Hôm nay,  

Lấy Chồng Mỹ Không Quên Văn Hóa Việt

18/03/200200:00:00(Xem: 222573)
Người viết: Hải Triều
Bài tham dự số: 2-487-vb70309
Tác giả Hải Triều tên thật Lai The Lãng, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O., hiện cư trú và làm việc tại Vermont, vùng Đông Bắc. Hải Triều đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ giá trị và cho biết trước là ông còn tiếp tục viết nữa. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Câu nói chơi "Kính lão đắc đào" thường nghe được từ miệng những người vui tính, thích pha trò hay ở những nơi trà dư tửu hậu, không ngờ đã thực sự xảy ra. Mà lại còn xảy ra ngay trên đất Mỹ này nữa!
Kẻ biết kính lão trong câu chuyện này là anh chàng Arthure, người My,õ và người mà chàng ta chiếm được là cô gái Việt tên Thanh Vân. Arthure và Thanh Vân đã trở thành đôi uyên ương chồng Mỹ, vợ Việt rất tương đắc và hai người cũng đã có một đứa trai con đầu lòng, bé Tony kháu khỉnh vừa giống cha vừa giống mẹ.
Ai mới có con mà chẳng mừng, nhưng có lẽ nỗi vui mừng của cặp vợ chồng Arthure - Thanh Vân còn lớn hơn gấp bội. Bằng chứng là hôm tổ chức ăn mừng đứa con đầu lòng được một năm tại nhà hàng Silver Palace, Arthure và Thanh Vân đã chuyển lời mời rộng rãi đến tất cả những người quen biết dù thân hay sơ. Họ muốn có thật nhiều người đến dự tiệc để chia sẻ niềm vui với họ.
Tôi cũng ở trong số những người được mời. Tôi và Thanh Vân cùng làm một công ty nhưng cô là kỹ sư còn tôi chỉ là một nhân viên làm ở Manufacturing Department (bộ phận sản xuất) mà thôi. Trong công ty, Thanh Vân ở một nấc thang cao hơn tôi nhiều nhưng cô không bao giờ tỏ ra tự mãn hoặc có thái độ ỷ mình thuộc giới white collar (dân văn phòng) để xem thường những người blue collar (dân lao động chân tay). Còn Arthure thì rất hãnh diện có vợ Việt Nam nên gặp bất cứ người Việt nào anh cũng tỏ thái độ thân thiện và gần gũi. Do những đặc tính ấy của vợ chồng Arthure- Thanh Vân mà bất cứ ai có dịp gặp họ, dù chỉ một lần cũng có cảm tình và dễ dàng trở thành bạn của họ.
Tôi ít khi gặp Thanh Vân ở trong công ty nhưng thường gặp vợ chồng Arthure - Thanh Vân tại các buổi họp mặt của người Việt. Có lẽ tôi đã giữ mãi được hình ảnh của họ, nhất là anh chàng Arthure vui tính là ở một buổi house warming party (ăn mừng nhà mới) tại nhà một người đồng hương. Hình như đây cũng là lần đầu tiên cặp vợ chồng này có dịp tiếp xúc với một số đông bà con người Việt từ khi họ chuyển đến tiểu bang ở vùng đèo heo hút gió này.
Trong một tiểu bang có quá ít người Việt như tiểu bang của chúng tôi, những người đồng hương dễ trở nên gần gũi và thông cảm nhau hơn. Chúng tôi thường không bỏ qua cơ hội nào mỗi khi có dịp tụ họp lại để ăn uống, chuyện trò và chia sẻ vui buồn với nhau cho đỡ cảm thấy lẻ loi trong cuộc sống tha hương.
Bữa tiệc hôm đó qui tụ khá đông. Đông đối với con số người Việt nhỏ nhoi ở đây. Arthure là người nổi đình nổi đám nhất trong bữa tiệc. Ngay khi cặp vợ chồng Arthure - Thanh Vân xuất hiện, Arthure đã làm cho bầu không khí trong nhà náo nhiệt hẳn lên. Vừa bước vào nhà, với vẻ mặt tỉnh khô, Arthure chào mọi người bằng tiếng Việt. Tuy nói với giọng lơ lớ, chưa được rành rõi lắm, Arthure biết phân biệt giữa những tiếng ông, bà, anh, chị ... Arthure còn cho biết anh có thể hát karaoke một số bài hát tiếng Việt và theo anh thì "nước mắm rất ngon".
Thấy Arthure vui tính, có người đề nghị anh kể lại câu chuyện tình giữa anh và Thanh Vân. Arthure tỏ ý sẵn sàng nhận lời nhưng không quên đưa mắt nhìn vợ như muốn hỏi ý kiến. Được Thanh Vân gật đầu ra chiều đồng ý, Arthure hăng hái bắt đầu câu chuỵên kể lại buổi đầu anh gặp gỡ Thanh Vân như thế nào. Câu chuyện tình của họ rất thật mà giống như chuyện trong tiểu thuyết hay trong phim ảnh.
Arthure tằng hắng lấy giọng, ngừng lại một chút như cố tình làm cho mọi người chú ý rồi mới bắt đầu câu chuyện. Lúc đầu Arthure kể chuyện bằng tiếng Việt, về sau anh phải chuyển qua nói tiếng Anh vì vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của anh không đủ để diễn tả hết chi tiết của câu chuyện. Arthure có lối nói chuyện hấp dẫn, anh lại có tài diễn xuất bằng điệu bộ khiến cho câu chuyện càng thêm sống động, làm cho người nghe cảm thấy như chuyện đó đang diễn tiến ngay trước mắt.
Arthure gặp Thanh Vân trong một lớp Computer applications khi hai người cùng theo học lớp này. Arthure ngồi cách Thanh Vân bởi mấy học viên nhưng anh có thể nhìn xéo để thấy được khuôn mặt thùy mị, dễ mến của cô. Từ khi gặp Thanh Vân, Arthure bị "hớp hồn" bởi cô gái Việt Nam có vóc dáng thon thon với nụ cười luôn nở trên môi. Đang ngồi trước máy computer của mình nhưng thỉnh thoảng Arthure lại đưa mắt nhìn trộm Thanh Vân. Arthure luôn luôn chú ý đến Thanh Vân, theo dõi từng cử chỉ khi cô ngồi trong lớp.
Trong một buổi thực tập, học viên được yêu cầu viết một câu chuyện mà đề tài do học viên tự lựa chọn. Arthure để ý thấy Thanh Vân ngồi bất động trước máy computer của cô. Hình như cô đã viết xong và đang đọc lại bài của mình trên mặt hình computer. Bỗng Arthure ngạc nhiên thấy những giọt nước mắt của cô từ từ lăn trên má. Vừa thương Thanh Vân vừa tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cô, Arthure bí mật thương lượng xin đổi chỗ với người ngồi bên cạnh cô. Được người này đồng ý, hai người lặng lẽ đổi chỗ cho nhau mà Thanh Vân không hề hay biết gì.
Đến ngồi cạnh Thanh Vân trong lúc cô vẫn còn đang đầm đìa nước mắt, Arthure liếc mắt đọc vội bài viết của cô đang nằm yên trên mặït hình của chiếc computer. Dù không đọc được hết bài, Arthure đã nắm được ý chính của bài viết. Thanh Vân kể lại hoàn cảnh gia đình cô sau ngày 30-4-75. Cha bị đưa đi cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, mẹ cô và mấy chị em cô bị đẩy đi kinh tế mới giữa lúc không tiền không bạc, không nơi nương tựa ... Arthure đoán có lẽ bài viết của Thanh Vân đã gợi lại hình ảnh đau thương của gia đình cô trong thời kỳ đen tối đó khiến cô quá xúc động mà không cầm được nước mắt.

Dần dà Arthure đã bắt chuyện và làm quen được với Thanh Vân. Thanh Vân tỏ ra rất tự nhiên khi nói chuyện với anh nhưng khi Arthure hỏi địa chỉ và số điện thoại thì cô thẳng thừng từ chối. Arthure thắc mắc hỏi lý do, Thanh Vân chỉ trả lời ngắn gọn là lễ giáo Á Đông không cho phép. Thanh Vân sống trong một gia đình nề nếp và luôn kính trọng cha mẹ. Dù đang sống trên đất nước Hoa Kỳ cô vẫn giữ đúng phận làm con "Áo mặc không qua khỏi đầu", không giao thiệp thân mật với bạn trai khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ.
Nhưng Arthure nào có chịu thua, anh kiên trì theo đuổi và cố tìm cách tiến xa hơn nữa trong mối quan hệ với Thanh Vân. Cuối cùng Arthure đã tìm ra cách giải quyết. Anh đặt cả một kế hoạch để chinh phục cho bằng được Thanh Vân. Đầu tiên anh bỏ công nghiên cứu về phong tục Việt Nam, tìm hiểu đặc tính của người Việt. Sau đó vào một buổi tan học, Arthure âm thầm đi theo Thanh Vân để biết nơi ở của cô. Khi đã biết được nơi ở của Thanh Vân, Arthure một mình đi thẳng tới nhà cô.
Hôm Arthure đến nhà thì Thanh Vân đi vắng. Người tiếp anh lại chính là thân phụ của cô. Arthure hơi lúng túng khi thoáng nhìn thấy vẻ nghiêm nghị của người đối diện nhưng anh đã kịp lấy lại bình tĩnh. Anh cúi đầu, hai bàn tay chắp lại và cung kính chào người chủ nhà đúng theo phong cách Á Đông. Arthure đã chiếm được cảm tình của người chủ nhà ngay từ giây phút đầu tiên. Anh được mời ngồi và sau một vài câu chuyện thăm hỏi xã giao, Arthure thẳng thắn trình bày lý do anh đến. Arthure nói rõ nguyện vọng muốn được làm bạn với Thanh Vân. Arthure cũng trình bày thêm là anh đã làm quen được với Thanh Vân nhưng cô nhất định không cho biết địa chỉ và số điện thoại.
Tuy Arthure đến nhà và đặt vấn đề hơi đường đột nhưng với cách nói năng chân thực và cử chỉ lễ phép, Arthure đã gây được cảm tình với thân phụ của Thanh Vân. Ngay sau buổi nói chuyện ông đã vui vẻ cho Arthure số điện thoại của gia đình và còn cho phép Arthure được lui tới gặp gỡ Thanh Vân.
"Được lời như cởi tấm lòng", Arthure sung sướng ra về. Ngay tối hôm đó, anh gọi điện thoại xin gặp Thanh Vân. Chị của Thanh Vân chuyển ống nghe cho cô vừa nhìn cô tủm tỉm cười. Đặt ống nghe vào tai, Thanh Vân vô cùng kinh ngạc khi nhận ra giọng nói của người ở đầu giây phía bên kia. Cô hốt hoảng và không hiểu tại sao Arthure lại biết số điện thoại để gọi cho cô. Arthure nói Thanh Vân hãy bình tĩnh. Anh nói anh đã có permission (được phép) đàng hoàng chứ không gọi ẩu đâu mà Thanh Vân phải lo. Rồi Arthure kể cho cô nghe về tất cả câu chuyện anh đã đến nhà, nói chuyện với thân phụ của cô và chính ông đã cho số điện thoại và còn cho phép hai người được công khai gặp gỡ nhau nữa.
Từ khi đựơc sự chấp thuận của cha, Thanh Vân càng ngày càng gắn bó với Arthure và tình bạn giữa họ đã nhanh chóng đổi thành tình yêu. Arthure ngỏ lời xin cưới Thanh Vân. Cả nhà đều đồng ý. Đám cưới được tổ chức theo phong tục Việt Nam. Trong ngày cưới, Arthure xúng xính trong bộ Việt phục. Anh tỏ ra hãnh diện được làm chú rể trong bộ trang phục áo dài khăn đóng. Arthure thắp nhang trước bàn thờ, vái lạy tổ tiên, rót rượu mời nhạc phụ và nhạc mẫu. Arthure làm mọi việc thành thạo như một chú rể Việt Nam chính cống.
Sống chung với Thanh Vân, Arthure ngày càng hiểu nhiều và gắn bó hơn với những sinh hoạt mang tính chất Việt Nam.
Sau đám cưới ít năm vợ chồng Arthure- Thanh Vân đã có được đứa con trai đầu lòng. Có con là niềm hạnh phúc của cha mẹ nhưng niềm hạnh phúc còn lớn hơn khi cha mẹ nhìn thấy con cái được nuôi dạy nên người. Hai người đều ý thức được điều đó nên họ rất quan tâm đến việc giáo dục con ngay từ lúc béTony hãy còn nhỏ.
Hôm đến dự tiệc mừng bé Tony được một tuổi, tôi đặt câu hỏi cho Arthure và Thanh Vân về ngôn ngữ họ sẽ dạy cho Tony khi bé bắt đầu tập nói. Họ sẽ dạy ngôn ngữ nào trước: tiếng Anh hay tiếng Việt"
- Dĩ nhiên là tiếng Việt Arthure đáp nhanh không cần suy nghĩ. Anh giải thích rằng khi đi học tất nhiên Tony sẽ nói tiếng Anh ở trường vì vậy mà cần phải tập cho bé nói tiếng Việt trước khi nó đến trường.
Thanh Vân nói thêm:
- Tony phải biết nói tiếng Việt để cháu được nhắc nhở rằng trong người nó có dòng máu Việt Nam.
"Con nên tại mẹ", ý thức được điều đó, Thanh Vân vẽ ra cả một chương trình cho việc dạy dỗ Tony trong tương lai. Cô nói cô sẽ dạy cho Tony hiểu về nguồn gốc dòng giống Lạc Hồng, biết về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt. Cô sẽ giảng giải cho Tony về những nét hay đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Cô cũng sẽ đem Tony về thăm những danh lam thắng cảnh trên đất nước Việt Nam để nó yêu mến và gần gũi với quê hương của mẹ nó.
Lời nói đi đôi với việc làm, ngay từ bây giờ vợ chồng Arthure- Thanh Vân thường đem con họ đến góp mặt trong các buổi họp mặt cộng đồng, nhất là vào dịp Tết. Arthure và Thanh Vân muốn con họ gần gũi với người Việt và làm quen với phong tục Việt Nam ngay từ khi còn bé. Thanh Vân thường bày tỏ ước vọng:
- Mong sao thằng Tony khi lớn lên sẽ giống như cha của nó. Được đào tạo từ nền văn hóa của Mỹ nhưng vẫn trân quý và giữ gìn phong tục tập quán Việt Nam.
Tôi thầm phục Thanh Vân. Cô lấy chồng Mỹ nhưng không bị Mỹ hóa còn làm cho chồng yêu thích văn hóa Việt Nam. Cô lại có đường hướng rõ ràng trong việc giáo dục, làm cho con biết rằng nó là người Mỹ nhưng cũng là người Việt Nam nữa. Thanh Vân quả là một người phụ nữ Việt Nam đáng ca ngợi.
Hải Triều

Ý kiến bạn đọc
16/12/201701:57:46
Khách
Be Tony may man douc giao duc hai nen van hoa Viet va My.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến