Hôm nay,  

Quê Hương Và Kỷ Niệm

26/03/200200:00:00(Xem: 183670)
Người viết: Cơ Thụy Mạnh Hà
Bài tham dự số: 2-493-vb60315
Tác giả tên thật Phạm Văn Thanh, 48 tuổi, hiện ngụ tại thành phố Ann Arbor, Michigan. Trước năm 1975, tác giả phục vụ trong Hải Quân QLVNCH. Từ 1975 đến nay, tác giả từng điều hành hệ thống điện toán tại các trường đại học, công ty tư và công quyền; giảng dậy bậc đại học; sáng lập công ty AuViCom, Hội Phát Huy Văn Hóa Việt Nam, Phong Trào Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam và vẫn tích cực hoạt động trong mọi lãnh vực văn hóa, giáo dục, chính trị và xã hội nhằm phục vụ người Việt hải ngoại và quê hương.

Thuở nhỏ, tôi hằng mơ ước được đặt chân đến những vùng trời mới mẻ, tìm hiểu về lối sống của các dân tộc khác cùng những nền văn minh tiên tiến trên thế giới.
Trong ý nghĩ non nớt của tôi thời đó thì dáng dấp, phong tục, ngôn ngữ của người ngoại quốc thật xa lạ với người Việt Nam và vì thế những khác biệt về đời sống vật chất và tâm linh của họ, đối với tôi, luôn luôn là những khám phá thú vị. Tôi mong muốn đến thăm nước Mỹ một cách đặc biệt vì trong óc tôi vẫn ghi đậm hình ảnh về đàn bò rừng chạy rầm rập như cơn động đất, tung bụi mù mịt trên cánh đồng cỏ hay những chàng cowboy bắn súng nhanh như chớp dường muốn nổ tung màn ảnh đại-vĩ-tuyến tôi đã được xem.
Mơ ước "chuyến viễn du hải ngoại" đối với một học sinh nghèo như tôi thật xa vời và "không tưởng."
Thế nhưng, dường như là định mệnh đưa đẩy, học xong năm đầu đại học, đến thăm viếng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, yêu mến màu áo trắng của những chàng lính biển, và rồi chỉ vài tháng sau, tôi đã tình nguyện gia nhập Hải Quân để trở thành một sinh viên sĩ quan Hải Quân du học Hoa Kỳ.
Ấn tượng đầu tiên về nước Mỹ mà tôi nhớ mãi cho đến hôm nay: Nước Mỹ rộng lớn và giàu sang quá đỗi! So sánh với những trung tâm phát xuất các nền văn minh kim cổ như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, Ấn Độ và ngay cả Luân Đôn của Anh, Ba Lê của Pháp, tôi cũng khó tưởng tượng được rằng chỉ hơn 200 năm văn hiến mà dân Mỹ có thể xây dựng một quốc gia rộng lớn, phú cường như vậy.
Nước Mỹ không giống quê hương tôi lắm từ phong cảnh, núi đồi, cho đến cái nắng cái mưa mà dường như, mọi thứ tại Mỹ đều "quá khổ" cao hơn và lớn hơn.
Nước tôi không có chiếc cầu Golden Gate một nhịp treo bằng hai sợi giây cáp khổng lồ buông thõng xuống từ hai cột cầu cao chót vót.
Nước tôi không có thành phố của nhà chọc trời mà vào những ngày ảm đạm, đứng dưới đất nhìn lên, tôi chỉ thấy lờ mờ phần thượng tầng cao ốc lẩn vào màn mây xám, khiến tôi liên tưởng đến bài hát "Làng Tôi"
"có cây đa cao ngất từng xanh."
Cây đa đầu làng tôi cao thật!
Nó có tàn lá xum xuê xanh ngát, những rễ phụ chằng chịt là nơi mà bạn bè chúng tôi vẫn thường bắn bi, đánh đáo dưới bóng mát của nó vào những năm tôi còn học tiểu học trường làng. Hồi nhỏ, tôi đã nghĩ rằng khó thể có cây đa nào cao đến thế, nhưng so với nhà chọc trời bên Mỹ thì nó lại thấp lè tè.
Nước tôi không có xa lộ rộng rãi, êm ái, có nhiều tầng chuyển tiếp thật tiện khác với đường xá ở quê tôi đã nhỏ hẹp, lồi lõm mà vào mùa mưa, có đoạn bị ngập lụt hay lầy lội đất bùn. Xa lộ ở Mỹ dài típ tắp, chạy qua những cánh đồng bắp, lúa mạch, lúa mì nối tiếp thung lũng núi đồi mà vào mùa lúa chín, cả vùng ngập màu vàng nâu của lúa trải dài đến tận chân trời.
Trong thời gian theo học tại trường Sĩ Quan Hải Quân Trừ Bị OCS, nhớ quê hương, cuối tuần, tôi có cái thú hay đáp chuyến xe lửa chạy qua những vùng đồng quê vào mùa lúa chín, để được ngắm cánh đồng lúa vàng bát ngát mênh mông và hít thở hương lúa thơm dịu thoang thoảng trong không khí trong lành không ô nhiễm bởi khói xe đủ loại như ở thành phố.
Những lần như thế, sao tôi chạnh lòng nhớ quê hương tôi khôn tả, cũng đồng lúa chín, cũng mùi lúa thơm mà sao tôi cảm thấy lạ hơn, dửng dưng hơn một chút.
Hình như có điều gì thiếu vắng trong khung cảnh tương tự thanh bình đó! À! Tôi đã nhận ra rằng: quê hương tôi có nhiều thứ mà nơi đây không có ví dụ như có người thân thuộc, có rặng tre làng, có cảnh tát nước bằng gầu giây, có những bác nông phu vác cày ra đồng, có trẻ mục đồng cưỡi lưng trâu thổi sáo và nhất là có tình người hòa trong từng tấc đất ngọn rau và mộ phần ông bà bao đời hương khói...
Cuộc đời đã qua như một giấc mơ! Sau khi trở về nước phục vụ trong Hải Quân mấy năm trời làm tròn bổn phận một người trai thời chiến, bảo vệ nền tự do dân chủ của miền Nam VN, tôi được xuất ngoại một lần nữa "bất đắc dĩ" vào cuối tháng Tư
1975, tìm tự do khi cuộc chiến tương tàn 20 năm kết thúc. Tôi định cư tại một tiểu bang lạnh giá thuộc vùng Ngũ Đại Hồ và ổn định lại cuộc đời lưu lạc.
Nước Mỹ đã mở rộng vòng tay đón mời hàng triệu người mong mỏi được hít thở không khí tự do như tôi. Giòng đời của tôi tiếp tục trôi một cách hiền hòa trên nước Mỹ mà những thăng trầm, sung sướng hay cực khổ, thành công hay thất bại trong đời tôi, phần lớn gắn liền với quê hương mới đã trở nên thân yêu này.
Giờ đây, tôi đã thành một công dân Hoa Kỳ, sinh sống trên vùng đất không còn hoang dã với bóng dáng đàn bò rừng chắc nịch lầm lũi gặm cỏ hay những màn đấu súng hồi hộp đến nghẹt thở mà là vùng đất phong phú cống hiến bao cơ hội thăng tiến cho người di dân.
Tôi đã thỏa mãn ước mơ tuổi nhỏ nhưng oái oăm thay, bao thương nhớ về gia đình, kỷ niệm thân yêu thời thơ ấu vẫn ăm ắp trong lòng, nung nấu đến quay quắt tâm hồn tôi. Trong những chiều tuyết phủ trắng núi đồi, tôi thường nhớ về quê cũ mà cảm thấy nuối tiếc vì chưa được biết hết về quê hương VN và mơ ước một chuyến viễn hành ngược chiều trở về quê hương thuở nhỏ lại nhen nhúm trong tôi.
Tôi không muốn các con tôi ân hận như tôi nên quyết định đưa gia đình du hành khắp nước Mỹ, từ những tiểu bang băng tuyết miền bắc cho đến tiểu bang nóng bỏng miền Nam và "from sea to shining sea" vừa xem thắng cảnh vừa tìm hiểu thêm về quê hương thứ hai cả mặt phải và mặt trái của nó.
Tôi đã say sưa ngắm bức tranh hùng vĩ tuyệt đẹp Grand Canyon National Park với những vách núi thẳng đứng muôn hình vạn trạng phản chiếu ánh hoàng hôn rực rỡ muôn màu. Nhìn thác Yosemite từ trên núi cao đổ giòng nước trắng xóa xuống thung lũng toàn loại cây sequoias, tôi vô cùng thán phục bàn tay sáng tạo của Tạo Hóa khi vẽ nên những bức họa hài hòa tuyệt hảo giữa trời, đất với thiên nhiên. Đứng trên tầng cao nhất của tòa Empire State Building chiêm ngưỡng thành phố Nữu Ước, tôi có cảm giác bồng bềnh trên một biển ánh sáng muôn màu lung linh như sao sa. Thành phố về đêm lộng lẫy như một nàng tiên kiều diễm khoác trên người tấm áo choàng cẩn đầy kim cương, châu ngọc. Nhìn bề ngoài hoa lệ của thành phố, khó ai có thể tưởng tượng rằng rải rác khắp thành phố, có những ngõ ngách tồi tàn đầy rác rưới mà tại đây chúng ta cũng thấy những gì rất thấp hèn của xã hội.
Tôi đã từng chứng kiến những người nghèo khổ, vô gia cư nằm co ro dưới gầm cầu xa lộ, toàn thân quấn kín mít bằng mảnh chăn dơ bẩn rách bươm trong cái lạnh cắt da của những ngày cuối Thu. Tôi đã ái ngại khi nhìn thấy người đàn ông lếch thếch bới thùng rác để kiếm loong thịt hột còn dư ăn dằn bụng hay những vỏ loong Coca, bia hộp để bán kiếm tiền sống qua ngày.
Tôi đã nhận thức được rằng ở xã hội nào cũng đều có những giai cấp thật giàu sang nhưng cũng có những giai cấp thật nghèo hèn, có giai tầng thượng lưu quý phái nhưng cũng có lớp bần cùng nhất trong xã hội và có nhiều nhà tỉ phú "tiền rừng bạc bể" nhưng cũng có người khốn khổ "ngủ gầm cầu xó chợ." Điều đáng nói là sống trong một nước dân chủ như Mỹ, mọi người đều có cơ hội như nhau, nếu cần cù nhẫn nại, hoạch định kế hoạch làm việc thật kỹ lưỡng và quyết chí đạt cho bằng được thì thêm một chút may mắn người nào cũng có thể thành công. Bao người di dân tay trắng đến lập nghiệp tại xứ này đã trở nên những nhà đại-tư-bản làm chủ nhiều công ty lớn nhất thế giới. Nhà sản xuất phim Walt Disney thành công nhờ óc sáng tạo, kỹ-nghệ-gia xe hơi Henry Ford từ óc hiếu kỳ, vua dầu hỏa Rockefeller do khiếu kinh doanh và nhà tiền phong về nhu liệu điện toán Bill Gates làm giàu nhờ trí thông minh, v.v.


Nước Mỹ cũng sửa soạn môi trường thuận lợi, giảm bớt thành kiến, kỳ thị giúp người dân phát huy tột độ khả năng về mọi lãnh vực từ nghề chuyên môn cho đến thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để có thể biến "một cô gái lọ lem thành công chúa" như Cinderella vậy. Bao tài năng thiên phú "có đất dụng võ" đã trở nên nổi tiếng như cồn và giàu sụ như Michael Jordan, Wayne Gretzky về thể thao, Elvis Presley, Madonna về ca nhạc, John Wayne, Julia Roberts về điện ảnh và rồi một tài xế xe truck trở thành ca sĩ nổi tiếng thế giới, một tài tử điện ảnh tầm thường có thể trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Chỉ có những nước dân chủ như nước Mỹ người dân mới có cơ hội và tự do theo đuổi mục tiêu mong muốn của mình mà dù có khả năng hay cố gắng cách mấy họ cũng khó thể thi thố và đạt được ước mơ nếu sống trong một chế độ độc tài.
Trước cảnh tượng giàu, nghèo tương phản rõ rệt, tôi bỗng nghĩ thầm:
Nếu những người giàu hoặc nước giàu mạnh trên thế giới chia sẻ bớt của cải cho dân nghèo, nước nghèo thì thế giới này hạnh phúc biết bao"
May thay, người Mỹ rất giàu lòng nhân đạo mà bản tính "nhường cơm sẻ áo" của họ có lẽ phát xuất từ tinh thần trách nhiệm, thương người và sự cảm thông cho hoàn cảnh khốn khó mà họ đã trải qua trong thời gian đầu hành hương đến tân thế giới. Hàng năm, người Mỹ đã thực hiện tính bác ái và lòng nhân đạo của họ một cách tích cực hơn ai hết bằng cách viện trợ giúp đỡ các nước kém mở mang trên thế giới nhiều tỉ đô-la. Không phải chỉ có chính quyền đề ra những chương trình tài trợ nước nghèo mà những công ty tư nhân và thường dân cũng hoạt động hăng say trong nhiều dịch vụ thiện nguyện từ việc giúp người tàn tật, bảo vệ môi sinh đến nhân quyền. Dù người Mỹ hiếu khách và giàu từ tâm, thế nhưng, vẫn có những người ghét Mỹ hoặc những nước chống Mỹ; có lẽ điều này phát sinh do thái độ "kẻ cả," đôi khi hợm hĩnh "coi Trời bằng vung" và "coi mình là nhất thiên hạ" của họ. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ tỏ ra rất thông cảm, theo họ, hiểu biết về phong tục và nhân-sinh-quan của các giống dân khác thì người ta mới nhận thức được rằng thế giới này rộng lớn và có nhiều nền văn hóa phong phú lâu đời đáng ngưỡng mộ hơn là họ nghĩ.
Thật vậy, những sắc dân trên thế giới khi di cư đến vùng Đất Hứa đều mang theo nhiều giá trị tinh thần vô giá, những tập tục tốt đẹp, những nét đặc thù tiêu biểu từng chủng tộc để làm giàu cho nền văn hóa nước Mỹ.
Cũng chính "lò luyện thép" Hợp Chủng Quốc đã hòa tan, hội nhập những nền văn minh, phong tục, tập quán khác biệt lại với nhau để rồi hun đúc thành cá tính đặc biệt thuần nhất tạo nên nước Mỹ, người Mỹ và tính Mỹ.
Tôi vẫn thường pha trộn tinh thần Nho Giáo trong lối xử thế, dùng làm "kim chỉ nam" cho mọi quan niệm sống hàng ngày. Tư tưởng Nho Giáo thâm trầm, bảo thủ, đôi khi trái ngược với tâm hồn cởi mở, sôi nổi của người Mỹ và có vẻ lạc lõng trong môi trường sống mà sự ganh đua ráo riết như chi phối đời sống vật chất và tình cảm con người.
Tại nước tôi, tuy có những hủ tục không còn hợp thời, nhưng nhiều quan niệm Nho Giáo vẫn có giá trị lâu dài. Ví dụ, căn bản gia đình với "tam tòng, tứ đức" gắn bó nhiều khi cả 5 thế hệ già trẻ với nhau, cùng sống chung dưới mái gia đình, con cái một lòng phụng dưỡng cha mẹ trong khi con cái Mỹ đến tuổi trưởng thành thường thích ra ở riêng. Quan niệm "quân, sư, phụ" khiến học trò rất mực kính trọng thầy, cô có khi còn hơn cả cha mẹ, nên tôi rất cảm thông với những vị giáo sư tỏ ra nghiêm khắc đối với vài học sinh Mỹ ngồi gác chân trên bàn nghe giảng bài trong lớp học. Ngoài xã hội, ý tưởng "tam cương, ngũ thường" phân định ngôi vị xã hội, khiến xã hội có tôn ti trật tự hơn;
Tại Mỹ, trái lại, có những người Mỹ công khai chỉ trích, sỉ nhục tổng thống Mỹ và đốt cả lá cờ tiêu biểu cho quốc gia của họ.
Có lẽ rằng lịch sử một dân tộc cần trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm mới trở nên bi tráng hào hùng; tương tự, thời gian cũng cần thiết để tinh luyện nước Mỹ thành một cá thể đặc biệt, nung đúc nên một nền văn hóa riêng biệt.
Do đó, dần dần tôi dễ dãi hơn đối với lối xử sự đôi khi "quá lố" của một số người Mỹ mà theo tôi hành động đó có thể phát sinh từ sự tự do quá độ hoặc quan niệm hời hợt về tổ quốc còn quá mới mẻ này.
Nhiều người cho rằng nước Mỹ tiêu biểu cho đủ thứ "thượng vàng hạ cám" cũng không phải là vô căn cứ! Nước Mỹ có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel nhất thế giới, nhưng học sinh Mỹ lại bị xếp hạng thấp nhất trong các kỳ thi tranh đua với học sinh nước khác. Nước Mỹ có bao nhiêu thiên tài, những nhà phát minh các máy móc tân kỳ như phi thuyền con thoi bay ra ngoài bầu khí quyển rồi trở về trái đất như đi chợ, vệ tinh Voyager vượt qua hàng triệu dặm trong không gian thám hiểm những tinh cầu xa xôi, viễn-vọng-kính Hubble Scope phóng tầm nhìn của loài người xuyên vào vũ trụ hun hút hoặc tuyệt kỹ y khoa cấy người hay vật nhân tạo mong dành quyền Thượng Đế.
Tuy nhiên, nước Mỹ cũng có người hành động thiếu trách nhiệm nhất trần gian như Tim McVeigh tự phá hủy tài sản quốc gia, giết chết hàng trăm người trong vụ nổ Federal Building ở Oklahoma hay Eric Harris thảm sát bạn đồng môn tại trường Trung Học Littleton, Colorado. Chúng ta có thể nghĩ đấy là kết quả hay hậu quả của chế độ tự do tiêu biểu của thế giới và cũng chỉ nước Mỹ mới có những điều mâu thuẫn cực độ không thể tưởng tượng như vậy.
Đó là nước Mỹ với những công trình siêu đẳng! Đó là người Mỹ với phần tốt đẹp hay xấu xa của họ!
Điều này có lẽ chỉ xảy ra ở môi trường thật sự tự do và dân chủ trong đó người dân được toàn quyền xử dụng khả năng, tài khéo để làm những gì họ thích, thực hiện những ước mơ họ theo đuổi mới có thể phát huy tột đỉnh tài năng ẩn dấu tiềm tàng trong mỗi người mà thôi.
Cho nên, người có tư chất tốt được phát triển tột đỉnh thì người đó dễ trở thành thiên tài, còn người có bản chất tồi tệ thì dễ trở thành ác quỷ.
Tuy nhiên, những trường hợp giết chóc kinh khủng hãn hữu đó chỉ là một vài vụ ngoại lệ gây ra bởi thành phần bị coi là "rác rưới" của xã hội, những người vi luật, phá hoại làm thiệt hại sinh mạng và tài sản quốc gia vì không nhận thức đúng đắn bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội.
Vì vậy, điều quan trọng là người dân phải ý thức được bổn phận công dân để góp phần duy trì, bảo vệ, xây dựng những giá trị tốt đẹp mà một xã hội thật sự tự do cung ứng cho người dân. Được hưởng giá trị tinh thần cao và cuộc sống vật chất sung túc như hiện nay trên nước Mỹ, tất cả những di dân yêu chuộng dân chủ đều cảm thấy biết ơn những vị "Cha Già Dân Tộc" dựng nên nước Mỹ như Tổng Thống George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, v.v.
Chính tinh thần quốc gia cao độ cùng viễn kiến "nhìn xa trông rộng" của các nhà lãnh đạo phi thường này đã lập quốc, mở mang đất nước và định hướng tương lai một nước Mỹ hùng cường không những tiêu biểu cho tự do của quốc gia Hoa Kỳ mà còn là "ánh đuốc soi đường" dân chủ cho toàn thế giới khi soạn thảo bản Hiến Pháp làm căn bản cho mọi sách lược trị nước chăn dân.
Qua kinh nghiệm sống hàng ngày, đôi khi tôi nghĩ thầm: "Nhiều người đã lạm dụng thể chế tự do và xã hội dân chủ của nước Mỹ để trục lợi cá nhân nên chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ hơn hầu giới hạn sự tự do quá trớn." Nhưng rồi mỗi lần nhìn lên tượng Nữ Thần Tự Do, tôi lại nhớ ra "chân lý" tiêu biểu cho nước Mỹ: Ngọn đuốc tỏa "ánh sáng tự do" khắp thế giới.
Tôi hi vọng ánh đuốc mang quyền năng giác ngộ mọi người từ bậc lãnh đạo xuống đến thường dân để toàn thể nhân loại được hưởng quyền tự do căn bản, được sống chung trong một thế giới công chính, trọng nhân quyền và chan hòa tình yêu thương chân thật. Tôi chợt nhớ lại những vần thơ thật đẹp, đầy ắp tình người của Emma Lazarus:
"...A mighty woman with a torch, whose flame
Is the imprisoned lightning, and her name
Mother of Exiles.
From her beacon hand
Glows world-wide welcome; her mild eyes command
The air-bridged harbor that twin cities frame.
'Keep, ancient lands, your storied pomp!' cries she
With silent lips.
'Give me your tired, your poor
Your huddled masses yearning to breathe free,
The wretched refuse of your teeming shore,
Send these, the homeless, tempest-tost to me,
I lift my lamp beside the golden door!'
Tôi xin nhận tất cả những điều tốt lẫn xấu hiện hữu trong một xứ tự do mà không muốn đổi cuộc sống tự do lấy bất cứ điều gì khác vì "sống một đời tự do" chính là lý do khiến tôi đã bỏ lại những gì thân yêu nhất di cư vào Nam sau lần chia đôi đất nước vào năm 1954 và rồi cũng bỏ lại sau lưng quê hương, kỷ niệm dấu yêu nhất để đến bến bờ tự do Hoa Kỳ năm 1975.
Cơ Thụy Mạnh Hà
[email protected]
Feb 10, 2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến