Hôm nay,  

30 Năm Sau

15/04/200200:00:00(Xem: 189917)
Người viết: TÔN THẤT HÙNG
Bài tham dự số: 2-513-vb80407
Tác giả Tôn Thất Hùng, một cựu Sỹ Quan Quân Lực VNCH hiện cư trú tại San Jose, đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ 4 bài viết đặc biệt. Lần này, bài viết thứ 5 của ông, ngược hẳn với những bài trước, là chuyện một "Người Mỹ viết về VIỆT NAM hiện tại" qua bút ký live của một cựu chiến binh Hoa Kỳ từng là tù binh CS năm 1972 trong Chiến tranh Việt Nam. Tác giả ghi chú: “Đây làsự ghi nhận của 1 cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham dự Chiến Tranh Việt Nam -1 Vietnam War Veteran- được kể lại, mà, ngoài trừ các địa danh, thì, vì lý do an toàn, danh tánh của các nhân vật đã được thay đổi, cũng như thời gian cũng chỉ thoáng qua.”

-Reng! Reng!
-Dạ, thưa, tôi xin nghe đây! (Đó là khoảng 3 giờ chiều)
-Cho tôi xin gặp bác Sáu Râu.
-Dạ, thưa, chính tôi đây ạ!
-Hello anh Sáu, Em là Bắc đây. Chiều nay, khoảng 05:30 - 06:00 Anh chị có nhà không" Tụi em ghé thăm.
-Dạ, xin mời 2 bạn.
...
Đúng 06:10PM, vợ chồng Cát Vàng mừng đón tại nhà vợ chồng ông Tiểu Đoàn Trưởng Sư Đoàn, bạn bè thân thiết từ 1964 tại Komtum, và được thuật lại câu chuyện sau của 1 Sĩ Quan Hoa Kỳ, cựu chiến binh Chiến Tranh Việt Nam (VietNam War Veteran).
Mùa Hè1972 "Mùa Hè Đỏ Lửa", tình hình chiến sự rất sôi động tại chiến trường Bắc Vùng 1 Chiến Thuật và Bắc Cao Nguyên Vùng 1 Chiến Thuật. Tháng 4, lúc ấy Bắc còn là Trung Tá, và chỉ huy một đơn vị yểm trợ của Sư Đoàn 22, và đã bị CS Bắc Việt bắt làm tù binh, cùng một số sĩ quan khác thuộc Sư Đoàn, rồi bị giải ra Bắc Việt.
Trên đường đi, đoàn tù nhận thêm được một số tù binh khác, trong đó có TED, Đại Úy Không Lực Lục quân Hoa Kỳ ( U.S Army Avition), phi công lái trực thăng Cobra, bị bắn rớt trên bầu trời Darto - Bennet, một tuần lễ sau trận Tân Cảnh ( 24-4-1972).
Năm 1973, Bắc và Ted cùng một số Sĩ Quan Việt Mỹ khác đều được trao trả tại Thạnh Hãn (Quảng Trị Vùng 1 Chiến Thuật).
Bắc tiếp tục phục vụ lại trong QLVNCH cho đến 30/4/75 thì di tản qua Mỹ, còn Ted trở lại phục vụ trong Army Aviation cho đến khi giải ngũ với cấp bậc Đại Tá, sau 30 năm binh nghiệp. Giải ngũ, Ted đi học lại tại Đại Học Kansas và đã lấy xong bằng Tiến Sĩ (Ph.D). Hiện, Ted đang phụ trách khóa Battle Command Training Program tại trường Leavenworth.
Vừa rồi, Meg, vợ của Ted, đã làm quà Giáng Sinh biếu Ted một chuyến du lịch qua Việt Nam, nơi Ted đã phục vụ 2 nhiệm kỳ: lúc Bob con trai đầu lòng mới 1 tuổi (nhiệm kỳ 1) và lúc Ted bị bắn rơi cuối tháng 4/1972 (nhiệm kỳ 2) khi cậu bé này được 4 tuổi (như vậy nhiệm kỳ 1 là khoảng 1967-1968).
Trong chuyến du lịch này, Ted có trở lại thăm Dakto và có cắt được 1 khúc kẽm gai ở vị trí Tân Cảnh. Sau đó, Ted đã có đóng khung gởi "Quà kỷ niệm Dakto/ Việt Nam tháng 4/1972" tặng Bắc kèm theo lá thơ và một bút ký đặc biệt, xin tạm được phỏng dịch như sau:
*
Vợ tôi, Meg và trưởng nam Bob (hiện là kỹ sư của Nasa) đã biếu tôi một quà Giáng Sinh thật là quý báu, ấy là Chuyến du hành về lại Việt Nam, cùng đi với Bob.
"Chiến tranh Việt Nam" từ ngữ 4 chữ ấy, đã đến với Bob. Khi Bob mới được 1 tuổi mà tôi đã lên đường qua tham dự chiến tranh Việt Nam (nhiệm kỳ 1) và khi Bob được 4 tuổi, Bob đã bắt đầu biết khổ đau, khi tôi được loan báo là mất tích, cuối tháng 4 năm 1972.
Và, đây là một cuộc hành trình kỷ niệm mà 2 cha con cùng đi, kỷ niệm của chiến tranh tàn khốc xưa kia tại Việt Nam.
Cuộc du lịch bắt đầu sau Noel Bob bay từ Denver (Colorado) qua ngang Hongkong, và tôi bay từ Seattle (Washington) qua ngả Tokyo. Hai cha con gặp nhau tại Singapore, cách nhau 5 phút. Tối đến, nghỉ tại Singapore để hôm sau trực chỉ Việt Nam.
Thật là lý thú, khi chúng tôi sắp đáp xuống Tân Sơn Nhất mà trước đây tôi chưa hề đáp, ngoại trừ phải túc trực tại chỗ, đề phòng hỏa tiễn địch và sẵn sàng bay lên truy nã.
Và, chúng tôi đã đáp xuống Tân Sơn Nhất, nơi đã từng là căn cứ khổng lồ của Nam Việt Nam và Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, nay được xử dụng làm phi trường thương mãi.
Chúng tôi dự trù "Chuyến trở lại thăm Việt Nam" của tôi sẽ bắt đầu từ Saigon đi Huế/ Phú Bài, rồi sẽ là Pleiku và Cao nguyên.
Rảo bước tại phi trường, tôi lấy làm lạ là không có gì thay đổi cả: vẫn phi đạo ấy, vẫn các hầm trú ẩn của các chiến đấu cơ Hoa Kỳ năm xưa, vẫn các nhà kho nguyên vẹn như cũ, nếu tôi không lầm (The runway, even the old revetments and shelter for the American fighter aircrafts, were all just exactly as I remembered well). Phi cảng nơi hành khách đến vẫn như cũ, chỉ có cao ốc là mới. Và, quả thật, tôi chưa được chuẩn bị khi chạm trán với 1 chiến binh CS với chiếc nón cối, lúc tôi rời phi cơ. Phản ứng của tôi là đột ngột và không kiểm soát được. Tôi đã buột miệng chửi thề "đ.m Cộng Sản lộn giống" (my reaction was sudden and uncontrolled. It was a loud utteramce of "goddamned communist bastard") và con trai tôi, Bob vội bíu vai tôi và "suỵt".
Chúng tôi vào làm thủ tục nhập cảnh, và tôi cảm thấy khó chịu khi chạm trán với các viên chức (quan thuế) CS…(qua một cái bắt tay vội vàng)…giống như sự run chuyển cực độ của một chiếc trực thăng "có vấn đề" với cái rotor !
taxi đưa hai cha con đến khách sạn Caravelle. Trong thời chiến, Caravelle là nơi trú ngụ của giới ký giả quốc tế. Ngày nay, Caravelle đã được sửa sang và tân trang lại, nhưng qua đêm với 1 phòng 2 người là 100 USD thật là quá đắt và hôm sau phải dọn đến nơi khác. Chúng tôi nay lại định đi thăm Cao Nguyên trước, nơi tôi từng bị bắn rớt khi còn phục vụ tại đơn vị trực thăng Cobra. Việc đi thăm cao nguyên đã bị cấm do vụ biểu tình của người Thượng và hiện còn 60.000 lính CS đang hành quân ở Cao nguyên.
Chúng tôi gặp được 1 toán Mỹ thuộc bộ phận tìm người mất tích đang ngụ tại khách sạn, họ cho biết là khó lên cao nguyên lắm và nên tìm cách duy chuyển bằng đường bộ dọc duyên hải.
Và, cha con tôi đã mua vé máy bay đi Qui Nhơn, rồi từ Qui Nhơn thuê xe hơi trực chỉ Pleiku rồi Komtum. Trên QL 19, chúng tôi được xe hơi đưa ngang đèo An Khê rồi đèo Mang Yang, nơi mà 30 năm về trước tôi đã bay lượn bằng trực thăng, qua bao ngày có mây mù dày đặt…ôi, chốn xưa cảnh cũ, biết bao kỷ niệm….
Khi đi ngang các trạm và chốn kiểm soát của quân đội VS chúng tôi đều tự động co đầu lại để khỏi bị xét nét.
Tại Pleiku, tôi nhìn lại con đường tráng nhựa vào trại Holloway trước kia, mà tôi đã từng ở đấy…nhưng rồi không có cách nào ghé thăm được, vì hiện là một trại quân lớn của VNCS. Lòng tôi tiếc hùi hụi mà đành thúc thủ ngồi trên xe trực chỉ lên Kontum cách đó 45 cây số Bắc.
Kontum là nơi mà bao lần tôi đã xuất phát hành quân, thường là phối hợp với LLĐB Mỹ Việt (VNCH) khi chiến trường Bắc Cao Nguyên còn sôi động trước 1975. Phần lớn thị xã Kontum không thay đổi và tôi đã gặp lại nhiều cảnh vật quen thuộc….


Cha con tôi ở lại 1 khách sạn nhỏ, nhưng vừa ý tại Kontum ngày hôm sau, tôi tiếp xúc được với một thanh niên ở ngoài phố và sau một lúc thảo luận anh ta đồng ý cho cha con tôi thuê 2 xe gắn máy, đồng thời tình nguyện làm hướng dẫn viên đi với chúng tôi lên hướng Benhet, vùng 3 biên giới Việt- Miên- Lào. Bob, con trai tôi mà lúc xưa đã bị tôi cấm ngặt sử dụng xe gắn máy, thì nay chàng kỷ sư Nasa Hoa Kỳ lại tung hoành trên con ngựa sắt trên cao nguyên của Việt Nam.
Qua khỏi ngả ba Dakto được 1 dặm rưỡi thì chúng tôi gặp một bảng cấm dựng ngay trên đường viết bằng chữ Việt và Anh "Khu vực hạn chế Biên giới cấm vào" (Restrited Area frontier no trespassing). Và cả 3 chúng tôi dừng xe. Lúc đầu, tôi bực bội quá và định cứ vượt qua. Sau đó, tôi hồi tâm, nghĩ rằng "Nếu để cho VC nhốt lại lần nữa" thì quá ngu và… điên. Từ trên trời, trực thăng tôi từng "đã bị bắn rớt và bạn tôi, Tim đã hy sinh cách đây 30 năm! Thôi đừng dại dột nữa. Ta đã từng đến gặp các chức quyền (CS) và đã xin giấy phép đi vào vùng này, nhưng chúng đã từ chối" "vậy thì thôi có lẽ khi khác, ta lại may mắn hơn, rồi sẽ vào thăm chốn di tích xưa vậy".
Và, trên đường từ Ben het về, chúng tôi ghé Tân Cảnh và Dakto. Dakto từng là căn cứ quân sự lớn mà nơi đây tôi thường dừng lại để (trực thăng) được tiếp tế xăng và thăm bạn bè Mỹ Việt (VNCH) đang truy lùng CS tại đây. Tôi thấy sân bay L 19 cũ của Dakto và tôi bàng hoàng với các kỷ niệm xưa. Tôi yêu cầu người hướng dẫn đưa cha con đến thăm lại sân bay, thật là vô cùng cảm xúc. Lần cuối cùng mà tôi bay trên không phận Dakto-Tân Cảnh là hôm 24/4/72 các xe tăng của CSBV đang vây hảm Tân Cảnh trong vụ tấn công Mùa Hè 1972 ở Bắc Cao nguyên, mà tuần lễ sau, Cobra tôi bị bắn rớt và tôi bị CSBV bắt làm tù binh vài dặm phía Tây Dakto.
Cha con tôi và người dẫn đường dừng chân tại Tân cảnh. Không còn dấu vết gì ngoài 1 khu rừng rậm với cây to, lác đác có vài khu đất có canh tác Tân Cảnh là nơi đã từng có trận tấn công dữ dội vào BTL/ sư đoàn 22 của QLVNCH ngày 24/4/72 mà sau đó, trên đường mòn HCM, tôi là tù binh bị áp giải ra Bắc Việt cùng với các sĩ quan và binh lính QLVNCH bị bắt, trong đó có Trung Tá Bắc, người bạn đã giúp tôi suốt thời gian hành trình. Quả thật, đây là giây phút cảm động nhất của tôi trên miếng đất này, từng xảy ra trận chiến ác liệt Tân Cảnh năm xưa.
Tôi còn nhớ lại thời kỳ sôi động nhất của Chiến Tranh Quốc Cộng khi CS "giải phóng" đồng bọn của chúng, thì tôi thấy hàng ngàn, hàng vạn người dân Việt cố tìm cách chạy về phòng tuyến của Nam Việt Nam và Mỹ. Tôi không thấy một người dân nào quay trở lại hàng ngũ Cộng quân, mà cũng không thấy bóng một thường dân nào trong hàng ngũ quân đội Bắc Việt tại các vùng "giải phóng" cả. Với tất cả sự vu cáo hèn hạ mà bọn thối mồm (bad mounth) đã vu oan cho Nam Việt Nam, một quốc gia tuy có ít nhiều "vấn đề" và bị tham nhũng với thể chế chính trị thiếu vững chắc, nhưng đa số dân chúng đều thù ghét CS, và muốn được tự do, tự do kỳ vọng xây dựng một mô hình dân chủ phồn thịnh này, thì quả thật có một quốc gian đang quằn quại dưới sự cai trị của quân cướp nước, và điều đó hiện nay đang xảy ra tại Miền Nam nước Việt.
Cao nguyên bị thiệt hại nhiều quá. Toàn vùng hiện nay hầu như không còn cây cối gì nữa: các chốn rừng rậm dầy dặn lúc xưa trong thời gian tôi khoác áo lính và phục vụ tại đây các rừng già ấy nay không còn nữa. Đồi núi, núi đồi đều trọc lóc mà thời tiết lại nóng hổi: thật đáng buồn.
Người Thượng ở đây sống hồn nhiên và vốn rất hiếu khách và trước đây tôi thích thú sống với họ ở Cao nguyên. Họ thường hay nhìn xuyên qua vai, và ít nói..cho đến khi ta trở nên quen thuộc với họ hơn. Họ vẫn hiếu khách như xưa khi quân đội Hoa Kỳ còn hiện diện trong vùng.
Chúng tôi rời Kontum vẫn trên các xe gắn máy qua nhiều đồi núi và rừng rậm đi về Duyên Hải, rồi bằng QL 1 chúng tôi đã đến Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, cha con tôi nghỉ đêm tại một khách sạn, tuy không sang trọng nhưng sạch sẽ và có nhiều nước tắm. Hôm sau, chúng tôi mua vé xe hơi ra cố đô Huế.
Tại Phú Bài, chúng tôi xuống xe để nhớ lại thời gian mà trong lần phục vụ đầu tiên nhiệm kỳ 1, tôi đã đóng quân tại đây với đơn vị 131 của Không Lực lục quân Hoa Kỳ (131 Aviation Company) 1 căn cứ khổng lồ với hàng trăm nhà kho, hàng trăm phi cơ và trực thăng quanh các phi đạo. Ngày nay chỉ còn trơ trơ các phi đạo với 1 cao ốc của đài kiểm soát hoang phế mà thôi: không còn gì nữa, đường xá cũng không còn nữa. hoang vắng và tất cả đã chìm đắm trong một rừng cây nhỏ tĩnh mịch và buồn thê thảm.
Tôi nhớ lại năm xưa, khi còn là một sĩ quan cấp nhỏ, tôi đã từng ở đây, đã từng nhâm nhi bia 33 với nhiều bạn bè (bia 33 là do người Việt chế tạo không thua gì bia Miller của Mỹ). Tôi đưa tay lên ngang trán, chào lại cảnh xưa cũ, xong cha con tôi chận một xe hơi và mua vé, tiếp tục 13 cây số còn lại đến Huế.
Cố đô, với thành nội với các tòa nhà, dinh thự còn lại vẫn rất cổ kính, mỹ miều với những hàng rào cây cảnh truyền thống…
Cha con tôi đến một quán càphê có Internet (thật là khó tin) dưới phố và gởi Email cho Meg, vợ tôi. Cuộc sống ở đây thật là kỳ lạ CS không thể kéo dài ở đây được CS chỉ sống bằng cách kiểm tra, kiểm soát mọi việc, mọi phương diện đặc biệt về thông tin.
Nay thì dân chúng đã vượt qua sự kềm chế của CS bằng Internet CS không còn tiếp tục dồn ép nhân dân được nữa, mà lần hồi tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện đâu đó, chỉ còn thêm chút thời gian nữa là dân sẽ yêu cầu bầu cử tự do và đòi hỏi các nhân quyền (now, the people surf the internet. The goverment can't keep the lid on much longer. Capitalism is already everywhere just a matter of time before people insist on free elections and demand their human rights).
Từ Huế, chúng tôi ra Hà Nội bằng xe lửa, lên tàu ban đêm và từ Vinh trở ra là ban ngày.
Có đi ngang qua chỗ một trại tù cũ mà bạn tôi, Finch đã mất, vài ngày sau khi được giải ra Bắc (1972).
Đến ga Hà Nội lúc 9 giờ sáng, chúng tôi về khách sạn và thấy mình bỗng nhiên nay tạm nghĩ gần trại giam mà trước 1975 có mỹ danh là khách sạn Hilton, nơi mà tôi đã từng qua nhiều ngày đêm khốn khổ và chán nản, với chút cháo, vài củ khoai và miếng sắn, chống cự với các đàn muỗi.
Ngẫm nghĩ rồi cười một mình.
Vì, có ai ngờ mấy chục năm sau lại có dịp đến thăm lại cảnh xưa chốn cũ, sau khi đã may mắn ghé thăm đươc Kontum và cao nguyên yêu dấu.
Cha con tôi có vào thăm lại Hilton, tất cả đều đổ nát.
Thế giới trước 1975 không còn nữa.
Sau 15 ngày viếng thăm, chúng tôi đã rời Việt Nam, mỏi mệt, nhưng thích thú và về lại đất Mỹ.
Tôn Thất Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến