều này vì lẽ Ba của Ba (ông Nội các con) đã qua đời 12 năm rồi. Còn nếu viết ra một điều gì đó để tỏ lòng thương tiếc một người cha gương mẫu hay để tỏ ra ăn năn hối hận vì mình đã làm hoặc không làm một điều gì đó, khiến cho cha mình buồn lúc người còn sống, thì cũng đã quá muộn!
Mọi sự hối hận đều đã quá muộn. Thôi thì nhân ngày Father's day năm nay, thay vì viết cho Ba của Ba thì Ba sẽ viết cho các con, như vậy sẽ có ý nghĩa hơn. Ba sẽ không viết theo một dàn ý, theo một thứ tự nào đó mà ba sẽ viết như là nói chuyện vậy. Ý tưởng nào đến trước thì viết trước, ý nào đến sau thì viết sau.
*
Đến ngày 16-06-2002 thì Diệu Minh đã 22 tuổi 08 tháng 17 ngày còn Minh Tâm thì 19 tuổi 02 tháng 26 ngày.
Chừng ấy tuổi mà các con vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của cái tên mà Ba đã đặt cho các con.
Diệu Minh thì nói, sao tên con giống như pháp danh của các tín nữ quy y phật giáo.
Sự thật không phải vậy.
Ba đã dùng tên của mẹ con là Diệu ghép thành Diệu Minh để trong giây phút nào đó con có lỡ quên đi người mẹ của mình thì khi tên con được viết ra hay được bạn bè gọi, là lúc nhắc nhở cho con nhớ đến mẹ, để liệu mà cư xử cho phải đạo. Đạo ở đây là đạo lý của người Việt Nam của phong tục tập quán Việt Nam chứ không phải của Mỹ. Mặc dầu các con đang sống trên nước Mỹ, sẽ vào quốc tịch Mỹ, trở thành công dân Mỹ.
Còn Minh Tâm cũng vậy. Ba đã dùng tên chị con ghép lại thành tên con để cho con không quên rằng trên đời này con có một người chị. Người chị duy nhất để cho con thương yêu, kính trọng và cư xử cho đúng.
Đó là tất cả ý nghĩa những gì Ba mong mỏi, gửi gấm từ lúc các con chưa ra đời.
Cư xử như thế nào cho đúng"
Người Mỹ có câu "The heart already knows what the mind can only dream of. Trust your heart". Con tim luôn luôn hiểu rõ những gì mà lý trí chỉ có thể nghĩ tới.
Hãy tin vào con tim, vào tấm lòng của bạn. Như vậy cư xử theo sự mách bảo của con tim thì không bao giờ sai.
Nói đến tên gọi. Ba nhớ có lần Ba hỏi những ngườI Mỹ:
-Ê, Maicồ( Michael), Tôny (Tony), Hănri (Herry) tên các bạn có nghĩa là gì.
Tất cả đều lắc đầu không biết.
Nói thế để cho các con hãnh diện về cái tên Việt Nam của mình.
Nó mang sắc thái văn hóa, trình độ, tâm tư nguyện vọng mà người cha muốn gửi gấm vào những đứa con. Còn giữ được tên tức là còn nhớ đến nguồn gốc, ông bà, cha mẹ.
Điều Ba muốn là làm sao các con thấy được khía cạnh độc đáo của nền văn hóa Việt so với văn hóa Mỹ. Một số người khi vào quốc tịch Mỹ thì đổi tên Việt thành tên Mỹ, một số còn giữ được cái họ Việt Nam như Tony Nguyễn, Michael Trần.
Lý do nêu lên thì có rất nhiều. Nào là để cho dễ gọi, để thuận lợi trong việc giao dịch, hoặc chỉ để cho giống Mỹ.
Không hiểu các con có để ý không. Dầu trời rét cũng như trời nóng, những người đàn bà Ấn Độ đi ra đường thường mặc áo dài, trên vai có vắt một cái khăn cũng dài.
Đó là y phục truyền thống của họ. Còn những người Do Thái bao giờ cũng veston, cà vạt, đội nón nỉ đen, chỉ màu đen chứ không phải màu nào khác. Trẻ con cũng như nguời lớn, ban ngày cũng như ban đêm.
