Hôm nay,  

Dì Tư

23/12/200100:00:00(Xem: 208787)
Bài tham dự số: 02-422-vb21217

Tác giả SAFYNguyễn Văn Hưởng 52 tuổi, định cư tại San Diego. Nghề nghiệp được ghi: buôn bán ve chai. Bài viết “Hoa Ve Chai” của ông là những chuyện kể về nghề bán ve chai đã được Giải Thưởng Viết Về Nước Mỷ năm 2000 trao tặng Giải đặc biệt. Sau đây là bài viềát mới nhất của ông.

Liên gọi dì Tư bởi ba má gọi dì là em, chớ thật ra dì Tư chỉ hơn Liên vài tuổi, và không có bà con họ hàng chi với Liên.
Gia đình dì Tư dọn đến Xóm Lá nghèo này bởi nơi đây quy tụ hầu hết thành phần nông dân bỏ ruộng vườn ra Cà Mau lánh nạn Cộng Sản. Người dân trong xóm tận dụng mọi vật liệu Trời ban để tạo dựng chỗ ở. Họ móc đất dưới kinh làm nền, vào rừng đốn tràm đóng cừ giữ đất, đốn đước làm cột làm kèo, tước lá dừa nước lợp mái ngăn vách.
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, làm bít lối quay về, nên lần hồi người dân Xóm Lá tính kế ở lại lâu dài. Những mái tôn, tường gạch, sân xi măng đua nhau dựng lên làm xóm bớt vẻ nghèo nàn. Nhưng Xóm Lá vẫn là tên gọi, dù sau này không còn một mái lá nào. Rồi điện từ bên kia bờ kinh kéo sang, mỗi nhà chỉ bắt một bóng nê ông 3 tấc, nhưng cũng đủ sáng để xua đi vẻ u tối ảm đạm hằng đêm.
Gia đình dì Tư với năm nhân khẩu, gồm ông cậu bà mợ, dì dượng Ba và dì Tư. Ngày mới ra, họ cũng dựng tạm một chòi lá để mọi người tá túc. Bởi "đại bác đêm đêm dội về thành phố", pháo nát cơ hội về với con trâu bờ mẫu. Dượng Ba biết dăm ba chữ, nên xin học nghề y tá, còn dì Tư theo nghề may. Họ cố tìm cho mình một nghề hầu "bám trụ" ngoài chợ.
Gần hai năm sau, dượng Tư trở thành y tá làm trong bệnh viện tỉnh, kiêm chích thuốc theo toa bác sĩ. Dì Tư khéo tay, sáng trí, siêng năng, học nghề xong dì mở tiệm ngay tại nhà, nhận cắt may quần áo cho bà con chòm xóm.
Nhờ đồng lương căn bản của Dượng Ba, cộng thêm lợi tức tiệm may dì Tư, nên chẳng bao lâu căn chòi lá tạm bợ được phá bỏ, để cất lên căn nhà mái tôn cột táng khang trang. Ông cậu về ruộng dỡ nhà, chở hết đồ đạc ra Cà Mau kiến tạo cuộc sống lâu dài. Một lần ghé may áo, nhìn chiếc tủ thờ thật đẹp, Liên buột miệng khen.
-Tủ thờ ông cậu mua đâu mà đẹp quá vậy!
Ông chậm rãi trả lời.
-Mua đâu, tủ từ đời ông cố tao để lại đó. Chạy giặc ở ngoài này, tao rầu rĩ hoài vì sợ bom đạn làm tiêu tan hết. Mang được ra đây, cả nhà đều mừng, từ nay sớm tối ông bà luôn ở bên con cháu.
Trừ dượng Ba mỗi ngày rời nhà đạp xe đi làm và dì Ba xách giỏ đi chợ mỗi sáng, còn mọi người chỉ quanh quẩn trong nhà. Gần năm năm sống nơi Xóm Lá, không biết bao lần đi ngang nhà dì Tư, Liên nghe tiếng máy may chạy đều nhiều hơn tiếng người cười nói.
