Hôm nay,  

Đất Nước Lạnh Lùng

20/11/200100:00:00(Xem: 221009)
Người viết: Nguyễn Thị A Tiên
Bài tham dự số: 02-398-vb61041

Tác giả: Nguyễn Thị A Tiên, 46 tuổi, vợ một sĩ quan hải quân, qua Mỹ theo diện HO năm 1990, cư ngụ tại Los Angeles, công việc: Chuyên viên thẩm mỹ. Trong phần thư riêng cho Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng, bà ghi chú thêm: Đây là bài viết thay cho ông chồng. Mong tác giả sẽ còn tiếp tục viết.

Ở Việt Nam người ta đồn rằng vợ tôi đã bỏ tôi sau khi gia đình tôi bước chân đến Mỹ được hai tháng.
Tôi đã nhận được nhiều thư " phân ưu" gởi bằng tay khi có ai qua Mỹ và một thư đòi nợ của một anh bạn. Đại khái anh ta nói anh ta biết đời sống của tôi hiện tại rất khó khăn , nhà nước Mỹ chủ trương đưa những kẻ tái định cư theo diện HO đến vùng Alaska...đập nước đá tìm dầu hoả, cảnh sát Mỹ thường xuyên kiểm soát tờ khai gia đình, chúng tôi lại ở nơi thiếu an ninh vì bọn găng tơ hay bắn giết nhau v.v.... Anh ta xin tôi cố gắng khắc phục và dành dụm gởi trả cho anh ta năm chỉ vàng mà anh ta đã "đầu tư" vào tôi khi gia đình tôi rời khỏi Việt Nam. Một tháng sau khi gởi trả năm chỉ vàng cộng thêm năm chỉ gọi là để anh bạn uống cà phê, tôi nhận được nhiều thư chúc mừng gia đình tôi đã may mắn được lên thiên đàng hạ giới, được truy lãnh những món tiền lớn, lại làm ăn phát tài. Có anh lại chúc mừng tôi đã được nhà nước Hoa Kỳ thăng quan tiến chức, đề cử tôi làm hạm trưởng một chiến hạm lớn hơn cái chiến hạm tôi đã làm hạm phó năm 1975. Anh ta nói chính phủ Hoa Kỳ thăng cho tôi một cấp như thế là hơi keo kiệt, đáng lẽ tôi phải được thăng ít nhất ba cấp. Thật tình tôi không nói ngoa chuyện này đâu.
Tôi đã tái định cư tại Hoa kỳ theo diện HO đầu tiên khi người ta còn rất mù mờ về chương trình này, nhất là khi tôi đã rời khỏi Việt Nam tại một thị trấn khỉ ho cò gáy, nơi mà người ta đã thất vọng quá nhiều nên chỉ muốn tụm năm tụm ba đồn những chuyện trên trời dưới đất về nước Mỹ cho bỏ ghét hay cho sướng miệng, để thay thế những tờ báo không bao giờ chịu viết sự thật mà sớm nhất cũng phải ba ngày sau mới đến.
Gia đình tôi gồm ba người, vợ chồng tôi và đứa con trai bảy tuổi đến Orlando, Florida đầu năm 1990. Khi ấy tôi đã 42 tuổi, còn vợ tôi thì mới 28. Chúng tôi đã được Hội Cựu Quân Nhân, trong đó có nhiều cựu quân nhân hải quân, cùng quân chủng với tôi trước kia, ra tận sân bay đón rồi đưa về một căn nhà thuê sẳn với đầy đủ tiện nghi và đồ ăn. Các anh thật là nhiệt tình. Tôi thích nhất những buổi tiệc nhỏ, anh em ngồi ôn lại những chuyện cũ, trong khi thằng con trai say mê với những đồ chơi lạ lùng còn vợ tôi thì nghe chúng tôi nói chuyện chính trị với đôi mắt ngưỡng mộ. Khi còn ở Việt Nam, cứ mỗi lần tôi đã động đến chính trị là vợ tôi đưa mắt nhìn tôi như ngầm bảo: "Thôi đi! Để thời giơ nói chuyện tào lao đi đạp xích lô kiếm vài lon gạo còn hay hơn."
Dù đã tìm hiểu rất nhiều về các hội đoàn tại Hoa Kỳ trước khi đặt chân đến đây, nhưng cái ngây thơ tội nghiệp của tôi lúc nói chuyện cũng làm cho các anh trong Hội buồn cười với nổi bẽ bàng khó tả. Có lần đang trò chuyện say sưa, anh chủ tịch hội xin phép rời bàn tiệc đi làm ca đêm, tôi ngạc nhiên hỏi:
- Anh mà cũng đi làm nữa sao" Làm gì "
Anh chủ tịch ngạc nhiên, nhưng rồi chợt hiểu và nói:
- Thì ra anh tưởng tôi lãnh lương chủ tịch.
Mọi người cười ồ lên. Tôi cũng gượng cười theo. Vợ tôi cũng cười mặc dù bà ấy đang bận nói chuyện với vợ anh chủ tịch về một đề tài khác, không hiểu chúng tôi đang nói gì.
Trong những ngày đầu ở Mỹ, vợ tôi hoàn toàn bị thu hút bởi cảnh vật và con người nơi xứ sở văn minh vật chất tột cùng này, nhưng sau đó vào một đêm vợ tôi đã thức dậy lúc ba giờ sáng, ôm mặt ngồi khóc :
- Ở chỗ gì mà chung quanh không có ai thân thích cả. Biết vậy tôi không đi đâu cả.
Tôi đã phải dỗ dành bà ta suốt một tiếng đồng hồ. Vợ tôi sinh chứng bắt tôi phải thề thốt là không được bỏ rơi bà ấy dù ở trong trường hợp nào. Tôi nói:
- Em nghĩ kỷ lại xem ! Anh hơn em 14 tuổi . Em lại là người có nhan sắc. Đáng lẽ anh phải nói câu vừa rồi mới phải. Sống với nhau mấy chục năm, em có bắt được anh phản bội em lần nào không"
- Nhưng ở Việt Nam khác. Trong khi tù tội anh còn cần tới em. Còn qua đây, anh có ... hội đoàn của anh, có bạn bè cũ của anh. ..
Tôi ngẫm nghĩ: "Hãy để cho bà ấy nghĩ như vậy đi! Cũng tốt thôi!". Thế là sau đó chúng tôi như một cặp tân hôn .
Chúng tôi có ý muốn định cư vĩnh viễn tại Orlando, nhưng vợ chồng người anh họ đang ở California gọi điện thoại cho tôi và hết lời khuyên tôi nên qua ở gần họ. Họ hứa không những sẽ xin cho gia đình tôi được hưởng trợ cấp xả hội dài dài mà còn tìm việc làm "chui" cho chúng tôi nữa. Thế là sau một đêm suy nghĩ chúng tôi mua vé xe buýt Greyhoud đi California.
Sau ba ngày hai đêm mệt mỏi nhưng được ngắm những cảnh trí hùng vĩ và văn minh của nước Mỹ, chúng tôi đến Los Angeles. Vừa ra khỏi xe, chúng tôi chỉ muốn quay về Orlando vì sự phức tạp và bẩn thỉu của khu vực này. Mùi nước tiểu xông lên nồng nặc, phố xá dơ dáy, những người vô gia cư nằm đầy đường.
Chúng tôi đang lạ lùng sợ hải nhìn cảnh một người đàn bà Mễ gần như ở trần đuổi bắt một người đàn ông da đen để lấy lại cái ví tiền, thì có xe đến đón chúng tôi về nhà vợ chồng người anh họ ở thành phố Burbank. Nơi đây là khu sang trọng khác hẳn với khu bến xe lúc nãy nhưng quá buồn bã và yên tĩnh .
Anh chị họ tôi sau bao năm xa cách mừng rỡ đón chúng tôi và dành riêng cho chúng tôi một căn phòng.
Tài, người anh họ nói:
- Chú thiếm nghỉ ngơi rồi ngày mai bắt tay vào công việc ngay. Ở đây mới đúng là "lao động vinh quang".
Chị Tài nói thêm:
- Chú thiếm không biết chớ ở Mỹ cái gì cũng business cả, kể cả chính trị và tôn giáo.
Sáng hôm sau , anh Tài đem chúng tôi đi xin trợ cấp xả hội. Buổi chiều anh Tài đem vợ chồng tôi trở lại khu bến xe để cắt đặt công việc cho chúng tôi trong tiệm Food To Go do anh chị Tài làm chủ. Chúng tôi lại trực diện cái cảnh dơ dáy và phức tạp hôm qua.
Tiệm đồ ăn nằm ngay trong khu thương xá mà bên trên là trạm hành khách của công ty xe buýt xuyên bang Greyhound. Có lẽ không có một khu thương xá nào trên thế giới ghê gớm hơn đây, nơi trú ẩn của những kẻ vô gia cư, trộm cắp, đĩ điếm và ma tuý..
Anh Tài giao cho vợ tôi làm ca ngày với vài nhân viên khác, còn tôi thì làm ca đêm với một người Mễ. Tối hôm đó tôi đã bắt tay ngay vào công việc. Sau một ngày tập sự, tôi được giao nhiệm vu nấu và làm nhiều món Tây Tàu như gà chiên, khoai tây chiên, hamburger, hotdog, mì xào v.v...
Một đêm tôi đang pha cà phê cho khách thì có một anh Mỹ đen đến xin cà phê uống. Đó là một anh chàng nửa vô gia cư, nửa khùng. Anh ta đeo đủ loại huy chương, ít nhất cũng mười cái, có cái đeo ngay ở chỗ không nên đeo, đặc biệt trên cổ áo có gắn cặp lon trung tướng. Anh ta thấy tôi chần chờ không muốn cho cho cà phê bèn hỏi:
- Where do you come from "
-Vietnam.
-You fight me.
-No, friend.
-No, you fought me.
Anh ta vừa nói vừa lầm lì bỏ đi.
Một đêm tôi đang tính tiền thì một gã Mỹ đen khác đến mua một phần đồ ăn gồm ba món: gà chiên, khoai tây chiên và cà phê. Sau khi đưa hai món gà và khoai chiên cho hắn, tôi lúi húi pha cà phê và khi pha xong nhìn lên thì thấy hắn đang bưng gói gà và khoai chiên chạy bay ra cửa. Cách vài ba ngày sau hắn lại đến và làm y như lần trước. Lần thứ ba, hắn lại đến nữa và cũng làm y như hai lần đầu, tôi điên tiết không một giây suy nghĩ, nhãy qua quầy hàng và đuổi theo hắn. Thấy bị đuổi theo, hắn vừa chạy vừa cho luôn cả gà lẫn khoai tây vào mồm nhai và cười sằng sặc.
Vợ tôi làm ca ngày và thường xuyên nấu nướng trong bếp nên không gặp những tình huống như tôi đã gặp, tuy nhiên công việc này cũng không thích hợp với bà ta.
Khi còn ở Orlando cũng như khi qua Los Angeles, các bạn cùng khoá sĩ quan hải quân Nha Trang thường hay liên lạc với tôi. Nhất là ở Los, hầu như ngày nào họ cũng gọi điện thoại thăm hỏi và tuần nào cũng ghé thăm chúng tôi. Thấy vậy anh chị Tài nói:
- Chú thiếm đừng có tin các hội này hội nọ, ông này ông kia. Tất cả chỉ là business thôi.
Tôi nói:
- Nhưng đây là những người bạn thân cũ. Thấy họ như thấy lại tuổi trẻ...
- Tình bạn cũng business. Chỉ có " ông Tiền" là trên hết.
Tôi bực mình nói :
- Vậy tình anh chị em có business không "
Anh chị Tài im lặng. Vậy là từ đó sự quan hệ giửa tôi va anh chị Tài có phần lạnh nhạt.

Một hôm có một người bạn cùng khoá đến thăm chúng tôi. Tôi hỏi:
- Mầy thấy có việc gì cho tao làm không "


- Cũng khó xin viêc có đồng lương khá, nhưng nếu làm thợ rờ lương ít thì cũng dễ. Nhưng nghe nói mầy đang làm manager cho restaurant của người anh họ, lương khá lắm mà.
Tôi nói:
- Có thể là manager của restaurant như mầy nói, nhưng lương thì...
-Bao nhiêu "
-Tao làm ca đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng, 4 đô la một giờ, trừ thuế còn trên 3 đô la một giờ.
Anh bạn ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Chuyện gia đình anh em mầy thì tao chen vô cũng bất tiện, nhưng lương hướng như vậy thì ...cũng ít. Hơn nữa mầy làm chui trả tiền mặt, sao lại có thuế. Còn lương vợ mầy bao nhiêu "
- Tao không để ý, nhưng chắc là ít hơn tao nhiều vì bà ấy làm ban ngày.
Anh bạn lại ngẫm nghĩ và nói:
- Tao thấy tốt nhất mầy nên tập may, còn vợ mày thì làm móng tay.
Tôi đem chuyện này ra bàn với vợ tôi. Sáng hôm sau tôi nói với chị Tài là chúng tôi muốn nghĩ việc.
Chị Tài nói:
- Dĩ nhiên chú thiếm muốn làm hay nghĩ là tuỳ ý. Nhưng tụi này chỉ muốn giúp đở mà thôi. Tôi nói thiệt, thiếm làm với tụi tôi thì còn là vợ chú; thiếm mà đi làm nail là kể như mất. Ai mà kiểm soát được Cái nghề nail này đã cứu sống biết bao nhiêu gia đình Việt Nam ở Mỹ nhưng cũng làm nhiều gia đình...điêu đứng. Nói cụ thể như chú với thiếm, chú có làm nail được như thiếm không " Mà không làm nail thì chú làm cái gì cho ra tiền bằng thiếm " Đàn bà mà làm tiền nhiều hơn chồng thì coi chồng có ra cái gì không "
Tôi nghĩ không lẽ vì " sợ vợ làm ra tiền" mà gia đình chúng tôi phải chịu đựng nghèo khổ hay sao. Hơn nữa, vợ chớ không phải là xe hơi hay xe gắn máy, đâu có khoá được. Nếu nó muốn mất thì để đâu mà chẳng mất. Thế là chúng tôi quyết định ra ở riêng. Ngày hôm sau tôi đưa vợ tôi học nail, còn tôi thì vẫn làm cho Tài và Lý nhưng chỉ làm cho phải phép, một tuần bốn ngày. Một thời gian rất ngắn, vợ tôi thi đậu bằng móng tay và đi làm. Bà ấy rất có khiếu về nghề này nên kiếm được khá tiền. Phần lớn những vật dụng trong gia đình và ngay cả chiếc xe hơi cũ cũng do bà ấy sắm. Riêng tôi vẫn tiếp tục làm với đồng lương 3 đô la 13 cent một giờ. Từ ngày làm ra tiền vợ tôi trông trẻ đẹp hơn, bà ấy lại rất thích đi mua sắm, nên ăn diện sang trọng hơn. Có lần tôi đem chuyện chị Tài nói về vợ tôi kể cho vợ tôi nghe. Bà ấy chỉ im lặng, làm như đó là chuyện đương nhiên có lý, không cần trả lời; hay là chuyện quá vô lý, không thèm trả lời. Đằng nào thì tôi cũng chẳng tìm hiểu được g.
Một đêm tôi đã tâm sự với vợ tôi:
- Sau năm 1975 tất cả người Việt đều đổi đời, ngay cả ở đây. Từ ngày qua Cali, anh thấy em có vẻ buồn. Nếu em tưởng anh qua Mỹ để truy lãnh hay làm một cái gì tương tự như vậy là em lầm. Anh đâu phải là lính Mỹ.
Một hôm Tây, người hàng xóm trước đây ở Việt Nam đến thăm và mời gia đình chúng tôi đi ăn. Khi lái xe ngang một ngân hàng lớn, Tây xuống xe và đến cái máy rút tiền ATM. Vợ tôi và thằng con nhỏ trô mắt thán phục nhìn Tây cho một cái thẻ màu xanh xanh vào khe hở nơi máy và những tờ đô la sột soạt chạy ra. Thằng con trai nói:
- Chú Tây chắc giàu lắm, phải không ba "
Nghe thấy thằng bé cứ hỏi mãi, vợ tôi bực mình nói:
- Đừng có hỏi vớ vẩn nữa, ba mẹ không ai biết gì đâu!
Sau khi chìa cho tbằng con trai tôi năm tờ 20 đô, Tây đưa chúng tôi vào ăn tại một nhà hàng lớn, xong đưa chúng tôi về nhà anh ta chơi, nói là để cho biết nhà. Thật tôi không ngờ anh chàng hàng xóm của tôi trước kia, gần như không được học hành và không một xu dính túi, nay lại là chủ nhân một cơ ngơi sang trọng như vậy. Tôi không thấy vợ con của Tây đâu cả, nhưng không hỏi vì thấy hình như Tây cố ý không muốn ai đã động đến việc này. Sau đó Tây thường xuyên liên lạc với gia đình tôi. Thỉnh thoảng Tây đem xe lên chở cả gia đình xuống ngủ lại nhà anh ta. Vì là chỗ rất thân tình trước kia, nên chúng tôi rất thích gặp Tây.
Cuộc sống của gia đình chúng tôi vẫn đều đặn trôi qua như vậy cho đến một hôm ...Tôi đi làm về thì thấy vợ tôi đang nói chuyện điện thoại. Thấy tôi bà ấy vội bỏ ống nghe xuống. Tôi định hỏi ai gọi, nhưng bà ấy đã vội vàng đi làm. Tôi chờ bà ấy đi rồi, đến nhất ống nghe lên, bấm hoa thị và số 69 tức bấm trở lại số điện thoại vừa gọi tới. Nghe bên kia đầu dây có tiếng Tây nói: " A lô", tôi bèn bỏ ống nghe xuống, đi ra cửa đuổi theo vợ tôi, nhưng không thấy bà ấy đâu cả.
Từ đó tôi âm thầm lặng lẽ đau khổ một mình, không nói cho ai biết cả. Xưa nay tôi rất hãnh diện về đức hạnh của vợ tôi, nếu nói việc này ra tôi chỉ sợ người ta cười. Tôi muốn hỏi thẳng vợ tôi cho ra lẽ, nhưng lại sợ bà ấy cũng nói thẳng như " Tôi vậy đó ! Anh muốn làm gì thì làm !". Nếu bà ấy nói như vậy thì có lẽ tôi cũng chỉ chịu thua thôi. Ở cái xứ Mỹ này, thằng người như tôi, 46 tuổi, không tài sản, không nghề nghiệp vững chắc, bằng cấp cũ chẳng ai dùng..., tôi có thể lấy được ai bằng vợ tôi.
Một hôm chuông điện thoại reo, tôi nhấc ống nghe lên thì có tiếng chị Tài nói :
- Chú biết không " Tôi thấy tận mắt có người đàn ông đưa thiếm về nhà. Tôi có ghi số xe đây.
Sau khi ghi số xe xong, tôi định hỏi tiếp thì chị Tài đã cúp máy.
Thế là tôi lại âm thầm đau khổ. Kể từ ngày đó tôi hay gắt gỏng với vợ tôi. Vợ tôi thấy tôi như vậy, chỉ tỏ vẽ lạnh lùng mà không bao giờ nói ra vì tánh bà ấy rất ít nói. Sự lạnh lùng và lặng lẽ của vợ tôi làm tôi càng chắc chắn là bà ấy đã phản bội tôi. Tôi sắp đặt ngững kế hoạch mà tôi cho là hay nhất để bắt quả tang sự phản bội này. Trước hết tôi đi mua một cái máy thâu tiếng các cuộc điện đàm. Tôi dấu máy trong một chỗ thật kín và nối đường dây điện thoại vào. Khi có điện đàm là máy tự động thâu. Trong một tuần lễ như vậy tôi chỉ nghe toàn chuyện không đáng nghe, nhưng sang ngày thứ tám tôi nghe có tiếng vợ tôi nói : "...Em đợi ngay chỗ cũ, chợ Vons gần nhà. 5 giờ nghe !.." Sau đó hết băng. Thật là tức ! Tôi không đi xe của mình mà thuê một chiếc xe khác, lái ra chợ Vons lúc 4 giờ 30 và ngồi trong xe rình. Như vậy chắc chắn vợ tôi sẽ không nhận ra tôi đang đi theo. Đúng 5 giờ vợ tôi đến chỗ hẹn đợi một lát, sau đó lại gọi điện thoại và lên xe buýt. Tôi lái xe theo xe buýt. Đến một trung tâm thương nghiệp lớn ở thành phố Glendale, vợ tôi xuống xe và đi vào, không hề biết có tôi theo sau. Chừng mười lăm phút sau, khi tôi đang giả vờ mua một món hàng trong một chỗ khuất thì có ai ở phía sau đập vào vai. Tôi giật mình quay lui thì thấy chị Như, người cùng làm chung với vợ tôi tại tiệm móng tay.
Chị Như nói:
- Anh cũng đi nữa sao" Sao bà xã không nói, để tôi rủ ông xã đi luôn. Bà ấy đâu rồi " Tôi hẹn 5 giờ tại chợ Vons nhưng bà ấy gọi phone hẹn lên đây luôn.
Vừa lúc ấy vợ tôi đến nơi và ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi lúng túng không biết nói sao và cũng đi theo hai người luôn. Sau buổi đi mua sắm hôm đó, tôi thấy vợ tôi có ý muốn nói với tôi một điều gì đó, nhưng mãi đến tối bà ấy mới ngập ngừng: :
-Em thấy hình như anh không tin em.
- Bộ bây giờ em mới thấy sao"
- Chứ sao.
- Anh hỏi em, thằng nào đưa em về nhà tối hôm đó "
- Thằng nào là thằng nào"
- Anh có ghi số xe đây này.
- Đưa em xem.
Vợ tôi bỗng cười ồ lên :
- Anh không nhớ anh đã nhờ anh Như đưa em về nhà tối hôm đó sao " Anh không nhớ số xe này là của anh Như sao.
Quả thật tôi đã lú lẫn, đến nổi không nhớ đến một việc rất dễ nhớ như vậy. Tôi định tỏ một thái độ nào đó để xin lỗi vợ tôi, nhưng sực nhớ đến Tây, tôi hỏi:
-Bây giờ anh hỏi em một lần chót nữa thôi. Sau đó nếu anh hiểu nhầm, anh sẽ xin lỗi em. Anh xin hỏi thẳng: Em và Tây ...thế nào "
Vợ tôi nói:
- Anh không hiểu nhầm gì lắm đâu. Chuyện này em định nói với anh lâu rồi, nhưng sợ anh ...
-Em cứ nói đi ! Thà một lần...
-Thôi để em nói cho rồi. Thật là khốn nạn! Ông Tây cứ rủ em đi chơi hoài. Lúc đầu em còn lịch sự từ chối, sau em nói thẳng vào mặt mà ông ta cũng vẫn nham nhở.
Tôi biết chắc là vợ tôi đã nói tất cả sự thật, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng tự ái. Tôi nói:
- Anh nghĩ rằng thường khi người ta làm một việc như thế, phải thấy chắc ăn người ta mới làm. Tai sao Tây lại rủ em đi chơi, mà không rủ người khác " Một là em ...lả lơi với nó, hai là nó thấy anh quá tệ, quá chênh lệch so với em. Nó tin nó tán em là dính ngay.
- Biết vậy em không nói cho anh nghe việc này. Sao anh biết nó không tán người khác"
- Anh nghĩ là nó biết anh đã hết thời. Anh nghĩ rằng nó biết em thất vọng về anh quá nhiều sau khi đến Mỹ.
Lần đầu tiên tôi nghe vợ tôi nói nhiều :
- Anh làm thầy bói giỏi thật! Toàn là chuyện anh nghĩ ra không mà thôi. " Anh nghĩ, anh nghĩ ". Em thấy anh cũng giàu tưởng tượng thật. Anh nên viết chuyện này đăng báo đi! May ra có người xem.
Nguyễn A Tiên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,331
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.