Những người này đã sống ở Mỹ từ nhiều đời nhưng lúc nào họ cũng giữ được phong tục, tập quán, những giá trị truyền thống của nước họ. Dầu sống ở Mỹ nhưng đất nước họ luôn luôn ở trong tim họ.
Họ hội nhập (integrating) chứ không hòa tan (melting) vào nước Mỹ. Thật đáng khâm phục.
*
Chúng ta hiện đang sống ở một đất nước Tự Do, Dân Chủ.
Ở đây nhân phẩm con người đuợc tôn trọng gần như tuyệt đối. Đây là điểm son của chế độ, là động lực, nguyên nhân khiến hầu hết các dân tộc trên thế giới tìm đủ mọi cách, hợp pháp, bất hợp pháp, kể cả liều chết để được nhập cư vào nước Mỹ.
Nhưng nước Mỹ đâu có phải là thiên đường như nhiều người thường gọi.
Điều mà ai cũng dễ dàng nhìn nhận là cái gì quá trớn đều không tốt, kể cả sự tự do.
Trong nhiều bài viết, Ba đã đề cập tới sự tự do phổ biến những hình ảnh bạo lực, tình dục trên tivi, tự do sử dụng súng, tự do sống chung và dễ dàng trong li dị, tự do bài bạc, điếm đàng... Tất cả những thứ đó đã làm cho xã hội Mỹ rối loạn, bất an. Để biện hộ cho nó, ta có thể nói đó là tệ nạn xã hội mà nước nào cũng có. Vấn đề là Ba muốn các con nhìn rõ hơn để thấy được bản chất, sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa Đông, Tây.
Các con còn nhớ những ngày đầu tiên vào học College ở Mỹ không"
Thật là ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh trong lúc thầy giáo giảng bài trên bục thì dưới lớp, học sinh ngồi gác chân trên ghế tự do ăn, uống.
Có đứa còn đội nón kéo ngược ra sau, không phải để phản đối một điều gì mà chỉ để biểu hiện một sự tự do, ngổ ngáo, tinh nghịch. Trong lớp thì học sinh và thầy giáo đều hoàn toàn bình đẳng trong việc trao đổi, thảo luận, kể cả cãi nhau về một đề tài nào đó cho dẫu đó là đề tài đang được giảng dạy.
Người thầy giáo ở Mỹ chỉ có nhiệm vụ phổ biến kiến thức còn học sinh là người có quyền tiếp thu kiến thức, thế thôi. Trong lớp học bất cứ lúc nào học sinh cũng có thể đứng lên ra khỏi lớp mà không cần phải xin phép giáo viên. Nền giáo dục của Mỹ chắc chắn là có
cái hay của nó nhưng cũng chắc chắn là nó không có tinh thần tôn sư trọng đạo như truyền thống Việt Nam .
Có nhiều học sinh Việt Nam vào cuối mùa học hoặc nhân ngày lễ tạ ơn (Thanksgivings) thì tặng quà và hoa cho thầy cô. Các thầy cô vừa ngạc nhiên, vừa cảm động, đồng thời rất mến mộ học sinh Việt Nam vì ở Mỹ không có tục lệ này.
Nếu nghĩa cử nầy được duy trì và nhân rộng sẽ mang lại nét mới, đẹp, góp phần làm phong phú nền văn hóa nước Mỹ. Ở Mỹ có nhiều ngày lễ kỷ niệm như ngày Tổng Thống (President's day), ngày cha (Father's day), ngày mẹ (Mother's day), ngày cựu chiến binh (Memorial day), ngày cho người yêu (Valentine's day)... kể cả ngày cho ma quỷ
(Halloween day) vậy mà không có ngày nhà giáo (Teacher 's day).
*
Sự tự do quá trớn và đầu óc cá nhân chủ nghĩa hẹp hòi đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến từng gia đình ở Mỹ. Chồng có tự do của chồng, vợ có tự do của vợ.
Cha mẹ nói thì con cái không bao giờ nghe nhất là khi chúng đã 18 tuổi, là tuổi trưởng thành theo luật pháp của Mỹ. Nhiều người nói con cái đến 18 tuổi thì không còn là con của mình nữa.
Ba không đồng ý.
Dầu con có là Tổng Thống đi nữa thì con vẫn là con của cha mẹ. Con bao giờ cũng cần tình thương của cha mẹ và cha mẹ bao giờ cũng cần có con trong ý nghĩa thiêng liêng nhất, tự nhiên nhất.
Tình thương không thể nào thể hiện bằng sự phản kháng và chống đối. Chống đối là phá hoại, là tự huỷ là muốn thoát ly, muốn phủ nhận cái môi truờng mà mình đang sống.
Như vậy thì không còn gì để nói nữa, như con cá muốn nhảy ra khỏi nước, con hổ muốn thoát ly khỏi rừng.
Ba muốn các con suy nghĩ thêm về hai trường hợp mà các con đã biết.
Thằng Tonny con chú Út học sinh lớp mười hai trong một đêm ngồi trước computer nghe nhạc rap đến 2 giờ sáng, Ba nó bảo đi ngủ nó không nghe còn phản ứng lại bằng cách vào phòng khóa cửa và mở nhạc lớn hơn.
Ba nó dùng khóa riêng mở cửa phòng và cất cái head phone đi. Lập tức nó bỏ nhà ra đi trong đêm tối. Còn ông Sáu X chủ hãng sửa xe có hai con trai thì một đứa theo bè bạn dính líu vào một vụ cướp, bị kêu án 12 năm tù.
Người còn lại cũng ham chơi, đã chết cùng với năm người bạn trong một tai nạn xe hơi mà báo chí có đăng tải. Chú Út và Ông Sáu là những người bất hạnh và đau khổ như thế nào chắc các con cũng tưởng tượng được vì có những người con không nghe lời cha mẹ.
Nên nhớ, Chú Út , Ông Sáu đều là những triệu phú. Một bài học khác: tiền bạc không mang lại được hạnh phúc cho con ngưòi.
*
Ngày còn ở Việt Nam, nhiều lần các con đến chơi và dự tiệc ở ngân hàng nơi Ba làm việc cũng thấy được Ba có cuộc sống an nhàn, thoải mái như thế nào.
Vậy mà sang đây Ba phải sử dụng cây kiềm, cái búa đến chai cả tay. Một ngày làm việc đứng 8 giờ, không được ngừng tay.
Lúc làm ca 1 thì bốn năm giờ sáng đã thức dậy giống như người ta đi cày. Lúc làm ca 2 thì một hai giờ giờ đêm mới về tới nhà. Mẹ con cũng vậy.
Có bao giờ các con tự hỏi lý do gì đã khiến cho ba mẹ phải cực khổ như vậy" Thật ra, không phải chỉ có ba mẹ mà nhiều người khác nữa cũng vì các con mà chịu hy sinh, mất mát. Ông ngoại đã phải đau khổ như thế nào, khi phải để mẹ ra đi, mất niềm an ủi duy nhất còn lại trong tuổi xế chiều. Còn các cậu, các dì ở Mỹ cũng đã lo lắng và giúp đỡ các con như thế nào chắc các con cũng biết.
Trong lúc các con được yên ổn và vô tư học hành ở một đất nước văn minh và tiến bộ nhất hành tinh, có bao giờ các con nghĩ tới hàng triệu trẻ em nơi quê nhà Việt Nam phải vào đời bằng cách đi bới thùng rác, lượm bịch nylon, hoặc đi bán vé số, đi đánh giày để kiếm sống"
Còn khá hơn thì đi học một buổi, đi làm một buổi để giúp đỡ gia đình, cha mẹ.
*
Ngay sau khi học xong trung học, chính ba đã phải đi làm để nuôi các chú tiếp tục đi học, vì lúc đó ông nội đã nghỉ việc và về quê Long Thành.
Trong hoàn cảnh khó khăn Ba vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Làm ở tận Bình Dương cuối tuần Ba mới về Sài Gòn đến trường Luật lấy tài liệu học tập để tự học, gọi là học hàm thụ.
Trong lúc làm việc, Ba phải giấu tài liệu ở hộc bàn và tranh thủ từng phút để học.
Vậy mà sau 4 năm Ba vẫn tốt nghiệp đại học, sau đó trúng tuyển vào ngân hàng quốc gia, ngạch chuyên viên với thứ hạng cao. Lúc đó là năm 1971.
Đó là nói chuyện Việt Nam. Còn ở Mỹ này chắc các con đã nhìn thấy vô số bạn bè vừa đi làm full time và vừa học full time vô cùng vất vả, vậy mà họ vẫn cố gắng và thành công.
Còn các con khi đến trường chỉ mong đạt điểm A, điểm B hoặc điểm tối thiểu để pass các kỳ thi midterm, final chứ không học với tinh thần nghiên cứu để làm giàu kiến thức. Nếu các con có muốn thay đổi thái độ học tập bây giờ vẫn chưa muộn.
Sẽ không bao giờ là muộn cả nếu dám bắt đầu với ít nhiều can đảm.
*
Ba nghĩ rằng các con có số may mắn từ lúc nhỏ. Lúc mới sinh các con, ba mẹ đều đi làm, phải gửi các con cho hàng xóm. Suốt ngày Ba chỉ mong cho mau hết giờ làm để về nhà ẵm bồng các con.
Có những lúc nhìn lộn giờ, ba về sớm cả tiếng đồng hồ.
Đến lúc các con đủ tuổi thì được gửi đi nhà trẻ. Các con không bao giờ thích nhà trẻ. Diệu Minh thường hay khóc khi đến nhà trẻ. Những lúc đó ba nóng ruột, lại ẵm về.
Coi như nghỉ làm ngày đó, ở nhà trông con. Ba tự đặt ra chế độ "con khóc, cha nghỉ", song song với chế độ "con ốm mẹ nghỉ" của nhà nước. Minh Tâm thì nhỏ hơn nhưng đã tỏ ra lì lợm, không bao giờ khóc, chỉ hơi mếu mếu, còn biết đưa tay vẫy chào khiến cho Ba an tâm đi làm.
Khi các con đến tuổi đi học thì Ba lại cực hơn.
Hồi đó, ở Sài gòn có câu ăn quận Năm (vì có nhiều nhà hàng), nằm quận Ba (vì có nhiều khách sạn), hát ca quận một (vì có nhiều nhà hát) trấn lột quận tư (vì có nhiều du đãng) Vậy mà nhà mình ở ngay quận tư, thuộc dân lao động, nghèo nhất và có nhiều tệ nạn xã hội nhất. Do đó Ba đâu dám để các con học các trường quanh quẩn ở quận nhà.
Mỗi ngày Ba phải đưa rước các con đi học ở quận 3. Trước khi đến sở làm thì Ba chở Diệu Minh đến trường Colette, xong chạy tới trường Lương Định Của cho Minh Tâm xuống. Trưa về thì ngược lại. Hôm nào Ba bận họp hoặc đi công tác, rước trễ thì bé Tâm tỏ ra sốt ruột, ôm cặp đi qua đi lại ở sân trường vắng hoe.
*
Ngoài việc học, Ba còn phải lo cho các con việc chơi. Ngày xưa, không có ai hướng dẫn nên Ba cùng với đám trẻ con lối xóm chơi những trò tự phát rất nguy hiểm như đánh trổng, trèo cây bắt ổ chim, leo cột đèn bắt dế, tắm sông hoặc đi phá làng phá xóm.
Rút kinh nghiệm, Ba muốn các con chơi những môn thể thao lành mạnh, thanh lịch, chơi như thế nào để cho người ta hoan hô, tán thuởng.
Hằng ngày Ba phải chở Diệu Minh đi học đánh bóng bàn còn Minh Tâm đi học cờ vua ở quận nhất, nơi có phong trào thể thao mạnh và huấn luyện viên giỏi.
Không ngờ, các con đều trở thành những vận động viên năng khiếu xuất sắc của thành phố, đi dự giải toàn quốc.
Ba đã hồi hộp theo dõi từng đường bóng của Minh và từng nước cờ của Tâm.
Các con đâu biết Ba buồn như thế nào, mỗi khi Diệu Minh thua trận, tiu nghỉu, rời bàn bóng.
Còn Minh Tâm thì cũng nhiều lần làm cho Ba muốn đứng tim nhưng nhờ sự lì lợm lúc nhỏ đã biến thành bản lĩnh trên bàn cờ nên cuối cùng con cũng chuyển bại thành thắng, làm cho Ba thở phào nhẹ nhõm, như được hồi sinh.
Thành tích cờ vua của Minh Tâm rất khá: một lần vô địch Việt Nam ở lứa tuổi 10. Một lần vô địch Mỹ Quốc ở lứa tuổi High School ở lứa tuổi 16. Một lần thắng giải Mc Donald $10,000 , được báo Chicago Tribune, và nhiều tờ báo khác đưa tin nơi trang nhất, đồng thời các đài truyền hình Mỹ phỏng vấn. Đó là những kỷ niệm đẹp, là niềm vui và tự hào mà con đã làm được ở xứ người.
Lo cho các con học, Ba đã cực, lo cho các con chơi Ba cũng cực, đến khi các con bệnh thì ba mẹ lại cực hơn và lo lắng nhiều hơn. Minh Tâm thì "đến hẹn lại lên", năm nào khi đến mùa mưa thì cũng bệnh. Có năm con đang thi đấu cờ vua ở Đà Lạt thì ngã bệnh và phải nhập viện.
Ba đang làm việc ở ngân hàng Mêkông hay tin phải lập tức lên Đà Lạt thuê nguyên một chiếc xe chở con về. Có năm, hai đứa bệnh và nhập viện cùng một lúc Ba mẹ phải thay phiên nhau lúc chạy qua bệnh viên này, lúc chạy qua bệnh viện kia. Ba quá rối trí, sinh nóng nảy, gây lộn với cả bác sĩ.
*
Gần hết cuộc đời mà Ba vẫn không có được một tài sản nào có giá trị.
Ba cũng không đứng tên riêng một tài khoản nào ở ngân hàng. Vậy thì mai nầy Ba sẽ để lại gì cho các con" Ba để lại nhiều thứ lắm. Đó là một trình độ văn hóa đại học. Đó là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đó là lòng vị tha, niềm tin và hy vọng.
Các con phải biết vận dụng để làm giàu cho bản thân và sống hạnh phúc, ý nghĩa với mọi người.
Tài sản mà Ba để lại cho các con là ở trong đầu, trong tim nên không sợ bị ai đánh cắp như thứ tài sản để ở trong tủ sắt. Trong mỗi giây phút của cuộc đời phải biết hướng thượng và vươn lên, tiếp cận với Chân, Thiện, Mỹ như
mọi loài cây cỏ lúc nào cũng có khuynh hướng vươn cao, tìm nơi ánh sáng.
Ánh sáng của cuộc đời là Chân, Thiện, Mỹ. Nếu có thể Ba sẽ lập lại một ngàn lần các từ Chân, Thiện, Mỹ, vì nó quá lý tưởng và cao đẹp.
Chỉ cần nghe đến những từ đó, Ba cũng thấy sung sướng, hạnh phúc.
*
Thật là thiếu sót nếu không biết nói lời biết ơn và cám ơn nước Mỹ.
Nhờ nước Mỹ mà các con đã sớm biết thế nào là Tự do, Dân chủ. Nước Mỹ đã trang bị cho các con một kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, một tầm nhìn rộng rãi. Nhưng nước Mỹ vẫn chỉ là quê người.
Quê nhà là Việt Nam.
Các con có còn nhớ lời của chú Năm nói khi mình chia tay mọi người để vào phòng cách ly rời phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 29-07-1997 không"
"Hãy nhớ nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhớ không phải chỉ để nhớ mà nhớ để trở về.
Không có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc khi được trở về quê hương!"
Quê hương mỗi người chỉ có một, như mỗi người chỉ có một cha một mẹ mà thôi, như
lời bài hát của
Đỗ Trung Quân.
Vấn đề không phải là trở về với đầu óc tự cao, tự đại, hay hẹp hòi ích kỷ.
Cũng không phải trở về với tinh thần tự mãn, cố chấp hay thụ động với sự cam chịu như một số phận đã an bài, như tinh thần của câu ca dao có từ thuở xa xưa, mà các con đã nghe nhiều:
Ta về, ta tắm ao ta
Dầu trong dầu đục, ao nhà vẫn hơn.
Theo ý Ba, thì các con phải biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thật hiện đại, vận dụng lý tưởng tự do dân chủ và những gì tinh túy nhất, tốt đẹp nhất của xứ người, làm sao cho nước Việt Nam mình ngày càng phát triển, tốt đẹp, theo tinh thần hoàn toàn đổi mới, thực sự đổi mới:
Ta về ta tắm ao ta
Ao nhà có đục, ta hòa cho trong.
Chicago, ngày 16-06-2002
DUY NHÂN