Tác giả Phạm Văn Hồng hiện cư trú và làm việc tại Port Orchard thuộc tiểu bang Washington vùng Tây Bắc Mỹ. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông.
Hồi còn nhỏ ở quê nhà tôi nhìn thấy sự tín ngưỡng và thờ cúng của bậc lớn tuổi mà trong lòng rất hoang mang và cũng không bao giờ tôi tán đồng hoặc cho đó là điều có thật. Mãi cho đến bây giờ đời tôi đã trải qua 62 năm rồi, với những điều tai nghe mắt thấy cho nên tôi xin kể ra đây vài mẩu chuyện mê tín dị đoan từ Việt Nam qua đến đất nước Mỹ để bà con thưởng lãm.
Tôi còn nhớ rõ vào khoảng thời gian 1950 ở xóm tôi có một bà lên đồng bóng gọi là cô Bóng Tám. Cô ta có thân hình vạm vỡ như đàn ông, mặc áo dài bông màu rực rỡ, thoa son dồi phấn, để móng tay dài sơn màu đỏ.
Một hôm cô Bóng Tám đến cúng ăn tạ trang cho một bà lão ở cạnh nhà tôi, đi theo cô có hai người thanh niên trẻ gọi là đệ tử, một đờn cò, một đánh trống, còn cô Bóng Tám thì vừa lên đồng vừa gõ mõ, tạo nên một âm thanh cắc cắc thùng thùng ò e í e hòa với sự hát hò nhịp nhàng của cô Bóng Tám.
Đám trẻ con hiếu kỳ bu quanh chật trước cửa sân nhà, trong đám trẻ có tôi. Chúng tôi thích thú chăm chú theo dõi, nhưng tất cả giữ im lặng vì sợ động đến giờ linh thiêng của cô Bóng. Cô Bóng Tám có sức mạnh khác thường, sau phần múa mâm đèn rồi, cô biểu diễn tiếp màn cái lu rỗng để chứa nước, lúc bấy giờ người ta gọi là cái khạp ve bò, có trọng lượng cũng khá nặng, cô Bóng biểu diễn cho cái lu lăn từ tay trái sang tay phải rồi chuyển cho cái lu lăn trên lưng, mình thì lắc lư múa rất nhịp nhàng, biểu diễn trông rất ngoạn mục.
Sau phần cúng ăn Ta Trang, tới phần xủ quẻ đồng tiền điếu và bói bài. Dĩ nhiên là gia chủ phải cúng một xấp tiền để trên mâm cho cô Bóng Tám.
Kế đến cô xem quẻ cho người anh rể của tôi. Cô nói: Anh rể của tôi nay cũng lớn tuổi rồi mà không chịu thỉnh ông về thờ cho nên cứ mắc bịnh hoài, anh rể tôi tin và nghe theo lời cô Bóng Tám. Thế là một màn ăn Tạ Trang nữa được nổi lên, làm gà vịt để cúng và thêm một số tiền để dâng cho cô Bóng, sau đó cô Bóng đặt lên trần nhà của anh rể tôi một cái trang không có khuôn hình lộng kiếng, hình của ba ông Quan Công (mặt đỏ) Châu Xương và Quan Bình, ba ông này là tướng thời tam quốc bên Tàu. Cô còn căn dặn anh rể tôi hằng đêm phải đốt nhang khấn vái mới khỏi bịnh được. Kế tiếp cô Bóng đốt một đạo bùa màu vàng chữ đỏ cháy thành tro rồi bảo anh rể tôi bỏ tro bùa vô ly nước uống.
Sau thời gian cúng ăn Tạ Trang thờ ông mà bịnh tình của anh rể tôi không thuyên giảm, cơn bệnh càng trầm trọng hơn, hơi thở dồn dập và ho nhiều lắm, một hôm anh rể tôi tức giận bắt thang lên gỡ cái trang thờ ông đem quăng xuống sông trước cửa nhà, nói thờ ông cái con mẹ gì, càng thờ cúng bệnh càng nặng thêm. Bà con lối xóm thấy vậy lắc đầu, có mấy bà lão kêu trời nói thằng này ngang ngược dám đụng đến ông thì thế nào nó cũng bị hành chết.