Mặc dù là gái quê nhưng da dì Tư trắng trẻo, gương mặt dịu hiền trong sáng, tuy không nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cũng làm bao trai tráng say mê. Liên đếm được nhiều cây si trồng quanh tiệm may dì Tư. Lâu lâu Liên còn nghe má kể, ông chủ nhà máy chà này, ông chủ vựa cá nọ, nhờ mối mai dạm hỏi dì Tư cho con trai họ. Nhưng ông cậu bà mợ chưa nhận xính lễ, bởi muốn giữ dì Tư trong nhà thêm đôi ba năm. Bỗng một hôm đi xóm về má nói với Liên:
-Tao thấy tướng con Tư giống có bầu quá!
Liên cãi ngay.
-Má nói gì kỳ vậy! dì Tư đàng hoàng, có mang tai mang tiếng gì đâu, lại suốt ngày ở trong nhà thì bầu bì sao được!
Đúng như má Liên nhận xét, mấy tháng sau, bụng dì Tư to lên. Nhưng đi ngang nhà, Liên vẫn chỉ nghe tiếng máy may như bình thường, không một tiếng gì khác phát ra để người ngoài đoán biết nguyên nhân vụ hũ mắm bị bể.
Dì Tư sinh một bé trai trông rất ngộ, nhà thêm nhân khẩu được vài tháng thì dì dượng Ba dọn đi biệt xứ. Gái một con ngó mòn con mắt, dì Tư mỗi ngày một đẹp thêm, nhưng những cây si không còn lảng vảng quanh tiệm nữa, và ông mai bà mối cũng biến mất.
Đứa bé càng lớn càng giống dượng Ba, nhưng nó là đứa trẻ vắn phần, được hơn ba tuổi chết vì đau màng óc. Căn nhà dì Tư đã ít tiếng nói, nay nghe tiếng thút thít của người mẹ trẻ, Liên thấy não nề sao ấy!
Có một điều lạ, mặc dù chửa hoang, nhưng không một ai trong xóm cho dì Tư là người mất nết hay trăng hoa. Ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh éo le của dì. Không ai muốn bươi móc thêm để tránh làm dì đau lòng. Thời buổi ấy, dù tài sắc nết na hiền thục, nhưng với vết nhơ không chồng mà có con, dì Tư khó tìm ra tấm chồng để nương tựa và cùng dì đi hết cuộc đời.
Cuối năm 1972, Liên theo chồng rời Xóm Lá, dì Tư vẫn đơn lẻ bên cha mẹ già. Mỗi lần nhớ chòm xóm, căn nhà dì Tư bao giờ cũng là hình ảnh rõ nét trong Liên. Năm sau về thăm, đi ngang nhà dì Tư, Liên thấy một người đàn ông lạ đứng tuổi ngồi trên bộ ngựa. Rảo bước nhanh về nhà, Liên chưa kịp hỏi chuyện dì Tư, thì má đã kể.
-Dì Tư lấy chồng tháng rồi, dượng Tư người đâu miệt Chắc Băng Cạnh Đền, theo người quen lang bạt tận ngoài Huế. Hồi tổng công kích tết Mậu Thân, nhà cửa bị cháy ráo trọi, vợ con trúng pháo chết hết, quay về xứ sống nương nhờ bà con. Tuy hơn dì Tư gần hai mươi tuổi, nhưng người hiền lành chân chất, nên ông cậu bà mợ thương gả dì Tư cho. Đám gả làm đơn sơ, đôi ba mâm cơm dọn lên mời bà con chòm xóm chứng cho "đôi trẻ". Ngày cưới, cô dâu mặc chiếc áo bà ba mới, chú rể thì quần đen áo trắng, dìu cô dâu đi chào bà con. Ông cậu bà mợ lên nhang đèn xin phép tổ tiên tác hợp mối lương duyên.
Liên thầm cám ơn Trời Phật độ trì cho dì Tư có nơi gởi phận. Lần sau về thăm, Liên nghe má lập lại câu:
-Tao thấy tướng con Tư giống có bầu quá!
Liên không cãi và thắc mắc như lần trước mà mừng cho dì Tư sắp có con nâng niu bồng ẵm.
Sau biến cố đau thương 1975. Liên phần lo cho chồng trong tù, lo cho đứa con còn trong bụng, lo mất việc trong ngân hàng, bởi có chồng là Ngụy quân. Nên hình ảnh dì Tư cũng tạm phai mờ trong trí. Nhờ ơn trên phù trợ, gia đình Liên vượt biên bằng an đến Mã Lai, rồi định cư tại Hoa Kỳ cuối năm 1977.
Mấy năm đầu tỵ nạn, hai vợ chồng lo học hành, làm việc cật lực để tái lập lại cuộc đời mới.Vì lúc nào cũng vui với cái mình đang có, chấp nhận thực tại, nên gia đình Liên sống hết sức hạnh phúc. Hàng ngày, Liên lo cơm nước cho chồng đi làm, đưa con đến trường xong là ngồi ngay vào bàn máy may áo quần gia công. Liên rất thích việc làm tại nhà này, vì có thì giờ chăm sóc chồng con, vừa có thêm thu nhập cho gia đình. Tiếng máy Liên may tuy không ồn như tiếng máy dì Tư ngày xưa, nhưng đôi lúc làm Liên chợt nhớ đến dì. Liên nghĩ gia đình dì sống thật giản đơn, lại nghèo, ông cậu bà mợ già cả, dượng Tư thì không có "nợ máu với nhân dân" chắc được yên thân với chính quyền mới.
Một sáng thứ sáu, đang lúc sửa soạn đem đồ ra may, thì chuông điện thoại reo. Liên nghe giọng nói hối hả, thêm chút bồi hồi bên kia đầu dây.
-Phải cô ba đó không" (Liên thứ ba nên bà con chòm xóm vẫn thường gọi Liên như thế)
-Dạ, xin lỗi ai vậy!
-Dì Tư đây! Cô ba còn nhớ dì Tư thợ may ở Xóm Lá không"
-Mèng ơi! dì Tư hả! Con mừng quá, dì Tư hiện ở đâu và sang hồi nào vậy"


Thế là Liên bỏ việc ngồi nói chuyện cùng dì Tư cả buổi. Dì ở trên Santa Ana cách San Diego nơi Liên ở chỉ hơn một giờ xe. Dì Tư kể, sau ngày miền Nam mất, gia đình dì rời Xóm Lá về lại trong ruộng, sống nhờ mấy chục công đất hương hỏa. Nhưng ngược đời thay, trong thời bom đạn cày bừa, gia đình dì vẫn còn được làm chủ, vẫn hưởng huê lợi trên miếng đất ông bà để lại. Ngày đất nước thanh bình lại mất hết ruộng vườn vì buộc vào tập đoàn. Ông cậu bà mợ thì già, dượng Tư cũng không còn trẻ riêng nghề may không còn hợp thời, bởi dân nghèo lấy tiền đâu mua vải mà may với mặc. Dì không ngờ có ngày người nông dân bị đói cơm giữa đồng ruộng bao la. Nghe tin gia đình Liên vượt biên đến được bờ bến, gặp bước đường cùng, máu "giang hồ" dượng Tư nổi lên, dượng rủ dì trốn chạy khỏi nước tìm đất sống. Ra đi bỏ cha mẹ già ở lại dì Tư không đành lòng. Nhưng ông cậu hối thúc.
-Tía má sống thì giữ mồ mả, chết thì nằm bên ông bà, vợ chồng bay cứ đi đi, trời sanh voi sanh cỏ, bay đi tao còn chòm xóm, bay lo cái nỗi gì!
*
Dì dượng Tư ra tận ngoài đường đón gia đình Liên, sau hai năm định cư, cuộc sống gia đình dì coi như tạm ổn. Dì Tư nay có da có thịt trông đẹp và đôn hậu hơn xưa rất nhiều, đứng bên dượng Tư như đôi đũa lệch.
Dì dượng sinh sống bằng nghề may gia công từ hồi dọn đến quận Cam này. Hàng ngày dì Tư còng lưng trên bàn máy, còn dượng Tư đi lấy hàng về là xà ngay vào giúp vợ, lúc cắt chỉ, lúc vắt sổ... Làm mười bốn mười lăm tiếng một ngày, nên tuy công việc được trả tiền cắc, nhưng hàng tháng kiếm ra bạc ngàn như chơi.
Dì dượng có với nhau hai con, một gái một trai. Ra đi dì đem theo trọn vẹn bản tính đảm đang, chân tình của người phụ nữ đất Cà Mau. Dì săn sóc chồng con từ miếng ăn giấc ngủ, sống ở Mỹ nhưng dượng Tư mỗi ngày đều có giấc ngủ trưa, con cái đi học về, cơm nước đà dọn sẵn. Thằng út ú na ú núc đứng cao gần bằng mẹ, vẫn được dì chải tóc, vuốt đầu, ôm hun chùn chụt, đôi khi còn nói đớt với con ... Ngắm nhìn sự chăm sóc của dì, làm Liên liên tưởng đến bầy gà trong quê, gà mẹ lúc nào cũng giang đôi cánh che chở đàn con, cứ che mãi mà không hay đôi cánh mình đã quá nhỏ, không còn phủ kín thân con.
Vài tháng sau khi đến Mỹ, dì Tư được tin vợ chồng dì Ba đón ông cậu bà mợ trở về căn nhà cũ nơi Xóm Lá, bởi mất hết ruộng vườn. Họ sống lây lất cả năm trời, đến lúc nhận được tiền, quà dì dượng Tư gởi về, cuộc sống họ bắt đầu khởi sắc. Nhìn ảnh gởi sang, Liên thấy được sự sung túc của người bên nhà cũng như tình thương yêu gia đình nồng nàn của dì dượng Tư.
Mấy lần đầu đến thăm, các con dì Tư còn bặp bẹ vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt, rồi thưa dần và mất hẳn. Ở Mỹ vài năm, dượng Tư đến tuổi hưởng tiền già và cũng từ đó sức khỏe mỗi ngày mỗi kém. Dì Tư may vá cật lực, mong sao đủ tiền mua cho mỗi đứa con một căn nhà, để chúng khỏi phải ăn nhờ ở đậu. Ước mơ trở thành hiện thực được vài tháng, thì dượng Tư qua đời.Vợ chồng Liên lên đưa đám, đám tang nào mà chẳng buồn, lại càng buồn hơn bởi nó quá vắng vẻ. Hôm ấy, dì Tư mời mấy vị sư đến tụng niệm. Ôn lại cuộc đời người quá cố, vị sư chỉ nói được mấy câu. Dượng Tư là người chồng tốt, người cha yêu thương các con, ra đi để lại bao tiếc nhớ cho người trong gia đình.. Đến phiên các con lên đưa tiễn cha, chẳng đứa nào nói được câu gì ngoài hai chữ cám ơn. Phần Liên, những kỷ niệm với dượng Tư còn ít ỏi hơn, nhưng Liên cố nói lên tất cả lòng mình để xua đi cái buồn của buổi tiễn biệt.
-Thưa dượng Tư, con biết dượng hồi còn bên Việt nam, nhưng được chuyện trò cùng dượng là trên quê hương thứ hai này. Qua đây ngoài bên chồng, con chẳng còn ai. Lần đầu lên thăm dì dượng, con tìm lại được tình chòm xóm, sự nồng ấm chân thành của người Cà Mau. Ngày ấy dượng đưa gia đình con dạo phố Bolsa, bấy giờ chưa được gọi thân thương bằng "Tiểu Sàigòn". Nay Little Saigon được chính thức mang tên, nhưng dượng lại ra đi. Đêm qua dì Tư bảo con, dượng vẫn thường xuống phố Bolsa uống cà phê để tìm kiếm đồng hương, ngồi ôn chuyện ngày xưa, hay đánh vài ván cờ tướng cho vơi sầu...Trước khi đưa dượng Tư đến nơi an nghỉ cuối cùng, mọi người và con đưa dượng chạy một vòng khu phố Bolsa, để dượng giã từ cảnh cũ. Nhìn con phố, chắc con không tránh khỏi ngậm ngùi và khó ngăn dòng nước mắt.
Dượng Tư tuy không làm điều gì lớn lao để lại cho đời. Nhưng với vợ, dượng là người chồng tốt, với con cái, dượng là người cha hiền, với bà con chòm xóm, dượng là người láng giềng chân tình… Con tin vong linh dượng đang ở niết bàn, hợp cùng chư tôn Bồ Tát phò trợ cho thân nhân bạn bè dượng còn nơi thế gian này.
Hôm cúng 100 ngày dượng Tư mất, tuy mới ngoài năm mươi nhưng dì Tư già hẳn đi. Nhìn đôi mắt sâu mệt mỏi, Liên nghĩ dì đã thức trắng nhiều đêm và có biết bao điều chất chứa trong lòng. Xin phép chồng ở với dì thêm một đêm, Liên muốn chia bớt ưu tư trĩu nặng trong dì. Dì kể Liên nghe những việc xảy đến trong gia đình sau ngày dượng Tư ra đi.
Dượng mất, dì thu xếp về ở với con gái. Dự tính đặt bàn thờ dượng nơi phòng khách, nhưng thấy con tỏ vẻ không ưng, dì mang bàn thờ vào phòng mình. Con than không chịu nổi mùi khói nhang, dì chỉ còn nước sang hỏi tá túc bên con trai. Dâu con đồng ý cho dì ở chung, nhưng cũng không thích dì đặt bàn thờ và nhang khói trong nhà. Lòng đau, dì quay về nài nỉ con gái, để dì hương khói chồng đủ 100 ngày cho tròn đạo vợ, rồi dì rước ảnh dượng vào chùa. Nay đúng 100 ngày và cũng hết thời hạn dượng Tư được tạm trú trong ngôi nhà dượng mua cho con. Nhắc đến việc này, dì không một lời trách con, nhận hết phần lỗi về mình. Dì bảo Liên.
-Cô ba nghĩ xem, nếu muốn con chịu được mùi nước mắm, phải tập cho con ăn nước mắm. Không tập tành thì làm sao bắt nó ăn và ngửi mùi nước mắm cho được. Nền tảng gia đình và truyền thống Việt Nam được xây dựng chung quanh chiếc bàn thờ. Bên Việt Nam nghèo giàu gì, nhà nào cũng có cái bàn thờ, nhưng sang đây, mấy ai đặt bàn thờ trong nhà. Mỗi nhà đều có livingroom, famillyroom, bedroom nhưng không có bànthờroom, thì trách chi con cái không thờ cha kính mẹ. Thấm thía từng lời dì Tư nói, bởi chính Liên cũng không có bàn thờ trong nhà.
Học kinh nghiệm dì Tư truyền đạt, vợ chồng Liên tái lập bàn thờ gia tiên, tập cho con quen mùi nhang khói, dạy con những bài học vỡ lòng về đạo hiếu ngày xưa.
"cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu"
Có cha có mẹ rồi sau có mình."
Trang bìa "Đặc San 2000 Nguyễn Đình Chiểu & Lê Ngọc Hân" in hình ngôi trường Lê Ngọc Hân, nơi Liên học ngày trước, khiến Liên bồi hồi nhìn lại trường xưa. Trong quyển đặc san ấy, có một câu quan trọng mà Liên cần khắc cốt ghi tâm, câu ấy được thầy Trần Quang Minh để ngay trên đầu bài "Chuyện Người Lái Đò Và Khách Sang Sông". Liên chân thành cảm tạ thầy Minh, và xin được ghi lại đây câu mở đầu thầy viết nơi trang 7, để làm lời kết cho bài viết ngắn này.
“Tôi biết dăm ba chữ, dạy lũ trẻ. Tôi chỉ dạy năm ba chữ cho lũ trẻ, để sau này khấn ông bà ông vải. (lời cụ Phan Bội Châu)”
Nguyễn Văn Hưởng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,174
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến