Hôm nay,  

Một Người Bạn

22/11/200100:00:00(Xem: 172923)
Người viết: HOÀNG ĐÌNH BÁU
Bài tham dự số: 02-400-vb21043

Tác giả là một cựu sĩ quan Hải quân/QLVNCH. Sơ lược tiểu sử được ông ghi như sau: Sau 1975: Tù dưới chế độ CS/11 năm. Năm 1983, vợ và 4 con vượt biên tử nạn. Năm 1991, qua Mỹ diện HO. 1994 - Tốt nghiệp đại học Golden West College. 1997 - Làm Security Guard. Từ 1999 , sống ở chung cư người già. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên này cho thấy một bút pháp chừng mực và ký ức tinh tế hiếm có. Ước mong ông sẽ tiếp tục viết.

Năm 1964, chiến hạm HQ 404 khởi hành đi Guam để sửa chữa đại kỳ. Ra khỏi hải phận Việt Nam chiến hạm nhắm thẳng vịnh Subic Bay của Phi Luật Tân.
Gần đến Subic chiến hạm lại băng qua Phi Luât Tân bằng eo biển San Bernadino. Khi chiến hạm vào vịnh, cứ 3 phút, sĩ quan đương phiên làm một point để xác định vị trí của con tàu nhờ các đảo nhỏ chạy dọc theo hành lang từ Tây sang Đông. Đến 8 giờ tối thì chiến hạm xác định vị trí bằng radar. Bích đi quart đêm từ 8 giờ tối đến 12 giờ đêm. Gần 12 giờ tôi lên thay phiên cho Bích. Trước khi xuống phiên, Bích bàn giao cẩn thận mọi chi tiết về con tàu, hướng đi, vận tốc và thời tiết. Xong Bích đưa cho tôi đọc lệnh đêm của Hạm trưởng, cuối cùng hai đứa ký vào sổ bàn giao hải hành.
Đến 3 giờ sáng chiến hạm bắt đầu ra khỏi Vịnh. Biển phía ngoài hơi động và có gió, trời vẫn tối đen và có sương mù. Càng tiến ra ngoài, biển càng động mạnh, gió Nam đo được 20 hải lý/giờ, đang tụ mạnh bên hửu hạm. Thình lình từ phòng radar báo lên có echo lạ hướng 12 giờ, khoảng cách 12 hải lý. Năm phút sau lại báo cáo cách 7 hải lý. Hướng echo vẫn không thay đổi. Tôi ra lệnh lái bên phải thêm 5 độ. Ba phút sau phòng radar báo echo cách mủi tàu 5 hải lý. Tôi cho qua phải thêm 5 độ nữa. Tất cả 10 độ cộng với hướng đi trên hải đồ là 090, như vậy chiến hạm đang đi hướng 100. Bỗng quan sát viên và giám lộ báo cáo thấy đèn xanh và đèn đỏ của tàu lạ ngay trước mũi tàu. Tôi chụp ống nhòm nhìn một lần nữa. Bên ngoài trời mưa nặng hạt, những hạt mưa tạt vào đài chỉ huy cùng với gió mạnh làm tung bay tấm hải đồ và nhiều đồ đạc trên bàn. Tôi biết chiến hạm sắp nguy hiểm, có thể đụng nhau vì trời tối và sương mù mà thấy được đèn xanh, đèn đỏ là đã quá gần kề rồi. Tôi nói lớn trong ống truyền lệnh:
- Hai máy tiến hai - Bên dưới “Hai máy tiến hai”
- Hai máy tiến một. Bên dưới “Hai máy tiến một”
- Hai máy ngừng. Bên dưới “Hai máy ngừng”
- Tay lái bên phải 30 - Bên dưới “30 bên phải”
Tiếng máy Martini đánh liên tục. Chiến hạm nghiêng về bên phải. Con tàu rung động mạnh. Mọi người thức giấc nhốn nháo chạy lên bong tàu. Tôi lại ra lệnh:
- Tay lái số không - Bên dưới “số không tay lái”
Tàu lạ có lẽ cũng phản ứng như chiến hạm, cũng tay lái bên phải, hai máy ngừng. Khi cả hai con tàu vừa ngừng thì tất cả đèn pha hai bên bật sáng. Một chiếc tàu buôn khổng lồ như trái núi đang kè sát chiến hạm. Đèn trên tàu buôn rọi chiếu xuống chiến hạm từ mũi cho đến lái. Hai tàu nằm sát bên nhau với khoảng cách độ 5 mét. Thật là kỳ diệu, chỉ một tíc tắc nữa thôi chuyện gì sẽ xảy ra!
Tôi đứng trân người trên đài chỉ huy. Các giám lộ và nhân viên hiện diện đều có cảm giác như tôi. Hạm trưởng, hạm phó và Bích cũng đã lên đài chỉ huy. Tất cả đều im lặng chờ lệnh của hạm trưởng. Ông ta ra lệnh cho tôi trước khi rời đài chỉ huy:
- Anh cho tàu tiếp tục chạy theo lộ trình đã vạch.
Bên kia chiếc tàu buôn cũng lặng lẽ khởi động máy, tiến thẳng vào vịnh San Bernadino.
4 giờ sáng tôi bàn giao nhiệm sở cho một sĩ quan khác rồi xuống phiên. Như thường lệ mỗi lần xuống phiên, tôi đều ghé tủ lạnh uống vài ngụm nước hoặc nấu 1 tô mì gói ăn cho đỡ đói. Nhưng hôm nay tôi đi thẳng vào giường ngủ. Tôi nằm giường trên, Bích nằm giường dưới. Mấy cái quạt máy vẫn chạy xề xề. Tôi tắt đèn ở đầu nằm rồi cố dỗ giấc ngủ nhưng vẫn trăn trở không sao ngủ được làm cả giường kêu cót két. Bích chưa ngủ, nói lên:
- Ngủ đi mày.
- Tao không sao ngủ được.
- Chuyện đã xong, mai tính.
- Nhưng ghê quá, kinh hoàng quá!
- Thế mới gọi là cuộc đời. Cuộc đời có những bí ẩn và những phép lạ mà mình không hiểu nổi.
- Tao cho đó là phép lạ thì đúng hơn.
- Ừ cũng đúng. Đó cũng là cái nghiệp vì mình đã mang cái nghề thì phải nhận lãnh cái nghiệp.
- Đúng, vinh và nhục đi kèm với nhau, mà hôm nay chính là cái nhục trong đời hải nghiệp của tao.
Hai đứa nói qua nói lại rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng hôm sau hạm phó bảo tôi mặt tiểu lễ vào trình diện hạm trưởng. Bên cạnh hạm phó có Bích đem các sổ hải hành và lệnh đêm (night order) trình hạm trưởng xem. Tôi đứng nghiêm chào hạm trưởng rồi trình bày mọi diễn biến trong phiên hải hành đêm qua. Hạm trưởng hỏi:
- Trước khi nhận phiên, anh có đọc lệnh đêm không"
- Tôi đã đọc kỹ và đã ký ở dưới.
- Anh có biết khi thấy bất kỳ đều gì bất thường đều phải báo cho hạm trưởng"
- Tôi nghĩ tôi có thể làm được việc tránh tàu như đã nhiều lần trên biển nên tôi không báo hạm trưởng.
- Ở biển khác xa với trên một hải lộ hẹp như hải lộ San Bernadino nầy. Hai tàu lại đi ngược chiều với vận tốc lớn, nên việc tránh tàu phải thực hiện trước hàng giờ, càng sớm càng tốt.
Bích xin phép Hạm trưởng rồi bổ túc:
- Thưa Hạm trưởng, vào tháng 6 này, ở đây có dòng nước mạnh chảy từ Nam lên Bắc. Lại có gió từ Nam thổi lên phía Bắc. Chiến hạm mình nhỏ, loại LSM có đài chỉ huy cao, tàu không chở gì nên rất nhẹ. Do đó độ dạt chắc chắn phải lớn nên qua phải thêm 10 độ cũng coi như chưa đủ. Tất cả đều quá muộn.
Cuối cùng Hạm trưởng nói:
- Đây là một bài học đắt giá mà bất kỳ một người sĩ quan hàng hải nào cũng phải nhớ nằm lòng trước khi nhận phiên. Thời tiết đã làm giới hạn tầm nhìn của mắt cũng như tầm quét của radar.
Sắc mặt Hạm trưởng bổng trở nên vui, ông tiếp:
- May mắn chúng ta đã thoát nạn. Nhưng anh phải viết lại mọi diễn biến đêm qua để có một bài học cho mình và cho mọi người sau nầy.
Về đến phòng tôi thay quần áo rồi nằm bất động trên giường. Tuy hạm trưởng không phạt nhưng chính tôi cũng tự xem đó là một hình phạt, một vết đen trong đời hải nghiệp của tôi.
Khi đến Guam, chiến hạm vào cảng Apra Harbor, cảng nằm phía Tây của đảo. Đảo Guam diện tích bằng đảo Phú Quốc của Việt Nam, dân số hiện nay độ 100 ngàn. Chiến hạm cặp cầu cạnh hải quân công xưởng Guam để dễ bề sửa chữa.


Hạm trưởng và các sĩ quan được ở trong các khu cư xá sĩ quan trên các ngọn đồi Nimitz Hill. Các nhân viên chiến hạm thì ở trong các barrack của Naval Station.
Tôi và Bích ở riêng mỗi người mỗi phòng nhưng có lối thông qua nên cũng xem như ở chung một phòng. Qua Guam được 2 ngày thì Hạm trưởng chỉ định tôi làm sĩ quan liên lạc. Đúng lý Bích làm công tác này tốt hơn tôi vì Bích khá Anh văn hơn tôi. Nhưng Hạm trưởng đã chỉ định thì phải thi hành. Ông bảo tôi ngày mai lên City Hall của Guam đi báo cho Governor biết chiến hạm LSM của Việt Nam đã đến Guam và xin ông cho một cái hẹn để Hạm trưởng lên thăm xã giao.
Tôi lo lắng nghĩ đến công tác nầy vì lúc đó vốn liếng tiếng Mỹ của mình không có là bao mà dám đi tiếp xúc với vị Thống Đốc của đảo. Tôi hỏi ý của Bích, nó cười:
- Thì có gì đâu, cứ nói bừa miễn sao nó hiểu là được. Hằng ngày mày tiếp xúc với thợ thầy xuống tàu sửa chữa có gì trở ngại đâu.
- Thợ thầy thì không sao nhưng với ông Governer thì tao lo quá. Mầy giúp tao đi. Kìa, xe đã đậu ngoài cửa rồi...
- Mầy lật cuốn sách nầy, đọc ở phần “Effective speaking”. Chỉ mấy trang đó thôi cũng đủ để vào gặp ông ta. Mầy nên nhớ phải nhìn thẳng, mỉm cười, bắt tay rồi lắng tai nghe, bình tĩnh trả lời từng câu hỏi. Nếu không hiểu thì xin người hỏi lập lại. Quan trọng là phải bình tĩnh.
Tôi và Bích bắt đầu dợt đi dợt lại những câu mẫu. Cuối cùng tôi tự diễn tập một đoạn cho Bích xem. Nghe xong Bích gật đầu và nói:
- Ở trường mầy Anh văn toán mấy"
- Ban đầu ở toán 2, học riết cuối cùng xuống toán 4, là toán chót.
- Toán 4 mà nói vậy cũng khá.
Vừa dợt vừa thay bộ tiểu lễ. Bộ tiểu lễ nầy vẫn còn để nguyên sau khi trình diện hạm trưởng nên mặc vào vẫn còn đầy đủ lon lá, bảng tên. Tôi nhảy ra xe đã chờ sẵn, người tài xế là anh Tài giám lộ. Chiếc pick-up đưa tôi ra thành phố Guam. Từ Hải quân công xưởng đến thành phố chỉ có một con đường. Ở Guam ngoài hai căn cứ lớn của Hải Quân, đó là HQ công xưởng và đối diện là căn cứ tàu ngầm, còn có căn cứ Không Quân lớn Anderson, nơi đây xuất phát các oanh tạc cơ khổng lồ B-52 để thả bom ở Việt Nam vào thời đó.
Khi đến City Hall, xe dừng lại trước tòa nhà có lá quốc kỳ Mỹ to đang bay phất phới. Sau khi bước vào, việc đầu tiên là tôi tìm chỗ của ông Governer làm việc. Tôi đi dọc theo hành lang bên trong; không khí mát lạnh ở đây làm tôi thấy dễ chịu hơn cái nóng gắt của mùa hè bên ngoài. Thấy mũi tên chỉ hướng phòng của ông Governor, tôi hồi hộp đi theo mà lòng cứ mong sao con đường hành lang nầy cứ dài thêm ra mãi. Rồi, đây rồi. Đứng trước chữ Governor to tướng tôi đứng lặng một lúc rồi hít mạnh vào một hơi, nín thở rồi từ từ thở ra, lấy bình tĩnh đẩy cửa bước vào. Tôi chẳng thấy ai ngoài cô thư ký xinh đẹp với làn da trắng mịn, tóc bạch kim, đôi mắt xanh biếc với hàng mi đen, cong và dài. Thú thật đời tôi chưa bao giờ gặp một cô gái đẹp như thế. Cô ta đưa tay bắt tay tôi, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi, miệng mỉm cười, nói với tôi nhẹ nhàng và thân mật:
- Hi! May I help you"
Tôi choáng váng nhìn cô ta một hồi. Tôi như bị mê hoặc. Thấy tôi bối rối, cô ta nhìn vào bảng tên trên ngực áo của tôi, cô hỏi có phải tên tôi đọc như vậy không... Tôi lấy lại bình tĩnh rồi nói lý do tôi đến đây. Nói chuyện với cô một hồi, cô bảo tôi hãy ngồi chờ rồi cô ta bước vào phòng trong. Ngồi một mình tôi nhìn bảng tên để trên bàn giấy của cô. Cô ta tên là Kathy Lee. Khi mới vào tôi có nghe cô ta giới thiệu tên nhưng có lẽ đầu óc tôi lúc đó đang mơ hồ điều gì nên tôi không nhớ rõ. Bây giờ tôi khá bình tĩnh, tôi có ý định không gọi cô bằng “You” nữa mà gọi bằng “Kathy” cho có vẻ thân mật. Những ý nghĩ trên vừa thoáng qua thì Kathy trở ra, cô ta mời tôi vào phòng trong. Vừa đi tôi vừa hình dung tôi sẽ gặp một ông Mỹ to mập, ăn mặc sang trọng với cà vạt tươi mát đang ngồi chờ tôi. Nhưng không, tôi không gặp một vị nào như tôi tưởng cả. Trước mặt tôi một người đàn ông bản xứ (Guamanian), già, xấu xí trong bộ đồ kaki bốn túi màu xanh nhạt. Có lẽ ông hiểu điều này hơn tôi nên thay vì đợi tôi tự giới thiệu thì tôi lại đứng dậy đi về phía tôi rồi tự giới thiệu:
- I am the Governor.
Tôi giật mình, xin lỗi ông rồi đứng nghiêm nói:
- Tôi là sĩ quan liên lạc của chiến hạm Việt Nam LSM 404. Hôm nay tôi đến gặp Thống Đốc để xin một cái hẹn cho Hạm trưởng tôi đến thăm xã giao.
Vị Thống Đốc vui vẻ mời tôi ngồi. Ông nói đùa vài câu trước khi hỏi thăm chiến hạm và về cuộc hành trình từ Việt Nam qua Guam. Tôi trả lời khá trôi chảy, tôi lại có ý định nói về những gì đã xảy ra khi tôi lái tàu ra khỏi vịnh San Bernadino nhưng vì vốn tiếng Mỹ của mình lúc đó còn quá nghèo nàn nên đã không dám. Cuối cùng ông nói rất hân hạnh được gặp hạm trưởng vào ngày mai lúc 10 giờ sáng. Ông đứng dậy bắt tay tôi rồi tiễn tôi ra tận cửa phòng. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì Thống Đốc đã nói với tôi một cách chậm rãi, rõ ràng nên tôi đã hiểu một cách dễ dàng. Tôi sung sướng xem như đó là một thành quả đầu tiên trên bước đường tiếp xúc với người Mỹ.
Về đến phòng, tôi kể mọi việc cho Bích nghe, nó cười và nói: “Chính tao cũng gặp nhiều chuyện nực cười như mầy”. Từ đó hai đứa thân nhau hơn và tối nào hai đứa cũng rũ nhau đi đánh bingo, ở đó hai đứa thường tiếp xúc với nhiều người Mỹ, giá có, trẻ có nhờ đó mà tiếng Anh của tôi mỗi ngày một khá.
Sau 6 tháng sửa chữa, chiến hạm rời cảng Apra trong nắng sớm làm lung linh màu biển bạc để trở về Việt Nam. Từ lúc ở Guam về tôi không còn gặp Bích nữa vì mỗi đứa thuyên chuyển mỗi nơi. Mãi đến khi đi tù về tôi nghe tin Bích và toàn thể gia đình bị tử nạn ở ngoài khơi biển Phan Thiết lúc cả nhà trên đường vượt biên. Đến 1991 tôi qua Mỹ theo diện HO. Những kinh nghiệm và những thử thách lúc tiếp xúc với người Mỹ đã thúc đẩy tôi ghi danh vào học ở các trường đại học Mỹ mà môn chính tôi thích là “Speak communication”.
Ngày nay trong quá trình hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ tôi vẫn luôn luôn nhớ đến Bích người đã giúp tôi trong những bước đầu tiên ấy. Mặc dầu bạn Bích không được đến bến bờ tự do nhưng hình ảnh bạn vẫn ở bên tôi như một người thông minh, can đảm và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
California 4-11-2001
Hoàng Đình Báu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,146,052
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Tiếp theo, từng bước, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài viết mới.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân: "Thế và Tôi." Sau đây là bài mới nhất của chàng.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, dựng ngiệp rồi giữ nghiệp trên đất Mỹ. Sau đây, thêm bài viết mới nhất.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về những kỷ vật của một cô học trò Đà Nẵng buổi giao thời.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Nhạc sĩ Cung Tiến