Hôm nay,  

Chuyện Vào College

15/04/200200:00:00(Xem: 193865)
Người viết: Tống Minh Châu
Bài tham dự số: 2-512-vb60405
Tác giả Tống Minh Châu đã góp cho Giải Thưởng Việt Báo bài đầu tiên: Tôi Học College. Câu chuyện về nỗ lực học hỏi của tác giả được nhiều vị độc giả cao niên tán thưởng và gửi thư nhờ Việt Báo chuyển đến tác giả yêu cầu chia xẻ thêm kinh nghiệm. Sau đây là bài viết mới tiếp tục Chuyện Vào College.

+
Tính từ thời gian cao điểm (1975) người Việt nhập cư trên đất Mỹ đến nay vẫn còn son trẻ so với các sắc tộc khác; bởi vậy, chúng ta cần trao đổi, tham khảo kinh nghiệm sống của nhau. Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đã tạo ra được một diễn đàn chung cho mục tiêu ấy; Vậy thì, vì lòng yêu thương đồng bào mình, chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội đóng góp, để cho mục báo này càng ngày càng phong phú hơn. Tôi đã nghĩ vậy khi gửi bài “Tôi hoc College” tham dư giải thưởng. Bài báo được nhiều thân hữu và bạn đọc chia sẻ, khuyến khích tôi kể thêm kinh nghiệm học hành ở Mỹ. Nhờ vậy có thêm bài viết này.

Đi học ở College, với tôi, là tìm kiếm cơ hội phát triển, đấu tranh để tồn tại và thăng tiến trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

"Cái bằng AA hay AS ở College là đồ quẹt, ai có trình độ trung học ở Việt Nam đều lấy được hết." Tôi nhớ lại lời ông bạn già cùng học với tôi nói vậy. Có lẽ ông ấy hơi cường điệu. Nhưng tôi, với bao lặn lội, thăng trầm trong tuổi đời, rồi khi bước vào College, thì tuổi đã lớn, nên tôi "Cẩn thận" không dám tin lời ông bạn tôi. Tôi chỉ biết có một điều chắc chắn mà tôi có, đó là như lời Phan Bội Châu viết ngày xưa:

"Mũi tên dồn hết tâm thành,

Bắn vào đá cứng, tan tành như chơi."

Quả thật, tôi đã vận dụng, "Nghệ thuật bắn cung" vào sự học của tôi ở College. Tôi "Dồn hết tâm thành" ra sao" Đơn cử một việc, tôi đã vận dụng cái "Sở đoản" để bổ khuyết cho cái "Sở trường" thiếu sót của tôi.

Tôi nêu ra hai cách sau đây:

1. Biến cái KHÓ thành cái DỄ.

2. Lấy cái DỄ bù đắp cho cái KHÓ.

Biến cái khó thành cái dễ là gì" Ví dụ, tôi phải chiến đấu với "Trí nhớ" của tôi. Bởi vì đi học mà "Khá năng nhớ" kém, là coi như bỏ cuộc. Nhưng "Tuổi lớn" và "Trí nhớ" thì càng ngày càng nghịch biến với nhau, thế thì tôi phải làm sao đây" Tôi giải quyết với "Bộ nhớ" của người lớn tuổi bằng cách biến cái "Khó nhớ" thành cái "Dễ nhớ".

Tôi kể các bạn nghe, có một bà giáo người Mỹ gốc Nga, 63 tuổi, khi tôi nói về một thuật ngữ English rất khó nhớ về cách phát âm, bà đã bảo tôi: "Tại sao bạn không chịu chua âm tiếng Việt của bạn vào chữ đó. Tôi qua Mỹ khi 16 tuổi; ban đầu, tôi cũng học cách phát âm chữ khó English bằng tiếng Nga văn cho dễ nhớ, sau đó, sẽ từ từ sửa giọng lại cho đúng hơn." Tôi đã thử cách đó, kết quả đạt được trên 50%, còn hơn là phát âm hoàn toàn sai. Dấu tiếng Việt cũng có thể lợi dụng để diễn tả dấu nhấn (accent) trong tiếng English.

Một cách khác nữa, khi học một lớp Vocabulary về Etymology (từ nguyên học), học về căn nguyên một chữ, ví dụ: chữ Mendacity, có gốc Latin của nó là Mendacitas và nghĩa của chữ gốc này là Falsehood. Nếu thấy nó khó nhớ, tôi chỉ cần "phán" một câu "Người đã xa ta là xấu, lừa dối": Người (men) đã (da) xa(ci) ta (tas) là: xấu, lừa dối (Falsehood), thế là khỏi quên luôn.

Tôi nhớ một lần khác, một người bạn hỏi tôi, khi phải học thi để nhập quốc tịch Hoa Kỳ rằng: 100 thượng nghị sĩ thì dễ nhớ, còn 435 dân biểu của hạ nghị viện thì làm sao mà nhớ số đó cho lâu được" Tôi bảo rằng: 435 thì cứ nghĩ là 4 con dê đi (con dê=35). Bạn tôi cười ha hả, và từ đó về sau-kể cả khi đã đậu vào quốc tịch rồi cũng khó mà quên cái số 4 con dê đó.

Một lần nữa, khi học về lớp Astronomy (Thiên văn học), để nhớ 9 hành tinh liên tục trong hệ mặt trời là: Mercury- Venus-Earth-Mars-Jupiter-Saturn-Uranus-Neptune-Pluto, ông thầy có giới thiệu một câu, tôi thấy khó nhớ, nên bèn đặt một câu tiếng Việt như sau: "Muốn vì em Mà ra sức uống no phình." Bởi vì tiếng Việt không có chữ J đứng đầu một chữ, nên tôi lấy tạm chữ R thay thế, tưởng cũng dễ nhớ lắm rồi. Thông minh như Einstein, cũng còn có khi phải tạo ra những câu buồn cười, để ghi nhớ một loạt sự kiện có liên hệ cùng nhau, huống chi là mình. Tôi cũng thường áp dụng cách đó để ghi nhớ các hệ thức, công thức trong khi học toán.

Đứa con gái của tôi cũng có tánh hay quên vặt. Một lần, trời sương mù phải mở đèn xe, khi đến nơi, tắt máy mà quên tắt đèn, đến trưa về thì bình ác quy hết điện, xe nó hết chạy được. Tôi nói với nó, lần sau khi mở đèn xe ban ngày, ngay ở trên xe có sẵn hộp napkin, con chớp một miếng, kẹp chặt vào vô lăng mà lái đi, nhớ đừng bỏ nó ra. Và chỉ khi đến nơi rồi, tắt đèn xe xong mới được vất bỏ miếng napkin đó ra. Miếng napkin đó đã đóng vai trò môi giới, giữ nó canh cánh bên lòng…bàn tay, để nhắc nhở cho mình nhớ được một cái gì đó dễ quên.

Tôi thường tự nhủ: "người hay quên, chỉ cần nhớ một điều duy nhất là mình hay quên." Điều đó làm tôi lo lắng, cảnh giác với sự quên. Và chính sự cảnh giác đó đã làm tôi nghĩ ra cách này, cách nọ để hỗ trợ cho một sự khó nhớ nào đó. Tôi không bao giờ sợ mất, hay quên chìa khóa xe (ở trong hay ngoài xe), bởi vì, tôi không bao giờ rời nó ra khỏi túi quần, mỗi khi đã tắt máy. Một copy chìa khóa để vĩnh viễn ở nhà, hoặc để riêng ra một túi quần khác, không bao giờ dùng tới, trừ khi hữu sự. Mình hay sơ suất thì phải tìm cách để đề phòng hậu hoạn, vì thế nàoTrời cũng an bài cho kẻ khiếm khuyết một "sở đoan" nào đó để bù đắp. Tôi tự nhủ: Hãy cố mà tìm cho ra cái sở đoản đó.

Bởi người lớn tuổi, trí não không được thuần tĩnh, bình tĩnh, nên có khi tôi đi học, lái xe ra một đoạn đường, cứ cảm thấy mình đang "thiêu thiếu" một cái gì đó. Sự nhớ lại là đúng phóc rồi, hồi nãy, quên đem cặp sách vở ra xe! Bởi vậy, mỗi khi ra đi, nhất là khi chuẩn bị gấp gáp và cần đem theo nhiều thứ gì, tôi luôn luôn gom chúng thành một chỗ để trước mặt, cô lập chúng ra. Và đến khi đi, chỉ cần nhớ mang theo tất cả cái gì có trong chỗ đó là xong.

2, Lấy cái "dễ" vù đắp cái "Khó" là gì" Cái khó là bài thi (test, exam, final). Cái dễ là bài làm, với thì giờ rộng rãi, ngoài giờ học, như assignment, homework, và đặc biệt tốn nhiều thì giờ như là project, extra credit. Tại sao chúng dễ" Bởi vì chúng không vị ràng buộc như thời gian ngắn ngủi của một bài thi, và không giới hạn trong một khả năng hiểu biết hạn hẹp của tôi. Tôi nghĩ rằng chính những cái sau này, nếu làm xuất sắc bù đắp được phần nào cho cái trước.

A, Bài thầy ra về nhà hay ngoài giờ học để học làm là một thuận lợi cho những sinh viên như tôi- có thì giờ nhiều, nghiên cứu từ từ - tôi làm thật tốt, nghiêm chỉnh, và xuất sắc các công việc đó. Từ hình thức cho đến nội dung, tôi bỏ lực ra làm thật công phu, tỉ mỉ, và nếu cần, trang hoàng thật đẹp mắt, nổi bật - đó là cái sở đoản mà tôi có thể cố gắng trong tầm tay. Tâm lý các giáo sư, ai cũng cho môn học mình dạy là quan trọng, tôi phải đáp ứng cho một ông thầy rằng tôi cũng "quan trọng" về môn học đó, lẽ dĩ nhiên, thầy nào mà chẳng ưng ý học trò mình như vậy.

B, Project: Tìm kiếm tài liệu ở Mỹ này thì tha hồ, cả một rừng sách trong thư viện và computer, internet. Tôi chịu khó học hỏi qua vài lần đầu là biết cách tìm chúng ngay. Tìm xong tài liệu là xong 50% công việc, còn lại, tôi chỉ kết hợp tài liệu cho khớp với một dàn bài đã soạn sẵn, thêm thắt vài ý kiến riêng tư, và đặc biệt, bỏ công làm một kết luận cho thật xuất sắc là xong.

Tôi nghĩ, mình mới tập tành làm project thì như vậy là được rồi. Đặc biệt các hình vẽ, bản đồ, và đồ thị, tôi thường không dùng bản photocopy từ trong sách ra mà đính kèm vào project, mà lại dùng chúng để vẽ lại một bản khác cho hợp với chủ đề hơn, thêm thắt vài điểm cần thiết vào đó, tô màu và trang hoàng cho đẹp mắt. Nhìn đi, nhìn lại, trong lớp ít ai chịu làm như tôi. Lẽ dĩ nhiên, vì các người khác để nguyên xi bản copy, nên thầy chỉ nhìn phớt qua; đến bài tôi, chắc chắn thầy sẽ dừng lại để xem xét kỷ và lâu hơn, vì tôi có công sáng tạo. Thật ra, sáng tạo thì có chút ít, nhưng chủ yếu cũng chỉ là một kiểu copy bằng tay, có "kế hoạch" thôi. Kết quả rõ ràng, một lần ông thầy dạy sử Duran, lớp History 143, đã phê "very good" vào bản đồ có ghi các trận đánh, địa điểm, thời gian; và bài tôi là A+. Có lẽ một phần là vì cái bản đồ vẻ tỉ mỉ, tô màu đẹp đẽ đó. Chẳng thông minh, tài giỏi chi, mà đó là cần cù, chịu khó một chút là được thôi.

Thực ra, tôi cố gắng làm như vậy cũng có hai mục đích: Thứ nhất,
là để cho thầy thấy được về sự cố gắng, chú tâm học tập của tôi. Thứ hai, đã
đi học thì cái gì cũng nên thực tập, tìm tòi cho vui. Dù không vì điểm của thầy cho mà chú ý, mình cũng sẽ được cái hiểu biết, mở mang kiến thức trong đời. Ví dụ, nhờ một project (cho extra credit) của lớp Astrnomy về "Sự sống ngoài Trái đất" mà tôi hiểu được rằng: Chúng ta không cô đơn trong vũ trụ, còn nhiều sự sống đang ở giữa những Thiên Hà xa xăm. Chúng ta đang gởi những thông điệp vào không gian, để chờ mong tiếp xúc với sự sống ở các hành tinh khác. Có thông điệp kèm theo 60 ngôn ngữ tiêu biểu cho loài người Địa Cầu; đặc biệt, trong đó có cả Vietnamese. (Greetings in many tongues - Aboard Voyagers I & II - 1977).

C, Extra credit: Gồm những việc làm có liên quan đến môn học, nó có tính cánh nhiệm ý - muốn làm, hay không cũng được. Sinh viên giỏi thì không cần, nhưng tôi tự lượng sức mình nên làm cho "chắc ăn", để có thêm điểm ở cuối khóa. Tôi thí dụ, bà giáo Williams dạy lớp PE 196 (Physical Education) cho hai extra credit có điểm cao nhất: Test máu (blood chemical) và có dự học thêm một lớp PE khác nữa. Test máu thì ai cũng cần làm, để thăm chừng máu mình thành phần có tốt không, có bệnh gì không, và cholesteral ra sao. Muốn có bản phân tích máu, chỉ cần đến bác sĩ giới thiệu đi thử nghiệm là xong. Y tế trường cũng có làm, nhưng phải tốn hơn 10 đo â-có cái gì không tốn mà có đâu.

Còn bà giáo yêu cầu dự thêm một lớp PE khác nữa thì đó lại là cái "tủ" của tôi. Hồi mới vào học là tôi đã dự học ngay lớp PE 130, một lớp tập thể dục bằng máy. Được tập thể dục bằng máy, không tốn tiền, ai yếu đuối thì tập như sức trẻ con cũng được. Phòng ốc lại rộng rãi, máy móc, dụng cụ đầy đủ; có cơ hội duy trì sức khỏe cho người lớn tuổi, dại gì mà không học. Thật là tuyệt vời! Cám ơn College chu đáo! Tôi đã học thêm một lớp PE khác nữa của bà Kearns, cho đủ 2 lớp PE đòi hỏi để tốt nghiệp. Đó là lớp PE 154: "Jazz Dance". Nhảy nhót thì tôi làm sao theo kịp tụi trẻ, thế mà cuối cùng tôi cũng được điểm A. Có lẽ là vì học theo kiểu "mũi tên dồn hết tâm thành" của cụ Phan Bội Châu.

Ngày cuối, lớp thi final, trong mục trình diễn solo (tự sáng tác ra rồi trình diễn một mình), tôi tập đi, tập lại ở nhà một mình, tập ở ngoài park gần nhà. Kẻ hiếu kỳ đi ngang, chăm chú dòm tôi, không biết tôi đang tập "loại" gì. Chắc họ thắc mắc: Nó tập cái gì trông không phải "thể dục nhịp điệu", cũng chẳng giống "thái cực quyền"… Sáng tạo mà! Tôi lấy tape thâu bài "Lý ngựa ô" làm nhạc đệm cho buổi trình diễn, con bạn người Peru nghe thích, dù chẳng biết lời ca là gì, cũng xin thâu lại làm kỷ niệm, nó đặt cho nhạc đó là nhạc rape Việt Nam! Tôi vẽ sơ đồ, kế hoạch trình diễn lên một bản giấy, chỉ rõ sơ đồ trình diễn, đường vào, lối ra, chủ đề và nhạc đệm, thời gian… rồi nạp trước cho bà Kearns. Tôi thấy bà cười thích thú, và có lẽ vì vậy mà tôi được điểm A, vì với thực chất trình diễn thì tôi đâu có bằng ai! Tôi đã dùng cái sở đoản để bổ sung cho cái sở trường
vậy.

Nhưng cũng thật tình mà nói, các giáo sư rất biết thông cảm cho tôi, vì hiếu học mà đến trường. Đa số họ rất ân cần, lịch sự, tôn trọng và hay khuyến khích. Họ rất tâm lý trong vấn đề khen thường, không bao giờ chê bai ai ra mặt. Nếu tôi làm khá, họ không tiếc lời khen, làm đôi khi tôi cũng tự cảm thấy mắc cỡ, vì thật ra, bài mình làm cũng chưa perfect gì cho lắm. Nhưng có lẽ đây là đặc tính của người Mỹ chính gốc. Trong việc làm, dù có một vài khiếm khuết, trong khi đã đạt được cái mục đích chính, thì đối với họ là "that ok" Họ rất coi trọng tinh thần, niềm phấn khởi trong lòng, như là động lực thúc đẩy cho cuộc sống và việc làm. Điều đó rõ ràng đã giải thích tại sao những từ ngữ như "good job", "good idea", "that ok" luôn luôn được dùng đầu môi để khuyến khích sinh viên làm việc.

Ngay cả sự tuyên bố điểm cho sinh viên cũng kín đáo, lịch sự. Điều này làm tôi ngạc nhiên, so với trường lớp Việt Nam có khác. Ở Mỹ, hầu như luôn luôn người bên cạnh, hay người khác không có thể biết điểm của tôi, mỗi khi thầy trả lại bài đã chấm. Có những giáo sư, mỗi lần trao bài đã chấm, đều úp mặt bài làm có phê điểm xuống khi trao tận tay cho sinh viên. Nếu phải cho xem số điểm ghi trong một list, thì che phần trên, phần dưới của tên người muốn xem lại, để cho người xem khỏi thấy các điểm kế cận của người khác. Cũng như muốn tuyên bố kết quả học kỳ, dán ở ngoài cửa lớp, bao giờ cũng chỉ để 4 số an ninh xã hội cuối của từng sinh viên, chứ không kê khai cả tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ ra như ở Việt Nam mình.

Tôi nhớ, hồi còn đi học trung học, một vị thầy Pháp văn, khi kiểm tra bài tôi không thuộc, đã nói với tôi, giữa cả lớp rằng: "Học hành thì không ra chi, mà đi đôi giày nghe kêu lộp cộp (dày kuya hồi đó), rứa rồi cũng đậu bằng này, bằng nọ; ra làm ông nay, ông nọ…thế hệ các anh cứ thế, kiến thức sẽ mai một dần dần hết…" Tôi không giận thầy đó, nhưng tự giận mình, cứ phân vân không biết tại sao hồi đó mình lại học khó thuộc bài như vậy.

Đa số các thầy ở Mỹ cũng rất thực dụng trong vấn đề đòi hỏi sinh viên học tập. Đối với thầy Sloniger, không có cái gì mơ hồ, lập lờ có thể thông cảm, cho qua được. Ông nói với sinh viên, "Việc học như là một job làm, nếu các bạn không hoàn tất nhiệm vụ đòi hỏi, giữ đúng giờ, và trình đủ bằng chứng công tác (làm homework, assignment) thì các bạn sẽ không có credit để qua lớp này." Thực tế, ông rất coi trọng khả năng làm việc, và số lượng thì giờ học thì được tính trên những gì mà tôi đã làm được, cho những gì mà ông đã giao phó.

Sự học hành của tôi ở College, đơn cử ra như vậy là đang trên đà có cơ may phát triển. Tôi đã vượt qua được cái ngưỡng cửa gọi là "vạn sự khởi đầu nan". Giả sử như không có cuộc chiến kia xảy ra, có thể tôi đã là một luật sư, như ước vọng của cái thuở còn là sinh viên trường luật một thời. Sau cái gọi là đầu hàng "tập thể" của chúng tôi ngày xưa kia, nay tôi muốn tìm kiếm đôi điều để chứng tỏ "cá thể" tôi chưa từng đầu hàng trong cuộc sống, cho dù cuộc sống đó bây giờ đã tới
tuổi... chiều tà.

Dù đời đã về chiều, tôi sẽ còn tiếp tục học nữa.

Tháng hai, 2002

Tống Minh Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến