Hôm nay,  

Đi Học Grad School

16/07/200200:00:00(Xem: 184953)
Người viết: PHẠM KẾ TIẾN

Bài tham dự số: 2-588-vb60705

Tác giả Phạm Kế Tiến cư trú và làm việc tại Tucson, AZ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là những ghi nhận đặc biệt hữu ích cho mọi người: kinh nghiệm đi học đại học và hậu đại học tại Hoa Kỳ. Mong ông Tiến sẽ tiếp tục chia sẻ thêm với chúng ta những kinh nghiệm quí giá của ông trong các bài viết tới.

*

Trong các bài đăng dự thi trên Việt Báo trước đây, có một vài bài viết về kinh nghiệm đi học đại học ở Mĩ của một vị cao niên. Tác giả của các bài viết trên đã thuật lại những kinh nghiệm của mình, những mẩu chuyện vui buồn của đời sống sinh viên trong các học đường đại học Mĩ. Trong bài này, tôi xin được san sẻ một vài sự hiểu biết riêng về hệ thống học đường của nước Mĩ cũng như về kinh nghiệm đi học grad school trên đất nước được coi như là tân tiến nhất hoàn cầu này.

Hệ thống học đường ở Mĩ, nói chung, cũng giống như các quốc gia tân tiến khác trên thế giới: Trung học, đại học, và hậu đại học. Tuy nhiên, lề lối tuyển chọn sinh viên của các đại học thì khác hẳn các hệ thống học đường ở các nước khác, như châu Âu hoặc Việt Nam chẳng hạn.

Trong hệ thống học đường ở châu Âu cũng như Việt Nam, học sinh phải trải qua các kì thi tuyển để vào đại học. Vì các trường đại học này là những trường chuyên môn/ chuyên ngành, chẳng hạn như trường Dược khoa, Y khoa, Kĩ Thuật/Kĩ Sư, vân vân, các kì thi tuyển là các kì thi loại. Các môn thi thường thường được đặt nặng vào Toán (Math), Vật Lí (Physics), Hoá Học (Chemistry). Các thí sinh phải có đủ điểm để được nhận, còn lại thì bị "đá" ra.

Trong hệ thống học đường ở Mĩ, học sinh lớp 12 cũng phải thi một kì thi (gọi là Scholar Aptitude Test, hay là SAT) để được nhận vào đại học. Các môn thi là Anh Văn (English) và Toán (Math). Kết quả số điểm đạt được không là một yếu tố quan trọng (sinh tử) quyết định một học sinh có được vào đại học hay không. Tùy theo kết quả kì thi SAT và các yếu tố quan trọng khác, học sinh sẽ được nhận vào trường mà họ thích (và có nộp đơn) hay không. Nếu như một học sinh nộp đơn ở nhiều nơi, cơ hội được đi học đại học sẽ được chắc chắn hơn, mặc dù kết quả điểm thi SAT có thể không cao. Đó là đi thẳng vào đại học 4 năm để lấy bằng Cử Nhân.

Học sinh cũng có thể xin học ở các Đại Học Cộng Đồng (2 năm), rồi sau đó xin chuyển lên các đại học 4 năm. Khi nộp đơn xin lên các trường đại học 4 năm, yếu tố quyết định thường là số điểm trung bình (Grade Point Average, GPA) và các yếu tố khác. Lúc này, sinh viên không bị bắt buộc phải lấy SAT nữa.

Nói một cách chung chung, cấp trung học của Mĩ tương đối dễ hơn cấp trung học của Châu Âu/Việt Nam. Thường thường học sinh trung học ở Mĩ được quyền chọn lựa các môn học, và không nhất thiết bị bắt buộc phải lấy các lớp trên khả năng của họ. Do đó, sau khi tốt nghiệp trung học ở Mĩ, học sinh trung học không nhất thiết phải biết toán Tích Phân/Vi Tích (Calculus). Thường thường lớp toán cao nhất mà học sinh lớp 12 hay lấy là Hình Học Giải Tích (Analytic Geometry), hoặc Đại Số (Algebra). Các môn Vật Lí (Physics) và Hoá Học (Chemistry) của lớp 12 ở Châu Âu/Việt Nam thường thường được dạy tương đương như các lớp năm đầu của các đại học ở Mĩ.

Trong hệ thống đại học 4-năm cũng như hệ thống Đại Học Cộng Đồng ở Mĩ, 2 năm đầu thường thường là giống nhau ở các môn học cũng như chiều sâu của các môn ấy. Có khác nhau là ở nhịp độ và số lượng.

Ở cấp bậc Cử Nhân nói chung, các sinh viên thường thường phải lấy các lớp chuyên ngành của mình vào khoảng 2 năm cuối đại học.

Theo hệ thống học đường ở Mĩ, sau Cử Nhân, nếu sinh viên tốt nghiệp muốn trau dồi thêm kiến thức, nếu như trong ngành Kĩ Sư (Engineering), họ thường thường nộp đơn xin đi học hậu đại học để lấy bằng Cao Học (Master; M.S.) hoặc Tiến Sĩ (Doctor of Philosophy; Ph.D.)

Ở Mĩ, các trường hậu-đại-học là các trường chuyên môn (professìonal school), và lề lối tuyển chọn thì gắt gao hơn. Các trường hậu-đại-học này thường thường được gọi là graduate school (hoặc ngắn gọn, grad school) nếu sinh viên theo ngành Kĩ Sư. Còn nếu là theo ngành Y, Dược, hoặc Nha vân vân, thì các trường hậu-đại-học này đều được gọi tên theo ngành đó, e.g., trường Y (Medical School), trường Dược (School of Pharmacy), trường Nha (Dental School).

Một điều đáng chú ý là ai ai đều cũng có thể được nộp đơn xin theo học các trường professional schools này, với điều kiện là họ phải có ít nhất một bằng Cử Nhân (về bất cứ ngành nào), và họ phải trải qua một kì thi tuyển. Lề lối tuyển chọn thì theo thể cách cạnh tranh (competition). Theo thể cách này, trường đại học sẽ nhận một số sinh viên nhất định nào đó (quota). Họ sẽ nhận các sinh viên trúng cách nhất dựa theo điểm thi, phỏng vấn, và các yếu tố khác. Sau đó họ nhận các sinh viên trúng cách nhì, ba, vân vân, cho tới khi đủ số.

Nói cách khác, giả dụ như ta chỉ tính điểm thi không thôi, thì trong một kì thi tuyển mỗi năm, số điểm của bạn có thể không cao, nhưng nếu trường đại học mà bạn nộp đơn không có ai hơn điểm bạn, thì bạn được nhận. Tôi có quen một người bạn muốn xin theo học một trường Y (Medical School) ở Georgia. Bạn ấy nộp đơn 2, 3 lần mà không được nhận. Lúc so sánh với một người bạn khác đã được nhận và đang là sinh viên Y Khoa năm thứ 2 cũng ở cùng trường mà người kia nộp đơn, thì người bạn tôi trúng cách hơn người kia! Cuối cùng thì người bạn tôi cũng được nhận một năm sau đó.

Tới đây, tôi xin được san sẻ một vài kinh nghiệm riêng khi theo học grad school cho ngành Kĩ Sư Điện về phạm vi của Mạch Điện Tổng Hợp (Integrated Circuits). Trước hết, tôi xin được nói sơ sơ một vài chi tiết về các thể lệ và điều kiện nộp đơn đi học grad school.

Khi đi học grad school, quyết định nộp đơn xin theo học một trường là một quyết định quan trọng, vì nó có liên quan đến nghề nghiệp (career) và lương bổng. Tốt nghiệp từ một trường có danh tiếng thì thường thường dễ kiếm được việc làm. Sự quyết định theo học một trường nào là tùy theo bằng cấp đeo đuổi, điểm trung bình (GPA), và điểm thi của một kì thi sát hạch, thông thường là Graduate Record Examination (GRE). Ngoài ra, sự quyết định ấy cũng còn tùy theo thể cách tốt nghiệp, có làm luận án hay không. Học grad school có thể tạm chia ra làm 2 loại: (a) Lấy đủ lớp rồi tốt nghiệp, và (b) lấy lớp, làm nghiên cứu, rồi ra trường. Thường thường phương án (b) đi kèm theo luận án tốt nghiệp. Nếu đeo đuổi bằng cấp Tiến Sĩ (Ph.D.), phương án (b) là một phương cách duy nhất, vì đó là điều kiện tiên quyết và cần thiết liên quan đến trình độ bằng cấp, và cũng là điều kiện cần thiết của hầu hết tất cả các trường đại học trên đất Mĩ. Hiện nay, có một vài trường chỉ có chương trình loại (b), chẳng hạn như trường UCLA (University of California, Los Angeles), phân khoa Kĩ Sư Điện (Department of Electrical Engineering), ngành Mạch Điện Tổng Hợp. Nếu tôi không lầm thì bắt đầu từ năm 1995, sinh viên Cao Học về phân khoa Điện của trường này bắt buột phải trình và bảo vệ luận án để ra trường.

Nếu đi học Cao Học (M.S.), giữa 2 phương cách (a) lấy lớp, và (b) trình luận án, phương cách nào có lợi"

Thường thường, phương cách (a), lấy lớp rồi ra trường, là lẹ nhất. Tuy nhiên, lấy lớp không thôi thì không có nhiều kinh nghiệm cần thiết khi ra trường. Làm nghiên cứu và trình luận án thì đòi hỏi thời gian lâu hơn, nhưng sinh viên có phẩm chất hơn. Đây chỉ là ý kiến phiến diện mà thôi. Dĩ nhiên là còn tùy thuộc vào tư duy và "tuệ căn" của đương sự. Theo tôi, luận án Cao Học thì tương đối dễ. Đề tài (topic) luận án không nhất thiết phải là một đề tài mới hoặc nguyên thủy (original). Thường thường là chỉ cần chọn lấy một đề tài liên quan đến phạm trù ngành (field/area) của mình mà đã công bố (publish) trên một tờ báo (journal) của ngành, rồi mô phỏng lại (reproduce) các thí nghiệm và kiểm chứng kết quả (experimental results). Đề tài sinh viên chọn phải được sự chấp thuận của ông/bà thầy (advisor) của đương sự, vì khi trình luận án, ông/bà advisor là người kí tên chấp thuận cho sinh viên ra trường.

Đi học Tiến Sĩ (Ph.D.) thì nhiêu khê hơn. Mặc dù chương trình Ph.D. không bắt buộc sinh viên phải có bằng Cao Học, sinh viên theo chương trình Tiến Sĩ thường thường bị đòi hỏi phải lấy thêm nhiều lớp ngoài những lớp cho bằng Cao Học. Ngoài ra, họ còn phải trải qua các kì thi sơ khảo và hợp cách (Preliminary and Qualifying Exam) khi đang theo học để được "hợp cách hoá" vào chương trình Tiến Sĩ mà họ đang đeo đuổi.

Chặng đường sát hạch sơ khảo (Preliminary Exam) thường thường là chặng đường gian nan nhất, vì kì thi sơ khảo này là kì thi về kiến thức rộng (breadth), và là kì thi loại. Sinh viên xin theo học chương trình Tiến Sĩ về Kĩ Sư Điện bị bắt buộc phải lấy kì thi sơ khảo này trong vòng 1, 2 năm đầu họ theo học. Thông thường cho cả hai kì thi sơ khảo và hợp cách, sinh viên chỉ có tối đa 2 cơ hội để đậu. (Ở Georgia Institute of Technology, sinh viên có tới 4 cơ hội để đậu kì thi sơ khảo. Nhưng đề tài sát hạch thì có tới 9 môn khác nhau, nhiều hơn các trường khác.) Nói chung, nếu bị rớt, sinh viên sẽ bị "đá" ra khỏi chương trình, và nếu họ muốn, họ có thể nộp đơn xin theo học ở một trường khác. Có điều là, khi đi sang trường khác, họ phải làm lại từ đầu, i.e., lấy lại lớp, nếu các lớp mà họ đã lấy ở trường cũ không được nhận ở trường mới, và quan trọng nhất, họ phải đậu các kì thi sơ khảo và hợp cách ở trường mới.

Sau khi đậu kì thi sơ khảo, sinh viên mới bắt đầu lo nghĩ về đề tài nghiên cứu (research topic). Đề tài nghiên cứu này có thể, hoặc không có thể, dẫn tới đề tài luận án (thesis topic), tùy theo tính chất của từng đề tài nghiên cứu (nature of the research topic). Trong chương trình Tiến Sĩ, tùy theo phạm trù ngành (field/area), ví dụ như ngành về Mạch Điện Tổng Hợp (Integrated Circuits, hay IC) chẳng hạn, đề tài luận án bắt buộc phải là mới và nguyên thủy. Có nghĩa rằng, đề tài luận án phải là một đề tài chưa ai làm và công bố.

Nặn ra một đề tài nguyên thủy thường thường rất khó và đòi hỏi rất nhiều công sức. Nghiên cứu sinh Ph.D. thường thường phải đọc rất nhiều các đề tài đã công bố, mà dân trong ngành gọi là "literature" hoặc "papers." (Chữ "literature" ở đây không thể dịch theo nghĩa thuần túy là "văn chương" được nữa.) Khi đọc các papers, nghiên cứu sinh phải tìm ra cho được ai đã làm gì (who's done what), và những đề tài nào đã được làm và công bố (what have been done). Giai đoạn này gọi là "literature survey," và thường thường tốn khoảng 1-2 năm.

Sau khi có một đề tài (topic) nguyên thủy, nghiên cứu sinh mới bắt đầu đặt tay vào công việc học hỏi/nghiên cứu về đề tài đó. Nếu công việc được xuông xẻ và đề tài cho ra kết quả thí nghiệm (experimental results), nghiên cứu sinh có thể bắt tay vào việc viết luận án ra trường. Nếu đề tài không cho ra kết quả (dead-end), thì nghiên cứu sinh phải làm lại từ đầu, i.e., chọn đề tài mới, xây dựng (build), thiết kế (design), và nghiên cứu (research/study), vân vân.

Làm sao biết được đề tài có "work" hay không" Câu trả lời là, thường thường là không biết được. Vì là đề tài mới, cả thầy lẫn trò đều "cháy" cả. Giai đoạn xây dựng, thiết kế, nghiên cứu này thường thường tốn khoảng 2-3 năm. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu còn bị ảnh hưởng bởi những sự khác biệt giữa thực tế và lí thuyết (limitations in practice versus theory). Vì vậy, tùy theo đề tài nghiên cứu, kinh nghiệm của ông/bà advisor, "tuệ căn", và trình độ "chín mùi" của đương sự, thời gian ra trường của mỗi nghiên cứu sinh mỗi người mỗi khác.

Trong ngành Mạch Điện Tổng Hợp (IC) phạm trù Analog Circuits, tôi thấy có người tốn khoảng 10-12 năm mới ra trường. Có những người tốn khoảng 3-4 năm. Có những người bỏ ngang chương trình Ph.D. mà họ đang đeo đuổi từ 8-9 năm. Thường thường, chẳng phải tại họ ngu. Ở trình độ hậu-đại-học này, các sinh viên ai ai cũng có khả năng trên trung bình. Chỉ tại vì các đề tài họ nghiên cứu không cho ra kết quả. Dĩ nhiên, trình độ "chín mùi" kĩ năng (technical maturity) của mỗi sinh viên ra trường đều khác nhau. Không hẳn ai cũng giống ai. Ở mức độ Tiến Sĩ, ngoài sự hiểu biết rộng (breadth), trình độ còn được đo lường bằng sự hiểu biết sâu (depth). Có nhiều ông giáo sư (professor) mà tôi biết chỉ có sự hiểu biết rộng mà không sâu. Nói về một đề tài trong ngành một cách chung chung thì họ biết. Hỏi họ sâu hơn thì họ "cháy". Thường thường mấy ông này cả đời chả bao giờ đi "thực tế" (working in industry), thành ra không có kinh nghiệm. Họ ra trường lấy bằng Ph.D. rồi đi dạy. Làm việc cho mấy ông này rất khó chịu, vì họ không hiểu sâu, và vì mang tiếng là giáo sư, họ không chịu nghe ý kiến của nghiên cứu sinh, cũng không giúp ích gì được cho công trình nghiên cứu. Công trình nghiên cứu do đó tốn rất nhiều thời gian, vì nghiên cứu sinh phải làm theo ý của của mấy ông giáo sư này và do đó, sinh viên phải chứng minh rằng ý kiến của mấy ông/bà giáo sư này "chưa" đúng trước khi được phép làm theo ý kiến của mình. Để chứng minh rằng ý kiến của mấy ông giáo sư này "chưa tới đảo", sinh viên thường thường phải "bơi" tới khoảng 1-2 năm. Kinh nghiệm cho tôi "ngộ" ra rằng ở xứ Mĩ này vàng thau hay lẫn lộn, nếu không tinh thì mắt dễ bị mà.

Công việc chọn lựa đề tài nghiên cứu trình bày ở trên mới chỉ là một yếu tố. Còn các yếu tố khác không kém phần quan trọng là hợp tính tình (get along) với ông/bà advisor của mình. Công việc nghiên cứu thường thường đòi hỏi sinh viên bỏ ra một thời gian khá lâu để hoàn thành, cho nên yếu tố hợp tính tình với adviser của mình rất quan trọng. Luận án của đương sự có được chấp nhận hay không là từ ông/bà advisor. Nếu không hợp nhau, ông/bà advisor sẽ làm khó dễ, và từ chối kí tên vào luận án. Nếu ông/bà advisor không chịu kí tên, hầu hết các ông/bà giáo sư khác trong hội đồng giám khảo luận án (thesis committee) cũng sẽ không kí tên. Có nghĩa là sinh viên sẽ không được ra trường.

Đi học grad school, vì cần phải ra trường, nên các sinh viên phải làm việc cật lực, mà giới sinh viên và nghiên cứu sinh thường hay gọi là "slave labor." Có nhiều ông giáo sư lợi dụng điểm này để giữ học sinh lại, trì hoãn họ, không muốn họ ra trường sớm. Nghiên cứu sinh giỏi thường thường bị các ông giáo sư này lợi dụng và không cho ra trường. Nghiên cứu sinh dở thì phải bị giữ lại để tiếp tục học hỏi! Nói cho đúng, "dại thì chết, khôn cũng chết, biết thì sống!" Ở đây, tôi thấy đi học trường Y, Dược, Nha khoẻ hơn nhiều. Sinh viên Y, Dược, Nha không phải làm nghiên cứu phát minh, không phải làm luận án, và nhất là, không phải làm việc cho một ông/bà advisor duy nhất để họ có thể bắt chẹt mình.

Phạm Kế Tiến

Ý kiến bạn đọc
09/09/201612:05:37
Khách
Like! Bài viết của anh rất hữu ích và thiết thực cho những người có ít kiến thức về các hình thức học ở Mỹ như em. Cám ơn anh!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Nhạc sĩ Cung Tiến